GIÁO HỘI VÀ SỨ VỤ GIÁO DỤC
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
WHĐ (26.6.2020) – Đề tài được đề nghị là Giáo Hội và Sứ Vụ Giáo Dục. Nhận thấy đề tài quá rộng nên đã hỏi lại
Ban tổ chức và được xác định: Giáo Hội nghĩ gì về giáo dục và cung cấp những hướng
đi nào trong giáo dục? Theo đó, bài viết sẽ trình bày 3 điểm chính: (1) Những
tài liệu chính thức của Giáo Hội về giáo dục; (2) Những định hướng chính yếu;
(3) Những thách đố cho Giáo Hội tại Việt Nam về giáo dục.
I. NHỮNG TÀI LIỆU CHÍNH THỨC CỦA GIÁO HỘI VỀ GIÁO
DỤC
Tuyên ngôn về
Giáo dục Gravissimum Educationis, ban
hành ngày 25-10-1965, cung cấp những hướng dẫn căn bản về các vấn đề giáo dục.
Tuyên ngôn không đưa ra câu trả lời cuối cùng cho các vấn đề nhưng là một tài
liệu được chuyển giao cho Ủy ban hậu Công đồng (tức là Bộ Giáo Dục Công Giáo) để
triển khai, và các Hội Đồng Giám Mục áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của mình (x. Tuyên ngôn, Lời mở đầu). Tuyên ngôn này
là một trong các tài liệu của Công Đồng Vatican II, vì thế cần đọc trong mối
liên kết với toàn bộ giáo huấn Công Đồng, cách riêng là hai hiến chế Lumen Gentium và Gaudium et Spes.
Tông thư Ex Corde Ecclesiae của Thánh Giáo hoàng
Gioan Phaolô II ban hành năm 1990, bàn đến vai trò và tầm quan trọng của các đại
học Công giáo, là môi trường đặc biệt để tìm kiếm chân lý về thế giới, con người
và Thiên Chúa, và mở ra cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và con người thuộc mọi nền
văn hóa. Theo đó, các đại học Công giáo phải (1) được soi sáng bởi những giá trị
Kitô giáo; (2) không ngừng suy tư về kho tàng tri thức nhân loại và đóng góp phần
mình vào đó; (3) trung thành với sứ điệp Kitô giáo được trình bày qua Giáo Hội;
(4) phục vụ Dân Chúa và nhân loại trên hành trình vươn đến mục đích siêu việt
làm nên ý nghĩa của đời sống con người. Thánh Gioan Phaolô II cũng thúc giục
các đại học Công giáo phải quan tâm đến những hệ quả luân lý, đạo đức của các
nghiên cứu khoa học, cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các ngành nghiên cứu, nhờ
đó có tầm nhìn tổng hợp về sự vật. Cách riêng là cuộc đối thoại giữa các ngành
khoa học với thần học, do đó các đại học Công giáo nên có phân khoa thần học,
hoặc ít nhất là “chair” về thần học.
Instrumentum Laboris (Tài liệu làm việc) của Hội nghị toàn cầu về
Giáo dục với tựa đề Giáo dục hôm nay và
ngày mai: Làm mới lại nhiệt tình (Educating Today and Tomorrow: A Renewing
Passion). Để chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Giáo Dục, Bộ Giáo Dục Công
Giáo đã mời các chuyên viên trên khắp thế giới đến đóng góp ý kiến trong một hội
nghị được tổ chức vào tháng 6 năm 2012. Đến tháng 2 năm 2014, Bộ lại triệu tập
Hội nghị khoáng đại của các thành viên. Kết quả của hai hội nghị này là Tài Liệu Làm Việc được giới thiệu vào
tháng 7 năm 2014 và được gửi đến các Giáo Hội địa phương. Đây cũng là tài liệu
căn bản cho Hội nghị toàn cầu về Giáo Dục (Global Convention) sẽ được tổ chức
vào tháng 11 năm 2015.
Ba tài liệu trên
được ban hành ở những thời điểm liên hệ mật thiết với nhau: Gravissimum Educationis là Tuyên ngôn về
Giáo dục của Công Đồng Vatican II năm 1965; Tông thư Ex Corde Ecclesiae được ban hành năm 1990 nhân kỷ niệm 25 năm Tuyên ngôn về Giáo dục; Tài liệu làm việc được công bố để chuẩn
bị cho Hội nghị toàn cầu về Giáo dục năm 2015, kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn về Giáo dục.
