Ảnh: web. gplongxuyen.org
GIÁO DÂN VÀ SỨ MỆNH LOAN BÁO TIN MỪNG CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ
Aug. Trần Cao Khải
WHĐ (8.12.2020) – Sáng ngày 24-11-2020 vừa qua,
270 các linh mục trong toàn giáo phận Long Xuyên (An Giang) đã quy tụ về Tòa
Giám mục để cùng với Đức cha tham dự tuần tĩnh tâm thường kỳ. Chủ đề tĩnh tâm
năm nay được Đức cha An-phong-sô Nguyễn Hữu Long, giám mục giáo phận Vinh triển
khai, đó là Sứ mạng loan báo Tin Mừng với câu Phúc Âm trọng tâm: “Hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân”
(Mc 16,15).[1]
Trong quá trình triển khai các bài suy niệm và
bài giảng về chủ đề “Truyền giáo”, Đức cha giảng phòng đã nói đến sứ mạng loan
báo Tin Mừng của giáo hội VN hiện nay. Ngài nhấn mạnh đến ý tưởng của ĐTC
Phan-xi-cô khi nói rằng, linh mục nào có nhiệt huyết thì công cuộc loan báo Tin
Mừng sẽ đem lại kết quả. Mọi hoạt động của
Giáo hội phải lấy việc loan báo Tin Mừng làm mục tiêu để tránh rơi vào nguy cơ
của một Hội thánh quy vào chính mình.[2]
Nhân dịp này, Đức cha giảng phòng cũng nhận định
rằng, Hội thánh Công Giáo Việt Nam hiện nay còn nghiêng chiều về:
- Các lễ nghi tôn giáo xem ra càng ngày càng
mang nặng tính hình thức;
- Đầu tư nhiều, có khi hoang phí, vào việc xây dựng
các cơ sở Giáo hội, còn cho việc loan báo Tin Mừng thì rất ít!
- Những tệ nạn xã hội ngang nhiên đi vào đời sống
giáo dân, khuynh đảo Ki-tô hữu;
- Việc giữ đạo vẫn lề thói cũ kỹ, nặng về kinh kệ,
giáo lý hỏi thưa nằm lòng. Đạo tại nhà thờ chứ chưa đi vào cuộc sống. Luật lệ
khắt khe, vụ luật, hở là phạt. Giáo dân ít hiểu biết giáo lý, giữ đạo theo thói
quen chứ không thấy sinh khí, niềm vui vv…
Bên cạnh đó, dựa vào cuốn “Cẩm Nang Trên Đường
Loan Báo Tin Mừng” của Nhóm biên tập Dòng Tên[3], Đức cha An-phong-sô cũng nêu lên 10
nét cần có trên khuôn mặt của người loan báo Tin Mừng, đó là:
1- Một con người gắn bó với Chúa Giêsu; 2- Một
con người đầy tràn Thánh Thần; 3- Một con người thánh thiện và nhân bản; 4- Một
con người tuyệt đối tín thác vào Thiên Chúa; 5- Một con người gần gũi với mọi
người, đặc biệt người nghèo; 6- Một con người biết yêu thương và tôn trọng tha
nhân; 7- Một con người đầy tràn niềm vui; 8- Một con người biết đối thoại; 9- Một
con người biết lắng nghe; 10- Một con người từ bỏ mình và vác thập giá.
Cũng tại Long Xuyên, ngày 30-11 vừa qua, ĐGM GB.
Bùi Tuần, nguyên GM giáo phận Long Xuyên, có bài viết tựa “Đức Mẹ giúp tôi thấy trước”, trong đó có đoạn ngài viết như sau:
Tình hình lúc này có nhiều thách đố: Nếu tôi cứ tưởng mở Đạo là mở rộng
đất đai, xây nhiều cơ sở, tổ chức nhiều ban bệ, phô trương những con số, thì chắc
chắn cái tôi được sẽ rất ít, mà cái tôi phải mất ắt sẽ khôn lường. Tôi cần phải
thấy trước điều đó.
Tình hình lúc này có nhiều cạnh tranh: Nếu tôi tưởng rao giảng Tin Mừng
là khoe Đạo mình có nhiều ngôi sao sáng hơn bất cứ tôn giáo nào khác, thì chắc
chắn tôi sẽ tự tạo ra cho bản thân tôi và Đạo của tôi rất nhiều bất lợi. Lợi
thì không rõ, mà hại thì rải khắp. Tôi cần phải thấy trước điều đó.[4]
Cách đây ít lâu, LM Micae Nguyễn Khắc Minh, giáo
điểm truyền giáo Trà Ếch, giáo phận Cần Thơ, qua bài viết có tựa “Truyền giáo Việt Nam hiện nay: Ánh sáng và
Bóng tối”, đã cho biết tình hình và những con số cụ thể về truyền giáo tại
địa phương Cần Thơ.[5] Ngài đã viết như sau:
Tại giáo phận Cần Thơ, theo báo cáo của Đức cha
Stêphanô giám mục giáo phận với Đức TGM Marek Zalewski đại diện Tòa Thánh tại
Việt Nam là số người Công Giáo địa phận Cần Thơ giảm từ 4,7% xuống còn 4,4%.
