GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY NĂM B
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
WHĐ (14.02.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 394, 538-540, 2119: Chúa Giêsu chịu cám dỗ
394. Thánh Kinh chứng tỏ ảnh hưởng tai hại của kẻ mà Chúa Giêsu gọi
là “tên sát nhân … ngay từ đầu” (Ga 8,44), nó cũng đã ra sức làm cho Chúa Giêsu
đi trệch ra khỏi sứ vụ Người đã lãnh nhận nơi Chúa Cha[1].
“Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá hủy công việc của ma quỷ” (1 Ga 3,8).
Trong các hậu quả của các việc làm của ma quỷ, nghiêm trọng nhất là sự quyến rũ
dối trá dẫn đưa con người đến chỗ bất tuân Thiên Chúa.
538. Các sách Tin Mừng có nói đến một thời gian Chúa Giêsu sống cô
tịch trong hoang địa, ngay sau khi Người nhận phép rửa của ông Gioan. “Thần Khí
liền đẩy Người vào hoang địa” (Mc 1,12) và Chúa Giêsu ở lại đó bốn mươi ngày
không ăn; Người sống giữa các dã thú và các Thiên thần hầu hạ Người.[2] Cuối thời gian này, Satan
cám dỗ Người ba lần nhằm đặt vấn đề về thái độ con thảo của Người đối với Thiên
Chúa. Chúa Giêsu đã đẩy lui các cuộc tấn công này, chúng thu tóm cơn cám dỗ của
ông Ađam trong vườn địa đàng và những cơn cám dỗ của dân Israel trong hoang địa,
rồi ma quỷ bỏ Người mà đi, “chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13).
539. Các tác giả Tin Mừng nêu rõ ý nghĩa cứu độ của biến cố bí nhiệm
này. Chúa Giêsu là Ađam mới, Người vững lòng trung thành ở chỗ Ađam cũ đã đầu
hàng cơn cám dỗ. Chúa Giêsu thực hiện cách hoàn hảo ơn gọi của dân Israel: trái
hẳn với những kẻ xưa kia đã thách thức Thiên Chúa suốt bốn mươi năm trong hoang
địa[3], Chúa Giêsu được mạc khải
như Người Tôi Trung của Thiên Chúa, hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
Trong việc này, Chúa Giêsu toàn thắng ma quỷ: Người đã trói kẻ mạnh và thu lại
tài sản nó đã cướp[4]. Chiến thắng của Chúa Giêsu
trước kẻ cám dỗ trong hoang địa báo trước chiến thắng của cuộc khổ nạn, là sự
vâng phục tuyệt đối trong tình yêu con thảo của Người đối với Chúa Cha.
540. Cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu cho thấy cách thế Con Thiên Chúa
là Đấng Messia, trái ngược hẳn điều Satan xúi giục Người và người ta muốn gán
cho Người[5]. Chính vì thế, Đức Kitô chiến
thắng Tên cám dỗ là chiến thắng cho chúng
ta: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những
nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta,
nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Mỗi năm, qua bốn mươi ngày Mùa Chay, Hội Thánh kết hợp với mầu nhiệm
Chúa Giêsu trong hoang địa.
2119. Hành động thử thách
Thiên Chúa là dùng lời nói hay việc làm để thử sự tốt lành và sự toàn năng
của Thiên Chúa. Đây là điều Satan muốn thấy nơi Chúa Giêsu, khi xúi giục Người
gieo mình từ trên nóc Đền Thờ xuống, và qua cử chỉ đó, ép buộc Thiên Chúa phải
hành động[6]. Chúa Giêsu dùng Lời Thiên
Chúa đối lại nó: “Anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em” (Đnl
6,16). Thách đố, hàm chứa một sự thử thách như vậy, làm tổn thương lòng tôn
kính và tin tưởng mà chúng ta phải dành cho Đấng Tạo Hoá và là Chúa của chúng
ta. Thử thách Thiên Chúa luôn hàm chứa thái độ hoài nghi về tình yêu của Ngài,
sự quan phòng và quyền năng của Ngài[7].
