Photo by Tiziana FABI / AFP
ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI ĐÃ DẠY TÔI TRỞ NÊN TỬ TẾ NHƯ THẾ NÀO?
Lm. Michael Rennier
WHĐ (17.01.2023) - Khi muốn khuấy động cuộc trò chuyện trong bữa tiệc tối,
tôi thích đưa ra những tuyên bố khoa trương về những chủ đề mà tôi không biết
gì về nó. Chẳng hạn như, tôi sẽ nói, “Âm nhạc đã chết vào ngày Vivaldi
qua đời”, “Tất cả các xe ô tô cần bị cấm vĩnh viễn”, hoặc “Bóng đá chẳng tốt chút nào”. Đại loại là như vậy.
Tất cả không thực sự quan trọng chủ đề là gì, nhưng đơn thuần chỉ là bất cứ điều kỳ lạ nào tôi có thể nghĩ ra và cho rằng mình sẽ làm tốt, mục
tiêu chỉ là để làm cho mọi người cười lên.
Tôi phát biểu một cách cuồng nhiệt và sau đó theo dõi phản ứng của mọi người.
Tuy nhiên, trong quá khứ, tôi đã đưa ra những câu tuyên
bố cực đoan, nhất là về thần học hoặc chính trị, và tôi thực sự
muốn nói về chúng. Tôi có tính cách bướng bỉnh được kết
hợp với một đầu óc học thuật nghiêm túc, mà khi còn trẻ, tôi khao
khát sự rõ ràng, và đó là công thức cho những ý kiến rất mạnh mẽ.
Tôi luôn thay đổi quan điểm về chính trị, nhưng lại cứ
loay hoay mãi giữa các lý thuyết hàn lâm khác nhau về Giáo hội
và Kinh thánh. Ngay cả khi tôi lướt qua từng tín ngưỡng, tôi vẫn bám lấy nó một cách tuyệt vọng, chỉ để rồi sau đó vứt bỏ
nó cách tàn nhẫn. Bởi vì không chắc chắn về bản thân và
lo lắng, nên khi nắm bắt được một ý tưởng nào đó, tôi đã cố bám lấy nó. Điều
này khiến tôi nhất thời nhắm
mắt lại với tất cả các ý kiến
khác.
Khi còn trẻ, tôi phải đấu tranh để tìm ra bản sắc tôn giáo của mình. Đây
là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với tôi. Đức Giêsu đã
thực sự dạy điều gì? Giáo phái nào tốt nhất để tham gia? Thần học của ai là
đúng? Với sự kiêu ngạo vốn có, tôi đã nghĩ rằng mình có thể tự tìm ra sự thật.
Nhưng trong cơn tuyệt vọng để tìm một chỗ dựa tinh thần vững
chắc, tôi đã bị mất phương hướng.
Khi trưởng thành hơn, tôi hiểu rằng đây là một vấn đề nhưng không biết làm sao để khắc phục. Tôi bị tê liệt bởi những lựa chọn đặt ra trước mắt. Tôi không
biết nên tin vào điều gì.
Sau đó, tôi gặp được những bài viết của Đức Bênêđictô XVI.
Đức Bênêđictô
là người giải cứu tôi
Cuốn Tinh thần Phụng vụ của Đức Bênêđictô (được viết khi ngài còn
là Hồng y Ratzinger) đã thay đổi nhận thức của tôi về việc thờ phượng
Kitô giáo. Ngài nhấn mạnh rằng sự thờ phượng đúng đắn là thiết
yếu để một người hiểu được vị trí của mình trên thế giới. Nói cách khác, tất cả
các vấn đề học thuật, sự cứng đầu, và hiện
sinh của tôi đều có thể được giải quyết nếu tôi chỉ đơn giản sống chậm lại,
dành thời gian thinh lặng và cầu nguyện theo cách mà các Kitô hữu vẫn
luôn cầu nguyện. Quan trọng nhất, khi làm như vậy tôi sẽ nhường chỗ cho ân sủng,
nhường chỗ cho mối tương quan với Thiên Chúa.
