GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY NĂM B

WHĐ (21.02.2024)Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.


Số 554-556, 568: Cuộc Hiển Dung

Số 59, 145-146, 2570-2572: Sự vâng phục của ông Abraham.. 3

Số 153-159: Những đặc tính của đức tin. 4

Số 2059: Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài để cho biết thánh ý của Ngài 6

Số 603, 1373, 2634, 2852: Đức Kitô bênh đỡ chúng ta. 6

Bài Ðọc I: St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18. 7

Bài Ðọc II: Rm 8, 31b-34. 8

Phúc Âm: Mc 9, 2-10



Số 554-556, 568: Cuộc Hiển Dung

Nếm trước Nước Trời: Chúa Hiển Dung

554. Từ ngày ông Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giêsu “bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết, Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ…, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Ông Phêrô khước từ lời loan báo đó[1], các môn đệ khác cũng không hiểu gì hơn[2]. Chính trong bối cảnh này, đã xảy ra biến cố kỳ diệu là cuộc Hiển Dung của Chúa Giêsu[3] trên núi cao, trước mặt ba nhân chứng do Người lựa chọn, là các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Dung mạo và y phục của Chúa Giêsu trở nên chói sáng, ông Môisen và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người, “nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9,31). Một đám mây bao phủ các Ngài và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

555. Chúa Giêsu tỏ lộ vinh quang thần linh của mình trong chốc lát, và như vậy Người xác nhận lời tuyên xưng của ông Phêrô. Người cũng cho thấy rằng, để “vào trong vinh quang của Người” (Lc 24,26), Người phải đi qua thập giá tại Giêrusalem. Ông Môisen và ông Êlia đã thấy vinh quang của Thiên Chúa trên núi; Lề luật và các Tiên tri đã tiên báo những đau khổ của Đấng Messia[4]. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đúng là do ý muốn của Chúa Cha: Chúa Con hành động với tư cách là Người Tôi Trung của Thiên Chúa[5]. Đám mây nói lên sự hiện diện của Chúa Thánh Thần: “Cả Ba Ngôi cùng xuất hiện, Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong nhân tính của mình, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng chói”[6]:

“Lạy Chúa Kitô là Thiên Chúa, Chúa đã hiển dung trên núi và, tuỳ theo khả năng, các môn đệ Chúa chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, để mai sau khi thấy Chúa chịu đóng đinh thập giá, họ hiểu rằng Chúa đã tự nguyện chịu khổ hình. Rồi họ sẽ loan báo cho thế giới biết Chúa chính là vinh quang Chúa Cha chiếu toả”[7].

556. Tại ngưỡng cửa đời sống công khai: phép rửa; tại ngưỡng cửa cuộc Vượt Qua: biến cố Hiển Dung. Qua phép rửa của Chúa Giêsu, “mầu nhiệm cuộc tái sinh lần thứ nhất” được loan báo: đó là bí tích Rửa Tội của chúng ta; Hiển Dung là “bí tích của cuộc tái sinh lần thứ hai”: đó là sự phục sinh riêng của chúng ta.[8] Ngay từ bây giờ, chúng ta được tham dự vào sự phục sinh của Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong các bí tích của Thân Thể Chúa Kitô. Biến cố Hiển Dung cho chúng ta được nếm trước việc ngự đến trong vinh quang của Chúa Kitô, Đấng “sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21). Nhưng biến cố ấy cũng nhắc nhở chúng ta rằng: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22).

“Khi ông Phêrô ước ao sống với Đức Kitô trên núi, ông chưa hiểu gì[9]. Hỡi ông Phêrô, Chúa sẽ chỉ dành cho ông điều đó, sau khi chết. Còn hiện nay thì Chúa nói: Hãy xuống núi để chịu lao nhọc ở trần gian, để phục vụ ở trần gian, để chịu sỉ nhục, chịu đóng đinh ở trần gian. Đấng là Sự Sống, đã xuống để bị giết; Đấng là Bánh, đã xuống để chịu đói; Đấng là Đường, đã xuống để chịu mệt nhọc trên đường; Đấng là Nguồn Mạch, đã xuống để chịu khát; còn ông lại từ chối lao nhọc ư?”[10].

568. Cuộc Hiển Dung của Chúa Kitô nhằm mục đích củng cố đức tin của các Tông Đồ để chuẩn bị cho cuộc khổ nạn: việc leo lên “núi cao” chuẩn bị cho việc leo lên đồi Calvariô. Đức Kitô, Đầu của Hội Thánh, biểu lộ điều Thân Thể Người ao ước và là điều được phản ánh trong các bí tích: đó là “niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,27)[11].