Số 2846-2849: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”
2846. Lời cầu xin này xuất phát từ điều trước, vì tội lỗi của chúng
ta là kết quả của sự ưng theo cám dỗ. Chúng ta xin Cha chúng ta đừng “dẫn”
chúng ta vào cơn cám dỗ. Khó mà dịch kiểu nói Hy lạp bằng một từ: Nó có nghĩa
là “đừng cho phép bước vào”[8], “đừng để chúng con sa chước
cám dỗ”. “Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Ngài cũng không
cám dỗ ai” (Gc 1,13), trái lại, Ngài muốn giải thoát chúng ta khỏi cơn cám dỗ.
Chúng ta cầu xin Ngài đừng để ta đi vào con đường dẫn đến tội lỗi. Chúng ta
đang ở trong cuộc chiến đấu “giữa xác thịt và Thần Khí”. Lời cầu xin này khẩn cầu
Thần Khí cho chúng ta biết phân định và có sức mạnh.
2847. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết phân định đâu là thử thách, vốn cần thiết để con người nội tâm tăng
trưởng[9] và nhằm “thử thách nhân đức”[10], và đâu là cám dỗ dẫn đến tội
lỗi và sự chết[11]. Chúng ta còn phải biết
phân định giữa “bị cám dỗ” và “thuận theo” cơn cám dỗ. Cuối cùng, phân định vạch
trần sự dối trá của chước cám dỗ: bề ngoài, đối tượng có vẻ “ngon, trông đẹp mắt
và đáng quý” (St 3,6), nhưng thật sự, kết quả của nó là sự chết.
“Thiên Chúa
không muốn áp đặt điều tốt cho ai, nhưng muốn họ tự nguyện…. Hơn nữa, cám dỗ
cũng có cái lợi. Ngoại trừ Thiên Chúa, không ai biết được những gì tâm hồn
chúng ta đã lãnh nhận, kể cả chính chúng ta, những điều đó được bộc lộ ra nhờ
các cơn cám dỗ, kẻo chúng ta vẫn không biết mình cách đúng nghĩa, nhưng khi đã
biết mình, chúng ta sẽ nhận ra tình trạng tệ hại của mình, và chúng ta phải tạ
ơn Chúa vì những ơn lành, được bộc lộ ra cho chung ta nhờ các cơn cám dỗ”[12].
2848. Để khỏi sa chước cám dỗ, cần phải có một sự cương quyết của trái tim. “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở
đó…. Không ai có thể làm tôi hai chủ” (Mt 6,21.24). “Nếu chúng ta sống nhờ Thần
Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25). Trong việc “thuận theo”
Chúa Thánh Thần như vậy, Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta sức mạnh. “Không một cám
dỗ nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng
trung tín: Ngài sẽ không để anh em bị cám dỗ quá sức; nhưng khi để anh em bị
cám dỗ, Ngài sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10,13).
2849. Cần phải cầu nguyện thì mới có thể chiến đấu và chiến thắng
được. Chính nhờ việc cầu nguyện mà Chúa Giêsu chiến thắng tên Cám dỗ ngay từ buổi
đầu[13], và trong cuộc chiến cuối
cùng khi hấp hối[14]. Trong lời cầu xin này dâng
lên Chúa Cha, Đức Kitô kết hợp chúng ta vào cuộc chiến đấu và cơn hấp hối của
Người. Tâm hồn phải tỉnh thức, hiệp
thông với sự tỉnh thức của Người, là điều không ngừng được nhắc đi nhắc lại[15]. Sự tỉnh thức là “kẻ canh
giữ trái tim” và Chúa Giêsu xin Cha Người gìn giữ chúng ta trong Danh Cha[16]. Chúa Thánh Thần không ngừng
hành động, để giúp chúng ta tỉnh thức[17].
