GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

WHĐ (11.08.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.


Số 272-274: Chỉ có đức tin mới có thể đi theo những con đường mầu nhiệm của sự quan phòng. 1

Số 671-672: Trong những lúc khó khăn, hãy vun trồng niềm tin tưởng rằng tất cả đều quy phục Đức Kitô. 2

Số 56-64, 121-122, 218-219: Lịch sử các giao ước; Tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Israel 3

Số 839-840: Mối quan hệ của Hội Thánh với người Do Thái 6

Bài Ðọc I: 1 V 19, 9a. 11-13a. 6

Bài Ðọc II: Rm 9, 1-5. 7

Phúc Âm: Mt 14, 22-33


Số 164: Đức tin trải qua thử thách

164. Tuy nhiên, hiện giờ chúng ta “tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa” (2 Cr 5,7), và chúng ta nhận biết Thiên Chúa “lờ mờ như trong một tấm gương, có ngần, có hạn” (1 Cr 13,12). Mặc dù đức tin sáng tỏ nhờ Đấng chúng ta tin, nhưng đời sống đức tin lại thường tối tăm. Đức tin có thể bị thử thách. Trần gian mà chúng ta đang sống thường được coi như xa vời với những gì đức tin tuyên xưng; những kinh nghiệm về sự dữ và đau khổ, về những bất công và cái chết, dường như mâu thuẫn với Tin Mừng; những điều đó có thể làm cho đức tin bị nao núng và trở thành một cám dỗ đối với đức tin.


Số 272-274: Chỉ có đức tin mới có thể đi theo những con đường mầu nhiệm của sự quan phòng

272. Đức tin vào Thiên Chúa là Cha toàn năng có thể bị thử thách do kinh nghiệm về sự dữ và đau khổ. Đôi khi Thiên Chúa có thể bị coi như vắng mặt và bất lực không ngăn chặn được sự dữ. Thật ra, Thiên Chúa là Cha đã mạc khải sự toàn năng của Ngài một cách hết sức huyền nhiệm trong việc Con của Ngài tự nguyện hạ mình và sống lại, nhờ đó Ngài đã chiến thắng sự dữ. Như vậy, Đức Kitô bị đóng đinh là sức mạnh của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thiên Chúa “vì sự điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1,25). Trong việc Đức Kitô sống lại và được tôn vinh, Chúa Cha biểu dương “sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực” của Ngài và cho thấy “quyền lực vô cùng lớn lao” của Ngài mà “Ngài đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu” (Ep 1,19-22).

273. Chỉ đức tin mới có thể gắn bó với những đường lối mầu nhiệm của sự toàn năng của Thiên Chúa. Đức tin này tự hào về những yếu kém của mình, để lôi kéo quyền năng của Đức Kitô xuống trên mình[1]. Gương mẫu cao cả nhất của một đức tin như thế là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ là người đã tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37) và đã ngợi khen Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Ngài thật chí thánh chí tôn” (Lc 1,49).

274. “Không gì có thể củng cố đức tin và đức cậy của chúng ta bằng việc chúng ta xác tín trong tâm hồn rằng: không có gì mà Thiên Chúa không làm được. Từ chỗ đó, sau khi lý trí đã có ý niệm về Thiên Chúa toàn năng, thì những điều phải tin, dù là cao cả và kỳ diệu, và vượt quá trật tự và cách thức của các sự việc, lý trí con người vẫn chấp nhận một cách dễ dàng, không chút do dự”[2].


Số 671-672: Trong những lúc khó khăn, hãy vun trồng niềm tin tưởng rằng tất cả đều quy phục Đức Kitô

671. Tuy nhiên, Nước Đức Kitô, đang hiện diện trong Hội Thánh của Người, chưa phải là tuyệt đối với “quyền năng và vinh quang” (Lc 21,27)[3] do việc Vua ngự đến trần gian. Nước này còn bị các thế lực sự dữ tấn công[4], mặc dù chúng đã bị đánh bại tận gốc rễ do cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Cho tới khi mọi sự quy phục Người[5], “cho tới khi có trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị, Hội Thánh lữ hành, trong các bí tích và các định chế của mình, vốn là những điều thuộc thời đại nay, vẫn mang hình dáng của thời đại chóng qua này và chính Hội Thánh đang sống giữa các thụ tạo còn đang rên siết và quằn quại như sắp sinh nở và mong đợi cuộc tỏ hiện của các con cái Thiên Chúa”[6]. Vì vậy, các Kitô hữu cầu nguyện, nhất là trong bí tích Thánh Thể[7], để Đức Kitô mau lại đến[8], bằng cách thưa với Người: “Lạy Chúa, xin ngự đến !” (Kh 22,20)[9].

