ĐẠI DỊCH KINH HOÀNG COVID-19
BÙNG PHÁT MẠNH TẠI VIỆT NAM VÀ “TÀN PHÁ” ẤN ĐỘ:
PHẢN TỈNH TỪ NHÃN QUAN
CỦA LUÂN LÝ Y SINH HỌC CÔNG GIÁO
VÀ THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI
BS Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà
Những ngày cuối tháng 5/2021
MỞ
Theo linh mục Chenu, ý niệm “dấu chỉ thời đại” là một trong
vài từ ngữ quan trọng nhất của Công đồng Vatican II[1].
Giáo huấn xã hội Công giáo cũng thường nhấn mạnh sự cần thiết phải đọc các dấu
chỉ thời đại để tìm ra ý định của Thiên Chúa trong thời gian. Việc này giúp
chúng ta sống đức Tin một cách trưởng thành và có trách nhiệm giữa thăng trầm của
cuộc đời, can đảm đồng hành với nhân loại, trong ánh sáng của Tin Mừng và với sức
mạnh và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Đó cũng là cách thế sống đức Tin phù hợp
với tâm thức của Giáo Hội (GH).[2]
Từ đầu mùa đại dịch COVID-19 và khi đại dịch tròn một năm,
tôi đã viết hai bài phản tỉnh về “trận đại địa chấn” rung chuyển toàn thế giới
này (Hiệp Thông số 118 và số 122) .
Nay với những chuyển biến mới phức tạp của đại dịch cách riêng trên quê hương
Việt Nam (VN) ngàn đời kính yêu, và tại đất nước Ấn Độ, thân cận cùng châu lục,
đây đó các bạn y khoa áo trắng của tôi cũng thực sự lo lắng, tôi lại viết vài
dòng phản tỉnh đang thao thức trong tâm hồn, nhưng luôn với một niềm tin yêu,
phó thác và hy vọng vào tình thương vô biên và quyền năng tuyệt đối của Thiên
Chúa-Đấng đã tạo thành nên tôi, nên nhân loại và toàn thể vũ trụ này và biết rằng
Ngài vẫn luôn hiện diện trong lịch sử.
1. Vài nét về tình hình đại dịch tại Việt Nam và Ấn
Độ trong tháng 4& 5/2021
Từ ngày 27/4/2021, tại VN, đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng
phát đợt thứ tư, đặc trưng bởi các biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm từ Ấn Độ, từ
Anh, gây nhiều ổ dịch cùng lúc, bùng phát mạnh ở khu công nghiệp khiến số ca
nhiễm tăng vọt, bệnh tiến triển nhanh và mức độ bệnh trầm trọng hơn, diễn biến
rất khó lường. Cụ thể trong hơn một tháng từ 27/4 đến sáng 4/6, số ca nhiễm
SARS-CoV-2 cộng đồng vượt con số 5000, với hàng trăm ca bệnh trong tình trạng nặng,
trong đó vài chục bệnh nhân nguy kịch. Nếu lần bùng phát thứ nhất, mỗi ngày số
bệnh tăng lên với một hoặc hai chữ số, lần thứ hai và thứ ba với hai chữ số, lần
thứ tư này thì nhảy vọt lên ba chữ số. Riêng ngày 25/5, Việt Nam ghi nhận kỷ lục
447 ca nhiễm mới, gồm 444 ca trong nước và ba ca nhập cảnh, trong đó tâm dịch Bắc
Giang ghi nhận 375 ca.[3] Đáng lo ngại nữa là các ca tử
vong dồn dập hơn và Cô Vy biến chủng ngày càng hiểm ác hơn, dường như không còn
kiêng dè thể loại người nào nữa, lần này cướp đi mạng sống cả bệnh nhân trẻ,
không có bệnh nền, như trường hợp nữ công nhân 38 tuổi ở Bắc Giang, vốn rất khỏe
mạnh, mà chết trong vòng chỉ một tuần sau khi phát hiện nhiễm bệnh, hay bệnh
nhân nam sinh viên 22 tuổi, được Bộ Y tế công bố mắc COVID-19 trưa 1/6, được
chuyển từ Long An đến Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh (TP
HCM) với tình trạng tổn thương gan, suy hô hấp, phải can thiệp ECMO (trao đổi
oxy qua màng ngoài cơ thể), tiên lượng xấu. Tiểu ban điều trị COVID-19 cho biết
nhiều bệnh nhân rất trẻ không có bệnh nền nhưng khi mắc COVID-19 trở nặng rất
nhanh.[4]
Tại Ấn Độ thì đại dịch tàn phá gần như “tan hoang” đất nước!