Riêng về con đường Nam Sông Hậu - nối dài Cần Thơ và Sóc Trăng khoảng 60km, mà
chỉ có 1 nhà thờ trên quốc lộ. Đi 30 km mới có được 1 nhà thờ CG. Còn các nhà
thờ Tin Lành và chùa chiền có rất nhiều. Riêng về Tin Lành, cứ chỗ nào đông dân
chút xíu là có điểm nhóm sinh hoạt. Còn Công Giáo thì cần phải có đủ thứ giấy tờ,
phải có đất và có linh mục vv...
Được biết, nhà thờ giáo điểm truyền giáo Trà Ếch
có từ 1935, đến nay chưa tới 100 người đi lễ. Trong khi đó, hai điểm nhóm Tin
Lành phía trước nhà thờ có khoảng 10 năm, nhưng mỗi điểm nhóm Tin Lành này cũng
đã được vài chục người sinh hoạt thường xuyên mỗi Chúa Nhật.
Năm nào cũng có phong chức, biết bao Tân Linh Mục
“ra trường”, biết bao người trẻ dấn thân tận hiến tu trì trong các nhà dòng, biết
bao cơ sở phát triển đầy hoành tráng, biết bao cộng đoàn mới được thành lập, biết
bao khóa huấn luyện... Vậy mà tại sao tỉ lệ người Công Giáo vẫn giảm thụt lùi?
Tiếp tục bài viết của mình, ngoài việc nói đến
những mặt tích cực của công cuộc truyền giáo tại VN nói riêng và tại địa phương
Cần Thơ nói chung, LM Nguyễn Khắc Minh cũng không quên đề cập đến mặt tiêu cực,
khuyết điểm hiện nay, chẳng hạn như:
Vấn đề “Bề trên quản trị” và “Bề trên truyền
giáo”[6], theo đó Đấng Bề trên và các
đấng bản quyền vẫn còn chưa quan tâm nhiều đến việc loan báo Tin Mừng, hoặc
quan tâm mà chưa đủ, chưa thực tế, chưa có hành động cụ thể. Chỉ nói suông, hoặc
giao phó việc này cho ai đó phụ trách. Coi như đó là xong, là hoàn thành nhiệm
vụ. Rồi nói đến các vấn đề khác như: - Thiếu thống nhất, chương trình
chung cho từng địa phương; - Các chủng viện, dòng tu chưa đào tạo đủ về kiến thức,
kỹ năng và tâm hồn truyền giáo; - Phần đông chỉ mới chú trọng làm mục vụ cho những
người đang giữ đạo, những con chiên ngoan hiền, chứ chưa quan tâm đủ đến những
người khô khan nguội lạnh, hay những người chưa hề biết Chúa.
Bên cạnh đó, LM Nguyễn Khắc Minh cũng đề cập đến
thực trạng Giáo dân và đời sống đạo.
Tác giả viết: Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐ Giám mục Việt Nam,
trong diễn từ triều yết ĐTC Phan-xi-cô dịp Ad limina tháng 3-2018 có nói đến
não trạng “cầu an”, “thủ thân khép kín” đang tồn tại nơi Giáo hội Việt Nam. Não
trạng này chịu ảnh hưởng của quan điểm cho rằng “không nên loan báo Chúa Kitô cho người chưa biết, cũng như không nhất
thiết gia nhập Giáo Hội, vì người tốt cũng được cứu độ.” Hoặc trong bài
thuyết trình của Đức cha An-phong-sô Nguyễn Hữu Long tại hội thảo toàn quốc về
Phúc Âm Hoá tại Trung tâm Mục Vụ TGP Huế từ 3-9-2018 đến 6-9-2018 nói như sau: “Người giáo dân VN vẫn còn chú trọng giữ đạo hình thức bên ngoài chưa
quan tâm đến giới thiệu đức tin cho người xung quanh”.
Ngoài ra, tác giả bài viết kể rằng, vị mục sư Rạch
Vọp nói với linh mục chánh xứ Trà Ếch thuộc giáo phận Cần Thơ, như sau: “Bên Công Giáo nhiều hoạt động đông đảo nhưng
giáo dân bên Công Giáo không có hoạt động truyền giáo nhiều như bên Tin Lành.
Các tín hữu Tin Lành hăng say thực hiện công việc rao giảng Tin Mừng.”
Như vậy ta thấy rằng, bên cạnh những hoạt động
sôi nổi và đông đúc của giáo dân trong việc giữ đạo, hành đạo thì sứ mệnh loan
báo Tin Mừng xem ra chưa được quan tâm nhiều. Do đó, nhân bài viết này, chúng
ta thử nhìn lại đâu là lý do thúc đẩy chúng ta phải tích cực tham gia sứ mệnh
loan báo Tin Mừng, như lời khẳng định của thánh Công đồng Vat.II: “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho
ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi
thời đại.” (x. Vat.II, LG 33).
I.- VÌ SAO GIÁO DÂN PHẢI THAM GIA SỨ MỆNH LOAN BÁO TIN MỪNG?
Chúng ta đã từng nghe nói, nghe giảng và đọc
sách báo nói nhiều về Tin Mừng, về sứ mệnh loan báo Tin Mừng hay về Truyền
giáo…nhưng có lẽ phần đông trong chúng ta chưa có dịp tìm hiểu kỹ ý nghĩa sâu
xa và nội dung đầy đủ của hai từ này. Vì vậy, trước hết xin mạn phép bàn đến
khái niệm “Tin Mừng” là gì?
