GIÁO DÂN VÀ VIỆC TRUYỀN GIÁO CỦA HỘI
THÁNH
Lm. Fabrizio
Meroni
Lm. Đaminh Ngô
Quang Tuyên chuyển ngữ
WHĐ (30-05-2020)
– Các “dấu chỉ của thời đại”[1] đòi hỏi chúng ta hiểu sâu hơn về ơn gọi của người
giáo dân trong Hội Thánh hôm nay. Một trong những lý do khiến chúng ta đặc biệt
quan tâm tới bản chất của giáo dân là để đáp ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha
Phanxicô trong Evangelii Gaudium (số
25) khi ngài nói rằng mọi hoạt động mục vụ của Hội Thánh, dù là trong nội bộ Hội
Thánh hay là đến với muôn dân, đều thể hiện bản chất nền tảng của Hội Thánh là ở
trong trạng thái truyền giáo mọi lúc và mọi nơi (x. Mt 28,19). Để khôi phục và
tái khẳng định tính trọng tâm tuyệt đối của sứ mệnh Đức Kitô đối với bản chất
truyền giáo của Hội Thánh, chúng ta phải trở về lại với khoa giáo hội học truyền
giáo và hiệp thông của Công Đồng Vaticanô II và lấy đó làm cơ sở vững chắc.
Khoa giáo hội học này khẳng định rằng việc chúng ta được tháp nhập vào thân
mình Chúa Kitô nhờ Phép Rửa làm cho chúng ta trở nên một trong Chúa và trong Hội
Thánh, Thân Thể và Hiền Thê của Người. “Khi trả lời cho câu hỏi, ‘Người tín hữu
giáo dân là ai?' Công Đồng đã vượt qua những lối cắt nghĩa trước kia vốn chủ yếu
có tính tiêu cục. Thay vào đó, Công Đồng đã mở ra một cái nhìn tích cực và biểu
lộ một ý hướng cơ bản là khẳng định rằng người tín hữu giáo dân thuộc về Hội
Thánh và mầu nhiệm Hội Thánh một cách đầy đủ. Đồng thời, Công Đồng nhấn mạnh
tính chất độc đáo của ơn gọi giáo dân, đó là đặc biệt ‘tìm kiếm Nước Thiên Chúa
bằng việc tham gia vào các công việc trần thế và sắp đặt chúng theo kế hoạch của
Thiên Chúa.'”[2]. Tính chất bình đẳng [của các Kitô hữu] được thiết lập trong
Phép Rửa, Thêm Sức[3] và Thánh Thể không phải là một sự bình đẳng chung chung
hay vô tổ chức. Các bí tích khai tâm Kitô giáo quy tụ chúng ta lại thành một
gia đình thực sự của Thiên Chúa. Công Đồng Vaticanô đã khởi sự khẳng định lại
căn tính và định hướng truyền giáo của Hội Thánh cho thế giới, và trong sự khẳng
định này, các Nghị Phụ đã nói rõ rằng giáo dân đóng một vai trò thiết yếu trong
kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Công trình cứu
chuộc của Chúa Kitô cốt yếu nhằm việc cứu rỗi nhân loại, nhưng cũng bao hàm việc
canh tân tất cả trật tự trần thế. Do đó sứ mệnh của Giáo Hội không những là đem
Phúc Âm của Chúa Kitô và ân sủng của Người cho nhân loại, mà là còn đem tinh thần
Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện những thực tại trần thế. Bởi vậy, trong khi
thi hành sứ mệnh này của Giáo Hội, người giáo dân làm việc tông đồ trong Giáo Hội
cũng như giữa đời, trong phạm vi thiêng liêng cũng như trong phạm vi trần thế.
Hai phạm vi tuy khác biệt, nhưng trong ý định duy nhất của Thiên Chúa, chúng được
liên kết với nhau đến nỗi chính Thiên Chúa muốn thâu tóm vũ trụ lại trong Chúa
Kitô thành một tạo vật mới, khởi sự ở trần gian và hoàn tất trong ngày sau hết.
Trong cả hai phạm vi, người giáo dân, vừa là tín hữu vừa là công dân, phải được
hướng dẫn liên tục bằng một lương tâm Kitô giáo duy nhất.[4]
Nhiệm vụ đổi mới
trật tự trần thế và tham gia vào công việc trần thế của người giáo dân cũng là
nhiệm vụ của chính Hội Thánh. Nhưng việc phục vụ trật tự trần thế là định hướng
độc đáo của người tín hữu giáo dân. Như Đức Gioan Phaolô II diễn tả, “các hoạt
động trần thế là lãnh vực riêng biệt của người giáo dân, những người phải thực
hiện tốt đẹp các công việc trần thế với tinh thần Kitô hữu.”[5]
Như thế, căn tính
thần học của người tín hữu giáo dân bao gồm một ơn gọi truyền giáo làm cho người
Kitô hữu thuộc về Hội Thánh một cách bí tích bằng việc đặt họ vào trong thế giới
với một cách thức độc đáo là trần thế.[6] Tính chất giáo hội và trần thế đồng
thời định hình căn tính Kitô hữu của người giáo dân (LG 31, 11, Ad Gentes[7] ChL 15). Khi luận
giải về địa vị của người giáo dân, Hans Urs von Balthasar lý luận rằng nơi hay
không gian mà người giáo dân chiếm giữ trong Hội Thánh là một thứ khu vực màu
xám, hay một “vùng biên giới”, như lời ông diễn tả. Lý do là vì chất liệu mà
chính Hội Thánh quan tâm tới là ở trong chính Hội Thánh, và cũng vì chính xã hội
trần thế không phải chỉ thuần túy là trần thế nhưng cũng là của Đức Kitô và vì
thế được bao gồm trong công trình cứu chuộc của Hội Thánh.
