ĐỨC CHA FRANÇOIS PALLU - NGƯỜI LỮ HÀNH CAN TRƯỜNG TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN
GIÁO
Lm. Giuse Nguyễn Văn Diễm
WHĐ (01.03.2023) - May mắn được Đức TGM Hà Nội Giu-se Vũ Văn Thiên cho đọc một sổ tài liệu quý giá của các sử gia thuộc Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris (Missions Etrangeres de Paris [MEP]), người viết đã được khai sáng thêm rất nhiều về những năm tháng đầy gian nan trắc trở trong công cuộc truyền giáo trên quê hương Việt Nam thân yêu của mình. Đồng thời, người viết cũng cảm nhận được thế nào là tinh thần truyền giáo đích thực và nhất là tấm lòng trung kiên, can trường và quảng đại của các vị Thừa sai, đặc biệt là của hai vị Giám mục Đại diện Tông tòa đầu tiên của miền Bắc và miền Nam Việt Nam, Đức cha François Pallu và Đức Cha Lambert de la Motte.
Vì giới hạn của trang báo, nên người viết chỉ xin mạo muội chấm phá lại đôi nét cuộc đời và tư tưởng của Đức cha François Pallu, vị Giám mục Đại diện Tông tòa của miền Bắc Việt Nam, mà suốt 28 năm quản nhiệm, dù hết sức khát mong nhưng ngài chưa được một lần đặt chân đến. Bài viết phần lớn chỉ tóm lược lại hai bài nói chuyện của Đức cha Chappoulie, Giám mục giáo phận Angers, tại Chủng viện các vị Thừa sai Hải ngoại Paris, ngày 04 tháng 3 năm 1954 và của Đức cha Celse Costantini, Tổng giám mục hiệu tòa Theodosie, Thư ký thánh bộ Truyền giáo tại Đại học Gregorian, ngày 7 tháng 12 năm 1939.
***
Người ta thường ví: “Cuộc sống là một cuốn sách vô số chữ, mỗi người có cách đọc của riêng mình; cuộc sống là một tách trà, mỗi người có cách thưởng thức của riêng mình; và cuộc sống không được đánh giá bằng số năm người ta sống mà là cách họ sống trong những năm đó”. Vì thế, nhìn vào cuộc sống của Đức cha François Pallu, vị thừa sai kiệt xuất miền Đông Á, có lẽ chẳng nên nhìn vào con số 58 năm cuộc đời tương đối vắn vỏi mà phải chiêm ngắm “Trái tim lớn hơn thế giới của ngài vẫn còn đập trong những miền đất xa xôi viên miễn và Tin Mừng ngài phải gieo vãi nơi miền đất rộng lớn bao la này như một ngọn lửa thiêu đốt cõi lòng đến độ không thể dừng lại nổi”[1].
Thật vậy, trái tim lớn hơn thế giới và ngọn lửa thiêu đốt cõi lòng ấy đã giúp ngài vượt qua bao đau thương, thử thách, đã đưa ngài đến bến bình an sau những năm dài lênh đênh giữa sóng gió trùng kk,hơi của một cuộc đời hết sức phong phú nhưng cũng vô cùng nghịch lý của người con lỗi lạc thành Tours, 396 năm về trước.
II.
NGƯỜI CANH TÂN VIỆC TRUYỀN GIÁO Bối cảnh truyền giáo thời Đức cha
François Pallu |
I. CUỘC ĐỜI PHONG PHÚ VÀ NGHỊCH LÝ
Đức cha François Pallu, sinh ở Tours và là người con thứ 10
trong một gia đình giàu có gồm 18 người con. Ngay từ niên thiếu, dường như ngài
đã hướng chiều về những điều thuộc về Chúa. Khi còn ở Tours, các bạn bè của cha
mẹ ngài đã nhận thấy nơi cậu bé “những
thiên hướng đặc biệt về điều lành”. Họ đánh giá ngài là “hiền lành, khôn ngoan, khiêm tốn và đầy
lòng sùng mộ khiến ngay từ đó đã được mệnh danh là người nhà Chúa”[2].
Ít năm sau, ngài là vị kinh sĩ trẻ nhất của kinh sĩ đoàn nhà thờ
Saint-Martin tại chính thành phố nổi tiếng với tiếng Pháp “thuần khiết” nhất
trong cả nước Pháp này.
Học xong trung học tại trường các cha dòng Tên ở Tours,
François Pallu đến Paris để hoàn thành chương trình thần học. Tại đây, ngài
cũng chọn sống chung với một số bạn cùng chí hướng theo đuổi lý tưởng linh mục
hoàn thiện như mình (hội Aa [Association des amis]) và được thụ phong linh mục
tại Paris vào tháng 9 năm 1650, vài tuần sau ngày sinh nhật thứ 24 theo luật định.
