LINH ĐẠO LÒNG THƯƠNG XÓT
(Lời Chủ chăn Giáo phận Xuân Lộc - Tháng 07 năm 2020)

Gm. Giuse Đinh Đức Đạo

WGPXL (30.6.2020) - Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến, theo tinh thần Tông sắc “Dung Mạo Lòng Thương Xót” (Misericordiae Vultus) của Đức Thánh Cha Phanxicô, lòng thương xót phải thấm nhuần vào đời sống và mọi hoạt động của Giáo Hội để trở thành đặc tính của Giáo Hội[1]. Do đó, mặc dù Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót đã kết thúc vào lễ Chúa Kitô Vua ngày 20/11/2016, Giáo phận chúng ta vẫn tiếp tục đào sâu để sống tinh thần này. Tinh thần lòng thương xót được coi là điểm quy tụ lòng người, là nguồn gợi hứng, là sức mạnh thúc đẩy và nâng đỡ, là ánh sáng chiếu soi hành trình thiêng liêng và các chương trình mục vụ, hầu cho Giáo phận trở thành “Thánh địa lòng thương xót”.

Để tinh thần lòng thương xót trở thành nếp sống của gia đình cũng như Giáo xứ trong mọi sinh hoạt, trước tiên các Linh mục và Tu sĩ trong Giáo phận phải là những người được thấm nhuần chất thương xót. Trong ý hướng ấy, tôi xin cùng với quý Cha và quý Tu sĩ suy gẫm lại một số dụ ngôn rất quen thuộc trong Tin Mừng để thấy rõ hơn các yếu tố thiêng liêng của lòng thương xót, áp dụng vào đời sống và sứ vụ của chúng ta. Đề tài của những chia sẻ này là “Linh đạo Lòng Thương Xót”.

1. Dụ ngôn con chiên lạc

Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.” (Lc 15,4-7).

Đây là dụ ngôn rất quen thuộc. Điều mới mẻ tùy thuộc vào sự quyết tâm áp dụng vào đời sống cũng như sứ vụ của mỗi người. Dụ ngôn nói về một con chiên bị mất, lạc khỏi đàn nên người chăn chiên ra đi tìm nó và cố công tìm kiếm cho đến khi thấy nó để đem về nhà. Người chăn chiên trong dụ ngôn là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng giầu lòng thương xót.

Để hiểu được tâm tình thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải đặt mình vào khung cảnh địa dư của dụ ngôn. Đó là sa mạc Đất Thánh được cấu tạo bởi những đồi cát và ở đó khí hậu nóng cháy da dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt. Đứng ở đồi cát này không thể thấy được gì đàng sau đồi cát bên kia. Do đó, để đi tìm con chiên lạc, ông chăn chiên phải leo đồi xuống lũng, có khi rất nhiều lần, bất chấp ánh nắng mặt trời thiêu đốt và thiếu thốn nước uống. Dù vất vả mệt nhọc như vậy, ông vẫn kiên trì đi tìm cho đến khi kiếm được con chiên bị mất.

Các Linh mục và Tu sĩ có thể suy gẫm dụ ngôn này từ hai góc độ. Góc độ thứ nhất là vị thế của con chiên lạc. Đứng vào vị thế này, chúng ta sẽ tìm được niềm hy vọng và tin tưởng, cho dù thực trạng tội lỗi có trầm trọng đến đâu, vì người chăn chiên – Chúa Giêsu của chúng ta – chấp nhận mọi mệt nhọc và khổ cực để tìm cho bằng được con chiên lạc. Thật xúc động! Theo dụ ngôn, người chăn chiên đã tìm thấy con chiên vì nó đã để cho ông tìm ra. Người chăn chiên sẽ không tìm ra con chiên lạc nếu nó cố ý lẩn trốn, không để cho ông thấy hoặc có thấy, nó cũng không về theo ông. Đây quả là vấn đề rất trầm trọng của nhân loại, đã bắt đầu với Ađam và Eva, Tổ tiên loài người. Sau khi phạm tội, ông bà đã lẩn trốn Thiên Chúa khi Ngài đến tìm và trước mặt Ngài, hai người đổ lỗi cho nhau để khỏi phải chịu trách nhiệm về sai lỗi của mình (x. St 3,8-13).

Người ta thường rất ngại trở về lòng mình và nhìn nhận những sai lầm, những tội lỗi của mình. Điều này lại càng khó khăn hơn đối với Linh mục và Tu sĩ vì trong công tác mục vụ và trách nhiệm lãnh đạo cộng đoàn, Linh mục và Tu sĩ thường đứng vào vị thế giảng dạy và điều hành hoặc tổ chức các sinh hoạt lớn nhỏ nên ít khi muốn nghe, nhất là những điều không hợp ý hoặc không tốt về mình. Do đó, nhu cầu đầu tiên để được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa là lòng khiêm nhường, chân nhận sự thật nơi lòng mình. Nhu cầu thứ hai là không chạy trốn Thiên Chúa, nhưng lắng nghe để cho Thiên Chúa nói vào lòng mình sự thật về cuộc đời mình. Để được như vậy, chúng ta cần có giờ thinh lặng sâu lắng bên Chúa mới hy vọng nghe được tiếng nói thì thầm của Ngài và được thiêu đốt bởi lửa mến yêu của Ngài.

