WHĐ (22/10/2024) - Ngày 01 tháng 5 năm 2011, Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã được tôn phong Chân phước tại Đền thờ Thánh Phêrô. Sự kiện trọng đại này đã làm nức lòng hàng triệu người trong và ngoài Kitô giáo trên toàn trên thế giới. Chân phước Gioan Phaolô II được nhận biết như “khuôn mặt lớn nhất của thời đại”, “Con người làm thay đổi lịch sử thế giới” [1], Vị Giáo hoàng “danh tiếng lẫy lừng về nhân đức thánh thiện” [2] .

Không chỉ là “Nhà lãnh đạo tinh thần của các tín hữu Công giáo”, Đức Gioan Phaolô II còn được thế giới nhận biết qua nhiều hoạt động…, bằng “những giá trị tinh thần, những nguyên tắc luân lý vững chắc, ngài đã nỗ lực đóng góp vào việc làm cho nền văn minh mới, văn minh tình thương, được hình thành và lớn mạnh trong thế giới hiện đại” [3].

Không chỉ được tôn kính và yêu mến trong thế giới Kitô giáo, Đức Chân phước Gioan Phaolô II còn có những ảnh hưởng sâu rộng trên bình diện quốc tế, ngài là “Vị lãnh đạo tinh thần có đời sống thánh thiện... người điều hành nền hòa bình và công lý giữa các dân tộc…” [4].

Đức Gioan Phaolô II trở thành Vị Giáo hoàng thực hiện tinh thần đối thoại mà Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh: đối thoại với con người, với các nền văn hóa và đặc biệt với các tôn giáo.

Trong giới hạn của bài viết, theo dòng lịch sử, chúng tôi muốn phác họa đôi nét chấm phá về công trình đối thoại liên tôn mà Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện trong suốt 26 năm triều đại Giáo hoàng của ngài. Trước hết, khởi từ Công đồng Vaticanô II, chúng tôi tự hỏi: Đức Gioan Phaolô II đã tiếp nối tinh thần đối thoại và đại kết của Công đồng và của các vị Tiền nhiệm như thế nào? Vai trò của Đức Gioan Phaolô II khi Công đồng Vaticanô II đang diễn ra? Đâu là những hoạt động đối thoại mà Chân Phước Gioan Phaolô II đã thực hiện trong triều đại Giáo hoàng của ngài? Để trả lời những câu hỏi này, chúng tôi lần lượt trình bày hai điểm chính: Đức Gioan Phaolô II với Công đồng Vaticanô II và Công trình đối thoại liên tôn trong suốt 26 năm triều Giáo hoàng của ngài.

I. Đức Gioan Phaolô II với Công đồng Vaticanô II

II. Công trình đối thoại liên tôn của Đức Gioan Phaolô II

1. Những nguyên tắc cơ bản

2. Công trình đối thoại liên tôn và đại kết

Thay lời kết


I. Đức Gioan Phaolô II với Công đồng Vaticanô II

Đức Chân phước Gioan Phaolô II tên thật là Karol Jósef Wojtila, sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920, tại Marcin Wadowice, một thị trấn nhỏ với khoảng 7000 dân, miền Nam nước Ba Lan, cách thành phố Cracovie 50 cây số về phía Đông-Nam, gần biên giới Tiệp Khắc. Ngài được chịu chức linh mục ngày 1 tháng 11 năm 1946 [5], được Đức Giáo hoàng Piô XII bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Giáo phận Cracovie và được tấn phong Giám mục tại Nhà thờ chính tòa Wawel của Tổng Giáo phận Cracovie, ngày 28 tháng 9 năm 1958 [6].

Ngày 13 tháng 1 năm 1964, Đức cha Karol Wojtyla được Đức Thánh cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Cracovie [7]. Ngày 26 tháng 6 năm 1967, ngài được Ðức Phaolô VI nâng lên Hồng Y, Hiệu tòa S.Cesareo in Palatio, được tấn phong Hồng y tại Rôma, trong nguyện đường Sixtine [8]. Ngày 16 tháng 10 năm 1978, Đức Hồng Y Karol Joséf Wojtyla được bầu chọn làm Giáo Hoàng [9].

1. Đức Karol Joséf Wojtyla với Công đồng Vaticanô II

Trong thời gian là Giám mục phụ tá, rồi Tổng Giám mục Cracovie, Đức cha Karol Jósef Wojtila đã tham dự Công đồng Vaticanô II và đã có những đóng góp rất tích cực cho Công đồng [10]. Ngài đã có 7 tham luận đọc trước các nghị phụ và 13 bản góp ý cho các văn kiện Công đồng [11]. Ngài tham gia Uỷ ban soạn thảo Lược đồ thứ XIII, lược đồ này đã trở thành bản Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes) [12].

Đối với Vaticanô II, một Công đồng chung mang tính hiệp nhật và đối thoại. Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes là một trong những Hiến chế quan trọng, thể hiện mục đích và tinh thần hiệp nhất mà Đức Chân Phước Gioan XXIII đã tuyên bố khi triệu tập Công đồng.

Theo diễn tiến của Công đồng, vấn đề quan trọng nhất trong khóa họp thứ ba (từ 14-9 đến 21-11-1964), được thế giới đặc biệt quan tâm đó là việc Công Ðồng bắt đầu cuộc thảo luận về Lược đồ XIII, về Giáo hội trong thế giới, từ ngày 20 tháng 10 năm 1964. Các Nghị phụ đã chân thành nhìn nhận sự chia cách giữa Giáo hội với thế giới và Công đồng nhận thấy, cần phải góp phần giải quyết những vấn nạn của Giáo hội và Xã hội. Tuy nhiên, bản văn đầu tiên của lược đồ XIII đã bị các Nghị phụ bác bỏ. Ngay lập tức, Công đồng thành lập một Hội đồng với mục đích soạn thảo lại Lược đồ và sẽ đưa ra thảo luận trong kỳ họp tiếp theo.

Tại khóa họp thứ tư (từ 14-9 đến 8-12-1965), Lược đồ thứ XIII tiếp tục được thảo luận, Lược đồ mới này đạt được nhiều tiến bộ và kể từ lúc này, thay vì chỉ được gọi là Sắc chỉ, bản văn của Lược đồ này được các Nghị phụ nâng lên thành: Hiến chế Mục vụ về Giáo hội. Ngày 7 tháng 10, Công Ðồng chấm dứt các tranh luận về Lược đồ XIII, nhưng mãi đến cuối kỳ họp thứ tư, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay mới được hoàn tất và bỏ phiếu thông qua. Hiến chế này thể hiện rõ nét tinh thần đối thoại và hiệp nhất của Vaticanô II, trong đó Đức Karol Wojtyla đã đóng vai trò rất quan trọng với những đóng góp cho việc soạn thảo và cho sự ra đời của Hiến chế.

