Hình: Vatican Media
WHĐ (10.01.2022) - Sáng ngày 09. 01. 2023, như thông lệ hàng
năm, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với khoảng 183 đại diện ngoại giao của các
nước và các tổ chức quốc tế có quan hệ ngoại giao với Toà Thánh.
Mở đầu cuộc gặp gỡ, đại sứ Cộng hoà Sýp, ông George Poulides, niên trưởng
ngoại giao đoàn đã đại diện mọi người có lời chào mừng và chúc sức khoẻ Đức
Thánh Cha. Để đáp từ, Đức Thánh Cha đã có bài Diễn văn đề cập đến nhiều vấn đề
nổi cộm của thế giới và đề nghị những hướng đi để xây dựng hòa bình.
Dưới đây là nội dung Bài Diễn văn của Đức Thánh Cha
Hình: Vatican Media
Kính thưa quý vị, thưa quý bà và
quý ông!
Tôi cảm ơn sự hiện diện của quý vị
tại cuộc gặp gỡ thường niên của chúng ta, mà năm nay mong muốn trở thành lời
kêu gọi hòa bình trong một thế giới đang chứng kiến sự chia rẽ và chiến tranh
ngày càng gia tăng.
Tôi đặc biệt biết ơn ngài George
Poulides, niên trưởng ngoại giao đoàn, đã thay mặt mọi người dành cho tôi những
lời cầu chúc thật tốt đẹp. Tôi xin gửi lời chào tới từng người, tới gia đình, tới
các cộng tác viên của quý vị, cũng như tới nhân dân và chính phủ của các quốc
gia mà quý vị đại diện. Đối với quý vị, và tất cả lãnh đạo các quốc gia của quý
vị, tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn vì những lời phân ưu đã gửi tới vì sự qua
đời của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, và vì sự gần gũi thể hiện trong
tang lễ của ngài.
Chúng ta vừa kết thúc mùa Giáng
Sinh, trong đó các Kitô hữu tưởng niệm mầu nhiệm Con Thiên Chúa ra đời, được
ngôn sứ Isaia báo trước bằng những lời sau: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho
ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu,
Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9, 5).
Sự hiện diện của quý vị là dấu chỉ
cho thấy tầm quan trọng của hòa bình và tình huynh đệ nhân loại mà đối thoại
giúp xây dựng. Mặt khác, nhiệm vụ của ngoại giao chính xác là giải quyết xung đột
để thúc đẩy bầu khí hợp tác và tin tưởng lẫn nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu
chung. Có thể nói, ngoại giao là một bài tập khiêm tốn, vì nó đòi hỏi phải hy
sinh một chút tự ái để bước vào mối tương quan với người khác, để hiểu suy nghĩ
và quan điểm của họ, như vậy trái ngược với sự kiêu hãnh và ngạo mạn của con
người, vốn là nguyên nhân của mọi ý muốn hiếu chiến.
Tôi rất biết ơn về sự quan tâm mà
các quốc gia của quý vị dành cho Tòa thánh, đã ghi dấu không ít trong năm qua bởi
các quyết định của Thụy Sĩ, Cộng hòa Congo, Mozambique và Azerbaijan để bổ nhiệm
các Đại sứ thường trú tại Roma, cũng như từ việc ký kết các hiệp định song
phương mới với Cộng hòa Dân chủ São Tomé và Príncipe và với Cộng hòa
Kazakhstan.
Ở đây tôi cũng muốn nhắc lại rằng,
trong bối cảnh đối thoại mang tính xây dựng và tôn trọng, Tòa Thánh và Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa đã đồng ý gia hạn thêm 2 năm hiệu lực của Thỏa thuận tạm thời
về việc bổ nhiệm Giám mục, được quy định tại Bắc Kinh vào năm 2018. Tôi hy vọng
rằng mối quan hệ hợp tác này có thể phát triển, vì lợi ích của Giáo hội Công
giáo và của người dân Trung Hoa.
Đồng thời, một lần nữa tôi cũng
xin đảm bảo với quý vị về sự hợp tác đầy đủ của Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh và
các Bộ của Giáo triều Rôma. Với việc ban hành Tông hiến mới Praedicate
Evangelium (Anh em hãy rao giảng Tin Mừng), Giáo triều đã được cải cách trong một số cơ cấu, để chu toàn chức
năng của mình “với tinh thần Phúc âm, hoạt
động vì thiện ích và phục vụ sự hiệp thông, hiệp nhất và xây dựng Giáo hội hoàn
vũ, đồng thời cũng chú ý đến những đòi hỏi của thế giới trong đó Giáo hội được
kêu gọi chu toàn sứ mạng của mình”Hình: Vatican Media
Kính thưa quý Đại sứ,
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 60 năm
Thông điệp Pacem in Terris (Hoà bình dưới thế) của Thánh
Gioan XXIII, được ban hành chưa đầy 2 tháng trước khi ngài qua đời[2].