Những thời điểm
trên cho thấy tính liên tục từ Tuyên ngôn
Giáo dục của Vatican II đến những tài liệu sau này. Đồng thời, cùng với
tính liên tục là nỗ lực đáp ứng những vấn đề mới nảy sinh do sự thay đổi bối cảnh
văn hóa của thời đại. Kể từ thời Vatican II đến nay, nhân loại đã trải qua những
thay đổi rất nhanh về mọi mặt. Về văn hóa, tiến trình toàn cầu hóa kèm theo
khuynh hướng tục hóa và chủ nghĩa tương đối tác động lên cách nhìn và cách sống
của rất nhiều người. Về kinh tế và chính trị, một đàng nhân loại thoát khỏi thời
kỳ chiến tranh lạnh, đàng khác chủ nghĩa tư bản (nhiều khi là thứ capitalisme
sauvage) vươn lên thống trị và tác động mạnh mẽ lên toàn bộ đời sống con người,
kể cả lãnh vực giáo dục.
II. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH CỦA GIÁO HỘI VỀ GIÁO DỤC
Một cái nhìn tổng
kết ba tài liệu trên sẽ giúp nhận diện những đường nét chính trong giáo huấn của
Giáo Hội Công Giáo về giáo dục.
1. Giáo dục trong viễn tượng Phúc-âm-hóa
Trước khi về trời,
mệnh lệnh lớn nhất, nếu không nói là duy nhất, Chúa Giêsu trao lại cho các Tông
đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ
nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền
cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).
Ngay trong mệnh lệnh
của Chúa Giêsu, giảng dạy đã gắn liền với sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Cho nên
giáo dục là thành phần thiết yếu của sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Giáo Hội Công
giáo ý thức điều đó rất rõ, vì thế trong suốt lịch sử Giáo Hội, ở khắp mọi nơi,
Giáo Hội luôn dấn thân cách tích cực vào công việc cao quý này.
Trong khung cảnh
tục hóa ngày nay, có nguy cơ là nội dung đó bị lãng quên và câu hỏi về căn tính
của giáo dục Công giáo lại được đặt ra. Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào
tháng 4 năm 2008, tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, Đức Bênêđictô XVI đã gặp gỡ các
viện trưởng và đại diện các đại học, các trường Công giáo, và đã có bài diễn
văn nổi tiếng. Trong đó, ngài khẳng định: “Mọi hoạt động của Giáo Hội khởi đi từ
sự nhận biết rằng Giáo Hội là người cưu mang sứ điệp bắt nguồn từ chính Thiên
Chúa: trong sự tốt lành và khôn ngoan của Chúa, Ngài đã quyết định mặc khải
chính mình và mục đích ẩn giấu của thánh ý Ngài (x. Eph 1,9; Dei Verbum,2). Một đàng, Thiên Chúa mong
muốn Ngài được nhận biết, và đàng khác, ước vọng sâu xa nơi trái tim con người
muốn nhận biết chân lý, cả hai làm thành bối cảnh cho việc con người tìm kiếm ý
nghĩa của đời sống”.
Từ tiền đề đó,
ngài khẳng định: “Căn tính của một trường hoặc đại học Công giáo không chỉ là vấn
đề về số sinh viên Công giáo trong trường. Đây là vấn đề xác tín: Chúng ta có
thật sự tin rằng chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể mà huyền nhiệm về con
người mới được sáng tỏ (x. Gaudium et
Spes, 22)? Chúng ta có sẵn sàng dấn thân bằng tất cả con người - lý trí và
ý chí, tâm tư và tình cảm - cho Thiên Chúa không? Chúng ta có chấp nhận chân lý
Đức Kitô mặc khải không? Đức tin có trở nên cụ thể và sống động trong trường học
của chúng ta không? Đức tin đó có được thể hiện mạnh mẽ về mặt phụng vụ, bí
tích, qua cầu nguyện, hoạt động bác ái, quan tâm đến công bằng xã hội, tôn trọng
tạo thành của Thiên Chúa không? Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới thật sự làm chứng
rằng chúng ta là ai và phục vụ điều gì”.
