DI SẢN CỦA THÁNH TÔMA AQUINO 750 NĂM SAU KHI QUA ĐỜI

Mathilde De Robien

WHĐ (09.04.2024)Thánh Tôma Aquino qua đời ngày mồng 07.03.1274, trên đường đi tham dự Công đồng Lyon. Sau 750 năm, di sản thần học và triết học của ngài tiếp tục soi sáng Giáo hội hoàn vũ.

Nơi Thánh Tôma, quả là một sự tiến triển tuyệt vời từ “con bò câm” đến “Tiến sĩ thiên thần”! Sinh năm 1225 tại Aquino trong một dòng dõi quý tộc người Ý và được hấp thụ nền giáo dục từ các tu sĩ Đa Minh ngay từ ấu thơ, Tôma đã bất chấp sự cấm cản quyết liệt của gia đình, chính thức gia nhập Dòng Giảng Thuyết vào năm 19 tuổi.

Sau đó, Tôma Aquino tiếp tục tiến trình đào tạo trong Dòng tại Paris, rồi ở Cologne dưới thời cha giáo Albert, mà sau này là Thánh Albert Cả. Với vóc dáng bệ vệ và tính cách ít nói, nên khi ở Cologne, bạn bè đặt cho Tôma biệt danh là “con bò câm”. Với kiến thức uyên thâm, Tôma đã dành trọn thời gian cho việc giảng dạy tại Pháp và Ý, cũng như viết tác phẩm vĩ đại Tổng luận Thần học (Summa Theologica). Tôma được Đức Gioan XXII phong thánh vào ngày 18.07.1323, và được Đức Piô V tuyên phong là Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1567, và đồng thời nhận được danh hiệu “Tiến sĩ Thiên thần”.


Tổng luận Thần học

Là một luận thuyết thần học và triết học trình bày một cách hệ thống toàn bộ giáo lý Kitô giáo, Tổng luận Thần học được xem là tác phẩm vĩ đại nhất của Thánh Tôma Aquino.

Với văn bản tiếng Latinh có độ dày gấp ba lần sách Kinh thánh, Tổng luận Thần học ban đầu được dự định là tài liệu để hướng dẫn các giáo sĩ trẻ và thường huấn các tu sĩ, linh mục và giáo dân. Tuy nhiên, như Thánh Tôma nhấn mạnh trong Lời mở đầu, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận tác phẩm này:

Người thầy về chân lý Công giáo không phải chỉ dạy dỗ những người có trình độ cao hơn mà còn phải hướng dẫn những người mới bắt đầu, theo lời của Thánh Tông Đồ (1Cr 3,1-2): ‘như với những trẻ nhỏ trong Ðức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn'. Vì vậy, mục đích của tác phẩm này là giải thích những gì liên quan đến Kitô giáo theo cách thích hợp nhất cho việc dạy dỗ người mới bắt đầu”.

Khi trả lời 512 câu hỏi, Thánh Tôma cố gắng tổng hợp đức tin và đức khôn ngoan Kitô giáo một cách tổng thể. Tác phẩm được chia thành 3 phần: phần thứ nhất đề cập sự hiểu biết về Thiên Chúa, Đấng là Một và Ba Ngôi. Phần thứ hai dài hơn, mô tả hành động của con người như một thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Phần thứ ba nói về Đức Kitô, về cuộc đời của Người trên trần thế, và về các Bí tích.

Tuy Thánh Tôma coi “như rơm rạ”, nhưng Tổng luận Thần học lại là ánh sáng cho việc học hỏi Kitô giáo

Được viết trong những năm cuối đời, ở đỉnh cao trưởng thành về trí tuệ, Tổng luận Thần học tiêu biểu cho 7 năm làm việc của Thánh Tôma. Tác phẩm bị bỏ dở dang, vì sau khi trải qua cơn xuất thần trong Thánh lễ ngày mồng 06.12.1273, Thánh Tôma không viết nữa. Đối với thánh nhân, những gì ngài đã viết chỉ “như rơm rạ” so với những gì ngài đã “được thấy”.

Mặc dù chưa hoàn thành nhưng Tổng luận Thần học đã có ảnh hưởng mạnh mẽ khắp châu Âu và vượt xa thời Trung Cổ. Sáu thế kỷ sau, vào năm 1879, Đức Giáo Hoàng Lêo XIII tuyên bố rằng các tác phẩm của Thánh Tôma Aquino đã diễn tả đầy đủ giáo lý của Giáo Hội, như ngài viết trong thông điệp Æterni Patris: “Các Giáo phụ của Công đồng Trentô đã quy định việc đặt Tổng luận Thần học lên bàn thờ cùng với sách Kinh thánh và các sắc lệnh của các Giáo hoàng như là một phần của mật nghị, để tìm kiếm lời khuyên, lý lẽ, và nguồn cảm hứng.

Công đồng Vatican II đã khuyến khích một cách rõ ràng việc nghiên cứu tư tưởng của Thánh Tôma trong hai văn kiện, đó là sắc lệnh Optatam totius về đào tạo linh mục, và tuyên ngôn Gravissimum educationis về giáo dục Kitô giáo.

Vị Tiến sĩ thiên thần

Vào thế kỷ XVI, Thánh Tôma được phong tước hiệu “Tiến sĩ thiên thần”. Nổi danh vì sự chính trực về “đời sống đạo đức” và được thiên phú với trí thông minh sáng chói, Thánh Tôma được so sánh với thiên thần. Trong tự sắc Doctoris Angelici, Đức Piô X đề cập đến “phẩm chất trí tuệ của ngài gần như thiên thần”.

