ĐÊM ĐỨC GIÊSU BỊ BẮT, CHUYỆN GÌ XẢY RA?
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Mục lục
a. Chối những mối liên hệ, kết thân với Thầy
4. Ba lần chối Chúa, ba lần yêu mến Thầy và sứ mạng Chúa
trao
WHĐ (29.03.2021) - Từ cửa
Sion chúng tôi băng qua bên kia sườn dốc của núi Sion. Nơi đây chúng tôi có thể
nhìn thấy thành Giêrusalem thời vua Đa-vít (the city of David, đối diện thành cổ
Gierusalem tọa lạc trên ngọn núi cao nhất), thung lũng Kít-rôn, núi Ô-liu, bên
kia thung lũng Hinnom, phía tây nam Giêrusalem có thửa vườn nơi Giu-đa
Ít-ca-ri-ốt thắt cổ tự vẫn v.v Nhìn được toàn cảnh như thế là vì chúng tôi đang
đứng tại khu vực nhà thượng tế Cai-pha. Hiện nay các cha dòng Chúa Lên Trời
đang coi giữ khu vực này. Nhanh chóng chúng tôi được giới thiệu từng địa điểm
liên quan đến cuộc đời Đức Giêsu, Chúa chúng ta tại nơi này.
Trước
mặt chúng tôi là ngôi thánh đường Phê-rô (St. Peter’s in Gallicantu) với những
bức tranh thời Byzantines liên quan đến câu chuyện chối Chúa của thánh nhân. Dưới
ngôi thánh đường là nhà tù mà chính Đức Giêsu bị giam giữ tại đây. Nhìn ra
ngoài khoảng sân rộng rãi là nơi Phê-rô đang ngồi quanh đống lửa với vài người
đêm hôm Thầy bị bắt. Bên cạnh sân là con đường đá tảng gồ ghề nguyên thủy thời
vua Hêrôđê trị vì.
Trong khung cảnh như thế,
chúng tôi dâng thánh lễ với ơn xin cho mình cảm nghiệm được tình yêu của thầy
Giêsu giống như Phê-rô khi ánh mắt Chúa nhìn về ông.
1. Ai là kẻ nộp Thầy Giêsu
Ngồi lại với Thầy cùng với
các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, thầy Giêsu tiên báo đêm nay có kẻ nộp mình. Thánh
Luca tinh tế trình thuật lại câu chuyện này với một nhân vật bí ẩn, không biết
chính xác ai tra tay làm chuyện ấy. Các môn đệ không biết chính xác ai sẽ nộp
Thầy nên mới bàn tán xem trong Nhóm ai lại là kẻ toan làm chuyện ấy (Lc 22,23).
Một trong số các ông, bởi Thầy nói: “Nhưng này bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt
trên bàn với Thầy.” (Lc 22,21).
Nghe câu ấy, tôi nhìn các môn
đệ đều rụt tay khỏi chiếc bàn tiệc và bàn tán xôn xao. Thay vì hỏi xem Thầy muốn
nói về ai, như Tin Mừng Gioan kể, Luca lại nói các ông tranh luận với nhau xem
ai là người lớn nhất. Kẻ lớn nhất là người không có tội, không phản bội Thầy.
Tôi không phản bội Thầy nghĩa là các anh em của tôi có nguy cơ làm chuyện đó.
Thế là câu chuyện hồ nghi, và biện hộ giữa các môn đệ nổ ra.
Sau đó mọi khuôn mặt hướng về
Phêrô vì thầy Giêsu tiên báo Si-môn sẽ bị “Xa-tan sàng như người ta sàng gạo.
Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã
trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc 22,31-34). Ông tự tin để
khẳng định sẵn sàng vào tù ra khám với Thầy. Tuy vậy ông bối rối khi nghe Thầy
tiên báo ông sẽ chối Thầy ba lần trước khi gà chưa kịp gáy. Đời nào lại thế! Chắc
ông tự nhủ và dám cược với Thầy, cứ để gà gáy rồi ông sẽ cho Thầy biết là ông
không đời nào làm thế.