Cha Bagot, một tu sĩ Dòng Tên, từng có vinh dự đào tạo nên vị
tuẫn đạo vinh quang Isaac Jogues đã hướng dẫn lòng nhiệt thành của nhóm bạn trẻ
này. Và cũng chính ngài, một lần nữa, vào cuối năm 1652, đã mang đến cho cha
François Pallu và các bạn đồng hành một vị thừa sai Dòng Tên vĩ đại khác, cha
Alexandre de Rhodes, người đã cống hiến 20 năm cuộc đời (1624-1645), cho công
cuộc truyền giáo non trẻ tại nước An Nam và miền Bắc Kỳ. Bị nước Pháp ngoan đạo
của vua Louis XIV thu hút, cha Alexandre de Rhodes đã đến đó để tuyển mộ “những chiến sĩ đi khắp phương Đông chinh phục
thần dân cho Vua Giê-su Ki-tô”[3]
và nhất là để tìm các giám mục sẽ chèo lái những vùng đất công giáo non trẻ
ở Đông Dương.
Phải nhận thực là dự án táo bạo của cha Alexander de Rhodes
đầy may rủi vì những khó khăn nảy sinh từ mọi phía. Đầu tiên là ở Châu Á, nơi
các tu sĩ đang truyền giáo tương đối độc lập, không phải ai cũng sẵn lòng chào
đón các vị giám mục cả. Sau đó đến Bồ Đào Nha, khi vua chúa luôn quyết tâm duy
trì quyền bá chủ của mình trên toàn bộ vùng Đông Ấn mà các Đức Giáo hoàng đã
nhượng quyền cho các tiên đế của họ vào cuối thế kỷ XV. Rồi chính tại Rô-ma,
nơi Bộ Truyền giáo do dự trước con đường phải theo và không dám giao phó cho
người Pháp, vì nghe đồn là dân tộc này thiếu tính kiên trì.
Cuối cùng là tại Pháp, dù hơi thở của tinh thần truyền giáo
đã được thổi lên nhưng chưa ai có kinh nghiệm về những chuyến tông đồ viễn xứ,
chưa từng có một con thuyền Pháp nào dám căng buồm đến vùng đất Châu Á huyền
bí.
Tuy nhiên, qua những lời cầu nguyện nhiệt thành và liên lỉ,
qua lòng sùng kính không ngơi với Đức Trinh Nữ Maria và những việc hãm mình phạt
xác cũng như những đóng góp dồi dào của những người hằng tâm hằng sản, ơn trên
đã giúp cho dự án táo bạo ấy vượt thắng những trở ngại chồng chất này. Thật thế,
sau bao khó khăn, cuối cùng ngày 29 tháng 7 năm 1658, Đức giáo hoàng Alexandre
VII đã ra chiếu thư phong cha François Pallu làm giám mục và xứ Bắc Kỳ được chỉ
định cho việc thừa sai tông đồ của ngài[4].
Ít ngày trước khi được tấn phong trong hầm mộ của Vương cung
thánh đường thánh Phê-rô tại Rô-ma, vị tân giám mục hiệu tòa Héliopolis đã viết
trong nhật ký: “Tôi tự đề xuất làm nền tảng
cho mình những chân lý sau: một Ki-tô hữu đích thực phải chết cho mọi sự; người
ấy không được biết đến ai theo xác thịt nữa. Một linh mục của Chúa Giê-su Ki-tô
phải siêu thoát khỏi mọi công việc trần thế. Sự ủy thác mà tôi sắp đảm nhận cao
cả và quý giá, lớn lao và khó khăn đến độ tôi không được bỏ sót điều gì để hòa
hợp với những ân sủng tốt lành của Thiên Chúa”[5].
Từ lúc ấy cho đến khi trút hơi thở cuối cùng Đức cha
François Pallu hằng chuyên tâm một lòng với cương lĩnh này đến độ phải từ bỏ
ngay cả việc thi hành chức vụ tông đồ mà ngài hằng ao ước, vì mãi đến những tuần
lễ cuối cùng trong chức vụ, ngài mới bắt đầu được ban phép thêm sức cho các
giáo dân tại Trung Hoa. Hơn nữa, ngài rời bỏ quê hương và châu Âu để đi rao giảng
Phúc Âm ở châu Á, nhưng thực tế đời ngài lại dành để đi khắp thế giới. Thật vậy,
vừa mới qua được Ba Tư và Ấn Độ để đến nhiệm sở ở Đông Dương, ngài lại phải tất
tả ngược đường trở lại Rô-ma. Mất ba năm ở đó để soạn thảo những tập ghi nhớ
trình lên Bộ Truyền giáo, sau đó lại ra sức giải thích tại Paris, trong ngôi
nhà ở đường du Bac (Rue du Bac) thay cho những linh mục mà ngài làm người đại
diện, việc chu cấp nhân sự và tiền bạc, tình trạng khốn khó và đáng thương của
các công việc truyền giáo tại Đông Ấn. Ngoài ra, ngài còn phải tìm cách liên lạc
với ông Colbert, vị bộ trưởng quyền thế của đức vua, và những nhân vật có thế
giá trong triều ở Versailles để tác động đến tinh thần của Đức vua sao cho có lợi
cho công cuộc truyền giáo viễn xứ liều lĩnh của mình.
