GẶP GỠ NHƯ MỘT CHIỀU KÍCH CỦA CÁC NỀN VĂN HÓA
VÀ MỘT CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN HÒA BÌNH

Lm. Arturo Sosa, SJ
Bề trên tổng quyền dòng Tên

WHĐ (13.6.2022) - Văn hóa Gặp gỡ: Một mệnh lệnh cho một thế giới bị chia cắt, là chủ đề của Hội nghị hợp tác được tổ chức tại Roma từ ngày 27-28/ 5/ 2022 vừa qua.

Hội nghị là một phần của dự án Văn hóa Gặp gỡ và Chương trình Nghị sự Toàn cầu, với sự hợp tác của Trung tâm Tôn giáo, Hòa bình và Các vấn đề Thế giới của trường Đại học Georgetown, Hoa Kỳ và 3 văn phòng của Vatican: Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện, Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn, và Hội đồng Toà Thánh về Giáo dục và Văn hóa.

Vào thời điểm toàn cầu quan trọng của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến tại Ukraine, hội nghị qui tụ các học giả và các nhà thực hành để khám phá ý tưởng của Đức giáo hoàng Phanxicô về văn hóa gặp gỡ và sự phù hợp thực tiễn của văn hoá trên 3 lĩnh vực: Quản trị toàn cầu, Hợp tác Liên tôn, và Kết nối Kỹ thuật số.

Là một trong số những diễn giả, Cha Arturo Sosa, SJ, Bề trên tổng quyền dòng Tên đã trình bày những yếu quan trọng của sự Gặp gỡ trong các nền văn hóa.

Sau đây là bài thuyết trình của Cha Arturo Sosa, SJ:

GẶP GỠ NHƯ MỘT CHIỀU KÍCH CỦA CÁC NỀN VĂN HÓA

VÀ MỘT CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN HÒA BÌNH

Đặc tính bất công về cơ cấu trong các mối tương quan chính trị - xã hội hiện nay dường như là một di sản mà thời đại lịch sử trước để lại cho thời đại mới đang bắt đầu. Trong sự thay đổi thời đại này, chúng ta đang chứng kiến những tình huống, như đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến toàn bộ nhân loại và điều đó cho thấy rõ chiều rộng và chiều sâu của sự bất công về cơ cấu.

Khoảng cách xã hội, nghèo đói, di cư cưỡng bức và các thảm họa khác tiếp tục gia tăng. Dường như chẳng thể ngăn chặn sự suy thoái môi trường do các mô hình sản xuất và lối sống xa hoa phát sinh bởi chủ nghĩa tư bản tiêu thụ toàn cầu hóa. Xung đột vũ trang tiếp tục và gia tăng, ngay cả ở những nơi mà dường như người ta đã tìm ra các giải pháp thay thế để giải quyết xung đột. Nền chính trị toàn cầu đã không đủ lớn mạnh để điều hành thế giới vì lợi ích chung của nhân loại.

Trong hội nghị này, khuôn khổ chính trị-xã hội toàn cầu mà trong đó chúng ta hành động đã được đề cập đến, như một điểm tham chiếu cần thiết đối với những suy tư mà chúng ta chia sẻ.

Các Văn hóa và Chủ nghĩa Đa văn hóa

Biến “sự gặp gỡ” thành chiều kích thiết yếu và lâu dài của các nền văn hóa mà chúng ta đang hoạt động là trọng tâm của những suy tư mà tôi chia sẻ với quý vị trong dịp này. Chúng ta nhớ lại sự bất công về cơ cấu tạo ra những tình huống bất đồng hoặc “không gặp gỡ” như thế nào. Thách thức của sứ mệnh mà chúng ta đã nhận là thực hiện các bước hiệu quả hướng tới tình huynh đệ và hòa bình. Do đó, việc phát triển chiều kích gặp gỡ trong các nền văn hóa mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta trở thành một đòi hỏi tất yếu cho sự tiến bộ. Sự gặp gỡ là chiều kích của các nền văn hóa đóng vai trò như một công cụ giúp vượt thắng bất công, biến đổi xã hội, và đạt được sự hòa giải với con người, với các dân tộc, và với môi trường tự nhiên, nơi mà mọi sự sống phát triển.