Trong câu chuyện này, tôi hỏi
thánh Luca: “Vậy ai là kẻ nộp Thầy đêm nay?”[1]
Thực ra kẻ nộp Thầy được ông bỏ trống vì đó là nguy cơ xảy ra cho tất cả mọi
người. Mang thân phận tội lỗi, người ta dễ dàng nộp Thầy chối Chúa. Lịch sử cho
thấy người ta bài xích đạo Công giáo, bêu rếu danh Thánh Giêsu, bách hại những
ai cả gan tin vào Người. Hệ quả là biết bao cuộc bách hại bạo tàn đã xảy ra,
nhiều người đã tử vì đạo, vô số người chối phăng rằng mình theo đạo Công giáo,
phủ nhận mình là người Kitô hữu. Tất cả họ sợ vì liên hệ đến một con người mang
tên Giêsu.
Là người tội lỗi, tôi chỉ xin
nhận được lời cầu nguyện của Thầy giống như phần phúc của Phêrô. Để trong hoàn
cảnh không muốn kết thân, không muốn liên hệ với Thầy, tôi có thể bắt gặp được
ánh mắt của Thầy. Nhờ đó, trong thân phận tội lỗi, tôi có thể đồng cảm với anh
em của tôi, đồng hành với tội nhân hướng về lòng thương xót của Thầy. Bởi tôi
hiểu rằng: “Lòng Thương xót của Thiên
Chúa là trường tồn, chẳng bao giờ kết thúc, không khi nào lỗi thời, chẳng bao
giờ bỏ cuộc khi đối diện với những tâm hồn khép kín và chẳng lúc nào mệt mỏi.”
(ĐGH Phanxicô).
Ước mong những ai từng phản bội
Thầy không đi ra thửa ruộng phía bên kia để tự vẫn. Một mình Giu-đa ở đó là đủ
rồi. Bởi Thầy lúc nào cũng muốn canh giữ và không một ai trong các ông phải hư
mất, trừ đứa con hư hỏng để ứng nghiệm lời kinh thánh mà thôi. (Ga 17,12).
Tóm lại, Luca muốn độc giả tự
tìm lấy câu trả lời cho riêng mình: Trong đêm nay, thời đại này, ai là kẻ nộp
Thầy? Điều thú vị là nếu tôi không nộp thì kẻ khác nộp, nếu tôi trong sạch tôi
có nguy cơ xem người khác vẩn đục, nếu tôi vô tội, người quanh tôi là kẻ tội đồ.
Khi ấy làm sao tôi có thể cảm nghiệm được thế nào là người tội lỗi được Thầy thứ
tha, thế nào là khóc với người khóc. Hay nói cách khác, thánh Gioan định nghĩa
thật hay về thân phận con người: “Nếu
chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối chính mình, và sự thật
không ở trong chúng ta.” Tuy vậy, ngài còn mở ra cho chúng ta hy vọng “khi chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa hằng
tha cho chúng ta, thanh tẩy chúng ta sạch khỏi mọi đều bất chính.” (1Ga
1,8-9). Đó là trường hợp của vị Giáo Hoàng tiên khởi Phê-rô.
2. Phê-rô chối Thầy
Câu chuyện chối Thầy của
Phê-rô trở nên nổi tiếng vì bốn sách Tin Mừng đều thuật lại; người nào cũng biết
trong nhóm môn đệ đã có một người chối Thầy ba lần. Dẫu sao đêm nay tôi thử
nhìn mọi điều đang diễn ra tại nhà Cai-pha, để hy mong rút ra bài học ích lợi
cho bản thân, nhờ ơn Chúa.