Ba năm nữa trôi qua trong chuyến trở về dài như bất tận bằng
đường biển, với những chuyến dừng chân bắt buộc vì giông bão và dịch bệnh tại
Pháo đài Dauphin trên đảo Madagascar, tại Surat thuộc miền Tây Ấn[6]. Cuối cùng, vào tháng 5 năm
1673, tại thủ đô của Vương quốc Xiêm, nơi đã trở thành chặng dừng chân cho các
linh mục Pháp trên đường truyền giáo, Đức cha François Pallu cũng được gặp lại
vị đồng nghiệp của mình là Đức cha Pierre Lambert de la Motte đang phụ trách việc
truyền giảng Phúc Âm ở Nam Kỳ.
Vị Đại diện Tông Tòa, mặc dù hết sức nóng lòng được đến
Thăng Long, nhiệm sở của mình, nhưng Chúa Quan Phòng, hẳn muốn thử thách lòng
siêu thoát của vị chủ chăn hằng khao khát các linh hồn này. Vì thế, con tàu định
mệnh mà ngài bước xuống vào mùa hè năm 1674 để đến Bắc Kỳ thân yêu, sau một cơn
bão khủng khiếp, đã ném ngài lên bờ biển Philippines. Nhà cầm quyền Tây Ban Nha
lúc đầu đã giam giữ ngài ở Manila rồi sau mới quyết định gửi ngài đến Madrid để
tự biện hộ trước Hội đồng Ấn Độ. Thế là mười tám tháng lênh đênh trên Thái Bình
Dương rồi băng qua México, đến Đại Tây Dương để cuối cùng lên bờ tại Cadix.
Chính phủ Tây Ban Nha đã trả tự do cho vị Đại diện người Pháp, nhưng Rô-ma lại
yêu cầu Đức cha có mặt. Thế là mất thêm ba năm để Đức cha François Pallu biện hộ
trước Giáo hoàng Innocent XI và các hồng y của Bộ Truyền giáo, về công việc của
mình mà thực ra chính là công việc của Tòa Thánh mà ngài là vị đại diện chính
thức. Ngài phải bảo vệ từng ly từng tí, trước những bản văn cực kỳ khó hiểu,
trước những âm mưu của người Bồ Đào Nha và sự ngoan cố của một số nhà truyền
giáo đến từ Lisbon.
Vào năm 1680, sau khi chiến thắng những đối thủ ở Rô-ma, lúc
tái xuất hiện trong ngôi nhà ở đường du Bac (Rue du Bac), Đức cha François
Pallu đã như một cụ già, mặc dù mới bước sang tuổi 50. Thời gian ở lại Paris của
ngài cũng chỉ là một chuỗi dài đắng cay và đau khổ. Các vị đỡ đầu và bạn hữu chỉ
còn ủng hộ yếu ớt trong khi ngài phải đấu tranh với Tổng giám mục Harlay de
Champvallon và cha de la Chaise, vị giải tội của đức vua. Thậm chí chỉ cần một
khoảnh khắc bực bội của vua Louis XIV thôi, mọi công trình đời ngài sẽ đổ sông
đổ biển.
Cuối cùng, một tia nắng nhạt cũng chiếu sáng những năm tháng
cuối của cuộc đời phiêu lãng này. Năm 1682, Đức cha François Pallu đến Xiêm,
sau đó xuống thuyền đến Trung Hoa, nơi Đức Giáo hoàng vừa giao cho ngài việc quản
trị tinh thần cả một vùng đất rộng lớn. Những tên cướp biển bắt giữ và giam cầm
thuyền ngài sáu tháng tại Đài Loan (Formosa). Ngày 27 tháng 1 năm 1684, Đức cha
François Pallu đã cập bến lục địa, gần đảo Hạ Môn (Amoy), Phúc Kiến, lãnh địa
Giám mục của mình. Tại nơi đây, trong vùng đất xa xôi, hẻo lánh này, Đức cha đã
dùng hết tàn lực để đến thăm một số cộng đoàn Công giáo nhỏ, ban bí tích Thêm sức
cho các giáo dân vây quanh và cuối cùng, người lữ hành không biết mệt mỏi này của
Thiên Chúa Từ Nhân đã kết thúc cuộc hành trình lữ thứ vào ngày 29 tháng 10 tại
làng chài Mo-Yang nhỏ bé, cách nơi chôn rau cắt rốn của mình tận 9.793 km.
Tôi băn khoăn tự hỏi, do đâu mà Đức cha François Pallu, dù
phải nếm trải cuộc đời nghịch thường với ngàn nỗi gian truân mà vẫn luôn giữ được
cho mình lòng thanh thản và kiên trì nhất mực, đồng thời vẫn chẳng ngại đề xuất
những dự án táo bạo, mới mẻ mà mãi 300 năm sau mới thành hiện thực như vậy? Có
nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là ngài đã hoàn toàn siêu thoát mọi thứ
không thuộc về sứ mạng tông đồ của mình. Ngài viết cho bạn bè[7]: “Chúng ta hãy từ bỏ mọi sự nếu muốn chiếm được tất cả. Đây là bí quyết
của đời sống thiêng liêng, trong đó chúng ta sẽ chỉ thăng tiến khi biết trút bỏ
khỏi lòng mình mọi tình cảm không thuộc về Chúa. Bổn phận của chúng ta là phải
bỏ mình và không được lùi bước trước những gian lao, khó khăn khi Thiên Chúa
bày tỏ thánh ý Người cho chúng ta” đồng thời “phải chúc tụng Thiên Chúa về mọi sự và tôn thờ sự Quan Phòng của Người
trong mọi biến cổ, dù với ta, chúng xem ra đáng buồn đến đâu đi nữa”[8].