Người giáo dân di
chuyển trong vùng biên giới này như một người sống hoàn toàn thoải mái ở trong
đó, và ranh giới này quá uyển chuyển đến nỗi không thể có một sự phân biệt rạch
ròi giữa tình huống mà người Kitô hữu giáo dân hoạt động như một thành viên của
Hội Thánh trong Hội Thánh, và tình huống mà họ hoạt động như một thành viên và
đại diện của Hội Thánh trong thế giới không phải Kitô giáo. Sự hiện hữu này ở
ngoại biên (giữa Hội Thánh và thế giới) không phải là một khoảng cách từ trung
tâm nhưng là một sự hiện hữu trung tâm của Hội Thánh, vì chính Hội Thánh là nơi
diễn ra sự hóa thân liên tục của Thiên Chúa trong thế giới, một thực tại phát tỏa
và trào vọt ra ngoài chính bản thân Hội Thánh.[8]
“Sự hiện hữu
trung tâm của Hội Thánh” này phải được hiểu sâu xa hơn, được chấp nhận và sống
nếu chúng ta muốn tiếp tục thi hành sứ mệnh cứu độ của Đức Kitô, Phu Quân của Hội
Thánh vì thế giới và toàn thể tạo thành. Là “đại đa số của dân Thiên Chúa” theo
cách diễn tả của Đức Thánh Cha Phanxicô,[9] giáo dân là những người được phục vụ
bởi những người là thiểu số, nghĩa là các thừa tác viên có chức thánh. Việc phục vụ này là vì mục đích phát triển thiêng
liêng và bí tích của Dân Thánh Trung Thành của Thiên Chúa trong tư cách họ thuộc
về Đức Kitô (x. Mt 5,48). Nhưng sự tham dự độc đáo này của người giáo dân trong
sứ mệnh của Đức Kitô nằm trong mối quan hệ giữa Hội Thánh và Thế Giới trong kế
hoạch tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa. Với hoạt động tông đồ của mình, người
giáo dân làm việc cho Nước Thiên Chúa trong vị trí cụ thể của họ trong thế giới
(bậc hôn nhân và đồng trinh), trong xã hội dân sự, và trong các khung cảnh văn
hóa và nghề nghiệp của họ. Mỗi một ơn gọi Kitô hữu là một lời kêu gọi hoạt động
tông đồ và truyền giáo cho thế giới (x. Gl 4,7). Hoạt động tông đồ của người
giáo dân biểu thị sự tham dự của họ vào cùng một sứ mệnh duy nhất của Hội
Thánh. Đây chính là chỗ diễn tả sự hiểu biết thần học tích cực về người Kitô hữu
giáo dân. Cách định nghĩa tiêu cực trước kia là bất cập; không thể chỉ định
nghĩa người giáo dân như họ không phải là “giáo sĩ”. Bởi thực tại và tính năng
động của Phép Rửa và Thêm Sức của họ, họ được đặt trong thế giới và được kêu gọi
truyền giáo trong thế giới theo cách chuyên biệt của họ là do ơn gọi (hôn nhân
hay đồng trinh) và do nghề nghiệp để hiện diện trong thế giới. Tính chất trần
thế biểu thị điều kiện lịch sử bình thường của toàn thể Hội Thánh mà số phận là
được kết hợp trong sự cứu chuộc của toàn thể thế giới (x. Ep 1:3-10). Vì vậy, mọi
Kitô hữu mang tính đặc trưng do nơi chốn và không gian chuyên biệt [vị thế] của
họ trong thế giới.[10]
Chúng ta chỉ có
thể đạt tới một sự “mô tả cơ bản” về người tín hữu giáo dân bằng cách tập trung
vào tư cách thành viên Hội Thánh mà họ nhận được nhờ Phép Rửa. Như được nói
trong Christifideles Laici, “Việc
tháp nhập vào Đức Kitô nhờ đức tin và Phép Rửa là nguồn mạch của tư cách người
Kitô hữu trong mầu nhiệm Hội Thánh. Mầu nhiệm này tạo thành những “nét đặc
trưng” cơ bản nhất của người Kitô hữu và được dùng làm cơ sở cho mọi ơn gọi và
sức năng động của đời sống Kitô hữu của người giáo dân (x. Ga 3,5). Trong Đức
Kitô đã chết và sống lại từ cõi chết, những ai đã chịu phép rửa trở nên một “tạo
thành mới” (Gl 6,15; 2Cr 5,17), được thanh tẩy khỏi tội lỗi và được đưa vào sự
sống nhờ ân sủng.”[11]. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét về tầm quan trọng của
khởi điểm cơ bản và nền tảng này trong một lá thư gửi Đức Hồng Y Ouellet.[12]
Trong thư, Đức Thánh Cha nhắc cho Đức Hồng Y nhớ rằng không ai có chức
thánh do bẩm sinh; đúng hơn, mọi người đã chịu Phép Rửa đều được sinh ra làm
Dân Thiên Chúa. Sự sinh ra trong bí tích này chỉ ra rằng, nhờ Chúa Thánh Thần,
chúng ta được đặt vào trong thế giới cùng với sự mới mẻ của chính sự sống Chúa
Kitô. Trong ngữ cảnh này, Đức Thánh Cha không bao giờ chọn nói về việc rao giảng
Tin Mừng như là mới hay cũ; thay vào đó, ngài luôn luôn nói về tinh thần truyền
giáo của Hội Thánh. Truyền giáo vì thế là chính căn tính của Hội Thánh,[13] là
cách thức bình thường mà Hội Thánh hiện diện trong thế giới. Vì mọi người chúng
ta vào Hội Thánh trong tư cách là những giáo dân, mối tương quan giữa đức tin
và thế giới nằm ở chính tâm điểm của căn tính cá nhân của mỗi người Kitô hữu. Mối
tương quan này tạo thành căn tính truyền giáo của từng người Kitô hữu, bởi vì
người Kitô hữu mang thế giới nơi bản thân mình, để biến đổi thế giới ấy trong sự
sống của Thiên Chúa và trong mầu nhiệm hoạt động vượt qua của Đức Kitô. Hình thức
vượt qua của thế giới là Hội Thánh (Giêrusalem Thiên quốc, Gl 4,20), ở đó thế
giới được biến đổi hoàn toàn và được làm mới hoàn toàn (x. Kh 21,5) trong ánh
sáng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì vậy truyền giáo được trình bày và được tỏ lộ là
chính mối tương quan giữa Thiên Chúa và thế giới, hình thức mà chúng ta gọi là
Hội Thánh Thánh Thể. Được hiểu là mối tương quan giữa Hội Thánh và thế giới, việc
truyền giáo nhìn thế giới một cách toàn diện với chính căn tính của Hội Thánh,
một căn tính được tạo thành bởi định hướng của Hội Thánh trong và cho sự cứu rỗi
của thế giới mà Hội Thánh có sứ mệnh cứu rỗi và biến đổi toàn thể thế giới và
toàn thể tạo thành. Theo lời Đức Gioan Phaolô II, “không phải là cường điệu khi
nói rằng toàn thể sự hiện hữu của người tín hữu giáo dân có mục đích là dẫn đưa
một người tới sự hiểu biết về sự mới mẻ triệt để của đời sống Kitô hữu phát
sinh từ Phép Rửa, bí tích đức tin, khiến cho sự hiểu biết này có thể giúp người
ấy sống các trách nhiệm bắt nguồn từ ơn gọi nhận được từ Thiên Chúa.”[14] Đức
Thánh Cha nói tiếp: “Như vậy, ‘thế giới' trở thành nơi chốn và phương tiện để
người tín hữu chu toàn ơn gọi Kitô hữu của họ, vì chính thế giới được tạo dựng
để tôn vinh Thiên Chúa Cha trong Chúa Kitô... Địa vị của người tín hữu giáo
dân, do đó, được định nghĩa một cách cơ bản bởi sự mới mẻ của họ trong đời sống
Kitô hữu và được phân biệt bởi tính chất trần thế của họ.”[15]
“Sự phân biệt phẩm
trật giữa giáo sĩ-giáo dân thì phụ thuộc sự bình đẳng triệt để của mọi thành
viên của Hội Thánh. Yếu tố cơ bản hơn bất kì ơn gọi hay thừa tác vụ cụ thể nào
chính là hành vi đức tin như là một “công trình” của sự tự hiến, cố gắng đạt sự
trọn lành Kitô hữu, thánh hóa mình trong công việc nghề nghiệp, và nhờ công việc
này mà thánh hóa người khác.”[16] Thực tại Phép Rửa làm cho mọi người chúng ta
thành Kitô hữu, những thành viên sống động của Hội Thánh, thực tại ấy giúp cho
các tín hữu giáo dân và các thừa tác viên chức thánh được đặt vào mối tương
quan độc đáo và cá vị của mỗi người với thế giới nhờ Đức Kitô. Chúng ta sống
trong thế giới của Thiên Chúa để lãnh nhận một nhiệm vụ truyền giáo không thể
thay thế nhờ ơn gọi của mình. Không ai được đặt vào trong thế giới một cách
chung chung, không ai được miễn chước một sứ mệnh. Vì Phép Rửa xức dầu thân xác
và linh hồn chúng ta bằng Chúa Thánh Thần, chúng ta tham gia một cách thể lý
vào việc hoán cải bản thân và biến đổi thế giới. Nhiệm vụ của người giáo dân
không thể được giản lược đơn thuần vào chức năng hoạt động theo cách riêng của
mỗi người là thành phần của cộng đoàn Kitô hữu địa phương trong các nhu cầu phụng
vụ, huấn giáo và bác ái mà thôi.