Ngoài Hiến chế Gaudium et Spec, một văn kiện khác cũng không kém phần quan trọng, đó là Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra Aetate). Trên bình diện lịch sử cụ thể, có thể nói rằng: Nostra Aetate là văn kiện quan trọng nhất của Vaticanô II liên quan đến việc đối thoại liên tôn, bởi vì Văn kiện này làm thay đổi hoàn toàn thái độ và tương quan của Giáo hội với các Tôn giáo khác, từ đó, Giáo hội dấn thân vào các hoạt động đối thoại liên tôn cách tích cực, chính Đức cha Karol là người đã đóng góp nhiều công sức cho việc khởi xuớng tinh thần đối thoại tích cực này của Vaticanô II.

Sau khi Công đồng kết thúc, trong cương vị là mục tử của Tổng Giáo phận Cracovie, Đức Tổng Giám mục Karol Wojtyla ôm ấp một khát vọng canh tân Giáo hội theo tinh thần Vaticanô II, ngài đánh giá: “Vaticanô II như sự kiện nền tảng cho Giáo hội Công giáo hoàn vũ trong thời đại mới”. Tinh thần này đã ảnh hưởng mạnh mẽ trên chính đời sống và hoạt động mục vụ của ngài: “Công Đồng này như một lực đẩy mạnh mẽ giúp đưa Giáo hội sống tinh thần truyền giáo, “đến với muôn dân”, nhờ đó Giáo hội thực sự trở nên “Muối và Ánh sáng”, sống và loan báo niềm tin yêu, “vui mừng và hy vọng cho con người trong thế giới hôm nay”. Công đồng cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho Giáo Hội trong công cuộc đối thoại, cho các hoạt động biến đổi con người để nhân loại ngày càng sống xứng đáng với địa vị và phẩm giá của mình” [13].

2. Tiếp nối tinh thần của các vị tiền nhiệm

Ngày 22 tháng 10 năm 1978, Đức Karol Joséf Wojtyla đăng quang Giáo hoàng với tước hiệu Gioan Phaolô II [14], tước hiệu này không phải được chọn cách ngẫu nhiên. Theo dòng lịch sử, Công đồng Vaticanô II được Đức Gioan XXIII khai mạc ngày 11 tháng 10 năm 1962, nhưng ngài qua đời ngày 3 tháng 6 năm 1963 [15]. Đến ngày 21 tháng 6 năm 1963, Đức Phaolô VI được bầu chọn làm Giáo hoàng, ngài đã dẫn dắt Vaticanô II tới thành công và đã bế mạc Công đồng ngày mùng 8 tháng 12 năm 1965 [16]. Chính để tiếp nối công trình của hai vị Tiền nhiệm mà tên gọi Gioan Phaolô được chọn, như ngài đã giải thích trong thông điệp Đấng Cứu Độ Nhân Trần (Redemptor Hominis) như sau: “Qua hai tên gọi và hai triều đại này, tôi gắn kết với tất cả truyền thống Tông tòa, với các vị tiền nhiệm của tôi ở thế kỷ XX […], tôi mãi liên kết với chiều kích của sứ mạng và tác vụ dành cho Ngai Tòa Thánh Phêrô” [17]. Ngài cũng giải thích thêm: “Theo gương Vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi [18], tôi muốn như ngài, bày tỏ lòng yêu mến di sản đặc thù do Đức Gioan XXIII và Phaolô VI để lại cho Giáo hội, cũng như bản thân tôi sẵn sàng, nhờ ơn Chúa giúp, làm cho di sản ấy sinh hoa kết quả” [19].

Tinh thần tiến truyền thống này được ngài nhắc lại nơi Tông huấn Giáo hội tại Á châu: “Trong Tông Thư Tertio Millenio Adveniente, tôi đã trình bày rằng biến cố ngàn năm mới là một dịp lớn để đối thoại liên tôn và để gặp gỡ các nhà lãnh đạo những tôn giáo lớn thế giới (152). Tiếp xúc, đối thoại và hợp tác với những người theo các tôn giáo khác, là một trách nhiệm mà Công Đồng Vatican II trối lại cho toàn thể Giáo Hội như là một bổn phận và một thách đố” [20].

Như vậy, vừa là Nghị phụ tham gia Công đồng, vừa tiếp nối tinh thần đối thoại và hiệp nhất của các vị tiền nhiệm, Đức Gioan Phaolô II đã dấn thân tích cực vào công trình đối thoại liên tôn xuyên suốt triều đại giáo hoàng của ngài.


II. Công trình đối thoại liên tôn của Đức Gioan Phaolô II

Đối với các người Công giáo cũng như nhiều tín đồ thuộc các tôn giáo khác, Đức Gioan Phaolô II được nhận biết như “Gương mặt” vĩ đại của thế kỷ XX và của toàn bộ lịch sử Giáo hội Công giáo. Sự vĩ đại nơi Vị Giáo hoàng này được thể hiện cách đặc biệt qua công trình đối thoại, với tinh thần hiệp nhất và hòa bình được thể hiện trong suốt triều đại Giáo hoàng của ngài. Ngay trong bài diễn văn khai mạc sứ vụ Giáo hoàng, như một định hướng cho công trình mục vụ, Đức Gioan Phaolô II mời gọi : “Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa, hãy mở toang mọi cánh cửa cho Chúa Kitô, cho quyền lực cứu độ của Người! Hãy mở rộng mọi biên giới các quốc gia, các hệ thống kinh tế và chính trị, các địa hạt bao la của mọi nền văn hóa, văn minh và sự phát triển!” [21].

Quả thật, Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã muốn nêu cao tinh thần hiệp thông, cởi mở và đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo để làm sáng tỏ chân lý đức tin về Thiên Chúa và đưa các tôn giáo cùng ngồi lại với nhau để cộng tác trong nỗ lực đem lại Hòa bình cho một thế giới đầy dẫy hận thù, bạo lực, nơi đó con người nhân danh Thượng đế để biện minh cho hành động sát nhân của mình. Với tài hùng biện, với khả năng thu hút nhân tâm và với cái nhìn lạc quan, không sợ hãi, ngài tin tưởng rằng: “Mọi sự đều có thể được”.

1. Những nguyên tắc cơ bản

Trong các Văn kiện giáo hoàng của mình, Đức Gioan Phaolô II đã chỉ cho thấy: việc đối thoại và loan báo không thể tách rời nhau. Qua Thông điệp Sứ vụ Đấng cứu thế (Redemptoris Missio), ngài nói rõ: Đối thoại tôn giáo là một bổn phận và cũng là sứ mệnh loan báo Tin mừng của Giáo hội... Không có vấn đề chọn cái này mà loại bỏ cái kia.