2. Nền giáo dục với tầm nhìn nhân vị
Phẩm giá con người,
nhân vị, là những khái niệm nền tảng trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công
giáo (x. Compendium of the Social
Doctrine of the Church, 105-151). Hiến chế Gaudium et Spes đã bắt đầu bằng những suy tư nhân học, phân tích về
con người, làm nền tảng cho những giáo huấn về gia đình, xã hội, cũng như những
vấn đề lớn của thế giới: “Tiêu điểm chính của tất cả những gì Công Đồng trình
bày là con người, dĩ nhiên là con người duy nhất và toàn diện với thể xác và
linh hồn, tình cảm và lương tri, trí khôn và ý chí” (GS số 3). Giáo huấn xã hội
sẽ khai triển theo cùng một hướng.
Cũng thế, tầm
nhìn về con người như một nhân vị là tầm nhìn định hướng hoạt động giáo dục.
Nói cách khác, nền tảng của triết lý giáo dục là triết lý về con người. Giáo dục
Công giáo có mặt trong nhiều môi trường văn hóa và xã hội khác nhau. Tại nhiều
nơi, nền giáo dục Công giáo được đánh giá cao, nhưng lại có những nơi nền giáo
dục này bị triệt hạ cách phũ phàng. Nhưng dù ở đâu chăng nữa, tầm nhìn nền tảng
của giáo dục Công giáo vẫn là tầm nhìn nhân vị (personalistic vision): “Mục
tiêu của nền giáo dục chân chính là đào tạo con người như một nhân vị, hướng đến
lý tưởng của bản thân cũng như lợi ích của các cộng đồng mà họ là thành viên và
sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành” (GD, 1). Tầm nhìn này không chỉ
ngưng lại trên bình diện lý thuyết nhưng cần được thể hiện trong cơ cấu tổ chức
học đường, không nhằm mục đích chống lại những nền văn hóa hoặc tôn giáo khác,
nhưng để đối thoại với họ.
3. Quyền giáo dục và quyền được giáo dục
Chính từ tầm nhìn
về con người như một nhân vị mà Giáo Hội đòi hỏi quyền giáo dục và quyền được
giáo dục: “Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, dựa
vào phẩm giá của nhân vị, đều có quyền lợi bất khả di nhượng là phải được hưởng
một nền giáo dục có thể đáp ứng cho lý tưởng của mỗi cá nhân, thích hợp với khả
năng, phái tính, một nền giáo dục vừa thích nghi với văn hóa và truyền thống
dân tộc, vừa mở rộng cộng đồng huynh đệ với các dân tộc khác, để phát huy tiến
trình hiệp nhất và hòa bình đích thực trên thế giới” (GD, 1).
Quyền giáo dục của
cha mẹ: Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu. Gia đình là trường
học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho tất cả các cộng đồng (GD,
3). Vì thế, cha mẹ phải được thật sự tự do trong việc chọn lựa trường học cho
con cái (số 6).
Trách nhiệm của
Nhà nước: Mọi hình thức độc quyền trong lãnh vực học vấn đều trái nghịch với
quyền tự nhiên của con người, cản trở sự phát triển và phổ biến văn hóa, làm
tan loãng bầu khí thuận hòa giữa các công dân, và đi ngược lại chủ trương đa
nguyên hiện đang thịnh hành tại nhiều xã hội (số 6).
Trách nhiệm của
Giáo Hội: “Giáo Hội có quyền thành lập và điều hành các trường học thuộc các cấp
các ngành, như Huấn Quyền đã từng xác nhận qua nhiều văn kiện trước đây, đồng
thời cũng nhắc lại rằng việc thực thi quyền lợi ấy sẽ đóng góp rất nhiều cho việc
thăng tiến tự do lương tâm, bảo vệ những quyền lợi của cha mẹ cũng như giúp cho
nền văn hóa được phát triển” (số 8).
Cũng từ tầm nhìn
nhân vị, giáo dục Công giáo là nền giáo dục có tính toàn diện, quan tâm đến mọi
chiều kích của nhân vị. Quan niệm phổ biến ngày nay về giáo dục học đường là
cung cấp cho sinh viên, học sinh khả năng và kỹ năng cần thiết để có thể bước
vào thị trường lao động và đời sống xã hội. Nghĩa là một tầm nhìn thuần túy
kinh tế và xã hội.
Dù mục tiêu trên
là cần thiết, Giáo Hội cho rằng chưa đủ. Cần cung cấp cho học viên một nền giáo
dục toàn diện và đào tạo con người toàn diện:
- Toàn diện xác hồn:
Phát triển hài hòa những khả năng thể lý, luân lý và tinh thần, để dần dần có
được ý thức trách nhiệm đầy đủ hơn.
