DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THÀNH VIÊN HÀN LÂM VIỆN TOÀ THÁNH
VỀ SỰ SỐNG
WHĐ (22.02.2023) - Sáng ngày 20. 02 vừa qua Đức
Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên của Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự
sống, nhân dịp Đại hội lần thứ 28 với
chủ đề “Tập trung vào con người. Những công nghệ mới phục vụ công ích”, diễn ra
tại Vatican từ ngày 20-22. 02. 2023.
Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha
Thưa quý vị,
Thưa Anh chị em,
Thưa Đức Hồng Y,
Thưa quý Giám Mục
Tôi hân hoan chào mừng anh chị em! Tôi cảm ơn Đức Tổng Giám mục Paglia vì những lời ngài dành cho tôi, và tất cả anh chị em vì sự
dấn thân mà anh chị em dành
cho việc thăng tiến sự sống con người. Xin cảm ơn!
Trong những ngày này, anh chị em sẽ suy tư về mối tương quan giữa con người, các công nghệ mới và công ích: đó là một ranh giới mong manh, nơi sự tiến bộ, đạo đức và xã hội giao thoa, và là nơi mà đức tin, với sự liên quan lâu dài của nó, có thể mang lại một đóng góp có giá trị. Theo nghĩa này, Giáo hội không ngừng khuyến khích sự tiến bộ của khoa học và công nghệ nhằm phục vụ nhân phẩm và sự phát triển con người “toàn diện và bao quát’”[1]. Trong bức thư gửi cho anh chị em nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Viện Hàn lâm, tôi đã mời anh chị em đi sâu vào chính chủ đề này[2]; giờ đây tôi muốn cùng anh chị em suy tư về 3 thách đố mà tôi cho là quan trọng về phương diện này: sự thay đổi điều kiện sống của con người trong thế giới công nghệ; tác động của các công nghệ mới đối với chính định nghĩa về "con người" và "mối tương quan", đặc biệt liên quan đến tình trạng của những đối tượng dễ bị tổn thương nhất; và khái niệm "tri thức" cũng như những hệ quả của nó.
Thách đố đầu tiên: Sự thay
đổi điều kiện sống của con người trong thế giới công nghệ. Chúng ta biết rằng việc con người hành động
theo cách công nghệ, biến đổi môi trường và cải thiện điều kiện sống là điều xứng
hợp. Đức Bênêđíctô XVI đã nhắc lại điều
này, khi khẳng định rằng công nghệ “chạm đến tâm điểm ơn gọi lao động của
con người” và “trong công nghệ, vốn được xem là công trình của trí tuệ con người,
con người nhận ra chính mình và hoàn thành nhân tính của mình”[3].
Do đó, công nghệ giúp chúng ta hiểu rõ hơn giá trị và tiềm năng của trí tuệ con
người, đồng thời nó nói với chúng ta
về trách nhiệm to lớn của chúng ta đối
với thụ tạo.
Trong quá khứ, sự kết nối giữa các nền văn hóa, hoạt động xã hội và môi trường nhờ mật độ tương tác ít hơn và hiệu ứng chậm hơn nên tác động ít hơn. Tuy nhiên, ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện kỹ thuật làm cho sự phụ thuộc lẫn nhau giữa con người và “ngôi nhà chung” trở nên sâu sắc và rõ ràng hơn, như Thánh Phaolô VI đã nhìn nhận trong Thông điệp Populorum Progressio[4]. Thật vậy, sức mạnh và gia tốc của các can thiệp như vậy sẽ tạo ra những đột biến đáng kể - bởi vì có gia tốc hình học chứ không phải toán học -, cả trong môi trường và điều kiện sống của con người, với những tác động và sự phát triển không phải lúc nào cũng rõ ràng và có thể dự đoán được. Điều này đang được minh chứng qua nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau, từ đại dịch đến khủng hoảng năng lượng, từ khủng hoảng khí hậu đến khủng hoảng di cư, mà hậu quả của chúng tác động lẫn nhau, khuếch đại lẫn nhau. Sự phát triển công nghệ lành mạnh không thể bỏ qua những sự đan xen phức tạp này.
