Diễn từ của Đức Thánh Cha dành cho nhóm người khuyết tật

06/12/2022


DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
DÀNH CHO NHÓM NGƯỜI KHUYẾT TẬT

WHĐ (06.12.2022) - Vào đúng ngày Quốc tế Người khuyết tật, 03. 12. 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến khoảng 100 người khuyết tật về thể lý và tinh thần tại Hội trường Clementina trong nội thành Vatican. Trong dịp này, Đức Thánh Cha đã dành cho họ những lời khích lệ rất gần gũi, cụ thể.

Sau đây là nội dung bài Diễn từ của Đức Thánh Cha 

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Tôi rất vui được gặp anh chị em hôm nay, nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật. Tôi cảm ơn những chào mừng của Đức Tổng Giám mục Giuseppe Baturi, và cả sự cam kết của các Giáo hội ở Ý nhằm duy trì sự quan tâm sâu sắc đến người khuyết tật, bằng hoạt động mục vụ tích cực và toàn diện. Thúc đẩy việc nhìn nhận phẩm giá của mỗi người là trách nhiệm thường kỳ của Giáo hội; đó là sứ mạng tiếp tục theo dòng thời gian sự gần gũi của Chúa Giêsu Kitô với mọi người nam nữ, nhất là những người mong manh và dễ bị tổn thương nhất. Đức Chúa là Đấng gần gũi.

Đón tiếp người khuyết tật và đáp ứng nhu cầu của họ là nghĩa vụ của cộng đồng dân sự và giáo hội, bởi vì “ngay cả khi tâm trí hoặc khả năng giác quan và trí tuệ của một người bị tổn thương, thì họ vẫn là một chủ thể con người toàn vẹn, với các quyền thánh liêng và bất khả xâm phạm vốn thuộc về mọi thụ tạo con người (Thánh Gioan Phaolô II, Sứ điệp dành cho các tham dự viên Hội nghị quốc tế về “Phẩm giá và Quyền của Người Khuyết tật, ngày 08. 01. 2004).


Đây là cách nhìn của Đức Giêsu đối với những người mà Ngài gặp gỡ: một cái nhìn dịu dàng và thương xót, nhất là đối với những người bị loại trừ khỏi sự quan tâm của những nhà cầm quyền có thế lực và thậm chí của cả giới lãnh đạo tôn giáo đương thời. Vì thế, mỗi khi cộng đoàn Kitô hữu biến sự thờ ơ thành sự gần gũi, thì đây đúng thực là một cuộc hoán cải; mỗi khi Giáo hội biến sự loại trừ thành sự thuộc về, thì Giáo hội chu toàn sứ mạng ngôn sứ đích thực của mình. Thật vậy, bảo vệ các quyền của con người mà thôi thì vẫn chưa đủ, mà còn phải nỗ lực đáp ứng những nhu cầu hiện sinh của họ, trong những chiều kích khác nhau về thể chất, tinh thần, xã hội, và tâm linh. Thật vậy, mọi người nam cũng như nữ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đều là những người không chỉ mang nơi mình các quyền phải được công nhận và bảo đảm, mà còn cả những nhu cầu sâu xa hơn, chẳng hạn như: nhu cầu thuộc về, tương quan với người khác, và nuôi dưỡng đời sống tâm linh đến mức cảm nghiệm được sự sung mãn của nó, và chúc tụng Chúa vì hồng ân độc nhất và tuyệt vời này.

Việc tạo ra và hỗ trợ các cộng đoàn dung nạp dung nạp - một từ luôn rất quan trọng – có nghĩa là xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử và thực sự đáp ứng nhu cầu để mọi người cảm thấy họ được nhìn nhận và được tham gia. Thật vậy, sẽ chẳng có sự dung nạp nếu thiếu trải nghiệm về tình huynh đệ và sự hiệp thông hỗ tương. Sẽ chẳng có sự dung nạp nếu nó vẫn là một khẩu hiệu, một công thức được sử dụng trong những bài phát biểu hợp thức về mặt chính trị, một biểu ngữ được dành riêng. Và, sẽ chẳng có sự dung nạp nếu thiếu sự hoán cải trong các thực hành chung sống và các mối tương quan.


Cần đảm bảo cho người khuyết tật được lui tới các địa điểm và những nơi gặp gỡ, làm cho ngôn ngữ có thể hiểu được và vượt thắng những rào cản và định kiến về thể chất. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ. Cần phải cổ võ một linh đạo hiệp thông, để mỗi người cảm thấy mình là một phần của thân thể, với nhân cách độc nhất của mình. Chỉ bằng cách này, mỗi người, với những giới hạn và tài năng riêng, mới cảm thấy được khuyến khích làm phần việc của mình vì lợi ích của toàn giáo hội và xã hội.

Tôi hy vọng rằng tất cả các cộng đoàn Kitô hữu là những nơi mà sự thuộc về” và “dung nạp” không còn là những từ được thốt ra trong một số trường hợp nhất định, nhưng trở thành một mục tiêu của hoạt động mục vụ thông thường. Có như thế, chúng ta mới có thể trở nên đáng tin khi tuyên xưng rằng Đức Chúa yêu thương mọi người, Ngài là ơn cứu độ cho mọi người, và mời mọi người tham dự bàn tiệc sự sống, không loại trừ ai.

Tôi rất xúc động khi đọc câu chuyện Đức Giêsu kể về người đàn ông kia tổ chức tiệc cưới cho con trai mình mà khách mời không đến (x. Mt 22,1-14). Ông liền gọi những người đầy tớ và nói: "Hãy đi ra các nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới". Đức Chúa mời gọi tất cả mọi người: già, trẻ, sang, hèn, bệnh tật, khỏe mạnh, tội và vô tội… tất cả mọi người, không loại trừ ai. Chúng ta phải học điều này. Đôi khi, chúng ta hơi bị cám dỗ để đi theo con đường loại trừ. Không, phải dung nạp. Đức Chúa đã dạy chúng ta điều này: tất cả mọi người. Dung nạp mọi người.


Anh chị em thân mến, trong thời gian này, chúng ta nghe thấy những tin tức hàng ngày về chiến tranh, chứng tá của anh chị em là một dấu chỉ hữu hình của hòa bình, một dấu chỉ của hy vọng cho một thế giới nhân đạo và huynh đệ hơn, cho tất cả mọi người. Hãy tiếp tục trên lộ trình này! Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em. Xin cảm ơn anh chị em vì những gì anh chị em thực hiện! Và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: press.vatican.va (03. 12. 2022)

LỊCH PHỤNG VỤ