ĐỨC HỒNG Y PIETRO
PAROLIN:
“SỰ THẬT GIÚP PHÂN BIỆT THÔNG TIN VỚI TRUYỀN THÔNG”
WHĐ (05.11.2022) - Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đã phát biểu tại Bữa tiệc họp mặt của EWTN (Mạng Truyền Hình Lời Vĩnh Cửu - The Eternal Word Television Network) ở Frascati vào tối thứ Tư, ngày 21/10/2022. Sau đây là toàn văn những suy tư của ngài với chủ đề: “Sự thật là điều giúp phân biệt thông tin với truyền thông”.
Quý vị từ EWTN thân mến,
Tôi biết ơn quý vị đã mời tôi
tham gia Bữa tiệc họp mặt các công ty thành viên của EWTN tại châu Âu. Tôi xin
chào vị Giám đốc điều hành, Michael Warsaw, người cũng là cố vấn của Bộ Truyền thông
Tòa Thánh và chào toàn thể quý vị.
Truyền thông sứ điệp cứu độ của
Tin Mừng, đặc biệt qua Huấn Quyền của Người Kế Vị Thánh Phêrô, là một lời kêu gọi
căn bản, đang được thực hiện với những phương pháp và ngôn ngữ mới trong thời đại
ngày nay.
Quý vị đã yêu cầu tôi chia sẻ một
suy tư ngắn gọn về chủ đề: “Sự thật là điều giúp phân biệt thông tin với truyền
thông”.
Sự thật là một chủ đề quan trọng
đối với các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông như quý vị. Đó là một vấn đề
mà trong những năm qua đã trở nên nổi bật hơn bao giờ hết trong các cuộc tranh
luận công khai do sự lan truyền của hiện tượng tin giả, cũng như của một loại truyền
thông dựa trên sự trình bày mang tính xuyên tạc, hoặc sai sự thật, về người
khác. Đây là một kiểu cuồng tín dựa trên sự tin tưởng rằng: sự thật mà một người
nào đó tin thì có mức độ chắc chắn đến mức đủ để hợp pháp hóa việc người đó tiêu
diệt người khác, đây là điều mà các chuyên gia truyền thông gọi với thuật ngữ là
“character assassination - sự cố tình phá hoại danh tiếng người khác”. Điều
này xảy ra khi áp đặt quan điểm về sự thật của riêng một người nào đó lên những
người khác. Thay vì, như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhận xét trong
thông điệp của ngài cho Ngày Thế giới vì Hòa bình lần thứ XXXV rằng: “ngay cả
khi một sự thật đã được nắm bắt chắc chắn — và điều này chỉ có thể xảy ra trong
cách thức rất hạn chế và không hoàn hảo — thì sự thật đó cũng không bao giờ có
thể được phép áp đặt”. Do đó, thật là thiếu thuyết phục biết bao khi một sự thật của một
người đã bị xuyên tạc bởi chính họ lại đem đi áp đặt lên người khác.
Đối với các Kitô hữu, cũng như đối
với các chuyên gia truyền thông, sự nhận thức về sự thật không được phép chỉ giới
hạn ở góc độ chiều ngang, chỉ liên quan đến đời sống xã hội của chúng ta. Còn có
một chiều kích cao siêu hơn nhiều. Sự thật, đối với những người Kitô hữu chúng
ta, chính là một Ngôi vị, Ngôi vị của Chúa Giêsu Kitô, Đấng, như Thánh Phaolô
đã nói, gắn bó vạn vật với nhau (x. Cl 1,17). Chính sự gặp gỡ gắn bó này đảm bảo
rằng truyền thông không chỉ đơn giản là một việc truyền tải thông tin, mà còn
là việc hiểu biết và đặt trách nhiệm truyền tải này trong một tầm nhìn rộng lớn
hơn so với việc phổ biến tin tức, cho dẫu nó quan trọng. Chính cuộc gặp gỡ này,
được dệt nên bởi tình yêu dành cho tha nhân, đã kiến tạo sự hiệp nhất giúp gắn
bó vạn vật với nhau.