Số 59, 145-146, 2570-2572: Sự vâng phục của ông Abraham

59. Để quy tụ loài người đang tản mác về một mối, Thiên Chúa chọn ông Abram và phán với ông: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi” (St 12,1); với ý định làm cho ông thành Abraham, nghĩa là “cha của vô số dân tộc” (St 17,5): “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3)[12].

145. Thư gửi tín hữu Do thái, trong bài tán dương đức tin của các bậc tổ tiên, đã đặc biệt nhấn mạnh đến đức tin của ông Abraham: “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8)[13]. Nhờ đức tin, ông đã sống như kẻ mới nhập cư và người lữ hành trong Đất hứa[14]. Nhờ đức tin, bà Sara đã thụ thai người con của lời hứa. Cuối cùng, nhờ đức tin, ông Abraham đã dâng hiến con một mình làm hy lễ[15].

146. Như vậy, ông Abraham đã thực hiện điều Thư gửi tín hữu Do thái định nghĩa về đức tin: “Đức tin là bảo đảm cho những điều hy vọng, là bằng chứng của những điều ta không thấy” (Dt 11,1). “Ông Abraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính” (Rm 4,3)[16]. “Nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh” (Rm 4,20), ông Abraham trở thành “tổ phụ của tất cả những người tin” (Rm 4,11.18)[17].

2570. Ngay khi Thiên Chúa kêu gọi, “ông Abraham ra đi, như Chúa đã phán với ông” (St 12,4): trái tim ông hoàn toàn “suy phục Lời Chúa”; ông vâng lời. Sự lắng nghe của trái tim quyết định tuân theo Thiên Chúa là điều cốt yếu của việc cầu nguyện, các lời nói chỉ quy về đó. Nhưng việc cầu nguyện của ông Abraham được diễn tả trước tiên bằng hành động: là con người thinh lặng, ông đã dựng một bàn thờ để kính Chúa ở mỗi chặng dừng chân. Chỉ mãi sau này, lần đầu tiên ông mới cầu nguyện bằng lời: đó là một lời than thở kín đáo, nhắc Thiên Chúa nhớ đến các lời hứa của Ngài, mà xem ra như không được thực hiện[18]. Như vậy, ngay từ đầu đã xuất hiện một trong những khía cạnh của tấn bi kịch cầu nguyện: đó là thử thách đức tin vào sự trung tín của Thiên Chúa.

2571. Vì tin vào Thiên Chúa[19], đi trước nhan Ngài và trong giao ước với Ngài,[20] tổ phụ Abraham đã sẵn sàng đón tiếp Vị khách huyền bí vào lều trại của mình. Lòng hiếu khách đặc biệt của tổ phụ tại Mambrê mở đường cho Thiên Chúa loan báo về Người Con đích thực của lời hứa[21]. Từ lúc đó, khi được Thiên Chúa bộc lộ cho biết ý định của Ngài, trái tim của tổ phụ Abraham đã hòa theo lòng trắc ẩn của Chúa mình đối với loài người và dám chuyển cầu cho họ với một niềm tin tưởng bạo dạn[22].

2572. Trong cuộc thanh luyện cuối cùng về đức tin, Thiên Chúa đã đòi ông Abraham, người “đã nhận được lời hứa” (Dt 11,17), phải sát tế đứa con mà Thiên Chúa đã ban cho ông. Ông Abraham vẫn vững tin: “Lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu” (St 22,8), vì nghĩ rằng “Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy” (Dt 11,19). Như vậy, vị tổ phụ của những người tin đã nên giống Chúa Cha, Đấng chẳng tha chính Con Một của Ngài, nhưng đã trao nộp Người vì hết thảy chúng ta[23]. Nhờ cầu nguyện con người được phục hồi tình trạng “giống như Thiên Chúa” và được tham dự vào quyền năng của tình yêu Thiên Chúa, là quyền năng cứu độ muôn người[24].


Số 153-159: Những đặc tính của đức tin

Đức tin là một ân sủng

153. Khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giêsu nói với ông rằng không phải huyết nhục mạc khải cho ông điều ấy, nhưng là Cha của Người, “Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17)[25]. Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa tuôn ban. “Để có được đức tin này, cần có ân sủng Thiên Chúa đến trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, Ngài mở mắt lý trí và cho ‘mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý’”[26].

