FRATELLI TUTTI: MỘT
CUỘC BIẾN ĐỔI CON TIM
Tác giả: Raymond Friel
Chuyển ngữ: Grêgôriô
Võ Trần Nhựt
Nguồn tin: ccstp.org.uk
(28.01.2021)
WGPQN (6.8.2021) - Trong Evangelii Gaudium, tông huấn chuyên
đề đầu tiên của triều đại giáo hoàng (Lumen Fidei được thừa nhận chủ yếu là
công trình của Giáo hoàng Bênêđictô XVI), Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bắt đầu bằng
ngôn ngữ của con tim. “Niềm vui của Tin mừng tràn ngập con tim và đời sống của
tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu” (EG 1). Chẩn đoán của ngài về mối nguy hại lớn
trong thế giới ngày nay là “sự cô đơn và thống khổ phát sinh từ con tim tự mãn
và tham lam” (EG 2). Ngôn ngữ của con tim, đúng hơn là “ơn cứu rỗi cho các linh
hồn” – vốn là hợp âm chính trong diễn từ của Giáo hội kể từ Công đồng Trentô,
đã được Giáo hoàng Bênêđictô XVI làm mới lại trong Deus Caritas Est (2005),
thông điệp xã hội đầu tiên của ngài. Ngài nói rằng những người đang làm việc tại
tuyến đầu cho sứ vụ của Giáo hội liên quan đến những người dễ bị tổn thương, họ
cần “đào luyện con tim: họ cần được hướng dẫn để gặp gỡ với Thiên Chúa trong Đức
Kitô, cuộc gặp gỡ này sẽ đánh thức tình yêu trong họ và mở rộng con tim của họ
cho tha nhân” (DCE 31). Cả hai vị giáo hoàng đều nhận thấy nếu không có sự đào
luyện con tim, điều mà Giáo lý diễn tả như là “trung tâm thầm kín của chúng ta…
nơi chốn của sự gặp gỡ…” (GLHTCG 2563), hoạt động mục vụ của Giáo hội có thể chỉ
được thúc đẩy bởi ý chí nhân loại, và không sớm thì muộn cũng sẽ tiêu tan.
Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong Đức Kitô này, điều cốt lõi
làm nên tư cách người môn đệ Kitô giáo, được mô tả theo những chiều kích khác
nhau trong Giáo lý: “Đức Giêsu Kitô… hiện diện dưới nhiều hình thức đối với
Giáo hội: trong Lời Chúa, trong kinh nguyện của Giáo hội… trong người nghèo khổ,
đau yếu và tù đày, trong các bí tích do Ngài thiết lập” (GLHTCG 1373). Cuộc gặp
gỡ Đức Kitô theo bốn cách thức – trong Kinh thánh, kinh nguyện, phụng vụ và nơi
người nghèo khổ - là rường cột cho việc đào luyện của người môn đệ. Trong
Fratelli Tutti, cuốn thứ ba trong bộ ba các tông huấn và thông điệp mang tính cải
cách, Giáo hoàng Phanxicô tập chú vào việc gặp gỡ Đức Kitô nơi những người dễ bị
tổn thương, bị đặt bên lề cuộc sống, những người mà phẩm giá của họ sụt giảm bởi
sự nghèo đói và loại trừ. Nền tảng Kinh thánh của thông điệp là dụ ngôn về người
Samari nhân hậu (Lc 10,25-37). Với dụng ý cải biến quan niệm, Đức Giêsu đặt lại
vấn đề “ai là người thân cận của tôi?” và kiên quyết đặt cho chúng ta trách nhiệm
phải trở nên người thân cận đối với người bị thương tổn, phải vượt qua bất kỳ
rào cản văn hóa hay tôn giáo nào, và phải hành động phù hợp với mệnh lệnh: “Hãy
đi và làm như vậy” (Lc 10, 37).