Ở đây tôi muốn nhắc lại những gì
người sáng lập công ty của quý vị, Mẹ Angelica, đã từng nói: “Nhiệm vụ của
chúng ta là nói ra sự thật, và mỗi người có thể đảm nhận hoặc không đảm nhận
nhiệm vụ này. Nhưng trên tất cả, sự thật phải ở trong chúng ta”. Chúng ta nên
ghi nhớ luôn câu nói này và có cùng nhận thức: sự thật không thuộc về chúng ta
- chúng ta phục vụ cho sự thật. Và chúng ta chỉ có thể phục vụ nó trong tình
yêu và sự hiệp nhất. Chúng ta là người trông coi bảo quản sự thật, chớ không phải
là người sở hữu nó. Sự thật nằm ở trong chúng ta nếu chúng ta biết khiêm tốn và
can đảm tìm cách đón nhận nó, ngay cả những khi nó bộc lộ không như chúng ta
mong đợi.
Vậy làm sao để tình yêu đối với sự
thật, với Chúa Giêsu Kitô và với Giáo hội được chuyển thành sứ mệnh của quý vị trong
tư cách là những chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông?
Trước hết, như Đức Thánh Cha
Phanxicô đã chỉ ra nhiều lần, chúng ta có thể làm chứng qua phong cách truyền thông của mình. Trong một thông điệp gửi đến các thành viên của Hiệp hội Báo chí Công
giáo (the Catholic Press Association) vào tháng 6 năm 2020, Đức Giáo hoàng đã mời
gọi các công ty Truyền thông Công giáo Hoa Kỳ hãy dấn thân cho sự hiệp thông, điều
mà ngày nay thậm chí còn cần kíp hơn, “trong một thời đại được đánh dấu bởi
những xung đột và phân cực mà cộng đoàn Công giáo không phải là miễn nhiễm.
Chúng ta cần những phương tiện truyền thông có khả năng xây dựng những nhịp cầu,
bảo vệ sự sống và phá bỏ những bức tường, hữu hình và vô hình, đang ngăn cản việc
đối thoại chân thành và truyền thông trung thực giữa các cá nhân và cộng đoàn”.
Nếu chúng ta thực sự tin rằng “chúng ta là chi thể của nhau”, như thánh
Phaolô khuyến khích chúng ta (Ep 4,25), thì chúng ta phải “làm cho đôi tai của
trái tim” hướng về tha nhân, không có thành kiến hay loại trừ. Xin mượn
phương châm của Thánh John Henry Newman, truyền thông của chúng ta nên “nói từ tim
đến tim”.
Do đó, một mạng lưới tin tức quốc
tế truyền tải sứ điệp Tin Mừng lớn như EWTN lại càng được kêu gọi để thúc đẩy:
sự hiểu biết giữa mọi người; sự đối thoại giữa các cộng đoàn; và việc tìm kiếm
những nơi chốn và những cơ hội để tạo ra sự tiếp xúc giữa những vùng xa xôi của
thế giới, đôi khi những vùng này đang xung đột với nhau.
Điều mà Thánh Tông đồ Phêrô đòi hỏi
những tín hữu đầu tiên đã tin vào Chúa Kitô Phục Sinh cách đây hai ngàn năm vẫn
còn rất thích hợp cho con người ngày nay, đặc biệt đối với những người đang thi
hành nhiệm vụ như quý vị: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất
vấn về niềm hy vọng của anh em”. Tuy nhiên, ngài còn nói thêm, “hãy làm điều
đó cách hiền hoà và với sự kính trọng” (1 Pr 3: 14-17). Những lời này chắc
chắn đã được người sáng lập công ty của quý vị biết đến. Mẹ Angelica còn khẳng
định thêm: “Bạn không thể lên Thiên đường nếu còn ghét ai đó. Hãy tha thứ
ngay. Hãy động lòng trắc ẩn ngay. Hãy kiên nhẫn và tỏ lòng biết ơn ngay”.
Các phương tiện truyền thông, thậm chí còn được đòi hỏi dứt khoát hơn thế nữa.
