WHĐ (17.09.2023) Hôm 14.09 tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho các tham dự viên Hội thảo Đại kết về Thánh Phaolô lần thứ XXVI buổi tiếp kiến riêng.

Dưới đây là nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha:


DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN HỘI THẢO ĐẠI KẾT VỀ THÁNH PHAOLÔ LẦN THỨ XXVI

Thứ Năm, ngày 14.09.2023

Thưa Đức Viện phụ, quý giáo sư lỗi lạc, quý học giả thân mến, xin chào mọi người buổi sáng tốt đẹp!

Tôi xin cám ơn vì chuyến viếng thăm, khi quý vị quy tụ ngay tại Rôma, trong khung cảnh lộng lẫy của Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, để tham dự Hội thảo Đại kết về Thánh Phaolô.

Sáng kiến này, được đưa ra ngay sau Công đồng Vatican II do một nhóm học giả đến từ hàng chục quốc gia và truyền thống Kitô khác nhau, hiện đã bước sang năm thứ XXVI. Do đó, quý vị có thể tự hào về một hành trình học tập và nghiên cứu đầy nhiệt huyết, nhờ chuyên môn và sự nhiệt tình của quý vị, đã góp phần vào sự hiểu biết về Kinh thánh và linh đạo trong các Thư của Thánh Tông đồ dân ngoại. Điều này càng quan trọng hơn vì các cuộc thảo luận diễn ra giữa các hệ phái Kitô khác nhau, và chính quý vị, những học giả sayThánh Phaolô, đến từ nhiều quốc gia, mang theo nơi mình không chỉ tính đặc thù của những nghiên cứu, mà còn cả nét độc đáo của nền văn hóa cội nguồn và đời sống đức tin của các cộng đồng Kitô mà quý vị thuộc về.

Tôi có thể nói rằng đây là sự đóng góp to lớn của Hội thảo: cuộc gặp gỡ giữa các Kitô hữu tuy rất đa dạng nhưng vẫn hiệp nhất nhờ sự khôn ngoan trong giáo huấn của Thánh Phaolô; một cuộc đối thoại giữa những điểm khởi đầu khác nhau để tìm ra điểm chung, bắt nguồn từ Kinh Thánh. Từ đó, cũng với sự đối chiếu về chú giải và mang tính học thuật chặt chẽ, tìm thấy trọng tâm của các bản văn trong bối cảnh cầu nguyện và tâm linh, để nêu bật vẻ đẹp và tầm quan trọng của các thư Thánh Tông Đồ đối với đời sống Kitô hữu và Giáo hội.

Vì thế, sáng kiến của quý vị có tính can đảmngôn sứ. Can đảm để vượt qua những rào cản phòng thủ, vốn thường nảy sinh khi chúng ta được mời gọi gặp gỡ người khác. Và càng đúng hơn khi người khác có truyền thống khác với chúng ta. Và tiếp đến là tính ngôn sứ đại kết, là sự thiếu kiên nhẫn lành mạnh của Thần Khí” mà tất cả các Kitô hữu chúng ta được mời gọi thực hiện, để hành trình hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn có thể tiến triển và cam kết làm chứng tá không bị suy yếu. Nếu trong suốt lịch sử, sự chia rẽ là nguồn gốc của đau khổ, thì ngày nay chúng ta phải dấn thân đảo ngược xu hướng này, tiến bước trên những lộ trình hiệp nhất và huynh đệ, bắt đầu bằng việc cầu nguyện, học hỏi, và làm việc cùng nhau.


Mong muốn tìm hiểu sâu hơn về các Thư của Thánh Tông đồ, nhận thức sâu sắc từ những nghiên cứu của quý vị, và giá trị của những đóng góp mà quý vị đang trao đổi sau đó sẽ cho xuất bản, năm nay tất cả đều tập trung vào các chương 9-11 của Thư gửi tín hữu Rôma.

