GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

WHĐ (14.07.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.


Số 546: Đức Kitô dạy qua các dụ ngôn

Số 1703-1709: Khả năng nhận biết và sống phù hợp với tiếng gọi của Chúa. 1

Số 2006-2011: Thiên Chúa liên kết con người trong hoạt động của ân sủng. 3

Số 1046-1047: Sự sáng tạo một phần của vũ trụ mới 4

Số 2707: Giá trị của suy niệm.. 4

Bài Ðọc I: Is 55, 10-11. 5

Bài Ðọc II: Rm 8, 18-23. 5

Phúc Âm: Mt 13, 1-9 {hoặc 1-23}


Số 546: Đức Kitô dạy qua các dụ ngôn

546. Chúa Giêsu kêu gọi người ta vào Nước Trời, bằng cách dùng các dụ ngôn, là nét đặc trưng trong cách giảng dạy của Người[1]. Qua các dụ ngôn, Người mời vào dự tiệc Nước Trời[2], nhưng Người cũng đòi phải có một lựa chọn triệt để: để đạt được Nước Trời, cần phải cho đi mọi sự[3]; lời nói suông không đủ, cần phải có việc làm[4]. Các dụ ngôn như những tấm gương đối với con người: họ đón nhận Lời Chúa chỉ như mảnh đất khô khan hay mảnh đất mau mỡ?[5] Họ làm gì với những nén bạc đã nhận?[6] Chúa Giêsu và sự hiện diện của Nước Trời trong trần gian, một cách kín đáo, nằm ở trung tâm của các dụ ngôn. Cần phải tiến vào Nước Trời, nghĩa là, phải trở nên môn đệ Đức Kitô, mới “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13,11). Còn đối với những kẻ “ở ngoài” (Mc 4,11), mọi sự đều bí ẩn[7].


Số 1703-1709: Khả năng nhận biết và sống phù hợp với tiếng gọi của Chúa

1703. Được phú ban một linh hồn thiêng liêng và bất tử[8], nhân vị là “thụ tạo duy nhất nơi trần thế mà Thiên Chúa đã muốn vì chính nó”[9]. Ngay từ lúc tượng thai của mình, nhân vị được định hướng tới vinh phúc vĩnh cửu.

1704. Nhân vị được tham dự vào ánh sáng và sức mạnh của Thần Khí Thiên Chúa. Nhờ lý trí, nó có khả năng để hiểu biết trật tự muôn loài do Đấng Tạo Hoá thiết lập. Nhờ ý chí, nó có khả năng để hướng mình tới điều thiện hảo thật của mình. Nó theo đuổi sự trọn hảo của mình bằng cách tìm kiếm và yêu mến những điều thiện hảo đích thực[10].

1705. Vì có linh hồn và các tài năng tinh thần là lý trí và ý chí, con người được phú ban sự tự do, là “dấu chỉ tuyệt hảo của hình ảnh thần linh”[11].

1706. Nhờ lý trí, con người nhận ra tiếng Thiên Chúa thúc đẩy mình “làm điều tốt và tránh điều xấu”[12]. Mỗi người phải vâng theo lề luật này, một lề luật đang vang vọng trong lương tâm, một lề luật được chu toàn trong sự mến Chúa yêu người. Việc thực thi đời sống luân lý chứng tỏ phẩm giá của nhân vị.

1707. “Tuy nhiên, ngay từ lúc khởi đầu lịch sử, con người bị thần Dữ cám dỗ, nên đã lạm dụng tự do của mình”[13]. Họ sa chước cám dỗ và làm điều xấu. Con người vẫn còn khát khao điều tốt, nhưng bản tính con người đã mang vết thương của nguyên tội. Con người trở thành bị nghiêng chiều về điều xấu và dễ bị sai lầm:

“Con người đã bị chia rẽ trong chính bản thân mình. Vì vậy, toàn bộ đời sống con người, cả cá nhân cả tập thể, đều biểu hiện như một cuộc chiến bi thảm, giữa điều tốt và điều xấu, giữa ánh sáng và tối tăm”[14].

1708. Bằng cuộc khổ nạn của Người, Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi Satan và tội lỗi. Người lập công cho chúng ta có sự sống mới trong Chúa Thánh Thần. Ân sủng của Người phục hồi những gì tội lỗi đã làm hư hỏng nơi chúng ta.

1709. Ai tin vào Đức Kitô thì trở nên con cái Thiên Chúa. Ơn được làm nghĩa tử này biến đổi người ấy, giúp họ sống theo mẫu gương Đức Kitô. Ơn này ban cho họ khả năng hành động đúng đắn và thực thi điều tốt. Được kết hợp với Đấng Cứu độ của mình, người môn đệ đạt tới sự trọn hảo của đức mến, là sự thánh thiện. Được hoàn thiện trong ân sủng, đời sống luân lý sẽ được triển nở thành sự sống vĩnh cửu trong vinh quang trên trời.


