Giáo dân mong đợi gì nơi bài giảng của
linh mục?
WHĐ
-- Phần đông giáo dân khi tham dự thánh lễ đều quan tâm đến bài giảng của linh
mục chủ tế. Nhiều người cẩn thận đến độ khi vào nhà thờ phải tìm cho được một
chỗ ngồi gần bục giảng, để nghe cho rõ và để thấy cho tường vị giảng thuyết.
Những ai yêu mến Lời Chúa, muốn thăng tiến việc sống đạo của mình và muốn hiệp
thông sâu xa vào đời sống đức tin của cộng đoàn cũng như của Hội thánh, thì
luôn chăm chú lắng nghe bài giảng trong thánh lễ, nhất là thánh lễ ngày Chúa
nhật và các lễ trọng. Quả thực, bài giảng trong thánh lễ luôn giữ một vai trò
quan trọng đặc biệt trong đời sống đức tin của người Kitô hữu.
I. Tầm quan trọng của bài giảng đối với đời sống đức tin
của Kitô hữu
Đức Thánh Cha
Phanxicô trong Tông huấn “Niềm Vui Phúc Âm” (Evangelii Gaudium) công bố ngày
26-11-2013 đã nhắc nhở như sau: “Bài
giảng là viên đá thử để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của người
mục tử với dân chúng. Chúng ta biết các
tín hữu rất coi trọng bài giảng và cả các tín hữu lẫn các thừa tác viên có
chức thánh đều khổ sở vì các bài giảng: giáo dân vì phải nghe các bài giảng,
còn các giáo sĩ vì phải giảng bài! Đây là trường hợp đáng buồn. … Bài giảng
thực ra có thể là một trải nghiệm sâu đậm và vui sướng về Thần Khí, một cuộc
gặp gỡ đầy an ủi với lời Thiên Chúa, một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng
thường xuyên” (số 135). [1]
Quả thực, tín hữu
rất coi trọng bài giảng vì đối với họ bài giảng của linh mục là một “món ăn”
không thể thiếu được của bàn tiệc Lời Chúa trong một thánh lễ. Món ăn càng
ngon, càng bổ dưỡng, càng thích hợp thì đời sống đức tin và đức ái của người
tín hữu càng được tăng trưởng, lớn mạnh.
Chính vì vậy, ĐTC
đã nhấn mạnh: “Bài giảng có tầm quan
trọng đặc biệt vì bối cảnh Thánh Thể của nó: nó vượt quá mọi hình thức huấn
giáo vì là thời điểm tột đỉnh trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với dân
Người, và dẫn tới việc hiệp thông bí tích. Bài giảng một lần nữa tiếp nối cuộc
đối thoại mà Chúa đã thiết lập với dân Người. Người giảng thuyết phải biết lòng cộng đoàn của mình, để biết chỗ
nào ước muốn của nó về Thiên Chúa đang sống động và cháy bỏng, cũng như chỗ nào
mà cuộc đối thoại ấy trước kia rất thân thương nay đã bị thui chột và cằn cỗi”
(số 137). [1]
Đối với người tín
hữu, thông qua bài giảng, họ được đưa vào cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Thiên
Chúa và dân của Người. Linh mục vừa là người hướng dẫn cuộc gặp gỡ, vừa là
người khai mở cuộc đối thoại thân mật, vừa là trung gian truyền đạt Lời Chúa
một cách hiệu quả. Thực tế cho thấy có nhiều người đã được biến đổi cách kỳ lạ
sau một hai bài giảng của linh mục.