Trong Tông huấn Giáo hội tại Á châu, ngài viết: “Những nguyên tắc để tìm kiếm một tương giao tích cực với các truyền thống tôn giáo khác, đã được trình bày trong Tuyên Ngôn Nostra Aetate của Công Đồng, ban hành ngày 28 tháng 10 năm 1965, đó là bản Đại Hiến Chương về đối thoại liên tôn của thời đại chúng ta. Đứng từ quan điểm Kitô giáo, đối thoại liên tôn còn hơn là một cách thức cổ võ sự hiểu biết và làm giàu cho nhau; đó là thành phần của sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội, một diễn tả của sứ vụ đến với dân ngoại. Người Kitô hữu mang đến cho cuộc đối thoại liên tôn niềm xác tín vững chắc rằng ơn cứu độ trọn vẹn chỉ đến từ Đức Kitô và cộng đoàn Giáo Hội mà họ thuộc về, là một phương tiện bình thường của sự cứu rỗi”. “Trong quá trình đối thoại, như tôi đã viết trong Thông Điệp Redemptoris Missio, "không thể loại bỏ các nguyên tắc, cũng không nên chủ trương hoà giải giả tạo (irenicism), nhưng ngược lại, phải làm chứng lẫn cho nhau để cùng nhau tiến bước trên con đường tìm kiếm và sống kinh nghiệm tôn giáo, và đồng thời loại bỏ được những tiên kiến, bất bao dung và hiểu lầm". Chỉ những người có đức tin Kitô giáo trưởng thành và xác tín, mới có tư cách dấn thân vào việc đối thoại liên tôn chân chính. "Chỉ những Kitô hữu được dìm sâu vào trong mầu nhiệm Đức Kitô và sống hạnh phúc trong cộng đồng đức tin của họ, mới có thể dấn thân vào việc đối thoại liên tôn, mà tránh được sự liều lĩnh không đáng và có hy vọng hái được hoa quả tích cực” [22].

Liên quan đến nguyên tắc đối thoại này, trong khoá họp khoáng đại lần thứ 5 của Liên Hội Đồng Giám mục Á châu, ngài nhấn mạnh: “Mặc dầu Giáo Hội vui mừng công nhận bất cứ điều gì là chân thật và thánh thiêng trong các truyền thống Phật giáo, đạo Hindu và Hồi giáo, như là một phản ảnh của chân lý soi sáng muôn dân, điều đó không làm giảm thiểu bổn phận và quyết tâm của Giáo Hội, đó là rao giảng không do dự về Đức Giêsu Kitô, Đấng là “đường, là sự thật và là sự sống”. Sự kiện những kẻ theo các tôn giáo khác có thể nhận lãnh ân sủng của Thiên Chúa và được Đức Kitô cứu độ không bằng những phương tiện bình thường do chính Ngài thiết lập, do vậy, không thể hủy bỏ việc mời gọi họ lãnh nhận đức tin và phép Thánh tẩy mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho tất cả mọi người” [23].

2. Công trình đối thoại liên tôn và đại kết

Một năm sau khi được bầu chọn làm Giáo hoàng, từ ngày 28 đến 30 tháng 11 năm 1979, Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện chuyến tông du viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia có đa số dân chúng theo Hồi giáo. Trong chuyến đi này, Đức Chân Phước Gioan Phaolô II đã gặp Đức Dimitrios I, Thượng phụ Giáo chủ Chính thống Giáo Constantinople. Tại Istanbul, ngày 30 tháng 11, trong ngôi Nhà thờ chính tòa cổ kính mang tên thánh Goeges-du-Phanar, Đức Gioan Phaolô II đã tham dự buổi cử hành phụng vụ Thánh thể cùng với Đức Thượng phụ Dimitrios I. Trong buổi cử hành này, hai Vị đứng đầu hai Giáo hội Kitô đã cầm tay nhau đọc kinh Lạy Cha và đã trao chúc bình an cho nhau. Kể từ sự chia rẽ vào năm 1054, đây là là đầu tiên trong lịch sử, một Vị Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo Rôma tham dự nghi thức phụng vụ của Giáo hội Chính thống [24]. Trước đó, trong buổi tiếp đón phái đoàn đại diện cấp cao của Giáo hội Chính thống theo nghi lễ Copte của Alexandrie, Đức Gioan Phaolô II nói: “Ngay từ đầu sứ vụ Giáo hoàng, tôi xác quyết rằng, một trong những bổn phận chính yếu của tôi là góp phần làm cho sự hiệp nhất của những người cùng mang Danh kitô” [25].

Thật vậy, suốt triều đại Giáo hoàng của ngài, Đức Gioan Phaolô II đã không ngừng theo đuổi công trình đối thoại và hiệp nhất, “ngài đã mở ra một chân trời mới và gia tăng đối thoại để góp phần vào việc giảm bớt những xung đột và tạo niềm cảm thông hơn trên thế giới” [26]. “Ngoài vai trò là một người hướng đạo tinh thần cho hơn một tỷ tín hữu Công giáo, ngài còn ủng hộ không mệt mỏi cho hoà bình, một con người tiên phong thực sự trong đối thoại tạo niềm tin tưởng lẫn nhau...” [27].

Theo đuổi đến cùng công trình đối thoại liên tôn và đại kết, từ ngày 15 đến 17 tháng 11 năm 1980, Đức Gioan Phaolô II đã tông du đến Cộng hoà Liên bang Đức, quê hương của Luther, nhân dịp kỷ niệm 450 năm Bản tuyên tín Augsbourg. Vào dịp này, một tờ báo theo khuynh hướng Xã hội-Dân chủ Đức đã viết: “Ngài đã khơi động ý thức quốc gia dân tộc qua những lời kêu gọi mọi người, mọi thành phần tôn giáo và xã hội: Công giáo, Tin lành, Hồi Giáo, Do thái… ngài thôi thúc họ sống huynh đệ, hiệp nhất và đối thoại….” [28].

Nhờ cố gắng đối thoại và hiệp nhất, ngày 16 tháng 1 năm 1982, Toà Thánh và Anh quốc đã tái lập quan hệ ngoại giao sau 450 bị gián đoạn. Cũng trong tinh thần đối thoại ấy, ngày 15 tháng 9 năm 1982, Đức Gioan Phaolô II đã đón tiếp ông Yasser Arafat, Chủ tịch Phong trào Giải phóng Palestin, tại điện Vatican.

Từ ngày 29 tháng 9 đến 25 tháng 10 năm 1983, Đức Gioan Phaolô II đã triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới với chủ đề: “Sám hối và Hoà giải trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội”. Qua Thượng Hội đồng này, Giáo hội muốn nhìn lại đời sống của mình, để canh tân và để cho công cuộc đối thoại đạt kết quả tốt đẹp hơn.

Ngày 11 tháng 12 năm 1983, Đức Gioan Phaolô II đã đến thăm cộng đoàn Tin Lành Luther tại Rôma. Đây là cuộc viếng thăm đầu tiên của một Vị Giáo hoàng đến Cộng đoàn này.

Nhằm mở rộng quan hệ quốc tế, ngày mùng 9 tháng 4 năm 1984, Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ĐHY Etchegaray, Tổng Giám mục Marseille, làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý, hòa bình và Đồng tâm, cơ quan điều phối các hoạt động bác ái, hòa bình và hiệp nhất của Giáo Hội trên bình diện toàn cầu.

