Đức Giêsu ở giữa biểu tượng của 4 Thánh sử, tranh của Fidel Trias Pages và Raimon Roca, năm 1966 tại Nhà thờ Santuario Maria Auxiliadora i Sant Josep ở Barcelona, Tây Ban Nha.

ĐƯỢC SAI ĐI VÀO THẾ GIỚI –
CÁC SÁCH PHÚC ÂM LÀ TRÁI TIM ĐANG ĐẬP CỦA SỨ MẠNG KITÔ HỮU

Lm. Donald Senior, CP[1]

WHĐ (22.10.2022) - Trong cuốn tiểu sử về Đức giáo hoàng Phanxicô, nhà báo người Anh Austin Ivereigh mô tả cuộc họp chuẩn bị của các Đức hồng y vào tháng 3. 2013 trước khi bước vào cuộc họp để bầu chọn người kế vị Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Mỗi vị Hồng y có 10 phút để đưa ra những nhận xét của mình về tình trạng của Giáo hội và mẫu hình giáo hoàng nào là cần thiết vào thời điểm lịch sử này.

Khi đến lượt mình, Đức hồng y Jorge Bergoglio, Tổng giám mục của Buenos Aires, đã đưa ra một quan điểm rất độc đáo dù không dùng hết khoảng thời gian được phép. Ngài nhắc nhớ các Hồng y về câu Kinh Thánh được trích trong Sách Khải Huyền, "Này đây Ta đứng trước cửa và gõ" (Kh 3, 20). Theo Đức hồng y Bergoglio, câu này thường được hiểu là Chúa Giêsu đứng trước cửa và cố gắng để bước vào một Giáo hội cần phải nên giống Đức Kitô hơn. Nhưng ngài đã gợi ý một cách nhìn khác: “Đức Kitô đang ở bên trong Giáo hội và gõ cửa để được đi ra ngoài!” Đức hồng y kết luận rằng, điều Giáo hội cần lúc này không phải là tập trung vào vấn đề nội bộ mà là canh tân sứ mạng của mình đối với thế giới.

Chính ý thức về sứ mạng đó đã chi phối các tác phẩm của Đức hồng y Bergoglio, mà nay là Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài đề xuất trong Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” (Evangelii Gaudium, 2013) rằng các Kitô hữu hãy nhớ rằng mình không chỉ là “môn đệ” của Đức Giêsu mà còn là “môn đệ truyền giáo”. Trong thông điệp mới nhất, “Về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội” (Fratelli Tutti, 2020), Ngài đã suy tư rất dài về câu chuyện người Samaritanô nhân hậu như một minh họa về trách nhiệm của Kitô hữu vượt lên trên ranh giới của tôn giáo và sắc tộc trong sứ mạng chữa lành thế giới.

Việc Đức giáo hoàng Phanxicô đề cao về sứ mạng thì hòa hợp sâu sắc với tinh thần của các sách Tin Mừng, đúng hơn, với tinh thần của toàn bộ Tân Ước. Vào thời điểm khi thế giới của chúng ta bị bao phủ bởi chiến tranh và bạo lực; khi ranh giới về sắc tộc, kinh tế, và chủng tộc đang được quan tâm; và khi các giáo xứ của chúng ta đang trỗi dậy sau chấn thương của đại dịch và bắt đầu tái quy tụ, điều quan trọng là phải nhớ lại phạm vi của sứ mạng Kitô hữu được trình bày trong Kinh thánh, nhất là trong các sách Phúc âm, sâu sắc và bao quát như thế nào. Ngày 23. 10. 2022, chúng ta cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo, hy vọng bài suy tư ngắn này sẽ giúp chúng ta, như là những linh mục, và thừa tác viên của Tin Mừng cử hành ngày lễ hàng năm này với sự nhiệt tâm, sâu sắc hơn.

