ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế
Mừng Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 2021
WHĐ (13.8.2021) - Ngày lễ Các Thánh Nam Nữ 01-11-1950,
qua Tông hiến “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa vô cùng quảng
đại), Tôi tớ Chúa, Giáo hoàng Pi-ô XII đã long trọng công bố Tín
điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời như sau: “Để tôn vinh Thiên Chúa toàn năng là Đấng đã ban muôn vàn ơn lành đặc biệt
của Người trên Trinh Nữ Ma-ri-a, để tôn kính Con của Người là
Vua muôn đời, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, để Bà Mẹ cao cả
của Người Con đó được hiển vinh hơn, và để toàn thể Giáo Hội hân hoan
phấn khởi; bằng quyền bính của Chúa Giê-su Ki-tô, của hai Thánh Tông
đồ Phê-rô và Phao-lô, và bằng thẩm quyền của mình, Tôi công bố, tuyên xưng và
xác nhận như là một tín điều được Thiên Chúa mạc khải: Người Mẹ Vô Nhiễm Nguyên
Tội của Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a Đồng Trinh, sau khi hoàn tất cuộc đời
trần thế của mình, đã được mang lên hưởng vinh quang trên trời cả thân xác lẫn
linh hồn”. Tín điều mới mẻ ấy như một đóa hoa nở bung từ một niềm tin
đã có ngay từ thời Giáo hội sơ khai, được diễn bày theo dòng thời gian 20
thế kỷ trong Phụng vụ, trong giáo huấn của các Giáo phụ
và các nhà thần học.
Đức Thánh Cha Pi-ô XII cũng qui định tín điều thành lễ trọng
đặc biệt trong khắp Giáo hội với luật buộc tham dự Thánh lễ. Ngày 15 tháng
8 được chọn theo một truyền thống cổ bắt nguồn từ Giêrusalem trước thời hoàng đế
Cons-tan-ti-nô I (thế kỷ thứ 4).
Nhờ đâu Mẹ Ma-ri-a được lên trời lập tức và lên trời cả hồn
lẫn xác ngay sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế?
1- Lên trời lập tức,
kết quả của các đặc ân từ Thiên Chúa.
a- Đặc ân làm Mẹ Thiên
Chúa
Sau khi nguyên tổ loài người phạm tội (chuyện mà Thiên Chúa
biết trước lúc tạo dựng họ có tự do, một điều kiện để làm nghĩa tử của Người
nhưng cũng là con dao hai lưỡi), Thiên Chúa thực hiện bước hai của chương trình
mình là sai Đích Tử nhập thế và nhập thể nhằm ở với nhân loại, cứu họ khỏi hố
sâu tội lỗi, đền bù những lỗi lầm họ gây ra, liên kết họ với Người trong Con của
Người. Để thành tựu việc này, hẳn nhiên Thiên Chúa phải chọn cho Đích Tử của
mình một bà mẹ phàm nhân, như Cựu Ước đã tiên báo: “Này đây một người nữ sẽ mang thai, sinh hạ con
trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”
(Is 7,14), ban cho bà tước hiệu Mẹ Con Thiên Chúa, rồi còn thêm tước hiệu Mẹ
Thiên Chúa, vì Người Con ấy đồng bản tính và đồng bản thể với Chúa Cha (như
tuyên tín của Công đồng chung Ê-phê-sô năm 431. X. Bộ Nguồn liệu Tín lý Công
giáo Denzinger-Schonmetzer, số 252). Người Con ấy cũng là Đấng Cứu
Chuộc nên thân mẫu của Người sẽ được gọi là Mẹ Đấng Cứu Chuộc (nhưng không “đồng
công cứu chuộc” như sẽ thấy bên dưới). Như thế, tước hiệu Mẹ Con Thiên Chúa và
Mẹ Thiên Chúa là nền tảng và suối nguồn của những gì cao quý và tốt đẹp mà
Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi Đức Ma-ri-a (như lời sứ thần Gáp-ri-en nói trong
ngày Truyền tin: “Hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức
Chúa ở cùng bà” Lc 1,28) khi Mẹ bắt đầu hiện hữu trong không gian thời gian
và đi vào phục vụ chương trình cứu chuộc.