Trong tâm trí của “vị Giáo hoàng tốt lành” là hiểm họa chiến
tranh hạt nhân, gây ra vào tháng 10. 1962, với cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Nhân loại suýt tự hủy diệt nếu
không có sự thành công trong việc dành ưu tiên cho đối thoại, với ý thức về những
hậu quả của vũ khí nguyên tử.
Rất tiếc là ngày nay cũng vậy, mối
đe dọa hạt nhân lại gia tăng, và thế giới lại một lần nữa chìm trong sợ hãi và
đau khổ. Tôi chỉ có thể tái khẳng định rằng việc sở hữu vũ khí nguyên tử là vô
đạo đức, vì, như Đức Gioan XXIII đã nhận xét, “mặc dù khó tin rằng có ai đó dám nhận trách nhiệm khởi xướng sự tàn phá
và hủy diệt kinh hoàng mà chiến tranh sẽ gây ra, không thể phủ nhận rằng đám
cháy có thể được bắt đầu bởi một số tình huống không thể kiểm soát và không lường
trước được”[3].
Từ quan điểm này, sự bế tắc trong
các cuộc đàm phán liên quan đến việc khởi động lại Kế hoạch hành động toàn diện chung, hay còn gọi là Thỏa thuận hạt
nhân Iran, là mối quan tâm đặc biệt. Tôi hy vọng rằng có thể đạt được một giải
pháp cụ thể càng sớm càng tốt để đảm bảo một tương lai an toàn hơn.
Ngày nay, chiến tranh thế giới thứ
ba đang diễn ra trong một thế giới toàn cầu hóa, trong đó các cuộc xung đột chỉ
ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu vực nhất định trên hành tinh, nhưng thực tế
là liên quan đến tất cả mọi người. Ví dụ, gần nhất và mới đây nhất chính là cuộc
chiến ở Ukraine, với hậu quả là chết chóc và hủy diệt, với những cuộc tấn công
vào cơ sở hạ tầng dân sự khiến người dân thiệt mạng không chỉ vì bom đạn và bạo
lực, mà còn vì đói và lạnh. Về vấn đề này, Hiến chế công đồng Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng)
tuyên bố rằng “mọi hành động chiến tranh
nhằm mục đích phá hủy bừa bãi toàn bộ các thành phố, hoặc các khu vực rộng lớn
và cư dân là một tội ác chống lại Thiên Chúa và nhân loại đáng bị lên án một
cách mạnh mẽ và dứt khoát” (Số 80). Chúng ta không được quên rằng chiến
tranh đặc biệt ảnh hưởng đến những người yếu đuối nhất – trẻ em, người già, người
tàn tật – và để lại dấu ấn không thể xóa nhòa đối với các gia đình. Hôm nay,
tôi cảm thấy buộc phải lập lại lời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột
vô nghĩa này, mà những tác động của nó đang ảnh hưởng đến toàn bộ các khu vực,
thậm chí bên ngoài Châu Âu, do những hậu quả mà nó gây ra trong các lãnh vực
năng lượng và sản xuất lương thực, trên hết là tại Châu Phi và Trung Đông.
Cuộc chiến tranh thế giới thứ ba
diễn ra từng phần hiện nay cũng khiến chúng ta phải xem xét các khu vực căng thẳng
và xung đột khác. Cũng trong năm nay, với quá nhiều đau thương, chúng ta phải
nhìn về vùng đất bị chiến tranh tàn phá là Syria. Sự tái sinh của đất nước đòi
trải qua những cải cách cần thiết, bao gồm cả cải cách hiến pháp, nhằm mang lại
hy vọng cho người dân Syria, vốn là những người đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng
nghèo đói ngày càng gia tăng, đồng thời tránh để các biện pháp trừng phạt quốc
tế áp đặt gây tác động đến cuộc sống hàng ngày của người dân, vốn đã phải chịu
quá nhiều đau khổ.
Tòa Thánh cũng theo dõi với mối
lo ngại về sự gia tăng bạo lực giữa người Palestine và người Israel, với hậu quả
nghiêm trọng là có nhiều nạn nhân và sự hoàn toàn mất lòng tin lẫn nhau.
Giêrusalem, thành phố linh thiêng của người Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo, đặc
biệt bị ảnh hưởng bởi điều này. Tên Giêrusalem gợi lên sứ mạng trở thành một
thành phố hòa bình, nhưng thật đáng tiếc, đó lại là nơi diễn ra các cuộc đụng độ.
Tôi tin tưởng rằng Giêrusalem có thể tái khám phá ơn gọi này như một địa điểm
và là biểu tượng của sự gặp gỡ và chung sống hòa bình, ngoài ra, việc tiếp cận
và tự do thờ phượng các Nơi Thánh sẽ tiếp tục được đảm bảo và tôn trọng theo nguyên trạng. Đồng thời, tôi mong
các cơ quan chức năng của Nhà nước Israel và Nhà nước Palestine lấy lại can đảm
và quyết tâm tham gia đối thoại trực tiếp nhằm thực hiện giải pháp hai nhà nước
trên mọi phương diện, phù hợp với với luật pháp quốc tế và với tất cả các nghị quyết
liên quan của Liên hiệp quốc.