Lời cầu xin này mang đầy ý nghĩa bi thảm khi nghĩ đến cơn cám dỗ cuối cùng của
cuộc giao tranh trên đời này; lời cầu xin này xin ơn bền đỗ đến cùng. “Đây, Ta đến như kẻ trộm. Phúc thay kẻ đang
canh thức” (Kh 16,15).
Số 56-58, 71: Giao ước với ông Nôê
56. Khi sự hợp nhất của nhân loại bị tội lỗi phá vỡ, Thiên Chúa lập
tức có ý định cứu độ nhân loại khi can thiệp qua từng nhóm người. Giao ước với
ông Nôê sau cơn lụt đại hồng thủy[18] nói lên nguyên tắc của Nhiệm
cục thần linh đối với “các dân tộc”, nghĩa là đối với những người quy tụ lại
“theo tiếng nói, dòng họ và dân tộc của mình” (St 10,5)[19].
57. Trật tự đa dân tộc này, vừa có tính vũ trụ, vừa có tính xã hội
và tôn giáo[20], nhằm hạn chế tính kiêu
căng của một nhân loại đã sa ngã, muốn đồng lòng trong sự ngoan cố của mình[21], muốn tự mình gầy dựng sự hợp
nhất theo kiểu xây tháp Babel[22]. Nhưng vì tội lỗi[23], nên thuyết đa thần cũng
như việc tôn thờ các ngẫu tượng là dân tộc và lãnh tụ của mình, đã không ngừng
đe doạ biến Nhiệm cục tạm thời này thành sự gian tà ngoại đạo.
58. Giao ước với ông Nôê có hiệu lực trong suốt thời gian của các
dân tộc[24], cho tới khi Tin Mừng được
loan báo một cách phổ quát. Thánh Kinh tôn kính một số vĩ nhân của “các dân tộc”, như “Abel, người
công chính”, vua tư tế Melchisêđê[25], ông này là hình bóng của Đức
Kitô[26], hoặc các người công chính
“Nôê, Đaniel và Job” (Ed 14,14).
Như vậy Thánh Kinh nói lên mức độ
thánh thiện cao vời mà những người sống theo Giao ước Nôê có thể đạt tới, đang
khi mong đợi Đức Kitô “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).
71. Thiên Chúa lập với ông
Nôê một giao ước vĩnh cửu giữa Ngài và mọi sinh linh[27]. Giao ước này sẽ tồn tại
bao lâu thế gian còn tồn tại.
Số 845, 1094, 1219: Con tàu của ông Nôê báo trước về
Hội Thánh và bí tích Rửa Tội
845. Để quy tụ lại tất cả con cái của Ngài đã bị tội lỗi làm tản
mát và lạc lối, Chúa Cha đã muốn tập họp toàn thể nhân loại vào Hội Thánh của
Con Ngài. Hội Thánh là nơi trong đó nhân loại phải tìm lại được sự hợp nhất của
mình và ơn cứu độ của mình. Hội Thánh là “trần gian đã được giao hoà”[28]. Hội Thánh là con tàu “được
căng buồm bằng thánh giá của Chúa, theo luồng gió của Chúa Thánh Thần, an toàn
vượt biển trần gian này”[29], theo một hình ảnh khác
quen thuộc với các Giáo phụ, Hội Thánh được hình dung bằng con tàu của ông Nôê,
con tàu duy nhất cứu khỏi cơn lụt đại hồng thủy[30].
1094. Chính trên sự hoà hợp này giữa hai Giao Ước[31], mà giáo lý về cuộc Vượt
Qua của Chúa được xây dựng[32], rồi đến giáo lý của các
Tông Đồ và của các Giáo phụ. Giáo lý này khai mở những điều còn bị che giấu
trong văn tự của Cựu Ước: đó là mầu nhiệm của Đức Kitô. Cách giải thích này được
gọi là “tiên trưng”, vì nó cho thấy sự mới mẻ của Đức Kitô khởi từ những “hình
bóng” (biểu trưng) loan báo về Người qua các sự kiện, lời nói và biểu tượng của
Giao ước cũ. Nhờ việc đọc lại Cựu Ước trong Thánh Thần chân lý khởi đi từ Đức
Kitô, các hình bóng được biểu lộ ra[33].
