Giáo lý cho Bài giảng Chúa Nhật 2 Mùa Chay năm A

04/03/2023


GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

WHĐ (04.03.2023)Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, từ hôm nay, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các Chúa nhật, theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

LỜI CHÚA

Bài Ðọc I: St 12, 1-4a

"Abraham, người cha Dân Chúa, được kêu gọi".

Bài trích sách Sáng Thế.

Khi ấy, Chúa phán cùng Abram rằng: "Ngươi hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn, Ta sẽ ban phúc cho ngươi, cùng làm vinh danh ngươi, ngươi sẽ được diễm phúc. Ta sẽ ban phúc cho ai chúc phúc ngươi, và chúc dữ cho ai chúc dữ ngươi. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ nhờ ngươi mà được diễm phúc". Abram liền ra đi, như lời Thiên Chúa phán dạy.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

Xướng: 1) Lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

3) Linh hồn chúng tôi mong đợi Chúa: chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng tôi. Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.


Bài Ðọc II: 2 Tm 1, 8b-10

"Thiên Chúa kêu gọi và chiếu soi chúng ta".

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timôthêu.

Con thân mến, con hãy đồng lao cộng tác với Cha vì Tin Mừng, nhờ quyền lực của Thiên Chúa, Ðấng giải thoát và kêu mời chúng ta bằng ơn thiên triệu thánh của Người, không phải do công việc chúng ta làm, mà là do sự dự định và ân sủng đã ban cho chúng ta từ trước muôn đời trong Ðức Giêsu Kitô, nhưng bây giờ mới tỏ bày bằng sự xuất hiện của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Chuộc chúng ta, Người đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết và chiếu soi sự sống, và sự không hư nát được tỏ rạng.

Ðó là lời Chúa.


Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 17, 5

Từ trong đám mây sáng chói, có tiếng Chúa Cha phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người".


Phúc Âm: Mt 17, 1-9

"Mặt Người chiếu sáng như mặt trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: "Các con hãy đứng dậy, đừng sợ". Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: "Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại".  

Ðó là lời Chúa. 


GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Số 554-556, 568: Chúa Hiển Dung

554   Từ ngày ông Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giêsu “bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết, Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ…, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Ông Phêrô khước từ lời loan báo đó [X. Mt 16,22-23], các môn đệ khác cũng không hiểu gì hơn [X. Mt 17,23; Lc 9,45]. Chính trong bối cảnh này, đã xảy ra biến cố kỳ diệu là cuộc Hiển Dung của Chúa Giêsu [X. Mt 17,1-8; 2 Pr 1,16-18] trên núi cao, trước mặt ba nhân chứng do Người lựa chọn, là các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Dung mạo và y phục của Chúa Giêsu trở nên chói sáng, ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người, “nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9,31). Một đám mây bao phủ các Ngài và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

555   Chúa Giêsu tỏ lộ vinh quang thần linh của mình trong chốc lát, và như vậy, Người xác nhận lời tuyên xưng của ông Phêrô. Người cũng cho thấy rằng, để “vào trong vinh quang của Người” (Lc 24,26), Người phải đi qua thập giá tại Giêrusalem. Ông Môsê và ông Êlia đã thấy vinh quang của Thiên Chúa trên núi; Lề luật và các Tiên tri đã tiên báo những đau khổ của Đấng Mêsia [X. Lc 24,27]. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đúng là do ý muốn của Chúa Cha: Chúa Con hành động với tư cách là Người Tôi Trung của Thiên Chúa [X. Is 42,1]. Đám mây nói lên sự hiện diện của Chúa Thánh Thần: “Cả Ba Ngôi cùng xuất hiện, Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong nhân tính của mình, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng chói” [Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 45, a. 4, ad 2: Ed. Leon. 11, 433]:

“Lạy Chúa Kitô là Thiên Chúa, Chúa đã hiển dung trên núi và, tùy theo khả năng, các môn đệ Chúa chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, để mai sau khi thấy Chúa chịu đóng đinh thập giá, họ hiểu rằng Chúa đã tự nguyện chịu khổ hình. Rồi họ sẽ loan báo cho thế giới biết Chúa chính là vinh quang Chúa Cha chiếu toả” [Phụng vụ Byzantin. Kontakion in die Transfigurationis: Menaia tou olou eniautou, v. 6 (Romae 1901) 341].

556   Tại ngưỡng cửa đời sống công khai: phép rửa; tại ngưỡng cửa cuộc Vượt Qua: biến cố Hiển Dung. Qua phép rửa của Chúa Giêsu, “mầu nhiệm cuộc tái sinh lần thứ nhất” được loan báo: đó là bí tích Rửa Tội của chúng ta; Hiển Dung là “bí tích của cuộc tái sinh lần thứ hai”: đó là sự phục sinh riêng của chúng ta [Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 45, a. 4, ad 2: Ed. Leon. 11, 433]. Ngay từ bây giờ, chúng ta được tham dự vào sự phục sinh của Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong các bí tích của Thân Thể Chúa Kitô. Biến cố Hiển Dung cho chúng ta được nếm trước việc ngự đến trong vinh quang của Chúa Kitô, Đấng “sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21). Nhưng biến cố ấy cũng nhắc nhở chúng ta rằng: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22).