1.1. Một vài định nghĩa về Tin Mừng
- Theo từ điển Công Giáo, Tin
là lời được truyền đi; Mừng là vui.
Tin Mừng là lời truyền đi, báo sự bình an. Tin Mừng là viết tắt của Tin Mừng
Chúa Giê-su Ki-tô. Tin Mừng tiếng Hy Lạp là Eu-anggelion, còn được dịch
ra từ Hán Việt là “Phúc Âm” (lời đưa lại niềm vui, hạnh phúc).[7]
- LM Nguyễn Thế Thuấn DCCT, giáo sư và dịch giả Kinh Thánh, trong phần
chú thích về danh từ “Tin Mừng” đã viết như sau: “Tin Mừng (Tin lành) hay Phúc Âm (Mc 1,1; Rm 1,16; Ga 1,6; 1Th 1,5) trước
tiên không phải là một sách, hay chính lời rao giảng, nhưng là ơn cứu thoát Chúa Giêsu đem đến, và chính
Ngài lại là nội dung cốt yếu.”[8]
- Ngoài ra, ở chỗ khác, LM Nguyễn Thế Thuấn cũng chú giải thêm về ý nghĩa
của “Tin Mừng”: “Tin Mừng không phải là đạo
lý, nhưng là Tin Vui cho kẻ nào khốn nạn. Tin Vui đặc biệt trên đời, khả dĩ
thay đổi được tất cả bầu khí và tâm trạng của con người, biến tuyệt vọng thành
hy vọng, đổi sự chết thành sự sống. Tin Mừng cũng không phải là sách Phúc Âm.
Sách Phúc Âm chỉ là hậu quả của việc rao giảng được ghi lại. Sách ấy được mệnh
danh là Tin Mừng, nhưng chỉ là mệnh danh, chứ không phải Tin Mừng đích thực. Tin Mừng chính là nguồn hạnh phúc đem đến
cho những kẻ bị gọi là xấu số, khốn nạn trên đời.”[9]
- LM Thiện Cẩm, OP trong một bài viết về Truyền giáo, đã chia sẻ như sau:
“Tin Mừng không phải chỉ là một thông điệp,
một đạo lý hay một triết thuyết, mà trước hết là một cái gì có thể gọi là ‘thực tại’ có thể mắt thấy tai nghe...Tin Mừng không chỉ là một lời rao giảng,
mà còn là một hành động cứu độ, giải
phóng. Nói đúng hơn, đó là hành động
đem niềm vui thực sự đến cho con người, bởi vì không vui sao được khi được
chữa lành khỏi bệnh hoạn tật nguyền, được cứu sống...”[10]
- ĐGM GB Bùi Tuần, Gp Long Xuyên, trong bài “Ra khơi từ đâu?” cũng đã
chia sẻ một cảm nhận ngắn gọn, đơn sơ về ý nghĩa loan báo Tin Mừng, như sau: “Truyền giáo không chủ yếu là chuyển giao một
lý thuyết, mà là chia sẻ một sự sống
thiêng liêng có sức biến đổi con người nên người hơn và được trở thành con
của Thiên Chúa Tình Yêu.”[11]
- Theo Điển ngữ Thần Học Thánh Kinh: Tin Mừng – “Thời gian đã hoàn tất. Nước Thiên Chúa đã gần kề” (Mc 1, 15), đó là
nội dung chính yếu của sứ điệp. Nhưng lần này chính con người của sứ giả trở
nên trung tâm của Tin Mừng. Tin Mừng chính là Đức Giê-su (x. Mc
1, 1). Các thiên sứ đã loan báo cuộc sinh hạ của Người như một Tin Mừng (Lc 2,
10t). Với Người, Triều đại của Thiên Chúa hiện diện (Mt 12, 28). Kẻ nào bỏ mọi
sự vì Đức Giê-su và “vì Tin Mừng” sẽ nhận được “gấp trăm ngay ở đời này” (Mc
10, 30). Cũng thế, đám đông náo nức vây quanh sứ giả Tin Mừng và cố gắng giữ
Ngài lại. Nhưng Tin Mừng phải được loan truyền: “Ta còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác, vì Ta
được sai đến để thực hành điều đó” (Lc 4, 43).[12]
Vậy khi chúng ta thực hiện sứ mệnh loan báo Tin
Mừng, thì điều đó không chỉ dừng lại ở việc thông truyền tin vui mà thôi, nhưng
còn phải đi xa hơn, đó là cụ thể hóa sứ mệnh cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô, là hiện
đại hóa hiệu lực của biến cố Chúa chết-sống-lại nơi bản thân người-được-rao-giảng.
Như thế mới hoàn tất lời của Chúa, đó là: “Phần
tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10); “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai
tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ
không bao giờ phải chết.” (Ga 11, 25-26); “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài
thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết
án.” (Mc 16, 15-16)
1.2. Một vài chỉ dẫn từ những giáo huấn của Hội
thánh
Vì bản chất và mục tiêu của Hội thánh là Truyền
Giáo, là loan báo Tin Mừng, nên Hội thánh bằng nhiều cách, qua nhiều thời đại
khác nhau luôn nhắc nhở con cái mình về sứ mệnh trọng đại này.