- Tính xã hội:
Chuẩn bị thích hợp với đời sống xã hội... hội nhập cộng đồng nhân văn, cởi mở
khi đối thoại với tha nhân và góp phần thực hiện công ích” (GD, 1).
- Tính độc đáo:
Tôn trọng từng con người, thúc đẩy học viên tự ý thức, tự giáo dục.
- Tính siêu việt:
Giúp học viên mở rộng lòng trí trước huyền nhiệm của thiên nhiên và thế giới.
5. Nền giáo dục phục vụ chân lý
Giáo dục là sự phục
vụ chân lý (diakonia of truth). Vấn đề là chân lý nào? Chân lý khách quan và
tuyệt đối hay chân lý chủ quan và tương đối? Đây là vấn đề lớn của thời đại
ngày nay như Đức Bênêđictô XVI nhận định: “Ngày nay có một lực cản đặc biệt
đáng ngại trong việc giáo dục, đó là sự hiện diện rộng khắp của chủ nghĩa tương
đối trong xã hội và văn hóa. Chủ trương này không nhìn nhận điều gì là vững
vàng, cuối cùng tiêu chuẩn tối thượng duy nhất là cái tôi và những ước muốn của
nó. Và ẩn dưới dáng vẻ của tự do, nó lại biến thành ngục thất cho mỗi người vì
nó ngăn cách con người với nhau, khóa chặt mỗi người trong cái tôi ích kỷ của
mình”. Ngài còn dùng cụm từ đã trở thành nổi tiếng “sự độc tài của chủ nghĩa
tương đối” để diễn tả bộ mặt của thời đại. Độc tài vì nó chỉ chấp nhận quan điểm
cho rằng chọn lựa chủ quan của mỗi người đều có giá trị như nhau, và vì thế, phủ
nhận những cách nhìn khác.
Giáo Hội phục vụ
chân lý khách quan là chân lý vượt lên trên cái chủ quan và riêng lẻ để vươn đến
cái phổ quát và tuyệt đối. Chính chân lý đó mới là nền tảng hướng dẫn đời sống,
những chọn lựa và hành động của con người xét như một nhân vị:
“Không phải cái praxis tạo nên chân lý nhưng chính chân
lý mới là nền tảng của praxis”.
Cũng ở đây xuất
hiện vấn đề lớn là tương quan giữa đức tin và lý trí cũng như sự đối thoại giữa
thần học và khoa học, để làm chứng cho tính duy nhất của mọi chân lý: “Việc
nghiên cứu trong mọi ngành học, nếu được thực hiện cách khoa học thực sự và phù
hợp với những quy tắc luân lý, sẽ không bao giờ xung khắc với đức tin. Bởi lẽ
những thực tại trần thế và những mối quan tâm của đức tin đều phát xuất từ cùng
một Thiên Chúa. Sự tương tác của hai lãnh vực trong việc tìm kiếm chân lý sẽ dẫn
đến lòng yêu mến chính chân lý, và góp phần vào sự hiểu biết toàn diện hơn về ý
nghĩa của đời sống con người và mục đích công trình tạo dựng của Thiên Chúa” (Ex Corde Ecclesiae, số 17).
6. Sự quân bình giữa nội dung và phương pháp
Trong nhiều thập
niên qua, người ta đi từ thái cực này sang thái cực khác. Trước kia, chú trọng
đến “học vẹt” (repetitive learning), không thúc đẩy sự tham gia tích cực của học
viên, cũng không phát huy sự tò mò và tính sáng tạo. Ngày nay nhấn mạnh đến học
bằng nghiên cứu và giải quyết vấn đề (research and problem-solving), nhờ đó học
viên không chỉ đón nhận cách thụ động nhưng phát huy khả năng suy tư, nghiên cứu,
làm việc nhóm.. .Tuy nhiên đôi khi người ta đi xa đến chỗ coi “phương pháp”
quan trọng hơn nội dung. Hệ quả là chỉ chú trọng đến những gì hữu dụng trước mắt
(những đòi hỏi kinh tế, xã hội) mà không biết gì đến những điều cần thiết cho
con người xét như một nhân vị. Nhìn chung tại Việt Nam, các ngành khoa học tự
nhiên phát triển đang khi khoa học nhân văn và xã hội vắng bóng học viên.cũng
như trong chương trình học, có thể chỉ thuần túy là kỹ thuật chuyên ngành mà
không cung cấp kiến thức tổng quát.
