Dẫn Nhập
Công Đồng Vatican II (1962-1965) khẳng định: “Con người càng ngày càng ý thức hơn về phẩm giá cao trọng vốn có của mình, bởi vì con người vượt trên mọi loài và vì những quyền lợi cũng như bổn phận của con người là phổ quát và bất khả xâm phạm” (GS 26). Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta nhận thức rằng sự hiện diện của mỗi người trong gia đình nhân loại, trong không gian, thời gian luôn là sự hiện diện mới mẻ, không trùng lặp. Quả thực, Thiên Chúa ban cho con người phẩm giá nội tại (intrinsic dignity) cao quý và những thuộc tính mà không thụ tạo nào có được. Chính phẩm giá làm cho con người phân biệt với muôn vật muôn loài. Phẩm giá là nền tảng của tự do, quyền và nghĩa vụ của con người. Đồng thời, phẩm giá vừa là nền tảng, vừa là mục đích cho mọi hình thức phát triển trong gia đình nhân loại. Điều này có nghĩa rằng các hình thức phát triển luôn vì con người, với con người và cho con người. Do đó, mọi người được mời gọi tôn trọng, bảo vệ và góp phần làm cho phẩm giá con người ngày càng tiến triển theo thánh ý Thiên Chúa.
Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng con người là hữu thể có khả năng tiếp nhận, sống và diễn tả tình yêu của Thiên Chúa trong đời mình. Thế nhưng, con người đã vô ơn, kiêu ngạo, bất tuân huấn lệnh của Thiên Chúa và hậu quả là phẩm giá con người bị tổn thương nghiêm trọng. Vì con người lạm dụng sự tự do của mình, tội lỗi xâm nhập trần gian và tội lỗi đưa đến sự chết. Tuy nhiên, Thiên Chúa hằng yêu thương con người, khi thời gian tới thời viên mãn, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa đã đến trần gian phục hồi và kiện toàn phẩm giá con người để con người trở thành con cái Thiên Chúa. Theo Công Đồng Vatican II, mầu nhiệm con người chỉ được sáng tỏ nhờ mầu nhiệm Đức Giê-su, Con Thiên Chúa trong thân phận con người (GS 22).
Bài viết ‘Đức Giê-su Ki-tô - Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người’ được trình bày dưới nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo với các đề mục như sau: (1) Khái Niệm Phẩm Giá Con Người, (2) Phẩm Giá Con Người theo Kinh Thánh, (3) Suy Tư Thần Học, (4) Đồng Hành Với Đức Giê-su.
I. KHÁI NIỆM PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
Phẩm giá con người liên quan đến lịch sử, truyền thống, đạo đức, nhân văn, chính trị, tâm lý, triết học, tôn giáo và nhiều lĩnh vực khác. Trong bối cảnh hôm nay, khái niệm phẩm giá được sử dụng rất đa dạng, chẳng hạn như phẩm giá trẻ em, phẩm giá phụ nữ, phẩm giá người già, phẩm giá người tàn tật, phẩm giá người tự do, phẩm giá công việc, phẩm giá công nhân, phẩm giá hôn nhân gia đình, phẩm giá các dân tộc. Đối với các Ki-tô hữu, khái niệm phẩm giá cũng được sử dụng khá phổ biến, chẳng hạn như phẩm giá Đức Giê-su, phẩm giá Đức Ma-ri-a, phẩm giá con cái Thiên Chúa, phẩm giá đức tin, phẩm giá các bí tích, phẩm giá người sống đời thánh hiến, phẩm giá bậc tu sĩ, phẩm giá nữ tu, phẩm giá giáo dân. Ngoài ra, khái niệm phẩm giá còn được sử dụng theo nghĩa bao quát hơn, chẳng hạn như rời bỏ chức vụ với phẩm giá, đời sống có phẩm giá, cái chết với phẩm giá.
Người ta thường nói về phẩm giá con người, tuy nhiên, việc trả lời cho câu hỏi ‘phẩm giá con người là gì?’ luôn dẫn đến nhiều tranh luận không hồi kết. Quả thực, không có định nghĩa nào về phẩm giá con người được mọi người trong gia đình nhân loại đồng lòng chấp nhận. Có người còn tỏ ra khinh bỉ khái niệm phẩm giá con người; có người cho rằng không nên sử dụng khái niệm phẩm giá con người trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có người cho rằng khái niệm phẩm giá con người chỉ nên được sử dụng trong một số lĩnh vực nhất định. Đặc biệt, có người cho rằng không nên bàn về phẩm giá con người trong lĩnh vực đạo đức sinh học (bioethics) bởi vì công nhận phẩm giá con người là đồng nghĩa với việc kìm hãm các thành tựu về sinh học nhằm phát triển con người. Cũng có người cho rằng phẩm giá con người nên được áp dụng cho từng hoàn cảnh nhất định.
Các triết gia Hy-lạp cổ đại, chẳng hạn như Socrates, Plato, Aristotle không dùng khái niệm phẩm giá con người. Tuy nhiên, họ quan tâm những thuộc tính nơi con người mà các sinh vật khác không thể có được, chẳng hạn như trí khôn, tư tưởng, tự do, đức hạnh, can đảm, tiết độ. Đặc biệt, họ mời gọi mọi người quan tâm căn tính, đời sống và sứ mệnh con người trên bình diện cá nhân cũng như các hình thức tập thể giữa muôn vật muôn loài. Socrates không ngừng kêu gọi mọi người biết tôn trọng sự thật, Plato kêu gọi mọi người hướng thượng, Aristotle kêu gọi mọi người sống đời đức hạnh và đề cao tình bạn đặt nền tảng trên đức hạnh.
Theo các học giả nghiên cứu về chủ đề ‘phẩm giá’, thuật ngữ này bắt nguồn từ Panaetius xứ Rhodes, triết gia Hy-lạp, thuộc trường phái khắc kỷ (185-110 trước Công Nguyên). Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của phẩm giá con người trong tương quan với đức hạnh và luân lý. Đặc biệt, Marcus Tullius Cicero (106-43 BC) định nghĩa: “Phẩm giá của một người là nguồn/uy tín trung thực và xứng đáng có được sự kính trọng, danh dự và sự quan tâm” [Dignitas est alicuius honesta et cultu et honore et verecundia digna auctoritas] (Cicero, De Inventione II, 166). Hơn ai hết, Cicero đã dùng thuật ngữ ‘dignitas’ trong các tác phẩm của ông, chẳng hạn như trong De Officiis (On Duties, năm 44 trước Công Nguyên), De Oratore (On the Orator, năm 55 trước Công Nguyên) hay Pro Roscio Amerino (In Defense of Roscius of America, năm 80 trước Công Nguyên).
Immanuel Kant (1724-1804) được xem là người đặt nền móng cho sự quan tâm của xã hội hiện đại về phẩm giá con người. Ông cho rằng phẩm giá con người là phổ quát vì là giá trị nội tại nơi mọi người trong gia đình nhân loại. Hai đặc tính của phẩm giá con người là lý trí (rationality) và tự chủ (autonomy). Đồng thời, ông cũng cho rằng phẩm giá con người là đặc hữu bởi vì muôn vật muôn loài không có phẩm giá tương tự như con người. Đối với Immanuel Kant, một trong những biểu hiện điển hình của con người có phẩm giá là hành động của con người có tính luân lý (actus humanus - hành vi nhân linh, ý thức về điều tốt, việc xấu). Do đó, theo Immanuel Kant, mọi người phải tôn trọng phẩm giá người khác và không sử dụng người khác như là phương tiện để đạt mục đích của mình. Đặc biệt, đối với Immanuel Kant phẩm giá liên quan mật thiết với quyền tự chủ hợp lý (rational autonomy) nơi mọi người.
Điều khoản đầu tiên của Tuyên Ngôn Cách Mạng Pháp (1789) là: “Mọi người được sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Khái niệm phẩm giá không xuất hiện trong Tuyên Ngôn này. Trong khi đó, tự do và quyền lợi được xem là biểu hiện của phẩm giá mang tính phổ quát, gắn liền với mọi người từ khi hiện diện trên trần gian. Trong Lời Tựa của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (Universal Declaration of Human Rights, 1948) có đoạn: “Các dân tộc của Liên Hiệp Quốc đã tái khẳng định trong Hiến chương niềm tin của họ vào các quyền cơ bản của con người, vào phẩm giá và giá trị của con người và vào quyền bình đẳng giữa nam và nữ và đã quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống trong sự tự do hơn” (Preamble, Universal Declaration of Human Rights 1). Phẩm giá con người được đề cập ngay trong điều khoản đầu tiên của Tuyên Ngôn này như sau: “Mọi người được sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi. Họ được phú bẩm lý trí và lương tâm và phải hành động với nhau trong tinh thần huynh đệ” (Universal Declaration of Human Rights 1). Vào năm 2005, tổ chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công bố Tuyên Ngôn về Đạo Đức Sinh Học và Nhân Quyền, trong đó có đoạn: “Phẩm giá con người, quyền con người và các quyền tự do cơ bản phải được tôn trọng đầy đủ” (Universal Declaration on Bioethics and Human Rights 3). Chúng ta không tìm được định nghĩa ‘phẩm giá con người’ trong hai Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc nhưng việc sử dụng khái niệm này mặc nhiên cho thấy sự đồng lòng của các quốc gia trong việc nhìn nhận tầm quan trọng của phẩm giá con người, đồng thời, khơi dậy nơi tâm hồn mọi người sự cần thiết phải ý thức về phẩm giá (thực tại chung nhất) vốn có nơi mỗi người không phân biệt chính kiến, sắc tộc, màu da, tôn giáo cũng như các hình thức phân biệt khác giữa các hình thái xã hội.
Đối với Giáo Hội Công Giáo, câu đầu tiên trong Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo Digitatis Humanae của Công Đồng Vatican II là: “Phẩm giá con người càng ngày càng được con người thời đại chúng ta ý thức mãnh liệt hơn, và xã hội luôn gia tăng số người đòi hỏi cho mình trong khi hành động được hưởng dụng quyền tự quyết và tự do nhận trách nhiệm, không bị một áp lực nào chi phối nhưng do ý thức về bổn phận dẫn dắt” (Digitatis Humanae 1). Điều đáng chúng ta quan tâm là Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo lại bắt đầu bằng khái niệm phẩm giá con người (digitatis humanae). Tuyên Ngôn này cũng khẳng định rõ ràng: “Tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên phẩm giá con người, một phẩm giá đúng như lời Thiên Chúa mạc khải và chính lý trí cho biết được” (Dignitatis Humanae 2). Điều này phù hợp với nhãn quan Ki-tô Giáo rằng con người được tự do tin tưởng, sống và thực thi những gì gắn liền với bản thân trong không gian và thời gian. Đồng thời, con người cũng được tự do trong việc gắn bó hoặc không gắn bó với hình thức tôn giáo hay tín ngưỡng nào đó. Tuy nhiên, tự do chỉ có thể đúng đắn và phù hợp khi con người vâng theo thánh ý Thiên Chúa.