- Giáo lý Hội thánh CG, số 863: “Tất
cả các phần tử của Hội thánh mỗi người một cách đều được sai đi. ‘Ơn gọi Ki-tô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi
làm tông đồ’. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể nhằm làm cho Nước Đức Kitô rộng mở
trên khắp hoàn cầu được gọi là ‘việc tông đồ’.”
- Công Đồng Vat.II: “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho
ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi
thời đại. Vì thế, khắp nơi phải mở
đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo hội, tùy sức lực của
họ và tùy nhu cầu của thời đại… Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo hội
hiện diện và hoạt động nơi mà trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ thì Giáo
hội sẽ không trở thành muối của trần gian...” (LG 33)
- ĐTC Phan-xi-cô trong Tông Huấn
“Niềm Vui Của Tin Mừng” (Evangelii Gaudium) đã viết: “Chúng ta tất cả là những môn đệ truyền giáo - Do phép rửa tội, mọi thành viên của Dân Chúa phải trở nên những môn đệ
truyền giáo (xem Mt 28:19). Tất cả những ai đã được rửa tội, dù ở vị trí
nào trong Giáo Hội hay ở mức độ đào luyện nào về đức tin, cũng đều là những nhà
truyền giáo, và sẽ là bất cập nếu chỉ nghĩ đến một kế hoạch truyền giáo được thực
hiện bởi những nhà truyền giáo chuyên nghiệp trong khi số các tín hữu khác chỉ
là những người thụ hưởng thụ động. Tân
phúc âm hoá đòi hỏi sự dấn thân thực sự của từng cá nhân tín hữu. Mọi Kitô
hữu được thách thức, ở đây và lúc này, tích cực tham gia vào việc truyền giáo;
thực vậy, bất cứ ai đã thực sự trải nghiệm tình thương cứu độ của Thiên Chúa
thì không cần nhiều thời gian hay một sự đào tạo lâu để đi rao giảng tình
thương ấy. Mọi Kitô hữu đều là người truyền giáo theo mức độ họ đã gặp gỡ tình
thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô: chúng ta không còn nói mình là những
“người môn đệ” và “người truyền giáo”, nhưng đúng hơn, chúng ta luôn luôn là những “người môn đệ truyền giáo”. Nếu điều
này chưa thuyết phục, chúng ta hãy nhìn vào những môn đệ đầu tiên, vừa khi bắt
gặp cái nhìn của Đức Giêsu, các ông vui vẻ đi loan báo về Ngài: “Chúng tôi đã gặp
Đấng Mêsia!” (Ga 1:41). Người phụ nữ Samaria đã trở thành người truyền
giáo ngay sau khi nói chuyện với Đức Giêsu và nhiều người Samaria đã
tin Ngài “vì lời chứng của người phụ nữ” (Ga 4:39). Thánh Phaolô cũng vậy, sau
khi gặp Đức Giêsu, “lập tức đi rao giảng về Đức Giêsu” (Cv 9:20; xem 22:6-21).
Vậy chúng ta còn chờ gì nữa? (số 120)[13]
1.3. Những lý do chính yếu liên quan việc giáo
dân cần tham gia sứ mệnh loan báo Tin Mừng
LM Phê-rô Nguyễn Văn Hương, trong bài viết có tựa
“Truyền giáo, sứ mạng chính yếu của người
Kitô Hữu” đã nêu ra lý do phải truyền giáo như sau:
“Truyền giáo không phải là một thứ thêm vào cho
đời sống Giáo Hội nhưng là tâm điểm của đức tin Kitô giáo. Truyền giáo là bổn
phận chính yếu của mọi người Kitô hữu. Tại sao chúng ta phải truyền giáo?
“Trước hết, truyền giáo là lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh
em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai
tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16, 15-16; x. Mt 28, 19-20). Chúng
ta được mời gọi phải truyền giáo, bởi vì, đây là ý muốn của Thiên Chúa, Người
muốn cho mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ nhờ việc tin vào Đức Giêsu
Kitô (x.1Tm 2,4). Hoạt động truyền giáo nhằm phục vụ chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời cũng nhằm phục vụ con người. Truyền giáo là thông
đạt cho tha nhân hồng ân đức tin quý báu mà chúng ta đã lãnh nhận và hồng ân ấy
liên hệ tới hạnh phúc của mọi người là được mời gọi thông phần vào sự sống của
Thiên Chúa nhờ hồng ân cứu độ của Chúa Kitô. Nói cách khác, chúng ta may mắn được
nhận biết Chúa Kitô và tin vào Người. Niềm
vui này cần phải được chia sẻ cho người khác để họ cũng có cơ hội để nhận
biết và tin vào Chúa Kitô như chúng ta.
“Bởi thế, Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Ad
Gentes cho rằng: “Bản chất Giáo Hội là truyền giáo.” (AG, 2.) Giáo Hội được thành
lập để truyền giáo. Từ hơn hai mươi thế kỷ qua, Giáo Hội đã luôn cố gắng thực
hiện lệnh truyền này của Chúa Giêsu, nhờ đó, Tin Mừng đã được phổ biến rộng rãi
khắp nơi trên thế giới. Giáo Hội bắt đầu từ một nhóm người rất nhỏ bé, nay đã
trở thành một đại gia đình rộng lớn và phát triển mạnh mẽ khắp mọi nơi và mọi
dân tộc.
