Quý Nữ tu Hội dòng Mến thánh giá Qui Nhơn tại Cô nhi viện Mằng Lăng, hình VTV.vn
DÙ CHƯA MỘT LẦN LÀM MẸ
Nt. Anna Hiền Linh,
Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn
WHĐ (20.01.2023) - Tình mẫu tử là
sợi dây thiêng liêng cao cả nhất của người mẹ dành cho đứa con của mình; và
cũng là mối tương quan tinh thần sâu đậm và bền bĩ nhất của mỗi con
người, từ khi mới là bào thai trong lòng mẹ cho đến lúc người mẹ nhắm mắt xuôi
tay. Tình yêu cao cả đó mỗi người trong chúng ta ai ai cũng cảm nhận được và
không thể nào từ chối. Tình yêu của mẹ luôn luôn đong đầy và rộng mở, luôn luôn
tha thứ và đón nhận, luôn luôn hy sinh và sẵn sàng chịu thiệt thòi, mất mát vì
đứa con của mình: “Nước biển mênh mông
không đong đầy tình mẹ...”. Vâng, tình mẫu tử đúng là như thế! Tình mẹ
được ví như đại dương mênh mông mà chúng ta không thể nào đo lường được. Hình ảnh
cao đẹp ấy như ăn sâu vào cuộc sống khi chúng ta được ở bên và được lớn lên
trong vòng tay của cha mẹ, được uống những giọt sữa nóng từ bầu sữa mẹ, được
nghe tiếng ru hời mỗi buổi trưa hè, được sưởi hơi ấm từ lòng mẹ trong những
ngày lạnh giá và được cất tiếng nói đầu đời gọi mẹ gọi ba…
Thế nhưng có những con người, có
những mảnh đời ao ước dù chỉ một lần được gọi hai tiếng mẹ cha, một lần được nằm
trong vòng tay ấm áp của mẹ mỗi khi đêm về, một lần được tựa đầu vào vai mẹ ngủ
gà ngủ gật, một lần được mẹ mớm cho muỗng cháo, muỗng cơm, một lần được mẹ tập
cho những bước đi chập chững đầu tiên hay ước ao cảm nhận được một chút về sự
ngọt ngào từ dòng sữa mẹ... mà vẫn chưa hề chạm tới! Nhiều và rất nhiều
đáng lẽ ra phải được hưởng một cách trọn vẹn, vậy mà …!
Ai đã làm cho những cuộc đời,
những đứa trẻ phải sống một cuộc sống như vậy? Phải chăng vì Thượng đế bất
công? Không! Thượng đế không bất công nhưng con người đã đối xử với nhau cách bất
bằng và bất thường. Con người đã lạm dụng tự do để hưởng thụ, thoả mãn những
nhu cầu quá đáng và sai lệch, trái với quy luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã
ân ban. Có những người mẹ không muốn làm mẹ, những người cha không muốn làm cha
và đành lòng chối bỏ trách nhiệm … để từ đó có biết bao đứa trẻ lớn lên thiếu vắng
tình mẹ, mất mát tình cha mà đáng lẽ ra nó phải được ấp ủ như bao đứa trẻ khác.
Biết bao em thơ, khi vừa mở mắt
chào đời đã bị bao phủ bởi cả một bầu trời xám xịt; và may mắn, trong
“đám mây đen” ấy, đã xuất hiện những bàn tay dịu dàng và cả khô ráp của
các ni cô, nữ tu…; những con người đã một đời âm thầm phục vụ, đang cúi xuống
để bồng ẵm những phận đời bất hạnh mà hình như, trong tiếng khóc của
những em bé ấy đang vọng lên tiếng kêu than hờn trách cuộc đời:
Từ nay tiếng gọi đầu đời của nó
chỉ có “xơ bà và xơ ơi!”; suốt ngày quanh quẩn bên xơ, để rồi, trong tâm hồn của
các em lại se thắt một nỗi đau xé ruột, mỗi lần nghe cất lên đâu đó
những giai điệu và lời ca “Ba ngọn nến lung linh” của nhạc sĩ Ngọc Lễ: “Lung linh lung linh tình mẹ tình cha. Lung
linh lung linh cùng một mái nhà…”.