Trong phần đầu của Fratelli Tutti, Giáo hoàng Phanxicô suy
ngẫm về những biến dạng của thời đại ngày nay. Ngài nhấn mạnh về thứ “văn hóa của
những bức tường” (FT 27), sự tự suy giảm bằng chính sách loại trừ và bảo vệ
chính mình đưa đến kết cục nô lệ hóa cho chính những người dựng lên các bức tường,
bởi chưng “họ trở thành những người không có chân trời, vì họ thiếu giao tiếp với
người khác” (FT 27). Ngài nói rằng những bức tường này là hình ảnh phản chiếu của
“những bức tường trong con tim” (FT 27), là cội nguồn bên trong của những
bức tường vật lý xung quanh biên giới các quốc gia và các cộng đồng đang
bị giam hãm. Thứ văn hóa lòng chai dạ đá của chủ nghĩa cá nhân, tiêu thụ và loại
trừ được bắt nguồn từ chính con tim của mỗi người. Đó là nơi chúng ta cần phải
bắt đầu nếu muốn khát vọng về “một nhân loại mới” (FT 127) của tình huynh đệ và
bằng hữu tương lân trở nên hiện thực lâu bền. Đó là lời kêu gọi ăn năn hoán cải
nhằm cải biến tâm trí và con tim, là điều mà Đức Giêsu kêu gọi khi khai mạc sứ
vụ công khai của Ngài trong Tin mừng Máccô (Mc 1,15). Đức Phanxicô đặt trọng
tâm cho suy tư của ngài về những viễn tượng dành cho sự thay đổi: “Như thế, mọi
sự tùy thuộc vào khả năng chúng ta nhận hiểu rằng cần phải thay đổi trái tim,
các thái độ và các lối sống” (FT 166).
Chỉ có một nguồn cội duy nhất dành cho sự cải hoán của con
tim, và nó không đến từ bên trong chúng ta. Việc tiếp cận những người cần trợ
giúp, khả năng kháng cự việc bản thân đồng lõa với thứ văn hóa dửng dưng, năng
lượng để duy trì một đời sống tự hiến “được nên hiện thực nhờ đức ái mà Thiên
Chúa thông ban” (FT 91). Đời sống của một ngôi vị được đong đếm bằng tình yêu,
chứ không phải trong sự áp đặt bằng “những ý thức hệ” hay “bảo vệ chân lý cách
bạo lực” (FT 92) của chúng ta. Điều này dường như nhắm đến những con người
trong Giáo hội, những người bị bủa vây trong ‘cuộc chiến văn hóa’ và cảm thấy sứ
mạng của mình là làm rào cản chống lại những âm mưu của chủ nghĩa tự do, là
đóng sập cánh cửa đối thoại với các tôn giáo khác, và ủng hộ cho bất kỳ ai
trong đời sống công cộng – bất kỳ ai – mà những nguyên tắc của họ hợp với một
quan điểm đơn lẽ trong giáo huấn của Giáo hội. Tình yêu chiếm vị trí hàng đầu
và tình yêu, thứ “được nên khả thể duy bởi ân sủng Thiên Chúa”, là “một vận động
hướng ra về phía người khác” (FT 93). Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh ngay từ đầu rằng
vận động hướng ra về phía người khác này là một sự gặp gỡ với thực tế của tha
nhân, chứ không phải một thứ thiện chí xa xa, ra vẻ rằng chúng ta biết điều gì
là tốt nhất cho những kẻ đang có nhu cầu.
Đây đích thị là ơn gọi và mục tiêu làm người của chúng ta. Một
đời sống theo đuổi những nhu cầu của tôi và của nhóm tôi, một lối sống theo kiểu
của thế giới thứ nhất chỉ có thể được duy trì bằng sự bần cùng hóa người khác,
một cuộc đời chìm trong “dục vọng” (FT 166), cuối cùng bị định đoạt bằng sự tuyệt
vọng và phù phiếm, bởi vì không một sự viên mãn nào có thể được tìm thấy nơi “đế
chế tiền bạc” (FT 116), đế chế của cải vật chất. Giống như Abraham Heschel đã từng
phát biểu cách đáng ghi nhớ, “Của cải vật chất, khi được đề cao, là sự ngụy tạo
hạnh phúc”[1].
Viên mãn của chúng ta là dự phần vào tình yêu (agape) của Thiên Chúa, là cho đi
chính bản thân mình trong tình yêu. “Chúng ta đạt được sự viên mãn khi chúng ta
phá đổ các bức tường, và trái tim chúng ta được lấp đầy bởi những khuôn mặt và
những cái tên” (FT 195). Thực tại của tha nhân, cuộc gặp gỡ với “mầu nhiệm
thánh thiêng của người khác” (FT 277), phải được bắt nguồn từ con tim chúng ta.
Những chiều kích của tình yêu ấy được giải thích rõ ràng trong thông điệp. Tình
yêu không chỉ là công việc cứu trợ những người nghèo khổ và đói kém, dù các
công việc liên quan đến thể xác để tỏ hiện lòng thương xót cũng không kém quan
trọng, trên hết yêu là được kêu mời để cải biến những căn bệnh có khả năng gây
ra sự nghèo đói.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh một số chi tiết về sự liên đới, một
trong những nguyên tắc về con người theo Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công
giáo. Ngài xác nhận rằng sự liên đới tìm thấy được biểu đạt cụ thể qua việc phục
vụ, và cách đặc biệt là qua “việc chăm sóc người dễ bị tổn thương” (FT 115).
