ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN: NHỮNG THÁCH THỨC NGÀY
NAY VÀ MUÔN THUỞ
Đức Cha José Rodríguez Carballo
Nhân dịp Ngày Thế giới
Đời sống Thánh hiến, được tổ chức vào Chúa Nhật, 2/2/2020, một suy tư của Đức
Cha José Rodríguez Carballo, thư ký của Bộ Đời sống Thánh hiến và các Hội Đời sống
Tông đồ, được công bố trên các chuyên mục của ấn bản tiếng Ý của Osservatore
Romano.
* * *
Nói về những thách
thức của đời sống thánh hiến ngày nay không có gì là mới mẻ. Một số thách thức
trong chúng đã được báo động từ một thời gian qua. Dù thế nào đi nữa, việc
chúng ta, những người thánh hiến, tự vấn mình về chủ đề này là điều quan trọng,
bởi vì nó giúp chúng ta luôn tỉnh thức để không để mình bị bất ngờ do mê ngủ,
và tiếp tục làm việc cho một cuộc sống ngày càng có ý nghĩa hơn.
Sự phân định và
các khả năng
Hai lưu ý có vẻ
quan trọng cần chỉ ra. Trong số những thách thức mà đời sống thánh hiến hiện
nay phải đối mặt, có một số thách thức cấp bách hơn những thách đố khác, đó là
lý do tại sao điều đầu tiên đòi hỏi nơi những người thánh hiến là sự phân định,
để dành ưu tiên cho việc này hơn những việc khác. Trong điều này nữa, lời nhắc
nhở liên tục của Đức Thánh Cha dành cho đời sống thánh hiến và chính Giáo hội
là hoàn toàn có giá trị: sự cần thiết phải quay trở lại với điều thiết yếu, sự
cần thiết phải quay trở lại với Tin Mừng.
Lưu ý thứ hai cần
ghi nhớ là khi nói về những thách thức, chúng ta không thể chỉ đề cập đến những
vấn đề mà đời sống thánh hiến có thể gặp phải vào lúc này, mà chúng ta phải đưa
ra câu trả lời, nhưng đặc biệt cũng phải nói đến những khả năng mà hình thức bước
theo Chúa Kitô có trước mặt mình. Điều này sẽ khiến chúng ta kín múc sức
mạnh từ sự yếu đuối của mình và củng cố tất cả những điều tích cực tồn tại
trong cuộc sống của chúng ta mà chúng ta thường không biết, từ đó tạo cơ sở cho
những “ngôn sứ về sự bất hạnh”, những kẻ gây ra rất nhiều tổn hại cho
Giáo hội và đời sống thánh hiến.
Ngạc nhiên và
kinh ngạc thán phục
Khi xem xét những
gì đã nói, tôi chỉ ra hai thách thức/khả năng của đời sống thánh hiến bao gồm
nhiều thách thức/khả năng khác: tái khám phá khả năng kinh ngạc thán phục và ngạc
nhiên của mình, và mang lại cho đời sống thánh hiến tất cả sự hấp dẫn của nó. Khi
đọc Tin Mừng, chúng ta bị đánh động trước sự kinh ngạc thán phục, trước sự ngạc
nhiên mà các môn đệ của Chúa Giêsu biểu lộ trước những gì Người nói và làm: sự
sững sốt trước những gì Người nói, vì Người dạy như một người có uy quyền chứ
không như các kinh sư (x. Mc 1, 22); sững sờ trước việc Ngài làm, vì mọi việc
Ngài làm đều tốt đẹp (Mc 7, 37). Sự kinh ngạc thán phục và ngạc nhiên, đặc biệt
trong Tin Mừng Thánh Marcô, mở rộng tâm hồn hướng tới sự tốt lành, tạo ra những
câu hỏi, từ đó tạo ra đức tin, được thể hiện bằng việc bước theo (x. Mc 1, 22
tt).
Sự ngạc nhiên và
kinh ngạc thán phục kích thích và băn khoăn đến mức đòi hỏi phải có lời đáp trả
ngay lập tức. Đây là cách duy nhất để giải thích sự nhanh chóng mà các môn đệ
đáp lại lời mời đi theo Người của Chúa Giêsu: “…lập tức bỏ lưới mà đi theo
Người” (Mc 1, 18; x. 1, 20; 2,14). Sự ngạc nhiên và kinh ngạc thán phục mà
chúng ta không thể thờ ơ, nhưng đúng hơn thúc đẩy chúng ta quyết định mạnh mẽ để
hiệp thông với Người, bị kích thích bởi niềm đam mê được giống như Người, nói
những gì Người nói và làm những gì Người làm, ở với Người, đó là mục đích của mọi
đời sống thánh hiến.
