WHĐ (28.08.2023)Sáng hôm 26.08, tại Điện Tông Tòa Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Cuộc họp Thường niên lần thứ XIV của Mạng lưới các nhà Lập pháp Công giáo quốc tế (International Catholic Legislators’ Network - ICLN), với chủ đề: “Cuộc đấu tranh giữa các quyền lực lớn, chiếm hữu doanh nghiệp và kỹ trị: Câu trả lời mang tính Kitô đối với các xu hướng phi nhân tính”.


ICLN là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2010 nhằm giáo dục, trao quyền và kết nối một thế hệ lãnh đạo Kitô mới đang phục vụ tại các cơ quan công quyền, bất kể đảng phái chính trị, bằng việc cung cấp cho họ sự đào tạo về phương diện tâm linh và giáocũng như những cơ hội kết nối toàn cầu.

ICLN cũng tham gia vào việc giúp xây dựng cầu nối giữa các nhà lãnh đạo chính trị, các quốc gia, các tổ chức phi lợi nhuận, và các Giáo hội trong một thế giới đang chìm trong khủng hoảng.

Dưới đây là nội dung diễn văn chào mừng của Đức Thánh Cha:



DIỄN VĂN CHÀO MỪNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP THƯỜNG NIÊN LẦN THỨ XIV
CỦA MẠNG LƯỚI CÁC NHÀ LẬP PHÁP CÔNG GIÁO QUỐC TẾ

Thứ Bảy, ngày 26. 08. 2023

Kính thưa Đức Hồng y,
Thưa quý vị,
Xin chào mừng Anh chị em thân mến trong Đức Kitô!

Tôi hân hoan chào đón anh chị em nhân Cuộc họp Thường niên lần thứ XIV tại Frascati. Tôi cảm ơn anh chị em đã ghé thăm, và bày tỏ lòng biết ơn vì những lời sâu sắc ngài Chủ tịch dành cho tôi.

Chủ đề mà anh chị em chọn cho cuộc họp năm nay, “Cuộc đấu tranh giữa các quyền lực lớn, chiếm hữu doanh nghiệp và kỹ trị: Câu trả lời mang tính Kitô đối với các xu hướng phi nhân tính, đề cập đến những khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Thật vậy, hiện nay “mô hình kỹ trị thống trị” (dominant technocratic paradigm) đặt ra những vấn nạn sâu sắc về “vị trí con người và hoạt động của họ trong thế giới” (Thông điệp Laudato Si’, 101).


Chắc chắn một trong những khía cạnh đáng quan ngại nhất của mô hình này, với tác động tiêu cực của nó đối với con người cũng như đối với hệ sinh thái tự nhiên, chính là sự quyến rũ tinh vi của nó đối với tinh thần con người, nó ru ngủ con người – và nhất là giới trẻ - lạm dụng quyền tự do của mình. Chúng ta thấy điều này khi cả nam lẫn nữ đều được khuyến khích thực hiện quyền kiểm soát, thay vì quảncó trách nhiệm những “đối tượng” vật chất hoặc kinh tế, các tài nguyên thiên nhiên của ngôi nhà chung của chúng ta, hoặc ngay cả của nhau. Sự đối tượng hoá như thế, cuối cùng tác động tiêu cực đến những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, có thể diễn ra trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua những lựa chọn hằng ngày tuy có vẻ trung lập nhưng “trong thực tế lại là những quyết định liên quan đến loại hình xã hội mà chúng ta muốn xây dựng” (Thông điệp Laudato Si', 107).


Khi anh chị em tìm cách trả lời cho vấn nạn này và nhiều thách thức liên quan đến nó, bằng việc cổ võ giáo huấn xã hội Công giáo – đặc biệt là tính trung tâm của giá trị và phẩm giá mà chính Thiên Chúa ban tặng cho mỗi con người – tôi muốn thừa nhận rằng chính cơ cấu tổ chức của anh chị em có thể đưa ra một hệ quy chiếu hữu ích, vì anh chị em là một mạng lưới quốc tế và anh chị em mô tả mục tiêu của mình là tìm cách “kết nối trong tình thân hữu một thế hệ mới các nhà lãnh đạo Kitô can đảm”.


