ĐÔI NÉT VỀ MÙA VỌNG
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
WHĐ (30.11.2023) – Mùa Vọng đánh dấu sự khởi đầu Năm Phụng vụ mới
của Giáo hội, đây cũng
là mùa phụng vụ được cử hành trước và chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. Đồng thời, đây cũng là mùa hy vọng, chờ đợi, và hướng tới cuộc quang lâm lần thứ hai của Đức Kitô. Sau đây là đôi nét về Mùa Vọng như một
cách giúp chúng ta chuẩn bị bước vào Mùa Vọng.
1. Mục đích của Mùa
Vọng
Thánh Gioan Tẩy Giả
cho chúng ta hình ảnh rõ nét
của Mùa Vọng khi nói rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến” (Lc 3, 16). Trong Mùa Vọng, chúng ta được mời gọi chuẩn bị, sẵn
sàng, và chờ đợi Chúa Giêsu đến trong cuộc đời chúng ta giống như Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng và các đạo
sĩ đã làm.
Mùa Vọng là một mùa
trong lịch phụng vụ của Giáo hội. Theo Quy chế tổng quát về Năm Phụng vụ và Lịch Chung Rôma (QCTQ):
Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng sinh,
trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa
là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến
lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, mùa Vọng được coi như mùa sốt
sắng và hân hoan mong đợi. [số 39].
Từ “Mùa Vọng” (Advent) có nguồn gốc từ adventus trong tiếng Latin, có nghĩa là “đang đến” hoặc “đến”, và được dùng để nói đến sự xuất hiện của Chúa Giêsu vào ngày lễ Giáng sinh. Thánh Jerome, khi soạn bản Vulgate bằng tiếng Latinh, cũng dùng từ adventus khi dịch từ parousia trong tiếng Hy Lạp, vốn có nghĩa tương tự, nhưng trong ngữ cảnh rộng hơn, ám chỉ việc Chúa Giêsu đến lần thứ hai vào thời sau hết.
Sách Giáo lý Công giáo, 524 xác
nhận ý nghĩa kép này:
Mỗi năm khi cử hành phụng vụ Mùa Vọng, Giáo hội thể hiện lại niềm mong đợi Đấng Mêsia: khi hiệp thông với sự chuẩn bị
lâu dài để đón Đấng Cứu độ ngự đến lần thứ nhất, các tín hữu canh tân lòng sốt
sắng đón chờ Người ngự đến lần thứ hai.
Lịch sử của Mùa Vọng được cho là bắt nguồn từ thế kỷ thứ IV hoặc thứ V, một thời gian ngắn sau ngày Lễ
Giáng Sinh được thiết lập và
mau chóng trở
thành giai đoạn chuẩn bị mừng
Lễ Giáng Sinh giống như Mùa Chay đối
với Lễ Phục Sinh.
Thoạt đầu, Mùa Vọng kéo dài 30-40 ngày và bao gồm những ngày bắt buộc phải ăn
chay. Đến thế kỷ thứ VI, việc giữ Mùa Vọng được thâm nhập
vào Giáo hội Roma, và vào khoảng thế
kỷ thứ IX, thời gian Mùa Vọng được giảm xuống còn 4 Chúa nhật trước lễ Giáng
sinh.
2. Màu sắc phụng vụ
và Thời gian của Mùa Vọng
Theo QCTQ, 40: Mùa Vọng bắt đầu từ giờ Kinh Chiều I ngày Chúa
nhật nhằm ngày 30.11, hoặc nhằm ngày nào gần nhất, và kết thúc
trước giờ Kinh Chiều I lễ Chúa Giáng sinh.
Điều này có nghĩa là Chúa
nhật thứ I Mùa Vọng có thể sớm nhất là vào ngày
27.11 hoặc muộn nhất là vào ngày
mồng 03.12. Chúa
nhật thứ IV Mùa Vọng có thể sớm nhất là vào ngày 18.12,
một tuần trước lễ Giáng sinh,
hoặc muộn nhất là vào ngày 24.12.
Theo Quy
chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, 346d: Màu phụng vụ chính thức của Mùa Vọng là màu
tím. Màu hồng có thể dùng trong Chúa nhật III mùa Vọng, theo
truyền thống được gọi là Chúa nhật Hãy vui lên (Gaudete Sunday)
3. Vai trò của các Chúa Nhật trong Mùa Vọng
Hiện nay, lịch Phụng vụ có 4 Chúa Nhật Mùa Vọng, và được gọi là Chúa nhật I, II, III và IV Mùa Vọng (QCTQ, 41). Giáo hội luôn coi những ngày Chúa nhật có tầm quan trọng đặc biệt và chỉ nhường chỗ cho các lễ trọng và các ngày lễ kính Chúa. Nhưng các Chúa nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh chiếm vị trí ưu tiên trên mọi lễ kính Chúa và mọi lễ trọng. Khi gặp các Chúa nhật này, các lễ trọng sẽ mừng vào ngày thứ hai, trừ phi các lễ đó trùng với Chúa nhật Lễ Lá hay Chúa nhật Phục sinh (QCTQ, 5). Ngoài ra, cũng không thể cử hành Thánh lễ An táng vào các Chúa Nhật Mùa Vọng (Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, 380).