Tôi thích nói về Văn hóa ở số nhiều để làm nổi bật một trong những sự phong phú nhất của nhân loại: sự đa dạng về văn hóa. Sự đa dạng văn hóa mang đến một trong những cách thế tuyệt vời nhất để tham gia vào công cuộc sáng tạo được phát sinh trong Thiên Chúa và Ngôi Lời của Ngài. Thông qua các nền văn hóa của mình, con người trở thành đồng sáng tạo. Đa dạng văn hóa đối với con người cũng giống như đa dạng sinh học đối với tự nhiên; do đó, nó là một kho tàng cần phải được nhìn nhận, bảo vệ, bảo tồn và phát huy.

Thông qua các nền văn hóa, những cá nhân và dân tộc mang lại ý nghĩa và tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của họ. Hiến Chế Gaudium et spes của Công đồng Vatican II đưa ra một mô tả rõ ràng về ý nghĩa của từ văn hóa,[1] qua đó tái khẳng định thực tại và tầm quan trọng của thuyết đa nguyên văn hóa trong quá khứ, hiện tại và tương lai của nhân loại.

Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô được trình bày như một ánh sáng cho mọi nền văn hóa nhân loại. Chúa Giêsu được sinh ra, lớn lên và sống trong một nền văn hóa nhất định, nhưng Phúc âm của Người vượt lên trên mọi ranh giới văn hóa. Không phải không có khó khăn,[2] nhưng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người hiểu rằng Lời Chúa được gửi đến với mọi con người và mọi nền văn hóa. Phúc âm có thể nhập thể trong mỗi và mọi nền văn hóa của nhân loại. Giống như nắm men thấm vào bột, Phúc âm mang lấy hình hài trong các nền văn hóa và mở ra cho chúng khả năng gặp gỡ với Thiên Chúa, với người khác, và với thiên nhiên. Tất cả các nền văn hóa đều cần sự gặp gỡ chữa lành này để phát triển trong nhân loại.

Các nền văn hóa là thành quả của việc thực hiện quyền tự do của con người. Con người tự do thiết lập các mối tương quan mà qua đó, họ tìm cách mang lại ý nghĩa cho hiện hữu, cho cuộc sống cá nhân và xã hội hàng ngày của họ. Những tương quan văn hóa được phát sinh từ nhu cầu của con người, trước hết để mang lại ý nghĩa được mọi người chia sẻ về cuộc sống chung (lý tưởng, giá trị, thái độ, v.v.); thứ đến, để thiết lập những phương thức sản xuất, phân phối và tiêu dùng của cải vật chất cần thiết cho đời sống (những mối tương quan kinh tế); và thứ ba, để đưa ra các quyết định về mục đích và sự quản trị của xã hội dân sự (những mối tương quan chính trị).[3] Tôn giáo là một phần quan trọng của các ý tưởng, biểu tượng, và ý nghĩa được trao tặng cho đời sống của các nhóm người thông qua văn hóa.[4]

Những mối tương quan nhân loại vì vậy có tính lịch sử, năng động và bấp bênh. Các nền văn hóa không ngừng chuyển động; chúng không tự hiện hữu, cũng như không tạo thành một bộ phận của một loại di truyền xã hội được chuyển trao bất di bất dịch từ thế hệ này sang thế hệ khác. Văn hóa đồng thời mang tính cá nhân và chia sẻ. Mỗi cá vị, duy nhất và độc nhất vô nhị, mang một bản sắc thông qua văn hóa. Đồng thời, văn hóa ban tặng cho các cá nhân một bản sắc được chia sẻ về mặt xã hội với những người khác, mỗi người đều là duy nhất và độc nhất vô nhị.

Trong thế giới ngày nay, những trải nghiệm và không gian đa văn hóa hiện hữu trong sự căng thẳng với xu hướng ủng hộ sự đồng nhất về văn hóa, một xu hướng được thúc đẩy vì nó hỗ trợ động lực thị trường, cấu trúc thống trị của những mối liên hệ sản xuất và tiêu dùng. Tính đa văn hóa nhìn nhận sự đa dạng văn hóa như là sự phong phú nhân loại, nó ủng hộ sự chung sống giữa các nền văn hóa khác nhau và thúc đẩy việc bảo tồn chúng. Đa văn hóa là một trải nghiệm gặp gỡ phức tạp và phong phú giữa những con người khác nhau về mặt văn hóa. Đồng thời, nó phản ánh sự căng thẳng không thể tránh khỏi giữa những cội rễ địa phương của mỗi con người hoặc nhóm xã hội, và tầm nhìn phổ quát tạo ra bản sắc toàn cầu và quyền công dân phổ quát.

