Nền tảng Thánh Kinh

Đức Maria và Thánh Giuse đem hài nhi Giêsu lên đền thờ Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa. Như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa" (Lc 2, 23). Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa… Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêôn vừa nói về Người. Ông Simêôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà" (x. Lc 2,25-28.33-35).

Điều đáng ngạc nhiên là giữa nhiều hài nhi được đưa đến Đền thờ Giêrusalem mỗi ngày, nhưng ông Simêon lại nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Ông có cặp mắt đức tin. Ông được linh báo bởi Chúa Thánh Thần. Và trên tất cả, ông hằng mong đợi Đấng Mêsia xuất hiện. Ông Simêon và bà Anna đang “mong chờ niềm an ủi’ (Lc 2,25).

Có hai điều nổi bật về những nhân vật này. Thánh Luca mô tả ông Simêon là một người công chính và sùng đạo (x. Lc 2,25). Bà Anna được đặt ở vị trí của một ngôn sứ (câu 36), điều này có nghĩa đơn giản là “bà được đầy ân sủng và không sợ công bố lời Chúa”. Thêm vào đó, họ là những người cao tuổi. Ông Simêon biết thời gian trên trần gian của ông đã gần hết. Bà Anna cũng đã 84 tuổi, vượt xa tuổi thọ trung bình của thời ấy (câu 37). Dù cuộc sống của họ không có gì chê trách và rất đáng khâm phục, họ cũng không thể kéo dài thêm đời mình. Cả hai đều ý thức được sự yếu đuối và không có khả năng thay đổi. Ân sủng Chúa thường xuất hiện khi chúng ta yếu đuối, không có nguồn lực riêng để đáp ứng nhu cầu. Ông Simêon được mô tả là một người lắng nghe cách cẩn thận Thần Khí của Chúa. Chúng ta biết được rằng Chúa Thánh Thần hằng ngự trên ông (câu 25), và Chúa Thánh Thần đã linh báo cho ông biết nhiều điều (câu 26), và Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy ông (câu 27).

Đức Maria được chúc phúc bởi hai vị cao niên: Ông Simêon và bà Anna. Đức Maria thinh lặng trước ông Simêon, người đã nói với Mẹ những lời an ủi và đau buồn. Đức Maria hiện diện như một người với nhiều sự kiên nhẫn.

Ý nghĩa hiệp hành

Trong bài nói chuyện với các vị cao niên, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “cần có người cao niên để giúp xây dựng tình huynh đệ, tương quan xã hội, và thế giới ngày mai[1]. Đức Thánh Cha cũng nói rằng “giữa những trụ cột chống đỡ tòa nhà mới này, có 3 cột trụ mà những người cao niên có thể giúp xây dựng lên. Ba trụ cột đó là ước mơ, ký ức và cầu nguyện”. Suy tư về Hc 3,3-6, 12,13-16, Đức Thánh Cha nói, sự yếu đuối của tuổi già đã “bị đánh dấu bởi những kinh nghiệm hoang mang và bị xem thường, mất mát và bị bỏ rơi, mất hy vọng và nghi ngờ”[2].

Cẩm nang hiệp hành đề cập một cách rõ ràng về người cao niên năm lần. Cẩm nang cũng kể họ vào nhóm “những người thường không được lắng nghe trọn vẹn”. Trong Tông huấn “Christus Vivit - Đức Kitô Đang Sống” gửi toàn thể dân Chúa, đặc biệt là giới trẻ, Đức Thánh Cha viết: “Kinh Thánh luôn mời gọi kính trọng người già, vì người già có cả một kho tàng kinh nghiệm; họ đã nếm trải những thành công và thất bại, những niềm vui và sầu khổ của cuộc đời, những hy vọng và thất vọng; và trong cõi lặng của tâm hồn, họ lưu giữ nhiều câu chuyện có thể dạy chúng ta đừng phạm sai lầm hay để cho những ảo tưởng lôi cuốn”[3]

Giáo hội hiệp hành cần trở thành một ngôi nhà đón tiếp những người cao niên. Trong nhiều gia đình, con cái đã không thể hiện sự kính trọng và chăm sóc tốt cho những cha mẹ cao tuổi. Tại nhiều giáo xứ, những người cao tuổi không được tham gia trong việc ra quyết định, mặc dù họ đầy khôn ngoan và trưởng thành bởi nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Giáo hội hiệp hành nên nhớ rằng chính nhờ sự khôn ngoan và kinh nghiệm cuộc sống của các tổ phụ, những người đã rất tiến bộ trong thời đại của họ (như Abraham, Isaac and Jacob), mà đã xây dựng nên một quốc gia vĩ đại.

“Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả” (Tv 92, 15). Nhận xét về câu Kinh Thánh này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tuổi già không phải là thời gian vô ích để hạ mái chèo con thuyền sang một bên, nhưng là mùa vẫn còn trổ sinh hoa trái: có một sứ mạng mới đang chờ đợi chúng ta và mời gọi chúng ta hướng ánh nhìn về tương lai. “Khả năng cảm nhận đặc biệt của tuổi già về sự quan tâm, suy nghĩ và tình cảm, điều làm chúng ta nhân bản hơn, một lần nữa trở thành ơn gọi của nhiều người. Và nó sẽ là một lựa chọn tình yêu của những người cao tuổi đối với những thế hệ mới.” Đó là sự đóng góp của chúng ta vào cuộc cách mạng của sự dịu dàng, một cuộc cách mạng tinh thần, bất bạo động, trong cuộc cách mạng này, tôi mời gọi các ông bà và người cao tuổi, hãy là những nhân vật chính”[4]. Những lời này của Đức Thánh Cha cho thấy rất rõ ràng rằng Giáo hội hiệp hành cũng có thể loan báo Tin Mừng thông qua cả những người cao tuổi.

Đôi khi những linh mục và tu sĩ cao niên thường là đối tượng bị lãng quên nhất trong Giáo hội. Chừng nào họ còn hữu dụng cho sứ mạng thì họ còn được săn đón. Khi giá trị sử dụng giảm sút, người cao tuổi cũng mất giá trị. Mặt khác, người cao tuổi cũng phải học cách từ bỏ quyền lực và trách nhiệm, nhường chỗ cho những người trẻ hơn. Họ cần già đi một cách đầy chúc phúc. Giáo hội hiệp hành được tạo thành bởi cả người trẻ tuổi và người cao tuổi, họ bước đi cùng nhau, với những điểm mạnh cũng như điểm yếu dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Lời cầu nguyện và phúc lành của những người cao tuổi là một điều cần thiết cho hành trình hiệp hành đầy ý nghĩa của chúng ta.

Chuyển ngữ: Nt. Têrêsa Kiều Thị Yến Ly, SPC

Trích từ: Tác phẩm “Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành”

Nguyên tác: Mary Icon of the Synodal Church: Biblical Reflections

WHĐ (03.08.2024)


[1] Đức Phanxicô, Sứ điệp cho ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ nhất, ngày 25.07.2021.

[2] Đức Phanxicô, Giáo lý tuổi già: “Sự thảo kính đối với người già”, buổi Tiếp Kiến Chung ngày 20.04.2022

[3] Đức Phanxicô, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống, ngày 25.03.2019, số 6.

[4] Đức Phanxicô, Sứ điệp cho ngày Thế Giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ hai, ngày 25.07.2021.