Đối với mặc khải Ki-tô Giáo, phẩm giá con người đến từ Thiên Chúa chứ không nảy sinh từ thế giới thụ tạo. Nói cách khác, phẩm giá con người là thượng xuất (from above) chứ không hạ khởi (from below), nghĩa là do Thiên Chúa ban tặng chứ không do con người hay vạn vật mà có. Toát Yếu Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Phẩm giá của con người bắt nguồn trong việc con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Được phú bẩm một linh hồn thiêng liêng và bất tử, lý trí và ý chí tự do, con người được qui hướng về Thiên Chúa và được mời gọi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác” (TYGLGHCG 358). Do đó, chúng ta có thể nói rằng khái niệm ‘phẩm giá con người’ (human dignity) và ‘hình ảnh Thiên Chúa’ (image of God) nơi con người có thể thay chỗ cho nhau. Con người có phẩm giá cao quý vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
Để có thể giảm thiểu những mơ hồ trong việc giải thích và sử dụng khái niệm phẩm giá con người, trong Tuyên Ngôn Dignitas Infinita về phẩm giá con người (2024), Bộ Giáo Lý Đức Tin mời gọi mọi người nhận thức về khả năng phân biệt bốn khía cạnh hay bốn chiều kích (a fourfold distinction) của khái niệm này là: (1) Phẩm giá bản thể (ontological dignity), (2) phẩm giá đạo đức (moral dignity), (3) phẩm giá xã hội (social dignity) và (4) phẩm giá hiện sinh (existential dignity). Trong đó, phẩm giá bản thể bền vững, không thể xóa nhòa, vượt trên mọi hoàn cảnh của đời sống con người; phẩm giá đạo đức liên quan đến việc con người thực thi quyền tự do của bản thân dựa trên lương tâm trong việc nhận diện, phân định và thực thi các nguyên tắc luân lý; phẩm giá xã hội liên quan đến điều kiện và chất lượng sống của con người và phẩm giá hiện sinh liên quan đến những điều đang được bàn luận trong bối cảnh thế giới hiện tại về việc sống ‘xứng đáng’ hay ‘không xứng đáng’ với phẩm giá’ (Dignitas Infinita 7-8). Theo Bộ Giáo Lý Đức Tin: “Những sự phân biệt này nhắc nhở chúng ta về giá trị bất khả xâm phạm của phẩm giá bản thể gắn liền với hữu thể con người trong mọi hoàn cảnh” (Dignitas Infinita 8). Điều này cũng có nghĩa rằng ba chiều kích còn lại của phẩm giá con người lệ thuộc vào sự tự do và cộng tác của cá nhân cũng như cách thức ứng xử của các hình thức tập thể trong gia đình nhân loại.
Từ phẩm giá nơi các ngôn ngữ phổ biến hôm nay như tiếng Anh ‘dignity’, tiếng Pháp ‘dignité’, tiếng Tây Ban Nha ‘dignidad’, phát xuất từ tiếng La-tinh ‘dignitas’ với nghĩa là xứng đáng, vinh dự, quý trọng. Từ này thiên về chất lượng hay phẩm tính (quality) hơn là số lượng hay khối lượng (quantity). Từ này không xuất hiện trong Kinh Thánh hay trong việc khai triển nội dung đức tin Ki-tô Giáo thuở ban đầu. Thực ra, nhiều khái niệm quan trọng trong nội dung đức tin Ki-tô Giáo cũng xuất hiện khá muộn. Chẳng hạn, trong những thế kỷ đầu của Ki-tô Giáo, các Giáo Phụ đã sử dụng các hạn từ của Hy-lạp như yếu tính (οὐσία/ ousia), bản tính (φύσις/ physis) hay ngôi vị (ὑπόστασις/ hypostasis) để quảng diễn giáo lý Chúa Ba Ngôi trong đời sống nội tại cũng như trong chương trình sáng tạo, cứu độ và thánh hóa con người cũng như biến đổi muôn vật muôn loài. Qua dòng lịch sử, nhiều khái niệm khác cũng được ‘cập nhật’ để diễn tả nội dung đức tin Ki-tô Giáo cách phù hợp hơn với tâm thức của con người trong thời đại mới, chẳng hạn, từ hội nhập văn hóa (inculturation) được sử dụng chính thức trong Giáo Huấn của Giáo Hội với Tông Huấn về việc dạy Giáo Lý năm 1979 (Catechesi Tradendae 53) của thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II.
Cựu Ước có ba từ gần nghĩa với từ ‘phẩm giá’ trong ngôn ngữ hiện đại là: (1) כָּבוֹד (kavod/ vinh quang, xứng đáng, chẳng hạn như Xh 16,7.10; Xh 24,16-17; Lv 9,6.23), (2) יָקָר (yaqar/ quý giá, cao trọng, chẳng hạn như 1 Sm 3,1; Tv 36,8; Tv 139,17) và (3) תִּפְאֶרֶת (tiferet/ vẻ đẹp, vẻ vang, chẳng hạn như Sbn 29,11; Is 60,19; Tv 96,6). Tân Ước, có một số từ tương đương với từ ‘phẩm giá’ là: (1) τιμή (timē/ vinh quang, vinh dự, danh dự, coi trọng, có giá trị, chẳng hạn như Rm 2,10; Rm 12,10; Cl 2,23; 1 Tx 4,4; 1 Tm 1,17; 1 Pr 2,7); danh từ này phát xuất từ động từ τιμάω (timao) với nghĩa là thể hiện sự tôn vinh, kính trọng hay đánh giá cao về thực thể nào đó, chẳng hạn: “Vinh dự cho anh em [ἡ τιμὴ τοῖς] là những người tin, còn đối với những kẻ không tin, thì viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường” (1 Pr 2,7), (2) δόξα (doxa/ vinh quang, sự rạng rỡ), chẳng hạn như Rm 8,30: “…những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang [doxa]”, (3) ἀξία (axia/ giá trị, xứng đáng hoặc đáng tôn trọng, chẳng hạn như Ep 4,1: “Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng [axia] với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em”, (4) σεμνότης (semnotēs/ đàng hoàng hoặc nghiêm chỉnh, chẳng hạn như 1 Tm 2,2: “[cầu nguyện] cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh [semnotēs]”. Chúng ta có thể khẳng định rằng mặc khải của Thiên Chúa được đúc kết và diễn tả trong Kinh Thánh là vì phẩm giá con người và cho phẩm giá con người.
II. PHẨM GIÁ CON NGƯỜI THEO KINH THÁNH
2.1 Phẩm giá con người trong Cựu ước
Sách Sáng Thế có hai trình thuật về việc Thiên Chúa sáng tạo (St 1,1-2,4 và St 2,5-25). Chương I của sách Sáng Thế cho chúng ta biết con người là đỉnh cao của chương trình Thiên Chúa sáng tạo bởi vì con người được dựng nên ‘theo hình ảnh Thiên Chúa’ (imago Dei) và ‘giống như Thiên Chúa’: “Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,26-27). Ở đây, thuật ngữ ‘hình ảnh’ diễn tả sự thông dự vào sự sống của Thiên Chúa, còn thuật ngữ ‘giống như’ diễn tả sự thiện luân lý (2 Pr 1,4; DV 2; GLGHCG 356-361). Đặc biệt, những gì Thiên Chúa sáng tạo đều tốt đẹp: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,31). Chương II của sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng con người là trung tâm của chương trình Thiên Chúa sáng tạo bởi vì muôn vật muôn loài được dựng nên cho con người. Việc sáng tạo con người được diễn tả như sau: “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Con người mang ‘hơi thở của Thiên Chúa’, đồng thời, con người được Thiên Chúa ban phép đặt tên cho vạn vật (St 2,19). Là ‘hình ảnh của Thiên Chúa’ và ‘mang hơi thở của Thiên Chúa’, con người được mời gọi sống trong tình hiệp thông với Người.
Chương III của sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng con người đã bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa và tội lỗi đã xâm nhập trần gian, đưa đến sự chết. Tác giả sách Khôn Ngoan diễn tả như sau: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2,23-24). Sách Khôn Ngoan cho thấy con người sau khi phạm tội vẫn còn là ‘hình ảnh’ của Thiên Chúa, nhưng không còn ‘giống như’ Thiên Chúa nữa. Vì thế, việc cứu độ và thánh hóa mà Đức Giê-su thực hiện trong Chúa Thánh Thần nhằm giúp cho con người được phục hồi việc ‘giống như’ Thiên Chúa trước đây, đồng thời, làm cho con người được thần hóa (Irenaeus, Against Heresies, Book V, Chapter 6,1; 8,1; 16,2). Trình thuật sách Sáng Thế cho chúng ta biết con rắn hứa với A-đam và E-và rằng khi ăn cây trái cấm họ sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác. Khi ăn xong trái cấm, họ thấy mình trần truồng và họ đã kết lá làm khố che thân. Tuy nhiên, Thiên Chúa yêu thương họ: “Đức Chúa là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ” (St 3,21). Việc Thiên Chúa làm cho con người và vợ những chiếc áo da để che thân thể trần truồng diễn tả sự chăm sóc tận tình của Thiên Chúa. Người không từ bỏ con người trong tình trạng phẩm giá bị tổn thương. ‘Áo da’ là hình ảnh diễn tả ân sủng của Thiên Chúa bảo vệ phẩm giá con người cho dù con người vô ơn, bất tuân, bất xứng, tội lỗi.