Đã xác quyết như vậy nên vị Giám mục Héliopolis hằng nuôi dưỡng
tinh thần cầu nguyện, một đặc điểm rất sâu sắc của lòng đạo đức nơi các linh mục
người Pháp thế kỷ XVI. “Tôi tin chắc rằng
một vị thừa sai sẽ chẳng bao giờ làm được gì cho bản thân cũng như người khác nếu
không phải là người cầu nguyện”[9].
Thậm chí, ngài còn thú nhận với Đức cha Lambert de la Motte: “Tôi đã chẳng luống công khi dành ra hai giờ
mỗi sáng trước mặt Chúa mà không nghĩ gì khác ngoài chính Người”[10].
Khi đã sống mỗi ngày trong tình thân mật với Chúa ngay từ sáng sớm, thì không
có lý do gì mà Đức cha François Pallu lại chẳng hoàn toàn ngoan ngoãn tuân theo
các mệnh lệnh từ Trời cao. Và chính nhờ thế mà trên những cung đường đầy rẫy hiểm
nguy của cuộc sống lữ hành với bao bất ngờ đeo bám, ngài vẫn luôn biết cách nhận
ra bàn tay của Thiên Chúa hướng dẫn mình: “Quả
thật, có bàn tay Thiên Chúa phù trợ con (Etenim manus Domini erat cum illo)”[11].
Và chính dưới sự phù trợ và hướng dẫn của bàn tay thiêng
liêng quyền năng ấy, Đức cha François Pallu đã trở nên một khí cụ sắc bén và
thông minh, một chiến sĩ can trường trong việc canh tân công cuộc truyền giáo
vĩ đại này.
II. NGƯỜI CANH TÂN VIỆC TRUYỀN GIÁO
Thánh bộ Truyền giảng Tin Mừng, được Đức Giáo hoàng Ghê-
gô-ri-ô XV thành lập vào năm 1622 nhằm hạn chế sự can thiệp vô lý của các thế lực
thực dân và đưa ra các biện pháp khắc phục cần thiết trước những lạm dụng và bất
cập khác nhau trong việc truyền giáo. Đức cha François Ingoli (1622-1649), vị
Thư ký tiên khởi của Bộ Truyền giáo đã vạch ra một chương trình cải cách sâu rộng
dù phải đấu tranh khốc liệt. Đó là: quyền
tự quyết trong việc truyền giáo và được bảo đảm nhờ vào hàng giáo sĩ bản xứ.
Mục tiêu của việc truyền giáo không phải là Âu hóa các lục địa khác, mà chỉ là
Ki-tô hóa họ, vì thế phải hết sức tôn trọng
các đặc điểm quốc gia và quyền tự chủ của họ.
Và Đức cha François Pallu đã xuất hiện như một khí cụ sắc
bén và thông minh được Thiên Chúa quan phòng lựa chọn cho cuộc cải cách mà Bộ
Truyền giáo đang chủ trương này. Là nhân vật chính của bộ phim truyền giáo vĩ đại,
Ngài hăng hái đứng về phía Giáo hội chống lại cảnh độc quyền chính trị trước
công trình thiêng liêng này. Tinh thần sáng suốt thiên bẩm, tính khí hào phóng
và nhiệt thành, cảm thức sâu xa về thiêng liêng và lòng tận tụy đối với Tòa
Thánh, đức tin tinh tuyền và lòng bác ái tông đồ, lòng kiên định được trui rèn
trong giông bão, sự ấm áp chân thành cũng như lòng thấu cảm khôn ngoan về con
người và sự việc, tính hăng say hoạt động không mỏi mệt: những phẩm chất đặc biệt
này đã giúp Đức cha François Pallu trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất đồng thời
viết nên một tác phẩm vượt thời đại và sinh hoa kết trái mãi mãi, mang đậm dấu ấn
từ bi của Thiên Chúa.
Chương trình của ngài không phải là Tây Ban Nha, cũng chẳng
phải Bồ Đào Nha, hay Pháp mà là Rô-ma, nghĩa là tông truyền. Ngài đã viết cho những
nhà truyền giáo của Hội Thừa sai Hải ngoại mới được thành lập: “Chúng ta hãy tìm cách để luôn được kết hợp
với Thiên Chúa qua Chúa Giê-su Kitô, Chúa chúng ta và qua Giáo hội, hiền thê của
Ngài, Người mà chúng ta phải luôn tỏ ra tôn kính sâu xa với tình con thảo và
vâng lời triệt để”.
Vào đêm trước khi qua đời, Đức cha François Pallu đã viết tờ
di chúc thiêng liêng tuyệt hảo của mình, trong đó ngài tuyên bố: “Một ý nghĩ an ủi tôi khi lìa bỏ đời này, đó
là chết trong đức tin Công giáo và sự phục vụ Giáo Hội”.
Như vậy, ta có thể tóm tắt phương cách làm việc giản dị
nhưng sâu sắc của ngài: đời sống nội tâm
chuẩn bị và giải thích cho đời sống hoạt
động bên ngoài. Lời cầu nguyện đi trước, hành động theo sau.