Thực vậy, bằng đức
tin và lòng mến của mình, người tín hữu theo dõi, lắng nghe vị linh mục giảng
như là đang nghe Chúa nói vậy. Lời nói, dung mạo, cử chỉ, cung cách của ngài sẽ
có sức hút đặc biệt nếu ngài đam mê rao giảng Lời Chúa và coi đây là một nhiệm
vụ cực kỳ quan trọng và nghiêm túc. Có thể khẳng định như sau, “Công việc của linh mục quan trọng nhất trong
mọi hoạt động của nhân loại. Ngài sinh ra đời chỉ để làm trung gian giữa Thiên
Chúa và con người. Chức vụ trung gian ấy buộc ngài phải nói và nói có kết quả
cho dân mình, truyền cho họ niềm tin và giáo huấn luân lý mà Con Thiên Chúa đã
trao cho con người như là phương thế để
đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu trên trời”. [2]
Tuy nhiên trên thực
tế, không phải bài giảng nào của vị giảng thuyết cũng đem lại ơn ích và hiệu
quả thiết thực như mong đợi. Có nhiều bài giảng gây phản cảm và tạo ra những
phản ứng tiêu cực nơi người nghe. Chẳng hạn như lời của một vị Giám mục đã nói:
“... Bài giảng lễ thì lòng thòng và chủ
yếu là mắng mỏ, hăm dọa, khiển trách, thậm chí bôi bác giáo dân giữa nhà thờ.
Bài giảng không dọn nói mãi không kết được khiến cha giống như máy bay không
tìm được phi trường. Người nói thường không cảm thấy dài nhưng đối với người
nghe là cả một sự chịu đựng. Nhất là nếu chúng ta không có lợi khẩu, chúng ta
làm khổ giáo dân, biến họ thành nạn nhân hơn là nâng tâm hồn họ lên. Diễn đàn
Lời Chúa là diễn đàn tình thương nhưng rất nhiều cha lợi dụng để trút hết căm
hờn lên đầu giáo dân. Không gì mâu thuẫn bằng linh mục lại là thủ phạm gây chia
rẽ trong giáo xứ bằng chính lời nói của chủ chăn. Chúng ta tìm cách trừng trị
triệt hạ những người đối lập. Không làm được thì chúng ta đem ra giữa nhà thờ
để bêu riếu bôi bác”. [3]
Do đó, đứng ở góc
độ giáo dân, vì lợi ích của cộng đoàn, chúng ta có bổn phận đưa ra một số ý
kiến mong đợi liên quan việc giảng thuyết của linh mục.
II. Tín hữu chờ đợi gì nơi bài giảng của linh mục?
Xin mạn phép đưa ra
mấy đề nghị sau:
1. Về thời lượng của bài giảng
Đa số giáo dân rất
sợ bài giảng dài, nhất là đó lại là “bài giảng 3 D” (dài – dai – dở!). Khi phải
nghe “bài giảng 3 D” thì ai cũng ngao ngán, buồn ngủ, chỉ muốn giảng viên kết
thúc càng sớm càng tốt. Thực ra, bài giảng dài ngắn cũng tùy đối tượng nghe và
tùy hoàn cảnh, nhưng theo các nhà chuyên môn về giảng thuyết thì nên giới hạn
từ 10 đến 12 phút. Về vấn đề này, ĐTC Phan-xi-cô đã dạy như sau: “Bài
giảng không thể mang một hình thức giải trí giống như những bài giảng trên các phương tiện đại chúng, nhưng bài giảng phải ban sức sống và ý nghĩa cho
cuộc cử hành. Nó là một thể loại đặc trưng, vì việc giảng dạy được đặt
trong khung cảnh một cuộc cử hành phụng vụ; thế nên bài giảng phải ngắn và tránh mang dáng dấp của một bài diễn văn
hay thuyết trình. Một giảng viên có thể thu hút sự chú ý của người nghe
trong suốt một giờ đồng hồ, nhưng lúc ấy
các lời giảng của họ trở thành quan trọng hơn việc cử hành đức tin. Nếu bài
giảng quá dài, nó sẽ ảnh hưởng tới hai yếu tố đặc trưng của cử hành phụng vụ:
sự cân bằng và nhịp độ” (số 138). [1]
2. Về cấu trúc bài giảng
Một vị giám mục quan
tâm nhiều tới việc giảng thuyết đã chia sẻ kinh nghiệm như sau: “Một bài giảng được dàn dựng cách khoa học
với các tư tưởng đã được chọn lựa về Thiên Chúa và về con người sẽ làm cho
người nghe cảm thấy dễ chịu bởi vì thính giả thấy mình được kính trọng do được
phục vụ bởi những tư tưởng có chất lượng và cách sắp xếp có khoa học”. [4]
Một bài giảng được
soạn thảo một cách cẩn thận sẽ không bỏ qua việc dàn dựng thiết kế bố cục sao
cho ăn khớp với chủ đề và thời lượng cần có. Cử tọa sẽ được dẫn dắt từng bước
vào lộ trình của bài giảng thông qua lời dẫn nhập, rối đến phần triển khai đề
tài, sau cùng là kết thúc bằng việc nhắc lại ý chính, chủ điểm của bài giảng.
