DẪN NHẬP

1. NỀN TẢNG NHÂN HỌC VÀ THẦN HỌC CỦA VIỆC ĐỒNG HÀNH

1.1. Nền tảng nhân học

1.2. Nền tảng thần học

2. HAI HÌNH THỨC ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC CHỦNG SINH TRONG CHỦNG VIỆN

2.1. Đồng hành cá nhân

2.2. Đồng hành cộng đoàn

3. NHỮNG YÊU CẦU ĐỐI VỚI CÁC NHÀ ĐỒNG HÀNH

3.1. Vai trò

3.2. Những phẩm chất căn bản

3.3. Sự hiện diện toàn gian và dấn thân cá vị

3.4. Sự chuẩn bị đặc biệt

3.5. Tinh thần phục vụ và hy sinh

3.6. Thống nhất đời sống và sứ mạng

4. NHỮNG THÁCH ĐỐ ĐỐI VIỆC ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC CHỦNG SINH TẠI CHỦNG VIỆN TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY

4.1. Tính cá vị và sự chân thành

4.2. Sự chuẩn bị và phẩm chất của nhà đồng hành

4.3. Môi trường cộng đoàn trong chủng viện

4.4. Sự tin tưởng

4.5. Phối hợp giữa việc đồng hành cá nhân và việc đồng hành cộng đoàn

4.6. Thực tại tâm lý và văn hóa thời đại

KẾT LUẬN


DẪN NHẬP

Trong bối cảnh Giáo Hội ngày càng đối diện với những thách thức mới trong việc đào tạo linh mục, Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis (2016)[1], do Bộ Giáo sĩ ban hành đã mang đến một cái nhìn sâu sắc về vai trò của việc đồng hành với các chủng sinh trong chủng viện. Việc đồng hành này không chỉ đơn thuần là một phương pháp giáo dục mà còn là một hành trình thiêng liêng, nơi mà mỗi chủng sinh được mời gọi để phát triển toàn diện trong tự do và sự phân định ơn gọi của mình. Ratio 2016 cũng nhấn mạnh rằng việc đồng hành cá nhân và cộng đoàn luôn có tầm quan trọng đối với tiến trình đào tạo linh mục. Văn kiện này cũng cho thấy nhà đồng hành không chỉ là người hướng dẫn mà còn là một người bạn đồng hành của chủng sinh trên con đường khám phá bản thân và ơn gọi linh mục. Thông qua các cuộc gặp gỡ, đối thoại và sự hiện diện liên tục, nhà đồng hành sẽ giúp chủng sinh nhận diện và vượt qua những giới hạn của họ, đồng thời khơi dậy trong họ khát vọng sống một đời sống hiến thân theo tinh thần của Đức Kitô.

Vì thế, việc tìm hiểu và thực hiện việc đồng hành với các chủng sinh trong chủng viện là điều cần thiết để đào tạo những linh mục trưởng thành, có khả năng phục vụ và sống hiệp thông với Dân Chúa. Bài viết này như một cố gắng tìm hiểu và phân tích việc đồng hành với các chủng sinh trong chủng viện dựa trên chính sự hướng dẫn của Ratio 2016 qua những điểm sau: Nền tảng nhân học và thần học của việc đồng hành, hai hình thức đồng hành với các chủng sinh trong chủng viện, những yêu cầu đối với các nhà đồng hành và các thách đố của việc đồng hành hôm nay.

1. NỀN TẢNG NHÂN HỌC VÀ THẦN HỌC CỦA VIỆC ĐỒNG HÀNH

1.1. Nền tảng nhân học

Việc đồng hành với chủng sinh trong chủng viện phải khởi đi từ một cái nhìn toàn diện và tích cực về con người. Ratio 2016 nhấn mạnh rằng chủng sinh là một “mầu nhiệm” đối với chính mình”. Họ mang trong mình cả “những tài năng và những nét phong phú” lẫn “những giới hạn và những nét mỏng giòn”[2]. Vì thế, việc đào tạo linh mục, không nhằm tạo nên một mẫu người lý tưởng xa rời thực tế, mà là một tiến trình giúp chủng sinh hội nhập và quân bình toàn bộ con người mình trong ánh sáng Thánh Thần. Nền tảng nhân học trong Ratio dựa trên sự thật rằng con người là một hữu thể tương quan. Chủng sinh được mời gọi “ra khỏi chính mình” để đi đến với Chúa Cha và tha nhân trong Đức Kitô”[3], qua đó hình thành một sự tự do nội tâm chân thực, không dựa trên bản năng, mà trên khả năng tự chủ, tự nhận thức và biết sống cho người khác. Đây là một hành trình trưởng thành thực sự, vừa tự nhiên vừa siêu nhiên.