Bối cảnh truyền giáo thời Đức cha François Pallu
Vào thế kỷ 16, sau những khám phá lớn lao về thế giới, các
chính phủ muốn điều khiển công việc của các vị thừa sai. Chương trình truyền
giáo đơn sơ, phóng khoáng thời các thánh tông đồ bị thay thế bằng chủ nghĩa
truyền giáo đế quốc nặng nề và phức tạp, chủ nghĩa đế quốc chính trị của các quốc
gia Công giáo thủ cựu, chủ nghĩa đế quốc của các học viện tôn giáo khác nhau.
Trong cuốn Lịch sử giáo khoa của mình về việc truyền giáo tại
Bombay, cha Hull, SJ viết: “Công cụ được người Bồ Đào Nha sử dụng trong việc chống
lại Giáo hội rất khác với jus patronatus (quyền
bảo trợ), nó đã biến thành regium
placitum (phong kiến) được họ xem như quyền cố hữu dành cho Nhà nước. Trong
hình thức phát triển, nó trở thành tham vọng của Nhà Nước trong việc kiểm duyệt
các sắc phong, chiếu thư, sắc lệnh, chỉ thị của Giáo hoàng được truyền đạt cho
các giám mục hoặc giáo sĩ, đến mức, nếu không có chữ ký của Đức vua, chúng
không thể được giới thiệu, chấp nhận, xuất bản hoặc đưa vào thực thi cách hợp
pháp trong phạm vi của Vương quốc. Nếu bất kỳ tài liệu nào kể trên đến được
đích mà không có sự đồng ý của hoàng
gia, thì các giám mục, giáo sĩ và tín hữu phải coi nó là vô hiệu, vô giá trị và
coi như không có”.
Đã như thế thì chẳng thể nói đến hàng giáo sĩ bản xứ, bao gồm
cả giám mục, một cách đúng nghĩa được. Và các linh mục bản xứ, những người mà
các nhà truyền giáo ngoại quốc coi là một nhu cầu cấp bách, chỉ là những phụ tá
hạng hai. Tất cả những điều đó đã khiến tâm hồn vĩ đại của Thánh Phanxicô Xaviê
đau buồn. Ngài bắt đầu công việc của mình ở Ấn Độ bằng cách lôi kéo những người
Bồ Đào Nha trở lại với cuộc sống Công giáo hơn. Trong bức thư đề ngày 26 tháng
1 năm 1549 gửi Đức vua Bồ Đào Nha, ngài đã đau đớn thốt lên: “Thưa Đức vua, khi biết điều đang xảy ra,
tôi không còn hy vọng tại Ấn Độ người ta sẽ tuân theo các mệnh lệnh và chỉ thị
được gửi đến nữa. Đó là lý do tại sao tôi đi, như một kẻ chạy trốn, đến Nhật Bản,
để không bị lãng phí thời gian”. Ấy thế mà, theo những giới hạn được Đức
Giáo hoàng Alexandre VI ấn định và những khám phá của các nhà hàng hải Bồ Đào
Nha táo bạo, Viễn Đông nằm dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha.
Sứ giả của tư tưởng Rô-ma
Trong bối cảnh ấy, khuôn mặt dũng cảm của Đức cha François
Pallu và Đức cha Lambert de la Motte, đã nổi bật và tỏa sáng như những sứ giả
và người bảo vệ tư tưởng của Rô-ma.Thánh Gio-an Kim khẩu từng nói: “Một người lính khốn khổ là người muốn chiến
thắng mà không cần chiến đấu, muốn ca khúc khải hoàn mà không cần đấu tranh”
(Sermo de Martyribus). Đức cha François Pallu không phải là một người lính nhát
đảm, nhưng là một người lính dũng cảm của Chúa Kitô. Ngài đã dũng cảm chiến đấu
bằng Đức tin, một cách thận trọng nhưng can đảm, hiến dâng cả cuộc đời mình cho
lý tưởng tông đồ cao cả nhất.
Những điểm nổi bật trong công việc vĩ đại của ngài, đã thực
sự tạo nên một cuộc canh tân truyền giáo dưới danh nghĩa của Đức Giáo hoàng, có
thể được tóm tắt thành bốn điểm sau:
1/ Thành lập các đại
diện tông tòa chỉ phụ thuộc Tòa thánh
Các vị Đại diện Tông tòa này không phải là những giám mục
chính tòa mà là hiệu tòa, những giám mục cư trú tại vùng lương dân. Được gọi là
các Đại diện Tông tòa vì các ngài được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm cách tự do và đến
những nơi ngài cử họ đi với tư cách là đại diện của mình. Họ không được hưởng
các chức vị bình thường như các giám mục chính tòa, nhưng được nhận một số quyền
hạn từ Đức Giáo hoàng.
Với các vị Đại diện Tông tòa, Tòa thánh tạo ra một nhân vật
mới theo giáo luật, không định trước theo những sắc phong ân ban những đặc quyền
dành cho các vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Do đó, các vị Đại diện Tông tòa sẽ
có thể đến những nơi mà Đức Giáo hoàng cử đi, mà không cần phải qua Tây Ban Nha
hoặc Bồ Đào Nha và sẽ chỉ phải trả lời với Đức Giáo hoàng về những việc mình
làm.
