GIÁO HỘI ĐỐI THOẠI VÀ LẮNG NGHE TÍN HỮU CÁC TÔN GIÁO KHÁC
Lm. Phanxicô Xaviê Bảo Lộc
I. ĐỐI THOẠI THUỘC BẢN CHẤT CON NGƯỜI II. THẦN HỌC ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN 3.
Điều kiện đối thoại liên tôn |
DẪN NHẬP
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng Vatican II
(1962-2022) và trong bầu khí Giáo hội cử hành tính Hiệp hành của Thượng Hội đồng
Giám mục Thế giới, chúng ta vui mừng với hoa trái do Thánh Thần Chúa làm phát
sinh, đồng thời cũng ý thức về những di sản và thách đố mà Vatican II để lại.
Với sự canh tân của công đồng
Vatican II, tinh thần hiệp hành nhờ đối thoại được thể hiện trong các tương
quan đối nội và đối ngoại của Giáo hội Công giáo. Trong Giáo hội, các giám mục
được mời gọi làm việc chung, tích cực hỗ trợ và cộng tác với nhau và với Đức
giáo hoàng. Công đồng muốn quy tụ các giám mục thường xuyên để cố vấn cho Đức
giáo hoàng về các vấn đề quan trọng cũng như thiết lập và thừa nhận các hội nghị
giám mục ở các quốc gia hay khu vực (Liên Hội đồng Giám mục). Đồng thời, các
nghị phụ công đồng nhấn mạnh đến vai trò của giáo dân trong Hội Thánh và mời gọi
họ tham gia tích cực vào đời sống Phụng vụ.
Trong tương quan với thế giới, Giáo hội học theo Vatican II,
là một Giáo hội lữ hành, mở ra đối thoại với triết học, các lĩnh vực khoa học,
các nền văn hóa và tôn giáo. Anh chị em giáo dân được mời gọi có sáng kiến và dấn
thân bằng những phương thế khác nhau để Phúc âm hóa môi trường sống cũng như “thấm
nhập” vào đời sống chính trị, theo giáo huấn xã hội của Giáo hội (x. GLHTCG số
899).
Giáo huấn của công đồng Vatican II không chỉ là những văn bản
để học hỏi và nghiên cứu, nhưng chủ yếu là để thực hành nhằm canh tân Giáo hội.
Nhờ ba vị Giáo hoàng áp dụng tinh thần “aggiornamento” của Vatican II vào đời sống
Giáo hội cũng như các mối tương quan với xã hội, mà Giáo hội Công giáo được
Chúa Thánh Thần liên tục canh tân và ngày càng mang tính hiệp hành hơn. Đó là
thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Đức Giáo
Hoàng Phanxicô.
Các Giám mục tại Á châu (FABC) xác tín đối thoại liên tôn là
thành phần của sứ vụ ad gentes và phương thế loan báo Tin Mừng, nên thường
xuyên nhấn mạnh đến việc truyền giáo tại châu lục này được thực hiện qua cuộc đối
thoại tam diện với người nghèo, với các nền văn hóa và các tôn giáo.
Cùng suy tư về đối thoại và lắng nghe trong tiến trình hiệp
hành, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu việc đối thoại và đối thoại liên tôn của
Giáo hội dưới ba góc độ nhân học, thần học và mục vụ.
I. ĐỐI THOẠI THUỘC BẢN CHẤT CON NGƯỜI
Ngày nay người ta đề cập nhiều đến đối thoại giữa các thế hệ,
giữa các nền văn hóa, đối thoại Bắc-Nam, đối thoại trong xí nghiệp, đại học, thậm
chí đối thoại với cả máy vi tính v.v…
Thực ra, đối thoại gắn liền với bản chất con người. Con người
không chỉ là homo faber, con người
lao động, homo sapiens, con người
tinh khôn, mà còn là homo dialogus,
con người đối thoại. Vì dưới góc độ nhân học, thì đối thoại là “dấu ấn về nét đặc
sắc của con người: mở ra cho tha nhân”.[1]
Đối thoại tạo nên cấu trúc nền tảng của nhân vị. Kinh nghiệm mạnh mẽ nhất về bản
thân là sự gặp gỡ người khác bởi vì hữu thể của chúng ta mang đặc tính truyền
thông, tương giao. Thomas Merton (1915-1968) đã có lý khi khẳng định rằng
“không ai là một ‘hòn đảo”.[2] Triết gia và thần học gia gốc
Do Thái, Martin Buber (1878-1965), người tiên phong trong cuộc đối thoại giữa
Do Thái giáo và Kitô giáo, đã trình bày một triết học hiện sinh về đối thoại
trong tác phẩm Le Je et le Tu (Tôi và
Bạn).[3] Theo Buber, con người chủ yếu
là một hữu thể đối thoại (homo dialogus), vì vậy “khởi nguyên là tương quan” và
“toàn bộ cuộc sống là gặp gỡ”.[4]
Trong lĩnh vực nhận thức, từ cuối thế kỷ V tcn, Socrates
(470 – 399 tcn) đã dùng đối thoại như cách giúp tiếp cận chân lý, thường được gọi
là phương pháp hộ sinh trí tuệ hay tinh thần. Triết gia cho rằng mọi người đều
biết lẽ phải, sẵn sàng làm theo lẽ phải nếu được thức tỉnh. Dù không xưng mình
là thầy dạy, nhưng Socrates đã giúp khai sáng chân lý cho biết bao người theo học
với ông. Dựa theo phương pháp hộ sinh của bà mẹ, Socrates tiến hành nghệ thuật
đối thoại qua bốn bước:
(1) khơi gợi vấn đề để người đối thoại trình bày hiểu biết.