Trên thực tế có
nhiều vị giảng thuyết, vì không đầu tư nhiều cho bài giảng nên bắt đầu giảng là
bắt đầu đi lòng vòng, kể hết chuyện này đến chuyện kia, trong khi cử tọa kiên
nhẫn chờ đợi xem ngài sẽ nói gì, vấn đề gì là trọng tâm, điều gì là quan trọng
trong sứ điệp của bài giảng. Cuối cùng, vị giảng thuyết đã đi trật đường rầy
lúc nào không biết, vì một bài giảng không mở, không dẫn, không triển khai và
không kết thúc.
Quả thực, khi nghe
giảng, giáo dân mong đợi một bài giảng có chủ đích, có chủ điểm. Họ muốn diễn
giả luôn xoáy vào trọng tâm vấn đề để họ có thể nắm bắt được ý hướng Phụng vụ
của Thánh lễ đang tham dự. Nếu khi soạn bài giảng, linh mục biết mình sẽ nói
gì, nói như thế nào, thì giáo dân khi nghe giảng cũng muốn rằng họ đang được
nuôi dưỡng bằng lương thực nào, chất lượng ra sao. Nhiều diễn giả thích nói lời
mình hơn Lời Chúa, trong khi giáo dân rất đói khát Lời Chúa.
Linh Mục
Christopher Chatteris S.J, khi đề cập đến việc giảng thuyết, đã dựa trên kinh
nghiệm và các tác phẩm của Đức Giám mục Kenneth Untener, nguyên giám mục giáo
phận Saginaw, Michigan (Hoa Kỳ) cho biết là trong tác phẩm “Giảng tốt hơn”, Đức
Giám mục Untener đưa ra vài gợi ý được lấy ra từ những buổi phỏng vấn một số
tín hữu trong giáo phận. Ngài viết rằng, người Mỹ chú trọng đến hiệu quả công
việc, nên thường không thích những bài giảng nặng nề, dài dòng. Đừng nhập đề vòng vo, đặc biệt khi nó
chẳng liên quan gì đến sứ điệp chính mà ta muốn trình bày. Ngài khuyên, “Đi
ngay vào vấn đề”. Điều này cũng
hợp lý thuận tình thôi, vì bài giảng cần phải lấy từ Thánh Kinh. Người nghe
thường dị ứng, khó chịu nếu bài giảng bắt đầu với một câu chuyện chẳng ăn nhập
gì, hoặc với một truyện cười không thích hợp, hay mở đầu bài giảng bằng một
thông báo…
Bên cạnh đó, cũng
theo Đức Giám mục Untener, để bài giảng được ngắn gọn, ngài khuyên chỉ nên khai triển một ý chủ đạo hay một “điểm son nào đó – một viên ngọc quý – sự
sống của bài”. Thay vì theo đuổi
nhiều ý tưởng phụ thuộc. Thật là vô lý nếu biết rằng càng nói nhiều người ta
càng không nghe mà lại cứ nói thêm. Điều quan trọng là trình bày một điểm chính
thật kỹ càng, một điểm thôi nhưng có
chiều sâu. Giảng thuyết là công việc lao động thực sự - một lao động của
tình yêu, của học hỏi, của cầu nguyện, của thảo luận, và của suy tư.
