ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI: Ý NGHĨA TAM NHẬT TUẦN THÁNH
Linh Tiến Khải
Sáng thứ tư Tuần Thánh 4-4-2007 đã có gần 20.000 tín hữu và du khách
hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại quảng
trường thánh Phêrô. Đa số các đoàn hành hương đến từ các nước Tây Âu đặc biệt
là Italia và Đức. Nhưng cũng có nhiều đoàn hành hương đến từ các nước Đông Âu
như Ba Lan, Tchèques, Slovak và Croat. Đặc biệt đã có 5.000 bạn trẻ đang tham dự
Diễn đàn đại học lần thứ 40 do Giám Hạt Tòng Nhân Opus Dei tổ chức tại Roma
trong những ngày này.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa Tam Nhật Tuần
Thánh. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:
Trong khi
lộ trình Mùa Chay khởi sự với Thứ Tư lễ Tro đang kết thúc, Thứ Tư Tuần Thánh
hôm nay đã dẫn đưa chúng ta vào bầu khí thê thảm của các ngày sắp tới, ghi đậm
dấu vết cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô. Thật thế, trong phụng vụ hôm
nay thánh sử Marco đề nghị chúng ta suy niệm về cuộc đối thoại ngắn gọn của
Chúa Giêsu với Giuđa trong Nhà Tiệc Ly. Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ
biết: “Thật, Thầy bảo thật các con, một trong các con sẽ bán nộp Thầy” (x. Mt
26,14-25). Và kẻ phản bội hỏi Chúa: “Thưa Thầy, có phải con không?” Thánh Gioan
kết thúc trình thuật báo tin Giuđa bán nộp Chúa với ít lời ý nghĩa “Và khi đó
trời tối” (Ga 13,30). Khi kẻ bán nộp rời bỏ Nhà Tiệc Ly, tối tăm dày đặc trong
tâm lòng hắn, đó là đêm đen nội tâm, sự lạc lõng gia tăng trong tâm lòng của
các môn đệ khác, cả họ nữa cũng tiến vào đêm đen, trong khi bóng tối của bỏ rơi
và thù hận đổ ập trên Con Người, tiến tới chỗ hoàn thành hy tế trên thập giá.
Điều mà chúng ta sẽ cử hành trong các ngày tới là sự đụng độ giữa Ánh Sáng và
Bóng Tối, giữa Sự Sống và Cái Chết. Chúng ta cũng phải định vị thế của mình
trong bối cảnh đó, ý thức được “đêm đen”, các lỗi lầm và các trách nhiệm của
chúng ta, nếu chúng ta muốn đạt tới ánh sáng con tim qua Mầu Nhiệm này là trung
tâm lòng tin của chúng ta.
Tiếp đến Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa Tam Nhật Tuần Thánh, bắt đầu với
các lễ nghi ngày Thứ Năm.
Trước hết là Thánh lễ làm phép dầu, trong đó vị
chủ chăn giáo phận và các cộng sự viên thân tín nhất là các linh mục, với Dân
Chúa bao quanh, canh tân các lời hứa ngày Thụ phong Linh Mục. Năm này sang năm
khác, đây là lúc diễn tả mạnh mẽ sự hiệp thông giáo hội, đề cao ơn của chức
linh mục thừa tác do Chúa Kitô để lại cho Giáo Hội trước ngày chết trên thập
giá. Đối với từng linh mục đây là lúc cảm động, buổi chiều trước cuộc Khổ Nạn,
trong đó Chúa tự trao ban chính mình, đã ban Bí tích Thánh Thể cho chúng ta, đã
cho chúng ta chức Linh Mục. Đây là ngày đánh động con tim của tất cả chúng ta.