Số 2006-2011: Thiên Chúa liên kết con người trong hoạt động của ân sủng

2006. Từ “công trạng” thường được dùng để chỉ sự trả công mà cộng đồng hay xã hội đánh giá hành động của một thành viên của mình, xét như điều đó tốt hay xấu, đáng được thưởng hay bị phạt. Công trạng thuộc về nhân đức công bằng theo nguyên tắc về sự bình đẳng, là nguyên tắc chi phối nhân đức đó.

2007. Trước mặt Thiên Chúa, theo nghĩa hẹp về quyền lợi, con người không có công trạng gì. Giữa Thiên Chúa và chúng ta có sự bất bình đẳng không thể đo lường, bởi vì chúng ta đón nhận mọi sự từ nơi Ngài, là Đấng Tạo Hoá của chúng ta.

2008. Công trạng của con người trước mặt Thiên Chúa trong đời sống Kitô hữu là do Thiên Chúa đã tự ý muốn liên kết con người với công trình của ân sủng của Ngài. Hành động đầy tình phụ tử của Thiên Chúa, bằng sự thúc đẩy của ân sủng, là trước hết, thứ đến mới là hành động tự do của con người trong sự cộng tác của họ, cho nên các công trạng của các việc tốt lành trước hết phải được quy về ân sủng của Thiên Chúa, rồi mới quy ve tín hữu. Ngoài ra chính công trạng của con người phải quy về Thiên Chúa, bởi vì các việc tốt lành của họ đều diễn ra trong Đức Kitô, nhờ những khởi xướng và trợ giúp của Chúa Thánh Thần.

2009. Nhờ ân sủng, ơn được làm nghĩa tử cho chúng ta được tham dự vào bản tính Thiên Chúa, có thể đem lại cho chúng ta một công trạng đích thực theo đức công chính nhưng không của Thiên Chúa. Đây là một quyền có được nhờ ân sủng, quyền sung mãn của tình yêu, làm cho chúng ta nên những người “đồng thừa tự” với Đức Kitô và xứng đáng được hưởng phần gia tài đã được hứa ban là đời sống vĩnh cửu[15]. Công trạng do các việc tốt lành của chúng ta là những hồng ân của lòng nhân hậu của Thiên Chúa[16]. “Ân sủng đã được ban trước, giờ đây nợ được trả.... Các hồng ân của Thiên Chúa là những công trạng của bạn”[17].

2010. Vì sự khởi xướng trong lãnh vực ân sủng thuộc về Thiên Chúa, nên không ai có thể có công trạng gì để lãnh nhận ân sủng đầu tiên nơi cội nguồn việc hối cải, ơn tha thứ và sự công chính hóa. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần và của đức mến, chúng ta mới có thể lập công cho bản thân và cho tha nhân để được những ân sủng hữu ích cho việc thánh hoá, cho việc gia tăng ân sủng và đức mến của chúng ta, cũng như để đạt tới sự sống vĩnh cửu. Theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể lập công để đáng lãnh nhận những lợi ích trần thế, như sức khoẻ, tình bằng hữu. Những ân sủng và hồng ân này là đối tượng của kinh nguyện Kitô giáo. Việc cầu nguyện đem lại ân sủng cần thiết cho chúng ta để các hành động có được công trạng.

2011. Tình yêu Đức Kitô trong chúng ta là nguồn mạch mọi công trạng của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Ân sủng, khi kết hợp chúng ta với Đức Kitô bằng một tình yêu năng động, bảo đảm phẩm tính siêu nhiên của các hành vi của chúng ta và do đó, bảo đảm công trạng của các việc đó trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt người ta. Các Thánh luôn ý thức mãnh liệt rằng các công trạng của các ngài hoàn toàn là ân sủng:

“Sau cuộc lưu đày trần thế, con hy vọng sẽ được về vui hưởng Chúa nơi Quê hương, nhưng con không muốn thu thập công trạng để được lên trời, con muốn làm việc chỉ vì tình yêu Chúa mà thôi.... Lúc cuộc đời xế bóng, con sẽ đến trước mặt Chúa với đôi bàn tay trắng, vì, lạy Chúa, con không xin Chúa đếm các việc con làm. Mọi sự công chính của chúng con đều mang tì vết trước mắt Chúa. Vì vậy, con muốn được mặc lấy sự công chính của chính Chúa và đón nhận từ tình yêu Chúa phần sở hữu muôn đời là chính Chúa…”[18].