Tôi không phải tự mình giải quyết mọi vấn đề. Tôi có thể ngừng đấu tranh
và kiêu ngạo dựa vào trí tuệ của mình. Tôi có thể buông lỏng mình và để cho Thiên Chúa yêu thương tôi, ngay cả khi tôi không phải lúc
nào cũng hiểu được Ngài. Như trong Thông điệp Deus Caritas Est, Đức Bênêđictô viết rằng, “Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả
của một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao cả, nhưng là cuộc gặp gỡ với một
biến cố, một Con Người, Đấng mang đến cho cuộc sống một chân trời mới, và một
hướng đi quyết định”.
Đây là mấu chốt của vấn
đề. Đây là hướng đi mới của tôi.
Tôi trở thành người Công giáo và tìm thấy sự bình yên trong vẻ đẹp của Thánh lễ.
Tôi chưa trở nên bớt kiêu ngạo và tử tế hơn ngay lập tức, nhưng sự hoán cải
của tôi là sự thay đổi mà tôi cần, để cuối
cùng, có thể để cho mình bớt căng thẳng. Tôi không còn phòng thủ nữa và thấy mình dễ dàng rộng lượng, tử tế, và cởi mở hơn với ý kiến của người
khác.
Luôn luôn nói về sự thật với lòng nhân từ
Một lần nữa, Đức Bênêđictô là người đặc biệt gây ấn tượng với tôi và là vị hướng dẫn tôi. Tôi tiếp tục đọc những tác phẩm của ngài. Được gọi là Cánh chung học, một tác phẩm học thuật nghiêm túc về Tứ chung: Sự chết, phán xét, thiên đàng, và hoả ngục. Vấn
đề không phải là lý do tại sao tôi đề cập đến tác phẩm này (mặc dù đây là một cuốn sách tuyệt vời), nhưng điều tôi nhận thấy khi đọc
nó là cách viết của Đức Bênêđictô rất quảng đại và tử tế. Ngài xem xét ý kiến của đủ loại thần học gia khác
nhau, và luôn tìm cách nhấn mạnh những phần hay nhất của
những gì họ nói. Ngay cả với những nhà thần học mà hầu
hết mọi thứ đều sai lầm, Đức Bênêđictô vẫn tìm thấy điều gì đó đáng khen ngợi để
thu hút sự chú ý của chúng ta. Ngài luôn
có con mắt phê bình và không ngần ngại dạy sự thật, nhưng luôn làm điều đó với sự tử tế.
Tất nhiên, ngài có thể làm được điều này bởi vì ngài là một
người hết sức nhân từ.
Dù thế, tôi không thể không nghĩ rằng lòng nhân từ của ngài đã được củng cố rất nhiều vì ngài chắc
chắn rằng mình được yêu thương. Ngài biết rằng tình yêu của Thiên Chúa giải
thoát chúng ta. Tình yêu ấy cho phép chúng
ta sống cuộc đời của mình với sự tự tin.
Tấm gương của Đức Bênêđictô đã thay đổi mọi thứ đối
với tôi. Ngài đã dẫn tôi đến một sự thật quan trọng nhất, đó là, tất cả các nhân đức đều
tìm thấy sự viên mãn trong tình yêu.
Tôi mãi mãi biết ơn Đức Bênêđictô về gương sáng của
ngài, một người trí thức biết đặt lòng nhân ái lên hàng đầu.
Đó là sự quảng đại về trí tuệ mà tôi tin chắc rằng chỉ làm cho
ngài thông minh hơn.
Tôi càng biết ơn Đức Bênêđictô hơn nữa, vì ngài đã mở cửa cho tôi, và nhẹ
nhàng đẩy tôi qua ngưỡng cửa để bước vào trong Giáo hội Công giáo, vào trong vòng
tay của Thiên Chúa, Đấng có bản tính là Tình Yêu.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (15. 01. 2023)