Rồi tới lễ nghi làm phép các thứ dầu dùng cho việc cử hành các bí tích: Dầu Tân
Tòng, Dầu Bệnh Nhân, Dầu Thêm Sức. Vào ban chiều trong Thánh lễ Tiệc Chiều của
Chúa cộng đoàn Kitô sống lại các biến cố Tiệc Ly. Nơi Nhà Tiệc Ly, trong Bí
Tích bánh rượu biến thành Mình và Máu Người, Chúa Cứu Thế muốn cử hành trước hy
tế cuộc sống của Người: Người cử hành trước cái chết của mình, tự hiến mạng sống
mình, dâng hiến chính mình cho nhân loại. Với lễ nghi rửa chân Người lập lại cử
chỉ yêu thương các môn đệ cho tới cùng (x. Ga 13,1) và để lại cho các môn đệ
như huy hiệu cử chỉ khiêm tốn yêu thương cho đến chết. Sau Thánh Lễ Tiệc Ly
Giáo Hội mời gọi tín hữu thờ lạy Bí Tích Thánh Thể, sống lại cơn hấp hối của
Chúa Giêsu nơi vườn Giêtsemani. Và chúng ta thấy các môn đệ đã ngủ, để Chúa một
mình. Ngày nay cũng thế, là môn đệ của Chúa chúng ta thường ngủ. Trong đêm
thánh này của vườn Giêtsemani chúng ta muốn tỉnh thức, chúng ta không muốn để
Chúa cô đơn một mình trong giờ này; như thế chúng ta có thể hiểu mầu nhiệm Ngày
Thứ Năm Tuần Thánh hơn, bao gồm ba ơn tuyệt đỉnh là Chức Linh Mục Thừa Tác,
Thánh Thể và Giới răn mới của tình yêu thương agape.
Sang đến Thứ Sáu Tuần Thánh tưởng niệm các biến
cố từ kết án cho tới cái chết của Chúa Giêsu bị đóng đanh trên thập giá. Đây là
ngày ăn chay, cầu nguyện và chia sẻ cuộc Khổ Nạn của Chúa. Vào giờ ấn định, dưới
sự trợ giúp của Lời Chúa và các cử chỉ phụng vụ, cộng đoàn sống lại lịch sử sự
bất trung của nhân loại đối với chương trình của Thiên Chúa và cảm động lắng
nghe lại trình thuật cuộc Khổ Nạn đớn đau của Chúa. Sau đó dâng lên Thiên Chúa
Cha lời cầu giáo dân dài, bao gồm mọi nhu cầu của Giáo Hội và thế giới. Rồi cộng
đoàn thờ lạy Thánh Giá và tiến đến Thánh Thể, lãnh nhận Mình Thánh Chúa đã giữ
lại trong lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh trước đó. Khi chú giải Thứ Sáu Tuần
Thánh, thánh Gioan Kim Khẩu nhận xét rằng: “Trước kia thập giá có nghĩa là
khinh rẻ, nhưng ngày nay nó là vật đáng kính, trước kia nó là dấu chỉ của kết
án, ngày nay nó là dấu chỉ của hy vọng cứu rỗi.”
Và Đức Thánh Cha nói về ý nghĩa của thập giá như sau:
Nó thực sự trở thành suối nguồn hạnh phúc bất tận: “Nó đã giải thoát chúng ta khỏi lầm lạc, đã đánh tan bóng tối của chúng ta, đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa, từ chỗ thù nghịch Thiên Chúa nó đã khiến cho chúng ta trở thành người nhà của Người, từ chỗ là người xa lạ nó đã khiến cho chúng ta trở thành gần gũi, thập giá này phá tan sự thù nghịch, là suối nguồn bình an, là hòm chứa kho tàng của chúng ta” (De cruce et latrone I,1,4). Để sống trở lại một cách sâu đậm cuộc Khổ Nạn của Chúa Cứu Thế, truyền thống Kitô đã khai sinh ra nhiều thói quen diễn tả lòng đạo đức bình dân, trong đó có các buổi rước kiệu ngày Thứ Sáu Tuần Thánh với các lễ nghi rất ý nghĩa lập lại hằng năm. Nhưng có một thói quen đạo đức là thói quen “đi đàng Thánh Giá”, quanh năm cho phép ngày càng in sâu vào trong tâm lòng chúng ta mầu nhiệm Thập Giá, cùng với Chúa Kitô bước đi trên