Rồi bằng những câu hỏi giúp người đối thoại hiểu rằng kết luận của họ hoặc là
nhất quán hoặc được chứng minh chưa đầy đủ.
(2) dùng phương pháp quy nạp để xây dựng từng bước cái biết
vững chắc. Phân tích chính xác những ví dụ cụ thể trong đời thường, từ đó rút
ra những kết luận và định nghĩa tạm thời.
(3) làm cho những khẳng định tạm thời ấy thêm tinh tế và
chính xác hơn.
(4) xây dựng những định nghĩa rõ ràng, phổ quát về vấn đề
đang bàn.
Vai trò người thầy theo Socrates thể hiện ở chỗ lắng nghe và
đặt câu hỏi. Phương pháp đối thoại của triết gia Hy Lạp này đã tạo nền tảng cho
sự phát triển triết học và khoa học của các thế hệ sau.[5](1)
Trong tác phẩm Theaetetus, Platon (423 – 348/347 tcn), môn
sinh của Socrates đã thuật lại lời thầy của mình nói về phương pháp hộ sinh trí
tuệ như sau:
“Giống như các bà đỡ, tôi không sinh đẻ được và lời thiên hạ
thường chê trách rằng tôi chỉ đặt câu hỏi cho người khác chứ không có đủ khôn
ngoan để tự trả lời là rất đúng – lý do là vì thần bắt tôi đỡ đẻ mà không cho
phép tôi sinh sản. Vì thế mà bản thân tôi không khôn ngoan và cũng chẳng có gì
để trưng bày như phát kiến hay sản phẩm do tâm hồn mình sinh ra, nhưng bất kỳ
ai chuyện trò với tôi đều được lợi. Vài người lúc đầu có vẻ khờ khạo, nhưng sau
đó, khi sự trao đổi giữa chúng tôi đã chín muồi và nếu Thần cũng thuận tình phù
hộ, họ đều làm nổi những tiến bộ đáng ngạc nhiên, như cả kẻ bàng quan lẫn bản
thân họ đều nhận thấy. Thật rõ ràng là họ chưa bao giờ học được bất cứ điều gì
từ tôi cả và nhiều phát hiện hay đẹp mà họ thấy gắn bó thiết thân đều do công
phu của họ. Nhưng họ nợ tôi và Thần sự hộ sinh ra chúng”.[6]
Phải chăng sự cần thiết và khẩn cấp của đối thoại trong các
mối tương quan nhân loại có ảnh hưởng đến yêu cầu của Giáo hội về đối thoại
liên tôn? Chắc hẳn là có, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu văn
hóa, sự xung đột giữa các quốc gia và sự gia tăng hiện tượng di dân trên thế giới
như ngày nay. Tuy nhiên, động cơ của việc đối thoại theo niềm tin Kitô giáo còn
sâu xa hơn và bắt nguồn từ những lý do nền tảng khác, mà chúng ta cùng tìm hiểu
trong phần tiếp theo.
II. THẦN HỌC ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
Theo thần học Công giáo, một cuộc đối thoại đích thực và
toàn diện được diễn ra trong hai chiều ngang và dọc, nghĩa là trong cả chiều
kích nhân linh lẫn thần linh.
1. Mục đích của đối thoại liên tôn
Đối thoại liên tôn là hiệp hành cùng nhau khám phá và làm
triển nở những “hạt giống Ngôi Lời” (Logos
spermatikos), các yếu tố “chân lý và ân sủng, do chính Thiên Chúa đang hiện
diện cách ẩn khuất giữa con người đã trao ban cho các dân tộc” (x. AG 9). Nơi
các tôn giáo có các yếu tố “chân thật và thánh thiện” (x. NA 2). Cần xác tín rằng
tác nhân chính của công cuộc đối thoại liên tôn là Chúa Thánh Thần. Ngài hiện
diện và hoạt động trong Nhiệm thể Chúa Kitô, nhưng cũng tác động bên ngoài biên
giới hữu hình của Giáo hội[7] và hướng dẫn mọi người trên
hành trình tìm kiếm chân lý. Thần Khí giúp dẫn đưa con người đến “sự thật toàn
vẹn”. Do đó, đích điểm của công cuộc đối thoại liên tôn không nằm ở chỗ “cải đạo”
bên đối tác của mình – như một số người Công giáo và tín đồ khác vẫn nghĩ, mà
cùng hoán cải sâu xa hơn với Thiên Chúa và “đồng hành tiến về sự thật”.[8]
Theo Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, “đối thoại là một phương thế
thực hành sứ mạng tông đồ” và là “một nghệ thuật truyền thông tâm linh”. Về đối
tượng của đối thoại, ngài xác định: “Không ai là người xa lạ ở giữa lòng Giáo hội.