Thách đố thứ hai: Tác động của các công nghệ
mới đối với định nghĩa về “con người” và “mối tương quan”, nhất là đối với tình trạng
của những đối tượng dễ bị tổn
thương nhất. Rõ ràng là hình thức công nghệ của trải nghiệm con người đang trở
nên phổ biến hơn mỗi ngày: trong sự phân biệt giữa “tự nhiên” và
“nhân tạo”, “sinh học” và “công nghệ”, các tiêu chí để phân biệt điều gì thuộc về con người
và điều gì thuộc về công nghệ ngày càng khó khăn. Do đó, việc suy tư nghiêm
túc về chính giá trị của con người là rất quan trọng. Đặc biệt, cần phải tái khẳng
định một cách dứt khoát tầm quan trọng của khái niệm lương tâm cá nhân như một
trải nghiệm tương quan, vốn không thể bỏ qua cả thể chất lẫn văn hóa. Nói cách
khác, trong mạng lưới các mối tương quan, cả chủ thể và cộng đồng, công nghệ không thể thay thế sự tiếp xúc của con người, tình trạng
ảo không thể thay thế thực tế và mạng
xã hội cũng không thể thay thế môi trường xã hội. Và chúng ta bị cám dỗ để cho cái ảo lấn át cái thực: đây là một sự cám dỗ tồi tệ.
Ngay cả trong các tiến trình nghiên cứu khoa học, mối tương quan
giữa con người và cộng đồng cho thấy những tác động về mặt đạo đức ngày càng phức tạp. Ví dụ, trong
lĩnh vực y tế, nơi chất lượng thông tin và sự hỗ trợ của cá nhân phụ thuộc phần
lớn vào việc thu thập và nghiên cứu dữ liệu có sẵn. Ở đây, chúng ta phải giải
quyết vấn đề dung hòa giữa tính bảo mật của dữ liệu cá nhân với việc chia sẻ
thông tin ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả mọi người. Thật vậy, sẽ là ích kỷ nếu yêu cầu được đối
xử bằng những nguồn lực và kỹ năng tốt nhất sẵn có cho xã hội mà không giúp
tăng cường chúng. Tổng quát hơn, tôi đang nghĩ đến tính cấp bách của việc phân
phối các nguồn lực và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc mang lại lợi ích cho tất
cả mọi người, để giảm bớt sự bất bình đẳng và đảm bảo sự hỗ trợ cần thiết, đặc
biệt là cho những đối tượng yếu thế nhất, chẳng hạn như người khuyết tật, người đau bệnh và người nghèo.
Đây là lý do tại sao cần lưu tâm tới tốc độ chuyển đổi, sự tương
tác giữa các thay đổi và khả năng đảm bảo sự cân bằng tổng thể. Hơn nữa, sự cân
bằng này không nhất thiết phải giống nhau trong các nền văn hóa khác nhau, vì
thay vào đó, quan điểm công nghệ sẽ xuất hiện khi nó tự cho mình là một ngôn ngữ
và văn hóa phổ quát và đồng nhất -
đây là một sai lầm. Thay vào
đó, cần phải nỗ lực thực hiện đê đảm
bảo rằng mọi người đều “được
giúp đỡ để có thể phát triển theo cách của mình, cũng như có thêm khả năng đổi
mới trong khi vẫn bảo tồn được các giá trị văn hóa riêng của mình”
Thách đố thứ ba: định
nghĩa về khái niệm tri thức và những hệ quả của nó. Tập hợp các yếu tố được xem
xét cho đến nay khiến chúng ta phải tự vấn về
cách hiểu biết của mình, nhận thức được rằng loại kiến thức mà chúng ta thực
hiện đã có ý nghĩa đạo đức trong chính nó. Ví dụ, thật đơn giản nếu chỉ tìm
cách giải thích các hiện tượng trong các đặc điểm của những yếu tố riêng lẻ tạo nên chúng. Cần có nhiều mô hình được cấu trúc hơn, xem xét tác động qua lại của
các mối tương quan mà trong đó các sự kiện đơn lẻ được dệt nên. Chẳng hạn, thật
nghịch lý khi đề cập đến các công nghệ nhằm tăng cường các chức năng sinh học của
một chủ thể, để nói về một con người
“được tăng cường” nếu người ta quên rằng cơ thể con người quy chiếu đến lợi ích toàn diện của con người và do
đó không thể được đồng nhất với cơ thể sinh học mà thôi. Một cách tiếp cận sai lầm trong lĩnh vực này thực sự không kết thúc
bằng việc “tăng cường”, mà bằng việc “nén” con người.
