DỤC VỌNG: SỰ NGHIÊNG CHIỀU VỀ TỘI LỖI CỦA CHÚNG TA
Đức ông William King
Giáo phận Harrisburg
WHĐ (21.02.2023) - Một thợ sửa xe
giải thích với tài xế đang thất vọng vì xe hư rằng: Đó là do các bánh xe ô tô của
anh đang bị lệch tâm.
Anh thợ ấy nói với tài xế: có lẽ
anh vừa lái xe vấp ổ gà hoặc va vào lề đường, và điều đó có thể làm cho những
bánh xe không thẳng hàng. Mọi tài xế đều biết rằng sẽ rất mệt để giữ cho xe chạy
thẳng trên đường cao tốc với một chiếc xe liên tục đi lệch khỏi tâm, mất cân bằng.
Nếu không có sự tập trung và điều chỉnh tay lái liên tục, chiếc xe có xu hướng
bị trôi khỏi làn đường. Người thợ sửa xe cho tài xế biết: “một ổ gà lớn có thể
gây ra điều này, và sau đó, chiếc xe gần như không thể đi thẳng nếu không có sự
chỉnh lái liên tục.”
Trong trường hợp này, điều xảy ra
với một chiếc ô tô cũng đúng với tâm hồn con người.
Các thần học gia đã có nhiều nỗ lực
trong việc giải thích khuynh hướng đi lệch tâm của con người: đó là một tội rất
lớn - tội của nguyên tổ trong vườn địa đàng - và nó khiến con người gần như
không thể tiến thẳng về phía trước nếu không điều chỉnh liên tục. Hãy nhớ rằng
từ ngữ để chỉ tội lỗi trong Tân Ước là hamartia,
một từ gốc trong Hy ngữ với nghĩa đen là lạc mất dấu hoặc đi lệch hướng, chúng
ta có thể nói rằng sau tội nguyên tổ, con người hướng chiều về tội lỗi và gần
như không thể tiếp tục “đi thẳng và đúng đắn”.
Các thần học gia gọi sự hướng chiều
về tội lỗi ở trên là “dục vọng”. Từ ngữ này được định nghĩa như một khao khát mạnh
mẽ, một khuynh hướng hoặc một sự thu hút, thường được trỗi dậy từ những ham muốn
tình dục hoặc khoái cảm thể xác. Theo cách nói của luân lý, đây là một khuynh
hướng đi chệch hướng.
Dục vọng được hiểu như một hậu quả
của tội nguyên tổ, nó vẫn tồn tại ngay cả khi được lãnh nhận bí tích Rửa tội.
Phép rửa tẩy xóa chúng ta khỏi tội nguyên tổ, nhưng dục vọng vẫn còn như một hậu
quả của nó còn sót lại. Sách giáo lý Hội thánh Công giáo dạy rằng “một số hậu
quả tạm thời của tội vẫn còn tồn tại nơi người đã chịu Phép Rửa, như đau khổ, bệnh
tật, sự chết, hoặc những mỏng dòn trong cuộc sống như tính tình yếu đuối, v.v…,
hoặc cả sự hướng chiều về tội mà Truyền thống gọi là dục vọng (concupiscentia)”
hay nói cách ẩn dụ đó là “bùi
nhùi nhóm lửa của tội” (fomes peccati) (Số 1264).
Thêm một phép ẩn dụ khác, nghiên
cứu y khoa cảnh báo rằng việc bị cháy nắng nghiêm trọng lúc tuổi trẻ sẽ khiến một
người dễ bị ung thư da hơn trong suốt cuộc đời. Việc bị cháy nắng đó có thể được
chữa trị mau chóng, nhưng những ảnh hưởng của nó kéo dài suốt cả cuộc đời, đồng
thời gia tăng khả năng bị ung thư. Sự phòng ngừa cần phải được thực hiện để bảo
vệ làn da khỏi những tác động tiêu cực của bức xạ mặt trời, vì da dễ bị tổn
thương hơn sau khi bị cháy nắng nghiêm trọng.
Tội nguyên tổ
Tội nguyên tổ – tội lưu truyền
qua các thể hệ của loài người – khiến cho nguyên tổ của chúng ta bị xa lìa khỏi
thiên đàng và kèm với đó là tất cả hệ quả của bản tính phải chết: sự đau đớn, bệnh
tật, đau khổ, lão hoá, cái chết và mục rữa.
Tội tổ tông gây ra rạn nứt, hoặc
gãy đổ trong sự hài hoà giữa thân xác và tâm hồn, điều vốn là một phần nơi công
cuộc tạo dựng loài người của Thiên Chúa. Trong sự thánh thiện nguyên thuỷ của
ông bà tổ tông, đã có một sự hài hoà trọn hảo: sự hài hoà với Thiên Chúa, với
thế giới xung quanh và với chính mình. Quyết định tách ra khỏi thánh ý Chúa đồng
nghĩa với việc phá huỷ sự hài hoà trong tạo dựng và sự căng thẳng xuất hiện từ
đó.