Ở đây chúng ta thấy một sự trình bày phi thường về mầu nhiệm cứu độ, đặt các hồng ân và lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho dân Israel, mà Thánh Tông Đồ diễn tả là “không hề đổi ý” (Rm 11, 29), trong mối tương quan, và do đó, trong cuộc đối thoại, với niềm hy vọng của Phúc Âm. Thánh Tông Đồ trao cho chúng ta một sứ điệp có tầm quan trọng căn bản, điều vẫn luôn là nền tảng không chỉ giúp đào sâu việc nghiên cứu Kinh Thánh mà còn tiếp tục thúc đẩy cuộc đối thoại đại kết: Thiên Chúa không quên những lời hứa cứu độ của Ngài và kiên nhẫn thực hiện những lời hứa ấy, thậm chí bằng những cách bất ngờ và đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, điều chắc chắn cơ bản là “các tín hữu có thể trông cậy vào lòng thương xót và những lời hứa của Thiên Chúa. Ngay cả trong sự yếu đuối của chính họ cũng như trong vô số mối đe dọa gây nguy hiểm cho đức tin, họ có thể tin tưởng nhờ vào sức mạnh của cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, và nhờ vào lời hứa hữu hiệu về ân sủng của Thiên Chúa” (Tuyên bố chung về Học thuyết Công chính hóa giữa Giáo hội Công giáo và Liên đoàn Thế giới Lutheran, số 34).


Các bạn thân mến, chính trên nền tảng hy vọng này mà tôi mong muốn hỗ trợ công việc cao quý của các bạn. Thật tuyệt vời khi các bạn tiếp tục đối thoại về mặt học thuật, Kinh Thánh, tâm linh và huynh đệ, đồng thời phát huy những kho tàng sáng tạo phong phú mà mỗi người trong các bạn mang lại. Xin hãy tiếp tục việc nghiên cứu Kinh Thánh một cách nghiêm túc và chuyên môn, nhưng trên hết, các bạn cũng hãy ngạc nhiên trước vô số nguồn mạch thiêng liêng chứa đựng trong các Thư của Thánh Phaolô, để cống hiến cho các cộng đoàn Kitô hữu những “lời mới”, có thể truyền đạt lòng từ bi thương xót của Chúa Cha, sự mới mẻ của ơn cứu độ của Đức Kitô, và niềm hy vọng đổi mới của Thánh Thần. Qua công việc thường vất vả và âm thầm của quý vị, chớ gì tinh thần đại kết, tinh thần đối thoại, và tình huynh đệ hỗ trợ cho hành trình chung trong việc tìm kiếm Chúa có thể phát triển giữa các tín hữu.

Cuộc hành trình đại kết. Có lần người ta hỏi một nhà thần học Chính thống vĩ đại câu hỏi sau: Ngài nghĩ gì về sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu; nó đang tiến triển ra sao; khi nào thì đến lúc đạt được sự hiệp nhất trọn vẹn?” Và nhà thần học tuyệt vời này, người mới qua đời cách đây vài tháng, đã nói: “Tôi biết khi nào sẽ đạt được sự hiệp nhất trọn vẹn: ngay sau ngày phán xét cuối cùng!” Điều này không làm mất đi niềm hy vọng của chúng ta. Trong khi chờ đợi, chúng ta phải cùng nhau bước đi, cùng nhau cầu nguyện, và cùng nhau làm việc. Đại kết đích thực được hiện thực trên một cuộc hành trình. Chúng ta đừng sợ bước đi với người khác và tin tưởng họ. Khi nói đến việc phục vụ: hãy phục vụ người nghèo, nâng đỡ các cộng đồng Kitô và cả không Kitô. Bước đi và phục vụ: hãy tiến về phía trước theo cách này.

Xin cảm ơn vì tất cả những gì quý vị đang thực hiện và vì công trình của những ngày này. Tôi sẽ nhớ đến quý vị trong lời cầu nguyện, và xin quý vị cũng cầu nguyện cho tôi. Và giờ đây, tôi xin mời mọi người cùng nhau cầu nguyện Kinh Lạy Cha, mỗi người bằng ngôn ngữ riêng của mình.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (14. 09. 2023)