1. Sứ mạng trong Tin Mừng Máccô

Mỗi sách Phúc âm đều mô tả Đức Giêsu trao quyền một cách tất rõ ràng cho các môn đệ trong sứ mạng truyền giáo. Người ta có thể nói không ngoa rằng trọng tâm của các trình thuật Phúc âm là cho thấy tác vụ của Chúa Giêsu như là một kiểu mẫu cho sứ mạng của cộng đoàn. Tin Mừng Máccô là một ví dụ điển hình. Được tràn đầy sức mạnh của Thần Khí khi chịu phép rửa ở sông Giođan, Con "yêu dấu" của Chúa Cha ngay lập tức bị đẩy vào hoang địa để đối đầu với quyền lực của Satan (x. 1, 12-13). Ở đó, Đức Giêsu sẽ bị “cám dỗ” bởi quyền lực của sự dữ và sẽ chiến thắng - cảnh tượng ngắn gọn này kết thúc với bức tranh Đức Giêsu “sống giữa loài dã thú” và có “các thiên sứ hầu hạ Người”. Đây là lời tiên báo về cách mà Máccô sẽ diễn tả sứ vụ công khai của Đức Giêsu được khởi sự ngay tại Galilê, khi Người công bố triều đại Thiên Chúa đã đến gần (x. 1, 14-15).

Tường thuật của Máccô rất sinh động. Ngay khởi đầu, Đức Giêsu bước vào hội đường Caphanaum và gặp ngay một người kinh phong vì bị thần ô uế nhập. Đức Giêsu lập tức chữa lành anh bằng việc ra lệnh cho thần ô uế xuất ra khỏi anh. Việc chữa lành này khiến đám đông hoang mang: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có thẩm quyền” (x. 1, 27).


Đức Giêsu chữa lành một người bại liệt

Sự chữa lành giải thoát này đặc trưng cho toàn bộ sứ mạng của Đức Giêsu trong Tin Mừng Máccô. Ngày đầu tiên của Đức Giêsu tại Caphanaum được mô tả như là sự chữa lành liên lục (x. 1, 21-45): Đức Giêsu chữa nhạc mẫu của ông Simon bị sốt; người ta đem mọi kẻ ốm đau đến cho Người, và Ðức Giêsu chữa người bị phong hủi. Sau đó, Đức Giêsu đi đến vùng Galilê rộng lớn hơn và việc chữa lành nhân lên gấp bội: Đức Giêsu chữa người bại liệt được thả từ nóc nhà, ngay trên chỗ Người ngồi giảng dạy; chữa người bị bại tay trong hội đường; tại lãnh thổ dân ngoại, Đức Giêsu chữa người bị quỷ ám ở Ghêrasa sống trong đám mồ mả; chữa người phụ nữ bị băng huyết suốt 12 năm; cho con gái ông Giaia, một viên chức hội đường, sống lại; chữa người mù ở Bethesda; chữa cậu bé động kinh bị co giật tưởng chết. Ngoài ra, có thể thêm vào hành động Đức Giêsu hoá bánh hoá nhiều để nuôi đám đông dân chúng, và cứu các môn đệ thoát khỏi cơn dông bão trên biển hồ Galilê.

Danh sách về các hành động chữa lành của Đức Giêsu có thể tiếp tục, nhưng tường thuật của Máccô nêu rõ quan điểm: Đức Giêsu là Đấng chữa lành đầy Thần Khí của Thiên Chúa. Người đến để giải thoát con cái Thiên Chúa khỏi sự kìm kẹp của sự dữ và sự chết – Người đến để hiến dâng mạng sống qua sự phục vụ, cho đến nỗi chết treo trên thập giá hầu làm giá chuộc muôn người (x. 10, 45).

Đối với Phúc âm Máccô, bức chân dung về sứ mạng ban sự sống của Đức Giêsu là khuôn mẫu cho tư cách môn đệ của Kitô hữu. Ngay khi kêu gọi các môn đệ tiên khởi, Đức Giêsu buộc họ “Hãy theo Tôi” và trở thành “ngư phủ lưới người”. Cả hai yếu tố này đều diễn tả cốt lõi của tư cách môn đệ của Kitô hữu đó là: đi theo Đức Giêsu trong đức tin và trong sự cam kết; đồng thời, chia sẻ sứ mạng “lưới người” của Ngài.