4. Các Bài Đọc Phụng vụ trong các Chúa nhật Mùa Vọng
Mỗi Chúa nhật trong
Mùa Vọng đều có những bài đọc với những điểm nhấn riêng:
- Chúa nhật I Mùa Vọng: Các bài đọc hướng tới “Thời kỳ cuối cùng”
và “Ngày của Chúa” hay “Thời của Đấng Mêsia” sắp đến. Bài Tin
Mừng là một đoạn trích từ Bài giảng mang tính Khải Huyền của Chúa
Giêsu trong Tin Mừng Nhất Lãm.
- Chúa nhật II Mùa Vọng: Bài Tin Mừng tập trung vào việc rao giảng và sứ vụ của Thánh Gioan Tẩy
Giả, với tư cách là vị tiền hô, người đã đến để “dọn đường cho Chúa” bằng
việc kêu gọi dân chúng sám hối,
quay về với Thiên Chúa.
- Chúa nhật III Mùa Vọng: Bài Tin Mừng tiếp tục tập trung vào Thánh Gioan Tẩy
Giả, người giới thiệu về Đấng sẽ đến sau ông. Trong
khi đó, các bài đọc I và II truyền
tải niềm vui mà các Kitô hữu cảm nhận trước ơn cứu độ thế giới qua sự Nhập
thể của Đấng Cứu Thế.
- Chúa nhật IV Mùa Vọng: Bài Tin Mừng kể về những biến cố xảy ra trước và
chuẩn bị cho việc giáng sinh của Chúa Giêsu, bao gồm những giấc
mơ của Thánh Giuse (Năm A), Truyền Tin (Năm B) và Đức Maria thăm viếng bà Elizabeth
(Năm C).
5. Các Bài Đọc Phụng vụ các ngày trong tuần Mùa Vọng
Trên thực tế có 2 bộ Bài đọc các ngày trong tuần cho Mùa Vọng:
- Các Bài đọc các ngày trong tuần từ Thứ hai tuần I Mùa Vọng đến ngày 16.12: Các bài đọc I chủ
yếu lấy từ sách Ngôn sứ Isaia, còn các bài Tin Mừng được
trích từ các chương khác nhau trong Thánh Matthêu và Thánh Luca.
- Các Bài đọc các ngày trong tuần từ ngày 17 đến ngày 24.12: Nhằm tập trung vào việc chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh, do đó, các bài đọc I được chọn theo chủ đề từ các sách khác nhau của Cựu Ước, còn các bài đọc Tin Mừng lần lượt bao gồm tất cả các bài đọc của Mátthêu chương 1 và Luca chương 1.
6. Việc Trang trí và Âm nhạc trong
Phụng vụ vào Mùa Vọng
Theo Quy
Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma:
- Trong mùa Vọng, hãy chưng bông bàn thờ cách chừng mực, cho hợp với
tính chất của mùa này, kẻo vượt quá niềm vui trọn vẹn của ngày Chúa Giáng sinh. Luôn phải giữ chừng mực trong việc chưng bông và nên đặt bông chung
quanh bàn thờ hơn là trên bàn thờ. (x. số 305).
- Mùa Vọng được dùng phong cầm và các nhạc cụ khác cách vừa phải, hợp với
tính chất của mùa này, nhưng sao đừng vượt quá niềm vui trọn vẹn của ngày Chúa
giáng sinh (số 315).
7. Vòng hoa Mùa Vọng
Một trong những biểu tượng và truyền thống gắn liền với Mùa Vọng đó là Vòng hoa Mùa Vọng (Advent wreath).
Việc sử dụng vòng hoa
để xác định điều gì đó hoặc ai đó là đặc biệt đã có từ thời Hy Lạp và La Mã cổ
đại. Các vị vua và hoàng hậu đôi khi đội vòng hoa để thể hiện vị thế của mình; nhiều hình ảnh của Caesar cho thấy ông đang đội một vòng hoa.
Các vị tướng La Mã khi chiến thắng được đội vòng hoa để biểu thị chiến
thắng trong trận chiến.
Vòng hoa Mùa Vọng
có nguồn gốc từ truyền thống ngoại giáo ở châu Âu, bao gồm việc thắp nến trong
mùa đông để cầu xin thần mặt trời quay trở lại với ánh sáng và hơi ấm của mình.
Các nhà thừa sai đã lợi dụng truyền thống này để dạy tín hữu sử dụng vòng hoa
Mùa Vọng như một cách để chuẩn bị cho ngày lễ Giáng sinh và cầu xin Chúa Giêsu soi
chiếu ánh sáng của Người vào tâm hồn họ.
