ĐỨC TIN, TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG CỦA CHÚNG TA TRONG CƠN ĐẠI DỊCH
Lm. Phaolô Ngô
Đình Sĩ; Lm. Giuse Ngô Đức Tài, MF
WHĐ (09.6.2022) - “Không
có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8,39b)
Dịch bệnh Covid đã gây tác động tiêu cực đến mọi
mặt đời sống xã hội, đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân trên thế
giới, nhất là những nỗi sợ hãi và u buồn xâm chiếm tâm hồn người dân Việt Nam của
chúng ta trong những ngày tháng qua.
Ở Pháp, trong thời gian mọi nhà thờ đều phải
đóng kín cửa, Đức cha Pascal Roland, giám mục giáo phận Belley Ars, đã không ngần
ngại phát biểu: “Nếu phải có nhận thức
nào đó, thì đó là nhận thức rằng tất cả chúng ta đang sống trong “ngôi nhà
chung”. Vì thế, nhân loại sống trong sự phụ thuộc lẫn nhau và sự mỏng dòn của
thân phận con người. Tiếng nói của những người Kitô hữu là cần thiết hơn bao giờ
hết. “Đừng nhượng bộ trước “đại dịch của sợ hãi!” Đừng làm những con người nửa
sống nửa chết! Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: đừng để ai cướp đi hy vọng của
anh em![1]”
Trong thời điểm đặc biệt này, người Kitô hữu
cùng tìm thấy nơi Lời Chúa sức mạnh của sự sống với niềm hy vọng vô biên không
chỉ hữu ích mà còn quan trọng cho thế giới chúng ta.
Đầu tiên, Lời Chúa nói với chúng ta “Đừng sợ!”,
vì trong Chúa Kitô, chúng ta không bao giờ bị bỏ rơi, trái lại còn được nâng đỡ
bởi Thiên Chúa, Đấng đang ở bên cạnh chúng ta (x. Rm 8,31-39). Ngày nay, có vẻ
như một cơn bão với những con sóng ngày càng lớn đang làm tan vỡ thế giới.
Chúng ta hãy nhớ lại cơn bão trong Mc 4,35-41, khi Chúa Giêsu đang ngủ trong
con thuyền nhỏ bé bên cạnh các môn đệ đang sợ hãi.
Thứ đến, Lời Chúa kêu gọi chúng ta Hy vọng. Là
Kitô hữu, khi nói về hy vọng, chúng ta không sống trong ảo tưởng (x. Rm 13,
11-14). Niềm Cậy trông của chúng ta dựa trên kinh nghiệm hiện tại về lòng nhân
từ và tình yêu thương của Chúa Giêsu (x. Cl 1,27; Rm 8,18), cũng như về sự
thành tín của Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta (x. Is 41,8-10; 43,1-2).
Cuối cùng, Lời Chúa nhắc nhở chúng ta sống an
bình. Khi tràn đầy hy vọng thực sự, chúng ta có thể sống trong hiện tại và nhìn
về tương lai trong vương quốc của Thiên
Chúa (x. Tv 24,1), thừa hưởng sự an bình và tình yêu hòa giải của Chúa
Giêsu, Con Thiên Chúa (x. Ga 3,16; Mt 6,9-13). An bình của chúng ta là “nước
Cha trị đến” như lời Đức Đức Kitô đã giảng dạy.
1. ĐỪNG SỢ! Mc 4,35-41
Tại sao chúng ta sợ hãi? Theo trình thuật của
Máccô, các môn đệ của Chúa Giêsu biểu lộ nỗi lo sợ trước gió và sóng, nên cầu cứu
Chúa Giêsu: “Thầy ơi, chúng ta chết đến
nơi rồi” (Mc 4,38b). Hùng dũng và can đảm đến đâu, con người ai cũng sợ chết.
Sóng gió đã đe dọa đến mạng sống của họ, họ không muốn chết và nhất là đang đặt
niềm hy vọng vào Chúa Giêsu cho một tương lai mới. Nếu chúng ta đọc câu chuyện
theo sát nghĩa như thế, thật sự không có gì để nói vì các môn đệ cũng hèn yếu
như bao con người khác, và hơn nữa, những người ngư phủ này hơi kém chuyên nghiệp.