Sách Sáng Thế cũng cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người ngay cả khi Người xử phạt, chẳng hạn, khi Ca-in giết em mình là A-ben, Đức Chúa phán: “Ngươi sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất” (St 4,12). Ca-in nói với Đức Chúa: “Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con” (St 4,14). Đức Chúa trả lời: “Không đâu!”, đồng thời, “Đức Chúa ghi dấu trên Ca-in, để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông. Ông Ca-in đi xa khuất mặt Đức Chúa và ở tại xứ Nốt, về phía đông Ê-đen” (St 4,15-16). Ca-in được bảo vệ khỏi những ai muốn trả thù vì Ca-in đã gây nên cái chết của A-ben, em mình. Quả thực, ‘đừng trả thù’, ‘đừng lấy ác báo ác’, ‘đừng làm cho sự dữ lan tràn’, ‘đừng sống trong cảnh tội chồng tội’ là những điệp khúc phổ biến trong Cựu Ước, chẳng hạn như: “Ngươi không được trả thù… Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18) hay: “Bạn đừng nói: Tôi sẽ báo thù!” (Cn 20,22). Như thế, mọi người được mời gọi đối xử với anh chị em mình theo cách thức Thiên Chúa chỉ dạy chứ không phải theo bất cứ hình thức nào khác.
Các trình thuật sách Xuất Hành cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã kêu gọi Mô-sê và trao phó cho ông sứ mệnh khôi phục phẩm giá Dân Người, bằng cách giải thoát họ khỏi ách nô lệ hà khắc của Ai-cập. Thiên Chúa phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3,7-8). Theo huấn lệnh của Thiên Chúa, chính Mô-sê mời gọi dân Do-thái không chỉ tôn trọng phẩm giá anh chị em mình mà còn tôn trọng phẩm giá của những người ngoại kiều, những người yếu đuối hay vô danh tiểu tốt ở bất cứ nơi đâu, chẳng hạn: “Anh (em) không được làm thiệt hại đến quyền lợi của ngoại kiều và cô nhi, không được giữ áo của người góa bụa làm đồ cầm” (Đnl 24,17). Mô-sê cho họ biết rằng chính họ đã từng chịu cảnh nô lệ, áp bức ở Ai-cập. Do đó, họ không được đối xử với bất cứ ai theo cách thức người Ai-cập đối xử với họ (Đnl 24,17-22).
Lòng hiếu thảo của con người đối với Thiên Chúa phải đi đôi với việc giúp con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình: “Lấy của người nghèo mà dâng làm hy lễ thì cũng như sát tế đứa con trước mặt cha nó. Người túng nghèo còn chút bánh độ thân, ai lấy đi là kẻ hút máu. Cướp phương tiện sống của kẻ khác là giết người; đoạt lương của người làm thuê là gây đổ máu” (Hc 34,20-22). Ông A-xáp khuyên dạy mọi người: “Hãy bênh quyền lợi kẻ mồ côi, người hèn mọn; minh oan cho người khốn khổ, kẻ bần cùng, giải phóng ai hèn mọn, ai nghèo túng, cứu khỏi nanh vuốt bọn ác nhân” (Tv 82,3-4). Trong sách ngôn sứ I-sai-a, nhân danh Thiên Chúa, vị ngôn sứ nói: “Khốn thay những kẻ đặt ra các luật lệ bất công, những kẻ viết nên các chỉ thị áp bức, để cản người yếu hèn hưởng công lý, tước đoạt quyền lợi người nghèo khó trong dân tôi, để biến bà góa thành mồi ngon cho chúng, và bóc lột kẻ mồ côi” (Is 10,1-2). Tác giả sách Châm Ngôn viết: “Kẻ giàu người nghèo gặp nhau ở điểm này: Cả hai đều được Đức Chúa tạo dựng” (Cn 22,2). Như vậy, ‘được Thiên Chúa tạo dựng’ trở nên điểm quy chiếu cho mọi người trước tất cả mọi sự phân biệt khác, chẳng hạn như sang hèn, giàu nghèo, tốt xấu, khỏe yếu.
Suy niệm về ‘chỗ đứng’ của con người trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, tác giả Thánh Vịnh 8 thốt lên: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 8,4-7). Là hình ảnh của Thiên Chúa, con người cao cả hơn vạn vật và ‘chỉ kém thiên thần một chút’. Con người được tham dự sự sống Thiên Chúa, được trò chuyện với Người và được Người dẫn dắt như người cha đối với con cái thơ bé của mình. Tác giả Thánh Vịnh không dùng cụm từ ‘hình ảnh của Thiên Chúa’ nhưng không nghi ngờ gì nữa, tác giả ý thức về sự cao cả của con người so với muôn vật muôn loài. Thánh Vịnh 8 vang vọng âm hưởng việc Thiên Chúa sáng tạo con người ‘theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa’ ở Chương I sách Sáng Thế cũng như con người được Thiên Chúa ‘định dạng và thông ban hơi thở’ ở Chương II sách Sáng Thế. Tương tự như thế, ông Gióp cũng ngạc nhiên và đặt câu hỏi tại sao Thiên Chúa lại quan tâm, săn sóc con người thật tận tình: “Con người là gì để Ngài phải coi trọng, để Ngài phải lưu tâm, để sáng nào Ngài cũng phải thăm viếng, để mỗi lúc Ngài lại phải xét soi?” (G 7,17-18). Con người có phẩm giá cao quý đến nỗi Đức Giê-su là Con Thiên Chúa đã mang lấy để kiện toàn và cho phép con người được thông dự sự sống của Thiên Chúa.
2.2 Phẩm giá con người trong Tân ước
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô cho chúng ta biết rằng lời đầu tiên của Đức Giê-su trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng là: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Tin Mừng Đức Giê-su là Tin Mừng về Triều Đại Thiên Chúa (Βασιλεία τοῦ Θεοῦ: Nước Thiên Chúa, Vương Quốc Thiên Chúa hay Nước Trời) đã hiện diện giữa thế giới thụ tạo, giữa gia đình nhân loại. Nội dung chính yếu của sứ mệnh Đức Giê-su được Người nhấn mạnh cách cụ thể sau khi Người chịu Phép Rửa và chịu ma quỷ cám dỗ bốn mươi ngày, Người trở về Ga-li-lê và giảng dạy trong các hội đường của Người Do-thái. Khi đến Na-da-rét, quê hương của Người, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường. Người ta trao cho Đức Giê-su sách ngôn sứ I-sai-a, mở sách ra Người gặp đoạn: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19; Is 61,1-2). Những lời này cho chúng ta biết sứ mệnh của Đức Giê-su là sứ mệnh biến đổi, phục hồi và kiện toàn phẩm giá con người.
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu cho chúng ta biết sau khi Đức Giê-su kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên, Người bắt đầu chữa bệnh ở miền Ga-li-lê: “Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: Những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ” (Mt 4,24). Khi trình bày về việc đừng làm cho người khác sa ngã cũng như tôn trọng những người yếu thế, Đức Giê-su nói: “Con Người đến để cứu cái gì đã hư mất” (Mt 18,11); khi những người Pha-ri-sêu bàn tán về việc Đức Giê-su dùng bữa với người tội lỗi, Đức Giê-su nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17); khi trình bày dụ ngôn con chiên lạc, Đức Giê-su nói: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7); Khi diễn giải về vai trò của vị Mục Tử Nhân Lành, Đức Giê-su nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Quả thực, âm hưởng của việc Đức Giê-su kiện toàn phẩm giá con người luôn vang vọng trong các trình thuật của các tác giả Tin Mừng.
Đức Giê-su quan tâm phẩm giá của con người, chẳng hạn như Người đến với những người bị xã hội Do-thái ruồng bỏ (Mt 9,10-13); Người quan tâm phẩm giá của những người bệnh tật (Mt 4,23-25), những người phong hủi (Lc 17,11-19), những người bị quỷ ám (Lc 4,33-35). Người không chỉ đến với dân Do-thái mà còn đến với dân ngoại, chẳng hạn như Người đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp và thay đổi cuộc đời của bà cũng như dân Sa-ma-ri tại đó (Ga 4,7-26). Người chữa đầy tớ của một đại đội trưởng (Lc 7,1-10); Người xua đuổi thần ô uế ra khỏi một người ở Ghê-ra-sa (Mc 5,1-20). Đặc biệt, Đức Giê-su hồi sinh kẻ chết, chẳng hạn như Người hồi sinh con gái ông Gia-ia (Mc 5,35-43); hồi sinh con trai bà góa thành Na-in (Lc 7,11-17), hồi sinh La-da-rô đã chết bốn ngày (Ga 11,1-44).
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô cho chúng ta biết rằng khi Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um, Người hỏi các ông về những tranh luận của họ trên đường. Sau đó, Người cho các ông biết rằng ai muốn làm lớn thì phải làm người rốt hết để phục vụ mọi người (Mc 9,33-35). Đặc biệt, Người đem một em nhỏ tới và nói với các ông: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,37). Trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn” (Mt 18,5-6). Đức Giê-su dạy mọi người hai bài học về phẩm giá qua hai trích dẫn ở trên: (1) Phẩm giá căn bản của con người không lệ thuộc địa vị và (2) phẩm giá căn bản của con người không lệ thuộc tuổi tác. Bài học thứ hai xem ra quan trọng hơn và ít người để ý đến: Em nhỏ đại diện cho những người yếu đuối, thấp cổ bé miệng, dễ bị tổn thương, dễ bị lạm dụng, dễ bị loại trừ; em nhỏ thiếu kiến thức, không có quyền hành, không được lên tiếng nơi công cộng, dễ bị lãng quên. Em nhỏ là những kẻ ốm đau, những người tha hương, những người ít học, những người bị áp bức, những người bị phân biệt cách bất công dựa trên những tiêu chuẩn do con người tự mình thiết đặt. Đặc biệt, em nhỏ không tự ngắm mình nhưng đắm nhìn sự trợ giúp, nâng đỡ nơi người khác. Đặc biệt, em nhỏ biết cậy trông, phó thác nơi cha mẹ. Đức Giê-su mời gọi mọi người hãy xây dựng tương quan với Thiên Chúa theo tâm thức và khả năng em nhỏ. Quả thực, con người thường lầm lẫn giữa chức vụ (function) và phẩm giá (dignity), đồng thời, nhiều khi xem chức vụ quan trọng hơn phẩm giá.
