Dẫn nhập

1. Ơn gọi

1.1. Bản chất của ơn gọi

1.2. Đặc điểm của ơn gọi

2. Người trẻ và ơn gọi

3. Chân dung nhà đồng hành trong hành trình ơn gọi của người trẻ

4. Cách thức đồng hành trong hành trình ơn gọi của người trẻ

Kết luận


Dẫn nhập

Trong một thế giới đang đổi thay nhanh chóng và phức tạp, người trẻ hiện nay phải đối mặt với nhiều thách đố trong việc nhận ra căn tính và ơn gọi của mình. Sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, lối sống vội vã, và những giá trị bị xáo trộn đã tạo nên không ít khoảng trống trong đời sống nội tâm của họ. Trước thực trạng đó, Sứ điệp Ơn gọi 2025[1] của Đức Thánh Cha Phanxicô mang lại một định hướng rõ ràng và đầy hy vọng: Ơn gọi là lời mời gọi bước ra khỏi chính mình để sống cho tha nhân trong tình yêu và phục vụ. Tuy nhiên, để người trẻ có thể nhận ra và can đảm đáp lại tiếng Chúa, điều quan trọng là họ cần có những nhà đồng hành đích thực – những chứng nhân của hy vọng.

Vì thế, bài viết này như là một mong muốn tìm hiểu việc đồng hành trong hành trình ơn gọi của người trẻ hôm nay với các điểm sau: Ơn gọi, người trẻ và ơn gọi, chân dung của nhà đồng hành và cách thức đồng hành trong hành trình ơn gọi của người trẻ, dựa trên chính Sứ điệp Ơn gọi 2025 của Đức Thánh Cha Phanxicô.

1. Ơn gọi

1.1. Bản chất của ơn gọi

Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp Ơn gọi 2025 đã khẳng định: “Ơn gọi là món quà quý giá mà Thiên Chúa gieo vào tâm hồn chúng ta, là lời kêu gọi bước ra khỏi chính mình để bước đi trên hành trình yêu thương và phục vụ”. Qua những lời này, chúng ta biết được ơn gọi không bắt nguồn từ sáng kiến của con người, mà là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa và là lời mời gọi con người bước đi trong hành trình yêu thương và phục vụ với niềm hy vọng. Đức Thánh Cha Phanxicô còn nhấn mạnh rằng mọi ơn gọi – dù là trong bậc giáo dân, tu sĩ hay linh mục – đều là phương tiện để trao ban hy vọng và như một “dấu chỉ hy vọng mà Thiên Chúa dành cho thế giới và cho mỗi người con của Người.”

1.2. Đặc điểm của ơn gọi

Ơn gọi không thể lớn lên trong sự đơn độc hoặc tách rời khỏi đời sống cộng đoàn. Thật vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rõ ràng rằng: “Ơn gọi lớn lên và phát triển trong lòng một cộng đoàn đức tin, yêu thương và hy vọng”. Chính trong mối tương quan liên vị và trong dòng chảy sinh động của đời sống Giáo hội mà hạt giống ơn gọi được nuôi dưỡng, phát triển và trổ sinh hoa trái. Vì thế, các cộng đoàn như chủng viện, giáo xứ, gia đình và các nhóm tông đồ được mời gọi trở thành những “không gian ơn gọi” – nơi người trẻ có thể cảm nhận được sự đón nhận, khích lệ và đồng hành trong tiến trình phân định ơn gọi của mình.

Ơn gọi và niềm hy vọng gắn bó chặt chẽ với nhau trong kế hoạch của Thiên Chúa, khi Người mời gọi mỗi người cách đích danh để hiến dâng cuộc sống vì tha nhân, với niềm tin tưởng vào sự quan phòng của Người như động lực và nền tảng cho hành trình đó.