Chúng ta thường bị
cám dỗ nghĩ rằng những giáo dân dấn thân là những người hiến mình cho các công
việc của Hội Thánh và/hay các công việc của giáo xứ hay giáo phận, và chúng ta
thường ít nghĩ đến việc làm thế nào đồng hành với những người đã được rửa tội
trong đời sống công cộng và thường ngày của họ: đồng hành với họ thế nào trong
các hoạt động hằng ngày của họ, với các trách nhiệm họ có, họ dấn thân thế nào
trong tư cách là những Kitô hữu trong đời sống công cộng. Một cách vô tình
chúng ta đã tạo ra một nhóm giáo dân tinh hoa, tin rằng chỉ có những giáo dân dấn
thân mới là những người làm việc trong các công việc “của các linh mục”, và
chúng ta đã bỏ quên, làm ngơ những tín hữu thường rất cháy bỏng niềm hy vọng của
họ trong cuộc đấu tranh hằng ngày để sống đức tin. Đây là tình huống mà chủ
nghĩa giáo sĩ trị không nhận ra, vì nó quan tâm nhiều hơn tới việc làm chủ các
không gian hơn là tạo ra các sáng kiến. Do đó chúng ta phải nhìn nhận rằng các giáo
dân - nhờ thực tại của họ, nhờ căn tính của họ, vì họ sống chìm ngập trong đời
sống xã hội, công cộng và chính trị, tham gia các hình thức văn hóa liên tục được
sinh ra - họ cần những hình thức mới mẻ trong việc tổ chức và trong việc sống đức
tin.[17]
Chủ nghĩa giáo sĩ
trị chọn một sự ngộ nhận chức năng và bóc lột người Kitô hữu giáo dân[18], theo
đó toàn thể Hội Thánh bị giản lược vào những hoạt động mục vụ quan liêu và quản
trị giáo xứ. Chủ nghĩa giáo sĩ trị hay duy mục vụ thích lôi kéo người giáo dân
tham gia nặng nề vào đời sống giáo xứ hay giáo phận để tận dụng ơn gọi của họ,
năng lực chuyên môn của họ, được hiểu như là khả năng tự do, sáng tạo và thông
minh để tương tác với thế giới bằng cách biến đổi thế giới trong lãnh vực nghề
nghiệp và đời sống gia đình của một người. Trái ngược với thái độ nói trên là
cách sống bình thường trong đó những người giáo dân thể hiện sứ mệnh Phép Rửa của
mình. Theo nghĩa này, “chuyên nghiệp” được hiểu là sự hiến mình hoàn toàn với
năng lực và sự phấn khởi trong ơn gọi làm cha mẹ nhờ mối quan hệ vợ chồng[19]
song song với loại công việc và nghề nghiệp cụ thể của mỗi người (x. Ep
5,24-33). Những người có thể là bị thiểu năng về thể lý, luân lý, tâm lý hay
tâm thần thuộc loại này vẫn có thể trở thành những người cộng tác vào sứ mệnh của
Hội Thánh (và vì thế cộng tác vào căn tính toàn diện của Hội Thánh) bằng cách
dâng hiến bản thân mình, trong Thánh Thể, để kết hợp với cuộc Khổ Nạn của Đức
Giêsu, mang lại những hoa trái tùy theo các tình huống bi thương, đau khổ và khốn
khó của bản thân họ.
Căn tính trần thế
của người Kitô hữu giáo dân thường được phác họa một cách rất lộn xộn và không
xác định trong các văn kiện của Hội Thánh (Lumen
Gentium 31; Evangelii Nuntiandi
70, Christifideles Laici 15). Tuy Hội
Thánh đã cẩn thận tránh cách định nghĩa tiêu cực “không phải là giáo sĩ”, nhưng
giáo huấn của Hội Thánh vẫn xác định tính chất trần thế một cách chung chung
như là một tổng số các thực tại rời rạc (đời sống gia đình, nghề nghiệp, tham
gia các vấn đề chính trị và xã hội, kinh tế và khoa học, hôn nhân và đạo đức
sinh học, văn hóa và nghệ thuật, thể thao và sinh thái, tình yêu vợ chồng và
tình dục, kỹ thuật và thị trường). Thế giới mà người Kitô hữu giáo dân được đặt
vào để sống trong đó thường được mô tả như là một sự pha trộn không rõ rệt các
khía cạnh khác nhau, cách mô tả này khiến nó không thể phân biệt thỏa đáng giữa
giáo sĩ và giáo dân. Xét về phương diện nhân học và thần học, các vấn đề về hôn
nhân và gia đình, tình yêu vợ chồng và quà tặng sự sống không thể gộp chung lại
với các khía cạnh chỉ về các vấn đề xã hội, văn hóa và kinh tế. Thực vậy, khi gộp
chung lại như thế, các thực tại không quan trọng về đời sống được pha trộn với
các thực tại thân thiết hơn với đời sống con người. Tình yêu, sự kết hợp thân
xác, sự sống mới, con cái và sự chăm sóc bản thân trong các mối quan hệ mới mẻ
của cha mẹ và gia đình, tất cả các thực tại này đều xuất phát từ hôn nhân và
gia đình để trở thành một ơn gọi, một sự cam kết suốt đời, lời đáp tự do trước
tiếng gọi của Thiên Chúa để được đặt trong thế giới (bậc sống) vì sự hoàn thành
và sự thánh thiện của con người. Quà tặng sự sống mới nhờ sự kết hợp vợ chồng
trong hôn nhân tỏ lộ cho chúng ta thấy rằng hôn nhân và gia đình chính là con
đường bình thường và thông thường mà qua đó người giáo dân được gọi để tự do cộng
tác với ý muốn của Thiên Chúa để ban sự sống và sự sống dư dật (Ga 10,10). Thay
vì chỉ là sự sản xuất đơn thuần của nghề nghiệp, sự sinh sản trong tình yêu là
cách thức mà những người giáo dân đã kết hôn tham dự vào tính sáng tạo của
Thiên Chúa, và bằng cách này, họ giúp đưa thế giới tiến gần hơn tới sự hoàn
thành cuối cùng của nó.