Gặp gỡ nhân loại thông qua Liên văn hóa

Sứ mệnh mà chúng ta đã lãnh nhận, sứ mệnh làm việc cho sự hòa giải của vạn vật trong Đức Kitô,[5] không cho phép chúng ta được thỏa mãn với chủ trương đa văn hóa. Sứ mệnh này đặt chúng ta trước thách đố của sự giao thoa văn hóa, dẫn đến sự giao lưu phong phú giữa tất cả các dân tộc và các nhóm xã hội gặp nhau và chia sẻ nền văn hóa của họ. Sự gia tăng không ngừng của các luồng di cư trên thế giới cho thấy những vết thương sâu sắc đang tồn tại, nhưng nó cũng mang đến cơ hội giao lưu văn hóa trên quy mô lớn. Trong thực tế này, chúng ta có thể thấy một dấu chỉ thời đại quan trọng kêu gọi chúng ta đào sâu chiều kích gặp gỡ. Đây là con đường dẫn chúng ta đến cảm thức rằng chúng ta là thành viên của toàn thể nhân loại, những công dân đích thực của thế giới.

Quá trình hội nhập văn hóa là giai đoạn đầu tiên của con đường này và nó đòi hỏi sự gặp gỡ với chính nền văn hóa của một người, sự gặp gỡ làm phát sinh nhận thức có phê phán.

Giai đoạn thứ hai là điều mà chúng ta gọi là đa văn hóa. Điều này bao gồm trải nghiệm một cuộc gặp gỡ vui vẻ với những người khác và văn hóa của họ và có thể vui vẻ chia sẻ với họ một cuộc sống trong hòa bình. Giao thoa văn hóa vẫn còn là một giai đoạn đi xa hơn, một giai đoạn đòi một cuộc gặp gỡ sâu sắc và phức tạp hơn. Nó bao gồm việc kết tương quan với những người khác và văn hóa của họ, chia sẻ với họ giá trị trong văn hóa riêng của mình (đã được xem xét nghiêm túc) và được phong phú nhờ những đóng góp của sự đa dạng văn hóa. Do đó, sự gặp gỡ liên văn hóa trở thành một động lực hướng tới công bằng xã hội, tình huynh đệ và hòa bình.

Sự gặp gỡ liên văn hóa vượt ra ngoài cái mà chúng ta gọi là đa văn hóa. Đa văn hóa nhìn nhận sự hiện hữu của rất nhiều nền văn hóa trong suốt lịch sử nhân loại và trên phạm vi địa lý rộng lớn nơi các dân tộc đã sinh sống, và nó thúc đẩy sự chung sống hòa bình giữa các nền văn hóa. Sự gặp gỡ liên văn hóa tìm cách bắc những nhịp cầu và thúc đẩy sự trao đổi giữa tất cả các nền văn hóa trong một tiến trình phức tạp bao gồm việc củng cố và làm giàu bản sắc riêng của chính mình, đồng thời cũng làm phong phú bản sắc của những người khác. Sự gặp gỡ luôn tiềm ẩn nguy cơ kích động xung đột.

Liên văn hóa không chỉ là một “cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa” nhằm tránh sự cần thiết phải có một cái nhìn phê phán về chính văn hóa của mình, cũng như không cho phép chúng ta hài lòng với sự tôn trọng chung chung đối với sự đa dạng văn hóa, như thể bằng cách nào đó có thể tạo ra một không gian hoặc một nơi chốn siêu văn hóa, vượt trên các nền văn hóa.[6] Chúng ta khuyến khích sự gặp gỡ giữa những người từ những nền văn hóa khác nhau như một phương tiện làm phong phú lẫn nhau. Liên văn hóa làm phong phú thêm cho những ai tham gia vào tiến trình này, và có thể đạt được điều đó bởi vì tất cả các nền văn hóa đều có chiều kích gặp gỡ.