Ratio 2016 cũng đặc biệt chú ý đến việc rèn luyện khả năng phân định và điều hướng cảm xúc. Chủng sinh cần “biết lắng nghe tiếng lương tâm”, “hiểu rõ những động lực và giới hạn của mình”, và “trở thành người của sự hiệp thông”[4]. Đó là một hành trình nhân bản sâu sắc, không thể đạt được nếu không có sự đồng hành cá vị – vừa tôn trọng tự do, vừa mở ra với sự thật về chính mình trước mặt Thiên Chúa.

Tóm lại, việc đồng hành với các chủng sinh trong chủng viện có nền tảng nhân học Kitô giáo vì không nhắm vào việc kiểm soát hành vi, nhưng nhằm giúp chủng sinh trở thành người tự do thực sự, trưởng thành và quân bình, biết đón nhận chính mình như một thụ tạo được yêu thương và được mời gọi sống hiến thân.

1.2. Nền tảng thần học

Việc đồng hành thiêng liêng trong đào tạo linh mục không chỉ là một kỹ thuật mục vụ, mà có nền tảng thần học sâu xa, bắt nguồn từ chính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta thấy nơi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần một tương quan hiệp thông và lắng nghe lẫn nhau – nền tảng cho mọi cuộc đối thoại và đồng hành đích thực. Mầu nhiệm này soi sáng hành trình đồng hành trong chủng viện như một hành trình hiệp thông, lắng nghe và hướng dẫn trong Chúa Kitô. Ratio 2016 nhấn mạnh rằng: “Trong Hội Thánh và trên thế giới, linh mục là dấu chỉ hữu hình về Tình yêu nhân từ của Chúa Cha. Những đặc tính này nơi con người Đức Kitô giúp chúng ta hiểu hơn chức linh mục thừa tác trong Hội Thánh. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, những đặc tính ấy truyền cảm hứng và định hướng cho chúng ta trong việc đào tạo chủng sinh, để họ dần dần nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô nhờ sống Mầu nhiệm Ba Ngôi”[5]. Như vậy, đồng hành là tạo điều kiện để chủng sinh đi vào mối tương quan sống động với Chúa Kitô, Đấng dẫn đưa họ đến Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.

Việc đồng hành với các chủng sinh trong chủng viện cũng không thể tách rời khỏi nền tảng thần học của thiên chức linh mục và hành trình trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Kitô-Mục Tử. Nền tảng thần học này được đặt nền trên mầu nhiệm Nhập Thể và Hy Tế của Đức Kitô, Đấng là Thủ lãnh, Mục Tử nhân lành, là Tôi tớ, và là Phu quân của Hội Thánh[6]. Chủng sinh được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô – Thượng Tế và là Mục Tử nhân lành - qua việc tập luyện sống một đời sống nội tâm sâu xa, tự hiến vô vị lợi và có Đức ái mục tử (số 36-37, tr. 40-41). Nhà đồng hành sẽ là người cùng “giải mã” hành trình này với chủng sinh, trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần[7].

Mặt khác, trong chính thân mình Giáo Hội – là cộng đoàn được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô – nhà đồng hành mang lấy sứ vụ của Giáo Hội: giúp chủng sinh đọc ra tiếng gọi của Thiên Chúa trong đời sống cụ thể. Ratio 2016 cũng đã nhấn mạnh vai trò của nhà đồng hành là giúp chủng sinh “hiểu biết mình và để cho mình được hiểu biết nhờ vào mối tương quan thành thật và trong sáng với các nhà đào tạo”[8]. Như vậy, việc đồng hành với các chủng sinh là hành vi mang chiều kích Giáo hội, vì linh mục không thuộc về mình, mà là “hồng ân Thiên Chúa ban cho Giáo Hội và thế giới”[9].

Từ những điều trên, chúng ta có thể thấy rằng nền tảng thần học của việc đồng hành chính là sự tham dự vào sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, vào hành trình Nhập thể và Cứu độ của Đức Kitô và vào bản chất của Giáo Hội như là Mẹ và Thầy dạy. Chính điều này làm cho việc đồng hành trong chủng viện mang chiều sâu thần học và tầm quan trọng rõ rệt.

2. HAI HÌNH THỨC ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC CHỦNG SINH TRONG CHỦNG VIỆN

2.1. Đồng hành cá nhân

2.1.1. Thế nào là đồng hành cá nhân?

Trong tiến trình đào tạo linh mục, đồng hành cá nhân là một hình thức huấn luyện mang chiều sâu thiêng liêng, được thiết lập trên nền tảng của mối tương quan cá vị giữa người đồng hành và chủng sinh. Ratio 2016 xác định rõ rằng đây là một phương tiện không thể thiếu trong hành trình đào tạo linh mục, nhằm mục tiêu phân định ơn gọi và hình thành người môn đệ truyền giáo[10].