b- Đặc
ân Vô nhiễm Nguyên tội
Bắt đầu hiện hữu trong không gian thời gian (nghĩa là từ khi
tượng thai trong lòng mẹ), mọi con cháu Adam-Eva đều lâm vào tình trạng xa cách
Thiên Chúa, mất ơn nghĩa với Người, một hậu quả do tội nguyên tổ mà nhờ phép Rửa
mới khắc phục được. Nhưng sự thương tổn bản tính do nguyên tội thì vẫn còn (ba
bản năng quyền lực, sinh tồn và truyền sinh dễ chệch đường, đi thái quá). Chỉ
duy một con người trong nhân loại thoát khỏi tình trạng thê thảm đó: Đức
Ma-ri-a. Trong sắc lệnh “Ineffabilis Deus” (Thiên Chúa khôn tả, ban
hành ngày 8-12-1854), Chân phước Giáo hoàng Pi-ô
IX đã long trọng công bố: “Để
vinh danh Ba Ngôi thánh thiện duy nhất, để tôn kính và hiển danh Trinh Nữ Mẹ
Thiên Chúa, để phấn khởi đức tin Công giáo và phát triển đạo Ki-tô;
bằng quyền bính của Chúa Giê-su Ki-tô, của hai Thánh Tông đồ Phê-rô
và Phao-lô, và bằng thẩm quyền của mình, Tôi tuyên xưng, công bố và xác nhận:
tín lý cho rằng rất Thánh Nữ Trinh Ma-ri-a, ngay từ giây phút tượng thai của
mình, nhờ ơn sủng cùng với đặc ân chuyên nhất của Thiên Chúa toàn năng, và dựa
vào công nghiệp của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Chuộc loài người, đã được gìn
giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội, là điều được Thiên Chúa mạc khải,
vì thế, tất cả mọi tín hữu đều phải mạnh mẽ và liên lỉ tin tưởng”.
(x. Denzinger-Schonmetzer, số 280). Tuyên bố này cũng là kết quả của
một trào lưu thần học, tu đức và phụng vụ lâu đời. Đặc biệt là dòng
Phanxicô với các thần học gia như chân phước Jean Duns
Scot (1266-1308). Quan niệm “praeredemptio” (tiền cứu chuộc) do họ đưa ra được
coi là nền tảng thần học cho việc Đức Ma-ri-a vô nhiễm nguyên tội ngay lúc
tượng thai. Theo quan niệm này, Mẹ được hưởng công lao cứu
chuộc của Chúa Kitô trước khi Chúa xuống thế làm người bằng một ơn
không phải giải thoát Mẹ khỏi tình trạng tội lỗi nhưng là dự
phòng để Mẹ khỏi sa vào tình trạng ấy. Theo Duns Scot, đây là cách cứu
chuộc hoàn hảo nhất. Chính thánh Augustinô trước đó cũng dùng một hình ảnh
đầy ấn tượng: Chúa Kitô cứu chuộc chúng ta bằng cách dùng Thánh giá kéo chúng
ta lên khỏi hố sâu tội lỗi, và cứu chuộc Mẹ Ma-ri-a bằng cách dùng Thánh giá giữ
Mẹ khỏi sa xuống hố này.
Sau khi tín điều này tuyên bố được 4 năm, thì ngày
25-03-1858, Đức Mẹ đã tự xác nhận mình là Đấng “Vô nhiễm Nguyên tội ngay từ lúc
tượng thai” khi hiện ra với thánh nữ Bê-na-đê-ta ở Lộ Đức.
c- Đặc ân Đồng trinh
trọn đời
Năm 649, Công đồng La-tê-ra-nô đã tuyên tín: “Khốn cho ai không theo các Nghị phụ
thánh đức tuyên xưng một cách chân thực và xác đáng rằng Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên
Chúa mãi mãi trinh nguyên và vô nhiễm, xưa kia đã đặc
biệt và thực sự thụ thai - nhờ Thánh Thần và không cần hạt giống
(loài người) - chính Thiên Chúa Ngôi Lời, Đấng được Thiên Chúa Ngôi
Cha hạ sinh trước mọi thời gian” (Denzinger-Schonmetzer, số 503).