Hai lần trong Phúc âm Máccô, Đức Giêsu ủy thác cách hiển nhiên sứ mạng chữa lành của Người cho các môn đệ. Ở phần đầu Tin Mừng, Đức Giêsu đi lên núi “và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (3, 13-15). Chỉ thị truyền giáo này được lặp lại trong chương sau đó: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại… và ban cho các ông quyền trừ quỷ. Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (6, 7. 12-13).

2. Sứ mạng trong Tin Mừng Matthêu

Cả hai thánh sử Matthêu và Luca đều lấy Máccô làm nguồn chính cho Tin Mừng của mình, trong đó bao gồm cả việc Máccô tập trung vào sứ mạng chữa bệnh của Đức Giêsu và việc Người trao quyền cho các môn đệ tham gia cùng sứ mạng này. Tuy nhiên, mỗi thánh sử lại thêm sắc thái riêng vào phương thức nền tảng này.


Đức Giêsu trong Bài giảng trên núi, tranh của Fritz Kunz, năm 1906, tại Pfarrkirche Liebfrauen ở Bochum, Đức quốc.

Trong khi thánh sử Máccô cũng miêu tả Đức Giêsu như một “thầy dạy”, thì thánh sử Matthêu nhấn mạnh khía cạnh này trong sứ mạng của Đức Giêsu. Sau khi kêu gọi các môn đệ, Matthêu đặt sự khai mở sứ mạng của Đức Giêsu không phải tại hội đường Caphanaum như trong trình thuật của Máccô mà trên một ngọn núi ở Galilê, nơi Người công bố Bài giảng trên núi (Chương 5-7). Bài giảng được khởi sự bởi đám đông dân chúng từ khắp các miền, quy tụ lại và đang cần đến sự giúp đỡ của Đức Giêsu. “Thấy đám đông”, Đức Giêsu đáp lại bằng việc đưa ra điểm cốt lõi của giáo huấn Phúc Âm mà đỉnh cao là mệnh lệnh yêu thương ngay cả kẻ thù của mình. Sau đó, Đức Giêsu khẳng định mệnh lệnh 2 phần là mến Chúa và yêu người lân cận là nền tảng của Luật Môsê, và là sự thể hiện tối hậu của giáo huấn của chính Đức Giêsu (22, 34-40). Qua việc lồng ghép Bài giảng trên núi dựa trên các giá trị của Kinh thánh Do Thái, thánh sử Matthêu đưa các nguyên tắc đạo đức sâu sắc của Do Thái giáo trong Kinh thánh, chẳng hạn như lòng trắc ẩn, sự công bằng, chính trực vào trong dòng chảy của đức tin Kitô giáo, và như một phần thiết yếu của sứ mạng Kitô hữu đối với thế giới.

Sự nhấn mạnh của Matthêu vào giáo huấn của Đức Giêsu như một phần không thể thiếu đối với sứ mạng Kitô hữu được phản ánh trong trình thuật Đức Giêsu ủy thác sứ mạng cho các môn đệ. Thánh sử chuẩn bị cho Bài giảng về sứ mạng truyền giáo ở Chương 10 bằng hình ảnh về tác vụ của chính Đức Giêsu – việc giảng dạy của Người trong các Chương 5-7 và một loạt các việc chữa lành trong các Chương 7-9.

Thánh sử Matthêu xoay quanh bài giảng truyền giáo bằng một đoạn tóm tắt rất phong phú: “Ðức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (9, 35). Sứ mạng giảng dạy và chữa lành ấy nhằm đáp ứng nhu cầu của con người là khuôn mẫu và động lực cho chính sứ mạng của cộng đoàn: “Ðức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: ‘Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về’” (9, 36-38).

Điểm tiếp theo là Bài giảng về sứ mệnh truyền giáo mang tính bao quát của Phúc âm Matthêu (10, 1-42), vốn bắt đầu với việc uỷ thác cho các môn đệ bao gồm các chỉ dẫn về sứ mạng cấp thiết dành cho dân Israel. Ở giai đoạn này, Đức Giêsu của Matthêu giới hạn sứ mạng của các môn đệ (và của chính Người) chủ yếu cho dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn là Israel. Với bước ngoặt về cái chết và sự phục sinh của Người, một giai đoạn mới và mang tính quyết định của lịch sử sẽ đến, và sứ mạng của Đức Giêsu Phục sinh, thông qua các tông đồ, sẽ mở rộng “đến muôn dân nước”. Lời hứa Israel trở thành “ánh sáng cho muôn dân” giờ đây đã được hoàn thành.