Đỉnh điểm của sự
tham dự này vào tính sáng tạo của Thiên Chúa là việc đưa một con người mới sinh
vào Dân Thánh của Thiên Chúa trong bí tích Rửa Tội. Trong Rửa Tội, con người mới
sinh này được đưa vào sự sống của chính Thiên Chúa, một sự sống đã được đổ ra
cho chúng ta và cho toàn thể thế giới trong các biến cố của Mầu Nhiệm Vượt Qua.
Công việc lao động không chỉ là một nghề, nó biểu thị chiều kích cấu tạo của đời
sống con người, cả cho việc cung cấp các nhu cầu vật chất cũng như sự hoàn
thành cá nhân, và phải được xét đến dựa trên bậc sống hôn nhân hay đồng trinh
và được định hình bởi các bậc sống này.[20] Đàng khác, các vấn đề xã hội và sức
khỏe, chính trị, khoa học, văn hóa, sinh thái, nghệ thuật, thể thao là những trải
nghiệm trần thế cho sự dấn thân của người Kitô hữu trong đó sự sống và sự cứu rỗi
được ban tặng nhưng không bao giờ nhờ một sự cam kết sâu xa và không thể đảo
ngược giống như trong đời sống vợ chồng và gia đình hay trong sự cam kết của bậc
sống đồng trinh. Chỉ trong và nhờ hôn nhân và gia đình hay nhờ bậc sống đồng
trinh - diễn tả một sự kết hợp độc đáo của thân xác trong tình yêu - các Kitô hữu
được yêu cầu suy phục và hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa vì sự sống của con
người và của Thiên Chúa. Hôn nhân và đồng trinh thánh hiến cho thấy việc trao
hiến mình cho Thiên Chúa và cho người khác là một hành vi sâu xa, bền vững, đòi
hỏi, vui vẻ và hiệu quả biết bao.
Sự hiểu biết sâu
rộng hơn về sứ mệnh của Hội Thánh như là mối quan hệ giữa Thiên Chúa và thế giới
nhờ đời sống của chúng ta, sẽ giúp phân bổ cho giáo dân và giáo sĩ vị trí đúng
của mỗi bậc sống trong cơ cấu bí tích và đoàn sủng của Hội Thánh Chúa Kitô. Chỉ
có sứ mệnh và chứng tá của Kitô hữu mới có thể chiếu đủ ánh sáng cho sự nhận thức
thỏa đáng về bản chất và vai trò của mỗi ơn gọi trong thân thể đã được rửa tội
của Hội Thánh. Thực vậy, mối tương quan của Phép Rửa với hôn nhân và đồng trinh
là chiều kích tư tế đích thực của Hội Thánh, hiểu như là thế giới được cứu chuộc
trong Thiên Chúa. Chức tư tế cộng đồng trong Phép Rửa của mọi Kitô hữu giúp
chúng ta được tháp nhập vào sự hiến dâng của Chúa Giêsu Kitô cho Chúa Cha bằng
cách chúng ta hiến dâng bản thân chúng ta, đời sống chúng ta, làm của lễ thân
xác sống động. Các bậc sống biểu thị ‘cách thức' chúng ta được đặt như thế nào
trong thế giới và được đặt như là thế giới trong Thiên Chúa và trong kế hoạch cứu
rỗi của Người. Sự thiếu vắng một cơ sở cánh chung và vượt qua thỏa đáng cho thấy
rằng Hội Thánh ngày nay vẫn còn được cơ cấu dựa trên các thừa tác vụ, là chức
thánh, tu sĩ và giáo dân.[21] Cơ cấu ba phần này chỉ đơn thuần mô tả sự giản lược
cộng đoàn thành một sự phân chia các quyền bính và các vai trò. Ngày nay, một sự
hiểu biết như thế không còn đứng vững nữa. Hơn nữa, chúng ta cần nhớ rằng bí
tích truyền chức thánh không phải là một bậc sống: có thể coi như tương tự với
một ơn gọi, nhưng nó không biểu thị nếp sống riêng và độc quyền của người tín hữu
có chức thánh trong tương quan của họ với thế giới vì vinh quang Thiên Chúa và
vì phần rỗi của họ. Hơn nữa, thừa tác vụ chức thánh cũng cần có đời sống đồng
trinh thánh hiến hay hôn nhân để được đặt đúng chỗ trong sứ mệnh của Hội Thánh
cho thế giới.
Việc hiểu biết yếu
tính và sứ mệnh của giáo dân, theo bối cảnh lịch sử cụ thể của chúng ta, đòi
chúng ta suy nghĩ và đánh giá lại các cách chúng ta quan niệm về thừa tác vụ của
những người có chức thánh để tương tác với nhiệm vụ của giáo dân.[22] Phần lớn
chúng ta từng đồng hóa linh mục với chức năng của họ, coi họ thuần túy chỉ là
người đứng đầu cộng đoàn, chuyên lo các cuộc hội họp của giáo xứ và tham dự các
hội nghị, lãnh đạo các ủy ban, và điều hành các hoạt động mục vụ. Cách nhìn này
đã khiến chúng ta không thấy được yếu tính bí tích và Thánh Thể của chức linh mục.
Việc truyền giáo, được quan niệm theo hướng chúng ta đã phác họa là biến đổi và
đổi mới toàn thể thế giới, cũng hiện hữu để khôi phục các giám mục, linh mục và
phó tế trở về với chỗ đứng đúng của họ trong khung cảnh phép rửa chung của Dân
Thiên Chúa. Có một sự khác biệt về yếu tính giữa thừa tác vụ chức thánh và chức
tư tế chung của Dân Thiên Chúa trong phép rửa (không chỉ là sự khác biệt về mức
độ; x. LG, 10). Thế nhưng sự khác biệt bí tích này có mục đích phục vụ sự Kế Tục
Tông Đồ và sự hiệp nhất trong Hội Thánh để phục vụ Thánh Thể, bí tích hòa giải
và quyền giáo huấn cũng như phục vụ việc bảo vệ Chân Lý. Được Thánh Thần thúc đẩy
trong việc nghe lời Sách Thánh và trung thành vâng phục Huấn Quyền phổ quát của
Hội Thánh Công Giáo và của các vị Giáo Hoàng gần đây, thừa tác vụ chức thánh và
bản chất bí tích và sứ mệnh của thừa tác vụ này cần phải được suy nghĩ lại và
hiểu một cách thấu đáo vì sứ mệnh của Hội Thánh và vì phần rỗi của thế giới. Đi
theo truyền thống tông đồ, cần phải thấu triệt chức tư tế thừa tác và chức tư tế
cộng đồng của phép rửa mà không giảm nhẹ tính bí tích nội tại của chức tư tế thừa
tác và không làm mờ nhạt yếu tính của nó đối với sự thật và sự hiện hữu của Hội
Thánh Công Giáo ở trần gian này. Bằng việc tránh mọi cách hiểu việc phục vụ các
nhu cầu cộng đoàn theo quan điểm chức năng, chức tư tế thừa tác phải được hiểu
theo quan điểm bản thể học và có sự liên kết mạnh hơn với Thánh Thể và bí tích
hòa giải bằng sự tha tội nhằm thực thi thừa tác mục vụ.