Sự ngạc nhiên và
kinh ngạc thán phục là bước đầu tiên hướng tới suy tư và chiêm niệm: chúng soi
sáng tâm trí, chạm đến trái tim và cử động chân tay để bước đi và hành động, nhờ
đó mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của một người. Nếu sự kinh ngạc thán phục là
điều thiết yếu trong đời sống của người tín hữu, thì nó lại càng quan trọng hơn
trong đời sống của một người thánh hiến, bởi vì sự xâm nhập của sự linh thánh
luôn là điều phi thường: cái siêu việt tỏa ra trong cái nội tại và cái gây ngạc
nhiên, cái bất ngờ trong cái thói quen và cái không thể kiểm soát được, cái vô
hạn trong cái hữu hạn. Nếu bước theo Chúa Kitô trong đời sống thánh hiến là thực
hiện một con đường hoán cải không bao giờ kết thúc, thì sự kinh ngạc thán phục
và ngạc nhiên sẽ mở ra cánh cửa cho sự hoán cải, cho trải nghiệm về một Thiên
Chúa luôn trẻ trung. Vì vậy, sự kinh ngạc thán phục và ngạc nhiên là liều thuốc
giải độc cho thói quen thường ngày và là sự mở ra cho những trải nghiệm mới.
Không có sự ngạc nhiên, mối quan hệ với Chúa trong đời sống thánh hiến sẽ nguội
lạnh và thiếu đi sự đáp trả đối với ơn gọi.
Tìm lại sự say
mê… và gìn giữ nó
Tất cả những điều
này đạt đến đỉnh cao trong việc tân phúc âm hóa và trong việc dạy giáo lý về ơn
gọi đích thực được tạo nên từ những câu chuyện đời thực, bởi vì chỉ những ai trải
nghiệm phép lạ bước theo Chúa trong sự ngạc nhiên và kinh ngạc thán phục mới có
thể truyền lại lòng nhiệt thành và niềm vui khi bước theo Chúa Giêsu. Chỉ qua sự
ngạc nhiên và kinh ngạc thán phục mà chúng ta mới có thể trở thành “những sứ
giả vui tươi của những đề xuất cao cả, những người bảo vệ sự thiện và vẻ đẹp, vốn
tỏa sáng trong một cuộc sống trung thành với Tin Mừng” (Evangelii
gaudium, 168). Hãy trả lại cho đời sống thánh hiến tất cả sự say mê của nó:
niềm vui lan tỏa, sức hấp dẫn mạnh mẽ, sự tươi mát ngọt ngào và niềm hy vọng đầy
khích lệ. Về bản chất, sự say mê đánh thức ân sủng và sự cảm thông, trí tưởng
tượng, sức mạnh, nhiệt huyết và hy vọng. Ngược lại với sự say mê là sự vỡ mộng:
thất vọng, mệt mỏi, đơn điệu, vỡ mộng, buồn bã. Sự vỡ mộng là nấm mồ của những
ước mơ, của niềm hy vọng vốn có thể kết thúc trong sự hối tiếc về những quyết định
đã đưa ra vào thời điểm đó.
Là những người
thánh hiến, chúng ta đứng trước một thách thức, một khả năng quan trọng: đảm bảo
rằng đời sống thánh hiến vẫn giữ được sức hấp dẫn đối với chúng ta, ngay cả sau
nhiều năm, và khơi dậy sự thu hút và cảm thông của những người “ở ngoài”, không
chỉ ngưỡng mộ nó và khiến những “người sưu tập” đồ lưu niệm quan tâm, như thể
nó là một món đồ trong bảo tàng, nhưng cũng để dấn thân ở đó, bị nó quyến rũ và
tiếp tục có ý nghĩa trong thế giới ngày nay, tự thể hiện mình như một lối sống
thay thế cho những gì thế giới và nền văn hóa thống trị đưa ra, và cuối cùng, để
nó tiếp tục mang tính ngôn sứ. Là những người thánh hiến, chúng ta có khả năng
và thách thức trong việc làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên hấp dẫn vì vẻ đẹp
của nó, với tư cách là những chứng nhân của một cách làm, cách hành động và
cách sống khác: “Có thể sống theo một cách khác trong thế giới này”
(François, Illuminate il futuro, Ancora 2015, 13).
Tìm kiếm Chúa
Giêsu-Kitô
Chắc chắn, để đạt
được tất cả những điều này, việc suy nghĩ về tính thẩm mỹ của đời sống thánh hiến
là chưa đủ, cũng như không đưa ra những tuyên bố đẹp đẽ và không tưởng về
nguyên tắc vốn không liên quan gì đến thực tế cuộc sống, huống chi là vá những
miếng vá mới trên quần áo cũ (x. Mc 2, 21).