Không ai là không quan trọng đối với sứ vụ của Giáo hội. Đối với Giáo hội,
không ai là kẻ thù, trừ khi họ muốn đứng về phía này” (ES 98) . Do đó, Đức giáo
hoàng chia những người mà Giáo hội đối thoại theo ba vòng tròn từ xa đến gần:
(1) nhân loại (2) các người tin vào Thiên Chúa, những tín đồ của các tôn giáo lớn
tại Châu Á và Châu Phi và (3) các anh em Kitô hữu chia cách (đối thoại đại kết).[9]
2. Nguồn gốc thần linh của đối thoại
Cuộc đối thoại mà Giáo hội theo đuổi có “nguồn gốc, mẫu mực
và cứu cánh trong Thiên Chúa Ba Ngôi Chí thánh. Đối thoại biểu lộ và làm hiện
thực sứ mạng của Ngôi Lời vĩnh cửu và của Chúa Thánh Thần trong công việc thực
hiện chương trình cứu độ. Chính nhờ vào Lời Ngài mà Chúa Cha mời gọi mọi người
từ hư không vào hiện hữu, và chính Hơi thở Ngài ban cho mà con người có sự sống.
Chính nhờ Con Ngài, mang lấy xác phàm loài người chúng ta và được xức dầu bởi
Chúa Thánh Thần Ngài, mà Ngài nói với loài người như những người bạn, “nói chuyện
với họ nơi dương thế” và mạc khải cho họ “con đường toàn vẹn của sự hiểu biết”.[10]
Thật vậy, đời sống nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự hiệp
thông và trao đổi phong phú, là suối nguồn của đối thoại theo nghĩa Kitô giáo.
Tương quan của Thiên Chúa Tam vị Nhất thể được mô tả như một cuộc đối thoại (x.
DV 8, 12, 25). “Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với
Thiên Chúa” (GS 19). Chính nhờ Lời của Thiên Chúa mà con người được tạo dựng
nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn đi bước trước trong việc trao đổi
với con người để dẫn đưa họ vào cuộc đối thoại thần linh và yêu thương trong
cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa Ba Ngôi không ngừng đối thoại với nhân
loại nhờ các công trình sáng tạo, cứu độ, thánh hóa.
Tình yêu sáng tạo của Chúa Cha mời gọi chúng ta đối thoại với
mọi thụ tạo, bởi vì sự giàu có và tình yêu của Chúa Cha vừa biểu lộ vừa ẩn tàng
nơi mọi thụ tạo. Hơn nữa, mọi người đều mang hình ảnh Thiên Chúa. Như thế, vũ
trụ cũng như lịch sử tràn đầy ân huệ của Ngài. Mỗi người và mỗi biến cố thấm đượm
tình yêu của Thiên Chúa. Chính vì thế, Giáo hội có “sứ mạng khám phá, đưa ra
ánh sáng, làm cho chín muồi tất cả sự phong phú mà Chúa Cha đã đặt để trong việc
tạo thành và trong lịch sử, không những chỉ để cử hành vinh quang Thiên Chúa
trong phụng vụ, mà còn để phát triển sự luân chuyển các ân huệ của Thiên Chúa
giữa tất cả mọi người”.[11]
Chúa Con, Con Người – Thiên Chúa và là “Thiên Chúa ở cùng
chúng ta” đã mang lại chiều kích thần linh cho các tương quan nhân loại và mời
gọi con người đối thoại với nhau. Người thật sự là Ngôi Lời và là lời đối thoại
mà Chúa Cha đã liên tục ngỏ với loài người từ lúc tạo dựng. Chính trong Đức
Giêsu, Thiên Chúa đến gặp gỡ tất cả mọi người. Vả lại, cuộc sống, cái chết và sự
phục sinh của Đức Giêsu Kitô đã mang lại “lối diễn tả tối hậu” cho sự đối thoại.
Quả thực, sự hiện diện của Đức Kitô trong cuộc gặp gỡ nhân loại là kết quả của
mầu nhiệm nhập thể. Đàng khác, toàn thế giới được cứu chuộc bởi Đức Kitô chết
và sống lại. “Một cách nào đó, Đức Kitô đã hiệp nhất với con người, với tất cả
mọi người không trừ ai” (RH 14). Nhờ Đấng Hòa giải mà sự đổ vỡ trong tương quan
con người bởi tội ích kỷ đã bị thất bại. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng tất cả
mọi cuộc đối thoại của con người xuất phát từ đức tin và thấm nhuần đức ái, trở
nên cuộc đối thoại mang tính chất cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.
