Trả lời: Kinh Lạy Linh Hồn Chúa Kitô

Kinh Lạy Linh Hồn Chúa Kitô

Lạy linh hồn Chúa Kitô, xin thánh hóa con.

Lạy xác thánh Chúa Kitô, xin cứu độ con.

Lạy Máu Thánh Chúa Kitô, xin làm cho con say mến.

Lạy nước bởi nương long Chúa Kitô, xin tẩy rửa con.

Lạy sự thương khó Chúa Kitô, xin thêm sức cho con.

Lạy Chúa Giêsu nhân ái, xin nhận lời con.

Xin giấu ẩn con trong các vết thương Chúa.

Xin cho con đừng bao giờ lìa xa Chúa.

Xin gìn giữ con khỏi kẻ thù tinh quái.

Đến giờ lâm tử, xin Chúa gọi con, và cho con đến cùng Chúa,

để con được cùng các thánh ca tụng Chúa muôn đời. AMEN.

Dẫn nhập

Kinh Lạy Hồn Chúa Kitô (Anima Christi) là lời kinh lâu đời và có một giá trị cao. Theo dòng thời gian, lời kinh này được nhiều vị thánh yêu thích và được rất nhiều tín hữu đạo đức dùng để cầu nguyện.

Thánh I-nhã là một trong những vị thánh chú ý nhiều đến lời kinh Lạy Hồn Chúa Kitô. Trong sách Linh Thao, ngài mời gọi những người làm Linh Thao cầu nguyện với kinh Lạy Hồn Chúa Kitô. Nhờ đó, không ít người đã được ơn ích thiêng liêng và đem lòng yêu mến. Lời kinh Lạy Hồn Chúa Kitô được phổ biến khắp nơi, đến nỗi có nhiều người lầm tưởng rằng kinh này do thánh I-nhã sáng tác. Vậy, nếu không phải do thánh I-nhã sáng tác thì lời kinh này có nguồn gốc ra đời như thế nào?

1. Vài nét sơ lược về nguồn gốc của kinh Lạy Hồn Chúa Kitô

Về sử liệu, người ta không thể tìm thấy căn cứ rõ ràng để xác định ai là tác giả của kinh Lạy Hồn Chúa Kitô. Tuy nhiên, rõ ràng là lời kinh này đã được dùng vào thời Trung Cổ.

Theo Lothar Lies, dựa trên việc nghiên cứu linh đạo thánh I-nhã, người ta có thể xác nhận một vài điểm sau:

1) Bản văn cổ nhất của kinh Lạy Hồn Chúa Kitô được tìm thấy trong một bản thảo ở London (trong viện bảo tàng Anh Quốc – Britisches Museum, Harley 2253).

2) Bản thảo này được hoàn tất trong nửa đầu thế kỷ thứ 13 trong tu viện Loeminster (Hereford, England).

3) Lời kinh nguyện này khả thể lớn xuất hiện đầu tiên ở Ái-nhĩ-lan (Ireland) và sau đó được phổ biến rộng rãi toàn Châu Âu cho đến Tây Ban Nha; vì thế thánh I-nhã đã “gặp” và dùng để cầu nguyện.

4) Lời kinh Lạy Hồn Chúa Kitô ban đầu được dùng để cầu nguyện trước Thánh Thể[1].

Ngoài ra, tương truyền rằng Đức Giáo Hoàng Gioan XXII (1244 – 1334) đã đưa ra bản kinh gần giống với kinh Lạy Hồn Chúa Kitô và đã ban ơn toàn xá cho những ai cầu nguyện với kinh này[2].

Nữ thần bí người Đức, tu sĩ dòng Đa Minh, Magarete Ebner (1291-1351) thuộc tu viện Đa Minh ở Medingen, vùng Bavaria, miền Nam Đức cũng đã nhắc đến kinh Lạy Hồn Chúa Kitô trong các bài viết của ngài[3].