Còn đâu chung một mái nhà, còn
đâu tình mẹ, tình cha và còn đâu “ba là
cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng…”, giờ chỉ còn lại một
ngọn nến hắt hiu trong đêm bên cạnh các xơ. Từng muỗng cháo, từng lời ru tiếng
hát, từng giọt sữa nơi vành môi, từng bước chân đầu đời đều do chính bàn tay của
các nữ tu chăm sóc, dắt dìu và bao lâu nay:
Thật “buồn cay khoé mắt” vì em đã không biết thế nào là vòng tay ấm của
mẹ, bờ vai vững chắc của cha; không cảm nhận được ánh mắt dịu dàng trìu
mến của mẹ, lời răn bảo nhẹ nhàng ấm áp của cha; không trải nghiệm được
tình yêu mà hai trái tim đã đan kết để tạo thành hoa trái tốt đẹp và sự cao quý
là chính bản thân mình…
Những em “mồ côi” đó đã bước
vào đời, đã lớn lên bằng chính đôi tay của những người tận hiến, những người
không có kinh nghiệm làm mẹ. Chính những con người đó đã cúi xuống để bế các em
lên và đưa các em vào đời bằng chính đôi tay của “những người mẹ chưa bao giờ làm mẹ” theo ý nghĩa nhân sinh
thường tình.
Là những nữ tu Công giáo (hay
những ni cô bên Phật giáo), việc chăm sóc các em ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ
là một việc thật không đơn giản tí nào. Mặc dù có vụng về, có thiếu sót trong
các thao tác chăm sóc trẻ sơ sinh đối với một người chưa có kinh nghiệm về nuôi
con, nhưng các chị, các bà, các cô… đã làm với tất cả sự cố gắng vì lòng
yêu mến dành cho con người, những tạo vật mang phẩm giá cao cả là “ảnh
hình Thượng Đế”, là “anh em với nhau trong đại gia đình con cái Chúa”;
hay với người nữ tu Mến Thánh Giá, thì đó chính là “tình yêu dành cho Đức
Kitô Chịu Đóng Đinh”… !
Trong một cuộc gặp gỡ chuyện trò
với người chị em đã và đang phục vụ tại nhà Cô Nhi viện trong Hội dòng, chúng
tôi hàn huyên với nhau những chuyện vui buồn, những khó khăn trong sứ vụ cũng
như những câu chuyện thú vị nơi môi trường mình đang phục vụ…, có người chị em
đã chia sẻ mà nội dung xin được tóm kết như sau:
Với lứa tuổi này, bạn bè chị giờ đây tất cả đều đã thành đạt, đứa thì
giám đốc, đứa thì bác sĩ, giáo viên hay bèo nhất là cũng làm chủ một hãng xưởng
nào đó. Riêng chị, chị đang làm giám đốc một nơi không có thương hiệu, không đối
tác, không hợp đồng, không có tiền lương, không có sự cạnh tranh, không sợ phá
sản, không chạy đua sản phẩm, không cần đánh bóng thương hiệu… Nơi chị làm việc
chỉ có tình yêu, niềm tin và sự phó thác. Công việc giám đốc của chị là thức
khuya dậy sớm để chăm sóc cho các em từ khi chưa rụng rốn cho đến khi trưởng
thành, thuộc mọi lứa tuổi. Lo cho cái ăn, cái mặc, tập cho từng nét chữ, bập bẹ
ầu ơ từng câu kinh tiếng hát, từng tiếng cảm ơn, xin lỗi… Thật lòng mà nói chẳng
dễ tí nào khi phải làm mẹ với từng ấy đứa con có thể nói thuộc “mọi chi tộc”
như thế. Và mỗi lứa tuổi đối diện với những khó khăn khác nhau nhưng chị vẫn
vui vẻ phục vụ trong tình yêu, niềm tin và sự quan phòng của Chúa. Chị đã từng
nghĩ đi tu là thoát khỏi cảnh bồng bế, ru hời, thức khuya dậy sớm chăm từng giọt
sữa cho con… và thực tế không những không có mà còn phải nhiều hơn, nhưng trong
cái “tưởng chừng” ấy chị nhận ra một điều: Tất cả là do tình yêu và sự quan
phòng của Chúa, chính Ngài đã đồng hành cùng chị trong cuộc sống nên mọi công
việc chị làm đều tập trung vào Đấng mình đã chọn lựa, bước theo và gắn bó trọn
đời. Chức vụ của chị không phải để hưởng lợi từ đồng lương tháng hay để thăng
quan tiến chức, nhưng trong vai trò làm “giám đốc” của những đứa con đang cần
tình yêu thương từ những người mẹ chưa một lần làm mẹ ấy chị đã dành hết tình
yêu thương và sự hy sinh âm thầm từng giờ, từng đêm bên cạnh những đứa trẻ bị bỏ
rơi để đem lại sự ủi an và hạnh phúc cho các em. Chị không sợ phá sản hay thua
lỗ, không cần chạy đua sản phẩm, không cần đánh bóng thương hiệu, không bôn ba
đi tìm hợp đồng hay lo chạy vạy để làm ăn với đối tác…Vì chị chỉ có một đối tác
với bản hợp đồng làm ăn duy nhất và bền vững đó là Đức Kitô Chịu Đóng Đinh.