Trình thuật ngắn của Máccô mời gọi chúng ta bước vào một câu chuyện khác:
- Hai dấu chỉ thời gian
'“cùng ngày đó” và ““khi chiều đến”, lối diễn đạt đặc trưng
của Máccô[2],
cho thấy sau một ngày các môn đệ theo chân Thầy nghe rao giảng với các dụ ngôn,
và khi chiều đến, bóng tối đang đến, họ có lẽ muốn nghỉ ngơi, nhưng theo lệnh của
Chúa Giêsu, họ luôn phải sẵn sàng, đi trong bóng tối và trên biển của những đe
dọa bất ngờ[3]:
“Chúng ta hãy băng qua bờ bên kia”
(Mc 4,35). Đám đông không thể vì không có phương tiện đi theo Ngài trên biển,
chỉ có các môn đệ, và một số con thuyền khác đi theo Ngài một cách tự nguyện
(Mc 4,36).
- Cuộc đời không như một dòng sông lặng lẽ. Sóng
gió đã nổi lên kéo theo những thảm họa đáng sợ (4,37), nhưng Chúa Giêsu đang ngủ,
các môn đệ lo sợ cho chính họ và tỏ vẻ trách móc Chúa Giêsu như đã không lo cho
số phận nguy tử đang đe dọa họ: “Chúng
con chết đến nơi rồi, thầy chẳng lo sao”.
- Cuối cùng, thần tính của Chúa Giêsu được mặc khải,
theo hình ảnh ông Môsê mới, các môn đệ nhận ra khoảng cách bao la giữa Ngài và
thân phận của họ. Niềm tin của họ được thử thách đến đỉnh điểm, sóng gió vùi dập
họ trong đêm đen trên biển (4,40). Họ chuyển sang một nỗi sợ khác: “Họ hoàn toàn hoảng sợ và nói với nhau: Người
này là ai, mà cả gió và biển cũng vâng phục?” (4,41).
Ở thời đại nào cũng vậy, thế giới chúng ta
luôn bị đe dọa hủy diệt bởi thiên nhiên, ôn dịch, đói khát, trần truồng, bách hại
và bởi những yếu tố con người tạo ra. Con người kiêu hãnh, hay đúng hơn là kiêu
ngạo khi tưởng rằng mình đã thống trị thiên nhiên và thế giới với sức mạnh của
chính mình, nhưng khi đối mặt với những bất ngờ, trước những sự cố đe dọa tính
mạng, con người cảm thấy mình yếu đuối và sợ hãi.
Sợ hãi bộc phát vì nhiều yếu tố. Điều đáng chú
ý nhất là chúng ta mất bình tĩnh và khôn ngoan. Bị nỗi sợ hãi xâm chiếm, chúng
ta không thể nhận thức những gì đang xảy ra và thường đổ lỗi cho những người mà
chúng ta cho rằng họ là nguyên nhân của các mối đe dọa, và chúng ta trách cả
Thiên Chúa. Trong hiện trạng đại dịch, không khó để hiểu tại sao rất nhiều nỗi
sợ hãi xuất phát bao quanh dịch bệnh. Nhiệm vụ của chúng ta, những người có đức
tin, là tìm hiểu sự thật, nhận thấy những thách đố, loại bỏ những thông tin sai
lệch và mang lại niềm tin cho nhau, như lời của Chúa Giêsu: “đừng sợ!”
Thật vậy, trong Kinh Thánh, Thiên Chúa luôn
nói với con người “đừng sợ”, vì Ngài luôn hiện diện ở giữa họ. Và nếu những ai
phó thác và tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, họ sẽ vượt qua sợ hãi và can
đảm đối đầu với sóng gió. Đừng quên rằng Thiên Chúa đã từng nói: “Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn
tay Ta, thành luỹ ngươi, Ta luôn thấy trước mặt” (Is 49,16).
Còn hơn thế nữa, thánh Phaolô đã nói cho chúng
ta một lý do tuyệt vời khác, để chúng ta không chìm đắm trong sợ hãi: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của
Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm
giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi
như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi
thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.” (Rm
8,35-37).
Trong giai đoạn thử thách này, các môn đệ của
Chúa Giêsu, hãy tin như thánh Phaolô[4]:
“Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là
sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai,
hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào
khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện
nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Chúng ta hãy sống theo lời khuyên của vị Tông
đồ: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ
kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.”
Qua lời cầu nguyện, chúng ta mở lòng đón nhận
quyền năng của Thiên Chúa đang hoạt động trong chúng ta.
Qua lời cầu nguyện, Thiên Chúa biến đổi và uốn
nắn chúng ta trở thành con người mà Ngài muốn chúng ta trở thành.