Như quý vị đã biết, vào cuối
tháng, cuối cùng tôi sẽ có thể đến Cộng hòa Dân chủ Congo với tư cách là một
người hành hương hòa bình, với hy vọng rằng bạo lực ở phía đông đất nước sẽ chấm
dứt, và con đường đối thoại và ý chí làm việc vì an ninh và công ích sẽ thắng
thế. Cuộc hành hương sẽ tiếp tục ở Nam Sudan, nơi tôi sẽ đi cùng với Đức Tổng
Giám mục Canterbury và Đức Tổng Điều hành Giáo hội Trưởng lão Scotland. Chúng
tôi cùng hiệp nhất với lời kêu gọi hòa bình của nhân dân và góp phần vào tiến
trình hòa giải dân tộc.
Chúng ta cũng không được quên những
tình huống khác trong đó hậu quả của những cuộc xung đột chưa được giải quyết vẫn
tiếp tục đè nặng. Tôi đặc biệt nghĩ đến tình hình ở Nam Kavkaz. Tôi kêu gọi các
bên tôn trọng lệnh ngừng bắn, tái khẳng định rằng việc trả tự do cho các tù
nhân quân sự và dân sự sẽ là một bước quan trọng hướng tới một thỏa thuận hòa
bình mong muốn.
Tôi cũng đang nghĩ đến Yemen, nơi
thỏa thuận ngừng bắn đạt được vào tháng 10 năm ngoái, nhưng nhiều dân thường vẫn
tiếp tục chết vì bom mìn; và Ethiopia, nơi tôi hy vọng rằng tiến trình hòa bình
sẽ tiếp tục và cam kết của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết cuộc khủng
hoảng nhân đạo đang ảnh hưởng đến đất nước.
Tôi cũng quan tâm sâu sắc đến
tình hình ở Tây Phi, ngày càng bị tàn phá bởi các hành động bạo lực khủng bố.
Tôi đặc biệt nghĩ đến những bi kịch mà người dân Burkina Faso, Mali và Nigeria
đã trải qua, và tôi hy vọng rằng các tiến trình chuyển đổi đang tiến hành ở
Sudan, Mali, Chad, Guinea và Burkina Faso sẽ diễn ra phù hợp với nguyện vọng
chính đáng của người dân có liên quan.
Tôi đặc biệt chú ý theo dõi tình
hình ở Myanmar, nơi đã trải qua bạo lực, đau khổ và chết chóc từ 2 năm nay. Tôi
mời cộng đồng quốc tế làm việc để cụ thể hóa các tiến trình hòa giải, và tôi
kêu gọi tất cả các bên liên quan tiếp tục con đường đối thoại mới, để khôi phục
lại niềm hy vọng cho người dân của vùng đất thân yêu đó.
Cuối cùng, tôi nghĩ đến Bán đảo
Triều Tiên, nơi mà tôi hy vọng rằng thiện chí và cam kết hòa giải sẽ không thất
bại, để xây dựng nền hòa bình và thịnh vượng mà toàn thể người dân Triều Tiên rất
mong muốn.
Tuy nhiên, tất cả các cuộc xung đột
đều dẫn đến những hậu quả chết người của việc liên tục sử dụng đến việc sản xuất
vũ khí mới và ngày càng tinh vi hơn, đôi khi được biện minh với lý do là “hòa bình không thể được đảm bảo ngoại trừ
trên cơ sở cân bằng vũ khí”[4]. Cần phải thay đổi lối
nghĩ này và hướng tới sự giải trừ quân bị toàn diện, vì không thể có hòa bình
khi các công cụ chết chóc tràn lan.
Hình: Vatican Media
Kính thưa quý Đại sứ,
Trong thời điểm đầy mâu thuẫn như
vậy, chúng ta không thể không băn khoăn về việc làm thế nào để nối lại những sợi
chỉ hòa bình. Chúng ta phải bắt đầu ở đâu?
Để phác thảo câu trả lời, tôi muốn
giới thiệu với quý vị một số yếu tố của Thông điệp Pacem in Terris, một bản văn hết sức hợp thời, mặc dù phần lớn bối
cảnh quốc tế đã thay đổi. Đối với Thánh Gioan XXIII, hòa bình có thể thực hiện
được dưới ánh sáng của 4 điều thiện cơ bản: sự thật, công lý, liên đới, và tự
do. Đây là những nền tảng điều chỉnh cả mối tương quan giữa các cá nhân và giữa
các cộng đồng chính trị[5].