11 chương đầu tiên của sách Sáng
Thế cho thấy sự gia tăng căng thẳng và bất hoà: bắt đầu bằng sự hài hoà tuyệt đối
của vườn địa đàng, tiếp đến xuất hiện tội nguyên tổ, sau đó là tội lỗi của anh
em chống lại nhau và kết thúc bằng công trình tháp Babel – một mốc điểm trong lịch
sử nhân loại nơi mà con người không còn hiểu được nhau.
Trong sự thánh thiện nguyên thuỷ
của bản chất con người, có một sự hài hoà trọn hảo giữa thân xác và tâm hồn. Vì
sự chết thâm nhập vào thế gian do hậu quả của tội, nên việc linh hồn bị tách khỏi
thể xác khi chết là hậu quả của tội nguyên tổ. Chúng ta tuyên xưng niềm tin của
chúng ta vào sự phục sinh của thân xác, vào lúc đó thân xác và linh hồn sẽ được
phục hồi trong tình trạng hài hoà tuyệt hảo vốn tồn tại trước khi có tội tổ
tông. Dục vọng là một triệu chứng của sự không hài hoà giữa thân xác và linh hồn,
vì thân xác và những thèm muốn (hoặc khao khát) của nó muốn kéo chúng ta theo một
hướng nào đó, trong khi linh hồn thì muốn bám vào những điều cao trọng nơi
Thiên Chúa và ân sủng. Trên thiên đàng, sự hoà hợp giữa thân xác và linh hồn,
cũng như sự hoà hợp với Thiên Chúa và vạn vật xung quanh chúng ta sẽ được phục
hồi. Tội lỗi sẽ không còn nữa.
Bí tích Thánh Tẩy rửa sạch chúng
ta khỏi tội nguyên tổ, nhưng vẫn còn đó những hệ quả của nó. Một trong số đó là
khuynh hướng bẩm sinh dễ bị yếu đuối trước cám dỗ, nghiêng chiều về tội lỗi, hướng
về các khao khát mà không làm vinh danh ân sủng của Thiên Chúa.
Công đồng Trentô (1545-1563) hướng
dẫn rằng dục vọng “bước ra từ tội lỗi và đem lại tội lỗi”. Tuy vậy, dục vọng tự
bản chất không phải là tội lỗi. Nó khiến chúng ta yếu đuối trước tội lỗi, nhưng
sự nhạy cảm trước cám dỗ không phải là tội. Cách thức chúng ta đáp trả chước
cám dỗ sẽ quyết định tính đúng đắn (công phúc) hoặc sai trái (tức tội lỗi). Với
sự lưu tâm liên lỷ, hoặc đúng hơn là với việc đón nhận ân sủng đong đầy cách
triền miên của Thiên Chúa, con người có thể không bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng
sa ngã này.
Một tài xế luôn chú tâm vào con
đường phía trước có thể liên tục điều chỉnh độ lệch ở phần đầu xe, giữ cho chiếc
xe di chuyển theo hướng mình muốn. Thật vậy, công đồng Trentô cân nhắc rằng dục
vọng “không thể làm hại những ai không ưng thuận nhưng kiên quyết kháng cự lại
nó bằng ân sủng của Thiên Chúa” (Giáo lý, số 1264). Đó là ân sủng dự phòng, nó
đi trước suy nghĩ và hành động của chúng ta, nó luôn đợi chờ để giúp chúng ta
khi chúng ta bị cám dỗ đi lệch hướng bởi dục vọng. Bằng cách tận dụng ân sủng
này của Thiên Chúa, chúng ta có thể kháng cự được hướng chiều tội lỗi và thay
vào đó là việc kiên trì ở lại trong đường lối luân lý đúng đắn.
Chúng ta đáp trả như thế nào?
Có câu chuyện kể về một linh mục
hỏi người đàn ông trong toà giải tội, “Con à, con có mời gọi các tư tưởng tội lỗi
không?” Hối nhân mau chóng trả lời, “Không, chúng mời gọi con, thưa cha.” Chính
dục vọng khiến cho tâm trí chúng ta dễ bị tổn thương bởi các tư tưởng hướng
chúng ta về phía tội lỗi và về các hành vi phạm tội, thế nhưng dục vọng cũng
như các tư tưởng đó đều không phải là tội lỗi tự bản chất. Tính luân lý được
quyết định bởi hành động đáp trả của chúng ta: việc nài xin ân sủng của Thiên
Chúa để giúp chúng ta quay lưng lại với suy nghĩ tội lỗi là công phúc, ngược lại,
việc không kháng cự và đầu hàng trước những hành động vô luân hoặc bừa bãi là sự
xác định của tội lỗi. Dục vọng làm suy đồi tâm trí đến mức khiến chúng ta bị
cám dỗ kết luận rằng ngoài Thiên Chúa ra thì vẫn có nhiều điều có thể đem đến sự
thỏa mãn tối hậu.