“Trong bối cảnh hiện nay, Giáo Hội càng phải
tích cực hơn nữa để tiếp tục sứ vụ này. Có thể nói rằng đây là thời điểm của
truyền giáo. Về điểm này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: “Niềm Vui Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và đời sống
của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận ân ban cứu độ của Người
thì được thoát khỏi tội lỗi, nỗi buồn phiền, sự trống rỗng và nỗi cô độc nội
tâm. Với Đức Giêsu Kitô, niềm vui thường hằng tái sinh.” (ĐGH Phanxicô,
Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm vui Tin Mừng, Sđd, số 1).”[14]
Đó là lý do mà chúng ta phải truyền giáo.
Vậy có thể khẳng định một lần nữa là, mỗi Ki-tô
hữu chúng ta cũng là nhà truyền giáo, cũng là tông đồ được Chúa sai đến mọi người
để loan báo Tin Mừng, để làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô chết và sống lại, để làm
cho nhiều người được biết và yêu mến Chúa. Đó là nhiệm vụ Truyền Giáo. Như lời
thánh Phao-lô đã nói với các tín hữu: “Thật
vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một
sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”
(1Cor 9,16).
II.- THỬ LIỆT KÊ MỘT VÀI KHÓ KHĂN CỦA GIÁO DÂN ĐỐI VỚI SỨ MỆNH LOAN BÁO
TIN MỪNG
Xét qua hiện tình công cuộc Truyền giáo và loan
báo Tin Mừng tại VN ngày nay, ta có thể thấy Hội thánh còn gặp khá nhiều khó
khăn, trở ngại về nhiều mặt, nhiều phía, nhất là về phía các tín hữu giáo dân.
Những khó khăn có thể xét ở 3 phía: Phía
bản thân giáo dân, phía giáo quyền
và phía xã hội.
2.1. Khó khăn về phía bản thân giáo dân
Như trên đã nói, tất cả mọi Ki-tô hữu chúng ta đều
là những nhà truyền giáo, đều là những tông đồ giáo dân. Sức sống và sự phát
triển của Hội thánh Chúa Ki-tô phần lớn trông chờ vào sự tham gia nhiệt thành của
chúng ta trong công cuộc làm sáng Danh Chúa. Đó chính là làm chứng cho Ðức
Ki-tô tới tận cùng trái đất, “Anh em sẽ
nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần… Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy đến tận
cùng trái đất” (Cv 1,8).
Tuy nhiên, xét cho kỹ chúng ta vẫn chưa thực sự
là chứng nhân và tông đồ của Chúa vì chúng ta chưa đủ “lớn” để thực thi công việc
quan trọng này. Những mặt “khuyết” mà chúng ta dễ nhận thấy nhất, đó là: -
Chúng ta chưa nhận thức đúng và đủ về sứ mệnh loan báo Tin Mừng; - Chúng ta
chưa được đào tạo bồi dưỡng cách thích hợp về giáo lý, về Thánh Kinh và về những
hiểu biết Đức tin cần thiết; - Chúng ta giữ Đạo một cách ích kỷ, cục bộ, đóng
kín …
- Nhận thức chưa đủ và đúng về sứ mệnh loan báo
Tin Mừng: Trước hết, về nhận thức, giáo dân chúng ta vẫn nghĩ rằng sứ mệnh loan
báo Tin Mừng là nhiệm vụ riêng biệt thuộc về hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ và
những cán bộ chuyên trách về Truyền giáo. Giáo dân xem ra là “người ngoài cuộc”,
không có gì phải bận tâm! Thậm chí, nhiều giáo dân không còn biết loan báo Tin
Mừng là gì, vì sao và như thế nào nữa?
Chúng ta biết rằng, “mấy chục năm qua, Hội thánh
CG VN đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng liên quan đến sứ vụ Truyền giáo...
Nhưng đa số tín hữu VN, kể cả các linh mục, tu sĩ, không được học hỏi thấu đáo,
thì không thể có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về việc loan báo Tin Mừng.”[15]
- Chưa được bồi dưỡng về giáo lý, Thánh Kinh và
những kiến thức cần biết: Người ta thường nói, “Bạn chỉ có thể cho hoặc ban tặng những gì bạn có”. Nếu hiểu Truyền
giáo là chia sẻ Lời Chúa, là loan Tin Mừng Chúa Ki-tô, là thông chia sự sống mà
chúng ta lãnh nhận từ Chúa Giê-su Phục sinh, là dẫn dắt người ta về với Chúa và
chấp nhận gia nhập Hội thánh vv…thì hiển nhiên giáo dân chúng ta phải “rành” về
Chúa và về những nội dung mà chúng ta loan truyền. Nhưng trên thực tế, mấy ai
trong chúng ta được trang bị thích hợp để
làm nhiệm vụ tông đồ giáo dân của mình,
Về điều này, chúng ta có thể đặt ra một số câu hỏi
để tự vấn, chẳng hạn:
- Chúng ta đã và đang tham gia học hỏi giáo lý
CG theo trình độ và lớp tuổi của mình không?
- Chúng ta có dành thời gian để tìm tòi, đọc và
học hỏi những gì liên quan đến Đạo và đến sứ mệnh loan báo Tin Mừng không?