Không giống với việc giám sát hay tư vấn đơn thuần, việc đồng hành cá nhân đòi hỏi người chủng sinh “biết mình và để người khác biết mình”[11], sẵn sàng bước vào tiến trình phân định thiêng liêng nhờ sự hiện diện hỗ trợ và soi sáng của người đồng hành. Đồng hành như vậy là một tương quan giáo dục đức tin, trong đó Chúa Thánh Thần là tác nhân chính, còn người đồng hành chỉ là khí cụ khiêm tốn, nhạy bén và thánh thiện.

2.1.2. Mục đích

Mục đích của việc đồng hành cá nhân là giúp chủng sinh từng bước lớn lên trong sự nhận biết chính mình trước mặt Thiên Chúa, từ đó trưởng thành trong tự do nội tâm và khả năng tự hiến. Đồng hành cá nhân không chỉ phục vụ cho việc phân định xem một chủng sinh có phù hợp với chức linh mục hay không, mà còn đào tạo họ thành người môn đệ truyền giáo[12]. Và sâu xa hơn, việc đồng hành còn nhằm huấn luyện chủng sinh một lối sống theo Tin Mừng[13], nơi Đức Kitô là mẫu mực và trung tâm; và giúp họ trở nên ngoan ngùy với Chúa Thánh Thần[14].

Ratio còn nhấn mạnh rằng việc đồng hành cá nhân phải “đưa vào mọi khía cạnh của nhân cách”[15], nghĩa là từ cảm xúc, tư duy, đời sống thiêng liêng đến khả năng sống hiệp thông[16].

2.1.3. Vai trò

Đồng hành cá nhân là một trong những phương tiện đào tạo then chốt trong chương trình đào tạo của chủng viện[17], nhưng cũng là một hành động mục vụ. Bởi vì, vai trò chính của nhà đồng hành là lắng nghe, soi sáng và nâng đỡ hành trình nội tâm của chủng sinh, đặc biệt trong những giai đoạn chuyển giao và khủng hoảng. Do đó, Ratio 2016 đã nhấn mạnh: “Việc đồng hành cần phải thực hiện từ lúc khởi đầu của hành trình đào tạo và suốt cả cuộc đời"[18]. Điều này giúp chủng sinh biết phân định ơn gọi cách nghiêm túc và giúp cho các nhà đào tạo có những quyết định chính xác về việc chủng sinh ấy có đủ điều kiện để lãnh nhận chức linh mục hay không.

Điều đặc biệt quan trọng trong việc đồng hành cá nhân là vai trò định hướng – không phải định đoạt – của nhà đồng hành. Họ không được đưa ra quyết định thay cho chủng sinh, nhưng giúp chủng sinh tự khám phá tiếng gọi và định hình con đường của mình, trong ánh sáng của Lời Chúa và kinh nghiệm Hội Thánh. Sự phân định trong việc đồng hành cá nhân không mang tính duy lý đơn độc, nhưng là một sự phân định mang tính hiện sinh và thiêng liêng. Vì thế, việc đồng hành cá nhân đòi hỏi phải có một nhà đồng hành đáng tin cậy và đồng hành với chủng sinh một cách liên tục.

2.1.4. Bản chất

Về bản chất, đồng hành cá nhân là một hành vi mang tính giáo dục và thiêng liêng cao độ. Nó đòi hỏi người đồng hành phải có sự trưởng thành toàn diện, khả năng sống đời sống nội tâm sâu sắc và một nhân cách đáng tin cậy. Ratio 2016 đã yêu cầu: "Mỗi nhà đào tạo phải giúp chủng sinh ý thức về tình trạng của mình, những khả năng và những yếu đuối của họ, để ngày càng mở lòng đón nhận ân sủng”[19]. Bản chất này cũng bao hàm yếu tố tự do và trách nhiệm. Không ai bị ép buộc phải mở lòng, nhưng nếu chủng sinh không tự do chọn mở lòng, tiến trình đào tạo sẽ thiếu nền tảng. Nhà đồng hành không được phép áp đặt hay thao túng, nhưng cũng không thể đứng ngoài tiến trình trưởng thành của chủng sinh.

Ratio 2016 còn cảnh báo rằng không phải ai cũng có thể đảm nhận vai trò đồng hành cá nhân trong chủng viện, mà họ phải được chuẩn bị và phải có lòng tận hiến trọn vẹn cho nhiệm vụ này[20]. Sự chuẩn bị ấy không chỉ về mặt học thuật, mà đặc biệt là về chiều sâu nhân bản, khả năng phân định và đời sống chứng tá.

2.1.5. Cách thức

Việc đồng hành cá nhân cần được thể hiện qua những cuộc gặp gỡ thường xuyên, có nội dung và mục tiêu rõ ràng. Ratio 2016 đã khuyến nghị: “Những cuộc trao đổi riêng với các nhà đào tạo phải được diễn ra đều đặn và thường xuyên”[21]. Tính đều đặn tạo ra sự liên tục trong tiến trình đồng hành và tính thường xuyên sẽ giúp nhà đồng hành và chủng sinh nhận diện những khủng hoảng hoặc sai hướng một cách kịp thời. Tuy nhiên, việc đồng hành cá nhân không chỉ là chuyện “trao đổi hay gặp gỡ riêng”, mà là một hành trình huấn luyện nội tâm có hệ thống. Nhà đồng hành cần đặt câu hỏi đúng, biết lắng nghe bằng cả con tim và trực giác thiêng liêng, đồng thời cũng có khả năng đưa ra những lời khuyên thích hợp, trung thực nhưng đầy yêu thương.