Đức tin là một hành vi nhân linh

154. Chỉ có thể tin nhờ ân sủng và những trợ giúp nội tâm của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, tin vẫn thật sự là một hành vi nhân linh. Tin vào Thiên Chúa và gắn bó với những chân lý do Ngài mạc khải không đi ngược với tự do và trí khôn con người. Ngay trong các giao tiếp giữa người với người, không có gì đi ngược với phẩm giá của chúng ta khi chúng ta tin những gì người khác nói về bản thân họ hoặc ý định của họ, và khi tin vào những lời hứa của họ (chẳng hạn những cam kết hôn nhân), và như vậy con người có thể hiệp thông với nhau. Do đó, càng không có gì đi ngược với phẩm giá của chúng ta, khi chúng ta “bằng đức tin, dâng lên Thiên Chúa, Đấng mạc khải, sự quy phục trọn vẹn của lý trí và ý chí”[27], và như vậy, chúng ta được hiệp thông thân mật với Ngài.

155. Trong đức tin, lý trí và ý chí con người cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa: “Tin là một hành vi của lý trí chấp nhận chân lý của Thiên Chúa theo lệnh của ý chí được Thiên Chúa tác động nhờ ân sủng”[28].

Đức tin và lý trí

156. Động lực khiến chúng ta tin không phải là vì các chân lý được mạc khải tỏ hiện là xác thật và có thể hiểu được đối với ánh sáng của lý trí tự nhiên của chúng ta. Chúng ta tin “vì uy quyền của chính Thiên Chúa, Đấng mạc khải, Đấng không thể sai lầm cũng như không thể lừa dối chúng ta”[29]. “Tuy nhiên, để đức tin của chúng ta ‘quy phục phù hợp với lý trí’, Thiên Chúa đã muốn có những bằng chứng bên ngoài về mạc khải của Ngài kèm theo sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần”[30]. Chẳng hạn, các phép lạ của Đức Kitô và của các Thánh[31], các lời tiên tri, sự phát triển và thánh thiện cũng như sự phong phú và vững bền của Hội Thánh, đó “là những dấu chỉ chắc chắn nhất của mạc khải của Thiên Chúa, những dấu chỉ đó phù hợp với lý trí của mọi người”[32], đó là những động lực khiến chúng ta tin, những động lực đó cho thấy “sự ưng thuận của đức tin hoàn toàn không phải là một hành vi mù quáng của tâm trí”[33].

157. Đức tin thì chắc chắn, chắc chắn hơn mọi hiểu biết phàm nhân, bởi vì đức tin dựa trên chính Lời của Thiên Chúa, Đấng không thể nói dối. Các chân lý được mạc khải có thể bị coi là tối tăm đối với cả lý trí lẫn kinh nghiệm phàm nhân, nhưng “sự chắc chắn nhờ ánh sáng của Thiên Chúa thì lớn hơn sự chắc chắn nhờ ánh sáng của lý trí tự nhiên”[34]. “Mười ngàn nỗi khó khăn không làm thành một sự hồ nghi”[35].

158. “Đức tin tìm hiểu biết[36]: gắn liền với đức tin là việc người tin muốn biết rõ hơn về Đấng mình đã tin và hiểu rõ hơn về điều Ngài đã mạc khải; về phần mình, một hiểu biết sâu xa hơn sẽ dẫn đến một đức tin lớn lao hơn, luôn thấm đượm tình yêu hơn. Ơn đức tin mở “con mắt của trái tim” (Ep 1,18) để có một hiểu biết sống động về các nội dung của mạc khải, nghĩa là về toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa và các mầu nhiệm đức tin, tương quan giữa các mầu nhiệm với nhau và với Đức Kitô, tâm điểm của các mầu nhiệm được mạc khải. “Và để người ta hiểu biết mạc khải sâu xa thêm mãi…, Chúa Thánh Thần không ngừng ban các hồng ân mà kiện toàn đức tin”[37]. Đúng như câu châm ngôn của thánh Augustinô: “Bạn hãy hiểu để tin; bạn hãy tin để hiểu”[38].