Sau khi bắt trói Đức Giêsu tại
vườn Gethsemane, các môn đệ chạy toán loạn. Vì có luật cấm không được xử án ban
đêm (vì bản án ấy vô giá trị), nên những kẻ bắt Thầy bí mật điệu đến ông
Kha-nan là nhạc phụ ông Cai-pha làm thượng tế năm đó. Mà ông Cai-pha ở chung
nhà với Khan-nan, nên tối hôm nay giới lãnh đạo tôn giáo đều có mặt và tình
hình được kiểm soát nghiêm ngặt, vì họ biết họ đang bắt giữ ai: một người nổi
tiếng. Vả lại, nếu bắt người lúc đêm khuya mà lùm xùm náo động đến tai tổng trấn
Philatô[2]
thì phiền phức cho cả Thượng Hội Đồng.
Vì thế ngay từ vòng “gửi xe”,
không phải ai cũng dễ dàng được vào. Trường hợp của Gioan là do ông quen biết với
vị thượng tế mới được vào trong sân của dinh cùng với Thầy. Trời lúc này giá lạnh
và chỉ còn thấy lấp lóe ánh sáng từ những ngọn đuốc hay đống lửa phát ra, khó để
người ra nhận rõ mặt nhau. Dẫu sao phía ngoài kia có Phê-rô theo Thầy xa xa,
nghĩa là đứng ngoài cổng. Gioan ra xin cho ông vào trong. Thế là ông ngồi ngoài
sân cùng với vài người đêm nay. Lúc này là hành trình ông chối Chúa với mức độ
tăng dần.
a. Chối những mối liên hệ, kết thân
với Thầy
Từ bên ngoài, Phê-rô nghe rõ
mồn một câu hỏi thượng tế đang chất vấn Thầy trong kia liên quan đến các môn đệ
và giáo huấn của Thầy (Ga18,19). Tự nhiên ông đoán rằng ai liên hệ với Thầy lúc
này quả thực quá nguy hiểm. Dân chài lưới quê mùa như các ông chưa quen chuyện
chính trị, tù đày, đương nhiên ai mà không run sợ.
Vì trời lạnh nên họ đốt lửa
sưởi ấm và Phê-rô cũng mon men đến ngồi bên đống lửa. Xui cho ông là lúc này có
một tớ gái nhìn chòng chọc vào ông và nói: “Cả bác nữa, bác này cũng đã ở với
ông ấy đấy!” Ông liền chối: “Tôi có biết ông ấy đâu, chị!” (Lc 22,55-57). Thế
là ông không dám nhận mình là môn đệ của Thầy trước mặt thiên hạ, thậm chí ông
sợ cả lời nhận xét chính xác của một tớ gái.[3]
Vậy mà mấy năm trước ông quả
quyết sống chết với Thầy, “dù có ai bỏ thầy đi nữa, riêng con, con không bỏ Thầy.”
Vả lại bỏ Thầy thì ông biết theo ai bây giờ. Đó là lúc các ông cùng Thầy trong
cảnh huy hoàng của những phép lạ khiến người ta thán phục tán dương. Trong hoàn
cảnh tự hào mình là môn đệ của một người Thầy tài giỏi, lời giảng uy quyền, và
dân chúng ùn ùn kéo đến lắng nghe Thầy, dĩ nhiên các ông không muốn bỏ Thầy. Mới
đây thôi, lúc ăn bữa tối sau cùng, ông hứa dù có vào tù hay phải chết, ông cũng
sẵn sàng. Vậy mà...!
Thực ra trong đêm hôm nay, bất
kỳ ai cũng sợ vì đây là lúc quyền lực thế gian đang thắng thế. Trong tình cảnh ấy,
Phê-rô đã chối Thầy, không còn mối dây liên kết với Thầy, không muốn kết thân với
Thầy nữa, vì ông sợ quyền lực thế gian.
b. Chối mình thuộc về nhóm
Là trưởng nhóm, Phê-rô ý thức
được vai trò đầu tàu của mình. Ông thường thay mặt nhóm để nói lên chính kiến của
người thuộc về Đức Giêsu. Người ta hỏi Thầy là ai?[4]
Ông thẳng thắn đại diện nhóm tuyên xưng Thầy là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia.