Các chiều kích này đan xen với
nhau trong tiền đề cơ bản rằng “mỗi con
người là một cá vị, sở hữu một bản chất được phú cho trí thông minh và ý chí tự
do. Do đó, mỗi người là chủ thể của các quyền và nghĩa vụ phát sinh do hệ quả
trực tiếp và đồng thời từ chính bản chất của họ. Các quyền và nghĩa vụ này là
phổ quát, bất khả xâm phạm, và bất khả nhượng”[6].
Hình: Vatican Media
Hòa bình trong sự thật
Xây dựng hòa bình trong sự thật
trước hết có nghĩa là tôn trọng con người với “quyền sống và sự toàn vẹn về thể chất”[7],
và bảo đảm “quyền tự do trong việc tìm kiếm
sự thật, quyền tự do ngôn luận, và truyền bá tư tưởng của mình”[8].Điều này đòi hỏi các cơ quan
công quyền phải “đóng góp tích cực vào việc
tạo ra một môi trường nhân bản, trong đó các cá nhân có thể vừa bảo vệ các quyền,
vừa thực hiện nghĩa vụ tương ứng của mình một cách dễ dàng”[9].
Bất chấp các cam kết của tất cả
các quốc gia nhằm tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của mỗi người,
ngày nay, ở nhiều quốc gia, phụ nữ vẫn bị coi là công dân hạng hai. Họ phải chịu
bạo lực và lạm dụng, bị từ chối cơ hội học tập, làm việc, thể hiện tài năng, tiếp
cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và thậm chí cả thực phẩm. Trái lại, ở những nơi
mà quyền con người được công nhận đầy đủ cho tất cả mọi người, phụ nữ có thể cống
hiến những đóng góp không thể thay thế của họ cho đời sống xã hội và trở thành
đồng minh đầu tiên của hòa bình.
Trên hết, hòa bình đòi hỏi chúng
ta phải bảo vệ sự sống, một điều tốt đẹp mà ngày nay đang bị đe dọa không chỉ bởi
các cuộc xung đột, đói kém và bệnh tật, mà còn quá thường xuyên ngay cả khi còn
trong bụng mẹ, thông qua việc cổ xúy cho “quyền
được phá thai”. Tuy nhiên, không ai có thể tước quyền đối với mạng sống của
người khác, nhất là của người bất lực, và do đó hoàn toàn không có khả năng tự
vệ. Do đó, tôi kêu gọi lương tâm của những người nam nữ thiện chí, đặc biệt là
những người có trách nhiệm chính trị, hãy hành động để bảo vệ quyền của những
người yếu thế nhất và chống lại nền văn hóa vứt bỏ, vốn gây ảnh hưởng một cách
bi thảm đến người bệnh, người tàn tật và người già. Trách nhiệm chính của các
Quốc gia là đảm bảo hỗ trợ công dân ở mọi giai đoạn của cuộc đời con người, cho
đến cái chết tự nhiên, đảm bảo rằng mọi người đều cảm thấy được đồng hành và
chăm sóc, ngay cả trong những thời khắc mong manh nhất của cuộc đời họ.
Quyền sống cũng bị đe dọa ở những
nơi mà án tử hình vẫn tiếp tục được áp dụng, như đang xảy ra trong những ngày
này ở Iran, sau các cuộc biểu tình gần đây kêu gọi tôn trọng hơn đối với phẩm
giá của phụ nữ. Án tử hình không thể được sử dụng cho một công lý Nhà nước có
chủ đích, vì nó không có tác dụng răn đe, cũng như không mang lại công lý cho
các nạn nhân, mà chỉ thúc đẩy khát khao trả thù. Vì vậy, tôi kêu gọi rằng án tử
hình, vốn luôn luôn không thể chấp nhận được vì nó đe dọa đến sự bất khả xâm phạm
và phẩm giá của con người, phải bị bãi bỏ trong luật pháp của tất cả các quốc
gia trên thế giới. Chúng ta không thể quên sự thật rằng cho đến giây phút cuối
cùng, một người vẫn có thể hối cải và thay đổi.
Thật không may, một “nỗi sợ hãi” về cuộc sống dường như đang
xuất hiện ngày càng nhiều, tại nhiều nơi nó biến thành nỗi sợ hãi về tương lai,
dẫn đến khó khăn trong việc lập gia đình và đưa con cái vào thế giới. Trong một
số bối cảnh, tôi nghĩ đến nước Ý chẳng hạn, tỷ lệ sinh đang giảm một cách
nghiêm trọng, một mùa đông nhân khẩu học thực sự, gây nguy hiểm cho chính tương
lai của xã hội. Đối với nhân dân Ý yêu quý, tôi muốn lặp lại lời khích lệ là
hãy kiên cường đối diện với những thách thức của thời điểm hiện tại, và hy vọng
khơi dậy sức mạnh từ cội nguồn tôn giáo và văn hóa của họ.