3. “Đối thoại cứu độ”
Đối thoại liên tôn theo quan điểm Kitô giáo, không dừng lại
nơi quan điểm nhân học về đối thoại. Vì sao? Thưa đối thoại liên tôn không chỉ
là “phương sách nuôi dưỡng sự hiểu biết
và làm giàu cho nhau”, vì “sự đối thoại
đó là thành phần của sứ mạng rao giảng Tin Mừng cả Giáo hội, một biểu hiện của
sứ vụ đến với dân ngoại” (Ecclesia in
Asia 31), mà nội dung và mục đích của sứ mạng rao truyền của Giáo hội chính
là hồng ân cứu độ do Chúa Giêsu Kitô. Theo Thánh giáo hoàng Phaolô VI, “đối thoại
(liên tôn) là (sinh hoạt) nền tảng của Giáo hội, Giáo hội này được kêu gọi cộng
tác với chương trình của Thiên Chúa, bằng cách hiện diện, kính trọng và yêu
thương mọi người” (…) Vì “đối thoại được lồng vào trong sứ mệnh cứu độ của Giáo
hội, nên đó là một cuộc đối thoại cứu độ”.[12]
Sự dấn thân đối thoại liên tôn của Giáo hội “phát xuất từ sáng kiến của Thiên Chúa đến đối
thoại với nhân loại và từ gương mẫu của Đức Giêsu Kitô, mà cuộc sống, cái chết
và sự sống lại của Ngài đã mang lại cho đối thoại lối thể hiện tối hậu” (Đối
thoại và rao truyền 53).
Trong các trình thuật Kinh Thánh, tương quan giữa Thiên Chúa
và con người được trình bày như tương quan giao ước. Tiếp theo Irênê thành
Lyon, truyền thống Kitô giáo nhận biết bốn giao ước: giao ước Adam, giao ước Nôê, giao ước Abraham–Môsê và
giao ước Kitô. Hai giao ước đầu có
tính cách phổ quát: giao ước đầu tiên Thiên Chúa thiết lập với toàn thể nhân loại,
được biểu tượng bởi Adam, tổ tông của loài người; giao ước với Nôê biểu trưng
giao ước giữa Thiên Chúa với các quốc gia, mọi sinh vật, mọi xác phàm ở trên mặt
đất.
Tác giả sách Sáng thế ghi lại lời kết ước với toàn thể nhân
loại này: “Đây Ta lập giao ước của Ta với
các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này, và tất cả mọi sinh vật ở với các
ngươi: chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu
đi ra, kể cả dã thú… Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện
trong mây, Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật,
nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt
mọi xác phàm nữa. Cây cung sẽ ở trong mây. Ta sẽ nhìn nó để nhớ lại giao ước
vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ở trên mặt
đất” (St 9,11-16).
Riêng đối với giao ước Abraham–Môsê, tuy là kết ước với
Israel, nhưng không đóng khung trong dân được tuyển chọn, mà dân này lãnh nhận
từ Thiên Chúa một ơn gọi hướng về các dân tộc. Giao ước thứ tư được Thiên Chúa
ký kết với nhân loại trong Đức Giêsu Kitô. Giao ước Kitô này vừa mới mẻ vừa
mang tính quyết định (x. Mt 26, 28; Lc 22, 20), vì biến cố Đức Giêsu Kitô trở
nên đỉnh cao mà tất cả các giao ước thần linh quy hướng về.”[13]
Mọi tương quan giao ước trong Kinh Thánh đều giả thiết một sự hỗ tương và một sự đối thoại giữa các bên của kết ước, cho dù sáng kiến luôn xuất phát từ phía Thiên Chúa. Hơn nữa, Thiên Chúa tiếp cận với con người không phải bất chấp lịch sử, nhưng qua lịch sử này, Ngài dẫn dắt con người một cách tiệm tiến đến mạc khải của Chúa Con. Như thế, các truyền thống tôn giáo khác của nhân loại “bày tỏ sự can thiệp cá vị của Thiên Chúa trong lịch sử các quốc gia, bằng cách điều hướng họ đến sự can thiệp mang tính quyết định trong Đức Giêsu Kitô”.[14] Thật vậy, “lịch sử cứu độ và lịch sử mạc khải, với tư cách là sự tự khải mang lại ân sủng, đồng tồn tại và trương trải ra với lịch sử thế giới, lịch sử tinh thần và khởi đi một cách tổng quát từ Tôn giáo”.[15] Theo Thông điệp Ecclesiam suam (ES), lịch sử cứu độ này được đồng hóa với câu chuyện về một cuộc trao đổi, đối thoại, trò chuyện giữa Thiên Chúa và con người.