Đức cha François Pallu, Đức cha Lambert de la Motte và Đức
cha Cotolendi đi đến Đông Dương mà không qua Bồ Đào Nha, bất chấp sự nổi giận của
những người bảo vệ cơ chế Bảo hộ (Patroado). Trong những công việc khó khăn của
mình, các ngài luôn hướng về ngai tòa của thánh Phê-rô và can đảm tố cáo với Đức
Giáo hoàng những hoạt động truyền giáo nhuốm mầu chính trị. “Điều khiến trái tim con tan nát, Đức
cha François Pallu đã viết cho Đức Giáo hoàng Clement X vào năm 1675, là chứng kiến việc người ta xem thường Tòa
thánh và chà đạp dưới chân các quyền bính thiêng liêng nhất”.
Một lòng theo tư tưởng Rô-ma, Đức cha François Pallu đã
thành lập Học viện truyền giáo ở Paris, không phải với tư cách một dòng tu, mà
là một hiệp hội của các linh mục triều.
Vì vậy, giữa các Hội Truyền giáo, chỉ có một người đứng đầu
là vị Giám mục, người phụ thuộc trực tiếp và duy nhất vào Rô-ma. Trong quy chế
của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, chúng ta thấy lời khẳng định tuyệt vời này: “Các thành viên của Hội, được Vị Đại diện của
Chúa Giê-su Ki-tô sai đi và hưởng tự nơi ngài mọi quyền tài phán của mình, sẽ tuyên
xưng niềm tôn trọng và gắn bó chân thành với ngài, trong mọi trường hợp, luôn
chứng tỏ với ngài lòng phục tùng và vâng lời rõ ràng, sẽ hết sức nhiệt thành để
uy quyền tông đồ của ngài được nhìn nhận và duy trì khắp nơi”.
2/ Hết lòng tôn trọng
những dân tộc được lắng nghe Tin Mừng
Thánh Phê-rô, trong thư thứ nhất của ngài, đã nêu cao nguyên
tắc truyền giáo vĩ đại: “Đừng lấy quyền mà thống trị những người Chúa đã trao
cho anh em” (1 Pr 5,3). Thánh Phao-lô đã áp dụng và khai triển nguyên tắc này bằng
gương sống và lời nói: “Tôi đã trở thành
nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người” (1 Cr 9,19). “Điều tôi tìm kiếm không phải là của cải của
anh em, mà là chính anh em” (2 Cr 12,14).
Thánh bộ Truyền giáo, trong Hướng dẫn đáng khâm phục năm
1659 gửi cho các vị Đại diện Tông tòa của Hội Thừa sai Hải ngoại, đã tái xác nhận
cách tuyệt vời khái niệm sẽ là cơ sở của mọi hoạt động truyền giáo này, và khẳng
định điều đó khi chủ nghĩa đế quốc chính trị và tôn giáo đang chiếm ưu thế
trong công cuộc Truyền giáo. Các Đức cha François Pallu và Lambert de la Motte
(Cotolendi đã chết trong chuyến đi), ở Viễn Đông, là những người dũng cảm bảo vệ
mệnh lệnh này chống lại mọi nguyên tắc truyền giáo vào thời đó; các ngài là những
người lính ngoài tiền tuyến, can đảm và cảnh giác trong chiến hào của Đức tin.
Ba thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Tông huấn này được ban
hành, Đức Giáo hoàng Piô XII, trong triều đại vẻ vang của mình, đã lặp lại
trong Thông điệp đáng ngưỡng mộ của ngài những nguyên tắc tuyệt vời ấy: “Giáo hội của Chúa Kitô, đã hết sức trung
thành lưu giữ kho tàng Khôn ngoan thiêng liêng, không thể nghĩ đến việc phá huỷ
hoặc hạ giá những đặc tính đặc biệt mà mỗi dân tộc, với lòng sùng mộ thiết tha
và niềm kiêu hãnh dễ hiểu, đã bảo vệ và coi như một gia sản quý giá. Mọi điều
mà, trong việc sử dụng hay phong tục, không gắn bó bền chặt với những sai lầm về
mặt thiêng liêng, sẽ luôn phải được xem xét một cách nhân từ và nếu có có thể,
sẽ cần được bảo vệ và khích lệ ”. Đó là tiếng nói của Chân lý vĩnh cửu: Đấng
kế vị thứ 262 của thánh Phê-rô đã tuyên bố giống hệt vị Giáo hoàng đầu tiên.
Nhiều thế kỷ đã trôi qua: những sai lệch cá biệt của việc truyền giáo không còn
nữa; các nước trần gian đã thay đổi; nhưng Giáo hội vẫn tồn tại và mở rộng vòng
tay của mình với toàn thể nhân loại.
3/ Đào tạo hàng Giáo
sĩ bản xứ để thiết lập hàng giáo phẩm địa phương
Đây là ước mơ dũng cảm của Đức cha François Pallu và có thể
nói, là ý tưởng kiên định, là nền tảng trong cơ cấu của ngài. Ngài hiểu rằng điều
này có nghĩa là đưa việc Truyền giáo trở lại với các phương pháp của các thánh
tông đồ, đồng thời giải quyết mọi khó khăn chồng chất sau này trong công việc
truyền giáo.