Nỗi sợ hãi được nuôi dưỡng trong
sự thiếu hiểu biết và định kiến, và do đó dễ biến thành xung đột. Giáo dục là
thuốc giải độc cho điều này. Tòa thánh thúc đẩy một tầm nhìn toàn diện về giáo
dục, trong đó “việc trau dồi các giá trị
tôn giáo có thể bắt kịp với kiến thức khoa học và không ngừng nâng cao tiến bộ
kỹ thuật”[10]. Công tác giáo dục luôn đòi
hỏi sự tôn trọng toàn diện đối với con người, đối với diện mạo tự nhiên của họ,
và tránh áp đặt một nhãn quan mới và mơ hồ về con người. Điều này đòi hỏi phải
tích hợp các tiến trình phát triển con người, tinh thần, trí tuệ và nghề nghiệp,
cho phép con người thoát khỏi nhiều hình thức nô lệ và, đảm nhận vị trí của
mình trong xã hội một cách tự do và có trách nhiệm. Theo nghĩa này, không thể
chấp nhận được việc một bộ phận người dân bị loại khỏi giáo dục, như đang xảy
ra với phụ nữ Afghanistan.
Giáo dục đang phải gánh chịu một
cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn do hậu quả tàn khốc của đại dịch và bởi viễn cảnh
địa chính trị đáng lo ngại. Về vấn đề này, Hội nghị thượng đỉnh về Chuyển đổi
giáo dục do Tổng thư ký Liên hiệp quốc triệu tập tại New York vào tháng 9 năm
ngoái đã mang đến cơ hội nổi bật để các Chính phủ áp dụng những chính sách dũng
cảm nhằm giải quyết “thảm họa giáo dục”
hiện nay và đưa ra những quyết định cụ thể nhằm đạt được chất lượng giảng dạy
cho tất cả mọi người vào năm 2030. Mong các chính phủ có đủ can đảm để đảo ngược
mối quan hệ đáng xấu hổ và không cân xứng giữa chi tiêu công dành cho giáo dục
và quỹ dành cho vũ khí!
Hòa bình cũng đòi hỏi sự nhìn nhận
toàn cầu về tự do tôn giáo. Điều đáng lo ngại là nhiều người đang bị đàn áp chỉ
vì họ công khai tuyên xưng đức tin của mình, và tại nhiều quốc gia, quyền tự do
tôn giáo bị hạn chế. Khoảng 1/3 dân số thế giới sống trong tình trạng này. Cùng
với việc thiếu tự do tôn giáo, còn có sự đàn áp vì lý do tôn giáo. Tôi không thể
không nhắc đến, như một số thống kê cho thấy, cứ 7 Kitô hữu thì có 1 người bị
bách hại. Về vấn đề này, tôi bày tỏ hy vọng rằng Đặc phái viên mới của Liên minh
Châu Âu (EU- European Union) về thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng bên
ngoài EU, sẽ bố trí các nguồn lực và phương thế cần thiết để thực hiện đầy đủ
nhiệm vụ của mình.
Đồng thời, đừng quên rằng bạo lực
và phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu cũng đang gia tăng ở các quốc gia mà
Kitô hữu không phải là thiểu số. Tự do tôn giáo cũng bị đe dọa khi các tín hữu
thấy quyền thể hiện niềm tin của họ trong đời sống xã hội bị hạn chế do việc hiểu
sai về tính dung nạp. Tự do tôn giáo, không thể giản lược thành tự do thờ phượng
đơn thuần, vốn là một trong những đòi hỏi tối thiểu để được sống xứng với nhân
phẩm. Các chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ quyền này và đảm bảo rằng mỗi người,
tương ứng với công ích, đều có cơ hội để hành động theo lương tâm, kể cả trong
phạm vi công cộng và khi thực hành nghề nghiệp của họ.
Tôn giáo cung cấp cơ hội hiệu quả
để đối thoại, gặp gỡ giữa các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau. Quốc hội
Timor-Leste đã làm chứng cho điều này trong quyết định nhất trí phê duyệt Văn
kiện về Tình huynh đệ Nhân loại mà tôi đã ký với Đại Imam của Al-Azhar vào năm
2019, và bằng việc đưa Văn kiện vào chương trình của các tổ chức văn hóa và
giáo dục quốc gia. Cá nhân tôi đã có thể trải nghiệm điều này trong chuyến thăm
Kazakhstan vào tháng 9 năm ngoái nhân dịp tham dự Đại hội lần thứ VII của các
nhà Lãnh đạo Tôn giáo Thế giới và Truyền Thống, trong đó, tôi đã chia sẻ một số
mối quan tâm về thời đại của chúng ta và trực tiếp trải nghiệm rằng “không phải là một vấn đề, nhưng là một phần
của giải pháp cho một cuộc sống hài hòa hơn trong xã hội”[11]. Một điều quan trọng
không kém là chuyến viếng thăm Bahrain của tôi, nơi đã tạo ra một bước tiến mới
xa hơn trong hành trình của các tín hữu Kitô giáo và Hồi giáo.