Điều này được công bố trong phần kết thúc Phúc âm Matthêu mà qua nhiều thế kỷ được hiểu là Chỉ thị truyền giáo (28, 16-20). Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ trên một đỉnh núi ở Galilê và sai các ông đi khắp thế gian: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (cc. 19-20). Cảnh kết thúc với lời hứa về sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục sinh với cộng đoàn truyền giáo của Người “mọi ngày cho đến tận thế”.

3. Sứ mạng trong Tin Mừng Luca

Chính cấu trúc của tác phẩm hai tập của thánh sử Luca - Phúc âm và Công vụ các tông đồ - là một tuyên bố cơ bản về sứ mạng của cộng đoàn. Tác vụ của Đức Giêsu là lúc này, nhờ quyền năng của Thần Khí, được mở rộng ra toàn thế giới. Trong một câu quan trọng ở đầu sách Công vụ, Chúa Giêsu Phục sinh công bố sứ mạng phổ quát của cộng đoàn đang diễn ra: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).

Như trong các Phúc âm khác, sứ mạng của chính Đức Giêsu là khuôn mẫu tuyệt vời đối với sứ mạng của những ai đi theo Người. Trong khi Tin Mừng Máccô bắt đầu với việc chữa lành trong hội đường Caphacnaum, và Tin Mừng của Matthêu với Bài giảng trên núi, thì Tin Mừng của Luca trình bày hoạt động đầu tiên trong sứ mạng của Đức Giêsu là tại hội đường quê hương của Người ở Nazaret (x. 4, 16-30). Trong một cảnh đầy kịch tính, Đức Giêsu chọn đọc một đoạn trong sách ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (cc. 18-19).

Với cộng đoàn trong hội đường đang chờ đợi sự dạy dỗ của Người, Đức Giêsu mạnh dạn tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (c. 21). Sự say mê ban đầu của những người đồng hương của Đức Giêsu đã trở nên thù địch khi Người khẳng định rằng sứ mạng của Người sẽ không chỉ giới hạn trong lãnh thổ quen thuộc mà mở rộng, giống như của các ngôn sứ Êlia và Êlisê trước kia, là đến với những người đang cần ở Li-băng và Syria - một dấu chỉ rõ ràng cho thấy sự bành trướng và sứ mạng bao gồm mà Đức Giêsu sẽ ban hành.


Tranh Chúa Giêsu và Lazarô, ở San Gimignano, Italy. jorisvo/AdobeStock

Việc trích dẫn ngôn sứ Isaia, với điểm nhấn về lòng thương xót và sự giải thoát những người bị áp bức, cho thấy trọng tâm cụ thể về sứ mạng của Đức Giêsu trong Phúc âm Luca. Những dụ ngôn về lòng thương xót như: con chiên bị lạc, đồng bạc bị mất, và đứa con hoang đàng minh chứng cho sự liên đới của Đức Giêsu với những người tội lỗi và bị ruồng bỏ (x. 15, 1-2) và khẳng định lòng nhân từ tha thứ vô biên của Thiên Chúa. Những dụ ngôn chỉ có trong Tin Mừng Luca như Lazaro và người giàu có; người giàu có và kho lẫm; và người Samaritanô nhân hậu, cũng như cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với một Giakêu bị khinh miệt nhưng sám hối, đã mở rộng trọng tâm sứ mạng của Đức Giêsu vào lòng thương xót, công lý, và bao gồm như đã được công bố trong bài giảng đầu tiên của Người tại hội đường Nazareth.