Theo Balthasar Fischer, kinh Lạy Hồn Chúa Kitô bằng tiếng La-tinh (Anima Christi) được tìm thấy vào khoảng 1314/1320. Kinh này được chuyển ngữ qua tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và nhiều thứ tiếng khác. Kinh Anima Christi là kinh rất được yêu thích, dùng cầu nguyện trong thánh lễ, trong những buổi chầu Thánh Thể. Như thế, lời kinh này liên hệ đến bí tích Thánh Thể và được dùng như lời nguyện trước khi rước lễ, như vẫn thấy ở Giáo Hội Đức trước đây. Còn trong sách lễ Rôma (Missale -1970), Đức Giáo hoàng Phao-lô VI đã khuyên các tín hữu đọc kinh Anima Christi để cám ơn sau khi rước Mình Máu Chúa[4].

Theo Cha Roco Đinh Văn Trung SJ, “Kinh Lạy Hồn Chúa Kitô là kinh của một tác giả vô danh, được tìm thấy vào khoảng năm 1370. Ðây là kinh rất phổ biến hồi thế kỷ mười sáu (thời thánh I-nhã) và cả trước đó nữa. Thánh I-nhã ưa thích và trong lời kinh, ngài đặt trọng tâm vào sự tôn sùng Ðức Kitô với cuộc Thương Khó cứu chuộc của Người. Nhiều sách lễ giáo dân đặt kinh này vào phần cám ơn sau chịu Mình Thánh; có sách còn ghi lầm là kinh của thánh I-nhã”[5].

Trong sách Linh Thao, kinh Lạy Hồn Chúa Kitô được Thánh I-Nhã khuyên nên dùng trong một số bài suy gẫm và cầu nguyện:

1) Ở tuần thứ I, trong cuộc Linh Thao thứ ba (Sách Linh Thao 62-63), tại phần tâm sự thứ hai (x. LT. 63). Cuộc linh thao thứ ba này lập lại hai cuộc Linh Thao trước đó. Cuộc Linh Thao đầu tiên dùng ba tài năng của linh hồn để suy gẫm về tội thứ nhất, thứ hai và thứ ba (x. LT. 45-54). Cuộc Linh Thao thứ hai suy gẫm về các tội (x. LT. 55-61).

2) Ở tuần thứ II, trong bài suy gẫm hai cờ hiệu (LT. 136-148), tại cuộc tâm sự thứ hai (x. LT. 147).

3) Ở phần “ba cách cầu nguyện” (LT. 238-260), trong cách cầu nguyện thứ hai, chiêm niệm ý nghĩa của từng lời kinh một. (x. 253).

4) Lần cuối cùng cũng ở phần “ba cách cầu nguyện”, trong cách cầu nguyện thứ ba theo nhịp điệu (x. LT. 258).

2. Cấu trúc của kinh Lạy Hồn Chúa Kitô

Về cấu trúc của kinh Anima Christi, một số tác giả có cái nhìn khác nhau.

Johannes B. Lotzt SJ. đã chia thành ba phần: Phần thứ nhất từ câu 1-6; phần thứ hai từ câu 7-9 và phần thứ ba từ câu 10-13.[6]

Còn Erich Przywara SJ. thì cũng chia làm ba phần nhưng có khác biệt về số câu: Phần một từ câu 1-4; phần hai từ câu 5-7 và phần ba từ câu 8-13[7].

Đối với Bernhard Klinger, bản văn kinh Lạy Hồn Chúa Kitô gồm có 13 câu ngắn. Tuy nhiên, câu thứ 13 như là câu thường được dùng để kết thúc một kinh nguyện “In saecula saeculorum. Amen – muôn thuở muôn đời. Amen[8].

Ở đây, chúng ta có thể xem kinh có hai phần với 12 câu, theo cách phân đoạn của Bernhard Klinger.

Phần một (cc.1-6): người cầu nguyện hướng trực tiếp về với Chúa Giêsu Kitô. Trong đó, tước hiệu “Chúa Kitô” được nhắc đến trong năm câu đầu liên hệ đến “hồn, “xác”, “máu”, “nước bởi nương long”, “thương khó” và đi kèm với lời cầu nguyện. Ví dụ: “Lạy sự thương khó của Chúa Kitô, xin thêm sức cho con”. Ở câu thứ sáu, tên “Chúa Giêsu ” được người cầu nguyện nhắc đến cùng với tính từ “bone - nhân ái”: Bone Jesu - Lạy Chúa Giêsu nhân ái.

