GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
WHĐ (24.06.2023) - Để
hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng,
Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh
Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và
Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được
công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 905: Loan báo Tin Mừng bằng chứng từ đời sống Số 2471-2474: Làm chứng cho chân lý Số 359, 402-411, 615: Ađam, Tội tổ tông, Đức Kitô –
Ađam mới |
Số 852: Thần Khí Đức Kitô nâng đỡ sứ mạng Kitô giáo
852. Những nẻo đường truyền
giáo. “Chúa Thánh Thần là Đấng chủ xướng toàn bộ việc truyền giáo của Hội
Thánh”[1]. Chính Ngài dẫn dắt Hội
Thánh trên các nẻo đường truyền giáo. “Hội Thánh tiếp tục và triển khai qua
dòng lịch sử sứ vụ của chính Đức Kitô, Đấng đã được sai đi rao giảng Tin Mừng
cho những người nghèo; được Thần Khí Đức Kitô thúc đẩy, Hội Thánh phải tiến bước
trên chính con đường Đức Kitô đã đi, là con đường khó nghèo, vâng phục, phục vụ
và tự hiến cho đến chết, từ đó Người đã chiến thắng nhờ sự sống lại của Người”[2]. Theo cách đó, “máu là hạt
giống trổ sinh các Kitô hữu”[3].
Số 905: Loan báo Tin Mừng bằng chứng từ đời sống
905. Các giáo dân cũng chu toàn sứ vụ tiên tri của mình bằng việc
phúc âm hóa, “nghĩa là loan báo Đức Kitô bằng chứng từ đời sống và bằng lời
nói”. Nơi các giáo dân, “việc phúc âm hóa này … mang một sắc thái đặc thù và một
hiệu quả đặc biệt vì được thực hiện trong những hoàn cảnh bình thường của đời sống”[4].
“Quả thật, việc
tông đồ như vậy không chỉ cốt tại chứng từ đời sống; việc tông đồ thật tìm những
cơ hội để loan báo Đức Kitô bằng lời nói hoặc cho những người chưa tin… hoặc
cho các tín hữu”[5].
Số 1808, 1816: Chứng nhân đức tin
can đảm chiến thắng sợ hãi và sự chết
1808. Can đảm là nhân đức
luân lý giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những kho
khăn trong đời. Nó củng cố sự quyết tâm chống lại các cám dỗ và vượt qua các
chướng ngại trong đời sống luân lý. Đức can đảm giúp chúng ta có khả năng chiến
thắng sự sợ hãi, thậm chí cả sự chết, đương đầu với sự thử thách và các cuộc
bách hại. Nó giúp chúng ta đi đến chỗ từ bỏ và hy sinh mạng sống mình để bảo vệ
lẽ phải. “Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi” (Tv 118,14). “Trong thế
gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế
gian” (Ga 16,33).
1816. Người môn đệ Đức Kitô không những phải gìn giữ đức tin và sống
bởi đức tin, mà còn phải tuyên xưng, can đảm làm chứng và truyền bá đức tin: “Mọi
tín hữu … phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt người ta, và bước theo
Người trên đường thập giá, giữa những cuộc bách hại mà Hội Thánh luôn luôn gặp
phải”[6]. Việc phục vụ và làm chứng
cho đức tin là những điều phải có để được cứu độ. “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy
trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy,
Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối
người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33).
Số 2471-2474: Làm chứng cho chân lý
2471. Trước mặt quan Philatô, Đức Kitô tuyên bố Người đã đến thế
gian là để làm chứng cho chân lý[7]. Kitô hữu không được “hổ thẹn
vì phải làm chứng cho Chúa” (2 Tm 1,8). Trong những trường hợp đòi phải làm chứng
cho đức tin, Kitô hữu phải tuyên xưng đức tin một cách không úp mở, theo gương
thánh Phaolô trước mặt các thẩm phán. Họ phải giữ “lương tâm không có gì đáng
chê trách trước mặt Thiên Chúa và người ta” (Cv 24,16).