2. Người trẻ và ơn gọi

Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo rằng người trẻ ngày nay đang đối diện với “khủng hoảng căn tính”, bị chi phối bởi “những thông điệp mơ hồ của thế giới kỹ thuật số”, khiến họ khó xác định ý nghĩa sống và con đường mình phải đi. Tuy nhiên, chính trong khung cảnh đó, Thiên Chúa không ngừng khơi dậy trong người trẻ ý thức “được yêu thương, được kêu gọi và được sai đi như một người hành hương hy vọng.”

Khi nhắc lại những lời trong Tông huấn Christus Vivit, số 178: “Cuộc sống của các con không phải là ‘thời gian chuyển tiếp’. Các con là hiện tại của Thiên Chúa”[2], Đức Thánh Cha cho thấy người trẻ không chỉ là tương lai, họ là nhân chứng của niềm hy vọng giữa lòng thế giới hôm nay. Mỗi ơn gọi nơi họ – dù là linh mục, tu sĩ, hay gia đình – là một đáp trả yêu thương, xuất phát từ việc lắng nghe và gặp gỡ Chúa. Điều quan trọng là hành trình này phải diễn ra qua sự phân định, sống giữa cộng đoàn, trong cầu nguyện, phục vụ và suy chiêm – vượt qua cám dỗ chọn lựa chóng vánh mà thế giới thúc đẩy. Vì thế, ơn gọi của người trẻ, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, lớn lên nhờ “lòng trung thành với Tin mừng, qua việc cầu nguyện, phân định và phục vụ.”

3. Chân dung nhà đồng hành trong hành trình ơn gọi của người trẻ

Trong Sứ điệp Ơn gọi 2025, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khắc họa vai trò của nhà đồng hành trong hành trình ơn gọi của người trẻ vô cùng rõ nét. Theo ngài, các nhà đồng hành là “những người hoạt động mục vụ và ơn gọi, đặc biệt là những người đồng hành thiêng liêng”. Họ là “những người có khả năng lắng nghe và chào đón người trẻ một cách tôn trọng và cảm thông, là những người mà người trẻ có thể tin tưởng, là những người hướng dẫn khôn ngoan, sẵn sàng giúp đỡ người trẻ và chú ý nhận ra những dấu hiệu của Thiên Chúa.” Như thế, nhà đồng hành trong hành trình ơn gọi của người trẻ cũng là người hành hương vì không phải là người áp đặt nhưng là người thấu hiểu, là người được người trẻ tín nhiệm và là bạn đường như Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24,13-35). Đây là một nghệ thuật đòi hỏi nhà đồng hành phải là người trưởng thành thật sự, giàu kinh nghiệm và có lòng nhân ái.

4. Cách thức đồng hành trong hành trình ơn gọi của người trẻ

Cách thức đồng hành trong hành trình ơn gọi của người trẻ đòi hỏi một thái độ mục vụ mang chiều kích thiêng liêng sâu sắc. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng “việc khám phá ơn gọi diễn ra trong hành trình phân định” và hành trình này “không bao giờ đơn độc, nhưng phát triển trong cộng đồng Kitô giáo và cùng phát triển với cộng đồng”. Trong một thế giới đầy náo động, người trẻ cần sự nâng đỡ để dám “dừng lại, lắng nghe chính lòng mình và hỏi Thiên Chúa xem Người ước mơ gì cho họ”. Vì thế, đồng hành không chỉ là hướng dẫn, mà còn là tạo điều kiện cho người trẻ bước vào kinh nghiệm thinh lặng và cầu nguyện để lắng nghe và nhận ra tiếng Chúa.

Ngoài ra, đồng hành chỉ thực sự hiệu quả khi được thực hiện trong lòng cộng đoàn, nơi người trẻ được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện và chứng tá sống động. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng không ai có thể tự mình đáp lại tiếng Chúa, vì “ơn gọi không bao giờ là kho báu đóng kín trong tim, nhưng lớn lên và mạnh mẽ hơn trong cộng đoàn đức tin”. Do đó, đồng hành còn là trách nhiệm của toàn thể Giáo hội, đặc biệt qua các chương trình mục vụ và giáo dục, nhằm khuyến khích một thái độ cởi mở trước tiếng Chúa trong từng hoàn cảnh sống.