672. Đức Kitô, trước cuộc Thăng Thiên của Người, đã khẳng định rằng chưa đến giờ Người thiết lập Nước của Đấng Messia một cách vinh hiển mà Israel mong đợi[10], Nước đó phải mang lại cho mọi người, theo lời các tiên tri[11], một trật tự vĩnh viễn của công lý, của tình yêu, và của hoà bình. Thời gian hiện tại, theo Chúa, là thời gian của Thần Khí và của việc làm chứng[12], nhưng cũng là thời gian được ghi dấu bằng nỗi khó khăn hiện tại[13] và bằng sự thử thách của sự dữ[14], thời gian này không buông tha Hội Thánh[15], và khởi đầu cuộc chiến của những ngày sau cùng[16]. Đây là thời gian của sự mong đợi và tỉnh thức[17].


Số 56-64, 121-122, 218-219: Lịch sử các giao ước; Tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Israel

56. Khi sự hợp nhất của nhân loại bị tội lỗi phá vỡ, Thiên Chúa lập tức có ý định cứu độ nhân loại khi can thiệp qua từng nhóm người. Giao ước với ông Nôê sau cơn lụt đại hồng thủy[18] nói lên nguyên tắc của Nhiệm cục thần linh đối với “các dân tộc”, nghĩa là đối với những người quy tụ lại “theo tiếng nói, dòng họ và dân tộc của mình” (St 10,5)[19].

57. Trật tự đa dân tộc này, vừa có tính vũ trụ, vừa có tính xã hội và tôn giáo[20], nhằm hạn chế tính kiêu căng của một nhân loại đã sa ngã, muốn đồng lòng trong sự ngoan cố của mình[21], muốn tự mình gầy dựng sự hợp nhất theo kiểu xây tháp Babel[22]. Nhưng vì tội lỗi[23], nên thuyết đa thần cũng như việc tôn thờ các ngẫu tượng là dân tộc và lãnh tụ của mình, đã không ngừng đe doạ biến Nhiệm cục tạm thời này thành sự gian tà ngoại đạo.

58. Giao ước với ông Nôê có hiệu lực trong suốt thời gian của các dân tộc[24], cho tới khi Tin Mừng được loan báo một cách phổ quát. Thánh Kinh tôn kính một số vĩ nhân của “các dân tộc”, như “Abel, người công chính”, vua tư tế Melchisêđê[25], ông này là hình bóng của Đức Kitô[26], hoặc các người công chính “Nôê, Đaniel và Job” (Ed 14,14). Như vậy Thánh Kinh nói lên mức độ thánh thiện cao vời mà những người sống theo Giao ước Nôê có thể đạt tới, đang khi mong đợi Đức Kitô “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).

Thiên Chúa chọn ông Abraham

59. Để quy tụ loài người đang tản mác về một mối, Thiên Chúa chọn ông Abram và phán với ông: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi” (St 12,1); với ý định làm cho ông thành Abraham, nghĩa là “cha của vô số dân tộc” (St 17,5): “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3)[27].

60. Dân tộc phát sinh từ ông Abraham sẽ được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ, tức là dân được Ngài tuyển chọn[28], họ được gọi để chuẩn bị cho việc quy tụ trong tương lai mọi con cái Thiên Chúa trong sự duy nhất của Hội Thánh[29]; dân tộc này sẽ là gốc rễ mà các dân ngoại khi tin vào Thiên Chúa sẽ được tháp ghép vào[30].

61. Các tổ phụ, các tiên tri và những vĩ nhân khác của Cựu ước đã và sẽ luôn được tôn kính như những vị Thánh trong tất cả các truyền thống phụng vụ của Hội Thánh.