Qua lời cầu nguyện, Thiên Chúa mời gọi hành động
và quan tâm đến con người muốn được chữa lành, đổi mới và hy vọng.
Qua lời cầu nguyện, chúng ta trưởng thành
trong sự tin cậy nơi Thiên Chúa.
Như thế, chúng ta mới thực sự là những chứng
nhân hy vọng cho thế giới.
Là Kitô hữu, khi nói về hy vọng, chúng ta
không ảo tưởng. Hy vọng của chúng ta là một nhân đức đối thần rộng lớn hơn, sâu
sắc hơn và mạnh mẽ hơn ý nghĩa của con người. Niềm hy vọng dựa trên kinh nghiệm
hiện tại về sự thiện hảo và tình yêu thương của Thiên Chúa cũng như sự thành
tín mà Ngài đã mặc khải cho nhân loại.
Thật vậy, Is 43,1-2 đã viết: “Nhưng bây giờ, đây là lời Đức Chúa phán, lời
của Đấng tạo thành ngươi, hỡi Giacóp, lời của Đấng nắn ra ngươi, hỡi Ítraen: Đừng
sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của
riêng Ta! Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi, ngươi có vượt qua sông,
cũng không bị nước cuốn; ngươi có đi trong lửa, cũng chẳng hề hấn gì, ngọn lửa
không thiêu rụi ngươi đâu”.
Dân Thiên Chúa bị lưu đày ở Babylon[5].
Thời gian đó là thời gian mà những điều tồi tệ nhất đã xảy ra - đất nước của họ
đã bị đánh bại; thành thánh Giêrusalem thất thủ và họ bị ép buộc lao động khổ
sai ở một đế chế ngoại bang xa xôi.
Họ không còn gì để hy vọng và không gì làm cho
họ có niềm tin. Nhưng chính trong hoàn cảnh như vậy, Thiên Chúa đã cho họ một
thông điệp yêu thương và khích lệ, Ngài ban cho họ lời hứa về sự giải thoát và
quay trở về quê hương. Lời của Thiên Chúa thổi bùng lên trong họ một niềm hy vọng,
một hy vọng đã thành hiện thực khi họ trở về Israel, cho phép họ sống lại trong
tư cách là dân tộc được tuyển chọn của Thiên Chúa với phẩm giá, lòng trắc ẩn và
sự thật.
Lời của Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta rằng con
người luôn phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm cả thảm họa và đại
dịch. Trong hai thế kỷ của chúng ta, hàng triệu người bị sốt rét, chịu thảm họa
HIV/AIDS và hôm nay, nhiều người đã ra đi vì Covid-19, Thiên Chúa luôn ở với
chúng ta trong những khủng hoảng này, chúng ta sẽ không ngã quỵ, không bị đánh
bại: “Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi. Đừng
nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ
giúp với tay hữu toàn thắng của Ta.” (Is 41,10).
Kinh Thánh cũng nói cho con người biết rằng hy
vọng đến từ Thiên Chúa, nhưng con người vẫn đóng một vai trò quan trọng qua đức
tin và dấn thân của chính họ. Đó là ý nghĩa của đoạn văn trích dẫn trong thư gửi
tín hữu Hipri:
“Quả thế,
Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên việc anh em đã làm và lòng yêu mến anh
em đã tỏ ra đối với danh Người, khi trước đây anh em phục vụ các người trong
dân thánh, và hiện nay vẫn còn đang phục vụ. Nhưng chúng tôi ao ước cho mỗi người
trong anh em cũng tỏ ra nhiệt thành như thế, để niềm hy vọng của anh em được thực
hiện đầy đủ cho đến cùng.” (Hr 6,10-11).
Là Kitô hữu, chúng ta được Thiên Chúa ân cần mời
gọi tham gia vào công việc mang hy vọng cho thế giới đang khủng hoảng.
Cùng với sự tin tưởng và cầu nguyện cho thế giới
đau thương hiện nay, chúng ta được kêu mời xem xét lại ơn gọi của chính mình về
mặt thiêng liêng, mở rộng tâm hồn duy trì kết nối với những người đang chịu đau
khổ vì dịch bệnh, để làm chứng cho niềm hy vọng có căn rễ trong Đức Kitô. Chúng
ta hãy cùng nhau sử dụng thời gian này, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần,
để xã hội và thế giới chúng ta được hàn gắn và chữa lành, như Chúa Giêsu đã nói
với các môn đệ trước khi chịu chết: “Anh
em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em
sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16,22) và
Ngài đã động viên họ: “Thầy nói với anh
em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ
phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian ” (Ga
16,33).