2472. Bổn phận của các Kitô hữu là tham gia vào đời sống Hội Thánh,
thúc đẩy họ hành động như những chứng
nhân của Tin Mừng và chu toàn những nghĩa vụ phát xuất từ bổn phận đó. Làm
chứng là lưu truyền đức tin bằng lời nói và việc làm. Làm chứng là một hành vi
của đức công bằng nhằm thiết lập chân lý hoặc làm cho chân lý được nhận biết[8]:
Mọi Kitô hữu,
dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và chứng từ lời nói để biểu lộ
con người mới, mà họ đã mặc lấy qua bí tích Rửa Tội, và biểu lộ sức mạnh của
Chúa Thánh Thần, Đấng đã củng cố họ qua bí tích Thêm Sức[9].
2473. Sự tử đạo là việc
làm chứng cao cả nhất cho chân lý đức tin; đó là sự làm chứng cho đến nỗi phải
chết. Vị tử đạo làm chứng cho Đức Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, mà họ được
liên kết với Người bằng đức mến. Vị tử đạo làm chứng cho chân lý đức tin và đạo
lý Kitô giáo. Vị tử đạo chịu chết bằng hành vi của đức can đảm. “Hãy để tôi trở
nên mồi ngon cho ác thú, nhờ chúng mà tôi được đến với Thiên Chúa”[10].
2474. Hội Thánh hết sức quan tâm thu thập các kỷ niệm về những vị
đã làm chứng cho đức tin của mình cho đến cùng. Đó là Hạnh các vị Tử Đạo. Các hạnh
này là những văn thư lưu trữ về Chân Lý được viết bằng máu:
“Những lãnh địa
trần gian và các vương quốc đời này không ích gì cho tôi. Đối với tôi, thà chết
trong Đức Kitô Giêsu, còn hơn được thống trị các lãnh địa của trái đất này. Tôi
tìm kiếm Người, Đấng đã chết cho chúng ta; tôi khao khát Người, Đấng đã sống lại
vì chúng ta. Tôi sắp được sinh ra…”[11].
“Con chúc tụng
Chúa, vì Chúa đã xét con xứng đáng với ngày này và giờ này, để con được dự phần
vào số các vị tử đạo…. Chúa đã thực hiện lời Chúa hứa, lạy Thiên Chúa, Đấng
trung tín và không biết nói dối. Vì hồng ân này và vì tất cả mọi sự, con ngợi
khen Chúa, con chúc tụng Chúa, con tôn vinh Chúa nhờ vị Thượng Tế vĩnh hằng
trên trời là Chúa Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Chúa. Nhờ Người, con tôn vinh
Chúa cùng với Người trong Chúa Thánh Thần, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen”[12].
Số 359, 402-411, 615: Ađam, Tội tổ tông, Đức Kitô –
Ađam mới
359. “Quả thật, chỉ trong mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể, mà mầu
nhiệm về con người mới thật sự được sáng tỏ”[13]:
“Thánh Phaolô
cho chúng ta biết có hai người là nguồn gốc của nhân loại, là ông Ađam và Đức
Kitô…. Ađam đầu tiên được tạo dựng là một người lãnh nhận sự sống. Còn Ađam cuối
cùng là Đấng thiêng liêng ban sự sống. Người đầu tiên được tạo dựng bởi Đấng cuối
cùng, do Đấng này, người đầu tiên lãnh nhận linh hồn để được sống…. Khi tạo dựng
Ađam đầu tiên, Ađam cuối cùng đã khắc ghi hình ảnh mình trong đó. Từ đó Ađam cuối
cùng đã nhận lấy vai trò và tên gọi của Ađam đầu tiên, để không bỏ mất những gì
đã được tạo dựng theo hình ảnh của mình. Ađam đầu tiên, Ađam cuối cùng: Ađam đầu
tiên có khởi đầu, Ađam cuối cùng không có kết thúc, bởi vì Đấng cuối cùng này mới
thật sự là Đấng đầu tiên, như chính Người đã nói: ‘Ta là Đầu và là Cuối’”[14].