4. Sứ mạng trong Phúc âm Gioan

Cuối cùng là sứ mạng trong Phúc âm Gioan. Như là đặc trưng của thần học trong Tin Mừng Gioan nói chung, quan điểm của thánh sử Gioan về sứ mạng là duy nhất. Gioan nâng phạm vi sứ mạng của Đức Giêsu từ cội nguồn ở Galilê và xứ Giuđea lên tầm cỡ vũ trụ. Như phần Lời Tựa đã tuyên bố, Đức Giêsu là Lời hằng hữu của Thiên Chúa, là Lời của tình yêu vô biên được Chúa Cha phán ra trước mọi thời đại, và được sai đến trong thế gian. Lời đó mặc lấy xác phàm và “cư ngụ giữa chúng ta”, sống một cuộc sống phàm nhân đích thực trong thời gian và không gian.

Những chiều kích khác nhau trong sứ mạng của Đức Giêsu được diễn tả trong Phúc âm Nhất lãm được cô đọng lại thành một mô tả súc tích và nổi bật trong Phúc âm Gioan. Đoạn văn được trích dẫn thường xuyên nhất từ ​​Phúc âm của Gioan là từ cuộc đối thoại đầu tiên của Đức Giêsu với Nicôđêmô, một người “thuộc nhóm Pharisêu” và “thủ lãnh của người Do Thái” (3, 1). Mặc dù ở giai đoạn này, Nicôđêmô không hiểu được căn tính trọn vẹn của Đức Giêsu, nhưng ông sẽ trở lại ở phần kết, khi ông cùng với Giôxép, người Arimathê, xin cho phép hạ thi hài Ðức Giêsu xuống để xức dầu và chôn cất (x. 19, 38- 42). Đức Giêsu mô tả sứ mạng của Người được Thiên Chúa uỷ thác bằng những thuật ngữ sâu sắc: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (3, 16-17).

Đây là cốt lõi của sứ mạng của Đức Giêsu và là khuôn mẫu cho sứ mạng của Kitô hữu đối với thế giới. Giống như trong Tin Mừng Nhất lãm, tác vụ của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan cũng được thể hiện qua việc giảng dạy và chữa lành, nhưng ý nghĩa tối hậu của sứ mạng của Người là mạc khải tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế giới. Đối với Gioan, sứ mạng tình yêu đó đạt đến mức trọn vẹn nhất nơi cái chết của Đức Giêsu. Việc Đức Giêsu bị đóng đinh đã được các đối thủ của Người sắp đặt như một bản án mang tính quyết định, nhưng đối với Đức Giêsu của Gioan, đó là một biểu hiện cao nhất của tình yêu: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13).


Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ tại Nhà thờ chính toà Etchmiadzin, của Giáo hội Armenia, ở Vagharshapat, Tỉnh Armavir,

Và như Phúc âm Gioan tóm kết sứ mạng của Đức Giêsu là sự mạc khải về tình yêu của Thiên Chúa, thì các mệnh lệnh của Người đối với các môn đệ được tóm gọn trong giới răn yêu thương: “Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. (15, 12). Phúc âm Gioan thuật lại giới luật yêu thương đó của Đức Giêsu trong sự kiện độc nhất về việc rửa chân trong Bữa Tiệc Ly. “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (13, 14-15). Tình yêu thương của các môn đệ dành cho nhau trở thành một phần quan trọng của chứng tá sứ mạng của cộng đoàn: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (13, 35).

Cũng thế, Đức Giêsu của Gioan cô đọng các chỉ thị sứ mạng của Phúc âm Nhất lãm thành một công thức riêng trong lời cầu nguyện thống thiết của Người với Chúa Cha: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian” (17, 18; x. 20, 21). Đức Giêsu được “sai đi” để công bố và thể hiện tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho thế gian, và cũng vì sứ mạng này, những môn đệ và cộng đoàn của Chúa Giêsu Phục Sinh được sai đến trong thế giới.

Tóm lại, bài viết ngắn gọn này nhằm minh họa rằng “sứ mạng” là trái tim đang đập của các sách Phúc âm. Trở thành một môn đệ đích thực của Đức Giêsu là trở thành một “môn đệ truyền giáo”.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: thepriest.com (15. 9. 2022)



[1] Lm. Donald Senior, CP là giáo sư môn Tân Ước và là nguyên Chủ tịch và Viện trưởng của trường Catholic Theological Union, Hoa Kỳ.