Chẳng hạn, cơn lụt hồng thủy và con
tàu ông Nôê là hình bóng báo trước ơn cứu độ nhờ bí tích Rửa Tội[34]; cột mây và việc vượt qua
Biển Đỏ cũng cùng ý nghĩa đó; nước từ tảng đá là hình bóng các hồng ân thiêng
liêng của Đức Kitô[35]; manna trong hoang địa là
hình bóng tiên báo Thánh Thể, “Bánh bởi trời, banh đích thực” (Ga 6,32).
1219. Hội Thánh nhìn con tàu của ông Nôê là hình ảnh tiên báo ơn cứu
độ nhờ bí tích Rửa Tội: “Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được
cứu thoát nhờ nước” (1 Pr 3,20).
“Chúa lại dùng
nước hồng thuỷ làm hình ảnh tiên báo Phép Rửa ban ơn tái sinh, vì nước biểu thị
quyền năng Chúa, vừa tiêu diệt tội lỗi lại vừa khai mở một đời sống mới”[36].
Số 1116, 1129, 1222: Giao ước và các bí tích (đặc
biệt là bí tích Rửa Tội)
1116. Là “những năng lực phát ra” từ thân thể Đức Kitô[37], Đấng hằng sống và ban sự sống,
là những hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong thân thể Đức Kitô
là Hội Thánh, các bí tích là “những kỳ công của Thiên Chúa” trong Giao Ước mới
và vĩnh cửu.
1129. Hội Thánh khẳng định rằng, đối với các tín hữu, các bí tích của
Giao Ước Mới là cần thiết cho ơn cứu độ[38].
“Ân sủng bí tích” là ân sủng của Chúa Thánh Thần được Đức Kitô ban cho riêng từng
bí tích. Chúa Thánh Thần chữa lành và biến đổi những ai đón nhận Ngài bằng cách
làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa. Hoa trái của đời sống bí
tích là, Thần Khí của ơn làm nghĩa tử làm cho các tín hữu được tham dự bản tính
Thiên Chúa bằng cách kết hợp họ một cách sống động với Người Con duy nhất, là Đấng
Cứu Độ[39].
1222. Cuối cùng, bí tích Rửa Tội được tiên báo trong việc vượt qua
sông Jorđanô, nhờ đó dân Thiên Chúa nhận được hồng ân là Đất đã được hứa ban
cho dòng dõi ông Abraham, là hình ảnh của đời sống vĩnh cửu. Lời hứa về gia tài
hồng phúc này sẽ được thực hiện trong Giao Ước Mới.
Số 1257, 1811: Thiên Chúa cứu độ qua bí tích Rửa Tội
1257. Chính Chúa khẳng định rằng bí tích Rửa Tội là cần thiết để được
cứu độ[40]. Vì vậy, Người đã truyền lệnh
cho các môn đệ Người rao giảng Tin Mừng và làm Phép Rửa cho muôn dân[41]. Bí tích Rửa Tội cần thiết
cho ơn cứu độ đối với những người đã được loan báo Tin Mừng và có khả năng xin
lãnh nhận bí tích này[42]. Ngoài bí tích Rửa Tội, Hội
Thánh không biết đến một phương thế nào khác để bảo đảm cho người ta được vào
vinh phúc vĩnh cửu; vì vậy, Hội Thánh không xao lãng sứ vụ mình đã lãnh nhận từ
nơi Chúa là phải làm cho tất cả những người có thể lãnh bí tích này được sinh
ra “bởi nước và Chúa Thánh Thần”. Thiên
Chúa đã ràng buộc ơn cứu độ với bí tích Rửa Tội, nhưng chính Ngài không bị ràng
buộc bởi các bí tích của Ngài.