Phần thứ hai (cc.7-12): chúng ta thấy câu thứ bảy ở thể mệnh lệnh gồm “xin” cộng với “một động từ”. Ví dụ: “xin giấu ẩn”, “xin cho”, “xin gìn giữ”, “xin ban”. Chắc chắn lời kêu xin là của chính “tôi - người cầu nguyện”.

Ngoài ra, trong bản văn tiếng La-tinh, từ “tôi/con – ME” xuất hiện trải dài từ câu 1 đến câu 11 và kết thúc với từ “Chúa/Ngài – TE” trong câu 12: “Ut cum sanctis tuis laudem Te”.

Nếu để ý, chúng ta thấy được một năng động quan trọng trong lời kinh Lạy Hồn Chúa Kitô, như Johannes B. Lotz nhận định: “Mặc dù kinh Anima Christi nhắc nhiều lần đại từ ‘ME’, ‘con/tôi’ (từ câu 1-7 và câu 9,10), nhưng sâu xa hơn, lời kinh này quy hướng về Chúa Kitô, Đấng mà chủ thể cầu nguyện khao khát tìm và mong muốn được gặp. Vì thế, ở những câu cuối của lời kinh (câu 8, 11 và 12), đại từ ‘TE’, chỉ về Chúa Giêsu Kitô được dùng. Như vậy ‘TE – Chúa Giêsu Kitô’ giờ đây trở thành trung tâm của lời kinh Anima Christi”[9].

Bernhard Klinger cũng nhận định: “Việc quy hướng về Chúa Giêsu Kitô làm nổi bật sự thay đổi đối tượng nền tảng của lời nguyện. Từ ‘tôi/con – ME’ chuyển sang trọng tâm là ‘Chúa/Ngài – TE’, tức là Chúa Giêsu Kitô (ad TE)[10].

Hơn nữa, trong phần một, người cầu nguyện chiêm ngắm cuộc đời và cuộc khổ nạn, chịu chết của Chúa Giêsu Kitô. Cuộc chiêm ngắm đạt đến đỉnh cao qua việc kêu tên “Giêsu” ở câu 6: Bone Jesu - Lạy Chúa Giêsu nhân ái.

Ở phần thứ hai, người cầu nguyện hướng lòng hẳn về Chúa Giêsu Kitô. Lời kêu xin của người ấy diễn tả lòng khao khát thâm sâu được trú ẩn và được kết hiệp mật thiết với Ngài.

Hơn nữa, nếu câu 6 là cao điểm của phần một thì câu 12 là trọng tâm của phần hai, diễn tả đích đến mà người cầu nguyện khao khát. Đó là: “Ut cum sanctis tuis laudem Te - để con được cùng các thánh của Chúa ca tụng Chúa”.

Theo Bernhard Klinger, “đó là bức tranh khác tương hợp với unio mystica, ở cùng Chúa và hiệp nhất với Ngài”[11]. Đó là đích đến của người cầu nguyện với kinh Lạy Hồn Chúa Kitô.

3. Một cái nhìn sơ lược về nội dung

Tổng quan về nội dung lời kinh Lạy Hồn Chúa Kitô, các lời kêu cầu được xếp lần lượt kế bên nhau. Tính xác thực và ý nghĩa sâu xa của các lời này diễn tả tâm tình khiêm nhường của người cầu nguyện. Nghĩa là người cầu nguyện ý thức thân phận của mình: “mỏng dòn dễ vỡ” cần được thánh hóa (ss.Tv 90, 5-6); một thân phận như “cọng cỏ đồng” nay tươi mai đã héo khô. Thân phận nhỏ bé đó cũng dễ dàng bị thế lực tinh quái từ bên ngoài đe dọa, cám dỗ và đưa đẩy vào trong bóng đêm, rơi vào trong hố sâu của cuộc đời.

Hơn nữa, qua những lời kêu xin, người cầu nguyện cũng diễn tả lòng khát khao được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, được trở nên một với Ngài trong tình yêu, đến nỗi được chung một nhịp thở, cùng một bước chân với Ngài. Hơn hết, người cầu nguyện ao ước, như thánh Phao-lô nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Theo đó, người cầu nguyện khởi đi từ chính lời cầu nguyện của mình, hướng lòng lên Chúa để cầu xin và đạt tới cùng đích là chọn và kết hiệp nên một với Chúa Giêsu Kitô như là trung tâm của cuộc sống.