- Trong gia đình chúng ta có cuốn Thánh Kinh
Tân-Cựu ước không? Bản thân mỗi người chúng ta có đọc, suy niệm, học hỏi và tìm
hiểu về Thánh Kinh không? Có thể nói, cuốn Thánh Kinh luôn là vật bất ly thân của
người Ki-tô hữu. Chúng ta biết rằng, Thánh Kinh là một trong những cuốn sách có
số độc giả đông nhất và dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới. Qua Thánh
Kinh, Thiên Chúa ngỏ lời tình yêu cứu độ cho con người. Thánh Giê-rô-ni-mô
đã khẳng định: “Không biết Thánh Kinh là
không biết Chúa Ki-tô”. Nếu chúng ta không quan tâm học hỏi Thánh Kinh thì
làm sao ta có thể giới thiệu Chúa cho người anh em chưa biết Chúa.
ĐTC Phan-xi-cô có lần trong một bài giảng đã mời
gọi các Ki-tô hữu: “Hãy dành chỗ cho Lời
Chúa. Mỗi ngày hãy đọc cẩn thận vài câu Kinh Thánh”. Và ngài khuyên chúng
ta luôn có cuốn Kinh Thánh bên cạnh, trên ghế bành ở nhà, trong túi áo, trên điện
thoại. Hãy để Lời Chúa linh hứng cho chúng ta. Chúng ta sẽ khám phá rằng Thiên
Chúa ở gần chúng ta, chiếu sáng bóng đêm của chúng ta, dẫn dắt chúng ta bằng
tình yêu.[16]
- Đời sống đạo hời hợt, quá thiên về hình thức,
cục bộ, đóng kín: Có một thực tế nữa được xem là khó khăn “nội tại”
của người tín hữu, đó là chúng ta giữ Đạo nhưng chưa sống Đạo, chúng ta thực
hành các lễ nghi, kinh kệ nhiều mà chưa để Lời Chúa biến cải chúng ta thành những
môn đệ xứng danh của Chúa, đượm chất muối-men của Tin Mừng Ki-tô giáo.
ĐGM An-phong-sô Nguyễn Hữu Long, GM giáo phận
Vinh, trong bài chia sẻ “Canh tân hoạt động
loan báo Tin Mừng tại Việt Nam ngày nay”, đã nói như sau:
“Đời sống đạo của người tín hữu chưa đi đôi với
niềm tin. Thiếu căn bản về giáo lý, kiến thức sơ sài về đạo làm cho đạo và đời
không ăn nhập với nhau trong cuộc sống. Ðời sống đạo thể hiện nơi các nghi lễ,
các hoạt động bên ngoài, hơn là vào niềm xác tín và cảm nghiệm bên trong. Ngày
xưa Chúa đã dùng ngôn sứ Ysaia để khiển trách dân Israel thờ kính Chúa ngoài
môi miệng còn lòng trí thì xa Chúa (cf Ys 29,13). Phải chăng chúng ta quá chú
trọng đến hình thức bên ngoài, tổ chức các đại hội, lễ lạc, hành hương một cách
hoành tráng, tốn phí, phô trương… mà kết quả xét về mặt truyền giáo thì không
có gì!
“Giáo dân VN giữ đạo rất tốt cho mình, nhưng lại
thiếu nhiệt huyết thông truyền niềm tin ấy cho người khác, họ nghĩ việc truyền
giáo là của ai khác, phần mình chỉ lo cho mình được rỗi. Chính sự thiếu nhiệt
huyết này làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại VN bị trì trệ, không có kết
quả.
“Nhìn vào anh em Tin Lành tại VN, chúng ta thấy
họ rất nhiệt tình truyền bá đạo. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, họ vẫn mạnh
dạn và hăng say đem Tin Mừng giới thiệu cho mọi người, nhất là cho anh em dân tộc.
Số tín đồ Tin Lành ngày càng cao. Tin Lành được truyền vào nước ta năm 1911, tức
sau đạo công giáo 300 năm. Đến nay, chỉ sau 100 năm, Hội Thánh Tin Lành tại Việt
Nam đã có khoảng 2.200.000 tín đồ, bằng 1/3 số giáo dân công giáo. Chúng ta
cũng có thể nhìn vào Giáo hội Hàn Quốc. Giáo Hội này có nhiều điểm tương đồng với
GHVN: cùng ở châu Á, cùng chịu ảnh hưởng Khổng Lão Phật, cùng chịu bách hại,
cùng có nhiều chứng nhân đức tin... Vào khoảng thập niên 1960, tỷ lệ giáo dân tại
Hàn quốc kém Việt Nam, nhưng sau đó đã gia tăng gấp đôi, và hiện nay đã đạt
trên 11%. Giáo Hội Hàn Quốc còn đề ra chiến dịch truyền giáo 20-20, nghĩa là họ
kỳ vọng vào năm 2020, tỷ lệ giáo dân sẽ đạt 20%. …”[17]
2.2. Khó khăn về phía giáo quyền
Trong khi công cuộc loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ
của mọi người tín hữu thì cấp giáo quyền cũng phải có trách nhiệm hướng dẫn,
đôn đốc, yểm trợ họ chu toàn sứ mệnh của mình. Giáo quyền mà cụ thể là cha xứ
phải thực sự quan tâm và tạo mọi điều kiện để giáo dân sẵn sàng tự nguyện đảm
nhận công cuộc Truyền giáo bằng nhiều hình thức và trong mọi thời điểm khác
nhau, như thánh Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh: “Vì thế, khắp nơi phải mở đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu
độ của Giáo hội, tùy sức lực của họ và tùy nhu cầu của thời đại… Giáo dân được
đặc biệt kêu mời làm cho Giáo hội hiện diện và hoạt động nơi mà trong những
hoàn cảnh mà nếu không có họ thì Giáo hội sẽ không trở thành muối của trần
gian...” (LG 33)
- Giáo xứ luôn là yếu tố thúc đẩy việc Truyền
giáo quan trọng nhất: Giáo xứ phải là môi trường thuận lợi nhất giúp
giáo dân học hỏi và thực thi mệnh lệnh Truyền giáo của Chúa Ki-tô. Nếu giáo xứ
quá thiên về “quản trị hành chánh” thì giáo dân sẽ rơi vào tình trạng thụ động.