Hậu quả của tội Ađam trên nhân
loại
402. Mọi người đều bị liên lụy với tội Ađam. Thánh Phaolô khẳng định:
“Vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội
nhân” (Rm 5,l9), muôn người ở đây có nghĩa là mọi người: “Vì một người duy
nhat, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự
chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,l2). Đối lại
tính phổ quát của tội lỗi và sự chết, thánh Tông Đồ nêu lên tính phổ quát của
ơn cứu độ trong Đức Kitô: “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người
bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi
người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống”
(Rm 5,l8).
403. Noi theo thánh Phaolô, Hội Thánh luôn dạy rằng tình trạng cùng
khốn đang đè nặng lên con người, cũng như việc họ hướng chiều về sự dữ và về sự
chết là những điều không thể hiểu được, nếu không xét đến mối liên hệ của chúng
với tội Ađam và với việc ông đã truyền lại cho chúng ta một tội mà mọi người
chúng ta phải mang lấy từ khi sinh ra, và tội này là “cái chết của linh hồn”[15]. Dựa trên sự chắc chắn này
của đức tin, Hội Thánh ban phép Rửa Tội để tha tội cho cả những trẻ em chưa từng
phạm tội riêng[16].
404. Tội Ađam đã trở nên tội của tất cả dòng dõi của ông như thế
nào? Toàn thể nhân loại đều ở trong Ađam “như một thân thể duy nhất của một con
người duy nhất”[17]. Do “tính thống nhất” này của
nhân loại, mọi người đều bị liên lụy với tội Ađam, cũng như mọi người đều được
thông phần vào sự công chính của Đức Kitô. Dẫu sao, việc lưu truyền tội tổ tông
là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu cách đầy đủ. Nhưng nhờ mạc khải,
chúng ta biết ông Ađam đã nhận được sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ
không phải chỉ cho riêng ông, nhưng cho toàn thể bản tính nhân loại: Khi nghe
theo Tên Cám Dỗ, ông Ađam và bà Evà đã phạm một
tội cá nhân, nhưng tội đó ảnh hưởng đến bản
tính nhân loại, một bản tính mà họ
sẽ lưu truyền trong tình trạng đã sa ngã[18]. Đó là một tội được lưu truyền cho toàn thể nhân loại qua việc
sinh sản, nghĩa là qua việc lưu truyền một bản tính nhân loại đã mất sự thánh
thiện và công chính nguyên thuỷ. Do đó, tội tổ tông được gọi là “tội” theo
nghĩa loại suy: đó là một thứ tội con người bị “nhiễm” chứ không phải đã “phạm”;
một tình trạng, chứ không phải một hành vi.
405. Tội tổ tông, mặc dầu truyền đến mỗi người[19],
nhưng không hề mang tính cách một tội của bản thân nơi bất kỳ ai trong con cháu
ông Ađam. Không còn sự thánh thiện và sự công chính nguyên thuỷ, nhưng bản tính
nhân loại không hoàn toàn bị huỷ hoại: bản tính nhân loại bị thương tật trong
các sức lực tự nhiên riêng của mình, u mê dốt nát, phải chịu đau khổ, bị sự chết
thống trị, và hướng chiều về tội lỗi (sự hướng chiều về điều xấu được gọi là dục
vọng: concupiscentia). Bí tích Rửa Tội, khi ban cho con người đời sống ân sủng
của Chúa Kitô, xóa bỏ tội tổ tông và đưa con người trở về cùng Thiên Chúa,
nhưng những hậu quả của tội tổ tông trên bản tính, đã bị suy yếu và hướng chiều
về điều xấu, vẫn tồn tại nơi con người và kêu gọi con người vào cuộc chiến đấu
thiêng liêng.