Như vậy, khi đọc từng lời kêu cầu trong kinh Anima Christi, chúng ta sẽ không nhận ra được một “lý thuyết thần học hay một bản tuyên xưng đức tin”, mà là một tâm hồn chân thật của một người khiêm tốn cầu nguyện.

4. Phương pháp cầu nguyện với kinh Anima Christi

Anima Christi - Lạy Hồn Chúa Kitô là lời cầu nguyện rất sâu xa, nên người cầu nguyện cần phải hòa nhập mình với lời cầu nguyện, cần “đi vào” từng câu từng chữ, để cho câu và chữ đó dẫn mình đi vào chiều sâu thiêng liêng, dẫn mình đi vào tương quan thật gần gũi với Đức Giêsu Kitô. Chính vì thế mà thánh I-nhã đã đặt lời kinh này vào trong hai cuộc tâm sự với Chúa Giêsu (x.LT. 63 và 147).

Khi cầu nguyện với lời kinh này, theo thánh I-nhã, nên dùng phương pháp cầu nguyện “Chiêm niệm ý nghĩa của từng từ của kinh nguyện” như thánh nhân viết trong LT 249-257. Ngoài những bước căn bản, như “chuẩn bị”, “lời nguyện chuẩn bị”, và “phần kết thúc”, thì cần phải chú ý đến phương pháp cầu nguyện này:

“Về thể xác, quỳ hay ngồi, tùy như tư thế nào giúp hơn cho việc cầu nguyện; hai mắt nhắm lại hoặc nhìn vào một chỗ nhất định. Về hoạt động nội tâm, suy xét từng từ trong kinh và dừng lại ở từ đó bao lâu cảm thấy ý vị và sự yên ủi, như bản văn còn giải thích thêm khi nói về kinh Lạy Cha: ‘Nếu người chiêm niệm về kinh Lạy Cha tìm thấy ở một hay hai từ đề tài thật tốt cho tư duy, và ý vị và sự yên ủi, thì họ đừng bận tâm đến việc đi xa hơn, cho dù giờ cầu nguyện chấm dứt ở cái mà họ tìm thấy’ (LT 254,1-2). Ðiều này giống với một điều trong phần ‘Những điểm phụ thêm’ của Tuần Nhất: ‘Ở điểm mà tôi tìm thấy điều tôi muốn, tôi sẽ nghỉ lại, không quan tâm đến việc đi xa hơn, cho tới khi tôi được thỏa mãn’ (LT 76). Cũng vì thế, vẫn theo bản văn, không cần trong một lần chiêm niệm, phải chiêm niệm hết cả một kinh; và trong trường hợp này, khi hết giờ, sẽ đọc trọn cả kinh đó. Lần sau sẽ làm tiếp phần còn lại, nhưng bắt đầu bằng việc đọc lại kinh đó từ đầu cho tới chỗ mình có ý chiêm niệm tiếp[12].

Phương pháp khác để cầu nguyện với kinh Anima Christi mà thánh I-nhã đề nghị là theo nhịp điệu. Cụ thể, thánh I-nhã dạy rằng:

“Trong mỗi hơi thở, ta nguyện thầm trong trí bằng cách đọc một lời trong Kinh Lạy Cha hay một kinh nào khác mà ta đọc; làm sao để giữa hai hơi thở chỉ đọc có một lời, và trong khoảng từ hơi thở này đến hơi thở khác, tập trung vào nhìn ngắm ý nghĩa của lời đó hay Ðấng mà ta cầu xin, sự thấp hèn của chính mình hay sự khác biệt giữa sự cao cả của Ðấng ấy với sự thấp hèn của mình” (LT 258).

So sánh giữa hai cách thức cầu nguyện trên, cách cầu nguyện theo nhịp điệu đơn giản hơn cách cầu nguyện “suy niệm từng từ của lời kinh”. Tuy nhiên, mỗi cách cầu nguyện có hướng đi và mục đích riêng. Vì cách cầu nguyện theo nhịp điệu đơn giản hơn nên có khi nó thích hợp hơn với hoàn cảnh nào đó.