Đất nước của đạo Hindu đang chìm trong làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, với hơn
25 triệu ca nhiễm bệnh và hơn 300.000 người chết, theo số liệu của những ngày
cuối tháng 5/2021, khi bài này đang được viết. Trong nhiều ngày liên tiếp số
người chết trên dưới 4.000/ ngày. Các chuyên gia cho rằng con số thực còn cao
hơn nhiều lần vì thiếu xét nghiệm. Việc số người chết do COVID-19 tăng theo cấp
số nhân đã làm cho các cơ sở hỏa táng bị quá tải. Những người nghèo đem thân
nhân bị chết đặt dọc sông Hằng để đốt bằng củi. Những ngày này, tại sông Hằng,
con sông linh thiêng nhất của Ấn Độ đâu đâu cũng có xác người. Theo hãng tin
Hindi Dainik Bhaskar, chỉ trong một tuần, hơn 900 xác chết đã được chôn dọc
sông ở Unnao. Ngoài ra, sau trận mưa lớn, ít nhất 200 thi thể bệnh nhân
COVID-19 lộ ra trên các bãi cát dọc sông Ganga. Nỗi kinh hoàng ở Uttar Pradesh
lần đầu xuất hiện trên báo chí vào ngày 10/5 khi 71 thi thể trên sông dạt vào bờ
ở làng Chausa. Theo nhà chức trách, một số hài cốt có thể là các bộ phận cơ thể
đã trôi nổi trên sông Hằng sau khi được hỏa táng, nhưng cũng có nhiều thi thể
đã bị vứt xuống sông Hằng. Nhiều người nghèo không có cả củi để thiêu xác.
Chính quyền đã phải giăng lưới để vớt các xác chết.[5]
Việc ô nhiễm nước và không khí càng làm xấu đi tình hình vốn đã tang thương
toàn xã hội Ấn và đẩy mạnh việc lây nhiễm vốn đã quật ngã nền y tế và con người
của đất nước này.
Từ New Delhi ngày 25/5/2021, ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ VN tại
Ấn Độ đã viết vài dòng tự sự, tâm trạng “như đang trong một bộ phim viễn tưởng”
khi chứng kiến cảnh tượng COVID-19 tàn phá Ấn Độ, cách riêng là một số thân
nhân của nhân viên tòa đại sứ rơi vào cảnh “thập tử nhất sinh” do nhiễm
SARS-CoV-2; mọi người sống với “nỗi sợ hãi bao trùm”. Ông cảm nghiệm: “Lần đầu
tiên trong đời, tôi trải nghiệm những thời điểm nguy kịch tưởng chừng không qua
nổi trong một cuộc chiến không tiếng súng, không người thân, không gia đình, bạn
bè bên cạnh. Một cuộc chiến không cân sức với kẻ thù vô hình, đầy sức hủy diệt.
Chúng tôi chỉ còn biết kiên cường bám trụ.”[6]
2. Xung đột giữa lợi ích cá nhân và công ích
Với địa lý cận kề, tình hình dịch bệnh ở các nước Đông Nam Á
đang tác động lẫn nhau, cách riêng đối với VN là dịch ở Campuchia, Lào, Trung
Quốc do các người nhiễm bệnh vượt biên giới vào VN trái phép, làm cho những người
hữu trách, lực lượng phòng chống dịch khó kiểm soát.
Lần bùng phát thứ tư này của đại dịch có nhiều ổ lây nhiễm cộng
đồng, có trường hợp không rõ nguồn F0.[7]
Trước đó bộ phận phòng chống dịch đã cảnh báo khi có nhiều người nhập cảnh lậu,
phần nhiều là người Trung Quốc, hay người Việt về từ Campuchia, Lào. Đáng trách
là chủ mưu giúp những người này lẩn trốn là những người dân Việt vì một chút lợi
nhỏ mà quên đi lợi ích to lớn của đất nước, của cộng đồng, và sức khỏe của cả
chính bản thân mình.[8] Các hành động vô ý thức, thiển
cận và ích kỷ này của nhóm nhỏ làm đảo lộn cuộc sống của mấy chục triệu đồng
bào tại VN.
Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG) khẳng định con người cần
đời sống xã hội, đây là một đòi hỏi của bản tính nhân vị (s. 1879). Theo bản
tính xã hội của con người, lợi ích cá nhân liên kết với công ích một cách tất yếu
(s. 1905), cá nhân và xã hội có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhau. Mỗi người
phải tham gia vào việc mưu cầu công ích. Bổn phận này gắn liền với phẩm giá
nhân vị (s. 1913). Công ích luôn hướng tới việc thăng tiến con người (s. 1912).
GH nhìn nhận mỗi người có quyền sáng kiến về kinh tế, nhưng
phải tuân theo những quy định do các quyền bính hợp pháp đề ra vì công ích (s.
2429). Đời sống kinh tế liên quan đến nhiều quyền lợi khác nhau, nên nhiều khi
đối nghịch nhau. Cần cố gắng giải quyết xung đột dựa trên sự tôn trọng các quyền
lợi và bổn phận của mỗi thành viên xã hội (s. 2430). Hãy “yêu tha nhân như
chính mình”. Đặc biệt trong trách nhiệm cùng nhau vượt qua cơn đại dịch, mỗi
người cần nghĩ đến lợi ích cộng đồng để cộng đồng cũng có thể bảo vệ cá nhân mỗi
người. Như Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định trong Thông điệp Fratelli Tutti (FT): “Chăm sóc thế giới mà ta sống trong đó có nghĩa là chúng ta
chăm sóc chính mình”.
3. Vấn nạn của việc cách ly tập trung những
người thuộc diện F1
Khái niệm: Quyết
định 3468/QĐ-BYT ngày 7/8/2020 của Bộ Y tế định nghĩa
F1: chỉ người tiếp
xúc gần trong vòng hai mét với ca bệnh xác định dương tính SARS-CoV-2 (F0)
trong khoảng thời gian từ ba ngày trước khi khởi phát của ca bệnh cho đến khi
ca bệnh được cách ly y tế.
F2: Là người tiếp
xúc gần trong vòng hai mét với F1 trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên F1 tiếp
xúc với ca bệnh (kể từ ba ngày trước khi ca bệnh khởi phát) cho đến khi F1 được
cách ly y tế. Mốc dịch tễ: là địa điểm,
sự kiện mà ca bệnh đã đi /đến hoặc đã có mặt trong khoảng thời gian từ ba ngày
trước khi khởi phát bệnh cho đến khi bệnh nhân được cách ly y tế. Những người
thuộc diện F1 phải cách ly tập trung, theo dõi xét nghiệm, và từ đây Trung Tâm
Kiểm soát Bệnh tật (Centers for Disease Control, CDC) điều tra truy vết theo từng
nhánh F2, F3, để cách ly thêm các ca có thể đã bị lây nhiễm nhằm ngăn dịch bệnh
lây lan ra cộng đồng.
Cả nước trong đợt dịch thứ tư này hiện số ca bệnh hơn 5.000
và cả mấy chục ngàn người trở thành F1 và phải cách ly tập trung. Việc này cũng
đang là một lưỡng nan.
Vài câu chuyện thực tế
Tại Bắc Giang, một người phụ nữ được chính quyền xác định là
F1. Ngày 26/5 lực lượng chức năng mất năm tiếng đồng hồ thuyết phục chị đi cách
ly nhưng bất thành, chị khóa cửa nhà cố thủ. Cuối cùng, lực lượng chức năng lực
lượng chức năng phải phá cửa, đưa chị đi cách ly. Chính quyền địa phương quyết
định xử phạt người này 10 triệu đồng áp dụng nghị định 117 với các tình tiết
tăng nặng, do người này từ chối, trốn tránh biện pháp cách ly y tế khiến cơ
quan chức năng phải cưỡng chế.[9]
Tại Bắc Ninh, một gia đình năm người thì người bố mắc
COVID-19 vừa qua đời, mẹ và anh trai là cũng nhiễm bệnh đang điều trị ở hai nơi
khác nhau, còn hai cháu nhỏ năm và chín tuổi phải ở trong khu cách ly tập trung
từ ngày 6/5.