406. Giáo lý của Hội Thánh về sự lưu truyền tội tổ tông đã được xác
định cách đặc biệt vào thế kỷ V, chủ yếu là dưới ảnh hưởng sự quan tâm của
thánh Augustinô chống lại chủ thuyết của ông Pêlagiô, và vào thế kỷ XVI, chống
lại cuộc Cải Cách của những người thệ phản. Ông Pêlagiô chủ trương rằng, bằng sức
mạnh tự nhiên của ý chí tự do, không cần sự trợ giúp của ân sủng, con người vẫn
có thể sống tốt lành về mặt luân lý; như vậy, ông này giản lược ảnh hưởng của tội
Ađam thành ảnh hưởng của một gương xấu. Trái lại, những nhà Cải Cách thệ phản đầu
tiên chủ trương rằng, vì tội tổ tông, con người đã bị hư hỏng hoàn toàn và con
người không còn sự tự do; họ đồng hóa tội mà mỗi người lãnh nhận do lưu truyền
với sự nghiêng chiều về sự dữ (dục vọng),
một sự nghiêng chiều không thể cưỡng lại được. Hội Thánh đã tuyên bố về ý nghĩa
của mạc khải liên quan đến tội tổ tông, đặc biệt tại Công đồng Arausicanô II
năm 529[20], và tại Công đồng
Triđentinô năm 1546[21].
Một cuộc chiến cam go
407. Giáo lý về tội tổ tông, gắn liền với giáo lý về ơn Cứu chuộc
nhờ Đức Kitô, mang lại cho ta một cái nhìn để phân định sáng suốt về tình trạng
của con người và hành động của họ ở trần gian. Vì tội tổ tông, ma quỷ đã có được
một quyền thống trị nào đó trên con người, mặc dầu con người vẫn còn tự do. Tội
tổ tông khiến con người “bị cầm giữ dưới quyền của kẻ nắm quyền thống trị của sự
chết, tức là ma quỷ”[22]. Nếu không biết rằng bản
tính nhân loại đã bị tổn thương, bị nghiêng chiều về sự dữ, người ta có thể mắc
những sai lầm nghiêm trọng trong các lãnh vực giáo dục, chính trị, hoạt động xã
hội[23] và luân lý.
408. Các hậu quả của tội tổ tông và của tất cả các tội cá nhân của
con người đã đưa trần gian, trong tổng thể của nó, vào một tình trạng tội lỗi
mà thánh Gioan đã gọi bằng kiểu nói: “tội trần gian” (Ga l,29). Kiểu nói nay
cũng được dùng để nêu lên ảnh hưởng tiêu cực mà các thoả thuận tập thể và các
cơ cấu xã hội, là hoa trái của tội lỗi con người, áp đặt lên các nhân vị[24].
409. Hoàn cảnh bi đát như vậy của trần gian, đang “nằm dưới ách thống
trị của Ác thần” (1 Ga 5,19)[25] làm cho đời sống con người
trở thành một cuộc chiến đấu:
“Toàn bộ lịch
sử của nhân loại là lịch sử của cuộc chiến cam go chống lại quyền lực của sự dữ,
khởi đầu ngay từ lúc bình minh của lịch sử và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng như
lời Chúa phán. Nằm giữa cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn
bó với điều thiện hảo và chỉ sau khi hết sức cố gắng và với sự trợ giúp của ơn
Chúa, con người mới đạt được sự thống nhất nội tâm”[26].
“Cha đã không bỏ mặc con người
dưới quyền lực sự chết”
410. Sau khi sa ngã, con người không bị Thiên Chúa bỏ rơi. Trái lại,
Thiên Chúa gọi con người[27] và, một cách bí nhiệm, loan
báo cho con người cuộc chiến thắng trên sự dữ và việc nâng con người sa ngã dậy[28]. Đoạn này trong sách Sáng Thế được gọi là “Tiền Tin Mừng” bởi
vì đó là lời loan báo đầu tiên về Đấng Messia Cứu Chuộc, về cuộc chiến đấu giữa
con rắn và Người Nữ, và về chiến thắng chung cuộc của một hậu duệ Người Nữ này.
411. Truyền thống Kitô giáo nhận ra trong đoạn này lời tiên báo một
vị “Ađam mới”[29], Đấng đã lấy sự “vâng lời
cho đến chết… trên thập giá” (Pl 2,8) của mình, mà sửa lại một cách đầy tràn
chan chứa tội bất tuân của ông Ađam[30].
