ĐÔI NÉT VỀ NGÀY LỄ CÁC THÁNH
VÀ NGÀY LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
WHĐ (31.10.2022) - Bước vào tháng
11, lịch Phụng vụ dành ngày mồng 1 để mừng trọng thể Lễ Các Thánh, và ngày mồng
2 để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Liệu có sự liên hệ nào giữa 2 ngày
lễ này chăng?
1. Lễ Các Thánh
Thực sự, nguồn gốc chính xác của
ngày lễ Các Thánh không chắc chắn. Lúc đầu, chỉ có các vị Tử đạo và Thánh Gioan
Tẩy Giả được dành riêng một ngày đặc biệt trong Lịch Phụng vụ. Sau đó, với lượng
các thánh Tử đạo ngày càng nhiều, nhất là trong cuộc bắt đạo thảm khốc và rộng
lớn của Hoàng đế Diocletian (284-305), nên không đủ các ngày trong năm để tín hữu
tôn vinh từng vị.
Hơn nữa, khi Kitô giáo được hợp
pháp hóa vào thế kỷ thứ IV, và khi tiến trình phong Thánh được thiết lập cách
rõ ràng hơn thì danh sách Các Thánh dần dần được thêm vào. Vì thế, một ngày lễ
mừng chung tất cả các vị Thánh, đặc biệt là các thánh Tử đạo, đã xuất hiện ở
nhiều khu vực khác nhau trong toàn Giáo hội.
Ví dụ ở Đông phương, thành phố
Edessa tổ chức lễ này vào ngày 13. 5; người Syria mừng vào thứ Sáu sau lễ Phục
sinh; thành phố Antioch cử hành vào Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Ngũ Tuần. Cả
Thánh Ephrem (- 373) và Thánh Gioan Chrysostom (- 407) đều đề cập đến ngày lễ
này trong các bài giảng của các Ngài. Ở phương Tây, lễ Các Thánh cũng được cử
hành vào Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Ngũ Tuần.
Việc chỉ định ngày 1.11 là Lễ Các
Thánh như hiện nay là một tiến trình theo thời gian.
Dưới thời Đức giáo hoàng Boniface
IV (608-615), Hoàng đế Đông Phương Phocas (r. 602-610) đã tặng một ngôi đền ở
Rome cho Giáo hội. Ngôi đền này được gọi là đền Pantheon, vốn được xây dựng vào
thế kỷ thứ I để thờ cúng và tôn vinh các vị thần Roma. Sau khi tiếp quản ngôi đền,
Đức giáo hoàng Boniface đã loại bỏ tất cả các bài trí ngoại giáo, tượng của các
vị thần, đồng thời di dời và chôn cất hài cốt của nhiều vị tử đạo Kitô giáo bên
dưới đền này. Sau đó, vào ngày 13. 5. 609, ngài đã thánh hiến và biến đền
Pantheon thành Thánh đường dâng kính Đức Mẹ và các Thánh Tử đạo (Sanctae Mariae and Martyrs). Từ đây,
ngày 13. 5 đã trở thành ngày lễ các Thánh Tử Đạo hằng năm trong 125 năm tiếp
theo.
Sau đó, vào ngày 1.11. 735, Đức
giáo hoàng Grêgôriô III (r. 731-741) thánh hiến một nhà nguyện nhỏ tại Vương
cung thánh đường Thánh Phêrô để lưu giữ Thánh tích của các Thánh Tông đồ, các
Thánh Tử đạo, và các Thánh không tử đạo. Vì thế, ngày 1. 11 trở thành ngày
chính thức để cử hành Lễ Các Thánh, ít nhất là đối với các nhà thờ ở Rôma, nên
lễ mừng Các Thánh vào ngày 13. 5 trước đây bị bãi bỏ. Các quốc gia và thành phố
khác bắt đầu cử hành lễ cùng ngày với các nhà thờ ở Rôma. Chẳng hạn như Thánh Bede (- 735) đã ghi lại lễ Các Thánh
vào ngày 1. 11 ở Anh, và một lễ kỷ niệm như vậy cũng tồn tại ở Salzburg. Áo.
