DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
NHÂN CUỘC GẶP GỠ LẦN THỨ IV CỦA HIỆP HỘI CÁC GIA ĐÌNH Ý VỀ TỶ LỆ SINH
Thính phòng Hòa giải
Thứ Sáu, ngày mồng 10 tháng 05 năm 2024
Thưa quý cơ quan chức năng,
Thưa quý Đại diện của xã hội dân sự,
Anh chị em, các bạn trẻ và trẻ em thân mến, xin chào anh chị em!
Vỗ tay là tốt khi ai đó nói “xin chào”, vì chúng ta thường ít chào hỏi nhau. Tiếng vỗ tay khi nói “xin chào" thật tuyệt vời. Và xin cảm ơn Gianluigi và những người thực hiện sáng kiến này. Tôi rất vui được gặp lại anh chị em, vì như anh chị em đã biết, tôi luôn canh cánh trong lòng về vấn đề tỷ lệ sinh. Thật vậy, mỗi đứa trẻ là một món quà nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa tin tưởng nhân loại, như khẩu hiệu “Hiện diện ở đó, càng có người trẻ, càng có tương lai”. Việc chúng ta “Hiện diện ở đó” không phải là kết quả của sự ngẫu nhiên: Thiên Chúa muốn chúng ta, Ngài có một kế hoạch cao quý và độc đáo cho mỗi người chúng ta, không ai bị loại trừ. Từ góc độ này, điều quan trọng là phải gặp gỡ và cùng nhau hợp tác để thúc đẩy tỷ lệ sinh bằng tính thực tế, tầm nhìn xa và lòng dũng cảm. Và tôi muốn suy tư một chút về ba từ khoá này.
Trước hết, tính thực tế. Trước đây không thiếu những nghiên cứu và học thuyết cảnh báo về số lượng cư dân trên trái đất, bởi việc sinh quá nhiều con sẽ tạo ra sự mất cân bằng kinh tế, thiếu nguồn tài nguyên, và ô nhiễm. Tôi luôn bị đau đớn bởi cách mà những học thuyết hiện đã lỗi thời này nói về con người như thể họ là những vấn đề. Nhưng sự sống con người không phải là một vấn đề, mà là một món quà. Và gốc rễ của tình trạng ô nhiễm và nạn đói trên thế giới không phải là những đứa trẻ được sinh mà là sự lựa chọn của những người chỉ nghĩ đến bản thân mình, sự điên cuồng của một thứ chủ nghĩa vật chất tràn lan, mù quáng và buông thả, của một thứ chủ nghĩa tiêu thụ, giống như một loại virus xấu xa, làm xói mòn tận gốc rễ sự tồn tại của con người và xã hội. Vấn đề không phải là có bao nhiêu người trên thế giới, mà là chúng ta đang xây dựng loại thế giới nào; không phải con cái mà là sự ích kỷ đã tạo ra những bất công và cơ cấu tội lỗi, đến mức dệt nên những sự phụ thuộc lẫn nhau không lành mạnh giữa các hệ thống xã hội, kinh tế và chính trị [1]. Tính ích kỷ khiến chúng ta bị điếc trước tiếng Chúa, Đấng yêu thương trước và dạy chúng ta yêu thương như thế nào, cũng như bị điếc trước tiếng nói của anh chị em bên cạnh chúng ta; tính ích kỷ làm tê liệt con tim khiến chúng ta sống dựa vào đồ vật mà không biết tại sao; tính ích kỷ xúi giục chúng ta kiếm nhiều của cải, nhưng lại không biết làm việc thiện. Và những ngôi nhà chứa đầy đồ đạc nhưng không có trẻ em, trở thành những nơi rất buồn tẻ (x. Bài giảng Thánh lễ cho cộng đồng Congo, 01.12.2019). Không thiếu chó, mèo… nhưng thiếu vắng trẻ em. Vấn đề của thế giới chúng ta không phải là những đứa trẻ được sinh ra: mà là sự ích kỷ, chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân, khiến con người cảm thấy bão hoà, cô đơn, và bất hạnh.
