GIÁO DỤC:
CHUYỆN CỦA CON TIM
Lm. Văn
Am, Sdb.
Một câu chuyện trong đời của Don Bosco khi còn
nhỏ làm tôi băn khoăn hoài để tìm giải đáp. Ngày nọ, ngài thấy cha xứ ở đàng
xa, ngài tiến lại gần và chào ngài. Nhưng cha xứ cứ lặng lẽ bước, chẳng để ý gì
đứa nhỏ ấy. Cậu nhỏ Bosco bị sốc và nhất quyết không đi theo đường lối đó. Rồi
lại một lần khác, ngài nghe thấy những đứa nhỏ gọi các linh mục là những con quạ
đen và chạy xa như thể bệnh dịch vậy. Và rõ ràng, lời nói, diện mạo của họ chẳng
mảy may tác động đến những thiếu niên, nếu không nói rằng chúng còn tìm cách chống
lại. Cứ thế mãi cho đến một hôm tôi đọc cũng từ chính người bạn, người cha và
người thầy của các thiếu niên: Giáo dục là chuyện của con tim. Phải, giáo dục
đưa tới biến đổi nên người công dân lương thiện và Kitô hữu tốt phải là chuyện
của con tim mà thôi. Do đó, không có tín nhiệm không thể có giáo dục, điều ấy
quả là chính đáng.
Chính điều này, Đức Phanxicô cũng nói đến bằng một
ngôn ngữ hiện đại. Giáo dục không bao giờ là công việc cưỡng bức, là chuyện như
của một cảnh sát, công an hay thẩm phán. Trái lại, “Giáo dục trên hết là một
chuyện của tình yêu và trách nhiệm được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ
kia.” Bằng không, một tai hoạ giáo dục xảy ra. Trong một câu đăng trên Tweeter
ngày 1/3/ 2014 Đức Phanxicô viết: “Giáo dục là hành vi yêu thương; nó như là việc
trao ban sự sống.” Nếu Gia đình chân thật được định nghĩa là tổ ấm, thì ta hiểu
rằng Gia đình mãi mãi là nơi chốn giáo dục tiên quyết và hàng đầu. Ở đó, người
cha, người mẹ hoàn toàn sống và hy sinh cho con cái mình. Họ đánh đổi mọi sự để
được những người con tuyệt vời để cống hiến cho thế giới và Giáo hội.
Đánh đổi mọi sự để có được những con người có
lòng, đó chính là sự đóng góp lớn nhất mà một người có thể cống hiến cho thế giới.
Chúng ta không giỏi đủ để cống hiến cho xã hội những định luật vật lý, khoa học,
những phát minh khoa học kỹ thuật chói ngời. Nhưng chắc chắn, chúng ta có thể cống
hiến cho xã hội những người có thể sử dụng những giá trị đó để sinh muôn ích lợi
cho nhân loại, bởi vì họ có trái tim tuyệt vời. “Thật vậy, giáo dục là một
trong những cách thức hữu hiệu nhât để làm cho thế giới và lịch sử chúng ta nên
nhân bản hơn.” (Đức Phanxicô).
Nếu giáo dục chỉ được tạo thành bằng cưỡng bức
ta sẽ không thể có được những nhân cách trưởng thành. Bởi lẽ nó sẽ không “bền”.
Chính Thiên Chúa đi theo con đường này. Ngài kiên nhẫn cho đến khi chạm đến và
chiếm được trái tim của con người. Cả lịch sử dân Israel trong hoang địa, trong
cuộc lưu đầy, trong những thăng trầm, rốt cục để đi đến xác tín số một này: Ta
muốn lòng nhân chứ không phải hy lễ, muốn được nhận biết chứ không phải lễ toàn
thiêu.
Sau bao kinh nghiệm đắt giá trong cuộc đời làm
cha, làm mẹ, làm thầy cô, làm nhà giáo dục, ta đạt đến chính xác tín có sức
chuyển thành hành động của tình yêu kiên nhẫn và tha thứ mà ta nói ở trên thì
quả là rất đáng, quả là một gia tài vô giá. Ta hãy nỗ lực để thành một nhà giáo
dục có một trái tim rộng lớn như đại dương, như cát bãi biển, bằng cách đưa những
điều sau đây thành sự thật:
1. Đặt nhân vị với giá trị và phẩm giá của một
người thành tâm điểm của mọi chương trình giáo dục, chính thức cũng như không
chính thức, để cổ xuý vẻ đẹp độc đáo của tình người trong tương quan với tha
nhân và chống lại một phong thái sống của thứ văn hoá dục bỏ đang thịnh hành.
2. Lắng nghe những tiếng nói của thanh thiếu
niên mà chúng ta muốn truyền thụ các giá trị và sự khôn ngoan để cùng nhau xây
dựng một tương lai an bình, xứng với phẩm giá con người.
3. Khích lệ những người nữ tích cực tham gia vào
giáo dục.
4. Đảm bảo gia đình là nơi chốn giáo dục đầu
tiên và chính yếu.
5. Giáo dục và được giáo dục là cần phải tiếp nhận
và rộng mở cách đặc biệt cho những người bị loại ra ngoài lề và những kẻ dễ bị
tổn thương.
6. Cam kết để dùng mọi sự phục vụ cho nhân vị và
gia đình nhân loại trong tình liên đới.
Vậy, chúng ta hãy chung tay để làm lộ ra một thế
hệ của những nhà giáo dục xác tín kiên vững rằng “Giáo dục là chuyện của con
tim, chứ không phải là của cảnh sát”.
Nguồn: sdb.vn (24.07.2023)