Người ta thường đổ lỗi cho tôn
giáo về những xung đột khác nhau trong gia đình nhân loại, và đôi khi có những
nỗ lực thực sự đáng trách nhằm lợi dụng tôn giáo như là công cụ cho những mục
đích chính trị thuần túy. Tuy nhiên, điều này đi ngược với cách hiểu của Kitô
giáo, vốn coi gốc rễ của mọi xung đột chính là sự mất quân bình của lòng người,
“Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên
trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” như Tin Mừng nhắc nhở (Mc 7,
21). Kitô giáo thúc đẩy hòa bình, vì Kitô giáo khuyến khích hoán cải và thực
hành nhân đức.
Hình: Vatican Media
Hòa bình trong công lý
Xây dựng hòa bình đòi hỏi phải
theo đuổi công lý. Cuộc khủng hoảng năm 1962 đã được ngăn chặn nhờ sự đóng góp
của những người nam nữ thiện chí biết cách tìm ra những giải pháp phù hợp để
ngăn chặn căng thẳng chính trị biến thành một cuộc chiến thực sự. Điều này cũng
có thể thực hiện được nhờ niềm tin rằng các tranh chấp có thể được giải quyết
trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và thông qua các tổ chức đó, chủ yếu là Liên
hiệp quốc, được thành lập sau Thế chiến thứ II và phát triển ngoại giao đa
phương. Thánh Gioan XXIII nhắc lại rằng, “Tổ
chức Liên hiệp quốc có mục tiêu thiết yếu là duy trì và củng cố hòa bình giữa các quốc gia, khuyến khích và hỗ trợ
các mối quan hệ hữu nghị, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau
và hợp tác đa dạng trong mọi lãnh vực”[12].
Cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine
làm rõ hơn cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng lâu dài đến hệ thống đa phương, hệ thống
này cần phải cân nhắc lại sâu sắc để có thể đáp ứng một cách thỏa đáng với những
thách đố của thời đại. Điều này đòi hỏi phải cải cách các cơ quan cho phép
chúng hoạt động, sao cho chúng thực sự đại diện cho các nhu cầu và sự nhạy cảm
của mọi dân tộc, tránh các cơ chế khiến mang lại gánh nặng lớn hơn cho một số
người, gây phương hại cho những người khác. Vì vậy, vấn đề không phải là xây dựng
các khối liên minh, mà là tạo cơ hội cho mọi người có thể đối thoại.
Rất nhiều tốt đẹp có thể đạt được
bằng cách làm việc cùng nhau. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến những sáng kiến đáng ca
ngợi nhằm xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người di cư, chống biến đổi khí hậu, thúc
đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân và cung cấp viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, trong thời
gian gần đây, các diễn đàn quốc tế khác nhau đã chứng kiến sự gia tăng của tình
trạng phân cực và những nỗ lực áp đặt một lối nghĩ duy nhất, ngăn cản đối thoại
và gạt ra ngoài lề những người có suy nghĩ khác. Có nguy cơ trôi dạt, ngày càng
mang bộ mặt của một chủ nghĩa toàn trị về ý thức hệ, chủ nghĩa này thúc đẩy sự
không khoan dung đối với những người bất đồng với những lập trường được cho là
“tiến bộ”, nhưng trên thực tế dường như dẫn đến sự thụt lùi chung của nhân loại,
với sự vi phạm tự do tư tưởng và tự do lương tâm.
Ngoài ra, ngày càng có nhiều nguồn
lực được dành cho việc áp đặt các hình thức thực dân hóa ý thức hệ, nhất là đối
với các nước nghèo hơn, tạo ra mối liên hệ trực tiếp giữa việc cung cấp viện trợ
kinh tế với việc chấp nhận các ý thức hệ đó. Điều này đã làm căng thẳng cuộc
tranh luận trong các tổ chức quốc tế, cản trở những trao đổi hiệu quả và thường
dẫn đến xu hướng giải quyết các vấn đề một cách độc lập và do đó, trên cơ sở
các mối quan hệ quyền lực.
Trong chuyến thăm Canada vào
tháng 7 năm ngoái, tôi đã có thể trực tiếp trải nghiệm những hậu quả của việc
thực dân hóa, đặc biệt là trong các cuộc gặp gỡ những người dân bản địa, những
người đã phải chịu đựng các chính sách đồng hóa trong quá khứ. Bất kỳ nỗ lực
nào nhằm áp đặt các hình thức tư tưởng xa lạ lên các nền văn hóa khác đều mở đường
cho sự đối đầu gay gắt và đôi khi cả bạo lực.
Nhân danh sự đoàn kết “xuất phát từ ý thức rằng chúng ta phải chịu
trách nhiệm về sự mong manh của người khác khi cố gắng xây dựng một tương lai
chung”[13], chúng ta phải
quay trở lại đối thoại, lắng nghe lẫn nhau và đàm phán, đồng thời thúc đẩy
trách nhiệm và hợp tác trong việc tìm kiếm công ích. Những nỗ lực để ngăn chặn
hoặc phủ quyết thảo luận sẽ chỉ làm tăng thêm sự chia rẽ.