Một yếu tố cốt lõi trong cách thức đồng hành cá nhân là sự hội nhập các chiều kích nhân vị: Không chỉ chăm lo thiêng liêng, mà còn nhân bản, tình cảm, trí tuệ, và các mối tương quan xã hội. Đó là một hành trình tích hợp, như Ratio đã xác định: “Việc đồng hành phải đưa vào mọi khía cạnh của nhân cách và phải giáo dục để chủng sinh biết lắng nghe, biết ý nghĩa đích thực của đức vâng lời và đạt được sự tư do nội tâm”[22].

2.2. Đồng hành cộng đoàn

2.2.1. Thế nào là đồng hành cộng đoàn?

Đồng hành cộng đoàn là sự hiện diện và tham gia tích cực của cộng đoàn Giáo hội trong tiến trình đào tạo chủng sinh. Đây không chỉ là một phương pháp, mà là một chiều kích thiết yếu và bản chất của việc đào tạo linh mục. Ratio 2016 đã xác quyết: “Kinh nghiệm về đời sống cộng đoàn là kinh nghiệm quý báu và không thể bỏ qua”[23]. Việc đồng hành cộng đoàn bao gồm sự hiện diện, chia sẻ, và cùng sống giữa các chủng sinh, cũng như với các linh mục đào tạo, để đời sống và ơn gọi của các chủng sinh được thử thách và lớn lên trong lòng Giáo Hội.

2.2.2. Mục đích

Mục đích chính của việc đồng hành cộng đoàn là giúp chủng sinh trưởng thành toàn diện trong nhân cách và ơn gọi, qua đó họ có thể bước vào đời sống linh mục như là “người cha thiêng liêng” đích thực. Ratio nêu rõ: “Kinh nghiệm về đời sống cộng đoàn là kinh nghiệm quý báu và không thể bỏ qua khi đào tạo những người sẽ được mời gọi trong tương lai thực thi quyền làm cha thiêng liêng thực sự trong các cộng đoàn được giao cho họ”[24].

Qua đời sống chung, chủng sinh học cách từ bỏ ý riêng, lắng nghe, hiệp thông và phục vụ – những điều mà sau này họ sẽ thực hiện với tư cách linh mục trong cộng đoàn giáo xứ. Đây là hành trình chuyển từ cá nhân sang hiệp thông, từ “tôi” sang “chúng ta”, một chiều kích nền tảng của linh đạo linh mục.

2.2.3. Vai trò

Việc đồng hành cộng đoàn đóng ba vai trò chính trong việc đào tạo chủng sinh.

a) Hình thành tinh thần hiệp thông: Ratio 2016 nhấn mạnh rằng: “Khi chuẩn bị để lãnh thừa tác vụ, mỗi ứng sinh phải cảm nghiệm ngày càng sâu xa hơn ước muốn hiệp thông nung nấu trong lòng”[25]. Cộng đoàn chủng viện chính là nơi chủng sinh học cách sống chung, đón nhận sự khác biệt, và lớn lên trong tình huynh đệ linh mục.

b) Tạo điều kiện cho sự trưởng thành ơn gọi: Việc sống giữa cộng đoàn giúp chủng sinh kiểm chứng ơn gọi không chỉ trên lý thuyết mà qua thực hành hằng ngày. “Ngày qua ngày, công cuộc đào tạo được thực hiện thông qua những tương quan liên vị, những khoảnh khắc chia sẻ và trao đổi ý kiến, tất cả góp phần vào sự phát triển của ‘thửa đất nhân bản’, trong đó ơn gọi được chín mùi”[26].

c) Chuẩn bị cho đời sống linh mục tương lai: Cộng đoàn chủng viện là tiền đề của đời sống linh mục sau này, vốn cũng là một đời sống cộng đoàn. Người linh mục không thể là “người độc hành-độc thoại”, nhưng là một thành viên trong linh mục đoàn và là một thành phần trong một gia đình có Giám mục là cha và có anh chị em là giáo dân[27].

2.2.4. Bản chất

Bản chất của việc đồng hành cộng đoàn nằm trong “ơn gọi hiệp thông” của Giáo hội. Ratio 2016 xác định: “Giáo hội là ‘ngôi nhà và trường học của hiệp thông’, và có được mối hiệp thông từ sự hiệp thông của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[28]. Do đó, việc đồng hành cộng đoàn không đơn thuần là một chiến lược hay phương pháp sư phạm, mà là một thực tại thần học. Việc đồng hành trong cộng đoàn là hình thức sống mầu nhiệm Giáo hội ngay từ hiện tại, làm cho chủng sinh tham dự vào sự hiệp thông của toàn thể Dân Chúa.