Sự gặp gỡ liên văn hóa là “sự trao đổi qua lại giữa các nền văn hóa dẫn đến sự biến đổi và làm phong phú tất cả những người có liên quan”.[7] Do đó, sự gặp gỡ liên văn hóa là cuộc gặp gỡ có sự tham gia, tương tác với bối cảnh lịch sử, xã hội, kinh tế và chính trị mà trong đó nó thể hiện. Thông qua sự gặp gỡ liên văn hóa, các văn hóa phát triển một cách năng động hơn, trải qua những thay đổi nội tại khiến chúng phát triển theo chiều kích phổ quát của nhân loại.

Gặp gỡ lúc Bẻ bánh

Trong Thông điệp Fratelli tutti, Đức giáo hoàng Phanxicô diễn tả cuộc gặp gỡ của người Samaritan với người đàn ông bị thương và bị bỏ rơi trên đường để cho thấy tình huynh đệ được sáng tạo như thế nào.[8] Người Samaritan không bị ràng buộc trong cách sống theo văn hóa của mình vốn ngăn cản anh tiếp cận để gặp gỡ người cần anh giúp đỡ. Trái lại, chiều kích gặp gỡ mở tầm nhìn của anh tới những nhu cầu của con người mà không cần phân biệt. Chiều kích văn hóa của sự gặp gỡ giúp chúng ta có thể quan tâm đến những người, những dân tộc, và những nền văn hóa bị tổn thương khác. Nó làm cho chúng ta có thể ôm lấy họ và cung cấp mọi phương tiện để chữa lành vết thương, xây dựng cầu nối và nuôi dưỡng tình huynh đệ.

Một cảnh khác trong Phúc âm Luca[9] có thể giúp chúng ta hiểu sự gặp gỡ như một chiều kích của nền văn hóa nhân loại nhằm tìm kiếm một thế giới công bằng và huynh đệ. Câu chuyện được nhiều người biết đến: sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá như một thất bại, hai môn đệ cảm thấy vỡ mộng và muốn quay trở lại Emmaus và cuộc sống trước đây của họ. Người Thầy mà họ đã đặt tất cả hy vọng thiên sai của mình đã bị kết án tử hình. Cớ vấp phạm của thập giá gây ra trong họ một sự chán nản. Trong khi họ đang trên đường, nghiền ngẫm về sự thất vọng của mình, thì Chúa Giêsu, Đấng phục sinh, kẻ bị đóng đinh, tiến tới gặp họ. Người lôi cuốn họ vào một cuộc trò chuyện dẫn đến việc họ mời Người dùng bữa, và trong lúc đó, họ nhận ra Người khi bẻ bánh. Với sự hối hả, họ quay trở lại để gặp gỡ với những người bạn đồng hành đã ở lại Giêrusalem.

Những người được gọi là “môn đệ Emmaus” đã đi theo Chúa Giêsu thành Nazaret trong khi vẫn bị mắc kẹt trong những quan điểm cố hữu của nền văn hóa của họ. Vì họ không đạt được tầm nhìn có phê phán về văn hóa của mình nên họ không thể thực sự gặp được Người Thầy có sứ điệp không phù hợp với những phạm trù văn hóa của họ, những phạm trù văn hóa vốn đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Những phạm trù văn hóa đó giải thích việc bắt giữ, khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu như là sự thất bại hoàn toàn của sứ mệnh giải phóng dân Israel. Kết quả là, họ không thể lĩnh hội được, họ quay trở lại cuộc sống mà họ đã từng sống.

Chúa Giêsu chủ động. Người bắt đầu bằng việc đi bên cạnh những môn đệ vỡ mộng. Trong một khoảng thời gian, Người đồng hành với họ và chăm chú lắng nghe câu chuyện của họ. Người đang cố gắng xây dựng cầu nối với họ và hiểu các phạm trù văn hóa mà qua đó họ giải thích những gì đã xảy ra. Đây là sự năng động của hội nhập văn hóa mà tôi đã đề cập ở trên. Chúa Giêsu tạo ra những điều kiện để làm phong phú thêm tầm nhìn và khả năng cảm thụ của các môn đệ. Sử dụng ngôn ngữ riêng của các môn đệ và những phạm trù văn hóa của họ, Chúa Giêsu đề xuất một cách hiểu khác về những gì đã xảy ra. Người thực hiện điều này bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của chính mình về các sự kiện, sử dụng các phạm trù văn hóa mới mẻ để soi sáng kinh nghiệm của các ông.