Đến thế kỷ thứ IX, Đức giáo hoàng
Gregory IV (r. 827-844) đã ấn định ngày 1. 11 là ngày lễ Các Thánh trên toàn
Giáo hội Latinh và tuyên bố đây là ngày lễ buộc.
Vào thế kỷ XV, tuần Bát nhật đã
được Đức giáo hoàng Sixtus IV (r. 1471-1484) thêm vào, và tuần Bát nhật mừng lễ
Các Thánh là một phần của lịch Giáo hội cho đến khi bị bãi bỏ vào năm 1954.
Ngày nay, Lễ Các Thánh là ngày lễ
trọng, trong đó Giáo Hội hoàn vũ tôn kính các Thánh tử đạo và toàn thể các
Thánh, có nghĩa là Giáo hội mừng kính tất cả những ai đang hưởng hạnh phúc Nước
trời, dù được được biết đến hay không được biết đến.
2. Ngày cầu cho các tín hữu đã qua đời
Việc cầu nguyện cho những người
đã chết có nguồn gốc xa xưa. Trong Sách 2 Macabe, kể lại rằng, Giuda Macabe ra
lệnh cho quân đội cầu nguyện và dâng của lễ thay cho những người đồng đội của họ
đã hy sinh: “Ông Giuđa quyên tiền, và gửi
về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này
vì cho rằng người chết sẽ sống lại... dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết,
để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12, 43-46).
Trong những thế kỷ đầu, tên của
những tín hữu qua đời được dán trong Nhà thờ để cộng đoàn tưởng nhớ họ trong lời
cầu nguyện. Những ngôi mộ được tìm thấy trong các hang toại đạo Roma được khắc
những lời cầu nguyện dành cho người đã khuất.
Vào thế kỷ thứ VI, các Đan viện
Biển Đức đã tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm các thành viên đã qua đời tại
Whitsuntide vào những ngày sau Lễ Ngũ Tuần. Tại Tây Ban Nha, Thánh Isidore
(-636) chứng thực là có một lễ kỷ niệm vào thứ Bảy, 8 ngày trước Lễ Phục sinh.
Tại Pháp, Thánh Odilo (-1048), viện phụ Đan viện Biển Đức ở Cluny, khuyến khích
tất cả các đan sĩ cầu nguyện cho những tín hữu đã qua đời, và thiết lập ngày lễ
này vào 2. 11, ngay sau Ngày lễ Các Thánh, 1. 11. Dần dần, nhiều Dòng tu và Nhà
thờ khác cũng áp dụng việc cầu nguyện cho những tín hữu đã qua đời, là những
người đang chờ đợi hưởng hạnh phúc thiên đàng, được gọi là Lễ Các Linh hồn. Từ
đó, ngày 2. 11 hằng năm được dành để tưởng nhớ tất cả những tín hữu đã qua đời.
Nhiều phong tục cũng được phát
sinh trong ngày Lễ Các Linh hồn, trong đó phải kể đến việc các tu sĩ Dòng Đa
Minh, vào thế kỷ XV, đã đặt ra phong tục mỗi linh mục dâng 3 thánh lễ vào ngày
2. 11. Năm 1748, Đức giáo hoàng Benedict XIV đã chấp thuận thông lệ này, và việc
linh mục dâng 3 thánh lễ vào ngày Lễ Các Linh hồn nhanh chóng lan rộng khắp Tây
Ban Nha, Bồ Đào Nha và Mỹ Latinh.
Trong Chiến tranh thế giới thứ I,
nhận thấy số lượng đông người chết trong chiến tranh nhưng không thể cử hành
nhiều Thánh lễ được vì nhiều nhà thờ bị phá hủy, Đức giáo hoàng Benedict XV đã
cho phép tất cả các linh mục đặc quyền dâng 3 Thánh lễ vào Ngày Các Linh hồn với
3 ý lễ rõ ràng: một cho ý định cụ thể, một cho tất cả các tín hữu đã qua đời,
và một theo ý chỉ của Đức giáo hoàng.