Bên cạnh đó, nhà đồng hành thiêng liêng được mời gọi noi gương “phương pháp sư phạm của Thiên Chúa”, nghĩa là kiên nhẫn, tin tưởng và tôn trọng tự do của người trẻ (người được đồng hành). Họ là những người có khả năng “lắng nghe và chào đón người trẻ một cách tôn trọng và cảm thông” và biết “nhận ra những dấu hiệu của Thiên Chúa trên hành trình của người trẻ”. Đây là một công việc tế nhị, nhưng thiết yếu, để người trẻ nhận ra tiếng Chúa và mạnh dạn thưa “xin vâng” với niềm hy vọng và tín thác.

Trong Tông Huấn Niềm vui Tin mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh việc “đi ra” để loan báo Tin mừng. Đi ra ở đây cũng còn có nghĩa là “bước ra ngoài” để gặp gỡ người trẻ nơi họ đang sống, khích lệ họ mở lòng đón nhận Chúa Giêsu mỗi ngày và trở thành chứng nhân niềm vui Tin mừng trong đời thường[3]. Đồng hành với người trẻ trong ơn gọi là giúp họ nhận ra sứ mạng truyền giáo ngay trong hoàn cảnh hiện tại, dù không phải ai cũng lên đường truyền giáo ở các vùng xa xôi, nhưng mỗi người đều có thể sống sứ vụ bằng cách phục vụ và yêu thương trong gia đình, cộng đoàn và xã hội.

Như vậy, cách thức đồng hành trong hành trình ơn gọi của người trẻ diễn ra trong hành trình phân định. Hành trình này diễn ra trong cộng đoàn đức tin, nơi người trẻ được nâng đỡ qua cầu nguyện và chứng tá sống động. Nhà đồng hành cần tạo điều kiện để người trẻ nhận ra tiếng Chúa qua phân định, thinh lặng, lắng nghe và cầu nguyện. Đồng thời, nhà đồng hành cần chủ động “bước ra ngoài” để gặp gỡ người trẻ trong đời thường, giúp họ sống ơn gọi qua tình yêu thương, phục vụ trong gia đình, cộng đồng và xã hội một cách cụ thể và hy vọng.

Kết luận

Hành trình ơn gọi của người trẻ không phải là con đường khép kín, nhưng là một tiến trình thiêng liêng đan xen giữa tiếng gọi của Chúa, khát vọng nơi người trẻ và sự đồng hành kiên nhẫn của Giáo hội, cách riêng của những nhà đồng hành. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà thế giới dường như đang thiếu vắng định hướng và hy vọng, người trẻ có thể tìm thấy ánh sáng nếu họ nhận được sự đồng hành chân thành từ những nhà đồng hành như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh trong Sứ điệp Ơn gọi 2025. Và một khi được đồng hành đúng cách, chính người trẻ sẽ trở thành “những người hành hương hy vọng”, sẵn sàng hiến dâng cuộc sống của mình như một món quà sống động cho Thiên Chúa và cho mọi người.

-------

[1] ĐTC. PHANXICÔ, "Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 62 năm 2025," 19 03 20125. [Online]. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-nhan-ngay-the-gioi-cau-nguyen-cho-on-goi-lan-thu-62-nam-2025. [Truy cập ngày 09.05.2025]. Trong bài viết này xin viết tắt là Sứ điệp Ơn gọi 2025.

[2] ĐTC. PHANXICÔ, Tông huấn "Christus vivit - Chúa Kitô đang sống". Chuyển ngữ: Ban Dịch thuật HĐGMVN. [Online]. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-christus-vivit-chua-kito-dang-song-38964 .[Truy cập ngày 09.05.2025]

[3] ĐTC. PHANXICÔ, "Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng", các số 24, 127.Bản dịch tiếng Việt (2013) của Lm. Dominique Ngô Quang Tuyên. [Online]. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656. [Truy cập ngày 10.05.2025].