Những gì diễn ra sau đó được chúng ta gọi là sự gặp gỡ liên văn hóa. Không bằng lòng với diễn từ thuần lý được diễn đạt bằng những từ ngữ có thể hiểu được, Chúa Giêsu đã khơi dậy một cuộc gặp gỡ mang tính cá vị. Đó là lý do tại sao các môn đệ nài nỉ Người ở lại với họ. Họ cảm thấy được phong phú nhờ kinh nghiệm này và muốn Chúa Giêsu chia sẻ nơi trọ và bàn ăn của họ. Cuối cùng, họ băng qua cây cầu mà Chúa Giêsu đã bắc, và họ mở lòng ra cho cuộc gặp gỡ: “họ nhận ra Người khi bẻ bánh”. Sự gặp gỡ liên văn hóa đã mang lại sự hiệp thông sâu sắc nơi những con người trước đây vốn bị giới hạn trong sự hiểu biết của họ về thực tại bởi các phạm trù văn hóa chưa được kết hợp với chiều kích gặp gỡ.

Sự hiệp thông liên văn hóa làm cho cuộc gặp gỡ trở nên dễ truyền lan. Các môn đệ không thể ở yên trong nhà, quây quần với nhau quanh chiếc bàn. Họ phải ra đi để gặp gỡ những người khác và chia sẻ ánh sáng mới mà họ nhận được từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Đường đến Emmaus là một chuyến đi khứ hồi, qua lại cây cầu được xây dựng trên nền tảng của chiều kích gặp gỡ liên văn hóa làm phong phú và biến đổi.

Hướng dẫn chúng ta bước trên con đường hòa bình[10]

Khao khát hòa bình đã hiện diện trong các nền văn hóa của con người trong suốt một lịch sử lâu dài đầy bạo lực và chiến tranh. Giờ đây, ở giữa “cuộc chiến tranh thế giới thứ ba thu nhỏ”, như Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả, chúng ta khao khát một nền hòa bình lâu dài vượt lên trên sự yên lặng của vũ khí. Hòa bình được thiết lập trên công bằng xã hội.

Bao lâu không có sự biến đổi cấu trúc kinh tế xã hội vốn phát sinh nghèo đói và duy trì sự phân biệt đáng xấu hổ giữa một số dân tộc với nhau, giữa một thiểu số người rất giàu và đa số người nghèo; và bao lâu những lời biện minh mang não trạng tôn giáo cực đoan và những ý thức hệ hỏa mù không biến mất, thì bạo lực sẽ không chấm dứt, dòng người di cư cưỡng bức và nạn buôn người sẽ không giảm bớt. Sự xâm hại đối với môi trường tự nhiên cũng sẽ không ngừng, cho dù nó đe dọa sự sống trên hành tinh trái đất.

Sự hiện diện trường cửu của Thiên Chúa trong lịch sử nhằm hướng dẫn các bước đi của nhân loại trên con đường hòa bình qua những cuộc gặp gỡ giữa những con người vui vẻ chấp nhận sự đa dạng, đánh giá cao tự do, khuyến khích đối thoại và xây dựng tình huynh đệ.[11]

Hòa bình đòi hỏi phải cùng nhau bước đi trên con đường phức tạp của sự hòa giải, dẫn chúng ta từ sự chán nản bi thảm và mối tương quan bị rạn nứt của con người, tiến tới cuộc gặp gỡ huynh đệ đích thực. Hòa bình đòi hỏi phải cùng nhau đi về một hướng để tạo điều kiện cho sự đối thoại. Hòa bình đòi hỏi việc đồng hành với những tiến trình cá nhân cũng như nhóm, cả hai đều phức tạp và thiếu đồng bộ; có nghĩa là, chúng tiến lên với các tỷ lệ khác nhau và chỉ có thể được cân đối bởi sự hiện diện kiên nhẫn, và vô điều kiện của những người đồng hành với họ.

Sự gặp gỡ liên văn hóa có thể xảy ra khi có sự cộng tác giữa nhiều người, không chỉ từ các nền văn hóa đa dạng, mà còn có những đặc điểm khác nhau và năng lực bổ sung cho nhau. Sự cộng tác này bao hàm việc chia sẻ trách nhiệm đối với tiến trình và do đó là điều kiện không thể thiếu cho sự gặp gỡ liên văn hóa.