Gần đây, nhân viên chốt kiểm dịch cao tốc Nội Bài - Lào Cai
đã phát hiện 91 công nhân thuộc diện F1 trở về Lào Cai từ các khu công nghiệp tại
Bắc Giang, Bắc Ninh. Họ chỉ bị phát hiện khi tiến hành kiểm tra y tế tại chốt
kiểm dịch. Lực lượng tại đây đã lấy mẫu test nhanh SARS-CoV-2, sau đó đưa những
công nhân này về khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh. Việc những công
nhân khu công nghiệp tự ý trở về địa phương khi vẫn trong diện cách ly sẽ tiềm ẩn
nhiều nguy cơ lây nhiễm nếu không được kiểm soát chặt chẽ.[10]
Vấn nạn của Nhân viên
y tế: KHÔNG để nhân viên y tế trở thành F1
Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ (TS) Bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Vĩnh
Châu - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt Đới thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), khẳng định
nhân viên y tế (NVYT) khi chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nếu tuân thủ đúng quy định
về phòng chống lây nhiễm COVID-19 thì KHÔNG phải là F1. Hẳn nhiên không phải F1
thì không bị cách ly như quy định.
BS Vĩnh Châu dẫn chứng một nghiên cứu nhằm tìm hiểu mức độ
phơi nhiễm với SARS-CoV-2 ở các NVYT của BV Bệnh Nhiệt Đới TP HCM - BV tuyến đầu
trong công tác chăm sóc và điều trị bệnh COVID-19 ở miền Nam, đã tiến hành vào
tháng 8/2020. Có 408 NVYT làm việc tại các vị trí khác nhau được mời tham gia
vào khảo sát này, trong đó có 97 nhân viên trực tiếp chăm sóc lâm sàng cho bệnh
nhân COVID-19 (đặc biệt có nhóm NVYT hồi sức cho bệnh nhân số 91 phi công người
Anh trong suốt ba tháng) và 34 nhân viên xét nghiệm xử lý hàng chục nghìn mẫu bệnh
phẩm hô hấp làm xét nghiệm PCR SARS-CoV-2. Kết quả 100% NVYT được khảo sát đều
âm tính với kháng thể kháng nucleocapsid protein của SARS- CoV-2. Kết quả này
cho thấy trong quá trình tiếp cận với nguồn lây COVID-19, NVYT có thể được bảo
vệ an toàn khi tuân thủ đúng các quy tắc kiểm soát nhiễm khuẩn mà VN và BV Bệnh
Nhiệt Đới đang áp dụng. Nghiên cứu này đã được đăng trên Journal of Infection, tạp chí của Hội Truyền Nhiễm Anh Quốc, số
tháng 11/2020 (www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7674964/).
BS Vĩnh Châu bức xúc trước sự việc gần đây trong khi số ca
nhiễm trong cộng đồng tăng nhanh, cứ mỗi khi Cô Vy đột nhập một cơ sở khám chữa
bệnh thì NVYT nơi đó thành F1, bị cách ly; cơ sở khám chữa bệnh đó bị phong tỏa.
BS Vĩnh Châu đặt vấn đề: một “cứ điểm” của “mặt trận điều trị” vừa có Cô Vy xâm
nhập liền bị giải giới khi chưa kịp “tung chiêu” gì cả!! Theo BS Vĩnh Châu trận
chiến điều trị và phòng chống COVID-19 chỉ mới bắt đầu, thời gian tới cần huy động
mọi nguồn lực y tế, NVYT không thể dễ dàng bị “trói tay” ngay sau khi vừa chạm
mặt Cô Vy mà chưa kịp phản đòn. BS Vĩnh Châu nhấn mạnh điều quan trọng là củng
cố quy trình sàng lọc, sử dụng nghiêm túc PPE[11]
theo đúng quy định, hy vọng như thế sẽ không còn NVYT nào bất đắc dĩ bị thành
F1 trong quá trình khám chữa bệnh. Quy trình xử lý khi BV hay cơ sở khám bệnh
phát hiện có trường hợp COVID-19 (+) của Sở Y Tế TPHCM vừa ban hành hy vọng
giúp cho các thành trì y tế đứng vững trong cuộc chiến gian nan sắp tới.[12]
Vấn đề cách ly F1 tại
nhà?