Dụ ngôn ‘người cha nhân hậu’ giúp chúng ta hiểu rằng người con thứ đánh mất phẩm giá khi lìa xa cha mình. Sau khi phung phí hết tài sản vào những chuyện đồi bại, anh ta lâm cảnh túng thiếu và phải đi ở đợ cho người dân ngoại. Người này sai anh ta đi chăn heo. Thánh Lu-ca trình thuật: “Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho” (Lc 15,16). Anh ta tự vấn lương tâm: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!” (Lc 15,17). Những người làm công sống xứng đáng với phẩm giá của mình, trong khi người con thứ của chủ nhà lại mất hết phẩm giá. Anh ta nhận ra điều đó và trở về nhà cha mình. Cách thức người cha phục hồi phẩm giá người con thứ thật đáng ngưỡng mộ bởi vì ông không dọa nạt, ngăm đe, trách mắng. Điều ông diễn tả là tình yêu, tình yêu vô điều kiện đối với con mình: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!” (Lc 15,22-23). Trong khi người con thứ tự thân rời bỏ cha mình và phẩm giá bị tổn thương thì người cha không hề lãnh đạm. Người cha hằng trông mong người con trở về để ôm người con vào lòng và khôi phục phẩm giá trọn vẹn.
Các trình thuật Tin Mừng cho chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su đến trần gian không chỉ khôi phục và biến đổi phẩm giá con người là hình ảnh của Thiên Chúa đã bị tổn thương mà còn cho phép con người trở thành con cái Thiên Chúa. Lời Tựa Tin Mừng theo thánh Gio-an cho chúng ta biết: “Những ai đón nhận [Đức Giê-su], tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24). Sau khi phục sinh, Đức Giê-su nói với Ma-ri-a Mác-đa-la: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: `Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17). Như vậy, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa trong thân phận con người, mở ra cho mọi người trong gia đình nhân loại kỷ nguyên mới là hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an cũng cho chúng ta biết rằng, để tôn trọng và nâng cao phẩm giá con người, mọi người cần thực thi giới răn mới của Người, giới răn yêu thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Người diễn giải như sau: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,13-15). Con người là bạn hữu của Đức Giê-su, của Thiên Chúa sao? Đúng vậy, phẩm giá con người thật cao quý, cao quý hơn mọi mong ước hay tưởng tượng của con người.
Trong Bài Giảng Cánh Chung, Đức Giê-su quang lâm nói: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36). Đồng thời, Người cũng lên án những ai không quan tâm anh chị em mình: “Xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng” (Mt 25,42-43). Đức Giê-su đồng hóa mình với những người đói khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, tù tội, nghĩa là những người rốt hết trong xã hội, những người mà phẩm giá bị tổn thương nghiêm trọng. Người tán dương và ban phần thưởng là hạnh phúc vĩnh cửu cho những ai biết quan tâm những người bần cùng, yếu thế và cho biết số phận ‘cực hình muôn kiếp’ của những ai lãnh đạm với những người khốn khổ quanh mình.
Phẩm giá con người bị tổn thương nặng nề nhất nơi thung lũng sự chết và Đức Giê-su đã tới thung lũng đó. Người đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết trên thập giá và được mai táng trong mồ. Người đã tham dự đời sống con người cách đầy đủ nhất kể cả sự chết để tiêu diệt sự chết một lần cho tất cả và ban tặng sự sống dồi dào cho con người cũng như biến đổi muôn vật muôn loài. Quả thực, sự chết thật nghiệt ngã vì trái ngược với ý muốn của con người; sự chết thật nghiệt ngã vì làm tan biến mọi hy vọng của con người; sự chết thật nghiệt ngã vì cướp mất sự sống của con người; sự chết thật nghiệt ngã vì phân rẽ hồn xác con người; sự chết thật nghiệt ngã vì không ai có thể chống lại. Tắt một lời, sự chết thật nghiệt ngã vì hoàn toàn trái ngược với phẩm giá con người. Tuy nhiên, tình yêu của Thiên Chúa được Đức Giê-su thể hiện mạnh hơn sự chết: Tình yêu đó đem lại cho con người đức tin, hy vọng và sự sống vĩnh cửu. Đặc biệt, tình yêu vừa khôi phục, vừa biến đổi, vừa kiện toàn phẩm giá và sự sống con người trong hành trình về với Thiên Chúa.
2.3 Phẩm giá con người theo thánh Phao-lô
Phẩm giá con người cao cả và siêu việt bởi vì phẩm giá đó đã ‘tiềm tàng’ trong Thiên Chúa trước khi vũ trụ hình thành: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ” (Ep 1,3-4). Điều thánh Phao-lô trình bày vang vọng lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước, chẳng hạn như lời của Người đối với ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5). Thánh Phao-lô cũng nhìn nhận về cuộc đời và ơn gọi của mình như thế (Gl 1,15). Quả thực, Thiên Chúa đã mặc khải cho thánh nhân nguồn gốc sâu xa nhất của con người là Thiên Chúa, Người đã ‘chiêm ngắm tác phẩm của Người’ trước khi sáng tạo. Đó là lý do tại sao thánh nhân mời gọi các tín hữu Ê-phê-xô luôn ý thức với phẩm giá và ơn kêu gọi của họ: “Tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em” (Ep 4,1).
Trong Diễn Từ trước Hội Đồng A-rê-ô-pa-gô, thánh Phao-lô nói: “Chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người” (Cv 17,28). Đối với thánh nhân, con người không chỉ được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa mà còn được dựng nên trong Đức Giê-su: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2,10). Đặc biệt, thánh nhân viết về Đức Giê-su như sau: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” (Cl 1,15). Đồng thời thánh nhân cũng viết: “Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (Cl 1,18). Hai điều quan trọng về Đức Giê-su dưới nhãn quan của thánh Phao-lô: (1) Đức Giê-su là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, (2) Đức Giê-su vừa là ‘Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo’, vừa là ‘Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết sống lại’. Như vậy, Đức Giê-su là tất cả.
Thánh Phao-lô không chỉ quan tâm phẩm giá con người trong chương trình sáng tạo mà còn phẩm giá con người trong chương trình cứu độ và thánh hóa, nghĩa là phẩm giá của những người trở nên chi thể của Người nhờ Bí Tích Thanh Tẩy. Chẳng hạn, trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, ngài viết: “Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12,13); trong thư gửi tín hữu Ga-lát, ngài viết: “Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô” (Gl 3,26-28). Thánh nhân mời gọi mọi người ý thức về phẩm giá Ki-tô hữu của mình và thực thi giáo huấn của Người để được thông phần ‘tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô’ (Ep 4,13). Đặc biệt, đối với thánh nhân, ai thuộc về Đức Giê-su thì ‘ăn Người’ để nên một với Người và nên một với nhau (1 Cr 10,16-17). Hơn thế nữa, ai thuộc về Đức Giê-su thì mặc lấy Người (Rm 13,14; Gl 3,17); ai thuộc về Đức Giê-su thì nên đồng hình đồng dạng với Người trong mọi sự và được chung hưởng sự sống mới (Rm 6,1-11); đặc biệt, ai thuộc về Đức Giê-su thì thuộc về Thiên Chúa (1 Cr 3,23).
Trong các thư của mình, thánh Phao-lô trình bày về sự công minh của Thiên Chúa đối với mọi người. Điều này có nghĩa rằng, nơi Đức Giê-su, mọi người tìm được sự bình đẳng về phẩm giá cao quý của mình. Chẳng hạn, ngài viết: “Thiên Chúa không thiên vị ai” (Rm 2,11); “Anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai” (Ep 6,9); “Không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người” (Rm 10,12); “Không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3,11). Đối với thánh Phao-lô, phẩm giá phổ quát nơi các Ki-tô hữu thì quan trọng hơn những phân biệt về dân tộc, phẩm trật, nghi thức thờ tự hay bất cứ hình thức phân biệt nào khác mà con người thiết đặt nơi các truyền thống, văn hóa, xã hội. Điều này cũng được Công Đồng Vatican II lặp lại: “Mặc dù theo ý Chúa Ki-tô, có những người được chọn làm tiến sĩ, làm người phân phát các nhiệm tích hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có sự bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Ki-tô” (LG 32).
Phẩm giá con người được kiện toàn và làm cho con người trở thành thụ tạo mới không phải do công trạng bản thân nhưng do ân sủng của Thiên Chúa mà Đức Giê-su ban tặng như lời của thánh Phao-lô: “Phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5,17). Thánh nhân mời gọi mọi người hãy để Thần Khí của Đức Giê-su không ngừng biến đổi: “Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,23-24). Đặc biệt, thánh nhân mời gọi mọi người không ngừng gắn bó với Đức Giê-su để luôn được đổi mới: “Anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu” (Cl 3,10). Trở nên thụ tạo mới luôn là trọng tâm trong giáo huấn của thánh Phao-lô đối với các tín hữu: “Cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới” (Gl 6,15). Thánh nhân mời gọi những ai đã ‘trở nên thụ tạo mới’ thì biết định hướng tâm trí mình về môi trường Thiên Chúa.
III. SUY TƯ THẦN HỌC
Theo mặc khải Ki-tô Giáo, con người là ‘thực thể duy nhất’ được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa. Đặc biệt, dưới nhãn quan Cựu Ước, phẩm giá con người mang tính phổ quát. Phẩm giá con người bền vững, không ai có thể tước mất được. Điều này có nghĩa rằng không ai được phép xúc phạm phẩm giá người khác, ngay cả những kẻ đã thực hiện những tội phạm nặng nề nhất. Trong Thông Điệp Evangelium Vitae (1995), thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Ngay cả kẻ giết người cũng không mất đi phẩm giá cá vị của mình và chính Thiên Chúa cam kết bảo đảm điều này” (Evangelium Vitae 9). Trong Thông Điệp Fratelli Tutti (2020), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khẳng định: “Mọi con người đều có quyền sống với phẩm giá và có quyền phát triển cách toàn vẹn; quyền căn bản này không thể bị chối bỏ bởi bất cứ quốc gia nào” (Fratelli Tutti 107). Cũng theo ngài, “người ta có quyền này ngay cả dù họ không có khả năng sản xuất, hoặc họ có những giới hạn bẩm sinh hay do hoàn cảnh. Điều này không làm giảm phẩm giá cao cả của họ trong tư cách là những nhân vị, một phẩm giá không đặt nền trên những hoàn cảnh cuộc sống, nhưng trên giá trị nội tại của hữu thể con người” (Fratelli Tutti 107). Như vậy, sự tồn tại của phẩm giá con người không lệ thuộc những gì bên ngoài hay khả năng thể lý, tâm lý, tâm linh của con người.