Sự say mê là ngôn
ngữ của những người yêu nhau, như chúng ta có thể chiêm ngắm trong sách Diễm
Ca. Niềm say mê phải là ngôn ngữ của những người thánh hiến. Không có say mê, đời
sống thánh hiến trở nên nhạt nhẽo, vô vị, vô ích (x. Mt 5,13). Niềm say mê, đặc
trưng của trải nghiệm về “mối tình đầu” (x. Hs 2, 9), dẫn chúng ta đến
việc không ngừng tìm kiếm, tôi có thể nói gần như đầy kịch tính, cho đến khi
chúng ta trở thành “những người tìm kiếm” Đấng đã yêu thương chúng ta
trước (x. 1 Ga 4, 10) và kết hợp với người được yêu nhờ ân sủng (x. Ct 3, 1tt).
Chúa Giêsu Kitô là lý do duy nhất biện minh cho đời sống thánh hiến. Người là yếu
tố nền tảng của đời sống thánh hiến.
Đời sống thánh hiến
ra đời để định vị mình trước ranh giới của cuộc sống và tư tưởng, như Đức Thánh
Cha Phanxicô thường nói với chúng ta. Vùng ngoại vi là những nơi có đặc điểm
chung là kém an toàn, dễ gặp nhiều tình huống hỗn loạn dẫn đến ít được tính đến
trong xã hội, vùng ngoại vi buộc chúng ta phải sống trong tình trạng xuất hành.
Các vùng ngoại ô buộc những người sống ở đó phải di chuyển, rời khỏi trung tâm
và đến các khu vực bên lề xã hội. Rõ ràng là sự lựa chọn dành cho người nghèo
và vùng ngoại ô đòi hỏi chúng ta phải “ra khỏi” chính mình, bỏ qua một bên những
đấu tranh nội tâm nhỏ nhặt, ít tự quy ngã hơn, “vượt lên chính mình”, chủ động
trong mọi việc liên quan đến yêu thương, liên đới, đồng hành, mừng lễ và cử
hành với mọi người, đặc biệt với người nghèo. Và điều này, chúng ta phải thừa
nhận, không hề dễ dàng. Nhưng đây là một thách thức, một khả năng quan trọng đối
với những người thánh hiến.
Từ vùng ngoại vi
của thế giới đến vùng ngoại vi của Giáo hội
Đời sống thánh hiến
không thể tập trung vào chính mình, nhưng trong sự không thuộc về mình và trong
sự dấn thân của mình, nó phải đặt mình vào việc phục vụ toàn thể dân Thiên
Chúa, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất. Các hội dòng của chúng ta
không được sinh ra từ một cái nhìn say mê bản thân hay suy tư thuần túy lý thuyết,
mà từ việc thường xuyên đến các vùng ngoại vi, từ việc gặp gỡ trực tiếp với những
người dễ bị tổn thương nhất, để chữa trị những vết thương và nỗi đau của con
người.
Nếu đời sống thánh
hiến muốn được tái sinh và phục hồi, điều này chỉ có thể thực hiện được nếu nó
không khép kín nơi chính mình, nếu nó không phải là tù nhân trong những vấn đề
của mình, nếu nó có can đảm đi ra các vùng ngoại vi. Nếu, bởi ơn gọi, người
Kitô hữu là ngoại vi so với thế giới, thì đời sống thánh hiến, qua ơn gọi, cũng
là ngoại vi so với đời sống của Giáo hội.
Sự lựa chọn của người
nghèo và những vùng ngoại vi không phải là tùy chọn, cũng không phải là một khẩu
hiệu hay một sự lựa chọn đơn giản về mặt xã hội hay chính trị. Đó là một sự lựa
chọn vì Chúa Giêsu: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên
nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu
có” (2 Cr 8, 9); đó là cho Chúa Giêsu trần truồng mặc, cho Chúa Giêsu đói
khát ăn uống; đó là việc viếng thăm Chúa Giêsu nơi các bệnh nhân và trong lao
tù; đó là chào đón Chúa Giêsu bằng cách chào đón khách lạ; đó là đồng hành với
Chúa Giêsu bằng cách đồng hành với những người thuộc nền văn hóa vứt bỏ (x. Mt
25,35-36). Kể từ khi Chúa Giêsu trở nên nghèo (2 Cr 8, 9), Thiên Chúa của chúng
ta là Thiên Chúa của người nghèo. Những người nghèo có một vị trí đặc biệt
trong trái tim của Thiên Chúa.
Tý Linh
Chuyển ngữ từ: Vatican News
Nguồn: xuanbichvietnam.net
(26.09.2023)