Trong sứ vụ mục tử và lãnh đạo cộng đoàn, Linh mục và Tu sĩ còn phải suy gẫm dụ ngôn từ góc độ thứ hai là vị thế của Thiên Chúa, Đấng giầu lòng thương xót mà dụ ngôn diễn tả qua hình ảnh người chăn chiên. Người ta nói, trong hoàn cảnh của thế giới ngày nay, có lẽ cần phải sửa lại dụ ngôn vì không phải đàn chiên còn lại 99 con chiên và 1 con chiên bị thất lạc, nhưng đàn chiên chỉ còn lại 1 con chiên và 99 con chiên bị thất lạc. Tuy nhiên, mục đích của dụ ngôn không nhắm diễn tả một thực tại, nhưng diễn tả tấm lòng xót thương của Thiên Chúa. Thường tình người ta hài lòng khi được đa số đồng ý với mình, rồi ghét bỏ những người không ủng hộ mình, nhưng người chăn chiên trong dụ ngôn, cho dù còn 99 con chiên và chỉ thiếu 1 con, ông vẫn không thỏa lòng nên quyết ra đi tìm kiếm cho bằng được con chiên bị mất. Đó chính là tâm tình xót thương của Thiên Chúa: thương yêu mọi người, kể cả những người tội lỗi từ khước Ngài, vì mỗi người đều quý giá trước mặt Ngài (x. Is 43,4) nên Ngài không muốn mất một ai như chính Chúa Giêsu khẳng định: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18,14).

Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu không nói lý do vì sao con chiên vắng mặt. Chúng ta có thể suy diễn một vài lý do như sau: con chiên ấy vắng mặt vì không quan tâm hay không tha thiết với cộng đoàn, vì bị thú vui bên ngoài lôi cuốn, vì xung khắc với một con chiên hay với cả đàn chiên, vì không chấp nhận chủ chiên hoặc vì muốn theo một chủ chiên khác. Bất cứ là lý do gì, sự vắng mặt của con chiên đó cũng gây đau khổ cho đàn chiên và nhất là cho chủ chiên. Dù vậy, chủ chiên vẫn lặn lội, chịu cực khổ để đi tìm con chiên ấy và kiên trì tìm kiếm cho đến khi thấy nó.

Dù đặt mình vào vị thế nào, tâm tình thương xót của Chúa cũng đòi chúng ta phải thay đổi tận căn cách suy nghĩ cũng như tâm tình thầm kín cho phù hợp với tâm tình thương xót theo tinh thần của dụ ngôn. Đó là tâm tình khiêm nhường biết nhìn nhận thực trạng tội lỗi của mình mà ăn năn hối lỗi để xứng đáng lãnh nhận lòng thương xót của Thiên Chúa. Tâm tình thứ hai là tâm tình mục tử. Đây là tình yêu cứu độ, thương yêu tất cả, không phân biệt, không loại trừ và sẵn sàng đón nhận mọi khổ đau (x. Ga 10,11) và chỉ mong đoàn chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10). Con chiên cứng đầu là một thách đố của tình yêu mục tử như Thánh Augustinô đã bày tỏ: “Bạn muốn hư mất ư? Tôi lại càng không muốn điều đó… Tôi sẽ đi tìm kẻ lầm lạc… Bạn muốn hay không muốn, tôi vẫn cứ làm”.[2]

2. Dụ ngôn Người cha nhân hậu

“Người con thứ thu góp tất cả gia sản rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng. Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và đứng lên đi về cùng cha.

Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ anh ta thưa: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Nhưng người cha gạt đi và bảo các đầy tớ: Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!

Lúc ấy người con cả ở ngoài đồng về, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Biết chuyện, người con cả nổi giận và không chịu vào nhà. Người cha ra năn nỉ thì cậu trả lời: Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con vui với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc 15,11-32).

Dụ ngôn diễn tả câu chuyện tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi. Người con thứ bỏ nhà cha đi xa, tiêu xài phung phí với đĩ điếm và đã tụt dốc thê thảm. Tụt dốc thứ nhất là từ vị thế con trai của gia đình quý phái đã trở thành đầy tớ cho người ta; tụt dốc thứ hai là phải đi chăn heo, có nghĩa là không đáng ở chung với các đầy tớ khác; tụt dốc thứ ba là không được ăn đậu mồng của heo. Đây là ngôn ngữ biểu tượng nói về sự sa đọa của người con thứ, còn thua kém loài heo đến nỗi không đáng để được ăn đậu mồng của heo. Dù người con thứ sa đọa như vậy, người Cha vẫn vui mừng đón nhận, không những tha thứ mà còn phục hồi tình trạng nguyên thủy là con trong gia đình quý phái: mặc áo mới, xỏ nhẫn vào tay, đi giầy vào chân. Đó là những hình ảnh biểu tượng diễn tả về một gia đình quý phái.