Chúng ta thử tham khảo vài chỉ dẫn của ĐGM
Phao-lô Nguyễn Thái Hợp GM giáo phận Hà Tĩnh (TB ngày 28-6-2019) như sau:
“Loan báo Tin Mừng là trách nhiệm và là sứ vụ của
các linh mục đã được Thiên Chúa mời gọi:
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc
16, 15). Linh mục quản xứ không chỉ được mời gọi ‘giữ chiên’ mà còn có bổn phận
phát triển đoàn chiên tại nơi mình được sai đến.
“Loan báo Tin Mừng là trách nhiệm của mọi thành
phần dân Chúa, mọi ban ngành, đoàn thể, HĐMV giáo xứ, các giáo họ, các hội đoàn
trong giáo xứ và của mỗi người giáo dân. Loan
báo Tin Mừng là mục tiêu của mọi hoạt động của giáo xứ và của từng người Kitô hữu.
“Quan tâm đến việc tìm kiếm ‘chiên lạc’ và đến với
những người chưa biết Chúa, đang có thiện chí muốn vào đạo.
“Quan tâm đến việc đối thoại và hướng dẫn họ
trong việc truy tầm chân lý; phải đến với mọi thành phần trong xã hội.
“Quan tâm chương trình dạy Giáo lý tân tòng và củng
cố giáo lý đức tin hậu tân tòng.
“Quan tâm đào tạo nền tảng giáo lý vững chắc cho
thế hệ trẻ trong giáo xứ.”[18]
- Vai trò của Cha xứ:
Người chịu trách nhiệm chính về công cuộc Truyền
giáo của giáo xứ chính là cha xứ và các tu sĩ nam nữ giúp xứ. Nếu cha xứ lơ là,
không quan tâm đến việc quan trọng này thì chẳng ai có thể thay thế ngài được.
Nếu trong một năm, cha xứ chỉ “nói” đến Truyền giáo một hai lần nhân dịp lễ nào
đó, còn ngoài ra không có những hoạt động xuyên suốt nào gọi là “Truyền giáo”
thì giáo dân sẽ không bao giờ có cơ hội làm việc tông đồ Truyền giáo.
Thực vậy, “Các giáo xứ cần quan tâm đến việc
loan báo Tin Mừng trong mọi hoạt động của giáo xứ. Xin các cha xứ quan tâm, đồng
hành và khích lệ để hoạt động loan báo Tin Mừng được kết quả. Xin các cha quản
xứ làm nhân tố nối kết mọi hoạt động để việc loan báo Tin Mừng có hiệu quả thực
sự. Cần trao trọng trách loan báo Tin Mừng cho một số hội đoàn như Legio, Thiếu
nhi Thánh Thể vv… để có kết quả tốt hơn.”[19]
2.3. Khó khăn về phía xã hội
Những tác động tiêu cực của xã hội luôn ảnh hưởng
lớn tới nhận thức và thái độ của giáo dân chúng ta đối với công cuộc truyền
giáo. Ở đây, phạm vi bài này chỉ xin nói qua một vài điểm tiêu biểu.
- Hiện nay, giới trẻ Ki-tô hữu tỏ ra rất lơ là đối
với vấn đề đức tin và đời sống Đạo. Một mặt, gia đình không còn là Hội thánh tại
gia, không còn là nơi đào tạo đầu tiên về đức tin và nhân bản nữa. Người ta bắt
đầu xa gia đình và quan tâm đến những gì đang diễn ra từng ngày, từng giờ trong
xã hội. Chúng ta thử quan sát những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao v.v…
thì sẽ thấy sức hút của những loại hình ấy như thế nào. Trong khi, nếu quan sát
thực tế, ta sẽ phần đông các bạn trẻ tham dự thánh lễ Chúa nhật hay lễ trọng chỉ
là hành vi đối phó mà thôi. Sợ luật. Sợ dư luận. Sợ phạm tội. Muốn yên tâm, mặc
dù đó là một thứ yên tâm giả tạo. Họ ngồi ngoài thánh đường, xa cả mấy chục
mét, ngồi trên xe, hút thuốc, nói chuyện, theo dõi màn hình điện thoại. Lễ chưa
chấm dứt đã leo lên xe ra đi một cách nhanh chóng và “bình an”…
- Mạng xã hội đang là xu hướng thời thượng của rất
nhiều người giáo dân, nhất là giới trẻ. Họ sử dụng mạng xã hội để giao lưu,
tương tác với bạn bè trong nước và trên toàn thế giới. Có những thông tin tốt
nhưng cũng có những thông tin, hình ảnh, câu chuyện xấu. Người ta có thể “nghiện”
mạng xã hội như nghiện ma túy và có thể bị lệ thuộc nặng nề. Điều này chắc chắn
sẽ ảnh hưởng không ít tới đời sống đức tin của chúng ta. Chúng ta say mê “mạng”
hơn là Đạo. Từ đó, chúng ta giữ Đạo một cách hình thức, vụ luật, chiếu lệ. Một
đời sống Ki-tô hữu “giả hiệu” như vậy thì làm sao nói đến Truyền giáo được. Trường
hợp này chắc chắn chúng ta cần được tái-truyền-giáo hơn là đi truyền giáo cho
người khác.