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin tại Nhà thờ Chính Tòa Osnabrück (16.11.1980) thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói rằng phẩm giá con người là vô hạn (dignitas infinita). Tiếp nối tư tưởng của thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định: “Mọi người đều có phẩm giá vô hạn, không thể chuyển nhượng, gắn liền với hữu thể của mình, phẩm giá này hiện hữu trong và vượt trên mọi hoàn cảnh, trạng thái hoặc tình huống mà người đó có thể đối diện” (Dignitas Infinita 1). Điều này có nghĩa rằng tri thức con người không thể hiểu biết tường tận những gì liên quan đến phẩm giá con người. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khẳng định về phẩm giá con người không lệ thuộc hoàn cảnh nào nhưng dựa trên giá trị nội tại của bản thể mình (Fratelli Tutti 107). Phẩm giá vô hạn của con người đặt nền tảng trên tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả trong chương trình sáng tạo, cứu độ và thánh hóa được thực hiện nhờ Đức Giê-su trong sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần giữa gia đình nhân loại. Do đó, sự nhìn nhận phẩm giá con người cũng đồng nghĩa với sự nhìn nhận rằng con người không chỉ là ‘sản phẩm’ của vật chất thuần túy, cũng không phải là ‘kết quả’ của sự tiến hóa ngẫu nhiên may rủi nhưng là ‘quà tặng nhưng không’ của Thiên Chúa với phẩm giá cao quý so với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo.
Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, phẩm giá con người không chỉ liên quan đến ‘phần hồn’ mà còn liên quan đến ‘phần xác’. Nói theo cách tổng quát hơn, phẩm giá con người không chỉ liên quan đến những gì thuộc về ‘thế giới vô hình’ mà còn liên quan đến ‘thế giới hữu hình’ nữa. Thân xác tham dự phẩm giá con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (GLGHCG 364). Dựa trên nội dung đức tin Ki-tô Giáo, Công Đồng Vatican II tái xác nhận rằng: “Con người là duy nhất với xác hồn” [corpore et anima unus] (GS 14). Đặc biệt, theo thánh Phao-lô, con người hồn xác nhất thể là Đền Thờ của Thiên Chúa: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3,16). Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Trong Huấn Thị Dignitas Personae (Phẩm Giá Con Người, 2008), Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định rằng: “Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã xác nhận phẩm giá của thân xác và linh hồn cấu thành con người. Đức Ki-tô không xem thường thân xác con người, nhưng thay vào đó, Người đã biểu lộ đầy đủ ý nghĩa và giá trị của nó” (Bộ Giáo Lý Đức Tin, Dignitas Personae 7). Như vậy, nơi con người tâm hồn và thể xác hiệp nhất nên một với nhau và mọi người được mời gọi luôn ý thức về sự hiệp nhất nên một đó. Đặc biệt, mọi người được mời gọi chiêm ngắm Đức Giê-su bởi vì nơi Người sự hiệp nhất nên một luôn trọn hảo.
Con người càng ngày càng quan tâm phẩm giá của mình, tuy nhiên, sự quan tâm của nhiều người trong thời đại hôm nay thiên về phẩm giá xã hội (social dignity) và phẩm giá hiện sinh (existential dignity). Trong khi đó, phẩm giá bản thể (ontological dignity) và phẩm giá đạo đức (moral dignity) lại ít được để ý. Quả thực, sự quan tâm về phẩm giá xã hội và phẩm giá hiện sinh chủ yếu thể hiện nơi tính độc lập, tự do, tự chủ, pháp lý cũng như các quyền lợi khác của con người trong xã hội dân sự. Nói cách khác, người ta quan tâm phẩm giá con người trong tình trạng ‘vắng bóng Thiên Chúa’, Đấng sáng tạo muôn vật muôn loài, đồng thời, cũng là Đấng ban tặng con người phẩm giá cao quý và làm cho con người trổi vượt hơn muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Đặc biệt, Người là Đấng không ngừng mời gọi con người thông hiệp với Người trong hành trình trần thế và trong Quê Hương vĩnh cửu. Bộ Giáo Lý Đức Tin diễn giải: “Khởi đi từ hai chiều kích nhân bản và thần linh, người ta có thể hiểu rõ hơn giá trị bất khả xâm phạm của con người: Con người có một ơn gọi vĩnh cửu và được mời gọi tham dự vào tình yêu Ba Ngôi của Thiên Chúa hằng sống” (Bộ Giáo Lý Đức Tin, Dignitas Personae 8). Hai chiều kích nhân bản và thần linh nơi con người được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Giê-su, A-đam mới, là Thiên Chúa thật và con người thật giữa gia đình nhân loại. Công Đồng Vatican II giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều này: “Chúa Ki-tô, Adam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ. Bởi vậy không lạ gì khi những chân lý đã nói ở trên đều tìm thấy nguồn gốc của chúng và đạt tới tột điểm nơi Người” (GS 22).
Con người cao cả hơn vạn vật bởi vì con người có phẩm giá và nhân vị. Con người cao cả hơn vạn vật bởi vì con người có khả năng đón nhận mặc khải của Thiên Chúa, sống theo mặc khải của Thiên Chúa, loan báo mặc khải Thiên Chúa và lưu truyền mặc khải Thiên Chúa cho hậu thế. Theo thánh Tô-ma A-qui-nô, “Nhân vị có nghĩa là cái hoàn hảo nhất (ở/hiện hữu) trong bản tính trọn vẹn, tức là cái lập hữu trong bản tính hữu lý" [persona significat id, quod est perfectissimum in tota natura, scilicet subsistens in rationali natura] (Thomas Aquinas, Summa Theologiae I, q.29, a.3). Công Đồng Vatican II nhận định: “Những kẻ tin cũng như những kẻ không tin dường như đồng quan điểm là mọi vật trên địa cầu phải được hướng về con người như là trung tâm và tột điểm của chúng” (GS 12). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo quả quyết: “Vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên có phẩm giá là một nhân vị. Không phải là một sự vật mà là một con người. Con người có khả năng tự biết mình, tự làm chủ chính mình và tự do tự hiến và thông hiệp với những người khác” (GLGHCG 357). Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng diễn đạt tương tự: “Mọi người đều sở hữu một phẩm giá bất khả nhượng, đó là một sự thật tương hợp với bản tính con người, không phụ thuộc vào mọi thay đổi văn hóa” (Fratelli Tutti 213).
Phẩm giá con người được Thiên Chúa duy nhất cũng là Thiên Chúa Ba Ngôi tác tạo: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26). Do đó, phẩm giá con người không chỉ được hiểu theo nghĩa cá nhân mà còn theo nghĩa tập thể. Phẩm giá con người còn là phẩm giá của ‘loài thụ tạo’ phân biệt với các loài thụ tạo khác trong vũ trụ bởi vì con người là loài thụ tạo cao cả hơn muôn loài. Nói cách khác, phẩm giá con người không chỉ liên quan đến ‘tôi’ mà còn ‘chúng ta’. Quả thực, con người là hữu thể tương quan, ‘hữu thể sống với, sống vì và sống cho’. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng người nào tôn trọng, chăm sóc và bảo vệ phẩm giá con người cũng là người có khả năng đóng góp phần mình làm cho gia đình nhân loại đi đúng hướng và ngày càng trở nên ‘cái nôi’ cho phép mọi người được phát triển lành mạnh giữa lòng thế giới. Công Đồng Vatican II khẳng định: “Tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những người khác con người sẽ không sống và phát triển tài năng mình” (GS 12). Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Toàn thể xã hội phải tôn trọng, bảo vệ và thăng tiến phẩm giá của mỗi người, tại mọi thời điểm và trong mọi điều kiện của cuộc sống họ” (Evangelium Vitae 81). Phẩm giá con người không được cải thiện nếu con người không quan tâm các hình thức tập thể của xã hội loài người, chẳng hạn như gia đình, trường học, giáo xứ, giáo phận, tổ quốc và cả gia đình thế giới thụ tạo. Do đó, mọi người được mời gọi mở ra với người khác, tôn trọng phẩm giá người khác và cùng với người khác hướng về sự kiện toàn phẩm giá trong Đức Giê-su.
Nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo cũng như kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta nhận thức rằng phẩm giá và sự sống con người liên quan mật thiết với nhau. Khi phẩm giá con người bị xúc phạm cũng là khi sự sống con người bị tổn thương. Thánh I-rê-nê (130-202) khẳng định: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống và sự sống của con người hệ tại ở việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa [Gloria enim Dei vivens homo, vita autem hominis visio Dei]" (Ireneus, Adversus Haereses, IV, 20.7). Việc nhận thức phẩm giá con người đi đôi với việc nhận thức tầm quan trọng của sự sống mọi người trong gia đình nhân loại. Thật bất cập biết bao khi người ta vừa cổ vũ việc coi trọng phẩm giá con người, vừa xem nhẹ sự sống xứng đáng với phẩm giá đó. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II khẳng định rằng: “Nhờ đức tin vào Đức Giê-su là Tác Giả của sự sống, sự sống bị lãng quên và kêu cứu sẽ lấy lại được lòng tự trọng và phẩm giá trọn vẹn” (Evangelium Vitae 32). Cũng theo ngài, khi con người mất ý thức về Thiên Chúa, con người cũng mất ý thức về phẩm giá và sự sống mình (Evangelium Vitae 21). Khi con người nhận thức phẩm giá bất khả xâm phạm của bản thân cũng là khi con người có thể khám phá và đi vào mối tương quan liên vị Thiên Chúa, đồng thời, cũng là khi con người nhận thức đầy đủ hơn về thân phận của mình (Evangelium Vitae 31). Phẩm giá con người cao quý vì con người là thụ tạo ‘luôn gần gũi Thiên Chúa’. Do đó: “Sống ‘như thể Thiên Chúa không hiện hữu’, con người không chỉ mất ý thức về mầu nhiệm Thiên Chúa mà còn mất ý thức về mầu nhiệm thế giới và mầu nhiệm bản thân mình” (Evangelium Vitae 22).
Sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng con người không phải là thực thể biệt lập trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa nhưng là thực thể được sáng tạo trong sự liên đới mật thiết với vạn vật. Sách Sáng Thế cũng cho chúng ta biết thế giới thụ tạo được sáng tạo cho con người và vì con người. Hai điểm căn bản trong chương trình Thiên Chúa sáng tạo là con người vừa là chủ thể của muôn vật muôn loài, vừa là nhà quản lý muôn vật muôn loài. Hơn nữa, con người được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo. Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta biết rằng, từ ‘phẩm giá’ thường được dùng để nói về con người. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định rằng vạn vật có ‘phẩm giá’ hay ‘giá trị’ của chúng trong trật tự chương trình Thiên Chúa sáng tạo bởi vì Thiên Chúa hằng chăm sóc con người cũng như muôn vật muôn loài: “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9) hay: “Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê” (Tv 145,15-16). Con người được mời gọi làm cho các giá trị này ngày càng được triển nở hầu góp phần mình trong việc khôi phục và kiện toàn phẩm giá con người mà Đức Giê-su thực hiện.
Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với Đức Giê-su trong chương trình kiện toàn phẩm giá con người. Sự đồng hành của Chúa Thánh Thần đã được tiên báo trong Cựu Ước và trở nên hiện thực trong Tân Ước (St 1,1-3; Is 11,1-9; Mt 1,18; Mc 1,10-11; Lc 1,34-35; Ga 14,26). Theo ngôn ngữ của thánh I-rê-nê, Chúa Con và Chúa Thánh Thần như ‘đôi tay’ của Thiên Chúa (Irenaeus, Against Heresies, V, 6.1). Con người in đậm ‘dấu vân tay’ của Thiên Chúa (St 2,7). Hơn nữa, Chúa Thánh Thần không ngừng biến đổi con người và vạn vật như khẳng định của Công Đồng Vatican II: “Thánh Thần Chúa, Ðấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này” (GS 26). Như vậy, con người từ trong ra ngoài, từ tâm hồn tới thể xác đều mang dấu ấn của Thiên Chúa, dấu ấn từ đời đời trong ý định của Người và được Người thực hiện trong không gian, thời gian nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần.
Phẩm giá con người phát xuất từ tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Do đó, phẩm giá này vượt trên mọi nghịch cảnh và luôn được định hướng về môi trường Thiên Chúa. Trong Thông Điệp Fratelli Tutti, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Chúng ta hãy dấn thân sống và truyền bá giá trị của sự tôn trọng người khác, giá trị của một tình yêu có khả năng tiếp đón những khác biệt, và ưu tiên cho phẩm giá của mọi con người, bất kể các ý kiến, quan điểm, thực hành, và ngay cả tội lỗi của họ” (Fratelli Tutti 191). Con người được dựng nên với phẩm giá cao quý vô hạn (dignitas infinita). Tuy nhiên, bao lâu còn sống giữa lòng thế giới, phẩm giá con người vẫn còn bị tổn thương bởi các mãnh lực của ma quỷ, thế gian, tính xác thịt. Nói cách khác, phẩm giá con người là tác phẩm dang dở bao lâu con người vẫn còn trong hành trình trần thế. Do đó, mọi người luôn được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa và với nhau hầu làm cho phẩm giá con người luôn được tôn trọng, bảo vệ và ngày càng sáng đẹp hơn.
Phẩm giá con người được thể hiện tròn đầy trong thời cánh chung khi Thiên Chúa quy tụ con người và muôn vật muôn loài dưới quyền một Thủ Lãnh là Đức Giê-su. Nói cách khác, phẩm giá con người đạt đỉnh điểm trong Vương Quốc Thiên Chúa: “Vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và diễm phúc, vương quốc công bình, yêu thương và bình an” (Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Ki-tô Vua). Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II khẳng định: “Phẩm giá của sự sống không chỉ gắn liền với sự khởi đầu của nó, với sự kiện nó đến từ Thiên Chúa, mà còn với mục đích cuối cùng của nó, với vận mệnh của sự hiệp thông với Thiên Chúa trong sự hiểu biết và tình yêu của Người” (Evangelium Vitae 38). Quả thực, mọi người luôn được mời gọi hướng tâm trí mình về Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh hầu có thể được hiệp thông viên mãn với Người trong Quê Hương vĩnh cửu.
Được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, con người không bao giờ thỏa mãn với những gì trong thế giới thụ tạo. Thánh Tô-ma A-qui-nô viết: “Không gì có thể thỏa mãn ý muốn của con người, ngoại trừ điều thiện phổ quát. Điều này không thể tìm được ở nơi bất kỳ thụ tạo nào, mà chỉ ở nơi Thiên Chúa; bởi vì, mọi thụ tạo có được sự thiện hảo nhờ tham dự. Do đó, chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm cho ý muốn của con người được thỏa mãn” (Thomas Aquinas, Summa Theologiae I-II, q.2, a.8). Trong Summa Contra Gentiles, ngài viết: “Sự hiệp nhất hoàn hảo được tìm thấy ở đỉnh cao nhất của các hữu thể, Thiên Chúa” (Thomas Aquinas, Summa Contra Gentiles IV,1). Như vậy, cuộc đời của con người là ‘cuộc đời có hướng’, hướng về Thiên Chúa trong khi thực thi thánh ý Người theo ơn gọi và đặc sủng của mình giữa lòng trần thế.
IV. ĐỒNG HÀNH VỚI ĐỨC GIÊ-SU
4.1 Đường kiện toàn phẩm giá con người
Trong Bữa Ăn Cuối Cùng của Đức Giê-su với các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn, thánh Tô-ma hỏi Người: ‘Chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?’ (Ga 14,5). Đức Giê-su trả lời: “Chính Thầy là Đường” (Ga 14,6). Chúng ta có thể khẳng định rằng Đường Đức Giê-su trong gia đình nhân loại là Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người. Mọi lời nói và việc làm của Người đều minh chứng điều đó. Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người là Đường duy nhất cho mọi người trong gia đình nhân loại. Buổi đầu loan báo Tin Mừng, thánh Phê-rô khẳng định: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Trong Chúa Thánh Thần, Đường của Đức Giê-su đang hiện diện và hoạt động giữa gia đình nhân loại để ai trung tín theo Đường này thì được thông hiệp với Thiên Chúa.
Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người của Đức Giê-su cho chúng ta nhận thức rằng phẩm giá con người cao quý đến mức Người đã thông hiệp để thánh hóa; tội lỗi của con người nghiêm trọng đến mức Người đã mang lấy để đưa lên cây thập tự; sự chết của con người nguy hiểm đến mức Người đã chết để tiêu diệt một lần cho tất cả. Quả thực, vì tội lỗi, phẩm giá con người nguyên thủy bị tổn thương và con người phải đối diện với muôn hình thức bất an, bất hạnh, đau khổ. Vì tình yêu vô điều kiện, Đức Giê-su đã đến trần gian để biểu lộ và thực thi chương trình cứu độ và giải thoát của Thiên Chúa. Nhờ Đức Giê-su, Đấng vĩnh cửu hiện diện trong thời gian, phẩm giá con người không chỉ được biến đổi, khôi phục mà còn được kiện toàn và cho phép con người hay chết trở thành con cái Thiên Chúa hằng sống.
Chúng ta có thể nhận thức hành trình trần thế của Đức Giê-su và hiệu quả của hành trình đó trong hai thì: (1) Là Thiên Chúa, Đức Giê-su trở thành con người và (2) nhờ đó, con người được thần hóa, nghĩa là con người được gần Thiên Chúa hơn cho đến khi được hiệp nhất nên một trong Người. Điều này có nghĩa rằng nhờ Đấng là Thiên Chúa trở thành con người mà con người được muôn đời kết hiệp cùng Thiên Chúa. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giê-su. Thật vậy, Đức Giê-su đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa” (Dt 2,9). Trích đoạn này gợi lên trong tâm trí chúng ta nội dung của Thánh Vịnh 8 rằng con người chẳng thua kém thần linh là mấy và rằng con người có một tương lai vinh hiển nhờ kế hoạch của Thiên Chúa được Đức Giê-su thực hiện.
Thánh A-tha-na-xi-ô (298-373) viết: “Như Đức Giê-su mặc lấy thân xác và đã trở thành con người, chúng ta được Ngôi Lời thánh hóa khi được đưa đến với Người qua xác thịt của Người và từ đó thừa hưởng sự sống 'đời đời'” (Athanasius, 3rd Discourse Against the Arians, 34). Cũng theo ngài: “Đức Giê-su trở thành con người để chúng ta được thần hóa, Người biểu lộ chính mình trong một thân thể để chúng ta có thể đón nhận Chúa Cha vô hình và Người chịu sự ngạo mạn của con người để chúng ta có thể thừa hưởng sự bất tử” (Athanasius, On the Incarnation of the Word, 54). Còn thánh Ghê-gô-ri-ô Na-di-en viết: “Chúng ta hãy nhìn nhận phẩm giá của mình; chúng ta hãy tôn vinh Nguyên Mẫu của mình; Chúng ta hãy nhận biết quyền năng của Mầu Nhiệm và vì sao Đức Ki-tô đã chết” (Gregory Nazianzen, Orations 1, IV). Như vậy, nhờ Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người của Đức Giê-su, con người vốn yếu đuối lại trở nên mạnh mẽ, vốn tội lỗi lại trở nên thánh thiện, vốn phải chết lại trở nên sống động.
Như đề cập ở trên, tội lỗi làm cho phẩm giá con người là hình ảnh của Thiên Chúa bị tổn thương và chỉ có Đấng ban cho con người phẩm giá cao quý mới có thể khôi phục và kiện toàn phẩm giá đó. Ai gắn bó với Đức Giê-su và đi Đường Kiện Toàn Phẩm Giá của Người thì được giải thoát khỏi mãnh lực ma quỷ, thế gian, tính xác thịt là mầm mống của tội lỗi và sự chết. Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su nói rằng ai theo Người thì không đi trong tối tăm nhưng được ánh sáng ban sự sống (Ga 8,12). Công Đồng Vatican II khẳng định: “Là ‘hình ảnh của Thiên Chúa vô hình’, chính Người là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu của A-đam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Bởi vì nơi Người bản tính nhân loại đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt, do đó chính nơi chúng ta nữa bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt. Bởi vì, chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người” (GS 22). Cũng theo Công Đồng Vatican II: “Ai theo Chúa Ki-tô, Con Người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ được trở nên người hơn” (GS 41).