Điều này được thể hiện cụ thể qua các mối tương quan được hình thành giữa những nhà đào tạo và các chủng sinh, cũng như giữa các chủng sinh với nhau, cần phản ánh mối tương quan trong Giáo hội[29]. Bản chất này còn đòi hỏi sự hoán cải liên tục trong tâm hồn, vượt qua tính ích kỷ và khép kín, để hướng đến tình Đức ái mục tử đích thực.

2.2.5. Cách thức

Đồng hành cộng đoàn không phải là một chương trình hay hành động tự phát mà cần phải tổ chức và có ý hướng rõ ràng. Dưới đây là một số cách thực hiện cụ thể:

a) Cấu trúc đời sống cộng đoàn chủng viện rõ ràng: Chủng viện không chỉ là nơi học tập, mà là “một cộng đoàn đào tạo”[30]. Phải xây dựng nội quy, nhịp sống, và phương thức tổ chức đời sống cộng đoàn để giúp chủng sinh trưởng thành qua từng ngày sống.

b) Tạo điều kiện cho sự đối thoại và hoà nhập: Ratio 2016 cho biết việc đồng hành phải dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau[31], vì thế cần kiến tạo một bầu khí huynh đệ, nơi mỗi người cảm thấy được đón nhận và có khả năng đóng góp xây dựng.

c) Huấn luyện kỹ năng sống cộng đoàn: Đây không phải là điều tự nhiên, mà cần được đào tạo như một kỹ năng: lắng nghe, đối thoại, phân định, cùng làm việc và cùng chịu trách nhiệm.

d) Đào tạo “linh đạo cộng đoàn”: Sống đời sống cầu nguyện và thiêng liêng trong cộng đoàn – giờ kinh phụng vụ, Thánh lễ, chia sẻ Lời Chúa chung – giúp chủng sinh khám phá rằng đời sống thiêng liêng không chỉ là tương quan riêng tư với Chúa mà còn là hành trình cùng nhau bước đi trong Đức Tin.

e) Trao đổi thường xuyên với các cha trong Ban Giám đốc, Ban Đào tạo và với cha đồng hành trong từng nhóm nhỏ: Duy trì mô hình đồng hành theo nhóm nhỏ như khóa, tổ, các ban chuyên môn, nơi các chủng sinh có thể tự do nói lên suy tư, suy nghĩ, góp ý, được nghe góp ý và nhận định từ cộng đoàn, giúp họ hình thành khả năng biện phân chung[32].

f) Tăng cường tương tác với cộng đoàn dân Chúa ngoài chủng viện: Những trải nghiệm mục vụ ngắn và dài hạn tại các giáo xứ, trung tâm bác ái, hội đoàn… là những “trường học cộng đoàn” sống động giúp chủng sinh tiếp xúc thực tế và trưởng thành ơn gọi linh mục.

3. NHỮNG YÊU CẦU ĐỐI VỚI CÁC NHÀ ĐỒNG HÀNH

3.1. Vai trò

Các nhà đồng hành là những người đảm nhận trách nhiệm trực tiếp trong việc hướng dẫn, đào tạo và phân định cho chủng sinh. Vai trò này không dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức hay quản lý tổ chức, mà trước hết là “đồng hành thiêng liêng và nhân bản” trong một tiến trình liên lỉ của sự lắng nghe, phân định và nâng đỡ. Ratio 2016 nhấn mạnh rằng việc đồng hành phải diễn ra trong sự kính trọng tự do và lương tâm cá nhân, đồng thời có khả năng nâng đỡ chủng sinh “trong sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng”[33].

3.2. Những phẩm chất căn bản

Ratio 2016 quy định rõ ràng một số yêu cầu đối với các nhà đồng hành, đặc biệt tại số 49[34]:

3.2.1. Nhân bản

Nhà đồng hành cần có mức độ trưởng thành về nhân cách, chín chắn trong cảm xúc, ổn định trong tương quan, khả năng cảm thông và lắng nghe. Đây là những điều kiện nền tảng để tạo dựng một sự đồng hành một cách đúng đắn, quân bình, với thái độ kính trọng sự tự do và lương tâm của người khác, cũng như giúp cho sự phát triển nhân bản và thiêng liêng của họ”.

3.2.2. Thiêng liêng

Nhà đồng hành phải là chứng nhân cho đời sống hiến thân cho Thiên Chúa và Giáo hội, có đời sống cầu nguyện vững chắc, thường xuyên lãnh nhận các bí tích một cách thành tâm. Vị ấy phải biết hướng dẫn chủng sinh trong hành trình nội tâm, giúp họ bước vào tương quan sâu xa với Chúa Kitô.