Tỷ lệ sinh là dấu chỉ đầu tiên cho thấy niềm hy vọng của một dân tộc. Không có trẻ em và người trẻ, một đất nước sẽ mất đi khát vọng về tương lai. Tại Ý chẳng hạn, độ tuổi trung bình hiện nay là 47, trong khi một số nước Trung Âu có độ tuổi trung bình là 24, và những kỷ lục tiêu cực mới tiếp tục được thiết lập. Thật đáng tiếc, nếu dựa vào dữ liệu này, chúng ta buộc phải nói rằng nước Ý đang dần đánh mất hy vọng vào tương lai, giống như những quốc gia còn lại của Châu Âu: Lục địa Già (Old Continent) đang ngày càng biến thành một lục địa già cỗi, mệt mỏi và cam chịu, bị cuốn vào bóng ma của sự cô đơn và thống khổ đến nỗi không còn biết tận hưởng vẻ đẹp đích thực của cuộc sống trong nền văn minh cho đi.
Dù đã nói nhiều và nỗ lực nhiều nhưng chúng ta vẫn không thể xoay chuyển được tình thế. Tại sao vậy? Tại sao chúng ta không thể ngăn chặn sự xuất huyết sự sống này?
Và có một thực tế mà một học giả về nhân khẩu học đã nói với tôi. Hiện nay, khoản đầu tư mang lại thu nhập cao nhất đó là sản xuất vũ khí và các biện pháp tránh thai. Một bên thì hủy diệt sự sống còn bên kia thì ngăn cản sự sống. Và đây là những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất. Vậy thì liệu chúng ta có thể mong đợi một tương lai nào? Thật là tồi tệ. Vấn đề rất phức tạp, nhưng điều này không thể và không được trở thành cái cớ để thoái thác cho việc không giải quyết nó.
Cần có tầm nhìn xa, đó là từ khóa thứ hai. Ở cấp độ thể chế, cần có những chính sách hiệu quả, những lựa chọn dũng cảm, cụ thể và lâu dài để gieo hạt hôm nay hầu con cháu có thể gặt hái vào ngày mai. Cần phải có sự cam kết lớn hơn nữa từ phía tất cả các chính phủ, nhờ đó, các thế hệ trẻ được tạo điều kiện để có thể thực hiện những ước mơ chính đáng của mình. Điều này có nghĩa là đề xuất những lựa chọn nghiêm túc và hiệu quả có lợi cho gia đình. Ví dụ như cho phép người mẹ không phải lựa chọn giữa công việc và việc chăm sóc con cái; hoặc giúp nhiều cặp vợ chồng trẻ thoát khỏi gánh nặng của tình trạng việc làm bấp bênh và không có khả năng mua được nhà.
Sau đó, điều quan trọng là phải cổ vũ, ở cấp độ xã hội, một nền văn hóa quảng đại và liên đới giữa các thế hệ, duyệt xét lại các thói quen và lối sống, từ bỏ những gì thừa thãi để mang lại cho người trẻ niềm hy vọng vào tương lai, như diễn ra ở nhiều gia đình. Chúng ta đừng quên rằng: tương lai của con cháu cũng được xây dựng trên những năm tháng lao nhọc vất vả và những hy sinh thầm kín của cha mẹ và ông bà, mà vòng ôm của họ là món quà lặng lẽ và kín đáo của công việc cả đời. Đổi lại, sự thừa nhận và biết ơn dành cho cha mẹ và ông bà từ những đứa trẻ đã trưởng thành chính là phản ứng lành mạnh, giống như nước kết hợp với xi măng, làm cho xã hội trở nên vững chắc và mạnh mẽ. Đây là những giá trị cần đề cao, đây là nét văn hóa cần lan tỏa nếu chúng ta muốn có tương lai.
Từ thứ ba: lòng can đảm. Và ở đây tôi đặc biệt nói với giới trẻ. Cha biết rằng đối với nhiều người trong các con, tương lai có vẻ đáng lo ngại, và giữa tỷ lệ sinh thấp, chiến tranh, đại dịch và biến đổi khí hậu, thật không dễ để duy trì niềm hy vọng. Nhưng các con đừng bỏ cuộc, mà hãy vững tin vì tương lai không phải là điều gì đó không thể tránh khỏi: chúng ta cùng nhau xây dựng tương lai, và trong sự “cùng nhau” này, trên hết, chúng ta tìm thấy Chúa. Trong Tin Mừng, chính Chúa Giêsu thường dạy chúng ta rằng “Còn Thầy, Thầy bảo anh em” và những lời này làm thay đổi mọi thứ (x. Mt 5,38-48), một sự “còn Thầy” mang hương thơm cứu độ, chuẩn bị một điều gì đó “hoàn toàn bất ngờ”, chuẩn bị một sự tuyệt giao. Chúng ta hãy biến từ “còn Thầy” này thành của riêng mình, của tất cả chúng ta, ở đây và bây giờ. Chúng ta đừng cam chịu trước một kịch bản đã được người khác viết sẵn, nhưng hãy chèo thuyền đi ngược dòng chảy, ngay cả khi điều đó có nghĩa là lội ngược dòng! Cũng như các bậc cha mẹ của Tổ chức vì Tỷ lệ sinh, những người tổ chức sự kiện này hàng năm, “công trường xây dựng hy vọng” này giúp chúng ta suy tư, và nó ngày càng lớn mạnh, thu hút sự tham gia của thế giới chính trị, kinh doanh, ngân hàng, thể thao, giải trí, và báo chí.