Tình trạng đồng trinh của Mẹ không chỉ được hiểu trên phương
diện vật lý, thể xác, mà còn phải được hiểu trên phương diện tâm lý, tinh thần,
ở một mức độ cao nhất, có như thế Mẹ mới được gọi là “Rất thánh Nữ Đồng trinh
trên hết các kẻ đồng trinh” và “Nữ Vương các thánh đồng trinh” (Kinh cầu Đức
Bà). Sự đồng trinh ở đây cũng bao hàm sự trung trinh, nghĩa là chẳng những Mẹ
không bao giờ có những hành vi vợ chồng với Thánh Giuse, luôn giữ mình trong sạch
từ tư tưởng, lời nói đến việc làm, mà còn trung thành mãi mãi trong tình yêu đối
với Thiên Chúa, chẳng vương chút tội lỗi chống lại Người.
Đức Ma-ri-a, dù được vinh dự làm Mẹ Con Thiên Chúa, vẫn trải
qua cả cuộc sống đầy khổ đau, như lời tiên báo của cụ già Xi-mê-on tại sân Đền
Thờ (Lc 2,35). Trước đó, mối tình với Thánh Giuse suýt tan vỡ khi Thánh nhân định
bỏ đi vì nghĩ rằng mình không còn có quyền động tới vị hôn thê nay trở thành vật
thánh của Thiên Chúa vì đã cưu mang Đích Tử của Người. Mẹ cũng đã sinh con
trong quằn quại xâu xé như bao bà mẹ trần gian, do tất cả hệ lụy của kiếp người
và của việc nhập thể mà Con Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng. Nhưng đang khi hầu
hết mọi thai phụ kêu trời, réo đất, chửi chồng trong cơn đau số một này, thì Mẹ
đã hoàn toàn chấp nhận và hiến dâng nỗi khổ cho Thiên Chúa. Thiết tưởng nên hiểu
như thế khi thần học nói: Mẹ đồng trinh không những trước và sau khi sinh con,
mà cả trong khi sinh con. Giáo lý Hội thánh Công giáo số 499 dạy: “Hội Thánh tuyên xưng Đức Ma-ri-a thật sự và
trọn đời đồng trinh, cả trong khi sinh hạ Con Thiên Chúa làm người. Thật vậy,
việc sinh hạ Đức Kitô “không làm suy giảm, nhưng thánh hiến sự trinh khiết vẹn
toàn” của Mẹ”.
Rồi cảnh đoạn trường khi sinh Chúa trong chuồng lừa máng cỏ,
bồng Chúa chạy trốn sang Ai Cập, lạc mất Chúa 3 ngày trong Đền thờ… Kèm theo đó
là việc chiến đấu để giữ mình trong sạch bên cạnh một người chồng trẻ trung,
đáng yêu, đức hạnh (lối vẽ Thánh Giuse như một ông ngoại đang bồng cháu cho con
gái không có nền tảng lịch sử, đồng thời hạ giá nhân đức khiết tịnh của cặp bạn
đời này). Khổ đau tiếp tục chồng chất lên Đức Ma-ri-a khi theo Con trên bước đường
rao giảng Tin Mừng, thấy quanh Con kẻ thù rình rập, thất bại bủa vây, âm mưu
xúi bẩy, và đỉnh điểm là cái chết tức tưởi, ô nhục của một tử tội bị đóng đinh
mà bà mẹ cũng bị nguyền rủa. Nhưng “Mẹ Sầu bi” đã đứng vững dưới chân thập giá
với tất cả tâm hồn chấp nhận! Stabat Mater dolorosa!
Tình yêu trung trinh đối với Thiên Chúa -biểu hiện đức đồng
trinh tuyệt hảo của Mẹ- còn tỏ lộ qua việc Mẹ cộng tác mật thiết với Chúa Giêsu
trong công trình cứu độ của Người, cộng tác như môn đệ rất mực trung thành, như
nữ tỳ hết dạ xin vâng, bắt đầu từ lời gợi ý trong tiệc cưới Cana, sang việc đón
nhận Gioan làm con dưới chân thập giá, đến chuyện cùng cầu nguyện với nhóm Tông
đồ, môn đệ, thân thuộc để chuẩn bị nhận lãnh ơn Thánh Thần (Cv 1,14) rồi kéo
dài cho tới khi giã từ cuộc sống trần gian.
