ĐỂ CHU TOÀN BỔN PHẬN NHƯ LÀ MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU
Lm. Nnamdi Moneme, OMV[1]
WHĐ (04.4.2022) - Một đôi bạn
trẻ có xin tôi chủ sự đám cưới sắp tới của họ. Tôi sớm thất vọng khi họ nói với
tôi rằng họ không có bất cứ hình thức chuẩn bị nào cho đám cưới của họ cả. Họ
lý luận đơn giản rằng họ có một tình yêu chân thành dành cho nhau và vì thế họ
thấy thực sự không cần thiết để họ có sự chuẩn bị chính thức cho hôn nhân trong
Nhà thờ. Do đó, về cơ bản, họ yêu cầu tôi long trọng hóa hôn nhân của họ chỉ vì
họ yêu nhau ngay cả khi họ không biết và không hiểu những bổn phận của tình yêu
vợ chồng trước mặt Chúa.
Liệu rằng chỉ có tình yêu trong lòng và thiện chí thì có đủ
để chúng ta đón nhận và thực hiện các ơn gọi của mình trong Giáo Hội không? Tôi
không nghĩ vậy. Mọi ơn gọi trong Giáo hội đều có nhiệm vụ riêng. Những ai được
mời gọi cho bất kỳ ơn gọi nào cũng cần phải biết, hiểu, chấp nhận và cố gắng
chu toàn các bổn phận của ơn gọi mà mình được kêu gọi. Chỉ có tình yêu trong
lòng mà thôi thì chưa đủ.
Theo kinh nghiệm bản thân, tôi có tình yêu đối với Thiên
Chúa và Dân của Ngài và tôi đã dành gần một thập niên để chuẩn bị cho chức linh
mục Công giáo. Dù thế, vẫn có nhiều lúc tôi thấy thật khó để trung thành với những
bổn phận của chức linh mục. Vậy thì làm sao một số người có thể muốn kết hôn
trong Giáo hội mà không có sự hiểu biết và chuẩn bị đầy đủ cho những bổn phận của
tình yêu vợ chồng được?
Điều tương tự cũng áp dụng cho ơn gọi tối hậu của chúng ta
ngay trên trái đất này – đó là trở thành môn đệ của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta
được mời gọi để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu Kitô trong và qua bất kỳ trạng
thái nào của cuộc sống mà trong đó chúng ta tìm thấy chính mình. Nhưng liệu
chúng ta có nhận biết và chu toàn bổn phận như là môn đệ của Đức Kitô chưa? Đối
với một môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, chỉ yêu mến Ngài mà thôi thì chưa đủ,
người môn đệ không thể thiếu cố gắng nhận ra và chu toàn những bổn phận phát xuất
từ tình yêu này, “Nếu anh em yêu mến Thầy,
anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14, 15).
Chúa Giêsu mô tả bổn phận trước hết của chúng ta như là môn
đệ của Ngài bằng những lời này, “Học trò
không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi” (Lc 6, 40). Bởi
vì Chúa Giêsu là vị thầy duy nhất của chúng ta, nên bổn phận tiên quyết của
chúng ta là ngày càng trở nên Ngài nhiều hơn trong mọi sự - tất cả những gì
chúng ta nghĩ, nói và làm. Thực sự là không xứng đáng khi nói rằng chúng ta yêu
mến Chúa Giêsu mà chúng ta không trở nên giống Ngài hơn.
Bổn phận thứ hai của chúng ta như là môn đệ của Chúa Giêsu
là dẫn dắt và giúp đỡ người khác trở nên giống Ngài hơn. Chúa Giêsu lên án cả sự
giả hình lẫn sự thờ ơ trong thái độ của chúng ta đối với người khác. Trước hết,
chúng ta phải tránh thói đạo đức giả để có thể trở thành người hướng dẫn tốt
hơn cho người khác trong hành trình trở nên giống Đức Kitô hơn. “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt
ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!"
(x. Lc 6, 39-45). Chúng ta phải nghiêm túc phấn đấu để trở nên giống Chúa Giêsu
hơn trước khi có thể giúp người khác nên giống Ngài hơn.
Vậy làm thế nào chúng
ta có thể chu toàn bổn phận tiên quyết của mình là trở nên giống Đức Kitô để có
thể giúp người khác cũng nên giống Ngài?
Trước hết, chúng ta phải tập trung vào chỉ một mình Chúa
Giêsu là căn nguyên mọi điều thiện hảo mà chúng ta thấy nơi mình và nơi người
khác. Bản thân chúng ta không có sự tốt lành nội tại nào ngoài sự tốt lành mà
Thiên Chúa ban cho chúng ta nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô, “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt
của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng
mới nói ra" (Lc 6, 45).
Thứ đến, chúng ta phải sẵn sàng đón nhận sự sống và sự thiện
hảo từ chỉ một mình Chúa Giêsu nếu chúng ta định hướng dẫn người khác đến với
Ngài. Vì Ngài mãi mãi là Ánh sáng thế gian, Chúa Giêsu hỏi chúng ta, “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại
không sa xuống hố?” (Lc 6, 39). Nếu tách ra khỏi Ngài, chúng ta đều là những
kẻ mù loà. Vì vậy, trước hết chúng ta phải nhận được ánh sáng của ân sủng
thiêng liêng từ Chúa Giêsu Kitô nếu chúng ta muốn giúp người khác nên giống Ngài
hơn.