4.2 Theo đường kiện toàn phẩm giá con người
Ai đi Đường của Đức Giê-su, Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người, thì được mời gọi sống theo những giá trị của Nước Thiên Chúa. Cụ thể là, ai theo Đường Đức Giê-su thì được mời gọi sống theo Tám Mối Phúc (Beatitudes) hay Hiến Chương Nước Trời (Constitution of the Kingdom of God) mà Đức Giê-su đã công bố và thực thi: Người đề cao những ai ‘có tâm hồn nghèo khó’, ‘hiền lành’, ‘sầu khổ’, ‘khát khao nên người công chính’, ‘xót thương người’, ‘có tâm hồn trong sạch’, ‘xây dựng hòa bình’, ‘bị bách hại vì sống công chính’. Ai theo Đức Giê-su, Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người, thì được mời gọi nói không với các hình thức nô lệ, nghèo đói, chiến tranh, hận thù, chia rẽ, bạo lực, lạm dụng, loại trừ, bất hòa hợp, nặc danh làm hại người khác. Tắt một lời, ai theo Đường của Đức Giê-su thì được mời gọi luôn tôn trọng phẩm giá con người trong mọi thời và khắp mọi nơi.
Câu hỏi đặt ra là ‘tại sao chúng ta được mời gọi tôn trọng phẩm giá con người?’ Thưa, như đề cập ở trên, phẩm giá con người không phải là thứ con người tự thân sở đắc hay được ai đó chuyển nhượng nhưng do Thiên Chúa ban tặng. Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ. Nơi Người, mọi sự đều hoàn hảo và những gì Người sáng tạo hay xuất phát từ Người đều tốt đẹp. Giáo huấn của Đức Giê-su cho chúng ta nhận thức rằng ai lãnh đạm với phẩm giá con người thì cũng lãnh đạm với Thiên Chúa; ai xúc phạm phẩm giá con người thì cũng xúc phạm Thiên Chúa; ai làm phương hại phẩm giá con người thì cũng phản nghịch Thiên Chúa. Bằng cách nào con người có thể tôn trọng và bảo vệ phẩm giá mình cũng như anh chị em đồng loại? Thưa, bằng cách chiêm ngắm Đức Giê-su và thực thi giáo huấn của Người. Cụ thể là, mọi người cần học hỏi, suy niệm và dõi theo Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người của Đức Giê-su trong mọi tư tưởng, lời nói và việc làm.
Qua bao thế hệ, nhiều người vẫn quan tâm ‘lượng’ hơn là ‘phẩm’, quan tâm những gì con người ‘có’ hơn những gì con người ‘là’. Đặc biệt, trong thế giới hôm nay, sự lên ngôi của thế giới kỹ thuật số và công nghệ hiện đại kéo theo sự lệ thuộc của con người vào các phương tiện tinh vi, mãn nhãn. Xem ra con người càng ngày càng lệ thuộc vào máy móc, thậm chí con người bị máy móc điều khiển hơn là con người điều khiển máy móc, chủ thể và khách thể đang trên tiến trình thay bậc đổi ngôi! Trong Thông Điệp Quan Tâm Vấn Đề Xã Hội (Sollicitudo Rei Socialis, 1987), thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Bất cứ điều gì ảnh hưởng đến phẩm giá của các cá nhân và các dân tộc, chẳng hạn như sự phát triển đích thực, không thể bị giản lược thành một vấn đề ‘kỹ thuật’. Nếu giản lược như vậy, sự phát triển sẽ bị mất đi nội dung đích thực của nó, và điều này sẽ là hành động phản bội các cá nhân và các dân tộc mà sự phát triển mang nghĩa là phục vụ” (Sollicitudo rei Socialis 41). Với ngài, tôn trọng phẩm giá tự nhiên và siêu nhiên của con người luôn là nền tảng cho việc xây dựng hòa bình và phát triển của các hình thức xã hội trong gia đình nhân loại.
Lịch sử gia đình nhân loại cho chúng ta nhận thức rằng khi con người không xác tín rằng mình cao cả hơn vạn vật cũng là khi con người tự hạ thấp phẩm giá của mình giữa muôn vật muôn loài. Khi con người không ý thức đủ về phẩm giá của mình cũng là khi con người tự làm cho mình xa lạ với bản thân, với anh chị em, với muôn vật muôn loài và với Thiên Chúa. Bao lâu mọi người trong gia đình nhân loại chưa nhìn nhận phẩm giá con người là sự thật phổ quát (universal truth), là trung tâm và là chóp đỉnh của đời sống cá nhân cũng như các hình thức tập thể thì bấy lâu gia đình nhân loại còn phải đương đầu với bất an, nghèo nàn, đau khổ. Quả thực, khi con người từ chối phẩm giá mình cũng như anh chị em đồng loại cũng là khi con người sẵn sàng gây tai họa cho chính mình, cho anh chị em và muôn vật muôn loài. Khi con người không nhận ra sự bình đẳng về phẩm giá của mọi người cũng là khi con người trở thành những kẻ gây bất hòa, bất thuận đối với anh chị em mình. Khi con người cho rằng phẩm giá mình cao cả hơn phẩm giá người khác cũng là khi con người sẵn sàng gây đại họa cho anh chị em mình. Theo Công Đồng Vatican II: “Mỗi người đều phải coi người đồng loại không trừ một ai như ‘cái tôi thứ hai’, cho nên trước hết phải quan tâm đến sự sống của họ và quan tâm đến những phương tiện cần thiết giúp họ sống một đời sống xứng đáng” (GS 27).
Xã hội nào không tôn trọng phẩm giá con người thì xã hội đó không vì con người và hậu quả là xã hội đó trở thành môi trường bóp nghẹt sự phát triển. Hai cụm từ nổi tiếng được thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đề cập nhiều lần trong các sứ điệp của ngài là ‘văn hóa sự sống’ (culture of life) và ‘văn hóa sự chết’ (culture of death). Chẳng hạn, trong thông điệp Evangelium Vitae, ngài viết: “Ngày nay chúng ta cũng thấy mình trong cuộc xung đột kịch tính giữa 'nền văn hóa sự chết’ và ‘nền văn hóa sự sống’. Nhưng vinh quang của Thập Giá không bị phủ lấp bởi bóng tối này; trái lại, nó chiếu sáng rạng rỡ và tươi mới hơn bao giờ hết, và được biểu lộ như là trung tâm, ý nghĩa và mục đích của toàn bộ lịch sử và của mọi cuộc sống con người” (Evangelium Vitae 50). Đối với thánh nhân, nền văn minh nhân loại chỉ có thể tiến triển đúng hướng khi đặt nền tảng trên phẩm giá con người. Gia đình nhân loại sẽ không phát triển nếu mọi người không tôn trọng phẩm giá của nhau. Nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống sẽ không được hình thành nếu phẩm giá con người bị xem thường. Hận thù và chiến tranh sẽ không có hồi kết khi con người không quan tâm phẩm giá của bản thân cũng như của anh chị em mình.
Tương lai của gia đình nhân loại lệ thuộc vào những người ý thức về phẩm giá cao quý của con người, nhận thức đầy đủ các khía cạnh đa dạng của phẩm giá con người và nỗ lực đóng góp phần mình trong việc cổ vũ sự tôn trọng phẩm giá con người. Đặc biệt, tương lai của gia đình nhân loại lệ thuộc vào sự đồng tâm nhất trí của mọi người trong việc xây dựng ngôi nhà chung trong đó mọi người đồng sức, đồng lòng, đóng góp phần mình nhằm làm cho phẩm giá con người được nhìn nhận và triển nở trong mọi hình thái xã hội của gia đình nhân loại. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô biện luận: “Nếu xã hội phải có một tương lai, thì nó phải tôn trọng sự thật về phẩm giá con người và tuân theo sự thật đó” (Fratelli Tutti 207). Ngài tuyên bố: “Tôi muốn lặp lại ở đây lời kêu gọi hòa bình, công lý và tình huynh đệ mà chúng ta thực hiện cùng với nhau: Nhân danh Thiên Chúa, Đấng dựng nên mọi con người bình đẳng trong các quyền, các bổn phận và trong phẩm giá, và là Đấng đã kêu gọi mọi người sống với nhau như anh chị em, để lấp đầy trái đất này và cổ vũ các giá trị của sự thiện, tình yêu và hòa bình” (Fratelli Tutti 285). Hôm nay, nhiều người quan tâm về ‘sự phát triển con người toàn diện’. Chúng ta có thể nhận định rằng ‘sự phát triển con người toàn diện’ chỉ trở thành hiện thực khi phẩm giá con người luôn ở trung tâm của tiến trình bàn thảo, hoạch định và thực thi giữa mọi người trong gia đình nhân loại. Dưới nhãn quan Ki-tô Giáo ‘phát triển con người toàn diện’ chỉ có thể trở thành hiện thực khi mọi người biết thành tâm cộng tác với nhau trên Đường của Đức Giê-su, Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người.
Quả thực, con người không phải là thần thánh cũng chẳng phải là thụ tạo thấp hèn mà là thụ tạo mang hình ảnh của Thiên Chúa. Dấu ấn của Thiên Chúa nơi con người không thể bị xóa nhòa. Như đề cập ở trên, con người không bao giờ thỏa mãn với những gì trong thế giới thụ tạo. Đặc biệt, con người không bao giờ thỏa mãn với cuộc đời chấm dứt bởi cái chết. Đó là lý do tại sao hy vọng được sống và sống dồi dào luôn hiện diện trong tâm trí mỗi người. Tác giả Thánh Vịnh 62 viết: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2). Công Đồng Vatican II khẳng định rằng việc nhìn nhận Thiên Chúa không nghịch lại với phẩm giá con người vì phẩm giá con người đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong Thiên Chúa (GS 21). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Giáo Hội cho rằng nhìn nhận Thiên Chúa không có gì nghịch lại với phẩm giá con người, vì phẩm giá ấy đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong chính Thiên Chúa bởi vì con người có trí tuệ và tự do được Thiên Chúa, Ðấng tạo dựng đặt để trong xã hội, nhưng nhất là vì con người được gọi đến thông hiệp với chính Thiên Chúa và tham dự vào hạnh phúc của Ngài như con cái” (GS 21).