Làn sóng dịch tại hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang chủ yếu xảy
ra trong khu công nghiệp. Số lượng F1 rất lớn, khiến các khu cách ly tập trung
nguy cơ quá tải. Ngày 21/5 Bắc Ninh ghi nhận 505 ca nhiễm; truy vết 37.000 F1
và F2; trong đó 31.000 người cách ly y tế. Bắc Giang ghi nhận 1.024 ca nhiễm;
truy vết được 11.453 F1. Vì vậy, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống
COVID-19 chiều 21/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bắc Ninh, Bắc Giang mạnh
dạn thí điểm quy mô nhỏ, rút kinh nghiệm để xem xét mở rộng việc cách ly F1 tại
nhà. Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên để thực hiện thí điểm cách ly F1 tại
nhà, cần bảo đảm tối thiểu bốn điều kiện cơ bản.
Thứ nhất, Ban chỉ
đạo phòng chống COVID-19 tại Bắc Ninh và Bắc Giang gấp rút rà soát kỹ tất cả F1
để phân loại thành “F1 nguy cơ cao” (người tiếp xúc rất gần với F0 dưới 2 m) bắt
buộc cách ly tập trung và “F1 nguy cơ thấp” ( tiếp xúc F0 xa trên 2 m) được
cách ly tại nhà.
Thứ hai, F1 và gia
đình phải ký cam kết với chính quyền tuân thủ nghiêm ngặt, không tự ý rời khỏi
nơi cư trú. Nhà phải có phòng riêng cho F1, các thành viên khác trong gia đình
không tiếp xúc gần với F1. Mọi sinh hoạt của F1 thực hiện theo hướng dẫn của cơ
quan y tế.
Thứ ba, chính quyền
cơ sở hướng dẫn F1 theo dõi và khai báo y tế hằng ngày; hướng dẫn thu gom, xử
lý rác thải của người cách ly tại nhà.
Thứ tư, tất cả F1
được cách ly tại nhà phải được giám sát chặt chẽ, bằng camera, và các tổ chống
COVID-19 cộng đồng phải giám sát thường xuyên. Nếu vi phạm xử lý nghiêm.[13]
Thuận lợi của việc
cách ly tập trung những người thuộc diện F1
- Dễ quản lý, nhất là trong trường hợp hiện nay nhiều người
dân chưa có ý thức thực hiện nghiêm túc việc tự cách ly, như một số trường hợp
báo chí đã đưa tin.
- Vì được xét nghiệm thường xuyên nên dễ dàng phát hiện các
ca F1 chuyển thành F0 và đưa đi điều trị cách ly kịp thời.
Bất lợi của việc cách
ly tập trung những người thuộc diện F1
- Nguy hiểm nhất có lẽ nguy cơ lây nhiễm chéo, vì rất khó giữ
đúng quy tắc 5 K ngày và đêm. Cụ thể theo CDC Hà Nội, khu cách ly tập trung Trường
Quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô (Sơn Tây) từ ngày 23/5 đến nay ghi nhận 50 trường hợp
F1 dương tính với SARS-CoV-2, riêng ngày 30/5 là 35 trường hợp. Hiện đang có
927 người thuộc diện F1 đang cách ly tại đây. Trong những ngày qua, tại các điểm
cách ly tập trung, cũng ghi nhận số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh. Theo
giám đốc Sở Y tế Hà Nội để tránh lây nhiễm chéo, các nơi cách ly tập trung phải
phân bố sao cho có khoảng cách an toàn (2m), cần xét nghiệm thường xuyên nhằm
sàng lọc ra các ca nghi nhiễm, đưa đi điều trị kịp thời; khử khuẩn liên tục khu
vực. Đối với các ca hoàn thành 21 ngày cách ly tập trung, nhưng ở trong phòng
có ca nhiễm, cơ quan chức năng sẽ giải thích cụ thể để người dân hiểu và tiếp tục
cách ly thêm để đảm bảo an toàn. Với các trường hợp này, bộ phận chịu trách nhiệm
khu cách ly chủ động các vấn đề liên quan đến kinh phí để đảm bảo đời sống người
dân.[14]
- Thiếu hụt nguồn nhân lực làm việc
- Sinh hoạt cá nhân rất bất tiện.
- Tốn kém nhiều cho ngân quỹ quốc gia.
Thuận lợi của việc
cách ly những người thuộc diện F1 tại
nhà
- Tránh được các bất lợi của việc cách ly tập trung.
- Có thể làm việc tại nhà.
- Khá quan trọng là trong trường hợp số ca bệnh F0 tăng hàng
chục nghìn như các nước phương Tây ở các đợt dịch trước, thì số F1 càng đông gấp
bội, nếu cách ly tập trung thì sẽ rất khó đáp ứng về cơ sở vật chất, nhân lực
và nguồn tài chính phục vụ.