Thầy khen ông, khen cả nhóm. Tức khắc sau đó ông lại cản Thầy lên Giêrusalem để
chịu chết, ông bị Thầy mắng là quân Xa-tan, Thầy mắng cả nhóm. Nói cho cùng,
ông nhận thấy vai trò quan trọng của mình trong một nhóm cùng với Thầy bôn ba
trong những năm vừa qua.
Tuy vậy, đêm nay sự thật đang
diễn ra theo một chiều hướng khác. Chỉ một lát sau lần chối đầu tiên, ông lại bị
người khác làm phiền: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!” Ông Phê-rô chối
phăng: “Này anh, không phải đâu.” (Lc 22,58). Thế là ông phủ nhận mình là một
thành viên trong nhóm các môn đệ. Vậy là nhóm mà mấy năm rồi ông nằm gai nếm mật,
chia ngọt sẻ bùi bị cắt đứt. Chắc Thầy đau lòng vì lúc này nghĩ về nhóm mà Thầy
hết mực yêu thương: Kẻ tự vẫn phía bên kia thung lũng, kẻ đang chối mình, nhiều
kẻ chạy mất dép.
Tôi xin Thầy hiểu cho những yếu
đuối của phận người, của các môn đệ và của tôi nữa. Nhờ đó, tôi hy vọng cậy dựa
vào Thầy để có đủ sức mạnh thuộc về Thầy, về nhóm của Thầy.
c. Chối căn tính của mình
Thánh Gio-an kể lần thứ ba là
một người có họ với kẻ mà Phê-rô đã chém đứt tai lúc ở vườn cây dầu, hỏi
Phê-rô. Trong khi đó, thánh Luca nói chừng một giờ sau có người lại quả quyết:
“Đúng bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Ga-li-lê.” (Lc
23,59). Thế là Phê-rô lại chối và khẳng định với ông ấy rằng Phê-rô không biết
ông ấy đang nói gì. Trong khi đó quanh đống lửa dần tàn, ai cũng biết Phê-rô xuất
thân từ đâu, vì nghe giọng nói là họ đoán được.[5]
Lần này Phê-rô chối đã ở với
Thầy, chối luôn căn tính gốc gác của mình. Thực ra ông không chối mình là người
sinh sống tại biển Hồ Galilê, một nơi sinh đẹp và nổi tiếng thời bấy giờ. Đúng
hơn ông muốn chối liên hệ đến một người trong sân kia cũng là người vùng
Galilê. Đúng là một khi sợ hãi khiến người ta lấy mọi lý do để biện bạch, để chối
sự thật đang diễn ra. Ông sợ giới lãnh đạo tôn giáo có thể khiến ông phải thiệt
mạng, ông sợ vì nỗi nhục hình khổ giá phải vác đi trước dân chúng.
Trong vài giờ phía ngoài sân
thượng tế Cai-Pha, Phê-rô đã chối Thầy, chối nhóm và chối chính mình. Ông rơi
vào cuộc khủng hoảng nội tâm, rơi vào vực thẳm, vào vòng luẩn quẩn để tìm lời
biện minh. Ông sẵn sàng chối mọi thứ để tìm an toàn cho mình. Ông là người tội
lỗi.