Từ ngày 12 đến 17 tháng 6, Đức Gioan Phaolô II thăm viếng Ủy ban Đại kết các Giáo Hội Kitô tại Genève. Đây là chuyến tông du Thụy Sĩ đầu tiên của một vị Giáo hoàng Rôma kể từ năm 1418 [29].

Trong chuyến viếng thăm các quốc gia Châu phi: Togo, Côte-d’Ivoire, Camerun, Trung phi, Kenya và Maroc từ ngày 8 tháng 8 đến 19 tháng 8 năm 1985 [30]. Tại Casablanca (Maroc), Đức Gioan Phaolô II đã ngỏ lời với các tín hữu Hồi giáo như sau: “Tôi bị thuyết phục bởi những truyền thống tốt đẹp của Hồi giáo như: lòng hiếu khách, trung thành với tình bạn, kiên nhẩn trước những thử thách, một đức tin kiên vững nơi Thiên Chúa, đó là những nguyên tắc tốt đẹp nhờ đó họ vượt qua những thái độ không thể chấp nhận những dị biệt của những tôn giáo khác.

Tôi thành tâm mong ước, nếu tín đồ Hồi giáo tại các quốc gia theo truyền thống Kitô giáo, được hưởng những điều kiện thuận lợi cho đời sống đạo của mình, thì cũng vậy, người Kitô hữu sống tại những xứ sở có truyền thống Hồi giáo cũng phải được hưởng các tiện nghi và được đối xử như vậy. Tự do tôn giáo không chỉ là một sự khoan hồng. Tự do tôn giáo là một thực tại dân sự và xã hội, với những quyền lợi được ấn định rõ ràng để cho các tín hữu sống niềm tin của mình, tôn thờ Thiên Chúa của họ mà không phải sợ hãi…”. Ngỏ lời với các bạn trẻ Hồi giáo, Đức Gioan Phaolô II nói: “Cuộc đối thoại giữa những người kitô hữu và người Hồi giáo hiện nay thì cần thiết hơn bao giờ hết. […] Người trẻ có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp nếu trước hết, họ biết đặt niềm tin vào Thiên Chúa và họ dấn thân xây dựng thế giới mới này theo chương trình của Thiên Chúa với sự khôn ngoan và tin tưởng cậy trông…” [31].

Ngày 27 tháng 10 năm 1986, do sáng kiến của Đức Gioan Phaolô II, 160 vị đại diện của 12 tôn giáo lớn trên thế giới đã cùng nhau tụ họp tại Assisi, thành phố của thánh Phanxicô, để cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Sự kiện này đã tạo ra một tiếng vang lớn và Đức Gioan Phaolô II được thế giới nhận biết như Nhà kiến tạo hòa bình với tinh thần đối thoại và hiệp thông giữa các tôn giáo, các nền văn hóa lớn trên thế giới [32]. Nhắc lại sự kiện này, Đức Gioan Phaolô II viết: “Cuộc gặp gỡ đáng ghi nhớ tại Assisi, thành phố của thánh Phanxicô, ngày 27 tháng 10 năm 1986, giữa Giáo Hội Công giáo và đại biểu các tôn giáo khác trên thế giới, chứng tỏ rằng các người nam nữ có tôn giáo, tuy không bỏ các truyền thống riêng của mình, vẫn còn có thể dấn thân vào việc cầu nguyện và kiến tạo hoà bình thịnh vượng cho nhân loại. Giáo Hội phải tiếp tục cố gắng gìn giữ và cổ võ, ở mọi cấp bậc, tinh thần gặp gỡ và hợp tác giữa các tôn giáo” [33].

Trước đó, ngày 13 tháng 6 cùng năm, tại Rôma, Đức Gioan Phaolô II đã thăm viếng Đền thờ Do Thái và đã phát biểu: “Giáo Hội của Chúa Kitô khám phá mối liên hệ sâu xa với Do thái giáo khi suy tư về mầu nhiệm của tôn giáo mình. Do Thái giáo không “xa lạ hay đứng bên ngoài”, nhưng một cách nào đó “gần gũi hay ở bên trong” tinh thần và đời sống của Kitô giáo. Như vậy, có những mối liên hệ mà chúng ta không tìm thấy ở một tôn giáo nào khác. Tín hữu Do Thái giáo là những người anh em đặc biệt và có thể nói, họ là những bậc đàn anh của chúng ta. […] Người ta không thể đổ lỗi của quá khứ và tập thể cho dân tộc Do Thái về những sự kiện đã xẩy ra liên quan đến cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Đó không là tội của người Do Thái lúc bây giờ, cũng như trước kia và chính ngay lúc này. Tất cả mọi giải thích thần học mang tích kỳ thị và còn tệ hại hơn là việc bách hại người Do thái, là một sự mâu thuẩn và sai lầm. Thiên Chúa phán xét mỗi người tùy theo “những việc họ làm”, người Do thái cũng như Kitô hữu” [34].

Từ ngày 29 tháng 9 đến 2 tháng 10 năm 1989, trong tinh thần đối thoại đại kết, Đức Gioan Phaolô II đã gặp gỡ Đức cha Robert Runcie, Tổng Giám mục Cantobéry, giáo chủ Anh giáo, tại Rôma [35]. Ngày 22 tháng 1 năm 1991, ngài ban hành Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu thế (Redemptoris Missio), Văn kiện này được xem như bản chỉ dẫn cho sứ mạng truyền giáo và đối thoại của Giáo hội Công giáo. Ngày 31 tháng 5, Đức Gioan Phaolô II gởi bức thư cho các Giám mục châu Âu về những mối liên lạc giữa hai Giáo hội Công giáo và Chính thống.

Tiếp nối tinh thần Assisi, từ ngày mùng 9 đến 10 tháng 1 năm 1993, cuộc gặp gỡ liên tôn được tái hiện tại đây để cầu nguyện cho hòa bình tại Châu Âu, đặc biệt trong vùng Balkans khi cuộc chiến tại đây đang diễn ra.

Qua các văn kiện Giáo hoàng, các Tông khuyến thư Hậu Thượng Hội Đồng Giám mục: Ecclesia in Africa, Ecclesia in Asia, Ecclesia in America, Ecclesia in Oceania, Đức Gioan Phaolô II đã nhiều lần nhấn mạnh về tầm quan trọng của hoạt động truyền giáo và công cuộc đối thoại với các tôn giáo và các nền văn hóa. Ngày 14 tháng 9 năm 1995, dịp bế mạc cuộc họp các Giám mục ở Phi Châu, Đức Gioan Phaolô II nói: “Giáo hội Công giáo hết lòng kính trọng các truyền thống văn hóa, tôn giáo, đây là biểu hiệu sống động chiều kích tâm linh của một số đông dân chúng. Nhưng dù kính trọng và ca ngợi các truyền thống tôn giáo này, dù vẫn còn đó nhiều vấn đề phức tạp, chúng ta vẫn không thể im tiếng. Giáo hội Công giáo luôn phải tiếp tục sứ mạng rao giảng về Đức Kitô Giêsu cho những người ngoài Kitô giáo”.