3.2.3. Mục vụ

Nhà đồng hành không chỉ là người thầy đứng lớp để truyền đạt kiến thức, mà còn là người cha thiêng liêng, người anh và người bạn tinh thần. Chính vì thế, Ratio 2016 đề cao khả năng yêu mến và phục vụ Dân Chúa một cách vô vị lợi như là một chuẩn mực căn bản nơi nhà đồng hành.

3.2.4. Chuyên môn

Ngoài đời sống gương mẫu, nhà đồng hành cần có khả năng sư phạm và kiến thức thần học vững chắc. Khả năng sư phạm cho phép nhà đồng hành không chỉ dạy dỗ, khuyên bảo mà còn thấu hiểu hành trình đào tạo của chủng sinh một cách linh hoạt và tế nhị. Nhà đồng hành cần biết khi nào nên thách đố, khi nào nên im lặng, và khi nào cần giúp chủng sinh đào sâu hơn đời sống nội tâm. Bên cạnh đó, nhà đồng hành cần phải có nền tảng thần học vững chắc. Bởi vì, việc đồng hành không thể dựa vào cảm tính hay kinh nghiệm cá nhân đơn lẻ. Trái lại, nó phải bén rễ sâu trong học thuyết của Giáo Hội. Nền tảng thần học vững sẽ giúp nhà đồng hành đưa ra hướng dẫn chính xác, tránh những lệch lạc về tín lý hay luân lý. Hơn nữa, việc được đào tạo chuyên biệt để trở thành nhà đồng hành là điều không thể bỏ qua đối với các nhà đồng hành trong chủng viện.

3.3. Sự hiện diện toàn gian và dấn thân cá vị

Ratio 2016 yêu cầu rõ rằng các nhà đồng hành cần hiện diện “toàn thời gian” trong đời sống chủng viện. Đây không chỉ là yêu cầu về mặt tổ chức, mà còn là đòi hỏi mang tính mục vụ và thiêng liêng. Việc hiện diện này giúp nhà đồng hành tạo lập sự tín nhiệm, bầu khí huynh đệ và mở đường cho sự đồng hành hiệu quả. Không hiện diện thường xuyên trong chủng viện, nhà đồng hành sẽ không có được sự tin tưởng nơi chủng sinh và khiến họ khó mở lòng trong hành trình phân định ơn gọi. Nếu hay vắng mặt hoặc thường xuyên rời khỏi chủng viện, nhà đồng hành không thể nào hiểu hết được chủng sinh cũng như không thể nào quan tâm họ đúng mức.

3.4. Sự chuẩn bị đặc biệt

Ratio 2016 đòi hỏi nhà đồng hành phải trải qua “sự chuẩn bị đặc biệt” – bao gồm được đào tạo chuyên môn về tâm lý, linh đạo, phương pháp sư phạm và nghệ thuật đồng hành. Những khóa huấn luyện này giúp nhà đồng hành biết cách phân định, nhận diện dấu chỉ ơn gọi nơi chủng sinh, cũng như biết cách can thiệp đúng mức khi có những khủng hoảng hay khó khăn tâm lý. Đồng thời, đây cũng là cách để nhà đồng hành tránh “lạm quyền” hoặc “can thiệp sai lầm” vào đời sống thiêng liêng của chủng sinh. Sự chuẩn bị đặc biệt này không chỉ là các khóa học lý thuyết mà còn là tiến trình đào luyện thực hành nghĩa là chính bản thân nhà đồng hành phải có kinh nghiệm thật sự về việc được đồng hành. Đây là lý do vì sao Giáo Hội ngày nay luôn nhấn mạnh đến việc thiết lập các chương trình huấn luyện chuyên biệt dành cho những ai được mời gọi trở thành nhà đồng hành. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng số 172 như sau: “Không ai có thể đồng hành người khác nếu không được đồng hành trước đó”.

3.5. Tinh thần phục vụ và hy sinh

Một trong những điểm được Ratio nhấn mạnh là nhà đồng hành phải là người có khả năng hiến thân và phục vụ “không giữ lại điều gì cho mình”. Điều này thể hiện nơi sự sẵn sàng đón nhận chủng sinh như họ là, không ép buộc, không phán xét, nhưng yêu thương và nâng đỡ. Đồng hành là hành vi mục vụ mang chiều kích hy sinh, đòi hỏi sự quảng đại, khiêm tốn, kiên nhẫn, chấp nhận và chịu đựng trong âm thầm nơi nhà đồng hành.

3.6. Thống nhất đời sống và sứ mạng

Nhà đồng hành không phải là người nói hay khuyên bảo một cách lý thuyết, nhưng chính đời sống của họ phải là chứng tá sống động. Ratio 2016 gọi họ là “những chứng nhân” – người biểu lộ sự trung tín, lòng đạo đức và sự tự hiến trong đời sống thường ngày. Chứng tá của nhà đồng hành có sức mạnh lớn hơn mọi bài giảng và là phương thế giáo dục căn bản nhất.