Cuối cùng, trên cơ sở sự cứu rỗi cánh chung, sự phân biệt thực sự chỉ hệ tại bậc hôn nhân và bậc đồng trinh, hai bậc sống dựa trên Phép Rửa, các cách thức thường xuyên mà ở đó thế giới và thân xác chúng ta trở thành nơi chốn và không gian cho sự mặc khải và cứu độ hiệu quả của Thiên Chúa cho chúng ta và cho thế giới. Trong Thư 1 Corinthô chương 7, Thánh Phaolô nhắc đến hai hình thức chính và phong phú nhất của đời sống Kitô hữu là hôn nhân và độc thân. Chúng ta được Chúa ban một món quà (đặc sủng) như là một ơn gọi của Chúa để chúng ta đi theo một trong hai hình thức này, đồng thời biết rằng cả hôn nhân hay đồng trinh đều không chỉ thuần túy là một lựa chọn của con người.[23] Tính chất trần thế tích cực của Hội Thánh (x. Ga 15,19) và sứ mạng phổ quát của Hội Thánh diễn ra nơi thân xác cụ thể của mỗi thành viên đã rửa tội của Dân Thiên Chúa, những người nghiêm túc dấn thân và hội nhập trong thế giới. Giữa thế giới, Phép Rửa và Phép Thánh Thể định hình thân thể người Kitô hữu thành Thân Thể Chúa Kitô, sự hiện diện bí tích tích cực của Hội Thánh Người.[24] Chiều kích hiện sinh trần thế của người giáo dân được tỏ lộ một cách cơ bản là mang tính chất Thánh Thể bởi vì sự hoán cải đời sống của họ (sự biến hình thân xác con người của họ để phục vụ sứ mệnh của Hội Thánh) tạo cho họ có đủ tư cách để dấn thân truyền giáo nhằm biến đổi thế giới, vì mục đích tôn vinh Thiên Chúa qua hoạt động truyền giáo (Rm 12,1-2; 1 P 2,4-10).
__________
[1] “Để chu toàn phận vụ ấy, lúc nào Giáo Hội
cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới
ánh sáng Phúc Âm; như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ
những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu
cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy. Do đó, cần phải biết và hiểu
thế giới chúng ta đang sống với những chờ đợi, mong ước và cả tính chất thường
là bi thảm của nó.” Hiến Chế Mục Vụ về Hội Thánh trong Thế Giới Hôm Nay, Gaudium et Spes, số 4. Từ đây viết tắt
là GS.
[2] Đoạn trích dẫn bên trong lây từ Hiến Chế Tín
Lý về Hội Thánh, Vaticanô II, Lumen
Gentium, số 31 (từ đây viết tắt là LG). Trich trong Gioan Phaolô II Tông Huấn
Christifideles Laici, số 9. (Từ đây
viết tắt là ChL).
[3] Để biết thêm về tầm quan trọng của phép Thêm
Sức trong đời sống bí tích của người Kitô hữu, xem bài của Hồng Y Marc Ouellet
“Confirmation: A Sacrament of Christian Initiation” trong Communio: International
Catholic Review 40.4 (Mùa Đông 2013): 728-40.
[4] Vaticanô II, Sắc Lệnh về Tông Đồ Giáo Dân, Apostolicam Actuositatem, 18-11- 1965, §
5 (từ đây viết tắt là AA).
[5] ĐTC Gioan Phaolô II, “Diễn từ cho các linh mục
tại Mexico City,” Origins 8 (19779,
548-49.
[6] Xem Santiago Madrigal Terrazas, “Identidad
Eclesial del Laico en el Mundo: “Id también vosotros a mi viña” (Mt 20:4),
Laicado y Misión. Madrid: OMP- PPC, 2017, 88.
[7] Sắc lệnh về hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội,
Vaticanô II.
[8] Hans Urs von Balthasar, “The Layman and the
Church” trong Explorations in Theology,
vol. II: Spouse of the Word, (San
Francisco: Ignatius Press, 1991), pp. 315-32. Here, p. 316.
[9] ĐGH Phanxicô, Evangelii Gaudium, § 102. Cả đoạn văn sau đây đáng được lưu tâm:
“Giáo dân rõ ràng là thành phần đại đa số của Dân Chúa. Thành phần thiểu số -
các thừa tác viên có chức thánh - là để phục vụ giáo dân. Ngày càng có một sự ý
thức nhiều hơn về căn tính và sứ mạng của giáo dân trong Hội Thánh. Chúng ta có
thể cậy dựa vào nhiều giáo dân, tuy hầu như vẫn chưa đủ, là những người có một
ý thức cộng đoàn sâu xa và một sự trung thành lớn lao đối với các công việc bác
ái, dạy giáo lý và cổ vũ đức tin. Nhưng đồng thời, không phải ở mọi nơi đều có
một sự ý thức rõ ràng về trách nhiệm này của giáo dân, ăn rễ sâu trong phép Rửa
tội và Thêm sức của họ như thế. Trong một số trường hợp, lý do là vì người giáo
dân đã không được cung cấp một sự đào luyện cần thiết để đảm đương những trách
nhiệm quan trọng. Trong những trường hợp khác, lý do là vì trong các giáo hội địa
phương của họ, người ta đã không dành chỗ để họ lên tiếng và hành động, do một
chủ trương giáo sĩ trị thái quá khiến họ không được tham gia vào việc làm các
quyết định. Dù rằng nhiều người nay đã tham gia vào các thừa tác vụ giáo dân, sự
tham gia này không phản ánh một sự xâm nhập sâu xa hơn các giá trị Kitô giáo
vào các lãnh vực xã hội, kinh tế và chính trị. Nó thường vẫn chỉ bó gọn vào các
công việc trong nội bộ Hội Thánh, mà không có một sự dấn thân thực sự để đem
Tin Mừng làm biến đổi xã hội. Sự đào luyện giáo dân và việc Phúc-Âm-hóa đời sống
nghề nghiệp và tri thức là một thách thức mục vụ quan trọng.”
[10] Xem Santiago Madrigal Terrazas, “Identidad
Eclesial del Laico en el Mundo: “Id también vosotros a mi viña” (Mt 20:4),
Laicado y Misión. Madrid: OMP- PPC, 2017, 97. Xem Eloy Bueno de la Fuente, “Los
Laicos, Protagonistas de la Misión Universal”, Laicado y Misión. Madrid:
OMP-PPC, 2017, 114.