Bản thân người viết có kinh nghiệm này là: Trên
mạng Facebook, khi có một bạn CG nào đó đăng một bài chia sẻ về Đạo, về đức
tin, về Truyền giáo…thì ít ai quan tâm ấn nút “Like” (thích), nút “Share” (chia
sẻ) hay “Comment” (bình luận) để tương tác. Nhưng nếu cũng bạn ấy post hình ảnh
đi du lịch, đi ăn uống, đi mua sắm, đi hát karaoke…thì số lượt bạn tương tác lại
khá đông. Nghĩa là người ta cảm thấy nhàm chán khi nói về Chúa!...Đây là thực
trạng đáng suy nghĩ của các bạn Ki-tô hữu. Điều đó cho thấy Chúa nói không sai:
“Kho tàng anh em ở đâu, thì lòng anh em ở
đó” (Lc 12, 34).
- Nhiều người nhận định là, trước khi là người
Công giáo thánh thiện, hãy là người Công giáo tử tế, tốt lành. Khẳng định này
có vẻ đúng. Xã hội biến chuyển không ngừng, đời sống vật chất ngày càng khó
khăn và đầy thách thức. Tuy vấn đề cơm-áo-gạo-tiền là chuyện tự nhiên, nhưng nếu
Ki-tô hữu chúng ta không cảnh giác, chúng ta sẽ bị lôi cuốn vào vòng xoáy của
cơn mê vật chất, tiền bạc, danh vọng, thị hiếu và thú vui xác thịt v.v… Người
Công giáo chân chính phải biết nói KHÔNG với nhiều thứ, chẳng hạn thói điêu
ngoa gian dối khi sản xuất và buôn bán hàng giả hàng nhái trong kinh doanh buôn
bán, thói tham nhũng đầu cơ tích trữ để cầu lợi, thói phô trương hình thức để lừa
dối, phỉnh gạt, thói vô cảm đánh mất tình người và triệt tiêu mối quan hệ nhân
bản người-người, thói thần tượng hóa quá mức những đối tượng khiến ta xa rời Đạo,
khiến cho đời sống đức tin mất hướng, thực tế là một bạn trẻ Công giáo nào đó
có thể không biết gì hết về Thánh Kinh và giáo lý, nhưng lại say mê và biết rất
nhiều về thần tượng âm nhạc, phim ảnh hay nghệ thuật nào đó v.v…
* * * * *
* *
Thay lời kết:
Trong Tông huấn “Niềm Vui Của Tin Mừng”, ĐTC
Phan-xi-cô đã viết như sau:
“Tin Mừng cho chúng ta cơ hội để sống ở một bình
diện cao hơn nhưng không kém phần mãnh liệt: “Cuộc sống phát triển bằng cách cho đi, nó suy yếu khi sống cô lập và dễ
dãi. Thực vậy, những người vui hưởng đời sống nhiều nhất là những người bỏ lại
sự an toàn trên bờ và được kích thích bởi sứ mạng thông truyền cuộc sống cho
người khác”.
“Khi kêu gọi người Kitô hữu đảm nhận nhiệm vụ
loan báo Tin Mừng, Hội Thánh chỉ đơn giản vạch ra cho họ thấy nguồn mạch đích
thực của sự hoàn thành bản thân. Bởi vì “ở
đây chúng ta khám phá ra một qui luật sâu xa của thực tại: đó là chúng ta đạt
được sự sống và làm nó phát triển tuỳ theo mức độ chúng ta từ bỏ nó để trao ban
sự sống cho người khác. Đây chắc chắn là ý nghĩa của truyền giáo”. Do đó
người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đi đưa
đám về! Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào sâu “niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan
báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt... Và chớ gì thế giới của
thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì
trong hi vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu
rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng
đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm
vui của Đức Kitô”. (số 10)[20]
[8] LM
Nguyễn Thế Thuấn DCCT - Phần chú thích Mt, 4,23 về chữ “Tin Mừng” trong bản dịch
Kinh Thánh năm 1976
[15] https://tgpsaigon.net/bai-viet/canh-tan-hoat-dong-loan-bao-tin-mung-tai-viet-nam-ngay-nay-49002
[17] https://tgpsaigon.net/bai-viet/canh-tan-hoat-dong-loan-bao-tin-mung-tai-viet-nam-ngay-nay-49002