3. Ánh mắt thầy Giêsu
Tôi ngó sang bên kia thành
Giêrusalem mà Đa-vít ở nhiều năm về trước, tôi bâng quơ nhìn phía ngoài con đường
lúc nãy Thầy bị ngã vì quân lính thúc giục đi cho nhanh. Mọi thứ trở nên hoang
mang cho tôi, vì cảnh tôi vừa chứng kiến, vừa nghe rõ mồn một. Trên hành trình
theo thầy Giêsu có khi nào tôi đã chối thầy Giêsu không, tương lai sẽ ra sao. Một
người cương nghị, mạnh mẽ và luôn ở với Thầy suốt ba năm nay còn chối Thầy đến
ba lần. Chắc tôi không ngoại lệ. Do đó, tôi run sợ vịn tay vào cổng của nhà ông
Cai-Pha để tiếp tục xem chuyện gì sẽ đến.
Trong lúc đó, tôi nghe tiếng
gà gáy báo hiệu sang canh. Tiếng gà là đồng hồ báo thức cho người dân chuẩn bị
bừng dậy sau đêm dài ngon giấc. Nhưng đêm nay với tôi, với Phê-rô và nhiều người
không được ngủ vì một con người mang tên Giêsu. Cũng tiếng gà gáy ấy khiến
Phê-rô bừng tỉnh cơn mê! Từ giây phút đó người đời bắt gặp hình ảnh Phê-rô gắn
liền với chú gà trống nhắc ông về một chuyện đau lòng.
Thực ra trong khi gà đang gáy
thì thầy Giêsu quay lại nhìn Phê-rô. Vì Thầy ở rất gần với ông, nên không chỉ
nghe hết những lần chối của ông mà còn nhìn về ông. Ánh mắt Thầy khiến ông sực
nhớ lại lời Thầy vừa nói đêm qua: “Gà chưa kịp gáy, anh đã chối Thầy ba lần.”
(Lc 22,61). Thế là ông là ngoài khóc lóc thảm thiết.
Tôi xúc động trước hành động
của Phê-rô. Phải chăng thầy Giêsu muốn nhìn để quở trách ông vì đã chối Thầy? Nếu
vậy ông càng sợ để lẩn trốn khỏi tâm trạng khủng khiếp ấy. Tuy nhiên, ông gặp
được ánh mắt của Thầy đụng chạm, để trao cho ông một tình yêu của người Thầy
luôn yêu thương tha thứ cho trò. Thầy nhìn để muốn ông nhận ra tình yêu ấy đủ để
ông có thể đứng dậy sau ba lần vấp ngã. Tội lỗi dù có mạnh đến đâu, có thắm tựa
vải điều, nhưng với ánh mắt của Thầy đêm nay, Thầy vẫn làm cho trắng như tuyết
để ông cảm nhận được tình thương vô bờ đến từ Thầy. Ông chạy ra khóc lóc ăn
năn, khóc cho khoảnh khắc lỗi lầm, chối mọi sự của mình.
Giọt nước mắt của ông như những
giọt nước mắt của người đàn bà tội lỗi xức dầu cho Chúa mấy hôm trước. Ông khóc
như một đứa trẻ vừa gây ra lỗi lầm cần đến lòng xót thương của Thầy. Với những
giọt nước mắt ăn năn, ông mong Thầy thứ lỗi, mong anh em bỏ qua. Và dĩ nhiên,
ánh mắt của Thầy lúc nãy xóa nhòa mọi khoảng cách giữa Thầy và ông. Tuy tội của
ông rất nhiều, nhưng ông đã được tha trong ánh mắt của Chúa. Và sau đó ông đã
yêu Chúa thật nhiều.
Cảm ơn chú gà đã cất lên tiếng
gáy hệt như một hồi chuông báo hiệu cho ông đã đi sai đường. Đúng hơn, tạ ơn
“ánh mắt tinh tế và trìu mến” của thầy Giêsu đã kéo ông trở về. Ánh mắt ấy có sức
mạnh lạ kỳ giúp ông sực nhớ lời Thầy. Giọt nước mắt của ông lúc này tuôn chảy,
gột rửa hết những vẩn đục trong tâm hồn, hết những “lời độc địa” vừa rồi. Và nhờ
đó, sau này ông trở nên một vị tông đồ vĩ đại, một Giáo Hoàng tiên khởi và một
trụ cột tuyệt vời giúp thầy Giêsu xây dựng Hội Thánh của Người.