Về mặt lý thuyết, kết hợp cả hai cách trên thì bổ ích hơn là chỉ dùng một trong hai cách. Bởi vì việc suy niệm kỹ và sâu về một kinh nguyện sẽ giúp dễ cầu nguyện hơn trong trường hợp dùng lại cũng kinh nguyện đó vào cách cầu nguyện theo nhịp điệu[13].

Với hai cách cầu nguyện trên, xin mời bạn cùng đọc lời kinh Anima Christi – Lạy Hồn Chúa Kitô. Nếu được, khi bạn cầu nguyện xong, bạn nên viết lại phần suy niệm của bạn.

Sẽ rất hữu ích cho đời sống thiêng liêng của bạn nếu bạn cầu nguyện từng câu của kinh Lạy Hồn Chúa Kitô theo cách mà thánh I-nhã đề nghị.

Sau mỗi câu, bạn viết lại tâm tình suy niệm của bạn. Tiếp đến, bạn dành giờ đọc lại tâm tình suy niệm của bạn, để cho “những hàng chữ bạn viết trên giấy” trở thành “nhịp đập trái tim của bạn”. Qua đó bạn có thể khám phá được điều Chúa muốn nói với bạn qua chính tâm tình và đời sống của bạn.

Thay lời kết

Cầu nguyện là hơi thở của con cái Chúa.

Cầu nguyện làm cho cuộc sống nội tâm được an bình, vì trong cầu nguyện ta khám phá được điểm tựa đời mình là chính Chúa.

Hơn hết, cầu nguyện giúp ta tìm gặp được con đường khởi đi từ “tôi” để đến với CHÚA, là trung tâm, nguồn cội và cùng đích.

Nói khác đi, cầu nguyện là cuộc gặp gỡ thân tình giữa ta với CHÚA, ĐẤNG LUÔN TÌM TA TRƯỚC, VÌ NGÀI DỰNG NÊN TA VÀ YÊU THƯƠNG TA CHO ĐẾN CÙNG.

Lời kinh Anima Christi có thể là lời kinh giúp bạn bước vào con đường dẫn đến trung tâm điểm là chính Chúa. Lời kinh này cũng giúp bạn gặp gỡ Chúa trong thân tình, nghĩa là bạn được Chúa cho trú ẩn và kết hiệp nên một với Chúa.

Đó chính là hạnh phúc thật sự của đời người, của bạn và của tôi.

Bài viết này xin không kết ở đây, để mời bạn cùng kết qua tâm tình bạn có qua cầu nguyện và suy niệm từng chữ từng câu của lời kinh Lạy Hồn Chúa Kitô!

Trích Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 7, Nxb Tôn Giáo, 03/2023

WHĐ (19.06.2024)

_______

[1] Lothar Lies, Mysterum Vocationis. Sonderierung zur Spiritualität ignatianischer Exerzitien. Echter Verlag. Würzburg 2008. S.66.

[2] Hiện nay, ân ban này không còn áp dụng.

[3] F. Baumann SJ. Seele Christi heilige mich. Kanisius Verlag. Friburg – Schweiz 1965. S.3.

[4] ss. Balthasar Fischer, từ ngữ “Anima Christi, sanctifica me” trong “Lexikon für Theologie und Kirche”, Walter Kasper (Hrsg.), Band 1, Herder Verlag, Freiburg-Basel-Wien Sonderausgabe 2006, S. 679-680

[5] Đinh Văn Trung S.J, Một cuộc hành trình thiêng liêng. tr.151

[6] ss. Johannes B. Lotz SJ., s. 190-192.

[7] ss. Johannes B. Lotz SJ., s. 190-192.

[8] Bernhard Klinger. Anima Christi. Biblische Quellen eines Gebets. In Geist und Leben. Heft 4. Oktober/ Dezember 2012. Echter Verlag. S.360.

[9] ss. Johannes B. Lotz SJ., s. 189

[10] Bernhard Klinger. Anima Christi. Biblische Quellen eines Gebets. S.360.

[11] Bernhard Klinger. Anima Christi. Biblische Quellen eines Gebets. S.360.

[12] Đinh văn Trung S.J, s. 446-447

[13] ss. Đinh văn Trung S.J, s. 448-449