Ngoài ra, cũng có một số phong tục
dành cho ngày Lễ Các Linh hồn như: xin Lễ cầu nguyện cho các linh hồn; đi viếng
nghĩa trang để lãnh ơn toàn xá dành cho các linh hồn; cử hành Thánh lễ tại
nghĩa trang…; Ở một số nơi, trong suốt tháng 11, các tín hữu thắp nến và trưng
bày ảnh của những người thân yêu qua đời năm đó trong nhà thờ; có nhiều giáo xứ
ghi tên những người đã khuất vào một cuốn sổ được gọi là Sách hằng sống, và đặt
trong nhà thờ để mọi người cùng hiệp thông cầu nguyện; Cũng có những nơi,
chuông nhà thờ thỉnh thoảng vang lên để nhắc nhở mọi người cầu nguyện cho các
linh hồn nơi luyện ngục…
***
Với đôi nét về ngày Lễ Các Thánh
và ngày Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, chắc hẳn chúng ta được nhắc nhở rằng:
- Trong mầu nhiệm Các Thánh thông
công, khi mừng Lễ Các Thánh- là những tín hữu đã hoàn tất cuộc đời trần thế và
đang hưởng hạnh phúc vĩnh cửu (Giáo hội khải hoàn)-, và cầu nguyện cho các linh
hồn trong luyện ngục- là những các tín hữu đã qua đời và đang chờ đợi để được
hưởng kiến Thiên Chúa (Giáo hội đau khổ)-, thì chúng ta, những tín hữu đang
trên hành trình dương thế (Giáo hội chiến đấu) một lần nữa xác tín rằng: chúng
ta cũng sẽ đạt tới đích điểm của mình là quê hương đích thực;
- Hành trình dẫn về Nước Trời
không phải chỉ có một lối mà là có muôn ngàn vạn nẻo, đủ để mỗi người có thể tự
do chọn lựa và bước đi trên đó. Hành trình ấy cũng không phải là hành trình đơn
độc, nơi mỗi người tự loay hoay để bước đi một mình, hoặc tự đắc là mình luôn
đúng đường. Nhưng đó là hành trình dẫn chúng ta đi trên con đường của Tin Mừng
mà chính Đức Giêsu đã đến để vạch ra, để đi trước, và để dẫn tất cả chúng ta
cùng nhau đến đích;
- Việc tưởng nhớ và cầu nguyện
cho các tín hữu đã qua đời gắn liền với niềm tin của chúng ta vào Mầu nhiệm Sự
sống. Vẫn biết rằng, cái chết là sự thật nghiệt ngã nhất, đớn đau nhất, bấp
bênh nhất. Vì chẳng ai trong chúng ta, dù già hay trẻ, dù sang hay hèn, dù khỏe
hay đau, dù sướng hay khổ, dù tài hay dở… có thể tránh né được điểm cuối của cuộc
đời mình là cái chết. Nhưng vì có Mầu nhiệm Sự sống, nên cái chết không phải là
tận cùng, vì bên kia của cái chết là chính cuộc sống vĩnh cửu, nơi mà Đức Kitô
đã trải qua, đã dọn sẵn, và đang chờ đợi từng người chúng ta.
Và, như có ai đó đã từng nói: Nếu
không biết sống, thì cũng chẳng biết chết, mà không biết chết, thì cũng chẳng
biết thế nào là sự sống vĩnh cửu! Xin cho chúng ta biết mở lòng để tập sống, tập
chết mỗi ngày như Đức Giêsu, để có được Sự sống từ chính Cung lòng Thiên Chúa,
nơi mà Con Một Ngài đã phát xuất và trở về, và đến lượt mình, chúng ta cũng vậy!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: simplycatholic.com; và catholiceducation.org