Vòng hoa Mùa Vọng
có dạng tròn, không có điểm bắt đầu cũng như không có điểm kết thúc. Điều này không
chỉ phản ánh sự vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng vừa là khởi nguyên vừa là cùng tận
mà còn là dấu chỉ của tình yêu mà các tín hữu phải thể hiện với Chúa và tha
nhân, một tình yêu được đổi mới liên tục và không ngừng nghỉ.
Theo truyền thống, vòng hoa Mùa Vọng được kết bằng một số loại cây thường
xanh (evergreens), tượng trưng cho niềm hy vọng và sự sống. Vòng hoa Mùa Vọng nhắc nhở
chúng ta rằng Chúa Kitô đang sống giữa chúng ta và chúng ta phải nuôi dưỡng đời
sống ân sủng, lớn lên về đàng thiêng liêng, và hy vọng tiến bước. Một số nơi trang trí thêm
quả thông hoặc lá nhựa ruồi với những đầu nhọn hoặc có gai, nhắc nhớ về
vòng gai trên đầu Đức Kitô. Kitô hữu ở thế kỷ XIX,
đặc biệt là ở nước Đức, đã mang vòng hoa Mùa Vọng vào nhà mình như
một phần của Mùa Vọng, và trang trí với những cây nến sáng.
Tại nhiều nơi, Vòng hoa Mùa Vọng trong đó có cắm 4 cây nến, tượng trưng cho 4 tuần Mùa Vọng, được làm phép theo nghi thức khi bắt đầu phụng vụ đầu tiên vào Chúa nhật
I Mùa Vọng.
Việc thắp sáng dần dần
những ngọn nến: 1 ngọn nến màu tím trong tuần thứ I; 2 ngọn nến trong tuần thứ II, mời
gọi chúng ta cầu nguyện, sám hối và làm việc lành trong khi chờ đợi Chúa đến; 3 ngọn nến, bao gồm ngọn màu hồng, trong tuần thứ III nói lên sự vui mừng, vì đã đến giữa Mùa Vọng; và cả 4 ngọn nến trong tuần
thứ IV cho thấy lễ Giáng sinh đang đến gần, ngày kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng đến chiếu soi thế giới tăm tối.
Một số truyền thống
Kitô giáo mặc cho từng cây nến ý nghĩa biểu tượng riêng:
1) Ngọn nến Ngôn sứ (Prophet's Candle), tượng trưng cho Niềm Hy Vọng: Các ngôn sứ trong Cựu Ước, đặc biệt là Isaia, đã chờ đợi Đấng Messia đến
trong hy vọng.
2) Ngọn nến Bêlem (Bethlehem Candle), tượng trưng cho Niềm Tin: Ngôn
sứ Mica đã báo trước rằng Đấng Mêsia sẽ sinh ra tại Belem, cũng là nơi sinh
của Vua Đavít;
3) Ngọn nến Mục đồng (Shepherd's Candle), tượng trưng cho Niềm vui: Trước
niềm vui mừng khôn xiết của các mục đồng, các thiên thần đã loan báo rằng Chúa
Giêsu cũng đến để cứu những người khiêm nhường, tầm thường như họ.
4) Ngọn nến Thiên thần (Angel's Candle), tượng trưng cho Bình an: Các
thiên thần loan báo rằng Chúa Giêsu đến để mang lại bình an, để
một lần nữa đưa con người đến gần Thiên Chúa và đến gần nhau.
Ngoài ra, ngọn nến Chúa Kitô (Christ's Candle): là một
ngọn nến trắng đôi khi được thắp vào đêm Giáng sinh hoặc ngày lễ Giáng
sinh như là dấu chỉ của việc Chúa Giêsu ở cùng chúng ta.
***
Dù chúng ta bước vào Mùa Vọng với
tâm thế nào. Dù chúng ta chọn
cách sống Mùa Vọng ra sao, thì Mùa Vọng luôn là thời điểm giúp chúng ta nhớ mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa, Đấng đã bước vào lịch sử, bước vào thế giới đen tối, tan vỡ khi được sinh ra tại Belem cách đây 2000; thì Mùa Vọng luôn phải là thời điểm giúp chúng ta xác
tín rằng Đức Kitô vẫn đang tiếp tục khôi phục ánh sáng, bình an và sự sống trong ân sủng của Thánh Thần. Và nhất là, thì Mùa Vọng luôn phải là thời điểm giúp chúng ta chuẩn bị,
tin tưởng và hy vọng trên hành trình đón gặp Đức Kitô, khi Người trở lại trong
vinh quang, kết thúc lịch sử, và đưa nhân loại tới sự viên mãn
trong tình yêu.
Với những tâm tình
này, chúng ta cùng nhau hân hoan bước vào Mùa Vọng.
Theo: thepriest.com (15. 11. 2023) ; usccb.org ; ncregister.com (24. 11. 2021) và catholic-resources.org