159. Đức tin và khoa học. “Mặc dù đức tin vượt trên lý trí, nhưng không bao giờ có thể có mâu thuẫn thật sự giữa đức tin và lý trí: vì cùng một Thiên Chúa, Đấng mạc khải các mầu nhiệm và tuôn đổ đức tin, cũng là Đấng ban ánh sáng lý trí cho tâm hồn con người, mà Thiên Chúa không thể tự phủ nhận chính mình Ngài, cũng như điều chân thật không bao giờ nghịch lại điều chân thật”[39]. “Bởi vậy, việc nghiên cứu có phương pháp trong mọi ngành, nếu được tiến hành một cách thật sự khoa học và theo đung các chuẩn mực luân lý, sẽ không bao giờ thật sự đối nghịch với đức tin, bởi vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều có nguồn gốc là bởi cùng một Thiên Chúa. Hơn nữa, ai khiêm tốn và kiên nhẫn cố gắng nghiên cứu những bí ẩn của các sự vật, thì mặc dù họ không ý thức, họ vẫn như được dẫn đưa bởi bàn tay của Thiên Chúa, Đấng đang nâng đỡ vạn vật, Ngài làm cho hiện hữu những gì đang hiện hữu”[40].


Số 2059: Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài để cho biết thánh ý của Ngài

2059. “Mười lời” được Thiên Chúa công bố trong một cuộc thần hiện (“Chúa đã phán với anh em, mặt đối mặt, trên núi, từ trong đám lửa”: Đnl 5,4). Mười lời này thuộc về mạc khải, Thiên Chúa tỏ cho biết về chính Ngài và về vinh quang của Ngài. Khi ban các điều răn, Thiên Chúa ban tặng chính mình Ngài và thánh ý của Ngài. Khi tỏ cho biết các thánh ý Ngài, Thiên Chúa mạc khải chính mình cho dân Ngài.


Số 603, 1373, 2634, 2852: Đức Kitô bênh đỡ chúng ta

603. Vì không phạm tội, Chúa Giêsu không bao giờ biết đến việc bị Thiên Chúa loại bỏ[41]. Nhưng trong tình yêu cứu chuộc, một tình yêu hằng kết hợp Người với Chúa Cha[42], Người đã đảm nhận lấy chúng ta, những kẻ đang vì tội lỗi mà lạc đường lìa xa Thiên Chúa, đến độ trên thập giá, Người đã có thể thốt lên thay chúng ta: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con!” (Mc 15,34)[43]. Vì đã kết hợp Đức Kitô với chúng ta là các tội nhân, nên Thiên Chúa “đã chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp chính Con Một của Ngài vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32), để chúng ta “được giao hoà với Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Một Ngài” (Rm 5,10).

1373. “Đức Kitô Giêsu, Đấng đã chết, hơn nữa đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta” (Rm 8,34) đang hiện diện trong Hội Thánh Người dưới nhiều hình thức[44]: trong Lời của Người, trong kinh nguyện của Hội Thánh Người, “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20), trong những người nghèo khổ, những bệnh nhân, những người bị cầm tù[45], trong các bí tích mà chính Người là tác giả, trong Hy tế Thánh lễ và trong con người thừa tác viên. Nhưng “nhất là Người hiện diện dưới các hình dạng Thánh Thể”[46].

2634. Chuyển cầu là lời kinh cầu xin làm cho chúng ta đến gần với kinh nguyện của Chúa Giêsu. Người là Đấng chuyển cầu duy nhất nơi Chúa Cha cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho kẻ tội lỗi[47]. “Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7,25). Chính Chúa Thánh Thần “cầu thay nguyện giúp…, bởi vì Ngài cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27).

2852. Ma quỷ “ngay từ đầu đã là tên sát nhân… là kẻ nói dối và là cha sự gian dối” (Ga 8,44), “là Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ” (Kh 12,9). Vì nó mà tội lỗi và sự chết đã xâm nhập trần gian và nhờ nó vĩnh viễn bị đánh bại, mà toàn thể thụ tạo đã “được giải thoát khỏi cảnh hư nát vì tội lỗi và sự chết”[48]. “Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, người đó không phạm tội; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy được. Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần” (1 Ga 5,18-19):

“Chúa quyền năng, Đấng tẩy sạch tội lỗi và tha thứ các lỗi lầm của bạn, Ngài che chở và gìn giữ bạn chống lại các mưu mô của kẻ thù là ma quỷ, để kẻ thù, vốn có thói quen gây nên lầm lỗi, không làm bạn ngạc nhiên. Nhưng ai phó mình cho Thiên Chúa thì không sợ ma quỷ, bởi vì ‘có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?’ (Rm 8,31)”[49].