Nhưng tương lai không được xây dựng chỉ bằng việc có con cái. Còn thiếu một phần rất quan trọng nữa: đó là ông bà. Ngày nay có một văn hóa giấu ông bà, gửi ông bà vào viện dưỡng lão. Hiện đã có một chút thay đổi về việc nghỉ hưu, nhưng tiếc là có một xu hướng vẫn giữ như cũ: vứt bỏ ông bà. Một câu chuyện thú vị chợt hiện lên trong tâm trí cha. Có một gia đình rất tốt đẹp khi người ông sống cùng họ. Nhưng theo thời gian, người ông già đi, nên khi ăn, ông thường làm bẩn bàn ăn… Do đó, người cha đã đóng một chiếc bàn nhỏ trong bếp để người ông có thể dùng bữa ở đó và họ có thể mời mọi người đến chơi. Một ngày nọ, người cha về nhà và thấy đứa con trai nhỏ mày mò với mấy mảnh gỗ. "Con đang làm gì thế?" “Một cái bàn, bố ạ”. "Nhưng để làm gì?" “Con để dành nó cho bố, khi bố về già”. Xin đừng quên ông bà của các con. Khi còn ở giáo phận khác, cha đến thăm viện dưỡng lão nhiều lần, cha thường hỏi thăm các ông bà – cha nhớ đến một trường hợp: “Bà có bao nhiêu đứa con?” "Nhiều lắm". "Vậy thì tuyệt quá. Thế bọn trẻ có đến thăm bà không?” “Dạ có, chúng đến thường xuyên”. Khi cha chuẩn bị rời đi, cô y tá nói với cha: “Bọn trẻ chẳng đến lần nào cả”. Ông bà cô đơn. Ông bà bị bỏ rơi. Đây là hành vi tự sát về mặt văn hóa. Tương lai do người trẻ cùng với người già tạo nên: lòng can đảm cùng với ký ức. Khi nói về tỷ lệ sinh, tức là về tương lai, chúng ta cũng hãy nói về ông bà, những người không phải là quá khứ: họ hỗ trợ cho tương lai. Xin hãy sinh nhiều con, nhưng cũng hãy chăm sóc ông bà. Đây là điều rất quan trọng.
Anh chị em thân mến, xin cảm ơn anh chị em vì những gì anh chị em đã làm. Cảm ơn vì sự dũng cảm của anh chị em. Tôi ở bên và đồng hành với anh chị em trong lời cầu nguyện. Xin cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi. Hãy cầu nguyện cho tôi chứ đừng chống lại! Cảm ơn.
Tôi nói “cầu nguyện cho chứ đừng chống lại” bởi vì có một lần, khi tôi đang kết thúc buổi tiếp kiến. Cách đó khoảng 20 mét, có một bà cụ nhỏ nhắn với đôi mắt rất đẹp. Bà ấy nói rằng: “Hãy đến đây, hãy đến đây”. Tôi tiến lại gần và hỏi: “Thưa bà, bà tên gì?”. Bà liền cho tôi biết tên của mình. "Bà bao nhiêu tuổi rồi?" "87". "Nhưng bà làm gì và bà ăn gì mà khỏe mạnh thế?” “Con ăn ravioli, con tự làm”. Rồi bà đưa cho tôi công thức làm món ravioli. Và tôi nói với bà: “Xin bà hãy cầu nguyện cho tôi”. "Con làm điều đó mỗi ngày". Và tôi nói đùa với bà: “Nhưng hãy cầu nguyện cho chứ đừng chống lại!” Và bà cụ mỉm cười nói với tôi: “Cha ơi, hãy cẩn thận. Họ cầu nguyện chống lại cha trong đó”. Bà thông minh quá! Một chút chống giáo sĩ.
Và xin hãy cầu nguyện cho, chứ đừng cầu nguyện chống lại.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (10. 05. 2024)
[1] X. Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (1987), 36-37; Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1869.