con đường đó và khiến cho chúng ta đồng hình dạng với Người trong nội tâm. Chúng ta có thể dùng kiểu diễn tả của thánh Leo Cả mà nói rằng việc đi đàng Thánh Giá giáo dục chúng ta biết nhìn với đôi mắt của trái tim Chúa Giêsu chịu đóng đinh, để nhận ra trong thịt xác của Người thịt xác của chính chúng ta” ( disc. 15 sulla passione del Signore). Và đây chính là sự khôn ngoan đích thật của Kitô hữu, mà chúng ta muốn học hỏi khi đi đàng Thánh Giá tại Colosseo trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
Sau cùng Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày trong đó phụng vụ im lặng, là ngày của sự
thinh lặng lớn, và các Kitô hữu được mời gọi giữ thinh lặng nội tâm, là điều rất
khó trong thời đại chúng ta ngày nay, để chuẩn bị tốt hơn cho buổi Vọng Phục
Sinh. Trong nhiều cộng đoàn có tổ chức các buổi tĩnh tâm và gặp gỡ cầu nguyện
kính Đức Mẹ, như thể kết hiệp với Mẹ Chúa Cứu Thế đang lo lắng tin tưởng đợi chờ
Người Con bị đóng đinh sống lại. Sau cùng trong buổi Vọng Phục Sinh tiếng kêu
chiến thắng sẽ phá tan tấm màn buồn sầu che phủ Giáo Hội vì cái chết và việc an
táng Chúa: Chúa Kitô đã sống lại và vĩnh viễn chiến thắng cái chết! Khi đó
chúng ta sẽ có thể thực sự hiểu được mầu nhiệm của Thập Giá. Một tác giả xưa đã
viết: ”Như Thiêm Chúa có thể tạo ra các điều kỳ diệu trong cái không thể được để
ta biết rằng chỉ có Người có thể làm điều Người muốn. Từ cái chết của Người là
sự sống của chúng ta, từ các vết thương của Người là sự lành bệnh của chúng ta,
từ sự ngã đổ của Người là sự phục sinh của chúng ta, từ việc Người đi xuống mà
chúng ta được đi lên” (Antonimo Quartodecimano). Được lòng tin vững vàng linh động
trong đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta sẽ tiếp đón các anh chị em tân tòng và sẽ lập
lại các lời hứa của bí tích Rửa Tội. Như thế chúng ta sẽ kinh nghiệm rằng Giáo
Hội luôn sống động, tươi trẻ luôn mãi, luôn mãi xinh đẹp và thánh thiện, vì dựa
trên Chúa Kitô là Đấng đã phục sinh và không chết nữa.
Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau:
Anh chị em thân mến, Mầu Nhiệm phục sinh mà Tam
Nhật Tuần Thánh sẽ khiến cho chúng ta sống trở lại, không phải chỉ tưởng niệm một
thực tại quá khứ, mà là một thực tại: ngày hôm nay với tình yêu của Người, Chúa
Kitô cũng chiến thắng tội lỗi và cái chết. Sự Dữ, trong tất cả mọi hình thái của
nó, không có tiếng nói cuối cùng. Chiến thắng cuối cùng là của Chúa Kitô, của
chân lý và tình yêu! Trong đêm Vọng Phục sinh thánh Phaolô nhắc nhớ cho chúng
ta biết rằng: nếu chúng ta sẵn sàng đau khổ và chết với Chúa Kitô, thì sự sống
của Người sẽ là sự sống của chúng ta (x Rm 6,9). Cuộc sống Kitô của chúng ta được
xây dựng và dựa trên sự chắc chắn đó. Xin Mẹ Maria Rất Thánh, là Đấng đã theo
Chúa Giêsu trên con đường của Khổ Nạn và Thập Giá và đã ôm Người trong vòng tay
sau khi hạ xác Người, bầu cử cho chúng ta.
Đức Thánh Cha đã chúc tín hữu Tam Nhật Phục Sinh sốt mến rồi cất Kinh Lạy Cha và ban phép lành cho mọi người.
Nguồn: archivioradiovaticana.va (04.04.2007)