Hình: Vatican Media
Hòa bình trong liên đới
Trong Sứ điệp hàng năm dành cho
Ngày Hòa bình Thế giới, tôi đã nhấn mạnh rằng đại dịch Covid-19 đã để lại “nhận thức rằng tất cả chúng ta đều cần đến
nhau”[14]. Con đường hòa bình là
con đường liên đới, vì chẳng ai có thể tự cứu mình. Chúng ta sống trong một thế
giới tương kết đến mức, hành động của mỗi người cuối cùng sẽ gây ra hậu quả cho
mọi người.
Ở đây, tôi muốn lưu tâm đến 3
lãnh vực trong đó mối tương kết này hiệp nhất gia đình nhân loại ngày nay, được
cảm nhận một cách cụ thể, và là những lĩnh vực đặc biệt cần đến tình liên đới
hơn nữa.
Lãnh vực đầu tiên là vấn đề di cư, vốn liên quan đến toàn bộ
các khu vực trên thế giới. Thường thì đó là vấn đề của những người chạy trốn
chiến tranh và ngược đãi, đối diện với những nguy hiểm rộng lớn. Ngoài ra, “mọi người đều có quyền tự do đi lại… di cư
và định cư tại các quốc gia khác”[15] và
phải có khả năng trở về quê hương của mình.
Di cư là một vấn đề mà chúng ta
không thể “tiến hành theo thứ tự ngẫu
nhiên”. Để hiểu điều này, chỉ cần nhìn vào Địa Trung Hải, nơi đã trở thành
một nghĩa trang khổng lồ. Những sinh mạng bị mất đó là biểu tượng của sự sụp đổ
của nền văn minh, như tôi đã lưu ý trong chuyến tông du Malta vào mùa xuân năm
ngoái. Tại châu Âu, cần khẩn trương củng cố khung pháp lý, thông qua việc phê
duyệt Hiệp ước mới về Di cư và Tị nạn, để có thể thực hiện các chính sách phù hợp
nhằm tiếp nhận, đồng hành, thúc đẩy, và hội nhập người di cư. Đồng thời, tình
liên đới đòi hỏi các hoạt động hỗ trợ và chăm sóc cần thiết cho những người bị
đắm tàu không hoàn toàn là gánh nặng của người dân ở các điểm cập bến chính.
Lãnh vực thứ hai liên quan đến nền kinh tế và công việc. Các cuộc khủng
hoảng trong những năm gần đây đã làm nổi bật những giới hạn của một hệ thống
kinh tế hướng đến việc tạo ra lợi nhuận cho một số ít, hơn là tạo cơ hội mang lại
lợi ích cho số đông; một nền kinh tế tập trung vào tiền hơn là sản xuất hàng
hóa hữu ích. Điều này đã tạo ra nhiều doanh nghiệp mong manh hơn và thị trường
lao động bất bình đẳng hơn. Cần phải khôi phục phẩm giá trong kinh doanh và lao
động, chống lại mọi hình thức bóc lột dẫn đến việc coi người lao động như một
món hàng, vì “không có công việc xứng
đáng và được trả lương công bằng, nhiều
người trẻ không thực sự trưởng thành, và sự bất bình đẳng gia tăng”[16].
Lãnh vực thứ ba là chăm sóc ngôi nhà chung. Chúng ta liên tục
chứng kiến hậu quả của biến đổi khí hậu và những tác động nghiêm trọng của
chúng đối với cuộc sống của toàn bộ người dân, cả về sự tàn phá mà đôi khi biến
đổi khí hậu gây ra, như trường hợp của Pakistan tại các khu vực bị lũ lụt, nơi
vẫn tiếp tục bùng phát dịch bệnh do nước tù đọng gia tăng; hoặc ở những khu vực
rộng lớn của Thái Bình Dương, nơi mà sự nóng lên toàn cầu đã gây ra vô số thiệt
hại cho hoạt động đánh bắt cá, vốn là nền tảng cuộc sống hàng ngày của toàn bộ
dân cư; hoặc ở Somalia và toàn bộ vùng Sừng châu Phi, nơi hạn hán đang gây ra nạn
đói trầm trọng; và trong những ngày gần đây ở Hoa Kỳ, nơi những trận bão tuyết
bất ngờ và dữ dội đã khiến một số người thiệt mạng.