Mục tiêu của mạng lưới nào cũng là để “kết nối” mọi người, giúp họ nhận thức được rằng họ thuộc về một điều gì đó lớn hơn chính họ. Thật vậy, đây là mục tiêu mà nhiều nền tảng truyền thông xã hội đã tuyên bố và chắc chắn có nhiều điều tốt đẹp được thực hiện thông qua các phương tiện truyền thông này. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải cảnh giác, vì thật đáng buồn, là trong số những kênh truyền thông này, có nhiều xu hướng “phi nhân tính” do kỹ trị gây ra, chẳng hạn như việc cố tình phổ biến thông tin sai lệch về con người – tin giả, kích động thái độ thù hận và chia rẽ – tuyên truyền “đảng phái” và giảm lược các mối tương quan giữa con người với nhau thành những thuật toán đơn thuần, chưa kể đến việc nuôi dưỡng những cảm thức sai lầm về sự thuộc về, nhất là ở giới trẻ, điều này có thể dẫn đến sự cô lập và cô đơn. Việc lạm dụng các cuộc gặp gỡ ảo một cách méo mó này chỉ có thể được khắc phục bằng một nền văn hóa gặp gỡ đích thực, vốn bao hàm lời kêu gọi tôn trọng và lắng nghe nhau cách triệt để, ngay cả đối với những người có quan điểm rất khác biệt với chúng ta. Ngay ở điểm này, mạng lưới của anh chị em cũng có thể đưa ra một ví dụ, bởi chưng anh chị em đang cố gắng thu hút mọi người từ khắp nơi trên thế giới gặp gỡ nhau một cách chân thành.

Tuy nhiên, việc kết nối mạng không chỉ có nghĩa là kết nối mọi người lại với nhau; mà còn có nghĩa là cho phép họ hợp tác để đạt được mục tiêu chung. Chúng ta có thể nghĩ đến các môn đệ đầu tiên, được Chúa Giêsu mời gọi cùng nhau thả lưới để đánh được một mẻ cá lớn (x. Lc 5, 1-11); và chúng ta có thể mô tả mạng lưới như là những công cụ được sử dụng theo cách thế chung để hiện thực hóa mục tiêu chung.


Hai khía cạnh thiết yếu này – kết nối mọi người và mục tiêu chung – mô tả đặc điểm công việc của anh chị em đồng thời phản ánh chính đời sống của Giáo hội, Dân Chúa được mời gọi sống cả sự hiệp thông lẫn sứ mạng. Chính hai yếu tố này, một “hướng tâm” và một “ly tâm” của đời sống Kitô hữu, được sức mạnh của Chúa Thánh Thần nâng đỡ, hiệp nhất mọi người với nhau trong tình hiệp thông huynh đệ đồng thời hướng họ ra bên ngoài, trong sứ mạng chung là vui mừng loan báo Tin Mừng. Như vậy, một mạng lưới Kitô đích thực tự nó đã là câu trả lời cho “các xu hướng phi nhân tính”, bởi vì mạng lưới này không chỉ hướng tới những sự thật mang tính giải thoát cuộc sống con người, mà còn tìm cách biến những sự thật này thành những khuôn mẫu cho bối cảnh hoạt động của con người. Do đó, bằng việc duy trì một mạng lưới Công giáo quốc tế đích thực, anh chị em sẽ thể hiện một cách đáng tin về một giải pháp thay thế cho chế độ chuyên chế kỹ trị, vốn lôi kéo anh chị em của chúng ta chỉ biết chiếm đoạt các nguồn tài nguyên thiên nhiên lẫn bản chất của con người, đồng thời làm suy giảm khả năng đưa ra quyết định và sống cuộc sống tự do đích thực của họ (x. Thông điệp Laudato Si', 108).


Tôi nguyện xin Chúa Thánh Thần truyền cảm hứng và hướng dẫn những nỗ lực của anh chị em trong việc hình thành một thế hệ lãnh đạo mới, những nhà lãnh đạo Công giáo được đào tạo bài bản và trung thành, tận tâm cổgiáo huấn xã hội và đạo đức của Giáo hội trong lãnh vực công cộng. Được như thế, chắc chắn anh chị em sẽ góp phần vào việc xây dựng vương quốc của Thiên Chúa.

Xin Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc gìn giữ anh chị em, và xin Thiên Chúa Toàn năng chúc lành cho những nỗ lực của anh chị em và làm cho những nỗ lực ấy sinh hoa kết trái. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (26.08.2023)