Từ ngày mùng 4 đến 10 tháng 9 năm 1993, lần đầu tiên trong lịch sử, một Vị giáo hoàng đặt chân đến vùng đất băng giá của Liên xô củ, các quốc gia Đông Âu và vùng Balkans: Estonie, Lettonie, Lituanie, vùng đất bị “giá băng” do bởi sự chia rẽ trong quá khứ giữa Công giáo và Chính thống.

Ngày 19 tháng 10 năm 1994, với tinh thần đối thoại, Đức Gioan Phaolô II đã cho xuất bản tác phẩm: Bước qua ngưỡng cửa hy vọng. Sách được xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới, được phiên dịch ra 50 ngôn ngữ. Bằng giọng văn sắc sảo, ngài đề cập đến nhiều chủ đề lớn trong 35 chương sách.

Ngày 11 tháng 11 cùng năm, Tòa thánh ký kết một bản tuyên ngôn chung về Kitô học với Giáo hội Assyri Đông phương. Tiếp theo đó, với Tông thư Orientale lumen được ban hành ngày 2 tháng 5 năm 1995, Đức Gioan Phaolô II tái khẳng định nhu cầu hít thở bằng “hai lá phổi” Đông và Tây của toàn thể Giáo Hội. Hai mươi ngày sau, Thông điệp Ước gì chúng trở nên một (Ut sint unum) được ban hành vào ngày 25 tháng 5, Thông điệp này nhấn mạnh đến sự cần thiết và tầm quan trọng của công việc Đại kết các Giáo hội Kitô Giáo.

Ngày 29 tháng 6 năm 1995, Đức Gioan Phaolô II đón tiếp Đức Thượng phụ Bartôlômêô I, Giáo chủ Giáo hội Chính thống Constantinople. Đây là lần đầu tiên, một Giáo hoàng Rôma đón tiếp Vị Giáo chủ Chính thống Constatinople. Tiếp đến, vào các ngày 30 tháng 6 đến mùng 2 tháng 7, trong chuyến tông du tại Slovakia, Đức Gioan Phaolô II đặc biệt ngỏ lời với những người Công giáo thuộc nghi lễ Đông phương, ngài đến nghiêng mình trước đài tưởng niệm các vị tử đạo Tin lành trong cuộc chiến Công giáo và Tin lành trước đây.

Nhằm mở rộng quan hệ với các thể chế chính trị trong tinh thần đối thoại và hiệp nhất, ngày 19 tháng 11 năm 1996, Đức Gioan Phaolô II có cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Rôma với Tổng thống Cuba, Fidel Castro. Dịp này, nhà lãnh đạo Cuba đã mời Đức Giáo hoàng viếng thăm đất nước của ông. Ngày 12 tháng 12 năm 1996, Đức Gioan Phaolô II có cuộc tiếp kiến Đức thượng phụ Kakékine I của Giáo Hội Chính thống Arméni, tại Rôma.

Từ ngày 25 đến 27 tháng 4 năm 1997, Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện chuyến tông du lần 3 đến nước Cộng hoà Tiệp khắc, nhân dịp mừng 1000 năm Tin mừng được rao giảng tại Bôhême. Đây là cơ hội tốt để hai Giáo hội Công giáo và Giáo hội Phúc âm của những người Bôhême xích lại gần nhau hơn.

Ngày 31 tháng 10 năm 1997, một Hội nghị với chủ đề: Sự kiện bài Do Thái trong lịch sử được tổ chức, dịp này, Đức Gioan Phaolô II đã tuyên bố với các tham dự viên rằng: “Chủ nghĩa bài Do Thái hoàn toàn có thể lên án được”. Một năm sau, ngày 31 tháng 10 năm 1998, Hội nghị chuyên đề lịch sử về Tôn giáo pháp đình được tổ chức tại Rôma, Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định mạnh mẽ rằng: “Một giai đoạn đen tối và đau thương mà con cái Giáo Hội không thể không nghĩ đến để sám hối tội lỗi”.

Từ ngày 7 đến 9 tháng 5 năm 1999, Đức Gioan Phaolô II thực hiện chuyến tông du đầu tiên đến Rumanie, một quốc gia mà đại đa số dân chúng thoe Chính thống giáo, đây được xem là bước đi quan trọng cho công cuộc đại kết Kitô giáo.

Từ ngày 24 đến 28 tháng 10 năm 1999, Đại hội Liên tôn diễn ra tại Rôma và sau đó tại Assisi, với chủ đề: “Cộng tác giữa các tôn giáo trên bước thềm Thiên niên kỷ thứ 3”. Tiếp đến, ngày 31 tháng 10, Bản “Tuyên ngôn chung về công chính hoá”, được ký kết, đây là thoả thuận liên quan đến lãnh vực tín lý về ơn công chính, vấn đề tranh cải từ thời Cải cách của anh em Tin lành.

Trong những ngày mùng 6 đến 8 tháng 11, ngài thực hiện chuyến tông du đến Ấn Độ với mục đích công bố Tông huấn Giáo hội tại Á châu (Ecclesia in Asia). Dịp này, Đức Giáo hoàng cũng viếng thăm Tbilissi và Géorgie, đây là những quốc gia mà phần lớn dân chúng theo Chính thống giáo.

Ngày 16 tháng 12 năm 1999, khi tiếp Đại sứ Philippines tại Vatican, Đức Gioan Phaolô II nói: “Thế giới và nhân loại đang tiến đến một thiên niên kỷ mới, chúng ta cần phải sống tình huynh đệ hoàn vũ giữa các dân tộc trong gia đình nhân loại duy nhất và cần phải thể hiện sự hợp tác rộng lớn giữa tín đồ của các tôn giáo trên thế giới, nhằm cổ võ những giá trị thiêng liêng mà nhân loại giờ đây, hơn bao giờ hết đang cần đến”. 

Bước vào Năm Thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II đã mở ra một loạt những hoạt động thật ấn tưởng. Từ ngày 24 đến 26 tháng 2, ngài đã thực hiện cuộc hành hương theo chân tổ phụ Abraham. Tại Le Caire, thủ đô Ai Cập, ngài có cuộc gặp gỡ với Đức Giáo chủ Chính thống Copte, Chenouda III, ngài cũng đến thăm Tu viện Chính thống Hy Lạp mang tên Thánh nữ Catarina tại Sinai.

Ngày 12 tháng 3, ngài thực hiện hành động thống hối mang tính lịch sử, nhân danh toàn thể Giáo hội Công giáo, Đức Giáo hoàng khẩn cầu Thiên Chúa tha thứ cho những lỗi lầm mà con cái Giáo hội đã sai phạm từ 2000 năm qua, đặc biệt tội chống lại chân lý, gây chia rẽ, những sai phạm trong tương quan với tòan thể nhân loại, với dân Do Thái, những lỗi phạm liên quan đến vấn đề nhân quyền.