Sự mãn phần này của Mẹ, trước thời hoàng đế Cons-tan-ti-nô I
(280-337), được tín hữu ghi nhớ qua một cuộc lễ trong nhà thờ trên
núi cây dầu tại Giê-ru-sa-lem vào ngày 15 tháng 8 hàng năm. Truyền thống
đã gọi lễ này là lễ Đức Mẹ an giấc (Dormition). Cách gọi này không phải
không có lý. Vì chúng ta biết: cái chết là hành vi nhân linh cuối cùng của một
đời người, bao gồm vừa những tâm tư tình cảm trong hồn vừa những đổi thay biến
chuyển nơi xác. Đối với phàm nhân chúng ta, ngoài việc chấm dứt hơi thở, phân
rã thể xác, phút lâm chung còn kèm theo sự tiếc nuối của tâm hồn vì bao dứt bỏ
đớn đau: những ước vọng thiết tha, những vui thú trần đời; sự
tái tê trong cõi lòng vì phải vĩnh viễn từ giã những thân thuộc luyến
thương, những công trình dang dở; sự hoảng sợ nơi nội tâm vì các sai lầm đã mắc,
các tội lỗi đã phạm, các đền bù chưa xong; sự lo âu trước tương lai vô định,
mai hậu mịt mờ… Ngay cả những bậc thánh nhân đã thanh luyện cuộc đời, chuẩn bị
rời thế cũng không nhiều thì ít, đều có các tâm tình đó. Tất cả làm
nên cái mà người ta gọi là cái chết, hậu quả của tội lỗi. Đang
khi đó thì con vật cũng đi tới chỗ tiêu vong thân thể nhưng chẳng hề có những
tâm tình như vậy, nên các nhà thần học, chẳng hạn linh mục Karl Rahner, không gọi
đó là chết mà chỉ gọi đó là ngã quỵ, lụi tàn (succomber trong tiếng
Pháp).[1]
Nhưng với một người như Đức Mẹ -qua những gì trình bày ở
trên- thì không thể nói như thế. Sự mãn phần của Mẹ chỉ có thể gọi là giấc
ngủ, song không chỉ dừng lại chỗ này… Ở đây có một thắc mắc: phải chăng Chúa
Giêsu cũng đã tuyệt vọng trong giờ chết khi Người thốt lên trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao
Ngài bỏ rơi con” (Mt 27,46; Mc 15,34). Hầu hết các nhà chú giải đều cho đó
là Chúa chỉ đọc lên câu đầu của Thánh vịnh 22 (21), bản văn tiên báo và mô tả
cuộc khổ nạn của Người, để cho thấy là Người đang hoàn tất những gì nói lên
trong đó. Trước đấy, trong phòng Tiệc ly, Người đã nói với môn đệ: “Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy”
(Ga 16,32). Sáu lời còn lại trên thập giá cũng chỉ tỏa ra một tinh thần yêu
thương, an bình và phó thác.
2- Lên trời hồn xác,
kết quả từ cuộc phục sinh của Chúa Kitô.
Như đã nói, trong những thế kỷ đầu, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
được gọi là lễ Đức Mẹ an giấc. Lễ này mặc tất cả sự trang trọng
kể từ năm 1950 khi Đức Giáo hoàng Pi-ô XII định tín việc Mẹ được cất nhắc
về trời cả hồn lẫn xác (xem trên). Tông hiến “Munificentissimus
Deus” còn nói: “Thân xác con người bị
chết và bị tan rã ra tro đất là do hậu quả tội Nguyên tổ. Mà Đức Ma-ri-a
không hề mắc tội Nguyên tổ, cũng chẳng hề có tội riêng. Cho nên
đương nhiên và rất hợp lý là Mẹ được hồn xác về trời.” Ngoài
ra, Mẹ Ma-ri-a luôn luôn kết hợp với Con mình, không giây phút nào Mẹ-Con
xa nhau, ngay cả khi Chúa chịu chết trên thập giá Mẹ cũng đồng
hành (Ga 19,25-27). Vậy thì không lý gì khi Mẹ cùng Con chiến đấu lại
không được cùng Con chiến thắng, khi từ giã cõi trần lại chẳng được Người
Con Chí Thánh Chí Nhân Chí Hiếu rước ngay lên trời để tiếp
tục đồng hành với Người mà hướng dẫn Nhiệm Thể Người (Giáo
Hội) còn trên dương gian. Loài người tự cổ chí kim chẳng có ai được
như vậy, vì thân xác chỉ là “cái vỏ bằng
đất làm linh hồn ra nặng” (Kn 9,15) và “Ngươi
là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19) mà thôi. Nhưng với tín
điều trên, Giáo hội công bố long trọng một chân lý đã được Kitô hữu
từ ngàn xưa cảm nhận: Thân xác của Người Phụ nữ đã trao ban thể
xác cho Con Thiên Chúa không phải chịu định luật của sự thối rữa!