Bài Ðọc I: St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18

“Của hiến tế của Abraham Tổ phụ chúng ta”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông đáp lại: “Dạ, con đây”. Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”.

Khi hai người đến nơi Chúa đã chỉ, Abraham làm một bàn thờ và chất củi lên, rồi trói Isaac lại, đặt lên bàn thờ trên đống củi. Abraham giơ tay lấy dao để sát tế con mình. Bấy giờ thiên thần Chúa từ trời gọi ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông thưa lại: “Dạ, con đây”. Người nói: “Ðừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta”. Abraham ngước mắt lên, thấy sau lưng mình có con cừu đực đang mắc sừng trong bụi cây, Abraham liền bắt nó và tế lễ thay cho con mình. Thiên thần Chúa gọi Abraham lần thứ hai và nói rằng: “Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta”.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp ca: Tv 115, 10 và 15. 16-17. 18-19

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

Xướng: 1) Tôi đã tin cậy ngay cả trong lúc tôi nói: “Tấm thân tôi trăm phần khổ cực!” Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài.

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

2) Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.

3) Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giêrusalem hỡi!

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.


Bài Ðọc II: Rm 8, 31b-34

“Thiên Chúa không dung tha chính Con mình”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao? Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa chọn? (Chẳng lẽ là) chính Chúa, Ðấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án? (Chẳng lẽ là) Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta?

Ðó là lời Chúa.


Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 17,5

Từ trong đám mây sáng chói, có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.


Phúc Âm: Mc 9, 2-10

“Ðây là Con Ta rất yêu dấu”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

Ðó là lời Chúa.





[1] X. Mt 16,22-23.

[2] X. Mt 17,23; Lc 9,45.

[3] X. Mt 17,1-8; 2 Pr 1,16-18.

[4] X. Lc 24,27.

[5] X. Is 42,1.

[6] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 45, a. 4, ad 2: Ed. Leon. 11, 433.

[7] Phụng vụ Byzantin. Kontakion in die Transfigurationis: Menaia tou olou eniautou, v. 6 (Romae 1901) 341.

[8] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 45, a. 4, ad 2: Ed. Leon. 11, 433.

[9] X. Lc 9,23.

[10] Thánh Augustinô, Sermo 78, 6: PL 38, 492-493.

[11] X. Thánh Lêô Cả, Sermo 51, 3: CCL 138A, 298-299 (PL 54, 310).

[12] X. Gl 3,8.

[13] X. St 12,1-4.

[14] X. St 23,4.

[15] X. Dt 11,17.

[16] X. St 15,6.

[17] X. St 15,5.

[18] X. St 15,2-3.

[19] X. St 15,6.

[20] X. St 17,1-2.

[21] X. St 18,1-15; Lc 1,26-38.

[22] X. St 18,16-33.

[23] X. Rm 8,32.

[24] X. Rm 4,16-21.

[25] X. Gl 1,15-16; Mt 11,25.

[26] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 5: AAS 58 (1966) 819.

[27] CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 3: DS 3008.

[28] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, q. 2, a. 9, c: Ed. Leon. 8, 37; x. CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 3: DS 3010.

[29] CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 3: DS 3008.

[30] CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 3: DS 3009.

[31] X. Mc 16,20; Dt 2,4.

[32] CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 3: DS 3009.

[33] CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 3: DS 3010.

[34] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, q. 171, a.5, 3um: Ed. Leon. 10, 373.

[35] John Henry Newman, Apologia pro vitasua, c. 5, Ed. M.J. Svaglic (Oxford 1967) 210.

[36] Thánh Anselmô, Proslogion, Prooemium: Opera omnia, ed. F.S. Schmitt, v. 1 (Edinburghi 1946) 94.

[37] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 5: AAS 58 (1966) 819.

[38] Thánh Augustinô, Sermo, 43, 7, 9: CCL 41, 512 (PL 38, 258).

[39] CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 4: DS 3017.

[40] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 36: AAS 58 (1966) 1054.

[41] X. Ga 8,46.

[42] X. Ga 8,29.

[43] X. Tv 22,1.

[44] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.

[45] X. Mt 25,31-46.

[46] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 7: AAS 56 (1964) 100-101.

[47] X. Rm 8,34; 1 Ga 2,1; 1 Tm 2,5-8.

[48] Kinh nguyện Thánh Thể IV, 123: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 471.

[49] Thánh Ambrôsiô, De sacramentis, 5, 30: CSEL 73, 71-72 (PL 16, 454).