Nhìn Phêrô lúc này tôi chợt
nghĩ câu chuyện chối Thầy của ông cũng đang là vấn đề nổi cộm của thời đại hôm
nay. Người ta không chỉ chối Chúa bằng học thuyết, bằng lời nói, bằng hành động
mà còn bằng cả sự dửng dưng tôn giáo đáng sợ! Ước gì nhờ ánh mắt nhân từ của Thầy
Chí Thánh, người ta cũng nhận được sức mạnh, có được tình yêu để can đảm nói
cho mọi người: “Tôi là môn đệ của Chúa Giêsu, tôi muốn làm chứng cho Người.”
4. Ba lần chối Chúa, ba lần yêu mến
Thầy và sứ mạng Chúa trao
Thế là ông đã chối Thầy. Ánh
mắt Thầy nhìn ông, Thầy tiếp tục nhìn ông cho dẫu Thầy đang chịu đánh đập, bị
các lính canh xúc phạm trong nhà giam phía bên trong kia.
Tôi tiến vào trong nhà Thờ
mang tên ông. Chính giữa gian cung thánh là bức hình người ta “chụp” lại cảnh
ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Nơi đó ông có giờ phản tỉnh lại tất cả những
gì mình đã làm và những gì thầy Giêsu mời gọi.
Phía trên trái gian cung
thánh là bức hình người ta “chụp” khi ông chối thầy Giêsu. Bức họa nổi bật Thầy
và ông đang đứng trước nhóm người phía sân ngoài kia (như một cộng đoàn), cùng
với đống lửa. Và trong cảnh huống đó, ông chìa tay chối Thầy, chối cả nhóm ông
từng thuộc về.
Đối diện là bức họa cuối cùng
“phóng viên chụp” vào lúc thầy Giêsu hiện ra với các môn đệ trên bãi biển
Galilê khi trời còn tờ mờ sáng. Bức ảnh này hoàn toàn khác biệt. Nếu như lúc đầu
ông chối Chúa ba lần, thì trong bức ảnh này, ông thân thưa ba lần với Chúa là
ông yêu mến Chúa. Một con người với hai thời điểm, hai lựa chọn và hai tấm lòng
khác nhau. Dẫu sao, hạnh phúc cho ông vì ông không như kẻ đã ra đi thắt cổ. Nhờ
nhận ra tình yêu vô bờ của Thầy mình, nên ông đáp lại bằng tình yêu nồng cháy.
Khi đó, Thầy an lòng trao cho ông sứ mạng chăn dắt chiên của Thầy.
Tới đây tôi thấy Phê-rô là một
tội nhân đích thực, nhưng được Chúa Giêsu thương ban ơn tha thứ và ông được
trao sứ mạng trọng đại. Vì ở trong hoàn cảnh yếu đuối của phận người, ông hiểu
được tội lỗi, ông hiểu được những vấp ngã của anh em, nên ông vâng lời Thầy cố
gắng “làm cho anh em của ông nên vững mạnh” (Lc 22,22). Và sau buổi sáng trên
bãi biển hôm đó, ông đã đồng hành cùng anh em của mình mạnh dạn loan báo Tin Mừng Phục sinh cho người Do Thái, cho khắp xứ sở
vùng Địa Trung Hải (Mediterranean Sea), rồi đến tận Rôma. Hơn nữa các ông đã
làm cho danh Cha, danh Thầy được cả sáng trên khắp mặt địa cầu.
Sứ mạng hôm nay Chúa vẫn trao
cho từng người thực hiện. Nhưng trước đó Chúa cần mỗi người cảm nghiệm được
kinh nghiệm tha thứ của Thiên Chúa. Qua đó, một khi tôi nhận được tình yêu đến
từ Thiên Chúa sẽ thúc bách tôi rao giảng Tin Mừng cho nhiều người được biết: “Đây là thời Thiên
Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.” (2Cr 6,2.)