Vì thế, cần chú
trọng đến cả nội dung và phương pháp. Giáo viên phải biết chắt lọc những yếu tố
cơ bản của di sản văn hóa được tích lũy qua mọi thời và trình bày cho học viên
cách thích hợp.
7. Sự liên kết giữa các ngành học và nghiên cứu
Theo Thánh Gioan
Phaolô II, sự toàn diện của tri thức là một tiến trình không bao giờ hoàn tất.
Hơn thế nữa, sự bùng nổ kiến thức trong những thập niên gần đây, cùng với sự
phân chia kiến thức cách cứng ngắc theo những ngành nghiên cứu riêng lẻ, càng
làm cho nhiệm vụ này khó khăn hơn. Vì thế cần phải tiến đến một tổng hợp các kiến
thức, chỉ như vậy mới có thể đáp ứng khát vọng chân lý vốn được ghi khắc trong
tâm khảm con người.
Do đó Giáo Hội
khuyến khích việc nghiên cứu liên ngành. Mỗi ngành học đều được dạy cách hệ thống
và theo phương pháp riêng của mình, đồng thời việc nghiên cứu liên ngành, với sự
hỗ trợ của triết học và thần học, sẽ giúp cho sinh viên có được tầm nhìn hữu cơ
về thực tại và phát triển ước muốn liên tục thăng tiến tri thức. Thần học đóng
vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm tổng hợp này. Thần học phục vụ các ngành
học khác trong việc tìm kiếm ý nghĩa, không những bằng cách giúp các ngành thấy
được những tác động của nó trên con người và xã hội, nhưng còn mang đến một tầm
nhìn và định hướng vốn không có trong phương pháp luận của các ngành học. Ngược
lại, sự tương tác này làm cho thần học thêm phong phú, giúp thần học hiểu thế
giới hơn và làm cho nghiên cứu thần học gần gũi với nhu cầu hiện nay hơn (x. Ex Corde Ecclesiae, số 16-19).
8. Vai trò của môi trường giáo dục
Môi trường giáo dục
là bầu khí mà giảng viên và học viên tạo nên ở nhà trường. Bầu khí này được kiến
tạo chủ yếu qua tương quan liên vị giữa giảng viên và học viên cũng như giữa học
viên với nhau, qua sự tận tụy và chứng tá sống động của các giảng viên đối với
thiện ích của học viên.
Không gian văn
hóa có thể khác nhau nhưng một số nét chính của bầu khí này vẫn là những đòi hỏi
cần thiết để có môi trường giáo dục đích thực:
- Tôn trọng phẩm
giá và sự độc đáo của mỗi cá nhân (do đó, không chấp nhận khuynh hướng coi học
viên chỉ là những con số trong đám đông quần chúng).
- Tạo những cơ hội
cho người trẻ phát triển những tiềm năng của họ.
- Quân bình về mọi
mặt nhận thức, tình cảm, xã hội, nghề nghiệp, đạo đức, thiêng liêng.
- Cổ võ bầu khí cộng
tác và liên đới (chứ không chủ trương loại trừ và cô lập).
- Mở rộng tâm trí
trong hành trình tìm kiếm chân lý (chứ không giới hạn chân lý theo tầm nhìn ý
thức hệ).
- Tôn trọng ý tưởng
của người khác, mở ra với đối thoại thay vì độc đoán.
Nhà giáo được xem
là những nhân vật chính trong nền giáo dục Công giáo. Vì thế Giáo Hội mong ước
các nhà giáo được chuẩn bị thật chu đáo cả về lãnh vực chuyên môn cũng như kiến
thức sư phạm. Đồng thời, họ cần thi hành nhiệm vụ trong tinh thần cộng tác với nhau
cũng như với phụ huynh. Các nhà giáo phải giúp sinh viên của mình biết tự làm
việc và đồng hành với các em, kể cả khi các em đã ra trường.
Từ góc độ đức
tin, việc giáo dục trở thành việc tông đồ của các nhà giáo, và với tinh thần
tông đồ, họ sẽ làm chứng cho vị Tôn sư duy nhất là Đức Kitô bằng cả cuộc sống
và lời giảng dạy (x. GD số 8).