Thiên Chúa huấn luyện dân Israel của Ngài

62. Sau thời các Tổ phụ, Thiên Chúa lập Israel làm dân của Ngài khi cứu họ khỏi ách nô lệ Ai cập. Ngài lập Giao ước Sinai với dân và ban Lề Luật của Ngài cho họ qua ông Môisen, để họ nhận biết và phụng sự Ngài với tư cách là Thiên Chúa duy nhất hằng sống và chân thật, là Cha quan phòng và là thẩm phán chí công, và để họ mong đợi Đấng Cứu Độ mà Ngài đã hứa ban[31].

63. Israel là dân tư tế của Thiên Chúa[32], được “mang danh Đức Chúa” (Đnl 28,10). Đó là dân của “những người đầu tiên được nghe lời Chúa phán dạy”[33], dân của “những người làm anh” trong đức tin của tổ phụ Abraham[34].

64. Qua các tiên tri, Thiên Chúa đào tạo dân Ngài trong niềm hy vọng ơn cứu độ, trong sự mong đợi Giao ước mới và vĩnh cửu dành cho tất cả mọi người[35], Giao ước đó sẽ được ghi khắc trong các trái tim[36]. Các Tiên tri loan báo ơn cứu chuộc triệt để cho dân của Thiên Chúa, ơn thanh tẩy khỏi mọi bất trung của họ[37], và ơn cứu độ ấy sẽ bao gồm tất cả các dân tộc[38]. Đặc biệt những người nghèo khó và khiêm nhu của Chúa[39] sẽ ấp ủ niềm hy vọng này. Những phụ nữ thánh thiện như các bà Sara, Rêbecca, Rachel, Miryam, Đêbora, Anna, Juđitha và Esther, đã gìn giữ cho niềm hy vọng cứu độ ấy của Israel luôn sống động. Hình ảnh tinh tuyền nhất của niềm hy vọng này là Đức Maria[40].

121. Cựu Ước là một phần không thể thiếu được của Thánh Kinh. Tất cả các tác phẩm của Cựu Ước được Thiên Chúa linh hứng nên có một giá trị trường tồn[41], bởi vì Giao Ước cũ không hề bị thu hồi.

122. Thật vậy, “Nhiệm cục Cựu Ước được bố trí với mục đích chính yếu là để chuẩn bị cho ngày quang lâm của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ muôn loài”. Các sách Cựu Ước, “tuy có nhiều bất toàn và tạm bợ”, vẫn làm chứng về phương pháp giáo dục của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa: các sách ấy “diễn tả một cảm thức sâu sắc về Thiên Chúa, tàng trữ những lời giáo huấn cao siêu về Ngài, một khoa khôn ngoan hữu ích về đời sống con người, và những kho tàng kinh nguyện tuyệt diệu; sau cùng, trong đó ẩn chứa mầu nhiệm ơn cứu độ chúng ta”[42].

218. Theo dòng lịch sử của mình, Israel đã có thể khám phá ra rằng Thiên Chúa chỉ có một động lực duy nhất khiến Ngài tự mạc khải cho họ và chọn họ giữa mọi dân để họ là dân của Ngài: đó là tình yêu nhưng không của Ngài[43]. Nhờ các Tiên tri, Israel hiểu rằng, cũng vì tình yêu mà Thiên Chúa đã không ngừng giải cứu họ[44] và tha thứ cho sự bất trung và tội lỗi của họ[45].

219. Tình yêu của Thiên Chúa đối với Israel được so sánh với tình yêu của một người cha đối với con mình[46]. Tình yêu đó còn mạnh hơn tình yêu của một người mẹ dành cho con cái mình[47]. Thiên Chúa yêu dân Ngài hơn người chồng yêu người vợ yêu dấu của mình[48]. Tình yêu đó cũng sẽ chiến thắng những bất trung thậm chí tồi tệ nhất[49], và sẽ đi đến chỗ ban tặng hồng ân quý giá nhất: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài” (Ga 3,16).


Số 839-840: Mối quan hệ của Hội Thánh với người Do Thái

839. “Những ai chưa đón nhận Tin Mừng, cũng quy hướng về dân Thiên Chúa bằng những hình thức khác nhau”[50].