Như thế, lời nói của chúng ta, tình yêu của
chúng ta và sự nhiệt thành của chúng ta rất có ý nghĩa để mang lại sự bình an
theo thánh ý Thiên Chúa. Trong lời cầu nguyện hằng ngày của chúng ta, một điều
duy nhất chúng ta ước mong: “triều đại
Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” (Mt 6,10).
3. NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN (Mt
6,9-13)
Khi các môn đệ của Chúa Giêsu xin Ngài dạy cầu
nguyện, bối cảnh của dân chúng lúc bấy giờ rất khó khăn, họ sống dưới sự chiếm
đóng của La Mã, cùng với một xã hội nông nghiệp mà hầu hết mọi người sống trong
hoàn cảnh thiếu thốn, đặc biệt là lương thực.
Truyền thống Do Thái đặt trọng tâm của cầu
nguyện trong sự thờ phượng Thiên Chúa. Cách họ cầu nguyện thể hiện đức tin của
họ đối với Thiên Chúa và những gì quan trọng nhất đối với cuộc sống là: “Nghe đây, hỡi Ítraen! Đức Chúa, Thiên Chúa
chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em),
hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)” (Đnl 6,4-5).
Trong Mt 6,9-13, Chúa Giêsu muốn các môn đệ biết
rằng Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời và đất, là Cha, là Đấng yêu thương và chăm
sóc. Đó là lý do tại sao điều quan trọng nhất đối với con cái của Ngài, trước
tiên phải tìm kiếm Danh, Vương quốc và thánh ý của Ngài.
Thánh vịnh 24,1 khẳng định: “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn
loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư”. Trái đất này, thế giới này,
nhân loại này thuộc về Chúa và “Thiên
Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16).
Thiên Chúa yêu thương thế giới Ngài tạo dựng,
thế giới đang bị thương tổn vì đại dịch Covid-19. Như thế: “Nước Cha trị đến”
có nghĩa là gì?
Những dấu hiệu của Nước Trời vào thời điểm này
là gì? Thánh Ý Thiên Chúa lúc này là gì? Trả lời cho những câu hỏi vừa nêu có lẽ
ở Lời dạy của Chúa Giêsu liên quan đến sự sống của chúng ta: cơm bánh hằng
ngày, tha thứ, bảo vệ chúng ta khỏi sa ngã và giải thoát khỏi sự dữ.
Chúng ta nhớ rằng thính giả trực tiếp của Chúa
Giêsu đa số là những người nghèo khổ, đói khát và bệnh tật và những người sống
bên lề xã hội.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chúng ta nên
suy gẫm lại những lời dạy của Chúa chúng ta, “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mt 6,11):
nghĩa đen hiển nhiên là cơm bánh, nhưng cơm bánh đó là quà tặng của Thiên Chúa.
Nhiều người trong chúng ta, khi cầu nguyện, có lẽ sẽ không nghĩ như thế, bởi vì
trước đây chúng ta biết cách và nơi chốn để tìm kiếm lương thực: trong siêu thị
hay chỉ trong tủ lạnh của chúng ta.
Những lời của Chúa Giêsu đối với những người
cùng thời với Ngài, tìm kiếm cơm bánh hằng ngày là một nỗi lo lắng mạnh mẽ hơn
bao giờ hết. Kiếm được “bánh hằng ngày” là cuộc đấu tranh cho sự sống. Khủng hoảng
Covid-19 tạo ra thực trạng đói kém, mất thu nhập và nợ nần ngày càng trở nên
nghiêm trọng hơn về phương diện kinh tế, ảnh hưởng đến những người nghèo nhất
cũng như nhiều thành phần khác trong xã hội.
Công nhân có thể không còn kiếm được bữa ăn của
họ và cho gia đình họ. Mọi người đang mất việc làm và lâm vào cảnh nợ nần.
Thương mại bị gián đoạn. Những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm người vô
gia cư, người di cư và người tị nạn, phải vật lộn khi các dịch vụ hỗ trợ lần lượt
biến mất. Cha mẹ băn khoăn không biết sẽ cho con cái ăn uống như thế nào.