Đàng khác, nơi Người Nữ được tiên báo trong Tiền Tin Mừng, nhiều Giáo phụ và tiến
sĩ Hội Thánh nhận ra Đức Maria, Mẹ Đức Kitô, như là một bà “Evà mới”. Đức Maria
là người đầu tiên và theo một cách thế độc nhất vô nhị, được thừa hưởng chiến
thắng của Đức Kitô trên tội lỗi: Bà được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ của tội tổ
tông[31] và trong suốt cuộc đời trần
thế của mình, nhờ ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa, Bà đã không hề phạm một tội
nào[32].
Chúa Giêsu đền thay sự bất tuân của chúng ta bằng sự vâng phục của Người
615. “Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa,
mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên
Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19). Chúa Giêsu, bằng sự
vang phục cho đến chết của Người, đã hoàn thành việc đền thay của Người Tôi trung
đau khổ, là hiến thân làm hy lễ đền tội, mang lấy tội lỗi của muôn người
và làm cho họ nên công chính khi gánh lấy tội lỗi của họ[33].
Chúa Giêsu đã đền bù các lỗi lầm của chúng ta và tạ tội với Chúa Cha vì tội lỗi
của chúng ta[34].
Bài Ðọc I: Gr 20, 10-13
"Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Ta đã nghe nhiều người thoá mạ và
chế nhạo rằng: "Người này gieo khủng bố khắp nơi: Hãy tố cáo nó, chúng ta
hãy tố cáo nó". Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: "Ước
gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó". Nhưng Chúa ở cùng
tôi như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những kẻ bắt bớ tôi sẽ ngã quỵ và
kiệt sức: Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ nhục muôn đời, không bao
giờ quên được. Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Ðấng xét xử người công chính,
thấu suốt tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù nó cho con,
vì con đã tỏ bày công việc con cho Chúa. Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa,
vì Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 68, 8-10. 14 và 17. 33-35
Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi (c.
14c).
Xướng: 1) Sở dĩ vì Chúa mà con chịu
nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như
khách lạ, bị những người cùng con một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo
việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên
mình con.
Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi
(c. 14c).
2) Nhưng, lạy Chúa, con dâng lời
nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời
con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa,
xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi xin nhìn đến
tấm thân con.
Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi
(c. 14c).
3) Các bạn khiêm cung, hãy nhìn
coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe
những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân Người bị bắt cầm tù. Hãy ngợi khen
Chúa, hỡi trời và đất, biển khơi và muôn vật sống động bên trong.
Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi
(c. 14c).
Bài Ðọc II: Rm 5, 12-15
"Không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy
đâu".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi
tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, cũng như do một
người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự
chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Trước khi có lề
luật, đã có tội trên thế gian; nhưng tội không bị bắt lỗi, khi không có lề luật.
Nhưng từ Ađam cho đến Môsê, sự chết ngự trị cả trên những kẻ không phạm tội giống
như sự lỗi phạm của Ađam, hình ảnh của người đến sau.
Nhưng không phải như tội phạm thế
nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu, vì nếu do tội của một người mà nhiều người phải
chết, thì ơn nghĩa của Thiên Chúa và ân huệ ban do ơn một người là Ðức Giêsu
Kitô, làm cho nhiều người được ơn dư đầy hơn bội phần.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 17, 17b và a
Alleluia, alleluia! - Chúa phán:
"Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật". -
Alleluia.
Phúc Âm: Mt 10, 26-33
"Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
Tông đồ rằng: "Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà
không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với
các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy
rao giảng trên mái nhà.
"Các con đừng sợ những kẻ giết
được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể
ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng
tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến.
Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các
con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
"Vậy ai tuyên xưng Thầy trước
mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên
trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha
Thầy, là Ðấng ngự trên trời".
Ðó là lời Chúa.
[5] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 6: AAS 58 (1966) 843; x. Id., Sắc lệnh Ad Gentes, 15: AAS 58 (1966) 965.
[6] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 42: AAS 57 (1965) 48; x.
Id., Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 14:
AAS 58 (1966) 940.
[34] X. CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 7: DS 1529.