Do đó, đối thoại liên tôn nằm trong cuộc đối thoại giữa
Thiên Chúa và con người. Đặc tính của cuộc đối thoại này vô vị lợi và vô giới hạn,
vì xuất phát từ động lực tình yêu:
“Cuộc đối thoại cứu độ
sẽ không được đánh giá theo sự xứng đáng của những người được ngỏ lời, cũng
không theo ngay cả những kết quả có thể đạt được hay có thể sai lầm; ‘Người khỏe
mạnh không cần đến thầy thuốc’ (Lc 5, 31); cuộc đối thoại của chúng ta cũng
không được có giới hạn và tính toán.
Cuộc đối thoại cứu độ
không ép buộc bất cứ ai đón nhận mình; đó là một đòi hỏi tuyệt vời của tình
yêu, một đòi hỏi mà nếu tạo nên trách nhiệm nghiêm trọng đối với những người được
ngỏ lời (x. Mc 11, 21), thì cũng để cho họ được hoàn toàn tự do để đáp ứng hay
từ chối cuộc đối thoại ấy” (ES 76-77).
III. MỤC VỤ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
1. Các hình thức đối thoại liên tôn
Trong thông điệp Redemptoris missio (RM), sau khi gợi lên
vài hình thức đối thoại liên tôn, Đức Gioan-Phaolô II đã nhấn mạnh đến việc đối
thoại bằng cuộc sống và những lợi ích của hình thức đối thoại này đối với xã hội:
“Từ những trao đổi giữa
các chuyên viên về truyền thống tôn giáo, hay giữa các đại diện chính thức cho
đến việc cộng tác để phát triển toàn diện và duy trì các giá trị tôn giáo bằng
đời sống. Qua việc đối thoại bằng chính đời sống, các tín hữu thuộc các tôn
giáo khác nhau làm chứng lẫn cho nhau, trong cuộc sống hằng ngày về những giá
trị nhân bản và thiêng liêng của mình, đồng thời giúp nhau sống những giá trị ấy
để xây dựng một xã hội công bình và huynh đệ hơn” (RM 57).
Văn phòng đặc trách những người ngoài Kitô giáo, qua tài liệu
có nhan đề “Thái độ của Giáo hội đối với tín đồ các tôn giáo khác. Những suy tư
và định hướng liên quan đến việc đối thoại và truyền giáo” (1984), đã nêu ra bốn
hình thức chính của đối thoại liên tôn:
a. Đối thoại trong đời sống thường nhật, dành cho hết mọi
người;
b. Đối thoại bằng dấn thân chung trong hoạt động cho công
bình và giải phóng con người;
c. Đối thoại tri thức giữa các chuyên viên tôn giáo;
d. Đối thoại bằng chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo trong sự tìm
kiếm Tuyệt Đối.
Qua nội dung và thứ tự mà tài liệu đề cập đến, chúng ta nhận
ra tầm quan trọng ưu tiên của đối thoại bằng cuộc sống giữa các tín đồ – được
liệt kê trước cuộc trao đổi giữa các chuyên viên về tôn giáo. Thật vậy, chính
cuộc đối thoại bằng đời sống giúp cho sự cộng tác trong hoạt động xã hội hay từ
thiện giữa các tôn giáo được khả thi và thuận lợi. Và nhờ hai hình thức đối thoại
này, mà các diễn từ thần học giữa các chuyên viên cũng như sự trao đổi về kinh
nghiệm tôn giáo mới có cơ sở thực hành và mang ý nghĩa nhiều hơn.
2. Những trở ngại cho công cuộc đối thoại
Để dấn thân hiệu quả vào công cuộc đối thoại liên tôn, Kitô
hữu cần lưu tâm đến những khó khăn có thể xảy đến trong cuộc gặp gỡ này, hầu cố
gắng vượt qua những trở ngại thuộc phía Công giáo. Bộ Phúc âm hóa các dân tộc
và Hội đồng Tòa thánh về Đối Thoại Liên Tôn đã nêu lên những trở ngại chính cần
tránh để việc đối thoại liên tôn mang lại kết quả:[16]
a. Không bén rễ sâu đủ trong đức tin của riêng mình;
b. Không biết và hiểu đầy đủ về tín ngưỡng và thực hành của
các tôn giáo khác có thể dẫn đến một thẩm định thiếu sót về ý nghĩa của chúng
và đôi khi còn đưa đến những giải thích sai lạc;
c. Những khác biệt có tính cách văn hóa, do trình độ kiến thức
khác nhau hoặc do cách vận dụng các ngôn ngữ khác nhau;
d. Những nhân tố xã hội - chính trị hoặc các hệ quả khác của
quá khứ;
e. Hiểu sai các từ ngữ như trở lại, phép rửa, đối thoại,
v.v...