4.3 Loan báo Tin mừng đường kiện toàn phẩm giá con người
Đức Giê-su đến trần gian để công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa và nội dung của Tin Mừng Nước Thiên Chúa là kiện toàn phẩm giá con người. Khi giảng dạy và triển khai bài giảng Tám Mối Phúc, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng Người đến trần gian để kiện toàn lề luật và lời các ngôn sứ (Mt 5,17). Mục đích của việc kiện toàn lề luật và lời các ngôn sứ cũng chính là kiện toàn phẩm giá con người và cho phép con người ngày càng sống xứng đáng hơn với ơn gọi và đặc sủng của mình. Hơn nữa, để minh chứng rằng Người đến trần gian để kiện toàn phẩm giá con người, Đức Giê-su đã thực thi các dấu lạ, chẳng hạn như chữa bệnh, trừ quỷ, hồi sinh kẻ chết. Đặc biệt, Người đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết và sống lại để trao ban sự sống vĩnh cửu cho con người. Trước khi về trời, Đức Giê-su sai phái các môn đệ tiếp tục sứ mệnh mà Người đã thực hiện (Mt 28,18-20; Mc 16,15). Vâng theo giáo huấn của Đức Giê-su, qua muôn thế hệ, các môn đệ của Người không ngừng đến với muôn dân muôn nước để đồng hành và hướng dẫn mọi người trên Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người.
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu cho chúng ta biết khi Gio-an Tẩy Giả sai các môn đệ của mình đến hỏi Đức Giê-su xem Người có phải là Đấng phải đến hay họ còn phải đợi ai khác thì Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4-5). Chúng ta biết rằng người mù, người què, người cùi, người nghèo, người chết là những người bị tổn thương về phẩm giá và Đức Giê-su đến để loan báo Tin Mừng về việc kiện toàn phẩm giá cho họ. Trong Thông Điệp Fratelli Tutti, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Đối với chúng ta, suối nguồn của nhân phẩm và tình huynh đệ được tìm thấy trong Tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô” (Fratelli Tutti 277). Cũng theo ngài, việc loan báo Tin Mừng luôn là cơ sở để khôi phục phẩm giá và sự sống con người (Evangelii Gaudium 75). Còn Bộ Giáo Lý Đức Tin thì quả quyết: “Bằng cách công bố Tin Mừng cứu độ, Giáo hội cho con người thấy phẩm giá của chính mình và mời gọi họ khám phá trọn vẹn sự thật về chính mình” (Instruction on Respect for Human Life in Its Origin and on the Dignity of Procreation: Replies to Certain Questions of the Day [1987] 1).
Loan báo Tin Mừng Đức Giê-su, Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người, là cách thức hữu hiệu nhất để mời gọi mọi người quan tâm và đề cao phẩm giá con người. Ngay từ buổi sơ khai, các môn đệ Đức Giê-su đã ý thức điều đó. Chẳng hạn, tại nhà ông Co-nê-li-ô, thánh Phê-rô quả quyết: “Tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10,34). Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II mời gọi các Ki-tô hữu làm chứng cho đức tin của mình về phẩm giá con người, được Thiên Chúa sáng tạo, được Đức Giê-su cứu độ và được Chúa Thánh Thần thánh hóa. Đồng thời, ngài cũng mời gọi mọi người luôn thực thi lối sống phù hợp với phẩm giá cao quý của con người (Sollicitudo rei Socialis 47).
Công Đồng Vatican II khẳng định tầm quan trọng của Tin Mừng Đức Giê-su như sau: “Men Tin Mừng đã và đang làm dậy lên trong lòng con người sự đòi hỏi phải có phẩm giá, một đòi hỏi không thể cưỡng chế được” (GS 26). Trong Thông Điệp Evangelium Vitae, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trình bày cách rõ ràng hơn về Tin Mừng kiện toàn phẩm giá con người: “Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa cho con người, Tin Mừng về phẩm giá con người và Tin Mừng về sự sống là Tin Mừng duy nhất và không thể chia cắt” (Evangelium Vitae 3). Như đề cập ở trên, Tin Mừng Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người là Tin Mừng rằng Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã đến với gia đình nhân loại để phục hồi phẩm giá con người, đồng thời cho phép con người được chung hưởng sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Ai tin tưởng, đón nhận, thông hiệp và thực thi giáo huấn của Đức Giê-su trong hành trình trần thế thì được tham dự sự sống của Người trong ‘trời mới, đất mới, nơi hòa bình và công lý ngự trị’ (Is 65,17; 2 Pr 3,13; Kh 21,1). Con người sống xứng hợp với phẩm giá của mình khi biết ăn ở xứng hợp với Tin Mừng về Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người mà Đức Giê-su đã thiết lập, đồng thời, biết đóng góp phần mình trong việc làm cho Đường của Người đến với mọi dân mọi nước trên toàn cõi địa cầu.
Như đề cập ở trên, dưới nhãn quan Ki-tô Giáo, bao lâu còn trong hành trình trần thế thì bấy lâu phẩm giá con người chưa đạt tới sự sung mãn. Đích đến của con người với phẩm giá cao quý được kiện toàn là môi trường Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Đức Giê-su luôn mời gọi mọi người hướng tâm trí về những gì thuộc môi trường đó chứ không chỉ đăm chiêu với những thực thể thuộc thế gian này. Thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu Phi-líp-phê: “Quê Hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21). Trong Tông Thư Maximum Illud về việc loan báo Tin Mừng khắp thế gian (1919), Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XV viết: “Thật là bi thảm nếu người loan báo Tin Mừng quên đi phẩm giá của sứ vụ mình khi hoàn toàn bận tâm với các lợi ích của quê hương trần thế thay vì lợi ích của Quê Hương trên trời” (Maximum Illud 19). Như vậy, các Ki-tô hữu khi thực thi phẩm giá sứ vụ mình cần ý thức rằng, giữa những bấp bênh hay thăng trầm trần thế, mọi người được mời gọi hướng lòng mình về ‘Quê Hương đích thực của chúng ta’ như lời căn dặn của thánh Phao-lô.
Quả thực, nhờ sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa lòng trần thế, con người có được sự nhận thức vượt bậc về phẩm giá mình. Công Đồng Vatican II nhận định: “Men Tin Mừng đã hoạt động lâu dài trong các tâm hồn và giúp nhiều cho con người đến nỗi, qua dòng thời gian, con người nhận biết sâu xa hơn về phẩm giá của mình, và xác tín thêm rằng trong lãnh vực tôn giáo, con người trong xã hội phải được bảo đảm thoát khỏi mọi cưỡng bách do loài người” (Digitatis Humanae 12). Câu hỏi đặt ra là: Các Ki-tô hữu có sẵn sàng chia sẻ Tin Mừng về phẩm giá con người được kiện toàn cho anh chị em đồng loại không? Phẩm giá này đem lại những biến đổi thực sự trong đời sống của các Ki-tô hữu không? Bằng cách nào các Ki-tô hữu sống xứng đáng với phẩm giá con người được kiện toàn trong hành trình trần thế của mình? Phẩm giá con người được kiện toàn có âm hưởng thế nào nơi những người mà mình gặp gỡ? Để có thể trả lời cho những câu hỏi đó, trước hết, các Ki-tô hữu được mời gọi luôn ý thức về sự hiện diện của Đức Giê-su, ở lại với Người, lắng nghe Lời Người, tin tưởng vào Người và cộng tác với Người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình.
Kết luận
Thuật ngữ ‘phẩm giá con người’ được cập nhật và phổ biến khá muộn màng trong lịch sử nhân loại cũng như trong việc diễn tả nội dung đức tin Ki-tô Giáo. Tuy nhiên, như đề cập ở trên, toàn bộ các sách Kinh Thánh trình bày về phẩm giá cao quý của con người bởi vì con người được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Người, giống như Người và được mời gọi thông hiệp sự sống vĩnh cửu với Người. Theo đó, con người vừa là trung tâm, vừa là chóp đỉnh của chương trình Thiên Chúa sáng tạo với phẩm giá nội tại, cao quý và bất khả nhượng. Vì tội lỗi, phẩm giá con người bị tổn thương và tự thân con người không thể khôi phục. Tuy nhiên, vì tình yêu vô điều kiện, Thiên Chúa đã mặc khải chương trình kiện toàn phẩm giá con người trong dòng lịch sử với nhiều cách thức khác nhau. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã trở thành con của gia đình nhân loại. Người vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ chính mình để mang lấy tội lỗi và hậu quả của tội lỗi là sự chết của mọi người mà đưa lên cây thập tự. Nhờ Người, với Người và trong Người, phẩm giá con người không chỉ được biến đổi, khôi phục mà còn được kiện toàn để con người trở thành con cái Thiên Chúa.
Hành trình trần thế của Đức Giê-su là hành trình kiện toàn phẩm giá con người. Mọi lời nói và việc làm của Người minh chứng rằng Người từ Thiên Chúa mà đến để cứu độ và giải thoát con người khỏi muôn hình thức đau khổ, tội lỗi và sự chết. Trong hành trình trần thế, Người quan tâm những người mà phẩm giá bị tổn thương nhất, chẳng hạn như những người tội lỗi, bị quỷ ám, bệnh hoạn tật nguyền hay bị loại trừ khỏi xã hội. Người đã hồi sinh kẻ chết để biểu lộ tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời, giúp mọi người hướng về sự kiện toàn phẩm giá con người cách trọn vẹn trong thời cánh chung khi Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài. Chính Đức Giê-su đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết, phục sinh và lên trời để mở đường cho những ai hiệp nhất nên một với Người trong hành trình trần thế.
Trước khi về trời, Đức Giê-su truyền lệnh cho các môn đệ tiếp tục sứ mệnh loan báo Tin Mừng Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người mà Người đã loan báo và minh chứng trong hành trình trần thế. Theo giáo huấn của Người, ai ý thức về phẩm giá cao quý của bản thân và biết sống xứng đáng với phẩm giá cao quý của mình thì cũng ý thức và biết tôn trọng phẩm giá của anh chị em. Ai tôn trọng phẩm giá anh chị em mình theo giáo huấn của Người thì không chỉ thực thi giới răn cũ của Cựu Ước là ‘yêu đồng loại như chính mình’ mà còn thực thi giới răn mới của Tân Ước là ‘yêu người đồng loại như Đức Giê-su đã yêu’ (Lv 19,18; Ga 13,14). Để phẩm giá bản thân cũng như của anh chị em đồng loại ngày càng được tôn trọng, bảo vệ và kiện toàn, mọi người được mời gọi học hỏi, hiệp thông và hành động cùng nhau dưới sự hướng dẫn của Thần Khí Đức Giê-su là Chúa Thánh Thần. Nghĩa là, trong Chúa Thánh Thần, mọi người được mời gọi theo Đường Kiện Toàn Phẩm Giá Con Người của Đức Giê-su để đến với Thiên Chúa, đến với nhau và đến với muôn vật muôn loài.