Thiết nghĩ một bài
giảng được dàn dựng một cách khoa học, được thiết kế với cấu trúc rõ ràng, thì
sẽ tránh được sự nhàm chán, thất vọng nơi người nghe. Vì quả thực, giáo dân
muốn linh mục khi giảng nên đi thẳng vào trọng tâm bài giảng và chỉ nói những
gì cần phải nói mà thôi. Lạc đề là điều mà cử tọa dễ nhận ra. Nguyên tắc mong
đợi, đó là “Diễn giả phải làm chủ đề tài
của mình” (Albert J. Beveridge).
3. Về ý hướng bài giảng
Khi xưa, thánh
Phê-rô cũng đã dạy: “Ai giảng, hãy giảng
Lời Thiên Chúa” (1Pr 4,11). Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều vị giảng
thuyết lại mê man nói lời mình hơn là chia sẻ Lời Chúa. Có nhiều bài giảng chỉ
toàn kể những tin tức giật gân, kể những câu chuyện riêng tư vụn vặt, nhất là
lại đi sâu vào những câu chuyện tiếu lâm, hài hước không ăn nhập gì tới sứ điệp
Lời Chúa cần truyền đạt. Giáo dân không quan tâm những chuyện bên lề bên ngoài
đó. Họ đến nhà thờ, tham dự thánh lễ, nghe giảng là để được biến đổi nhờ ơn
Chúa Thánh Thần và nhờ tác động của Lời Chúa.
Đức Thánh Cha
Phanxicô đã nhắc nhở các mục tử, như sau: “Ai
muốn giảng thì trước tiên phải để cho lời Thiên Chúa lay động mình một cách sâu
xa và thấm nhập vào trong đời sống hằng ngày của mình. Như vậy, giảng chủ yếu
là ở hoạt động quá sâu xa và hiệu quả ấy, đó là “thông truyền cho người khác
điều mình đã chiêm ngắm”. Vì tất cả các lý do trên, trước khi sửa soạn những gì
mình sẽ thực sự nói ra khi giảng, chúng ta cần để cho lời thâm nhập chúng ta,
cũng là lời sẽ thâm nhập người khác, vì đó là một lời sinh động và sắc bén, như
thanh gươm “xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm
tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4:12). Đây là điều rất quan trọng
trong hoạt động mục vụ. Ngày nay cũng vậy, người ta thích nghe những chứng nhân
hơn: họ “khát sự chân thực” và “đòi có những người rao giảng Tin Mừng nói cho
họ về một vị Thiên Chúa mà mình biết và thân quen, như thể đang nhìn thấy Người”.
(số 150) [1]
Đức Thánh Cha nói
thêm, “Người giảng có nhiệm vụ tuyệt vời
nhưng khó khăn là kết nối những trái tim yêu thương, trái tim của Chúa và của
dân Người. Đối thoại giữa Thiên Chúa với dân của Người kiện cường giao ước giữa
họ và củng cố tình bác ái. Trong bài
giảng, lòng các tín hữu giữ thinh lặng để nghe Chúa nói. Chúa và dân Người
trực tiếp nói chuyện với nhau bằng vô vàn cách thức mà không cần đến trung
gian. Nhưng trong bài giảng, họ muốn có người làm trung gian và bày tỏ tình cảm
của mình sao cho sau bài giảng, mỗi người có thể quyết định mình sẽ tiếp nối
cuộc đối thoại theo cách nào mình thích”. (số 143) [1]
4. Về cách thức giảng
Nhiều nhà giảng
thuyết khi vừa bước lên giảng đài, vội lật cuốn sổ tay ra và bắt đầu thao thao
bất tuyệt, như một máy ghi âm, cho đến khi kết thúc một cách đột ngột, nhạt
nhẽo, không một lời chào chấm dứt bài giảng cùng với lời nhắn nhủ nào đó mà cử
tọa đang mong đợi.