Tương quan của Hội Thánh với dân Do Thái. Hội Thánh, dân Thiên Chúa trong Tân Ước, khi nhìn kỹ vào mầu nhiệm của chính mình, khám phá ra mối liên hệ giữa mình với dân Do Thái[51], là dân “được Chúa là Thiên Chúa chúng ta ngỏ lời trước”[52]. Khác với các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo, đức tin Do Thai đã là lời đáp lại đối với mạc khải của Thiên Chúa trong Cựu Ước. Chính dân Do Thái này “đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Ngài cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, Lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ; và … chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ” (Rm 9,4-5), “quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Ngài không hề đổi ý” (Rm 11,29).

840. Đàng khác, khi nhìn về tương lai, dân Thiên Chúa của Cựu Ước và dân mới của Thiên Chúa đều hướng tới những mục tiêu tương tự: đó là sự mong chờ Đấng Messia ngự đến (hoặc trở lại). Nhưng một bên, là mong chờ sự trở lại của Đấng Messia, đã chết và đã sống lại, được nhận biết là Chúa và là Con Thiên Chúa; còn bên kia, là mong chờ, vào ngày tận thế, việc Ngự đến của Đấng Messia, mà dung mạo của Người còn ẩn khuất, sự mong chờ nay kèm theo bi kịch là không biết hay không nhận Đức Kitô Giêsu.


Bài Ðọc I: 1 V 19, 9a. 11-13a

"Ngươi hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang... Có lời Chúa phán cùng ông rằng: "Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa". Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang.

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).

Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán báo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong Ðất Nước chúng tôi.

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và Ðất Nước chúng con sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài.

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).


Bài Ðọc II: Rm 9, 1-5

"Tôi đã ước ao được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Ðức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa: các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Ðức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời.Amen.

Ðó là lời Chúa.


Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! - Ngôi lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.


Phúc Âm: Mt 14, 22-33

"Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa!", và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến!" Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con!" Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa".

Ðó là lời Chúa.




[1] X. 2 Cr 12,9; Pl 4,13.

[2] Catechismus Romanus, 1, 2, 13: ed. P. Rodriguez (Città del Vaticano- Pamplona) 31.

[3] X. Mt 25,31.

[4] X. 2 Tx 2,7.

[5] X. 1 Cr 15,28.

[6] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965) 53.

[7] X. 1 Cr 11,26.

[8] X. 2 Pr 3,11-12.

[9] X. 1 Cr 16,22; Kh 22,17.

[10] X. Cv 1,6-7.

[11] X. Is 11,1-9.

[12] X. Cv 1,8.

[13] X. 1 Cr 7,26.

[14] X. Ep 5,16.

[15] X. 1 Pr 4,17.

[16] X. 1 Ga 2,18; 4,3; 1 Tm 4,1.

[17] X. Mt 25,1-13; Mc 13,33-37.

[18] X. St 9,9.

[19] X. St 10,20-31.

[20] X. Cv 17,26-27.

[21] X. Kn 10,5.

[22] X. St 11,4-6.

[23] X. Rm 1,18-25.

[24] X. Lc 21,24.

[25] X. St 14,18.

[26] X. Dt 7,3.

[27] X. Gl 3,8.

[28] X. Rm 11,28.

[29] X. Ga 11,52; 10,16.

[30] X. Rm 11,17-18.24.

[31] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 3: AAS 58 (1966) 818.

[32] X. Xh 19,6.

[33] Thứ Sáu Tuần Thánh, Cầu nguyện cho mọi người VI: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 254.

[34] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Hội đường Do thái ở Rôma, (ngày 13/4/1986) 4: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, IX 1, 1027.

[35] X. Is 2,2-4.

[36] X. Gr 31,31-34; Dt 10,16.

[37] X. Ed 36.

[38] X. Is 49,5-6; 53,11.

[39] X. Sp 2,3.

[40] X. Lc 1,38.

[41] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 14: AAS 58 (1966) 825.

[42] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 15: AAS 58 (1966) 825.

[43] X. Đnl 4,37; 7,8; 10,15.

[44] X. Is 43,1-7.

[45] X. Hs 2.

[46] X. Hs 11,1.

[47] X. Is 49,14-15.

[48] X. Is 62,4-5.

[49] X. Ed 16; Hs 11.

[50] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 16: AAS 57 (1965) 20.

[51] X. CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Nostra aetate, 4: AAS 58 (1966) 742-743.

[52] Thứ Sáu Tuần Thánh, Nghi thức Cử hành cuộc Thương Khó của Chúa, Cầu nguyện cho mọi người VI: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 254.