Mùa hè năm ngoái, Tòa thánh đã
quyết định tham gia Công ước khung Liên hiệp quốc về Biến Đổi Khí Hậu, như một
phương thế hỗ trợ tinh thần cho những nỗ lực hợp tác của tất cả các quốc gia,
phù hợp với trách nhiệm và khả năng tương ứng của họ, nhằm đưa ra một giải pháp
hiệu quả và phù hợp với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Hy vọng rằng
các bước được thực hiện tại COP27, với việc thông qua Kế hoạch thực hiện Sharm
el-Sheikh, dù còn hạn chế, vẫn có thể nâng cao nhận thức của toàn nhân loại đối
với một vấn đề cấp bách không thể trốn tránh được nữa. Tuy nhiên, các mục tiêu
đầy hứa hẹn đã được thống nhất trong Hội nghị về Đa dạng Sinh học của Liên hiệp
quốc (COP15), được tổ chức tại Montreal vào tháng trước.
Hình: Vatican Media
Hòa bình trong tự do
Cuối
cùng, xây dựng hòa bình đòi hỏi không được có chỗ cho “sự vi phạm tự do, toàn vẹn và an ninh của các quốc gia khác, bất kể việc
mở rộng lãnh thổ hoặc khả năng phòng thủ của họ”[17].
Điều này chỉ có thể xảy ra nếu, trong mỗi cộng đồng đơn lẻ, không tồn tại loại
văn hóa áp bức và xâm lược, trong đó người thân cận bị coi là kẻ thù để tấn
công, hơn là anh chị em để chào đón và chấp nhận[18].
Nguyên nhân gây lo ngại là tại
nhiều nơi trên thế giới, nền dân chủ và phạm vi tự do mà nó tạo ra đang suy yếu,
ngay cả với những hạn chế của bất kỳ hệ thống nào của con người. Chính phụ nữ
hoặc các dân tộc thiểu số thường phải trả giá, cũng như sự cân bằng của toàn bộ
xã hội, trong đó tình trạng bất ổn dẫn đến căng thẳng xã hội và thậm chí là
xung đột vũ trang.
Trong nhiều lãnh vực, một dấu hiệu
cho thấy sự suy yếu của nền dân chủ là sự phân cực chính trị và xã hội ngày
càng tăng, không giúp giải quyết các vấn đề cấp bách của công dân. Tôi đang
nghĩ đến các cuộc khủng hoảng chính trị khác nhau tại các quốc gia ở Châu Mỹ, với
vô số căng thẳng và các hình thức bạo lực làm trầm trọng thêm các xung đột xã hội.
Đặc biệt, tôi muốn nói đến những gì đã xảy ra gần đây ở Peru, và trong những giờ
mới nhất, ở Brazil, và tình hình đáng lo ngại ở Haiti, nơi mà các bước cuối
cùng đang được thực hiện để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đã diễn ra
trong một thời gian. Luôn luôn có nhu cầu phải vượt qua lối suy nghĩ đảng phái
và hướng tới việc xây dựng công ích.
Tôi cũng đang theo sát tình hình ở
Libăng, nơi vẫn đang chờ cuộc bầu cử Tổng thống mới của nước Cộng hòa. Tôi hy vọng
rằng tất cả các bên tham gia chính trị sẽ cam kết giúp đất nước phục hồi sau
tình hình kinh tế và xã hội đầy kịch tính mà đất nước hiện đang trải qua.
Hình: Vatican Media
Kính thưa quý vị,
Thật tuyệt vời biết bao nếu chúng
ta có thể quy tụ lại chỉ để tạ ơn Thiên Chúa Toàn năng vì những ơn lành Ngài
luôn ban cho chúng ta, mà không cần phải liệt kê tất cả những sự kiện bi thảm
đang hoành hành trên thế giới. Như Đức Gioan XXIII đã nói: “Thế nhưng, thật hợp lý khi vẫn hy vọng rằng,
bằng cách gặp gỡ và đàm phán, các quốc gia sẽ nhận thức rõ hơn về những mối
liên tự nhiên ràng buộc họ với nhau như những người nam và nữ. Chúng ta cũng hy
vọng rằng họ sẽ nhận thức một cách công bằng hơn về một trong những nhiệm vụ cơ
bản bắt nguồn từ bản chất chung của chúng ta: đó là tình yêu, chứ không phải sự
sợ hãi, phải chi phối các mối tương quan giữa các cá nhân và giữa các quốc gia.
Đặc điểm cơ bản của tình yêu là nó lôi kéo mọi người lại với nhau bằng mọi
cách, hiệp nhất chân thành với nhau trong mối tương quan của tinh thần và vật
chất; và đây là sự kết hợp mà từ đó tuôn trào muôn phúc lành”[19].
Với những tâm tình này, tôi xin gửi
đến quý vị và các quốc gia mà quý vị đại diện những lời chúc tốt đẹp, chân
thành nhất cho năm mới.
Xin cảm ơn quý vị!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (09.
01. 2023)
[11] Diễn văn trước Phiên họp toàn thể của Đại hội VII Lãnh đạo các Tôn
giáo Thế giới và Truyền thống, Astana, ngày 14 tháng 9 năm 2022.
[19] Pacem in Terris, 129.