4. NHỮNG THÁCH ĐỐ ĐỐI VIỆC ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC CHỦNG SINH TẠI CHỦNG VIỆN TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY

4.1. Tính cá vị và sự chân thành[35]

Ratio 2016 nhấn mạnh rằng việc đồng hành cá nhân là phương thế không thể thay thế trong việc đào tạo linh mục. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn là làm sao để tạo được sự tin tưởng giữa chủng sinh và nhà đồng hành. Trong bối cảnh nhiều người trẻ lớn lên trong nền văn hóa kỹ thuật số, sự khép kín nội tâm và thiếu khả năng chia sẻ trở nên phổ biến. Chủng sinh có thể đối thoại ngoài mặt nhưng lại thiếu chiều sâu trong việc để người khác “biết mình và cho mình được biết”.

Thêm vào đó, khi việc đồng hành bị giới hạn vào những buổi gặp gỡ theo lịch, thiếu sự hiện diện thường xuyên và liên lỉ của các nhà đồng hành, thì mối tương quan được hình thành trở nên mỏng manh và không tạo được nền tảng cho phân định thật sự.

4.2. Sự chuẩn bị và phẩm chất của nhà đồng hành[36]

Ratio 2016 yêu cầu các nhà đồng hành phải được chuẩn bị đặc biệt và hiện diện toàn thời gian. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều linh mục đồng hành chưa làm được như thế và chưa có sự huấn luyện sư phạm hoặc tâm lý đủ sâu để thực hiện vai trò của mình cách hiệu quả. Có trường hợp nhà đồng hành còn lẫn lộn giữa đồng hành thiêng liêng và kiểm soát hành vi; thậm chí có trường hợp nhà đồng hành phủ đầu hay đe nẹt chủng sinh trong buổi đồng hành. Điều này vi phạm đến tiêu chuẩn đạo đức của những người làm công tác đồng hành trong môi trường đào tạo và những người làm công tác tham vấn tâm lý ngoài xã hội. Cách riêng, trong chủng viện, việc đồng hành như đã kể trên sẽ dẫn đến nguy cơ nhà đồng hành can thiệp quá mức hoặc, ngược lại, bỏ mặc chủng sinh trong hành trình phân định cá vị.

Đặc biệt, việc thiếu những chứng nhân có khả năng yêu thương và phục vụ Dân Chúa cách vô vị lợi như Ratio yêu cầu đã làm giảm đi tầm quan trọng “gương mẫu” vốn là yếu tố cốt lõi trong đồng hành.

4.3. Môi trường cộng đoàn trong chủng viện

Ratio 2016 nhìn nhận cộng đoàn là không gian đào tạo sống động, nơi ơn gọi được thanh luyện và phát triển[37]. Tuy nhiên, môi trường cộng đoàn trong nhiều chủng viện còn mang tính hình thức. Việc sống chung đôi khi chỉ là chia sẻ không gian, thiếu sự tương tác và nâng đỡ thực sự giữa các chủng sinh. Chủ nghĩa cá nhân, cạnh tranh học thuật, và các hình thức bè phái kín đáo vẫn hiện diện âm thầm, làm xói mòn tinh thần huynh đệ linh mục tương lai.

Thêm vào đó, khi không có cơ chế cụ thể để lượng giá đời sống cộng đoàn, thì kinh nghiệm sống chung trở nên nhạt nhòa và không để lại dấu ấn đủ mạnh để chuyển hóa chủng sinh.

4.4. Sự tin tưởng

Ratio 2016 khẳng định: “Niềm tin lẫn nhau là điều kiện cần thiết trong tiến trình đồng hành”[38]. Trong một số môi trường đào tạo, sự hiện diện của hình thức kiểm soát hành chính (ví dụ như ghi chú, báo cáo lên Ban Giám đốc, Ban Đào tạo) đã khiến chủng sinh dè dặt, thận trọng, thiếu cởi mở và thậm chí không tin tưởng nơi nhà đồng hành. Mối quan hệ giữa nhà đồng hành và chủng sinh, nếu thiếu tính tin tưởng, chân thành và sự kín đáo đúng mực, có thể dẫn đến tình trạng giả hình hoặc phòng thủ tâm lý.

4.5. Phối hợp giữa việc đồng hành cá nhân và việc đồng hành cộng đoàn

Thực tế đào tạo trong nhiều chủng viện vẫn còn chú trọng quá mức vào hình thức đồng hành cá nhân, thiếu sự đầu tư cho các hình thức đồng hành nhóm, sinh hoạt huynh đệ, và những thời gian chia sẻ cộng đoàn cách có định hướng, thậm chí không có sự phối hợp giữa việc đồng hành cá nhân và đồng hành cộng đoàn. Điều này khiến cho quá trình đào tạo mất đi sự hỗ trợ mang tính cộng sinh, mà đáng lẽ phải là “mảnh đất màu mỡ” cho ơn gọi trưởng thành.