“Khi ông Phêrô ước ao sống với Đức Kitô trên núi, ông chưa hiểu gì [X. Lc 9,23]. Hỡi ông Phêrô, Chúa sẽ chỉ dành cho ông điều đó, sau khi chết. Còn hiện nay thì Chúa nói: Hãy xuống núi để chịu lao nhọc ở trần gian, để phục vụ ở trần gian, để chịu sỉ nhục, chịu đóng đinh ở trần gian. Đấng là Sự Sống, đã xuống để bị giết; Đấng là Bánh, đã xuống để chịu đói; Đấng là Đường, đã xuống để chịu mệt nhọc trên đường; Đấng là Nguồn Mạch, đã xuống để chịu khát; còn ông lại từ chối lao nhọc ư?.”

568   Cuộc Hiển Dung của Chúa Kitô nhằm mục đích củng cố đức tin của các Tông Đồ để chuẩn bị cho cuộc khổ nạn: việc leo lên “núi cao” chuẩn bị cho việc leo lên đồi Calvariô. Đức Kitô, Đầu của Hội Thánh, biểu lộ điều Thân Thể Người ao ước và là điều được phản ánh trong các bí tích: đó là “niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,27).[Thánh Augustinô, Sermo 78, 6: PL 38,492-493]


Số 59, 145-146, 2570-2571: Sự vâng phục của Ápraham

59   Để quy tụ loài người đang tản mác về một mối, Thiên Chúa chọn ông Ápram và phán với ông: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi” (St 12,1); với ý định làm cho ông thành Ápraham, nghĩa là “cha của vô số dân tộc” (St 17,5): “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3) [X. Gl 3,8].

145   Thư gửi tín hữu Do Thái, trong bài tán dương đức tin của các bậc tổ tiên, đã đặc biệt nhấn mạnh đến đức tin của ông Ápraham: “Nhờ đức tin, ông Ápraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8) [X. St 12,1-4]. Nhờ đức tin, ông đã sống như kẻ mới nhập cư và người lữ hành trong Đất hứa [X. St 23,4]. Nhờ đức tin, bà Xara đã thụ thai người con của lời hứa. Cuối cùng, nhờ đức tin, ông Ápraham đã dâng hiến con một mình làm hy lễ [X. Dt 11,17].

146   Như vậy, ông Ápraham đã thực hiện điều Thư gửi tín hữu Do Thái định nghĩa về đức tin: “Đức tin là bảo đảm cho những điều hy vọng, là bằng chứng của những điều ta không thấy” (Dt 11,1). “Ông Ápraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế, được kể là người công chính” (Rm 4,3) [X. St 15,6]. “Nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh” (Rm 4,20), ông Ápraham trở thành “tổ phụ của tất cả những người tin” (Rm 4,11.18) [X. St 15,5].

2570   Ngay khi Thiên Chúa kêu gọi, “ông Ápraham ra đi, như Chúa đã phán với ông” (St 12,4): trái tim ông hoàn toàn “suy phục Lời Chúa”; ông vâng lời. Sự lắng nghe của trái tim quyết định tuân theo Thiên Chúa là điều cốt yếu của việc cầu nguyện, các lời nói chỉ quy về đó. Nhưng việc cầu nguyện của ông Ápraham được diễn tả trước tiên bằng hành động: là con người thinh lặng, ông đã dựng một bàn thờ để kính Chúa ở mỗi chặng dừng chân. Chỉ mãi sau này, lần đầu tiên ông mới cầu nguyện bằng lời: đó là một lời than thở kín đáo, nhắc Thiên Chúa nhớ đến các lời hứa của Ngài, mà xem ra như không được thực hiện [X. St 15,2-3]. Như vậy, ngay từ đầu đã xuất hiện một trong những khía cạnh của tấn bi kịch cầu nguyện: đó là thử thách đức tin vào sự trung tín của Thiên Chúa.

2571   Vì tin vào Thiên Chúa [X. St 15,6], đi trước nhan Ngài và trong giao ước với Ngài [X. St 17,1-2], tổ phụ Ápraham đã sẵn sàng đón tiếp Vị khách huyền bí vào lều trại của mình. Lòng hiếu khách đặc biệt của tổ phụ tại Mambrê mở đường cho Thiên Chúa loan báo về Người Con đích thực của lời hứa [X. St 18,1-15; Lc 1,26-38]. Từ lúc đó, khi được Thiên Chúa bộc lộ cho biết ý định của Ngài, trái tim của tổ phụ Ápraham đã hòa theo lòng trắc ẩn của Chúa mình đối với loài người và dám chuyển cầu cho họ với một niềm tin tưởng bạo dạn [X. St 18,16-33].