Số 1046-1047: Sự sáng tạo một phần của vũ trụ mới

1046. Đối với vũ trụ, Mạc khải khẳng định rằng nhân loại và vũ trụ vật chất có chung một vận mệnh sâu xa:

“Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Ngài… Vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát… Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng … khi trông đợi sự cứu chuộc thân xác chúng ta” (Rm 8,19-23).

1047. Vì vậy, vũ trụ hữu hình được tiền định để chính nó được biến đổi: “Chính nó phải được phục hồi như tình trạng ban đầu, không có trở ngại nào, mà phục vụ những người công chính”[19], trong khi tham dự vào sự tôn vinh họ trong Chúa Giêsu Kitô phục sinh.


Số 2707: Giá trị của suy niệm

2707. Có bao nhiêu bậc thầy tu đức thì có bấy nhiêu phương pháp suy niệm. Kitô hữu phải suy niệm đều đặn, để khỏi trở nên giống như ba loại đất đầu tiên trong dụ ngôn người gieo giống[20]. Nhưng phương pháp chỉ là người hướng dẫn mà thôi: điều quan trọng là chúng ta phải tiến bước, cùng với Chúa Thánh Thần, trên con đường duy nhất của cầu nguyện là Chúa Kitô Giêsu.


Bài Ðọc I: Is 55, 10-11

"Chúng làm cho đất phì nhiêu".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa phán: "Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 64, 10abcd. 10e-11. 12-13. 14

Ðáp: Hạt giống rơi vào đất tốt, và sinh hoa kết quả (Lc 8, 8).

Xướng: 1) Chúa đã viếng thăm ruộng đất và tưới giội: Ngài làm cho đất trở nên phong phú bội phần. Sông ngòi của Thiên Chúa tràn trề nước, Ngài đã chuẩn bị cho thiên hạ có lúa mì.

Ðáp: Hạt giống rơi vào đất tốt, và sinh hoa kết quả (Lc 8, 8).

2) Vì Ngài đã chuẩn bị như thế này cho ruộng đất: Ngài đã tưới giội nước vào những luống cày, và Ngài san bằng mô cao của ruộng đất. Ngài làm cho đất mềm bởi thấm nước mưa; Ngài chúc phúc cho mầm cây trong đất.

Ðáp: Hạt giống rơi vào đất tốt, và sinh hoa kết quả (Lc 8, 8).

3) Chúa đã ban cho một năm hồng ân, và lốt xe ngự giá của Ngài khơi nguồn phong phú. Ðống đất hoang vu có nước chảy đầm đìa, và các đồi núi vận xiêm-y hoan hỉ.

Ðáp: Hạt giống rơi vào đất tốt, và sinh hoa kết quả (Lc 8, 8).

4) Ðồng ruộng đông chật những đàn chiên dê, và các thung lũng được che lợp bằng ngũ cốc; muôn loài đều hát xướng và hoan ca.

Ðáp: Hạt giống rơi vào đất tốt, và sinh hoa kết quả (Lc 8, 8).

 

Bài Ðọc II: Rm 8, 18-23

"Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Vì chưng các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Ðấng đã bắt nó phải tùng phục với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa. Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta là những kẻ hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân xác chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 13, 1-9 {hoặc 1-23}

"Kìa, có người gieo giống đi gieo lúa".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói:

"Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi. Ai có tai thì hãy nghe".

[Các môn đệ đến gần thưa Người rằng: "Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp lại: "Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: "Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành". Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe.

"Vậy, các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi".]

Ðó là lời Chúa.




[1] X. Mc 4,33-34.

[2] X. Mt 22,1-14.

[3] X. Mt 13,44-45.

[4] X. Mt 21,28-32.

[5] X. Mt 13,3-9.

[6] X. Mt 25,14-30.

[7] X. Mt 13,10-15.

[8] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 14: AAS 58 (1966) 1036.

[9] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 24: AAS 58 (1966) 1045.

[10] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 15: AAS 58 (1966) 1036.

[11] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 17: AAS 58 (1966) 1037.

[12] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 16: AAS 58 (1966) 1037.

[13] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 13: AAS 58 (1966) 1034.

[14] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 13: AAS 58 (1966) 1035.

[15] X. CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 16: DS 1546.

[16] X. CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 16: DS 1548.

[17] Thánh Augustinô, Sermo 298, 4-5: SPM 1, 98-99 (PL 38, 1367).

[18] Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Acte d’offrande à l’Amour miséricordieux: Récréations pieuses – Prières (Paris 1992) 514-515.

[19] Thánh Irênê, Adversus haereses, 5, 32, 1: SC 153, 398 (PG 7, 1210).

[20] X. Mc 4,4-7.15-19.