f. Chưa hoặc thiếu cởi mở, đưa đến một thái độ tự vệ, hay
còn đi đến tình trạng gây hấn;
g. Thiếu xác tín đối với giá trị của việc đối thoại liên
tôn, mà một số người có thể xem như một phận vụ dành riêng cho những nhà chuyên
môn và một số khác lại xem như một dấu chỉ của sự yếu kém hoặc còn như là một sự
phản bội lại đức tin;
h. Nghi ngờ về các động cơ thúc đẩy người đối diện trong
công cuộc đối thoại;
i. Một tinh thần tranh biện, khi diễn tả các xác tín tôn
giáo;
j. Thái độ bất bao dung, thường bị gia trọng hơn khi gắn liền
với những nhân tố chính trị, kinh tế, chủng tộc và giống nòi; và tình trạng thiếu
hỗ tương trong đối thoại có thể đưa đến một tình cảm chán ngán;
k. Bầu khí tôn giáo hiện nay: sự phát triển của chủ nghĩa
duy vật, thái độ lãnh đạm tôn giáo và việc gia tăng của các giáo phái gây nên
tình trạng lẫn lộn và khơi dậy những vấn đề mới.
Ngoài ra, tại mỗi Giáo hội địa phương và trong từng hoàn cảnh
cụ thể, còn có những tác nhân thuận lẫn nghịch (con người, môi trường, xã hội),
có thể hỗ trợ hay gây khó khăn cho công cuộc đối thoại liên tôn. Tuy nhiên, thiết
nghĩ các mục tử cần quan tâm và cổ võ nhiều cho việc đối thoại liên tôn trong
cuộc sống, nơi gia đình – nhất là trong các gia đình hôn nhân khác tôn giáo.
3. Điều kiện đối thoại liên tôn
Mang một đức tin kiên vững và sống động, Kitô hữu mới có thể
an tâm tiến bước trên hành trình đối thoại. Michel Fédou, nhà thần học tôn giáo
thuộc dòng Tên đã xác quyết: “Kitô hữu sẽ chỉ đi xa trong việc gặp gỡ các tín đồ
khác nếu người đó đã đâm rễ sâu trong truyền thống đức tin riêng của mình.”[17]
Bên cạnh nhân tố đức tin, Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám
Mục về Châu Á còn thêm vào tư cách của người đối thoại hai tiêu chí: “Chỉ những
người có đức tin Kitô giáo trưởng thành và xác tín, mới có tư cách dấn thân vào
việc đối thoại liên tôn chân chính. Chỉ những Kitô hữu được dìm sâu vào trong mầu
nhiệm Chúa Kitô và sống hạnh phúc trong cộng đồng đức tin của họ, mới có thể dấn
thân vào việc đối thoại liên tôn, mà không có sự liều lĩnh không đáng và có hy
vọng hái được hoa quả tích cực” (Ecclesia
in Asia 31).
Theo hướng dẫn của Giáo hội Công giáo, người đối thoại cần
có thái độ chú ý, tôn trọng và tiếp nhận người khác, dành chỗ cần thiết cho căn
tính, lối diễn tả riêng và những giá trị của người đó.[18]
IV. LẮNG NGHE: TÂM THẾ THI HÀNH SỨ VỤ
1. Lắng nghe tiếng Chúa
“Shema Israel”, lời kinh nhật tụng của tín hữu Do thái giáo
vẫn được Kitô giáo dùng để cầu nguyện và chú trọng đến thái độ lắng nghe Đức
Chúa. “Hãy nghe” là lệnh Chúa truyền cho Israel ngày xưa qua miệng Môsê, mà
cũng là Lời Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ hôm qua và hôm nay.
Lắng nghe Lời Chúa thường trực giúp Giáo hội phân định, nhận
ra thời điểm và các dấu chỉ thời đại, đồng thời trở nên dấu chỉ của Nước Trời
giữa trần gian.
Ủy ban Thần học Quốc tế đã xác định cách thực hành việc lắng
nghe cụ thể bằng việc bẻ tấm bánh Lời Chúa cùng với tấm bánh Thánh Thể:
“Chúng ta học cách nghe tiếng Chúa bằng cách suy gẫm Kinh thánh, đặc biệt là Phúc âm, bằng việc cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, và bằng cách tiếp đón anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người nghèo. Bất cứ ai thi hành thừa tác vụ mục vụ và được kêu gọi bẻ tấm bánh Lời Chúa cùng với tấm bánh Thánh Thể thì cần phải gần gũi với đời sống cộng đoàn, để có thể thông truyền sứ điệp của Thiên Chúa ở nơi đây và bây giờ trong đời sống của họ. Cấu trúc đối thoại của phụng vụ Thánh Thể là khuôn mẫu của sự phân định cộng đoàn: trước khi lắng nghe nhau, các môn đệ phải lắng nghe Lời Chúa.”[19]
Để thi hành sứ vụ Kitô giáo như một cuộc đối thoại mang tính
ngôn sứ, Giáo hội cần để Lời Chúa định hướng và dẫn dắt mọi hoạt động mục vụ của
mình. Có lắng nghe và thực hành Lời Chúa, đời sống của mọi thành phần Dân Chúa
mới tiếp tục thể hiện mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Ngôi Lời.