[11] ChL,
9.
[12] ĐGH Phanxicô, “Thư gửi Hồng Y Marc Ouellet” 19
tháng 3, 2016. “Nhìn vào Dân Thiên Chúa là nhớ rằng tất cả chúng ta gia nhập Hội
Thánh trong tư cách là các giáo dân. Bí tích đầu tiên, là bí tích đóng ấn căn
tính vĩnh viễn của chúng ta, và chúng ta phải luôn luôn tự hào về nó, là bí
tích Rửa Tội. Nhờ Phép Rửa và được xức dầu bởi Thánh Thần, (các tín hữu) “được
cung hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh” (dầu LG, số 10). Sự cung hiến đầu tiên và
cơ bản của chúng ta được ăn rễ trong Phép Rửa của chúng ta. Không ai đã được rửa
tội với tư cách một linh mục hay giám mục. Chúng ta được rửa tội trong tư cách
là những người giáo dân và đó là ấn tích không bao giờ có thể xóa nhòa. Thật hữu
ích khi chúng ta nhớ rằng Hội Thánh không phải là một nhóm tinh hoa gồm các
linh mục, các người thánh hiến, các giám mục, nhưng là tất cả những người tạo
thành Dân Thánh trung thành của Thiên Chúa. Quên mất điều này sẽ mang theo nhiều
nguy cơ và méo mó trong các trải nghiệm của chúng ta, dù là những trải nghiệm
cá nhân hay cộng đoàn, về sứ vụ mà Hội Thánh đã trao phó cho chúng ta. Như Công
Đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh, chúng ta là Dân Thiên Chúa, mà căn tính của dân
này là “phẩm giá và sự tự do của các con cái Thiên Chúa được Chúa Thánh Thần cư
ngụ trong lòng họ như trong Đền Thờ của người.” (LG, số 9). Dân Thánh trung thành của Thiên Chúa được xức dầu bằng
ân sủng của Chúa Thánh Thần, và vì thế khi suy nghĩ, đánh giá, phân định, chúng
ta phải rất chú ý tới việc xức dầu này.”
[13] Chúng ta phải nhận ra rằng điều này cung cấp
một cơ sở lôgích cho việc truyền giáo được quan niệm một cách tích cực, chứ
không phải chỉ đơn thuần như một phương thuốc chống lại dục vọng (remedium concupiscentiae). Như Von
Balthasar thích nói, “Tội lỗi không bao giờ có thể là một trong các tiền đề để
thi hành một sứ mệnh Kitô giáo, và tội lỗi tự nó không bao giờ có sức mạnh xây
dựng và sáng tạo nào cả. Sự hiểu biết của Kitô giáo về thế giới, như sự hiểu biết
của chính Đức Kitô, của Mẹ trinh thai của Người và của các thánh của Người,
không phải là sự hiểu biết cục bộ cần được bổ sung bằng những sự hiểu biết
khác: nó là sự hiểu biết thật, đầy đủ, và không chỉ đủ cho mọi sáng tạo nghệ
thuật, nhưng thực ra là sự hiểu biết duy nhất cần thiết.” Hans Urs von
Balthasar, The Laity and the Life of the
Counsel: The Church's Mission in the World (San Francisco: Ignatius Press,
2003), tr. 101.
[14] ChL, 10.
[15] ChL,
số 15. Cũng xem đoạn sau đây được ghi chú thêm cho đoạn trích ở trên: “Là thành
viên của Dân Thiên Chúa và của Nhiệm Thể Đức Kitô, họ tham dự nhờ Phép Rửa vào
sứ mệnh tư tế, tiên tri và vương giả của Đức Kitô; các tín hữu giáo dân diễn tả
và thực thi sự phong phú của phẩm giá họ nhờ việc họ sống trong thế giới. Những gì có thể là một công việc bổ sung hay
ngoại thường đối với những việc thuộc về thừa tác chức thánh là sứ mệnh tiêu biểu của người tín hữu giáo
dân. Ơn gọi chuyên biệt của họ hệ tại
việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng việc dấn thân vào các công việc trần thế và
sắp đặt chúng theo kế hoạch của Thiên Chúa” (LG,31)” Gioan Phaolô II, Bài nói chuyện giờ đọc Kinh Truyền Tin, [15 tháng 3, 1987]: Insegnamenti, X, 1 [1987], 561).
[16] Jacques Servais, “Ơn gọi giáo dân trong thế giới
theo Hans Urs von Balthasar,” Communio:
International Catholic Review 23.4 (Mùa Đông 1996): 656-76. Here, p. 657.
[17] ĐGH Phanxicô, “Thư gửi Hồng Y Marc Ouellet.”
[18] Xem Santiago Madrigal Terrazas, “Identidad
Eclesial del Laico en el Mundo: “Id también vosotros a mi viña” (Mt 20:4), Laicado y Misión. Madrid: OMP- PPC,
2017, 106.
[19] Để biết thêm
thần học về “mối quan hệ vợ chồng,” xem Hồng Y Marc Ouellet, Mystery and Sacrament of Love: A Theology of Marriage and the Family for
the New Evangelization (Grand Rapids, MI: Eerdman's, 2015), đặc biệt Chương
6, “The Sacrament of Marriage, Paradigm of the Sacramentality of the Church,” tr. 142-56.
[20] Suy cho cùng, thực tại các nghề nghiệp trần thế
là một cơ hội để các giáo dân hiến mình vì công ích, hòa bình và sự tìm kiếm
công lý trong thế giới trần gian.
[21] Chúng ta
không còn có thể nói rằng Hội Thánh là truyền giáo chỉ vì Hội Thánh sai các
linh mục của mình đi truyền giáo ở hải ngoại. Một Hội Thánh truyền giáo đích thực
là một Hội Thánh nghiêm túc xem xét mối quan hệ của mình với thế giới. Do đó,
các câu hỏi nền tảng không phải lả về các linh mục, nhưng là về các vấn đề liên
quan đến hôn nhân, gia đình, lao động, kinh tế, người bệnh, sự đau khổ, sự chết,
các cơ cấu phân biệt sắc tộc và xã hội, giáo dục, và khả năng của xã hội (và vì
thế cũng là các khả năng của Hội Thánh), để đối diện với các nhu cầu loan báo
Tin Mừng giữa tiến trình hậu hiện đại của sự hủy diệt đời sống và tình yêu đích
thực của con người ở mọi nơi mà nó diễn ra. Trong ánh sáng này, các lãnh vực
chính trị và khoa học cung cấp cơ hội cho các Kitô hữu giáo dân dấn thân tích cực
vào thế giới để biến đổi thế giới nhờ vinh quang của Thiên Chúa.