III. GIÁO HỘI VIỆT NAM VÀ SỨ VỤ GIÁO DỤC
Nhìn vào sứ vụ giáo
dục của Giáo Hội Việt Nam, cách riêng giáo dục học đường, có thể nói Giáo Hội ở
trong tình trạng “không giống ai”. Một đàng, Giáo Hội bị loại ra khỏi lãnh vực
giáo dục học đường ở mọi cấp, từ tiểu học đến trung học và đại học. Mọi cơ sở
giáo dục của Giáo Hội đều bị lấy mất đến độ nhiều giám mục, linh mục ngoại quốc
thắc mắc “Vậy thì làm thế nào để dạy giáo lý”? Đàng khác, Giáo Hội vẫn tiếp tục
thi hành sứ vụ giáo dục cách tích cực và đóng góp phần mình vào đời sống của xã
hội cũng như sứ vụ chung của Giáo Hội toàn cầu. Xin liệt kê một số hoạt động
trong lãnh vực này:
Các chủng viện và học viện được Giáo Hội quan tâm đặc biệt vì là nơi nghiên
cứu và tìm hiểu tường tận hơn Mặc khải của Thiên Chúa, di sản khôn ngoan của
Kitô giáo, phục vụ cuộc đối thoại với người ngoài Giáo Hội, giải đáp những vấn
nạn của thời đại liên quan đến đức tin. Tại Việt Nam, các chủng viện và học viện
thần học hằng năm đào tạo những nhân sự chủ chốt nhất cho sinh hoạt của Giáo Hội.
Các Nhà trẻ do các nữ tu đảm nhận đều được tín nhiệm cao trong xã hội; cuối cùng,
chính quyền cũng nhìn nhận. Trong số 52 Nhà trẻ được tuyên dương năm 2014, có đến
50 Nhà trẻ do các nữ tu đảm nhận.
Các Trường Chúa nhật dạy Giáo lý cho hằng trăm ngàn học sinh, và đây
chính là lãnh vực Giáo Hội đặc biệt quan tâm: “Khi thực thi phận vụ giáo dục,
Giáo Hội muốn sử dụng tất cả các phương thế thích hợp, nhưng vẫn đặc biệt chú
trọng những phương thế riêng biệt của mình, trước tiên là chương trình huấn
giáo nhằm soi sáng và củng cố đức tin, nuôi dưỡng đời sống theo tinh thần Chúa
Kitô, đưa đến việc tham dự cách ý thức và tích cực vào mầu nhiệm phụng vụ, khuyến
khích hoạt động tông đồ” (GD số 4). Bản thân tôi vẫn nghĩ rằng cách làm của
Giáo Hội Việt Nam hiện nay còn tốt hơn việc dạy giáo lý trong trường học.
Lưu xá: Vatican II khuyến
khích “thành lập ngay tại các đại học không Công giáo những cư xá và trung tâm
sinh viên Công giáo, ở đó, các linh mục, tu sĩ, giáo dân được tuyển chọn và huấn
luyện kỹ, sẽ thường xuyên giúp đỡ giới trẻ sinh viên về tu đức và trí thức” (GE
số 10). Hiện nay có nhiều lưu xá do các nam nữ tu sĩ hoặc các giáo xứ đảm nhận
và thực hiện rất tốt.
Đội ngũ giáo viên Công giáo, không chỉ là tu sĩ, trong các trường Nhà nước.
“Các nhà giáo nên nhớ rằng họ là những nhân vật chính giúp cho trường Công giáo
thực hiện được những mục tiêu và dự án của mình” - “Phận vụ các giáo viên đang
thi hành chính là một hoạt động tông đồ đích thực, rất thích hợp và cần thiết
cho thời đại chúng ta, đồng thời là sự phục vụ chính đáng cho xã hội” (GD số
8).
Như thế, cho dẫu phải đối diện với nhiều giới hạn và khó khăn, Giáo Hội Việt Nam vẫn kiên trì tìm cách thực hiện sứ vụ giáo dục vốn gắn liền với sứ vụ Phúc-Âm-hóa đã được Chúa Giêsu trao lại. Do đó, những chỉ dẫn của Giáo Hội về giáo dục vẫn rất cần thiết cho chúng ta, để thi hành sứ vụ tốt hơn và sẵn sàng góp phần tích cực, hiệu quả hơn nữa khi cánh cửa giáo dục học đường mở rộng hơn cho Giáo Hội.
Trích Tập san HiệpThông / HĐGM VN, Số 87 (tháng 3 & 4 năm 2015)