2. Lắng nghe tha nhân
Tất cả mọi can thiệp của Thiên Chúa trong thế giới đều được
gán cho Logos. Tất cả mọi biểu lộ của Thiên Chúa trong thế giới đều diễn ra qua
Logos. Điều gì đúng trong hành vi tạo dựng của Thiên Chúa thì cũng đúng đối với
việc bày tỏ cá nhân của Thiên Chúa cho con người. Sự biểu lộ của Thiên Chúa nhờ
trung gian Ngôi Lời của Ngài không giới hạn nơi nhiệm cục Kitô giáo mà thôi. Sự
biểu lộ này đã diễn ra trước khi Ngôi Lời nhập thể, nơi người Do Thái và người
Hy Lạp. Ở mọi nơi đều có những người đã sống theo Ngôi Lời và đáng được gọi là
Kitô hữu.
Giáo phụ Giustinô viết trong cuốn Hộ giáo I:
“Đức Kitô là Trưởng tử của Thiên Chúa, Ngôi Lời của Ngài mà tất cả mọi người đều thông dự vào (metechein), đó là điều chúng ta đã học hỏi và công bố. Những ai đã sống theo Ngôi Lời là Kitô hữu, dù họ có thể bị coi như là vô thần, như nơi những người Hy Lạp, Socrate, Héraclite và những người giống như họ, rồi nơi những dân man di, Abraham, Ananias, Azarias, Misael, Êlia cùng biết bao người khác mà sẽ quá dài để kể ra ở đây các hoạt động và danh tánh của họ (…) những người đã và đang sống theo Ngôi Lời là những Kitô hữu, gan dạ và không sợ hãi”[20].
“Vô tri bất mộ”, không biết hay thiếu hiểu biết tha nhân,
chúng ta sẽ khó có thể yêu mến, cảm thông và hiệp hành với những người khác niềm
tin tôn giáo hay bất đồng chứng kiến với mình.
Có lắng nghe và tìm hiểu ngôn ngữ diễn tả niềm tin và thực
hành đạo của các tín đồ tôn giáo bạn, Giáo hội mới nhận ra những gì là chân thật
và thánh thiện nơi họ (NA 2), đồng thời chia sẻ Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho họ,
không những bằng diễn từ mà còn qua lối sống hằng ngày thấm nhuần Tám mối phúc
thật.
3. Đón nhận sự khác biệt
Từ khởi nguyên Thiên Chúa đã dựng nên con người là nam và nữ,
những người nam và nữ đều là hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa – Tình yêu, một
Thiên Chúa duy nhất trong ba ngôi vị. Mọi người đều có chung nguồn gốc và đích
điểm là chính Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ.
Niềm tin “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ” (1 Tm 2, 4)
giúp Kitô hữu vượt thắng mọi thành kiến về tín đồ các tôn giáo và các hình thức
kỳ thị, loại trừ, đồng thời mời gọi chúng ta đón nhận các khác biệt để xây dựng
tình huynh đệ đại đồng, bởi vì mọi người đều là con cái một Cha trên trời, dù
không phải hết mọi người đều ý thức hay tin vào thực tại này.
Chia sẻ và hiệp thông với đời sống thần linh của Ba Ngôi
Thiên Chúa, Kitô hữu được mời gọi lắng nghe tín hữu các tôn giáo khác với con
tim (chủ đề Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân Ngày thế giới truyền thông
xã hội năm 2022).
Kitô hữu và tín đồ các tôn giáo khác nhau, nhưng không nhất
thiết phải (xung) khắc nhau. Khi lắng nghe anh chị em tôn giáo bạn chia sẻ, tôi
có thể nhận ra nét đẹp tâm linh trong đời sống và thực hành niềm tin của họ.
Tôi nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi họ, bởi vì Thiên Chúa là nguồn Chân-Thiện-Mỹ,
mà điều gì tỏa sáng điều thiện và cái đẹp, đều phát xuất phát từ Thiên Chúa.
Khi đón nhận sự khác biệt của tha nhân về quan điểm, tín ngưỡng
v.v… chúng ta sẽ nhận ra rõ căn tính và điểm độc đáo của niềm tin Kitô giáo, mà
không mang thái độ hãnh tiến hay độc tôn chân lý. Chân lý của Kitô giáo là chân
lý được sáng tỏ nhờ tương quan, tương quan thần linh với Thiên Chúa và tương
quan huynh đệ với mọi con người.
KẾT LUẬN
Cùng chung tay xây dựng “văn hóa gặp gỡ” theo lời mời gọi của
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người môn đệ Chúa Kitô sẽ cảm nghiệm được khi gặp gỡ
tha nhân là gặp gỡ Thiên Chúa, vì con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên
Chúa và Logos, Lời tạo dựng và cứu độ vẫn không ngừng hiện diện nơi các dân tộc
và tín đồ các tôn giáo.