Về điều này, tác
giả Thomas V. Liske, giáo sư và nhà hùng biện, đã viết như sau: “...Có nhiều vị đọc thuộc lòng trên tòa
giảng. Nếu vô tư quan sát, ta sẽ thấy tình trạng ấy thật kỳ cục: diễn giả đọc
bài do mình soạn hay người khác viết hay bài mình tóm tắt, trong khi cộng đoàn
bị giọng đọc buồn tẻ ấy ru ngủ, chán chường trước cảnh thiếu vắng quen thuộc
với sự tiếp cận tươi mát những chân lý của cuộc sống và tôn giáo...nên chỉ còn
biết nhẫn nại chịu đựng, lơ đãng nhìn các hình ảnh trên tường hoặc trên bàn thờ
để chờ đợi, chờ đợi cái kết thúc ảm đạm. Trên tòa giảng cũng như dưới hàng ghế
đều một cảnh nhẫn nại chịu đựng để rồi cùng thở ra nhẹ nhõm khi kết thúc”.
[2]
Một bài giảng tốt,
ngoài nội dung hàm chứa trong đó, cũng cần được người giảng vận dụng những cách
thức cần thiết để truyền đạt sao cho người nghe được thấm vào tận bên trong tâm
hồn mình. Những cách thức đó, nói cách chuyên môn, đó là những kỹ năng truyền
thông. Giảng cũng thuộc về một dạng truyền thông đại chúng. Vì thế vị giảng thuyết
không thể không quan tâm tới những yếu tố có tầm ảnh hưởng khá lớn tới việc
truyền đạt thông điệp. Như cử điệu, giọng nói, ánh mắt, nụ cười, ngôn ngữ cơ
thể, sự tương tác giữa người nói và cử tọa vv. ĐTC Phan-xi-cô thì cho đó là sự
gần gũi của giảng viên, sự ấm áp của âm giọng, sự đơn sơ không phô trương trong
cách nói, và sự vui vẻ trong các điệu bộ của giảng viên (số 140). [1]
Quả thực, việc
giảng thuyết của linh mục trên tòa giảng đích thực là một “nghề” nói trước công
chúng, nó đòi hỏi diễn giả phải có bản lãnh nghề nghiệp, thật tự tin, bình tĩnh
và nhạy bén. Nếu không, việc truyền thông trên tòa giảng sẽ gặp trở ngại không
nhỏ. Giáo sư hùng biện Thomas V. Liske đã viết: “Không có nghề nào phải nói nhiều hơn nghề linh mục. Ta có thể nói không
ngoa chút nào rằng linh mục sống để nói. Bên cạnh ảnh hưởng mạnh mẽ của gương
sống và kinh nghiệm, lời giảng thuyết của linh mục là sức mạnh, hay phương thế
chủ yếu giúp cho sứ vụ của ngài được thành công”./. [2]
Aug. Trần Cao Khải
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN
_________________
[1] Đức Thánh Cha
Phan-xi-cô, Tông huấn “Niềm Vui Phúc Âm”
(Evangelii Gaudium)
[2] Thomas V. Liske, Thành công trên tòa giảng, ĐCV Á
Thánh Quý Cần Thơ 1995
[3] Đức Giám Mục
Giuse Nguyễn Chí Linh - Tĩnh tâm linh mục thường niên Gp Đà Lạt tháng 2-2009
[4] Đức Giám Mục G.B. Bùi Tuần - Chủ đề “Truyền giáo” - Tĩnh tâm linh mục Gp Long Xuyên 1990