Từ ngày 20 đến 26 tháng 3, Đức Gioan Phaolô II thực hiện giấc mơ xưa cũ khi ngài đi hành hương Thánh địa (Giođani, Palestin, Israel), cuộc hành hương mang chiều kích vừa tâm linh, vừa đối thoại liên tôn. Tại Giêrusalem khi gặp gỡ các tôn giáo, ngài nói: “Giáo hội Công giáo ước ao theo đuổi cuộc đối thoại liên tôn cách chân thật và hiệu quả với các tín hữu Do thái giáo và Hồi giáo. Qua những cuộc đối thoại này, chúng tôi không đòi buộc người khác phải theo ý mình. Điều quan trọng là mỗi nhóm tôn giáo cần phải trung thành với niềm tin của họ, cùng lắng nghe nhau với tinh thần tôn trọng, chân thành, cộng tác để tìm kiếm trong chính tôn giáo mình và trong các truyền thống văn hóa những gì là tốt đẹp và lành thánh”. Dịp này, Đức Gioan Phaolô II đã đến cầu nguyện tại Bức Tường Than Khóc, ngài dâng lời cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa của Cha Ông chúng con, Ngài đã chọn gọi Tổ phụ Abraham và miêu duệ của ông, để nhờ đó Danh Thánh Ngài được loan báo cho muôn dân nước. Chúng con hết lòng sám hối và đau buồn về những lỗi lầm đã gây ra biết bao đau khổ cho con cái của Chúa. Xin thương tha thứ cho chúng con về những lỗi phạm và xin cho chúng con biết sống tình huynh đệ đích thực với Dân Giao ước của Ngài. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con”.

Ngày 7 tháng 5, tại Hí trường Colisée, trước sự chứng kiến của đại diện các Giáo hội Kitô, Đức Gioan Phaolô II đã chủ tọa Nghi lễ tưởng niệm đại kết đối với các chứng nhân đức tin của thế kỷ XX.

Vào hai ngày mùng 9 và 10 tháng 11, khi tiếp kiến nhà lãnh đạo Giáo hội Đông phương Arménie, Đức Thượng phụ Karékine II. Dịp này, Đức Giáo hoàng nhắc nhớ truyền thống đức tin chung giữa hai Giáo hội Công giáo và Chính thống, ngài tái khẳng định sự cam kết đại kết như “lệnh truyền của lương tâm Kitô giáo”.

Từ ngày 4 đến 9 tháng 5 năm 2001, Đức Gioan Phaolô II thực hiện cuộc hành hương theo chân Thánh Phaolô đến Athènes, thủ đô Hy lạp, đến Syrie và đảo Malte. Ngài đã vượt thắng sự thù hận xưa củ của những người Chính thống Hy Lạp. Tại Damas, lần đầu tiên, ngày mùng 6 tháng 5 năm 2001, một Giáo hoàng Rôma viếng thăm ngôi đền thờ Hồi giáo, ngài đã phát biểu: “Cuộc gặp gỡ của chúng ta tại nơi chốn lừng danh này nhắc cho chúng ta ý thức rằng: con người có hồn thiêng, được tạo dựng để nhận biết và kính trọng quyền tối thượng của Thiên Chúa trên toàn thể vũ trụ. Đối với tất cả chúng ta, dù là Công giáo hay Hồi giáo, việc gặp gỡ Thiên Chúa qua việc cầu nguyện là lương thực cần thiết cho linh hồn chúng ta, không có của ăn ấy, trái tim chúng ta sẽ khô héo và sẽ đánh mất ý thức đấu tranh cho sự thiện [...]

Trong nhà thờ và trong nguyện đường Hồi giáo, chúng ta giảng dạy gì cho người trẻ Công giáo và Hồi giáo về căn tính của tôn giáo chúng ta? Tôi mong ước rằng: đối với những ai có trách nhiệm về đạo đức, cũng như các nhà giáo dục Hồi giáo hay Công giáo, hãy giới thiệu hai cộng đồng quan trọng của chúng ta như những cộng đoàn dấn thân trong một cuộc đối thoại tôn trọng nhau và không bao giờ xem như là hai cộng đoàn đấu tranh chống lại nhau. Điều chính yếu là phải giảng dạy cho tuổi trẻ con đường kính trọng, cảm thông và yêu mến nhau, để họ không xử dụng tôn giáo cách sai lệch nhằm cổ võ hay biện minh cho hành động căm thù và bạo lực”.

Từ ngày 23 đến 27 tháng 6 năm 2001, ngài thực hiện chuyến tông du lịch sử đến Ukraina, tại đây, ngài góp phần nâng đỡ Giáo hội Công giáo thuộc nghi thức Đông phương đang hồi sinh và có cuộc gặp gỡ với các vị lãnh đạo của Giáo Hội Chính thống. Tiếp đến, từ ngày 22 đến 27 tháng 9, Đức Gioan Phaolô II thực hiện chuyến tông du đến Kazakhstan và Arménie, tại đây, ngài mạnh mẽ kêu gọi đối thoại liên tôn và hiệp nhất các Kitô hữu.

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, cả thế giới như rung động vì cuộc khủng bố tại Hoa kỳ, sau sự kiện này, Đức Gioan Phaolô II lại mời gọi Đại diện các tôn giáo trên thế giới họp mặt tại Assisi để cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào Chúa nhật mùng 8 tháng 11 năm 2001, ngài nói: “Tình hình thế giới hiện đang trải qua những căng thẳng và lo âu [...] Thế giới ngày càng bị đe dọa bởi những kẻ khủng bố, chúng ta cảm thấy sự khẩn thiết phải kêu cầu cùng Thiên Chúa. Khó khăn càng chồng chất và chân trời ngày càng u tối, chúng ta lại phải khẩn nài Thiên Chúa, để con người được hiểu biết, cảm thông, sống hòa bình và hòa giải với nhau. Vì thế, tôi tha thiết mời gọi đại diện các tôn giáo trên thế giới hãy cùng tụ họp tại Assisi vào ngày 24 tháng 1 năm 2002, để cầu nguyện, để giúp san bằng những hố sâu của sự đối đầu và cổ võ cho nền hòa bình chân thật. Tôi hết lòng mong ước được quy tụ tất cả các Kitô hữu và Hồi giáo, để nói với họ rằng: tôn giáo không bao giờ được phép trở thành lý do để tranh đấu, để gây hận thù và dùng bạo lực”.

Ngày Chúa Nhật 27 tháng 01 năm 2002, trong Sứ điệp ngày Quốc tế về Di dân lần thứ 88, Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Ngày nay các phương tiện giao thông phát triển mạnh mẽ giúp cho người dân từ nước này di chuyển đến nước khác, từ lục địa này sang lục địa kia cách dễ dàng. Trên thế giới có hơn 150 triệu di dân, đó là một trong những hệ quả của hiện tượng nói trên... Do đó, chúng ta được mời gọi để sống chung cùng nhau giữa các sắc dân, các nền văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo. Cuộc di dân vĩ đại của thế kỷ này làm cho chúng ta có thêm cơ hội để đối thoại tôn giáo. Những nước Kitô giáo cổ xưa cũng như các xã hội đa văn hóa làm cho chúng ta có những dịp đặc biệt để trao đổi về tôn giáo và văn hóa”.