Từ cuộc yết kiến đầu tiên của Đức cha François Pallu và các
bạn đồng hành với Đức Giáo hoàng Alexandre VII vào năm 1657, vấn đề hàng giáo
sĩ bản xứ đã được nêu lên một cách rõ ràng. Ngay sau đó, Bộ Truyền giáo đã trao
cho Đức cha François Pallu và hai vị đồng nghiệp của ngài những chỉ dẫn chính
xác này:
“Lý do quan trọng nhất
thúc đẩy Thánh Bộ này gửi các hiền huynh là những giám mục ra đi, đó là để các
hiền huynh dùng mọi cách và mọi phương thế để chăm lo cho những người trẻ ấy,
giúp họ có khả năng trở thành linh mục và được các hiền huynh truyền chức cho”.
Khuyến nghị này được coi là mục đích chính và nền tảng cho
các quy chế của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris. Và vấn đề, không phải là về một
hàng giáo sĩ bản xứ phụ giúp cho các nhà truyền giáo nước ngoài, mà là một hàng
giáo sĩ hoàn chỉnh với hàng giám mục. “Để
hình thành ở mỗi quốc gia, chúng ta đọc thấy trong bài đầu tiên về Quy chế
của Hội Thừa sai Hải ngoại, một hàng giáo
sĩ có cùng một phẩm trật như Chúa Giê-su Ki-tô và các Tông đồ đã thiết lập
trong Giáo hội”.
“Mọi người thợ của
Phúc Âm thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại đều phải hiểu rằng mục đích và bổn phận
chính của mình là cổ gắng đào tạo một hàng giáo sĩ bản xứ tại nơi mình làm việc
ngay khi có đủ sổ Ki-tô hữu để hình thành nên một Giáo hội và có thể chọn ra
các linh mục từ đó. Được thấm nhuần tinh thần tông đồ thực sự và không quan tâm
đến điều gì khác hơn là đạo thánh, khi thấy hàng giáo sĩ được hình thành không
còn cần đến sự hiện diện và chăm sóc của mình nữa, họ sẽ sẵn lòng vui vẻ giao lại
mọi cơ sở và rút lui đến nơi khác làm việc, nếu Tòa thánh thấy phù hợp”.
Trong hồi ký và những lá thư gửi các nhà truyền giáo và cho
bộ Truyền giáo, Đức cha François Pallu thường trở lại vấn đề hàng giáo sĩ bản xứ
khi cho thấy sự cần thiết tuyệt đối của họ. Năm 1678, trong một lá đơn gửi bộ
Truyền giáo, ngài giải thích tường tận suy nghĩ của mình về việc phong chức cho
các giám mục bản xứ tại các xứ truyền giáo. Ngài viết: “Các nước sẽ thấy Hội thánh tôn trọng đất nước của họ; các vua chúa tin
rằng các vị thừa sai, núp bóng tôn giáo, muốn xâm chiếm nước họ và bắt họ phục tùng
các vị vua của châu Âu, sẽ hết nghi ngại. Mà ta biết những nghi ngại này đã khiến
rất nhiều nơi Truyền giáo đang hết sức hưng thịnh bị huỷ hoại hoàn toàn. Điều
chắc chắn, như con có thể tiên đoán trong những bước khởi đầu này, là trong các
miền Truyền giáo ấy có những linh mục xứng đáng là giám mục”. Đức cha
François Pallu kết luận bằng việc đề nghị Bộ Truyền giáo bổ nhiệm bốn giám mục
bản xứ cho Bắc Kỳ, hai cho Nam Kỳ và sáu cho Trung Quốc. Cuối cùng, ngài khuyên
nên gửi những người trẻ tuổi bản xứ đến trường Urbain.
Chấp nhận những đề nghị của ngài, Tòa thánh đã chọn vị giám
mục Trung hoa đầu tiên dòng Đa Minh tên là Grégoire Lo. Quả thật, tầm nhìn của
Đức cha François Pallu và người bạn đồng hành đáng kính của ngài là Đức cha
Lambert de la Motte vượt hẳn quan niệm về truyền giáo học đế quốc thời các
ngài!
4/ Tinh thần tông đồ
nơi các nhà truyền giáo
Vào thời kỳ tái thiết Công giáo sau Công đồng Tren-tô, một
loạt các vị thánh đã tỏa sáng ở phương Tây: Pi-ô V, Ignatio de Loyola, Philippe
Neri, Charles Borromeo, Bellarmine, François de Sales, Canisius, Vincent de
Paul, Thérèse d'Avila , v.v... Song song với những nhà thúc đẩy vĩ đại của
phong trào phản-cải cách này, trong lãnh vực Truyền giáo cũng có một phong trào
tái thiết khác. Và trong phong trào này, giữa vòng hào quang của Thánh Phanxicô
Xaviê và nhiều nhà truyền giáo vĩ đại khác, Đức cha François Pallu và Lambert
de la Motte chiếm một vị trí ưu việt và nổi bật.
