Trả lời:
Bạn có biết loài người chúng ta có hai cách để học tập là thử-sai-rút kinh nghiệm và học tập xã hội, tức là không cần thử mà vẫn có kinh nghiệm?
Tự nghiệm
Những thứ thuộc về hương vị, cảm xúc và thiêng liêng thì ai trải nghiệm, người đó có kinh nghiệm; nghĩa là bạn không thể “học tập xã hội” được. Giả xử như nơi bạn ở không có cây me. Bạn có thể nghe người khác mô tả về cây me, lá me, trái me với hình dạng, màu sắc, vị chua... nhưng bạn vẫn không thể cảm nhận được cho đến khi chính bạn ăn một trái me. Dù bạn vẫn hiểu được rằng me thì chua, gừng thì cay, muối thì mặn như trò chơi tập thể bạn có thể từng được chơi, nhưng bạn không thể cảm nhận được sự đặc trưng của chúng.
Bạn cũng nghe người khác kể khổ hoặc chia sẻ niềm vui. Bạn hiểu họ đang đau khổ hay đang vui, nhưng chính bạn không cảm được cái nghẹn lòng, hay cái run lên vì vui sướng trong cơ thể họ.
Chuyện thiêng liêng cũng thế, ai được ban cho kinh nghiệm thiêng liêng thì tự biết. Dù bạn có cố gắng chia sẻ thì người linh hướng chỉ hiểu và chuẩn nhận cho bạn dựa trên kinh nghiệm, chứ họ không cảm được điều bạn đang cảm nhận.
Về ba điều này, bạn cần tự “thử” nhé, để trải nghiệm và có kinh nghiệm. Không ai giúp bạn được.
Học tập xã hội
Chỉ nơi loài người mới có khả năng tổng hợp, phân tích, rút kinh nghiệm; rồi lưu truyền kinh nghiệm đó cho thế hệ sau bằng lời nói, ký hiệu, chữ viết. Hệ thống giáo dục dựa trên nền tảng học tập xã hội này. Hầu hết các kiến thức và kỹ năng bạn có được đều do học tập xã hội. Bạn “đi lối tắt” dựa trên kinh nghiệm của người đi trước, mà không phải tốn công thử-sai lại từ đầu.
Lý thuyết về “văn hóa hóa” giải thích cho bạn về sự tự động hóa trong việc hội nhập vào các yếu tố văn hóa, tôn giáo, kỹ thuật đang có sẵn ở nơi bạn được sinh ra. Ví dụ như việc bạn nói được tiếng Việt là thứ ngôn ngữ đa âm sắc mà hầu hết người nước ngoài cảm thấy không thể phát âm!
Học tập xã hội giúp cho bạn biết nhanh và giảm rủi ro thử-sai.
Nghiện
Chắc bạn đã từng thấy đâu đó bức tranh cổ động này.
Bạn có tin vào thông điệp của nó không? Cũng vì có người không tin nên cố tình thử để rồi sau đó phải hối hận.
Vậy những thứ gì không được thử? Vì “thử” sẽ trở thành “thật”. Tôi sẽ không liệt kê chi tiết những thứ không được thử, vì làm như thế chắc chắn sẽ thiếu sót do hạn chế trong sự hiểu biết, nên tôi sẽ cùng bạn khám phá cơ chế “thử thành thật” để hiểu mà làm chọn lựa cho đời mình.
+ Thói quen: Thói quen là một hành vi được lặp đi lặp lại, để thay đổi nó, ít nhất người ta phải tập thuần thục một thói quen thay thế trong vòng 21 ngày liên tục (theo lý thuyết). Một khi thói quen đã được hình thành thì não bạn không cần điều khiển mà nó vẫn tự hoạt động được. Nhân đức là một thói quen tốt. Còn tính xấu là một thói quen xấu.
+ Ghi nhớ trong não: Hệ thống neuron thần kinh kết nối với nhau trong não và kết nối với toàn thân qua tủy sống và các thần kinh ngoại biên, tạo nên một hệ thống hoàn hảo giúp điều khiển toàn bộ hoạt động sống của của người từ thể chất, học tập, tinh thần, thậm chí thiêng liêng. Để điều khiển, neuron thần kinh tạo ra tín hiệu, truyền vào chất dẫn truyền để tác động lên một neuron khác và cứ thế truyền đi, và ngược lại khi các thần kinh ngoại biên cảm thụ và truyền tín hiệu về neuron thần kinh trung ương, nơi xử lý thông tin và đưa ra những quyết định. Heroin, nhất là heroin tổng hợp, cocain... đã tạo ra những tín hiệu và chất dẫn truyền thần kinh thay thế hệ thống tự nhiên của cơ thể người; với tính chất gây hưng phấn quá cao so với mức độ tự nhiên mà cơ thể có thể tạo ra được, nên người ta không thể thoát được sự thèm khát và tăng đô (dose), và lặp lại hành vi tái sử dụng, được gọi là nghiện. Quá trình nghiện còn được tạo ra do quá trình ghi nhớ và tự động hóa của não.
+ Cơ chế hưng phấn: Những hoạt động đời thường như ăn, uống, quan hệ tình dục, tương quan xã hội, đi phượt... tạo nên một sự hưng phấn nhất định do chất dopamine (hormon hạnh phúc) hoạt động như “tín hiệu” và chất dẫn truyền thần kinh. Quá trình này làm cho một người dễ ghi nhớ và thích lặp lại một số hành vi, hoạt động nào đó. Sự lặp lại này tạo nên “thói quen” tốt hoặc xấu.
Thử và thật !
Nếu bạn biết điều gì đó không tốt, mà khi bạn thử thì chắc chắn nó sẽ trở thành thật, thì bạn có muốn thử không?
Nếu bạn biết rằng điều bạn đang muốn thử sẽ trả giá bằng chính bạn, sự sống bạn, cuộc đời bạn... thì bạn có thử không?
Nói đơn giản, bạn, dù là nam hay nữ, có muốn sống thử điều gì đó để rồi trả giá bằng chính bản thân và cuộc đời mình chăng?
Cơ chế để ứng phó với điều bạn hỏi về “trào lưu này (tình trạng sống thử) đang lan nhanh và người trẻ cũng khó cưỡng lại lối sống này” không nằm ở trong môi trường bên ngoài, mà nằm trong quyết định của chính bạn.
Chỉ khi bạn cảm hiểu được sự độc nhất và quý giá của bản thân; của cơ hội duy nhất bạn được làm người trong hành trình cuộc đời ngắn ngủi này, thì bạn sẽ biết mình nên chọn lựa thế nào. Chắc rằng bạn không muốn chọn điều gì để đánh mất chính mình mà không lấy gì mà đổi lại được! (x. Mt 16,26). Vậy giải pháp cho vấn đề này là bạn hãy tìm mọi cách để nhận ra sự quý giá của chính mình, và của người khác.
Chúc bạn sống và làm được những chọn lựa mang lại giá trị cho chính mình lúc này, và cho cuộc sống đời đời.
Trích Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 7, Nxb Tôn Giáo, 03/2023