Ngày 29 tháng 6 năm 2004, Đức Thượng phụ Bartôlômêô I, Giáo chủ Constantinople có cuộc viếng thăm Rôma lần thứ hai, mối tương quan giữa hai Giáo hội Kitô: Công giáo và Chính thống đang ngày càng thắm thiết hơn, tinh thần đại kết đang tiến triển nhờ bởi những hoạt động không mệt mỏi cho công trình đối thoại liên tôn và đại kết của Đức Gioan Phaolô II.

Và rồi, ngày mùng 2 tháng 4 năm 2005, Vị sứ giảng của công trình đối thoại sau khi hoàn tất sứ mạng được trao phó, ngài trở về Nhà Cha trên trời. Thánh lễ an táng Đức Cố Giáo hoàng được sánh ví như hình ảnh của một thế giới hòa bình và hòa hợp. Hai trăm phái đoàn chính phủ các quốc gia gồm các nguyên thủ: Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch nước và các thành viên… cùng với đại diện các tôn giáo trên thế giới cùng ngồi chung trên khu vực lễ đài để tham dự Thánh lễ tiễn biệt Ðức Gioan Phaolô II. Đây là hình ảnh có một không hai trong lịch sử, như lời của một nhà bình luận truyền hình Ý đã thốt lên: “Thánh lễ an táng Đức Gioan Phaolô III là một lễ nghi đại kết lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Tại đó, các giáo chủ của Giáo Hội đông phương, các đại diện của Hồi Giáo, Tin Lành, Anh giáo, Phật Giáo...” Và “đây là hình ảnh của một liên hiệp quốc đúng nghĩa với hàng trăm nguyên thủ quốc gia không cùng quan điểm, khác biệt về đường lối chính trị, họ đã ngồi sát cạnh nhau mà không có sự tranh cãi hay đối đầu”.


Thay lời kết

Bức chân dung về cuộc đời và sự nghiệp của Đức Chân Phước Gioan Phaolô II được phát họa bằng nhiều nét với những sắc màu thật phong phú. Một trong những nét đặc sắc của bức chân dung ấy được thể hiện qua công trình đối thoại liên tôn mà ngài đã thể hiện, công trình ấy đã làm nên sự vĩ đại của một triều đại Giáo hoàng, một triều đại nổi bật trong dòng lịch sử Giáo hội.

Những tình cảm chân thành được dành tặng cho Đức Cố Giáo hoàng là bằng chứng cho những thành quả, những giá trị tinh thần mà Đức Chân Phước đã nỗ lực không ngừng cho các hoạt động đối thoại và hiệp nhất không ngơi nghỉ của ngài. Tổng thư ký LHQ Kofi Annan nói: “Tôi thực sự đau buồn trước cái chết của Đức Gioan Phaolô II. Ngoài vai trò là một người hướng đạo tinh thần cho hơn một tỷ tín hữu Công giáo, ngài còn ủng hộ không mệt mỏi cho nền hoà bình, một người tiên phong thực sự trong đối thoại tạo niềm tin tưởng lẫn nhau...”.

Tổng thống nước Ý, ông Carlo Azeglio Ciampi nói: “Người Ý đang khóc thương trước sự ra đi của một người cha. Đức giáo hoàng sẽ luôn được nhớ đến như một trong những người của tự do và công lý”. Còn Thủ tướng Ý, ông Silvio Berlusconi, khi được tin Ðức Giáo hoàng qua đời, đã gởi sứ điệp chia buồn đến Ðức Hồng Y nhiếp chính Martinez Somalo: “Chúng tôi ghi sâu công ơn hoạt động không mệt mỏi và những đau khổ mà Đức Thánh cha đã không ngừng mang lấy nhằm chống lại mọi hình thức bạo lực, đàn áp và sự xuống dốc luân lý, nhân danh những giá trị của Giáo Hội Công giáo. Những giá trị nầy cũng là những giá trị tột cùng của phẩm giá con người và tình liên đới”.

Tổng thống Mỹ George W Bush nói: “Vị Mục tử trung thành và nhân hậu của Chúa đã được gọi về Nhà Cha. Thế giới đã mất đi một nhà quán quân về tinh thần đối thoại, hòa bình và tự do”.

Thủ tướng Anh Tony Blair lên tiếng ca ngợi Ðức Thánh cha như một “con người đáng kính phục” suốt đời bênh vực cho sự công bằng, tự do. Ông nói: “Thế giới đã mất đi một vị lãnh đạo tôn giáo được mọi người thuộc mọi niềm tin và cả không có niềm tin, tôn trọng. Ngài là một sự khởi hứng, một con người có niềm tin ngoại thường, một con người can đảm, dám dấn thân cho công cuộc đối thoại đầy khó khăn”. Nữ Hoàng Elisabeth II cũng thể hiện nổi buồn sâu xa và ca ngợi Ðức Gioan Phaolô II, vì đã “cổ võ cho sự hiệp nhất Kitô và cho những liên lạc gần gủi hơn giữa Giáo Hội Công giáo Rôma và các Giáo Hội Anh giáo”. Còn Ðức Tổng Giám mục Anh giáo Rowan Williams, Tổng Giám mục Canterbury đã nói về Ðức Gioan Phaolô II như “một người bạn trung thành, đầy tinh thần đối thoại và cầu nguyện” của 70 triệu tín hữu Anh giáo.

Tổng thống Pháp Jacques Chirac phát biểu: “Tôi thật sự xúc động khi hay tin Đức Gioan Phaolô II qua đời. Sự đau buồn này in sâu trong lòng nước Pháp, nơi tâm hồn mỗi người dân Pháp”. Đang khi đó, ông José Manuel Barroso, chủ tịch Ủy Ban Âu Châu chúc tụng Ðức Cố Giáo Hoàng như người có công hiệp nhất Âu Châu, và do đó Ngài xứng đáng với tước hiệu “Người Cha của Âu Châu Hiệp Nhất”. Thủ tướng Canada, ông Paul Martin nói: “Lịch sử sẽ ghi lại rằng Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có những đóng góp quan trọng và lớn lao trong việc hiệp nhất, cho việc đổi mới dân chủ tại Trung và Đông Âu và chấm dứt cuộc Chiến tranh lạnh”.