Nền tảng của ơn đặc biệt này chính là sự phục sinh của Chúa
Ki-tô, phục sinh với một thân xác đã có từ trước nhưng nay được hoàn toàn biến
đổi, không còn phải chịu các định luật của không gian và thời gian. Những trình
thuật về việc Chúa hiện ra cho tông đồ môn đệ sau khi sống lại quá nói rõ điều
này: vẫn còn có tay chân để thân thuộc sờ mó, vẫn còn mang khuôn mặt để thân
thuộc nhận ra, nhưng thoạt hiện thoạt biến, xuyên cánh cửa đi vào, lướt ngàn dặm
tới ngay. Tê-pha-nô vẫn thấy Người “đứng” bên hữu Thiên Chúa (x. Cv 7,56). Với
cuộc phục sinh, Ngôi Lời nhập thể đã mở ra một cách thức hiện hữu mới cho mình
và cho những ai theo mình, kết hợp với mình trong Nhiệm thể: thân xác phàm trần
sau khi chết sẽ không biến tan nhưng được biến đổi. Tất cả mọi vật cũng được
Thiên Chúa làm mới chứ chẳng tiêu diệt (x. Kh 21,5). Lối hiện hữu này được
dung nạp trong chốn Thiên đàng, nơi thế giới Thiên Chúa.
Vì như lời Thánh Phaolô: “Chúa Ki-tô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc
ngàn thu... mỗi người theo thứ tự của mình” (1Cr 15,20). Và Đức Mẹ
là người đầu tiên cũng như là người xứng đáng nhất để hưởng ngay ân huệ đó. Còn
mọi kẻ khác thì phải đợi đến Ngày quang lâm (x. 1Cr 15,23).
Kết luận
Công đồng chung Va-ti-ca-nô II, với Hiến chế tín lý
về Giáo Hội (Lumen Gentium, Ánh sáng Muôn dân), đã nhắc lại tín
điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời với những kết luận cho Hội Thánh và cho mỗi
tín hữu: “Ngày nay, trên trời Mẹ Đức
Giê-su đã được vinh hiển cả hồn và xác, là hình ảnh và khởi thủy của Hội Thánh
phải hoàn thành đời sau; đồng thời, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (2Pr
3,10), Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi
cho dân Chúa đang lữ hành” (số 68). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công
Giáo (số 966) cũng hợp giọng: “Đức
Trinh Nữ Ma-ri-a Vô Nhiễm, được Thiên Chúa gìn giữ khỏi nhiễm lây mọi tỳ vết
Nguyên tội, đã được đưa lên vinh quang Thiên quốc cả hồn lẫn xác, sau khi đã
hoàn tất cuộc đời dương thế, và được Thiên Chúa tôn làm Nữ Vương Vũ Trụ, và như
vậy Mẹ đã hoàn toàn phù hợp với Con Mình là Chúa của các chúa, đã chiến thắng tội
lỗi và sự chết. Cuộc lên trời của Đức Trinh Nữ rất thánh là sự tham dự độc
nhất vô nhị vào sự Phục sinh của Con mình và là việc thể hiện trước sự
phục sinh của các Kitô hữu khác”.
Như đã thấy ban đầu, Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa để có tất
cả; nay Ngài là Mẹ chúng ta để cho tất cả: tất cả những ân sủng đến từ Thiên
Chúa, để chúng ta noi gương Mẹ mà trở nên giống Con của Ngài: điều khiển mọi bản
năng, chống lại mọi tội lỗi, trung trinh trong tình yêu đối với Thiên Chúa, và
luôn ước vọng phục sinh hồn xác chốn Thiên Đàng hạnh phúc, trong
Chúa, bên Mẹ.
[1] Xem Karl Rahner + Herbert Vorgrimler, Petit
Dictionnaire de Théologie catholique. Tủ sách Livre de Vie, mục từ Mort