Trong Tông huấn Evangelii Gaudium và nhất là trong Tông huấn Laudato
si’, tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tri thức trên bình diện con người,
một cách hữu cơ, chẳng hạn như nhấn mạnh
rằng “tổng thể thì ưu việt hơn các bộ phận” và rằng “mọi thứ trên
thế giới đều liên kết mật thiết với nhau”[6].
Tôi tin rằng những ý tưởng như vậy có thể thúc đẩy một lối suy nghĩ đổi mới
trong lĩnh vực thần học[7]; trên
thực tế, thật là tốt khi thần học tiếp tục vượt qua những cách tiếp cận biện hộ,
để đóng góp vào việc xác định nghĩa một chủ nghĩa nhân văn mới và thúc đẩy sự lắng
nghe lẫn nhau và hiểu biết lẫn nhau giữa khoa học, công nghệ và xã hội. Thật vậy,
việc thiếu đối thoại mang tính xây dựng giữa các thực tại này sẽ làm nghèo đi sự tin tưởng lẫn nhau vốn là nền tảng của mọi sự
chung sống của con người và của mọi hình thức “tình bạn xã hội”[8].
Tôi cũng muốn đề cập đến tầm quan trọng của sự đóng góp mà cuộc đối thoại giữa
các truyền thống tôn giáo lớn mang lại cho mục đích này. Họ có sự khôn ngoan
lâu đời có thể giúp ích trong các quá trình này. Anh chị em đã cho thấy rằng anh
chị em biết cách nắm bắt giá trị của nó, chẳng hạn như bằng cách thúc đẩy, ngay
cả trong thời gian gần đây, các cuộc gặp gỡ liên tôn về các chủ đề “kết thúc
cuộc đời”[9] và trí tuệ nhân tạo[10].
Anh chị em thân mến, khi đối diện với những thách đố phức tạp hiện
nay, nhiệm vụ trước mặt anh chị em là rất lớn. Đó là vấn đề bắt đầu lại từ những
trải nghiệm mà tất cả chúng ta chia sẻ với tư cách là con người và nghiên cứu
chúng, tiếp nhận các quan điểm về sự phức tạp, đối thoại liên ngành và hợp tác
giữa các chủ thể khác nhau. Nhưng chúng ta đừng bao giờ nản lòng: chúng ta biết
rằng Chúa không bỏ rơi chúng ta và những gì chúng ta làm bắt nguồn từ niềm tin
tưởng mà chúng ta đặt vào Người, “Đấng yêu mến sự sống” (Kn 11, 26). Anh chị em đã dấn thân trong những năm gần đây để sự phát
triển khoa học và công nghệ ngày càng hòa hợp và đi đôi với “sự phát triển của con người về trách nhiệm, giá
trị và lương tâm”[11]:
Tôi mời gọi anh chị em tiếp tục đi theo lộ trình này. Tôi ưu ái ban
phép lành cho anh chị em và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (20. 02. 2023)