[22] Xét theo đời
sống năng động của chính Hội Thánh, người giáo dân đã từng dấn thân vào việc trả
lời cho hiện tượng giáo sĩ hóa trong nhiều thập niên bằng việc đào luyện các
phong trào Hội Thánh và các tu hội đời. Để biết thêm về các hiện tượng này, xem
các tài liệu sau đây: Libero Gerosa, ““Secular Institutes, Lay Associations,
and Ecclesial Movements in the Theology of Hans Urs von Balthasar” trong Communio: International Catholic Review
17.3 (Mùa Thu 1990): 343-61; Aurelie Hagstrom, “The Secular Character of the
Vocation and Mission of the Laity: Towards A Theology of Ecclesial Lay
Ministry” in Ordering the Baptismal
Priesthood: Theologies of Lay and Ordained Ministry (Collegeville:
Liturgical Press, 2003); Joseph Cardinal Ratzinger, “On the Collaboration of
Men and Women in the Church and in the World”, Thư, 31 May 2004; và Hans Urs von Balthasar, The Laity and the Life of the Counsels: The Church's Mission in the
World (San Francisco: Ignatius Press, 2003).
[23] Xem José R. Villar Saldana, “Identidad secular
del Laicado en el Mundo”, Laicado y
Misión. Madrid: OMP-PPC, 2017, 72.
[24] Xem Eloy Bueno de la Fuente, “Los Laicos,
Protagonistas de la Misión Universal”, Laicado
y Misión. Madrid: OMP-PPC, 2017, 124-125, 128.
THƯ TỊCH
1.
Atkinson,
Joseph C. Biblical and Theological
Foundations of the Family: Domestic Church. Washington, D.C.: CUA Press,
2014.
2.
Aumann,
J. “The Role of the Laity in the Church and the World.” Angelicum 65 (1988): 157-69.
3.
Benedict
XVI. Deus Caritas Est. 25 December
2005.
4.
Blasi,
Anthony. Transition from Vowed to Lay
Ministry in American Catholicism. Edward Mellen Press, 2004.
5.
Burke,
C. “The Freedom and Responsibility of the Laity.” Homiletic and Pastoral Review 93 (1993): 19-27.
6.
Cahoy,
William. Ed. In the Name of the Church:
Vocation and Authorization of Lay Ecclesial Ministry. Collegeville,
Minnesota: Liturgical Press, 2012.
7.
Congar,
Yves. Lay People in the Church. Long:
Geoffrey Chapman, 1957.
8.
Congar,
Yves. “My Path-findings in the Theology of Laity and
9.
Ministries.”
Jurist 2 (1972): 169- 88.
10. Congar,
Yves. “The Laity.” Vatican II: An
Interfaith Appraisal. John
11. H.
Miller, ed. Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press, 1966, 239-49.
12. Coughlan,
Peter. The Search for a Positive
Definition or Description of the Laity from Vatican II’s Lumen Gentium 1964, to John Paul II's Christifideles
Laici, 1988: A No- through Road
(Ph.D. dissertation, Heythrop College, University of London, 2005).
13. de la
Fuente, Eloy Bueno. “Los Laicos, Protagonistas de la Misión Universal.” Laicado y Misión. Madrid: OMP-PPC, 2017.
14. Dupuis,
J. “Lay People in the Church and the World. The Contribution of Recent
Literature to a Synodal Theme.” Gregorian
68 (1987): 347-90.
15. Eschenauer,
Donna M. and Horrell, Harold Daly, Eds. Reflections
on Renewal: Lay Ecclesial Ministry and the Church. Collegeville, MN:
Liturgical Press, 2011.
16. Flannery,
Austin, ed. Vatican Council II: The
Conciliar and Post Conciliar Documents. Northport, NY: Costello Publishing
Company, 1975.
17. Gerosa,
Libero. “Secular Institutes, Lay Associations, and Ecclesial Movements in the
Theology of Hans Urs von Balthasar.” Communio:
International Catholic Review 17.3 (Fall 1990): 343-61.
18. Hagstrom,
Aurelie. “The Secular Character of the Vocation and Mission of the Laity:
Towards A Theology of Ecclesial Lay Ministry.” Ordering the Baptismal Priesthood: Theologies of Lay and Ordained Ministry.
Collegeville: Liturgical Press, 2003.
19. John
Paul II. “God's Gift of Love and Love: On Marriage and the Eucharist.” Communio: International Catholic Review
41.2 (Summer 2014): 462-71.
20. John
Paul II. “Address to Priests in Mexico City.” Origins 8 (1979), 548-49.
21. John
Paul II. Christifideles Laici. 30
December 1988.
22. John
Paul II. Familiaris Consortio. 22
November 1981.
23. John
Paul II. Letter to Families. 2
February 1994.
24. John Paul II. Man and Woman He Created Them: A Theology of the Body. Michael Waldstein, trans. Boston, MA: Pauline Books and Media, 2006.
25. John
Paul II. Redemptoris Missio. 7
December, 1990.
26. Komonchak,
Joseph. “Clergy, Laity, and the Church's Mission in the World.” Jurist 41 (1981): 422-47.
27. Lakeland,
Paul. The Liberation of the Laity: In Search
of an Accountable Church. New York: Continuum, 2003.
28. Meroni,
Fabrizio. Gil, Anastasio. Laicado y
Misión. Madrid: OMP-PPC, 2017.
29. Niermann,
Ernst. “Laity: The Layman in the Church.” Sacramentum
Mundi, vol. 3. Karl Rahner, ed. New York: Herder and Herder, 1968, pp.
259-63.
30. Ouellet,
Marc Cardinal. Divine Likeness: Toward a
Trinitarian Anthropology of the Family. Grand Rapids, Mich.: Eerdmans,
2006.
31. Ouellet,
Marc Cardinal. “Confirmation: A Sacrament of Christian Initiation.” Communio: International Catholic Review
40.4 (Winter 2013), 728-40.
32. Ouellet,
Marc Cardinal. “Marriage and the Family Within the Sacramentality of the
Church: Challenges and Perspectives.” Communio:
International Catholic Review 41.2 (Summer 2014): 226- 44.
33. Ouellet, Marc Cardinal. Mystery and Sacrament of Love: A Theology of Marriage and the Family for the New Evangelization. Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 2015.
34. Osborne,
Kenan B. Ministry: Lay Ministry in the
Roman Catholic Church. New York: Paulist Press, 1993.
35. Pope
Francis. Lumen Fidei. 29 June 2013.
36. Pope
Francis. Evangelii Gaudium. 24
November 2013.
37. Pope
Francis. Amoris Laetitia. 19 March
2016.
38. Pope
Francis. “Letter to Cardinal Marc Ouellet.” 19 March 2016.
39. Ratzinger,
Joseph Cardinal. “On the Collaboration of Men and Women in the Church and in
the World.” Letter, 31 May 2004.
40. Saldana,
José R. Villar. “Identidad secular del Laicado en el Mundo.” Laicado y Misión. Madrid: OMP-PPC, 2017.
41. Scheffczyk,
Leo. “Laypersons, Deacons, and Priests: A Difference of Ministries.” Communio: International Catholic Review 23.4 (Winter 1996): 639-55.