Tại Giêrusalem, Thủ tướng Do thái, Ông Ariel Sharon, đã nhắc đến Ðức Cố Giáo Hoàng như “người bạn đích thực của dân Do Thái” cũng như của nước Israel. Ông nói: “Ðức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II là con người của hòa bình, một người bạn của dân tộc Do thái. Ngài nhìn nhận tính cách đặc biệt của dân Do Thái, đã cố gắng hoạt động trong tinh thần đối thoại để hòa giải các dân tộc. Thế giới đã mất đi một trong những vị lãnh đạo nổi tiếng của thời đại chúng ta”. Còn Ngoại trưởng Israel, ông Silvan Shalom nói: “Israel, người Do Thái và toàn thể thế giới hôm nay đã mất đi nhà quán quân vĩ đại về hoà giải và tình anh em giữa các truyền thống đức tin. Đây là một mất mát to lớn, trước tiên đối với Giáo hội Công giáo, nhưng đây cũng là một mất mát lớn đối với toàn thể nhân loại”.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thì nói: “Chúng ta đã mất đi một nhân vật tôn giáo vĩ đại, người đã cống hiến cả đời mình vì hòa bình và công lý của mọi dân tộc”. Còn Tổng thống Nga Putin nói: “Một nhà hoạt động xuất chúng, tên tuổi ngài gắn liền với cả một thời đại đã ra đi” [36].

Những tình cảm quý báu dành tặng cho Đức Cố Giáo hoàng như trên là hoa trái của một đời hoạt động không ngừng cho việc loan báo Tin mừng, cho tinh thần đối thoại và hiệp thông mà Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã nỗ lực thể hiện qua sự dấn thân và phục vụ cùng chứng từ yêu thương.

Bằng kinh nghiệm sống, Đức Gioan Phaolô II đã đúc kết thái độ của người Kitô hữu phải có trong tương giao với những tín đồ thuộc tôn giáo khác như sau: Công trình đối thoại ấy cần được thực hiện “trong khung cảnh cởi mở, với một thái độ sẵn sàng lắng nghe, ước muốn kính trọng và hiểu biết kẻ khác trong sự khác biệt của họ. Để có thể đối thoại, trước hết, cần phải thương yêu kẻ khác. Điều đó phải dẫn đến sự hợp tác, hòa hợp và làm phong phú lẫn nhau” [37]. “ […] cần thiết phải đối thoại bằng cuộc sống và con tim. Người môn đệ của Đức Kitô phải có tấm lòng hiền lành và khiêm nhượng của Thầy mình, không bao giờ tỏ ra kiêu căng, không bao giờ có thái độ hạ cố, khi gặp gỡ những đối tác trong cuộc đối thoại” [38].

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 67 (Tháng 9 & 10 năm 2011)

______

[1] Tuần báo "Tiếng Nói Âu Châu" http://www.ev50.com.

[2] Thông cáo của Bộ Phong Thánh về việc tôn phong Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II lên Hàng Chân Phước.

[3] La Tampa March 3, 1992, Bài báo này cũng được ấn hành trên 115 tờ báo lớn trên thế giới.

[4] Phát biểu của Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton dịp đón tiếp Đức Gioan-Phaolô II viếng thăm Hoa Kỳ từ ngày 13 đến 15 tháng 8 năm 1993, nhân Đại Hội Giới Trẻ Công giáo Thế Giới tại Denver, Colorado. New York Times March 9, 1993.

[5] http://www.karol-wojtyla.org/Fr/Giovanni%20Paolo%20II/Biografia.aspx.

[6] Ibid.

[7] Ibid.

[8] http://www.la-croix.com/article/index.jsp?docId=1216900&rubId=22491.

[9] http://www.karol-wojtyla.org/Fr/Giovanni%20Paolo%20II/Biografia.aspx.

[10] Công đồng Vaticanô II từ 1962 - 1965.

[11] Bernstein và Marco Politi, Pope John Paul II -The Biography  His Holiness – John Paul II, and the Hidden History of our Time, xem Trần PHONG VŨ, “Bước đường Mục vụ của Cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II”, trích từ chương III quyển: Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Vĩ nhân Thời đại, Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia, 2005.

[12] Xem http://www.karol-wojtyla.org/Fr/Giovanni%20Paolo%20II/Biografia.aspx.

[13] Lm Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Đức Chân Phước Gioan-Phaolô II, NXB Tôn Giáo, 2011, trang 43.

[14] http://www.karol-wojtyla.org/Fr/Giovanni%20Paolo%20II/Biografia.aspx.

[15] Lm Phêrô NGUYỄN Thanh Tùng, 265 Triều đại Giáo hoàng trong dòng lịch sử Giáo hội, NXB Tôn Giáo, 2010, trang 243-244.

[16] Sđd, trang 245-246.

[17] Thông Điệp Đấng Cứu Độ Nhân Trần (Redmptor hominis) số 2.

[18] Đức Gioan-Phaolô I.

[19] Sđd, số 2.

[20] Đức Gioan-Phaolô II, Tông Huấn Giáo hội tại Á châu, số 31.

[21] Diễn văn khai mạc triều đại Giáo hoàng ngày 22 tháng 10 năm 1978.

[22] Đức Gioan-Phaolô II, Tông Huấn Giáo hội tại Á châu, số 31.

[23] No. 4: AAS 83 (1991), 101f.

[24] Alberto Michelini, Le Monde de Jean-Paul II, Tous les Voyages du Pape de 1978 à 1996, Solar 1996, trang 21.

[25] Phát biểu của Đức Gioan-Phaolô II, dịp đón tiếp Đoàn Đại biểu Giáo hội Chính thống theo nghi lễ Copte ngày 22 tháng 6 năm 1979. Xem Alberto Michelini, Le Monde de Jean-Paul II, Tous les Voyages du Pape de 1978 à 1996, Solar 1996, trang 21.

[26] Điện văn chúc mừng của Thủ Tướng Đức Gerhard Sehroeder nhân dịp Ngân khánh Giáo hoàng của Đức Gioan-Phaolô II.

[27] Phát biểu của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, trước cái chết của Đức Gioan-Phaolô II.

[28] Alberto Michelini, Le Monde de Jean-Paul II, Tous les Voyages du Pape de 1978 à 1996, Solar 1996, trang 34.

[29] Xem Alberto Michelini, Le Monde de Jean-Paul II, Tous les Voyages du Pape de 1978 à 1996, Solar 1996, trang 80.

[30] Xem Alberto Michelini, Le Monde de Jean-Paul II, Tous les Voyages du Pape de 1978 à 1996, Solar 1996, trang 94-97.

[31] Alberto Michelini, Le Monde de Jean-Paul II, Tous les Voyages du Pape de 1978 à 1996, Solar 1996, trang 97.

[32] Xem Alberto Michelini, Le Monde de Jean-Paul II, Tous les Voyages du Pape de 1978 à 1996, Solar 1996, trang 110.

[33] Đức Gioan-Phaolô II, Tông Huấn Giáo hội tại Á châu, số 31.

[34] Diễn văn đọc tại Đền thờ Do Thái tại Roma, ngày 13 tháng 4 năm 1986.

[35] Xem Alberto Michelini, Le Monde de Jean-Paul II, Tous les Voyages du Pape de 1978 à 1996, Solar 1996, trang 140-142.

[36] Theo BBC ngày 3 tháng 4 năm 2005.

[37] Propositio 41.

[38] Đức Gioan-Phaolô II, Tông Huấn Giáo hội tại Á châu, số 31.