Nhưng sau đó, ở một trong những phương diện gây thách thức lớn nhất của thông
điệp, ngài kêu gọi chúng ta vượt ra khỏi thứ chỉ là “những hành động quảng đại
mang tính ngẫu hứng” (FT 116). Ngài tuyên bố rằng sự liên đới cũng có nghĩa là
“chống lại những nguyên nhân mang tính cơ chế gây ra nghèo khó, bất bình đẳng,
thiếu việc làm, đất đai và nhà cửa, phủ nhận quyền lao động và xã hội” (FT
116). Đây là lời kêu gọi để làm chứng theo sứ vụ ngôn sứ, và nó sẽ đặt Giáo hội
đối lập với nhóm người đang có được lợi ích nhất định bằng cách duy trì hệ thống
bất bình đẳng hiện hành. Lập trường ngôn sứ này đòi hỏi sự đào tạo về phương
pháp Xem-Xét-Làm, một phương pháp mà Đức Phanxicô đã được huấn luyện và đặt nó
trở lại vị trí trung tâm của tư tưởng Giáo hội, như ngài giải thích cách thuyết
phục trong cuốn Chúng ta hãy mơ ước (Let us Dream), cuộc phỏng vấn dài với
Austen Ivereigh được biên tập thành sách. Chúng ta phải ‘nhìn’ theo kiểu ‘nhìn
thấu bản chất’ mọi cơ chế gây biến dạng. Chúng ta được kêu gọi để “vạch mặt những
cách thức khác nhau khiến chân lý bị xuyên tạc…” (FT 208). Việc này thật cấp
bách. Chúng ta không thể tiếp tục kéo dài thêm nữa “thứ ngoại giao rỗng tuếch,
thói vờ vĩnh, lối nói nước đôi, những động cơ ngầm và những kiểu tỏ vẻ tốt lành
hầu che đậy thực tế” (FT 226). Chúng ta cần phải biện phân điều nào thuộc về
Thiên Chúa còn điều nào thì không; và hành động để khiến cho thế giới tương hợp
hơn nữa với Tin mừng.
Đây là lời kêu gọi dành cho Giáo hội để trở nên một chứng
nhân mang tính ngôn sứ giữa quảng trường công cộng, ủng hộ một thế giới công bằng
và hòa bình hơn, nơi những người ở bên lề là những nhân vật chính của sự thay đổi.
Trong quá khứ, Giáo hội thường được xem như kẻ đồng hành với những người nắm giữ
quyền lực, cổ súy cho việc giữ nguyên hiện trạng chính trị như một cái giá đáng
phải trả hầu đổi lại sự an toàn mặt vật chất của mình. Chuyện đó không thể tiếp
diễn thêm được nữa. Fratelli Tutti đòi hỏi điệu nhạc của Tin mừng phải ngân
vang tại “các quảng trường công cộng, những nơi làm việc, đời sống chính trị và
tài chính của chúng ta” (FT 277), một điệu nhạc mà hợp âm chính của nó là sự
hoán cải trở về với tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người thân cận. Như một lời
hiệu triệu nhằm gia tăng sức mạnh cho thời điểm mà nhiều nhà thờ bị đóng cửa,
hoặc bị giảm thiểu sức chứa, thông điệp kết thúc bằng việc gióng lên lại lời
kêu gọi trong Evangelii Gaudium, để Giáo hội băng qua những bức tường của chính
mình, bước ra ngoài phường phố, tiếp xúc với cuộc sống thực tế tại nơi khốn
cùng nhất của sự bất công: “Chúng ta muốn trở nên một Giáo hội phục vụ, một
Giáo hội rời khỏi nhà và đi ra từ nơi thờ phường của mình… để đồng hành với cuộc
sống, để nâng đỡ niềm hy vọng, để nên dấu chỉ của sự hiệp nhất… để xây dựng những
cây cầu, để phá đổ những bức tường, để gieo những hạt mầm hòa giải” (FT 276).
Nguồn: gpquinhon.org
[1] Abraham Joshua Heschel,
The Sabbath: Its Meaning for Modern Man (New York: Farrar, Straus and Giroux,
2005) p. 6.