Vì đối thoại liên tôn là thành phần và phương thế thi hành sứ
vụ loan báo Tin Mừng mà Chúa Kitô ủy thác cho Giáo hội từ hơn 2000 năm qua, nên
Giáo hội không thể chu toàn sứ mạng truyền giáo – thuộc bản chất của mình, nếu
không có tương giao, liên đới, lắng nghe và cộng tác với tín đồ các tôn giáo bạn.
Một Giáo hội biết lắng nghe là một Giáo hội tự hạ (kenosis), không ngừng đáp lại lời gọi mời của Thầy Chí Thánh: “Hãy
học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 28).
Kitô hữu đích thực là con người của đối thoại, môn đệ của
Chúa Giêsu có khả năng lắng nghe và đối thoại với mọi người như anh chị em,
trong đó có tín đồ các tôn giáo khác và ngay cả anh chị em vô thần.
Hơn nữa, “Con đường của tính hiệp hành chính là con đường mà
Thiên Chúa mong đợi nơi Hội thánh trong thiên niên kỷ thứ ba”.[21] Con đường Hiệp hành này còn
nhiều chông gai, nhưng cũng chan chứa hương thơm của Tin Mừng và bao hàm những
nụ tầm xuân, mùa xuân của tình huynh đệ Kitô.
SÁCH THAM KHẢO
• Thierry-Marie Courau, Le
salut comme dialogue de saint Paul VI à François, Cerf, 2018.
• Michael l. Fitzgerald and John Borelli, Interfaith dialogue: A Catholic View, Orbis Books, 2006.
• Jostein Gaarder, Thế
giới của Sophie, Người dịch: Trần Minh Châu, NXB Tri thức, 2006.
• Văn phòng Tổng Thư ký Thượng HĐGM, Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, Vatican,
2021.
• Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh, Người dịch:
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, NXB Đồng
Nai, 2021.
• Hội đồng Tòa thánh về Đối thoại Liên tôn và Bộ Phúc âm hóa
các dân tộc, Đối thoại và Rao truyền,
Những suy tư và hướng dẫn liên quan đến Đối Thoại Liên Tôn và Rao Truyền Tin Mừng
Đức Giêsu Kitô. Người dịch: Nguyễn Đăng Trúc, Bulletin No. 77 du C.P.D.Ị, Vatican,
1991.
Trích Bản tin Hiệp
Thông / HĐGMVN, Số 130
(Tháng 7 & 8 năm 2022)
[5] Xem Bùi Văn Nam Sơn,
Chuyện xưa chuyện nay: Socrates và nghệ
thuật đối thoại. Báo Sài Gòn Tiếp Thị, (8.6.2010) Nguồn: https://www.hoasen.edu.vn/chuyen-xua-chuyen-nay-socrates-va-nghe-thuat-doi-thoai/
[10] Commission
Théologique Internationale, Le
christianisme et les religions, số 115, trong La Documentation catholique,
n° 2157 (6.4.1997)
[11] Secrétariat Pour Les
Non-Chrétiens, “Attitude de l’Eglise
catholique devant les croyants des autres religions, Réflexions et orientations
concernant le dialogue et la mission”, n° 22, trong Conseil Pontifical Pour
Le Dialogue Interreligieux, Le dialogue
interreligieux dans l’enseignement officiel de l’Eglise catholique (1963-1997),
Lonrai, Solesmes, 1998, tr. 754.
[12] Hội đồng Tòa thánh về
Đối Thoại Liên Tôn và Bộ Phúc âm hóa các dân tộc, Đối thoại và Rao truyền, Những suy tư và hướng dẫn liên quan đến Đối
Thoại Liên Tôn và Rao Truyền Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Nguyễn Đăng Trúc dịch, số
39.
[13] Xem Jacques Dupuis, Jésus-Christ à la rencontre des religions,
Paris, Desclée (coll. “Jésus et Jésus-Christ”, n° 39), 1989, tr. 151-152.
[16] Hội đồng Tòa thánh về
ĐTLT và Bộ Phúc âm hóa các dân tộc, Đối
thoại và Rao truyền, ibid., số
52.
[17] Anne-Marie Aitken,
Jean Joncheray, Stanislas Lalanne, René Marlé (Dir.), Thabor. L’Encyclopédie des catéchistes, Paris, Desclée, 1993, tr.
8.
[18] Secrétariat Pour Les
Non-Chrétiens, “Attitude de l’Eglise
catholique devant les croyants des autres religions, Réflexions et orientations
concernant le dialogue et la mission”, ibid.,
tr. 756.
[19] Ủy ban Thần học Quốc
tế, Tính Hiệp Hành trong đời sống và sứ vụ
của Hội Thánh, Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương dịch, NXB Đồng Nai, 2021, tr. 96.
[20] St. Justin Martyr, The First Apology, XLVI, 1-4 Nguồn: https://www.newadvent.org/fathers/0126.htm
[21] Đức giáo hoàng
Phanxicô, Nghi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập
định chế Thượng Hội đồng Giám mục, (17.10. 2015), AAS 107 (2015), 1139.