4.6. Thực tại tâm lý và văn hóa thời đại

Ratio 2016 mời gọi chủng sinh phải trưởng thành về nội tâm, thoát khỏi các hình thức “thế tục thiêng liêng”[39]. Tuy nhiên, bối cảnh xã hội hiện nay lại sản sinh nhiều “ảo tưởng ơn gọi” – những lý tưởng không thực tế hoặc xuất phát từ động lực tâm lý lệch lạc. Chủng sinh ngày nay đối diện với áp lực tâm lý từ gia đình, xã hội, mạng xã hội và thậm chí là sự kỳ vọng quá mức của chủng viện. Việc đồng hành trở nên khó khăn hơn khi phải giúp họ phân biệt giữa tiếng gọi thật sự từ Chúa và những động lực khác lấn át.

KẾT LUẬN

Việc đồng hành với các chủng sinh trong chủng viện không chỉ đơn thuần là một phần của quá trình đào tạo linh mục mà còn là một hành trình thiêng liêng sâu sắc, phản ánh bản chất của Giáo Hội và ơn gọi linh mục. Qua việc áp dụng các định hướng từ Ratio 2016, dễ dàng nhận thấy rằng, việc đồng hành cá nhân và cộng đoàn đều có vai trò thiết yếu trong việc đào tạo những linh mục tương lai, những người không chỉ có kiến thức mà còn có khả năng sống hiệp thông và phục vụ Dân Chúa một cách chân thành.

Cần nhận thức rằng mỗi chủng sinh là một mầu nhiệm, với những ân huệ và thách thức riêng. Do đó, việc đồng hành không chỉ là hướng dẫn về mặt lý thuyết mà còn là sự hiện diện và lắng nghe, giúp họ khám phá và phát triển ơn gọi của mình trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Sự tin tưởng và mối quan hệ chân thành giữa nhà đồng hành và chủng sinh là nền tảng để tạo ra một môi trường đào tạo hiệu quả, nơi mà mỗi chủng sinh có thể tự do khám phá và trưởng thành.

Ước mong, trong bối cảnh xã hội và văn hóa đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay, việc đồng hành với các chủng sinh trong chủng viện cần được điều chỉnh và làm mới hơn nữa để đáp ứng những thách thức hiện tại, nhằm giúp các chủng sinh trưởng thành trong ơn gọi linh mục một cách trọn vẹn và sâu sắc nhất.

---------

[1] BỘ GIÁO SĨ, Đào tạo linh mục. Hồng ân ơn gọi linh mục (Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis) (8/12/2016), Nxb. Tôn Giáo, 2017. Trong bài viết này xin viết tắt là Ratio 2016

[2] Ibid, số 28, tr.33.

[3] x. Ibid. số 29, tr.33-34.

[4] Ibid, số 43, tr. 45-47.

[5] Ibid, số 35, tr. 39-40.

[6] x. Ibid, số 35-39, tr. 39-42.

[7] x. Ibid, số 45, tr. 47.

[8] Ibidem.

[9] BỘ GIÁO SĨ, Đào tạo linh mục. Hồng ân ơn gọi linh mục, Dẫn nhập, số 3, tr.10.

[10] x. Ibid, số 44, tr. 47.

[11] Ibid, số 45, tr. 47.

[12] x. Ibid, số 44, tr. 47.

[13] x. Ibid, số 44-46, tr. 47-48.

[14] x. Ibid, số 45, tr.47.

[15] Ibid, số 46, tr. 47-48.

[16] x. Ibid, số 46, tr. 48.

[17] x. Ibid, số 45, tr. 47.

[18] Ibid, số 48, tr. 48.

[19] x. Ibid, số 46, tr. 47-48.

[20] x. Ibid, số 49, tr. 49.

[21] Ibid, số 46, tr. 47.

[22] Ibidem.

[23] BỘ GIÁO SĨ, Đào tạo linh mục. Hồng ân ơn gọi linh mục, số 51, tr. 50.

[24] Ibidem.

[25] Ibidem.

[26] BỘ GIÁO SĨ, Đào tạo linh mục. Hồng ân ơn gọi linh mục, số 50, tr. 49.

[27] x. Ibid, số 51, tr. 50.

[28] Ibid, số 52, tr. 51.

[29] x. Ibdem.

[30] x. BỘ GIÁO SĨ, Đào tạo linh mục. Hồng ân ơn gọi linh mục, Dẫn nhập, số 3, tr. 9-10.

[31] Ibid, số 47, tr. 47.

[32] Ibid, số 44-46, tr. 47-48.

[33] x. Ibid, số 49, tr. 48-49.

[34] x. Ibidem.

[35] x. BỘ GIÁO SĨ, Đào tạo linh mục. Hồng ân ơn gọi linh mục, số 47, tr. 48.

[36] x. Ibid, số 49, tr. 49.

[37] x. Ibid, số 50, tr. 49.

[38] Ibid, số 47, tr. 48.

[39] Ibid. số 42, tr. 44.