Tiếp theo, chúng ta phải tin rằng Chúa Giêsu, qua cuộc tử nạn
và sự phục sinh của Ngài, đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Theo lời của Thánh
Phaolô, “Nọc độc của sự chết là tội lỗi…
Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Ngài đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Ðức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta” (x. 1Cr 15, 54-58). Đây là Phúc âm! Bởi vì Chúa Giêsu và những
gì Ngài đã thực hiện cho chúng ta, những suy nghĩ, lời nói và hành động tội lỗi
từ nay không còn quyền hành trên chúng ta nữa. Chỉ bằng ân sủng của Ngài, chúng
ta có thể suy nghĩ, nói năng và hành động giống như Ngài trong mọi sự và giúp
người khác cũng làm như vậy.
Thứ tư, chúng ta phải sẵn sàng chia sẻ những trải nghiệm của
Chúa Giêsu trong cuộc đời dương thế của Ngài, “Không môn đệ nào cao trọng hơn thầy”. Chúng ta không thể mong đợi
người khác đối xử với chúng ta tử tế hơn như họ đã đối xử với Chúa Giêsu. Chúng
ta không thể nghĩ rằng lúc nào mình cũng thành công khi chính Chúa Giêsu cũng
đã trải qua những thất bại rõ ràng. Chúng ta không thể mong rằng ma quỷ sẽ cám
dỗ chúng ta ít hơn chúng đã cám dỗ Chúa Giêsu. Chúng ta không thể mong chờ một
cuộc sống không có đau khổ và cay đắng khi Chúa Giêsu đã chọn để cứu chúng ta
qua đau khổ bằng tình yêu. Chúng ta không thể mong đợi mọi người đều yêu thương
chúng ta khi họ đều ghét bỏ Ngài. Chúng ta chẳng bao giờ có thể hành động giống
như Đức Kitô nếu chúng ta không muốn thông phần những trải nghiệm khi còn tại
thế của chính Ngài.
Cuối cùng, chúng ta phải đặt Chúa Giêsu là mẫu mực duy nhất
của cuộc đời mình và tránh so sánh mình với người khác. Chúng ta sẽ trở nên tự
mãn khi so sánh mình với người khác khi nghĩ rằng, “Chà, mình không đến nỗi tệ; ít nhất thì mình không tệ như vậy”. Việc
nhìn vào Chúa Giêsu như là mẫu mực duy nhất, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu
của Ngài thúc bách chúng ta trở nên giống Ngài hơn, chúng ta ra khỏi chính mình
và hướng về Ngài, chúng ta tràn đầy hy vọng rằng mình có thể thực sự trở nên giống
Ngài hơn.
Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần để
trung thành với bổn phận như là những môn đệ của Chúa Giêsu trong bất cứ ơn gọi
nào mà chúng ta được mời gọi. Điều trước tiên mà Thiên Chúa ban cho chúng ta đó
là tình yêu của Ngài và tình thương của chúng ta dành cho người khác. Thiên
Chúa cũng ban cho chúng ta những gì chúng ta cần để “vững vàng, kiên định, và nhiệt tâm đối với công việc của Đức Chúa, với
nhận thức rằng trong Ngài mọi việc của chúng ta không phải là vô ích.” Yêu
suông thì chưa đủ; chúng ta phải ôm trọn “công
việc của Chúa,” và trở nên giống Đức Kitô hơn trong mọi sự.
Nếu hôm nay chúng ta không chu toàn bổn phận như là môn đệ của
Chúa Giêsu, thì chẳng gì có thể khiến chúng ta hạnh phúc trong ơn gọi của mình
và chúng ta sẽ không thể được ở bên Thiên Chúa trong Vương quốc vĩnh cửu. Trở
nên giống Đức Kitô và giúp người khác nên giống Đức Kitô - đây là lý do tại sao
chúng ta hiện hữu và tại sao Thiên Chúa không ngừng ban cho chúng ta tình yêu,
lòng thương xót và ân sủng của Ngài. Thiên đàng chỉ dành cho những ai trở nên
giống Chúa Giêsu hơn và giúp người khác nên giống Ngài hơn. Chúng ta không thể
nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu trong vinh quang nếu chúng ta không nên
giống Ngài ngay tại trần thế này.
Ân sủng của Bí tích Thánh Thể biến đổi chúng ta thành Chúa
Giêsu Kitô hơn. Ân sủng này cũng thúc đẩy chúng ta trở nên giống Ngài hơn trong
suy nghĩ, lời nói và hành động. Khi chu toàn bổn phận trở nên giống Chúa Giêsu
hơn qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng nhớ rằng vẫn còn có rất nhiều môn đệ bất
lương của Chúa Giêsu trong thế giới hiện nay. Chúng ta tìm thấy họ trong gia
đình, nơi làm việc, trong Giáo hội và xã hội. Chúa Giêsu đã đổ máu để họ trở
nên giống Ngài hơn. Trên hết mọi sự, họ cần nhìn thấy Chúa Giêsu trong lời nói
và hành động của chúng ta, đồng thời họ rút được niềm hy vọng từ chúng ta để trở
nên giống Ngài hơn. Điều cuối cùng họ cần là sự giả hình hoặc sự thờ ơ của
chúng ta lên tiếng rằng, "Tôi là ai
để xét đoán người khác?"
Chúng ta hãy giúp họ nên giống Đức Kitô hơn theo bất kỳ cách
nào mà chúng ta có thể: suy nghĩ, lời nói, hành động, lời cầu nguyện, hy sinh,
… Đây là bổn phận của chúng ta như là môn đệ của Chúa Giêsu và chỉ yêu thương
mà thôi thì chưa đủ.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: Catholic
Exchange (2. 3. 2022)
[1] Cha Nnamdi Moneme, OMV là một Linh mục thuộc Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ,
hiện đang truyền giáo tại Philippines. Cha phụ trách Sứ vụ Tĩnh Tâm của Hội
Dòng, Nhà huấn luyện dành cho các Tập sinh, và các thày lớp thần tại Antipolo,
Philippines.