Các vị giám mục ưu tú này đã hoàn thành công việc tông đồ của
mình khi viết cho Bắc Kỳ một cuốn sách vàng, giống như bộ luật Rô-ma, về đường
hướng truyền giáo. Các ngài đã cân nhắc và biên soạn những chỉ dẫn đáng ngưỡng
mộ được Bộ Truyền giáo chuẩn y và sau đó đã xuất bản dưới danh nghĩa của Bộ với
tiêu đề: Monita ad Missionarios S. C. de
Propaganda Fide. Một ý thức đầy tinh thần Ki-tô giáo và Rô-ma, và kết quả của
một kinh nghiệm dày dạn, đã khiến cuốn sách nhỏ này trở thành cuốn chỉ nam quý
giá cho việc thánh hóa cá nhân các sứ giả Tin Mừng và phương pháp truyền giáo.
Người viết tiểu sử Đức cha François Pallu cho biết, điểm đầu
tiên nơi tập sách nhỏ này là sự thánh thiện của nhà truyền giáo; mục tiêu nhắm
tới là sự thánh thiện của người môn đệ ngài, vị linh mục bản xứ. Kể từ đó, nhiều
tập sách cùng thể loại đã được biên soạn nhưng tất cả đều lấy cảm hứng từ văn bản
đầu tiên và đáng ngưỡng mộ này. Chân phước Gabriel Dufresse, người điều hành và
biên soạn vào năm 1803 bản văn của Công đồng miền Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã từng
tham khảo Monita. Chính Đức Tổng Giám
mục Celse Costantini cũng kể lại là năm 1924, khi phải chuẩn bị đề cương cho
Công đồng miền Trung Hoa đầu tiên, ngài cũng đã nhờ đến những kho tàng giáo lý
của Đức cha François Pallu và Đức cha Lambert.
KẾT
Trong bài “Tours và các nhà Thừa sai Hải ngoại”[12], khi tóm tắt cuộc đời phong
phú và nghịch lý của Đức cha François Pallu, ông André Perrot có viết:
... Rời Tây phương vào
tháng 3 năm 1681. Sau cuộc dừng chân ở Tours, để cầu nguyện trên mộ song thân,
cuối cùng, ngài đã đặt chân lên Trung Quốc vào tháng 1 năm 1684, sau một năm ở
lại Xiêm. Dù ngài chỉ mới 58 tuổi, nhưng những chuyến viễn hành bằng đường bộ
cũng như đường biển, quá khắc nghiệt vào thời điểm đó, đã khiến ngài kiệt sức.
Ngài qua đời tại Mo-Yang ngày 25 tháng 10 năm 1684. Và ông kết luận bằng câu
nói bi tráng của Dom Guy Oury, một người con thành Tours khác:
“Như vậy, Đức cha
Pallu đã dành cả cuộc đời để đến địa phận của mình và chỉ đến đó để chết!”
(Dom Guy Oury, Lịch sử tôn giáo ở
Touraine).
Nhưng có thật, Đức cha François Pallu, người lữ hành can trường
trên đường truyền giáo của chúng ta chỉ đến đó để chết không? Người viết không
tin như vậy, mà thích nghĩ rằng đêm định mệnh ở Mo-Yang vào tháng 10 cách nay
338 năm ấy, lại chính là giây phút mà người con lỗi lạc thành Tours này muốn nhắc
lại thêm một lần, bằng cả cuộc đời với toàn thế giới, điều mình đã chọn lựa và
đã sống: “Chúng ta phải chúc tụng Thiên
Chúa về mọi sự và tôn thờ sự Quan Phòng của Người trong mọi biến cố, dù với ta,
chúng có vẻ đáng buồn đến đâu đi nữa”[13]. Và khi nói như vậy,
hẳn ngài không quên lời Thầy Chí Thánh đã nói cách nay gần 2.000 năm: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa
gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết
đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Quả thật, hạt lúa đã mục
nát tại Mo-Yang ấy, sau hơn 300 năm, đã nảy sinh muôn ngàn bông hạt trên khắp
các cánh đồng Truyền giáo Việt Nam và Trung Hoa hôm nay.
Trích Bản tin Hiệp
Thông / HĐGMVN, Số 132
(Tháng 11 & 12 năm 2022)
[1] Fénelon, Sermon pour
la fête de l'Epiphane, tại nhà nguyện của hội Thừa sai Hải ngoại ngày 6
tháng 1 năm 1633. Oeuvres, nhà xuất bản Vives, Paris 1854, tập IV, tr. 32.
[2] L. Baudiment, Franẹois
Pallu, Principal fondateur de la Société desMissions- Etrangères
(1626-1684), Paris, 1934, tr. 18
[4] Chiếu thư này cũng bổ nhiệm cha Lambert de la Motte làm
giám mục Béryte, Đại diện Tông tòa Đàng trong (Nam kỳ)
[6] Một chuyến đi đầy trắc trở và hiểm nguy vì giông bão, dịch
bệnh đến độ trong số 100 thuỷ thủ trên tàu lúc khởi hành, khi tới Surat, chỉ
còn lại 20 người (xem Chuyến đi của Đức cha F. Pallu từ Port-Louis tới Bantam)
[13] Sđd., tr. 402