1811. Con người bị tổn thương bởi tội lỗi, không dễ mà giữ được sự
quân bình luân lý. Ơn cứu độ của Đức Kitô đem lại cho chúng ta ân sủng cần thiết
để kiên trì trong việc tìm kiếm các nhân đức. Mỗi người phải luôn cầu xin ơn
soi sáng và ơn sức mạnh, luôn chạy đến với các bí tích, luôn cộng tác với Chúa
Thánh Thần, nghe theo lời kêu gọi của Ngài để yêu mến điều tốt và giữ mình khỏi
điều xấu.
Bài Ðọc I: St 9, 8-15
“Giao ước giữa Thiên Chúa và
ông Nôe sau khi ông này được cứu khỏi nước lụt”.
Trích sách Sáng Thế.
Ðây Thiên Chúa phán cùng ông Nôe
và con cái ông rằng: “Ðây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu
các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc,
tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu
và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi: nước
lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất
nữa”. Và Thiên Chúa phán: “Ðây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi,
và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời
một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất. Khi Ta quy tụ
mây lại trên trời, mống sẽ xuất hiện trên mây, và Ta sẽ nhớ lại giao ước đã ký
kết giữa Ta với các ngươi và mọi sinh vật, và không khi nào nước lụt tiêu diệt
mọi loài như thế nữa!”
Ðó là lời Chúa.
Đáp ca: Tv 24, 4-5a. 6 và 7c.
8-9
Ðáp: Tất cả
đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành dành cho những ai giữ minh ước và điều
răn Chúa.
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho
con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con
trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.
Ðáp: Tất cả
đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành dành cho những ai giữ minh ước và điều
răn Chúa.
2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng
thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo
lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.
Ðáp: Tất cả
đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành dành cho những ai giữ minh ước và điều
răn Chúa.
3) Chúa nhân hậu và công minh, vì
thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong
đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.
Ðáp: Tất cả
đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành dành cho những ai giữ minh ước và điều
răn Chúa.
Bài Ðọc II: 1Pr 3, 18-22
“Hiện giờ phép thánh tẩy cũng
cứu thoát anh em giống như thể thức ấy”.
Trích thư thứ nhất của Thánh
Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, Chúa Kitô đã chết
một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Ðấng công chính thay cho kẻ bất công, để
hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã
nhờ Thần Linh mà sống lại. Với Thần Linh, Người đã đến rao giảng cho những tâm
hồn bị giam cầm, cho những kẻ xưa kia có lúc không tin, đang khi lòng nhân từ
Chúa còn khoan giãn lúc ông Nôe đóng tàu, nhờ đó một số ít người, gồm tất cả
tám người, được cứu khỏi nước lụt. Và hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát
anh em cũng giống như thể thức ấy, vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác,
mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục
sinh của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng ngự bên hữu Thiên Chúa, sau khi về trời, đã bắt
các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh suy phục Người.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt
4,4b
Người ta sống không nguyên bởi
bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
Phúc Âm: Mc 1, 12-15
“Chúa chịu Satan cám dỗ và các
Thiên Thần hầu hạ Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa
Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống
chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu
sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ
đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin
Mừng”.
Ðó là lời Chúa.
[29] Thánh Ambrôsiô, De
virginitate 18,119: Sancti Ambrosii
Episcopi Mediolanensis opera, v. 14/2 (Milano-Roma 1989) 96 (PL 16, 297).
[36] Canh thức Vượt
qua, Làm phép nước, 42: Sách Lễ Rôma,
editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 283.
[41] X. Mt 28,20. X. CĐ Triđentinô, Sess. 7a, Decretum de sacramentis, Canones de
sacramento Baptismi, canon 5: DS 1618; CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 14: AAS 57 (1965) 18;
Id., Sắc lệnh Ad Gentes, 5: AAS 58
(1966) 951-952.
[42] X. Mc 16,16.