Tham gia vào cuộc gặp gỡ liên văn hóa có nghĩa là tăng cường và cải tiến năng lực đối thoại, một khía cạnh quan trọng của tiến trình. Đối thoại phải là liên văn hóa đồng thời cũng là nội văn hóa, như chúng ta đã cố gắng giải thích ở trên. Các lực cản và các chướng ngại vật sẽ được thông suốt cho tất cả.

Sự gặp gỡ liên văn hóa xảy ra trong lĩnh vực chính trị, nghĩa là trong các mối tương quan xã hội mà qua đó các nhóm người xác định lý do hiện hữu của họ, mục tiêu của họ và phương tiện họ sử dụng để đạt được chúng.[12] Trong những tháng gần đây, các phương tiện truyền thông đã đưa ra tuyên bố sai lầm rằng chiến tranh là “chính trị bằng các phương tiện khác”. Đúng hơn, chiến tranh thay thế chính trị bằng bạo lực và vũ lực. Chiến tranh là sự gián đoạn của chính trị; thậm chí tệ hơn, đó là sự từ bỏ của chính trị đưa chúng ta đi theo hướng ngược lại với mục tiêu hòa bình.[13]

Sự gặp gỡ liên văn hóa diễn ra ngay giữa đủ thứ xung đột. Chẳng thể hình dung các tiến trình chính trị nội văn hóa hoặc liên văn hóa mà không có xung đột. Con đường hướng tới công lý và hòa bình, thông qua sự gặp gỡ liên văn hóa, là một tiến trình phức tạp của sự hòa giải giữa con người với nhau, và đỉnh cao của nó là sự tha thứ, mà nếu không có nó, hòa bình thiếu một nền tảng vững chắc.[14] Sự hòa giải dẫn đến công bằng xã hội bao gồm việc tái lập mối tương quan hài hòa với tự nhiên và toàn bộ môi trường mà trong đó sự sống phát triển.

Hòa bình đích thực là sự hòa giải mọi sự trong Chúa Kitô,[15] mục tiêu cuối cùng của cuộc gặp gỡ liên văn hóa.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: laciviltacattolica.com (28. 5. 2022)



[1] “Theo nghĩa tổng quát, chữ "văn hóa" chỉ tất cả những gì con người dùng để trao dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; cố gắng chế ngự cả trái đất bằng trí thức và lao động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình cũng như đời sống chính trị trở thành nhân đạo hơn, nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau hết, diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn.

[2] Cv 10, 1-11, 18; 15, 1-35

[3] Bằng cách khẳng định đặc tính tương quan của văn hóa và nhìn nhận sự bình đẳng của các nền văn hóa (không có nền văn hóa cao cấp và thấp kém hơn), chúng tôi không có ý đề xuất một thuyết tương đối văn hóa nhường chỗ cho thuyết tương đối đạo đức. Nguyên tắc sai lầm rằng mọi thứ đều có giá trị, dẫn đến sự khoan dung ngây thơ, không được giả định ở đây.

[4] Xem STANISLAUS, L. – UEFFING, M. (eds.), Interculturalidad, Estella (Tây Ban Nha), Ed. Verbo Divino, 2017, trang 18-22, như một tổng hợp thú vị của các yếu tố của văn hóa.

[5] Dòng Tên, theo cách nói của Tổng Công nghị XXXVI (2016), là “Sứ mệnh cùng với Đức Kitô, Đấng hòa giải” (Sắc lệnh 1, số 21-30).

[6] Xem STANISLAUS, L. – UEFFING, M., op. cit, p. 586.

[7] STANISLAUS, L.-UEFFING, M., op. cit., p. 23.

[8] Chương thứ hai. Xem: Lc 10, 25-37

[9] Lc 24, 13-35

[10] Lc 1, 79b

[11] Trong suốt con đường dài đến sự tự do băng qua sa mạc, dân Israel đã dựng một chiếc “Lều Hội Ngộ” ở ngoài trại, trong đó Môsê đàm đạo “mặt giáp mặt” với Yahweh và bất cứ ai muốn thỉnh ý Đức Chúa thì ra lều đó ( Xh 33, 7-11).

[12]Nền chính trị tốt nhất” là cụm từ Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng trong chương dành riêng cho chủ đề này trong Fratelli tutti.

[13] Xem Fratelli tutti, các số 255-263

[14] Xem Fratelli tutti các số 236-245

[15] Cl 1, 20; 2 Cor 5, 18; Rm 5.