Nhưng chắc chắn Thánh Tôma cũng có được phẩm chất này nhờ suy tư sâu sắc về các thiên thần. Ngài là người đầu tiên định nghĩa thiên thần là một thụ tạo thuần túy phi vật chất và thuần túy tinh thần. Thánh nhân cũng phát triển một học thuyết về các thiên thần bản mệnh. Đối với ngài, các thiên thần bản mệnh là những người bạn trung thành, những người bảo vệ được Thiên Chúa uỷ thác cho từng người khi sinh ra. Chừng nào còn là lữ hành trên dương thế, con người luôn bị đe dọa bởi nhiều nguy hiểm đến “từ bên trong và bên ngoài”, do đó, mỗi người đều được giao cho một vị giám hộ đặc biệt là “thiên thần hộ mệnh” (Summa I, 113, 4).

Bổn mạng các trường Công giáo

Vào ngày mồng 04.08.1880, qua Tông thư Cum Hoc Sit, Đức Lêo XIII tuyên bố Thánh Tôma Aquino là thánh Bổn mạng của các trường Công giáo. “Sự bảo trợ của con người vĩ đại và thánh thiện này sẽ có tác động rất mạnh mẽ trong việc khôi phục các nghiên cứu triết học và thần học, mang lại lợi ích lớn lao cho xã hội. Vì ngay khi các trường Công giáo được đặt dưới sự hướng dẫn và giám hộ của vị Tiến sĩ Thiên thần, khoa học đích thực sẽ dễ dàng phát triển”. Đây là lý do tại sao rất nhiều trường Công giáo được đặt dưới sự bảo vệ của Thánh Tôma.

Đức Piô X thậm chí còn đi xa hơn khi thúc giục các giáo sư triết học Ý dạy các nguyên lý của Học thuyết Tôma (Thomism). Trong tự sắc Doctoris Angelici được ký này 29.06.1914, nhằm khuyến khích việc nghiên cứu triết học của Thánh Tôma trong các trường Công giáo, Đức Piô X viết: “Các nguyên lý triết học do Thánh Tôma Aquino đặt ra phải được tuân thủ một cách kính cẩn và bất khả xâm phạm, vì những nguyên tắc này là phương tiện để đạt được kiến thức của thụ tạo phù hợp nhất với đức tin”. Và ngài khẳng định: “Do đó, chúng tôi muốn tất cả các giáo sư triết học và thần học được cảnh báo rằng nếu họ đi chệch khỏi Thánh Tôma Aquino, dù chỉ một bước, nhất là trong siêu hình học, thì họ đang tự đặt mình vào những nguy cơ nghiêm trọng”.

Học thuyết Tôma

Đúng như tên gọi, Học thuyết Tôma là một trường phái tư tưởng được gợi hứng trực tiếp từ các tác phẩm của Thánh Tôma. Học thuyết này bao gồm hình thức của thuyết duy thực trong triết học. Tính độc đáo trong tư tưởng của Học thuyết này nằm ở chỗ nó dung hòa được những thành tựu của tư tưởng Aristotle với những đòi hỏi của đức tin Kitô.

Học thuyết Tôma nhấn mạnh sự gắn kết giữa đức tin và lý trí. Trong Thông điệp Fides et rate, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng: “Vào thời đại mà những nhà tư tưởng Kitô giáo đang tái khám phá những kho tàng triết học cổ đại, và đặc biệt hơn là của Aristotle, thánh nhân đã có công lớn khi ưu tiên trình bày sự hài hòa tồn tại giữa đức tin và lý trí. Cả ánh sáng của lý trí và ánh sáng của đức tin đều phát xuất từ Thiên Chúa; cho nên không thể mâu thuẫn với nhau”.

Qua nhiều thế kỷ, học thuyết Tôma mang nhiều hình thức, ít nhiều khác xa với những suy tư ban đầu được phát triển trong Tổng luận Thần học. Vào cuối thế kỷ XIX, theo sáng kiến của Đức Leo XIII, học thuyết Tôma được đổi mới trong một phong trào gọi là Tân học thuyết Tôma (neo-Thomism), mà những vị tiêu biểu quan trọng nhất là Jacques Maritain và Étienne Gilson.

Thánh tích của Thánh Tôma Aquino

Thi hài của Thánh Tôma Aquino được đặt bên dưới bàn thờ cao trong nguyện đường của tu viện Đa Minh trước đây ở Toulouse, Pháp. Một trong những thánh tích của Thánh Tôma là đầu của ngài đã được lưu giữ từ năm 1369 tại tu viện Jacobins ở Toulouse. Vào năm 2023, thánh tích này được giao cho các tu sĩ Đa Minh ở Ville Rose trong 3 năm, để cử hành 3 Năm thánh: Kỷ niệm 700 năm phong thánh (1323), 750 năm ngày qua đời (1274), và 800 năm ngày sinh của thánh nhân (1225).


Thánh tích đầu của Thánh Tôma Aquino được trưng bày vào ngày 26.01.2023.

Đầu của Thánh Tôma đã bắt đầu một loạt những chuyến thăm viếng khắp nước Pháp, do Hiệp hội Pháp về Bách Chu niên của Thánh Tôma Aquino tổ chức. Theo sắc lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô, ơn toàn xá được ban cho những tín hữu tôn kính các thánh tích này.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (02. 04. 2024)