Nếu chúng có mục đích làm nổi bật bản sắc Công giáo, thì chúng phải cố gắng
không truyền bá sự căm thù, mà trái lại, hãy thúc đẩy một truyền thông không
thù địch. Sự thật và các giá trị đạt được từ nó phải được đề cao một cách không
sợ hãi. Tuy nhiên, lời công bố này nên được phát biểu theo một phong cách đầy
yêu thương bởi những người biết kiên nhẫn lắng nghe tiếng nói của những con người ngày nay, những người đang đồng hành với họ, thậm chí họ còn phải tự biến mình thành người giải thích cho nỗi
đau khổ và mối quan tâm của những người này.
“Truyền thông” (Communication) có
từ gốc là “hiệp thông” (Communion). Hiệp thông nằm trong DNA của truyền thông,
và về cơ bản là khát vọng lớn nhất của truyền thông. Một dạng truyền thông mà
thổi bùng ngọn lửa phân cực thay vì dập tắt nó, xây nên bức tường ngăn cách thay
vì phá bỏ nó, thì dạng truyền thông đó phản bội lại bản chất của mình. Việc rao
truyền sự thật không thể tách rời việc thực thi bác ái. Thánh Gioan Phaolô II
đã chủ trương điều này trong Thông điệp của ngài cho Ngày Truyền thông Thế giới
lần thứ XXV khi lặp lại Huấn thị Hiệp thông và Tiến bộ (Communio et Progressio)
được xuất bản hai mươi năm trước đó, ngài nhận xét rằng “nếu các phương tiện
truyền thông trở thành phương tiện hữu hiệu cho tình bằng hữu và thăng tiến con
người thực sự, thì chúng phải là những kênh và những biểu hiện của sự thật,
công lý và hòa bình, thiện chí và bác ái, sự tương trợ lẫn nhau, tình yêu và hiệp
thông”.
Tôi muốn kết thúc bằng một điều
gì đó đặc biệt từ trái tim mình. Các công ty truyền thông Công giáo, như quý vị
cũng biết, có một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ tân Phúc âm hóa. Đây là lý
do vì sao thật là điều tốt đẹp khi các công ty này cảm thấy mình là một phần tích
cực của đời sống Giáo hội, trước hết bằng đời sống trong tinh thần hiệp thông với
Giám mục Rôma. Điều này ngày nay càng cấp bách hơn trong thời điểm được đánh dấu
bằng những cuộc tranh luận quá gay cấn, kể cả trong nội bộ Giáo hội, những cuộc
tranh luận này thậm chí không dung tha cho chính bản thân Đức Giáo hoàng và Quyền
Giáo huấn của ngài. Khi thành lập EWTN với lòng dũng cảm vĩ đại và sự sáng tạo
phi thường, thì Mẹ Angelica đã thành lập nó với mục đích chủ yếu là để cung cấp
một công cụ tốt phục vụ cho Giáo hội và Giáo hoàng. Mục đích này vẫn luôn tiếp
tục là sứ mệnh và phần thưởng lớn nhất của quý vị – để hiện hữu và để trải nghiệm
bản thân của quý vị trong sự phục vụ Giáo hội và Người kế vị Thánh Phêrô. Như
Thánh Gioan Phaolô II đã nói, khi nhắc lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dành
cho Phêrô (x. Lc 22,32), sứ mạng mà Chúa Giêsu giao phó cho Phêrô liên quan đến
việc làm cho Giáo hội tiếp tục sự hiện diện và thi hành sứ mạng qua các thế kỷ
và qua các thế hệ loài người (x. Buổi tiếp kiến chung, ngày 2 tháng 12 năm
1992). Ma quỷ luôn tìm cách sàng chúng ta như sàng gạo (x. Lc 22,31), nhưng lời
cầu nguyện của Chúa Giêsu dành cho Phêrô và những người kế vị Phêrô như là cái
neo cứu rỗi của chúng ta.
Cầu mong tinh thần hiệp thông với
Đức Giáo hoàng luôn là dấu hiệu đặc trưng trong công việc của quý vị. Mong điều
này được “cảm nhận” và “được đụng chạm” qua các chương trình truyền hình, các bài báo và các chương trình đa phương tiện của quý vị. Mong mọi khán
thính giả của quý vị công nhận EWTN là kỳ công do tay Chúa Thiên Chúa thực hiện
để phục vụ cho sự thật, sự hiệp thông Giáo hội và ích lợi của nhân loại.
Văn Việt
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va/en
(21.10.2022)