Số 706: Lời hứa của Thiên Chúa với Ápraham được nên trọn nơi Đức Kitô

706   Trái với mọi hy vọng phàm nhân, Thiên Chúa hứa cho tổ phụ Ápraham một dòng dõi như hoa trái của đức tin và của quyền năng Chúa Thánh Thần [X. St 18,1-15; Lc 1,26-38.54-55; Ga 1,12-13; Rm 4,16-21]. Nơi dòng dõi của ông, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc [X. St 12,3.]. Dòng dõi đó sẽ là Đức Kitô [X. Gl 3,16], trong Người sự tuôn đổ Thánh Thần sẽ thực hiện việc quy tụ nên một các con cái Thiên Chúa đang tản mát [X. Ga 11,52]. Tự ràng buộc mình bằng một lời thề [X. Lc 1,73], Thiên Chúa cam kết sẽ ban Con chí ái của Ngài [X. St 22,17-18; Rm 8,32; Ga 3,16], cũng như sẽ ban Thần Khí của Lời hứa, Đấng chuẩn bị công cuộc cứu chuộc dân mà Thiên Chúa đã thủ đắc cho mình [X. Ep 1,13-14; Gl 3,14].


Số 2012-2014, 2028, 2813: Lời mời gọi nên thánh

2012   “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài… Vì những ai Ngài đã biết từ trước, thì Ngài đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Con của Ngài làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Ngài cũng kêu gọi; những ai Ngài đã kêu gọi, thì Ngài cũng làm cho nên công chính; những ai Ngài đã làm cho nên công chính, thì Ngài cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8,28-30).

2013    “Tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô hữu và đến sự trọn hảo của đức mến” [CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 40: AAS 57 (1965) 45]. Mọi người đều được kêu gọi nên thánh: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48):

“Để đạt được sự trọn hảo đó, các tín hữu phải sử dụng những sức mạnh mình đã lãnh nhận tùy theo mức độ Đức Kitô đã ban, để… khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong mọi sự, họ sẽ hiến thân với hết tâm hồn cho vinh quang Thiên Chúa và cho việc phục vụ người lân cận. Như vậy, sự thánh thiện của dân Thiên Chúa sẽ trổ sinh hoa trái dồi dào, như đã thấy một cách rõ ràng trong lịch sử Hội Thánh qua đời sống của bao vị thánh” [CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 40: AAS 57 (1965) 45].

2014   Sự tiến bộ về đời sống thiêng liêng hướng đến sự kết hợp ngày càng mật thiết hơn với Đức Kitô. Sự kết hợp này được gọi là “thần bí” (“mystica”), bởi vì tham dự vào mầu nhiệm Đức Kitô nhờ các bí tích – “các mầu nhiệm thánh” (“sancta mysteria”) –, và trong Người, tham dự vào mầu nhiệm của Ba Ngôi Chí Thánh. Thiên Chúa kêu gọi tất cả chúng ta đến sự kết hợp mật thiết này với Ngài, mặc dù những ân sủng đặc biệt và những dấu chỉ ngoại thường của đời sống thần bí này chỉ được ban cho một số người, để biểu lộ hồng ân nhưng không được ban cho mọi người.

2028   “Tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô hữu và đến sự trọn hảo của đức mến” [X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium 40: AAS 57 (1965)]. “Sự trọn hảo Kitô Giáo chỉ có một giới hạn, đó là không có giới hạn nào cả” [Thánh Grêgôriô thành Nyssa, De vita Moysis, 1, 5: ed. M. Simonetti (Vicenza 1984) 10 (PG 44,300)].

2813   Trong nước Rửa Tội, chúng ta đã “được tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta” (1 Cr 6,11). Chúa Cha gọi chúng ta trong suốt cuộc đời để “sống thánh thiện” (1 Tx 4,7), và bởi vì nhờ Thiên Chúa mà chúng ta được hiện hữu trong Đức Kitô Giêsu, “Đấng đã thánh hóa chúng ta” (1 Cr 1,30), nên vinh quang của Ngài và cuộc đời chúng ta đều tùy thuộc vào điều này, là Danh Ngài được thánh hóa trong chúng ta và bởi chúng ta. Lời cầu xin đầu tiên của chúng ta thúc bách như vậy.

“Thiên Chúa là Đấng Thánh Hóa, thì ai có thể thánh hóa Thiên Chúa? Nhưng bởi vì Ngài dạy: ‘Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh’ (Lv 11,44), nên chúng ta cầu xin, để một khi đã được thánh hóa nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được kiên trì trong tình trạng chúng ta đã khởi đầu. Hằng ngày chúng ta phải cầu xin điều đó. Quả thật, ơn thánh hóa hằng ngày là cần thiết cho chúng ta, vì ngày nào chúng ta cũng phạm lỗi nên phải thanh tẩy không ngừng nhờ ơn thánh hóa… Chúng ta phải cầu nguyện để ơn thánh hóa này luôn tồn tại trong chúng ta” [Thánh Cyprianô, De dominica Oratione, 12: CCL 3A, 96-97 (PL 4,544)].

LỊCH PHỤNG VỤ