Lòng thương xót của Thiên Chúa vượt rất xa tầm suy nghĩ của loài người mà thái độ của người con cả là một biểu hiện: “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con vui với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” Quả thật, người con cả có lý, cái lý của sự công bằng, nhưng Chúa lại sử dụng cái lý của lòng thương xót. Ở đây chúng ta gặp phải vấn đề hóc búa của tương quan giữa lòng thương xót và nhu cầu phải tôn trọng sự công bằng như ngày nay ở nhiều nơi, nhất bên Hoa Kỳ, câu nói ở cửa miệng mọi người là: “Không có an bình nếu không có công bằng” (No Peace without Justice).

Tâm thức công bằng đòi người có tội trước tiên phải nhận tội và chịu hình phạt tương xứng, sau đó, vì thương hại, có thể tha cho một phần hình phạt, còn lòng thương xót của Thiên Chúa thì tha thứ và hơn nữa, còn tha bổng. Phải chăng lòng thương xót phá bỏ đức công bằng? Thực ra, Thiên Chúa vừa là quan án công minh chính trực, không mảy may gian dối (Đnl 32,4), vừa là người cha nhân hậu, luôn sẵn sàng thứ tha, chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín (x. Nkm 9,17; Tv 86,15). Nơi Ngài, vừa có lòng thương xót, vừa có đức công minh chính trực: Thiên Chúa vừa tha bổng, vừa giữ sự công bằng. Ngài tha bổng để mời gọi và cảm hóa người có tội ăn năn, hối cải, nhưng Ngài giữ công bằng vì Ngài đền trả thay. Đó chính là Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá. Ngài đền trả tội lỗi thay cho nhân loại (công bằng) và xin ơn tha tội cho nhân loại (thương xót) để cảm hóa và thúc đẩy nhân loại ăn năn trở về cùng Thiên Chúa. Như vậy, đối với các Linh mục và Tu sĩ, Chúa Giêsu chịu đóng đinh vừa là niềm hy vọng, vừa là thách đố lớn lao.

3. Dụ ngôn những người làm vườn nho sát nhân

“Có người kia trồng được một vườn nho. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: Chúng sẽ nể con ta. Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta. Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho... Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta! ” (Mc 12,1-12).

Dụ ngôn trên đây mở ra trước mắt chúng ta cuộc đọ sức, tranh tài giữa lòng thương xót của Thiên Chúa và sự độc ác của lòng dạ loài người. Ông chủ sai các đầy tớ đến, người thì bị đuổi về, người thì bị chửi mắng, người khác thì bị sỉ nhục và bị giết. Ông chủ lại gửi các đầy tớ khác, nhưng bọn làm vườn nho cũng xử với họ như với những người trước. Ông chủ vẫn không nản lòng, nhưng nhẫn nại gửi thêm các đầy tớ khác. Sau cùng, ông gửi chính con một yêu dấu của ông đến, nhưng cả người con một này cũng bị giết. Dụ ngôn cho thấy sự độc ác nơi lòng dạ loài người càng gia tăng thì lòng thương xót của Thiên Chúa cũng gia tăng hơn nữa và đạt tới điểm tột cùng là sai chính Chúa Giêsu, Con Một yêu dấu của Ngài. Dụ ngôn kết thúc với sự chiến thắng của lòng Thiên Chúa xót thương.

Đứng giữa cuộc đọ sức này là Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài: chiến thắng sự độc ác bằng lòng thương xót thứ tha, chiến thắng tội lỗi bằng tình yêu hiến tế: “Này là mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn” (Mt 26,26); “Các con hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26-27-28). Sứ mệnh là dụng cụ trong tay Thiên Chúa để Ngài có thể thi thố lòng thương xót mà cảm hóa nhân loại tội lỗi đòi chúng ta phải trả một giá rất đắt, có khi là chính mạng sống mình hoặc tiếp tục thương yêu cả khi phải hứng chịu tủi nhục bất công. Đó chính là con đường cứu rỗi nhân loại được làm sáng tỏ trong câu kết của dụ ngôn: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta! ” (Mc 12,12).

Kính thưa quý Cha và quý Tu sĩ, để kết thúc bài chia sẻ này, tôi mời gọi tất cả cùng ngước nhìn lên Mẹ Maria với lòng cảm mến. Xin Đức Mẹ uốn nắn lòng trí chúng ta theo tâm tư của Chúa Giêsu, Đấng “có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (x. Mt 11,29) để chúng ta dấn thân cộng tác vào sứ mệnh của Ngài, sứ mệnh cứu rỗi nhân loại tội lỗi bằng chính tinh thần và đường lối xót thương của Ngài.

Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.

+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc


[1] x. Tông sắc “Dung Mạo Lòng Thương Xót”, số 10.

[2] Thánh Augustinô, Hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, Bài giảng về các mục tử, 46,14-15, Kinh sách Thứ Hai Tuần XXV Thường Niên.

Nguồn: giaophanxuanloc.net