Thánh Tôma Aquinô hướng dẫn cách
minh nhiên rằng dục vọng là hệ quả của tội tổ tông. Một khi con người đưa ra
quyết định tách biệt khỏi ý Chúa, sự hoà hợp trong bản chất nhân loại cũng bị mất
đi. Khi đó, các khao khát và thèm muốn không còn hoà hợp với trí tuệ hoặc lý
trí, và cả hai - khao khát và lý trí - cùng đấu tranh chống lại nhau.
Thánh Phaolô đã nắm được điều này
và mô tả nó trong thư gửi tín hữu Rôma rằng: “Tôi lại thấy một luật khác: luật
này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là
luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi” (7:23). Thế nên, thánh nhân có thể viết
rằng, “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại
cứ làm” (Rm 7:19). Thậm chí Chúa Giêsu từng nhận thấy dục vọng trong hành động
của con người, khi Người nói, “Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu
hèn.” (Mt 26:41; xem thêm Mc 14:38).
Các tiên tri trong Cựu Ước cũng
hiểu tình trạng giằng xé nội tâm này. Tiên tri Giêrêmia đã đưa ra một câu hỏi sắc
lẻm, “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được?” Vị tiên
tri ấy đã hiểu được bản chất con người và thường xuyên đề cập đến sự chai cứng
của những tâm hồn tội lỗi (xem 3:17 và những đoạn khác), “tư tưởng tội lỗi”
(4:14, RSV: Revised Standard Version of the Bible - Bản Kinh thánh sửa lại chuẩn),
cũng như “trái tim chai cứng và bội phản” của nhân loại (5:23, RSV).
Các thánh vịnh của vua Đavít cũng
đưa ra lời than oán cho các tội đã phạm cũng như một sự lãnh ngộ thấu suốt
trong sự phân đôi giữa tính yếu đuối và ân sủng, ham muốn xác thịt và khát khao
thánh thiện. “Tội ác thì thào trong thâm tâm kẻ dữ; hắn không thấy cần phải
kính sợ Chúa Trời” (Tv 36:2). Trong tiếng than van dành cho lòng thương xót
Chúa, vịnh gia nhận biết các khao khát trong cuộc chiến bên trong mình, và hiểu
rằng: “Từ thuở bé, con khổ đã nhiều và luôn ngắc ngoải, Chúa làm con kinh hãi,
con hoá ra thẫn thờ. ” (Tv 88:16).
Luôn đi đúng hướng
Từ những suy tư sớm nhất (sách
Sáng Thế) về cuộc sống trong mối tương quan với Thiên Chúa, đến những suy tư
ngày nay, sự giằng co giữa cái thiện và cái ác đã luôn được thấy rõ. Dù được
trình bày như một sự đấu tranh giữa sống và chết trong thánh vịnh, hoặc một cuộc
đối thoại vui nhộn giữa một bên vai là thiên thần và bên còn lại là ác quỷ,
chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được rằng chúng ta đều có kinh nghiệm về dục vọng
trong đời sống thường ngày.
Bạn có nhận thấy rằng cám dỗ ăn
thịt dường như mạnh mẽ hơn vào ngày thứ Sáu trong mùa Chay?
Đó là lúc dục vọng đang làm việc
của nó, thân xác đang chiến đấu chống lại linh hồn, mỗi bên đang giằng co về một
hướng khác nhau. Bất kể chúng ta chào đón tư tưởng tội lỗi hoặc những tư tưởng
đó chào đón chúng ta, thì dục vọng cũng luôn hoạt động: ham muốn xác thịt không
bao giờ hoà hợp với khát khao của tâm hồn.
Khi chúng ta không thể thắng được
dục vọng trong đời sống, thì chúng ta hãy để đời sống của chúng ta mở ra với ân
sủng của Thiên Chúa, điều luôn mang đến sức mạnh để kháng cự lại những yếu đuối
nơi bản chất sa ngã của chúng ta.
Mặc dù sự lựa chọn của nguyên tổ
là “vứt bỏ cái ách là thánh ý Chúa”, như thánh Tôma Aquinô đã mô tả, thì chúng
ta ngày nay có thể chọn mang lấy cho mình cái ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của
Chúa (xem Mt 11:30). Ân sủng của Chúa luôn đi trước và tiên liệu cho những yếu
đuối của chúng ta – ơn dự phòng là của chúng ta nếu chúng ta mở ra đón nhận nó
khi dục vọng lôi kéo chúng ta ra khỏi hướng đi.
Đường cao tốc hiện đại giúp người lái xe đi đúng hướng nhờ những vạch kẻ và dải âm thanh cảnh báo khi người lái xe rẽ ra khỏi làn đường. Trong đời sống luân lý, ơn dự phòng và lý trí tự do của chúng ta sẽ có chức năng tương tự, giúp chúng ta nhận ra mình vẫn đang làm điều đúng đắn và nếu chúng ta rẽ ra khỏi hướng đi thì tiếng kêu từ lương tâm sẽ nhẹ nhàng hối thúc chúng ta quay về.