Trời mỗi lúc một sáng dần, cả
đoàn người chờ mặt trời ló rạng là điệu Đức Giêsu đến nơi xử án. Trong khi ngồi
chờ, tôi nhìn thầy Giêsu đang bị giam trong tù, thử mường tượng cảnh lát nữa
đây, hoặc ngày hôm nay, cuộc sống Thầy sẽ như thế nào. Thôi thì có Chúa Cha lo
liệu.
Khép lại những giờ chiêm ngắm
và cầu nguyện với Chúa trong khung cảnh nhà ông Cai-pha. Noi gương thánh
Phê-rô, tôi nài xin thầy Giêsu cho tôi cảm nghiệm về ánh mắt, tình yêu của Chúa
dành cho tôi là một tội nhân. Để từ đó, tôi có thể đụng chạm được lòng tha thứ
của Thiên Chúa và hăng say với sứ mạng Chúa trao. Amen.
Kỳ tới: Câu chuyện xử án Thầy
Giêsu
Kỳ trước:
1. Tại sao người ta đến Giêrusalem?
2. Câu chuyện bức tường thành
Giêrusalem
3. Dinh Tổng Trấn Philatô, nơi xét xử
Đức Giêsu
5. Thăm phòng tiệc ly của Đức Giêsu
6. Chuyện
gì xảy ra trong Vườn Cây Dầu?
(Tác giả gửi bài cộng tác đến Ban biên tập Website Hội đồng Giám mục Việt
Nam tại địa chỉ email: bbt.whd@gmail.com)
[1] Hỏi như thế để tôi có dịp nhắc nhớ mình phải cẩn trọng nhiều
hơn. Cẩn trọng vì không khéo mình cũng nộp Chúa khi bất tín nơi Người, lạnh
lùng với tha nhân; cẩn trọng kẻo tội lỗi kéo lê tôi đến chỗ chẳng cần Chúa nữa
hay dửng dưng trước lời dạy của Người. Từ đó, tôi biết điểm tựa chắc nhất cho
mình là tình yêu và sức mạnh của Thầy Chí Thánh; và quảng đại bước theo con đường
Người mời gọi. “Can đảm lên, Thầy đã thắng
thế gian” (Ga17,33). Để không là kẻ nộp Chúa, ước mong mỗi ngày tôi hiểu
Chúa hơn, yêu Chúa hơn và đi theo Người sát hơn.
[2] Philatô làm tổng trấn miền Giu-đa từ năm 26-36. Ông sau
này chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu vào khoảng năm 30. Vì xem thường
tôn giáo của người Do Thái nên ông bị dân chúng căm nghét.
[3] Cách nào đó tôi cũng từng giống Phê-rô lúc này, khi ngại
ngùng viết nhận mình là người theo đạo Thiên Chúa trong giấy tờ hành chính, hoặc
trước mặt bạn bè không tôn giáo.
[4] “Khi ấy, Ðức Giêsu
và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường,
Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?" Các ông đáp: "Họ
bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một
ngôn sứ nào đó". Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy
là ai?" Ông Phêrô trả lời: "Thầy là Ðấng Kitô". Ðức Giêsu liền cấm
ngặt các ông không được nói với ai về Người.” (Mc8, 27-30).
[5] Dường như trong
câu chuyện này, chúng ta thất vọng về Phê-rô. Nhưng xét cho cùng, cung cách
hành xử của Phê-rô rất giống với thầy Giêsu. Bởi đó, người ta dễ dàng nhận ra
ông là môn đệ của Thầy, từ cách đi đứng, từ cách nói năng. Xem thêm: Nguyễn
Công Đoan, SJ. Tự Đáy Lòng, Nxb An Tôn Đuốc Sáng, tr. 230-235.