Đại dịch Covid mời tất cả chúng ta đặt câu hỏi
“Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”
có ý nghĩa gì? Thật khó trả lời, còn nhiều câu hỏi khác cần được mỗi người
chúng ta, con cái và anh em trong Thiên Chúa, dành thời gian suy gẫm và tìm ra
một ý nghĩa theo đức tin, tình yêu và hy vọng của Chúa Giêsu.
- Điều gì đang xảy ra
xung quanh chúng ta trong những thời điểm Covid-19 này?
- Những
dấu chỉ của Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta trong thời điểm khó khăn này là gì?
- Những ai đang lo lắng
về cơm bánh hằng ngày, mất thu nhập và nợ nần ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối
với những người đang bị nhiễm bệnh, những người đang tổn thương trong cộng đồng
của chúng ta?
- Giáo hội chúng phải phải
làm gì trong lúc này? Tại sao? Làm thế nào chúng ta, với tư cách là con cái của
Giáo hội đóng góp theo những cách khác nhau cho hoàn cảnh hiện nay?
THAY LỜI
KẾT LUẬN
Có lẽ không phải là lúc chúng ta nghĩ đến những
lời kết luận thông thường, vì đại dịch vẫn còn đó. Nhiều nhạc sĩ Công giáo đã
dùng tài năng của họ cho chúng ta những lời cầu nguyện có ý nghĩa.
Hát là hai lần cầu nguyện như lời thánh
Augustinô; xin được trích dẫn nơi đây bài thánh ca “Nguyện Cầu Chúa Thương (Lời
nguyện trong cơn đại dịch)” của Thừa Sai, do ca sĩ Vũ Phong Vũ trình bày[6]:
1. Lạy Thiên
Chúa là Cha, Ngài là Đấng giàu lòng nhân hậu. Nay chúng con kêu cầu, xin Ngài
xót thương nhìn thấu. Khắp nơi trên địa cầu, dịch bệnh ngày càng lan mau. Bao
nhiêu kẻ cơ cầu, đau thương khốn cùng Chúa ơi!
2. Lạy Thiên
Chúa từ nhân, Ngài là Đấng tạo dựng gian trần. Nay thế gian nguy nạn, đắm chìm
trong cơn khốn khó. Biết bao nhiêu thảm họa, bệnh dịch ngày càng lan nhanh.
Trông mong Chúa nhân hiền ra tay che chở chúng con.
3. Lạy Thiên
Chúa là Cha, tình Ngài vẫn ngàn đời vững bền. Xin xóa tan nghi ngờ, tình người
kiêu căng thờ ơ. Biết yêu thương nhau nhiều, đừng vì lợi lộc xa hoa. Yêu như
Chúa đã từng hy sinh cứu chuộc thế nhân.
ĐK: Vạn lạy Chúa! Xin thương con cái của Ngài. Và thế giới
mà Chúa đã tạo dựng nên. Ngài là Đấng xót thương, nhận hậu, bao dung, tha thứ.
Là Chúa cả trời đất, xin ngăn chặn thảm họa này. Vì ngoài mình Chúa ra, không
có Ngài, chẳng ai có thể cứu chúng con.
Trích Bản tin Hiệp
Thông / HĐGMVN, Số 128
(Tháng 3 & 4 năm 2022)
[1] Aleteia, “Épidémie du coronavirus ou épidémie de peur
? ” (Pascal Roland). https://fr.aleteia.org/2020/03/02/epidemie-du-coronavirus-ou-epidemie-de-
peur-sinterroge-leveque-de-belley-ars/.
[3] Trong Tin mừng theo thánh Máccô, biển có giá trị ẩn dụ
rõ ràng, biểu đạt các thế lực đen tối chống lại Thiên Chúa hằng sống. Máccô thiết
lập mối liên hệ thể lý giữa Chúa Giêsu và biển cả: trên bờ biển Galilê, Ngài gọi
các môn đệ (Mc 1,16-20; 2,13-14), giảng dạy các dụ ngôn (Mc 4,1-34) và làm nhiều
phép lạ chữa lành. Mc 4,37-41; 6,47-52 và 8,14-21 là ba đoạn văn diễn tả các
phép lạ khi ngang qua biển. Ba hành trình đi vào nội tâm của đức tin như ba
ngày Ngài Phục sinh và rời khỏi mộ.
[4] LEENHARDT, Franz Jehan. L’Epĩtre de saint Paul aux Romains. 3e éd. Genève: Labor et Fides,
1995, tr. 136-137.
[5] GOLDINGAY John, The Theology of the book of Isaiah, IVP Academic (InterVarsity Press),
2014, tr. 63-64.