42. Schillebeeckx,
Edward. The Layman in the Church. New
York: Alba House, 1963.
43. Servais,
Jacques. “The Lay Vocation in the World According to Hans Urs von Balthasar.” Communio: International Catholic Review
23.4 (Winter 1996): 656- 76.
44. Terrazas,
Santiago Madrigal. “Identidad Eclesial del Laico en el Mundo: “Id también
vosotros a mi viña” (Mt 20:4). Laicado
y Misión. Madrid: OMP-PPC, 2017.
45. USCCB.
Co-Workers in the Vineyard of the Lord: A
Resource for Guiding the Development of Lay Ecclesial Ministry. Washington,
D.C.: USCCB Publishing, 2005.
46. von
Balthasar, Hans Urs. The Office of Peter
and the Structure of the Church. San Francisco: Ignatius Press, 2007.
47. von
Balthasar, Hans Urs. “The Layman and the Church,” in Explorations in Theology, vol. II: Spouse of the Word. San
Francisco: Ignatius Press, 1991, pp. 315-32.
48. von
Balthasar, Hans Urs. The Laity and the
Life of the Counsels: The Church's
48. Mission in the World. San Francisco: Ignatius Press,
2003.
50. Williams,
A.N. “Congar's Theology of the Laity.”
51. Yves
Congar. Theologian of the Church.
Gabriel Flynn, ed. Louvain: Peeter's Press, 2005.
52. Wood,
Susan, ed. Ordering the Baptismal
Priesthood: Theologies of Lay and Ordained Ministry. Collegeville,
Minnesota: Liturgical Press, 2003.
TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA CHA
FABRIZIO MERONI
Gm. Anphong Nguyễn Hữu Long
Chủ tịch UBLBTM / HĐGMVN
1. Những thách đố cho công cuộc truyền giáo tại
giáo hội Việt Nam hôm nay (Les défits pour la Mission de l'Eglise d'aujourd'hui
au Vietnam)
Chúa Giêsu không
giấu diếm các môn đệ rằng ở trần gian này, họ sẽ phải đau khổ (cf. Ga 16,33),
điều đó ám chỉ rằng ở mọi thời và mọi nơi, Giáo Hội đều gặp thử thách. Giáo Hội
tại Việt Nam cũng bị thử thách như vậy, từ khi hạt giống Tin Mừng được gieo vãi
tại đây vào thế kỷ XVII cho đến hiện nay.
Thách đố nặng nề
nhất: Chế độ cộng sản vô thần. Chế độ này đã nắm quyền ở miền Bắc từ năm 1954,
và ở miền Nam từ năm 1975. Chính quyền cộng sản hạn chế quyền tự do tôn giáo,
không chấp nhận cho đạo tham gia các hoạt động xã hội như giáo dục, y tế, từ
thiện, ngăn cản công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam... Sau hơn nửa thế kỷ ở
dưới chế độ này, nhiều người công giáo đã lơ là, bỏ đạo, mất đức tin, ít người
ngoại được biết Chúa, đạo công giáo không có ảnh hưởng lớn trong xã hội Việt
Nam.
Thách đố thứ hai:
Các khuynh hướng đương đại đang tác động lên đời sống của mọi người: hưởng thụ
vật chất, tự do cá nhân, tương đối hóa, dửng dưng tôn giáo, do ảnh hưởng của
thuyết vô thần.
Thách đố thứ ba:
Việt Nam thuộc Châu Á, nơi có nhiều tôn giáo như Phật giáo, Khổng giáo và Lão
giáo đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, khiến họ cảm thấy không cần đi tìm
một niềm tin tôn giáo nào khác nữa.
Những thách đố
không chỉ đến từ bên ngoài, mà còn bên trong đạo Công giáo tại Việt Nam.
- Người công giáo
thường chỉ mới giữ đạo cho bản thân, cầu an, kiến thức về đạo không sâu, nên mặc
cảm không mạnh dạn nhiệt huyết loan báo Tin Mừng cho người khác.
- Phong trào di dân
kinh tế ồ ạt, kể cả đi ra nước ngoài, việc kiếm sống thu hút nhiều thời gian,
nên người có đạo không còn để tâm đến việc tham gia loan báo Tin Mừng cho người
khác.
- Các mục tử chưa
quan tâm huấn luyện giáo dân - không có kế hoạch, không có trường lớp đào tạo
Kinh Thánh, Thần học... cho giáo dân -, không thúc đẩy và tạo điều kiện để họ
làm chứng cho đức tin bằng đời sống.
- Việc đối thoại
liên tôn, giao hảo với các tôn giáo bạn, với người lương dân cũng chưa được
quan tâm, khoảng cách vẫn còn lớn.
2. Những nhu cầu cấp bách hơn cho việc đào tạo thường
xuyên tại giáo hội Việt Nam (Les besoins plus urgents de formation continuée
pour l'Eglise catholique au Vietnam)
Hiện nay, tại
Giáo Hội Việt Nam, việc thường huấn đã được áp dụng cho hàng giáo sĩ và tu sĩ,
còn đối với giáo dân, kể cả các hội đoàn Công Giáo Tiến Hành, thì chưa có gì.
Nhìn vào việc thường
huấn cho hàng giáo sĩ và tu sĩ, cần xem xét lại một số điểm như sau :
- Không làm cách
chiếu lệ, mà đúng đắn về tổ chức, nội dung, giảng viên, tham dự viên, mang tính
bắt buộc, có phần kiểm tra thu hoạch, nếu không sẽ không có kết quả.
- Về nội dung: đề
tài của khóa thường huấn phải có chất lượng, cần thiết, thiết thực, có tính khả
thi, nghiêng về mục vụ hơn là lý thuyết.
- Làm sao để áp dụng
điều đã học hỏi chứ không phải chỉ chuyển giao hay nhận lãnh kiến thức rồi
thôi.
- Cách tổ chức: Làm
đại trà thì không tốt, nên chia theo lứa tuổi, năm khấn, năm chịu chức. Và có
thể mở rộng liên dòng, liên giáo phận hay giáo tỉnh để học hỏi lẫn nhau, mang
tính liên kết.
Đối với giáo dân,
chúng tôi đề nghị hàng giáo phẩm và các giám mục, linh mục lưu tâm để mở những
khóa đào tạo cho các hội đoàn Công Giáo Tiến Hành, để họ áp dụng linh đạo, mục
tiêu và hoạt động của hội đoàn đó. Cần huấn luyện để người giáo dân tham gia
các hội đoàn cách tâm huyết, hoạt động nhắm đến sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Với giáo dân, cần
bổ sung vốn liếng giáo lý công giáo để họ hiểu biết sâu hơn, nhờ đó sống đạo và
thực hành đức tin cách sinh động, hướng đến lương dân.
Cần khích lệ mọi giáo dân biết vận dụng những tiến bộ của khoa công nghệ thông tin (Internet, Website, Facebook, Instagram, Twitter...) vào việc sống đạo và hướng đến việc loan báo Tin Mừng.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 109 (tháng 11 & 12 năm 2018)