Và chị bộc bạch cách xác
tín rằng: “chúng ta đã trải qua bao mùa
Covid, đối diện với những cơn dịch bệnh khá nguy hiểm xem ra gần như “phá sản”
nhưng vẫn còn tồn tại và các con khoẻ mạnh khôn lớn như ngay hôm nay. Điều đó
cho chúng ta thấy được Thiên Chúa luôn luôn yêu thương, chăm sóc và đồng hành với
chúng ta trong từng sứ vụ theo cách riêng của Ngài. Vàn vì chúng ta không phải
là một Tập đoàn hay Công ty nhưng là một cộng đoàn của sự hiệp nhất trong tình
yêu, niềm tin và hy vọng. Có Chúa Giêsu Thánh Thể là trung tâm cho mọi sinh hoạt
trong ngày nên chúng ta luôn cảm nhận rằng: Thiên Chúa là ông chủ lớn nhất và mọi
việc làm của ta đều làm theo sự chỉ đạo ấy…”.
Gần đây chúng ta cũng thấy nhan
nhản trên báo đài, trên các kênh truyền hình người ta bàn tán xôn xao về sự
cố “ngã ngựa” (phá sản hoặc tù tội) của nhiều đại gia tầm cỡ về bất động
sản, cổ phần, cổ phiếu… Cuộc đời là thế ! Có người xem ra rất thành công
trên thương trường nhưng cuối cũng cũng đành ngã mũ chào thua với hai từ “phá sản”;
vẻ hào nhoáng của đồng tiền sớm đến vội đi trong chốc lát; và đây là điều xảy
ra “ngoài dự án” nhưng chắc chắn là điều đương nhiên trong “quy luật của
thương trường”! Có thành công tức phải có thất bại. Và trên thương trường ấy,
chuyện thành công cũng như thất bại là chuyện “thường ngày ở huyện” không thể
nào tránh khỏi.
Với thương trường làm ăn và câu chuyện hàn huyên của người chị em cho chúng ta thấy được sự tồn tại và phát triển của con người không nằm trong vẻ hào nhoáng bên ngoài nhưng luôn luôn tồn tại bằng chính niềm tin, tình yêu và sự hy sinh. Chúng ta, những người nữ tu đã và đang bước theo Đức Kitô trên con đường tận hiến trong ơn gọi Mến Thánh Giá nói chung và những ai đang thi hành sứ mạng trong công việc chăm sóc, dạy dỗ các em Cô Nhi viện nói riêng, chúng ta cùng nhau cộng tác và lấy tình mẫu tử để chăm sóc các em. Dù biết rằng điều này thật không đơn giản tí nào, nhưng với tất cả niềm tin, tình yêu, sự hy sinh âm thầm của những công việc nhỏ nhặt xem ra tầm thường đó chúng ta sẽ mang lại cho các em hơi ấm của tình người, giúp các em lớn lên từ chính đôi bàn tay và trái tim của những người mẹ chưa một lần làm mẹ ấy.
(Bài viết được gửi đến Ban Biên tập tại địa chỉ email bbt.whd@gmail.com)