Bất lợi của việc cách
ly những người thuộc diện F1 tại nhà
- Không có được các thuận lợi của việc cách ly tập trung.
Nhìn chung, bên cạnh một tấm lòng lo cho nước cho dân, những
người hữu trách rất cần có tầm nhìn xa, khả năng chuyên môn, nhân đức khôn
ngoan, bàn hỏi những người có tài năng liên quan, nhanh chóng rút kinh nghiệm từ
các trường hợp thực tế hằng ngày để có thể có quyết định sáng suốt và nhanh nhạy,
tập hợp được mọi nguồn lực liên quan và sự hợp tác của toàn thể dân chúng. Các
lực lượng phòng chống dịch và các đội ngũ y tế chăm sóc điều trị các bệnh nhân
COVID-19 tại VN trong thời gian qua nói chung làm khá tốt việc phối hợp này và
sẽ ngày càng hoàn thiện hơn để nhanh chóng đẩy lui đại dịch chết chóc này.
4. Ý thức tự giác và sự cộng tác của người dân mang
tính then chốt và cơ bản
Tính trung thực giúp
việc phòng chống dịch tốt hơn và dễ dàng hơn
Ngày 6/5/2021, ông T.V.Đ đi từ vùng dịch Lãm Trại, phường
Vân Dương, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh về xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An),
nhưng ông đã khai báo với Trạm Y tế Hạ Sơn là đi từ Khu công nghiệp Quế Võ về để
không bị áp dụng các biện pháp cách ly y tế phòng dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Sau khi xác minh ông T.V.Đ. đã khai báo y tế sai sự thật, công an xã Hạ Sơn đã
lập biên bản, ông T.V.Đ. đã vi phạm hành chính: “Cố ý khai báo, thông tin sai sự
thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A”. Ngày 19/5, chính quyền huyện Quỳ Hợp
đã ban hành quyết định xử phạt T.V.Đ. 10 triệu đồng vì tội trên.[15]
Đây đó thỉnh thoảng vẫn xảy ra vài trường hợp tương tự. Dư
luận gần đây chú ý trường hợp hai vợ chồng Giám đốc Hacinco tại Hà Nội. Ngay
sau khi đợt dịch thứ tư bùng phát với nhiều ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2,
các địa phương nhanh chóng ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các công chức hay
khuyến cáo người dân tuân thủ quy định phòng chống dịch. Tại Hà Nội, chính quyền
có công điện yêu cầu mọi người dân khi trở lại thành phố sau kỳ nghỉ lễ 30/4 bắt
buộc phải khai báo y tế. Tuy nhiên, vợ chồng Giám đốc Hacinco đã cố tình không
khai báo y tế sau khi du lịch Đà Nẵng - vùng có dịch - trở về. Nguy hiểm hơn,
khi vợ chồng có biểu hiện ho, sốt, đau họng, họ vẫn cố ý không khai báo, mà còn
tham gia tiệc tùng, ăn uống đông người. Sau khi xác định cả hai vợ chồng đều
nhiễm SARS-CoV-2, rất nhiều địa điểm hai người này từng đến trong 14 ngày qua
đã phải cách ly y tế với hàng nghìn người. Số ca F1 xác định được của cặp vợ chồng
đến sáng 13/5 là 150. Hai tòa chung cư ở quận Hà Đông, Hà Nội, cũng phải phong
tỏa do liên quan vị giám đốc này.[16] Do tính chất nghiêm trọng của
chuỗi lây từ cặp vợ chồng này, ông đã bị cấp trên cách chức Bí thư Đảng ủy, chức
Giám đốc Hacinco.
Tuy nhiên ngày 19/5, bác sĩ (BS) Giám đốc CDC của Đà Nẵng khẳng
định vợ chồng giám đốc Hacinco không lây nhiễm SARS- CoV-2 từ Đà Nẵng. Lý do là
tất cả 11 mẫu bệnh phẩm tại Đà Nẵng đều nhiễm virus biến chủng Anh. Trong khi
đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng lấy mẫu bệnh phẩm đối với vợ chồng
giám đốc để giải trình tự gene. Mẫu bệnh phẩm của người vợ không ra kết quả (do
mẫu không đạt yêu cầu), còn của người chồng mang virus biến chủng Ấn Độ. Lý do
này khá thuyết phục vì dựa vào khoa học, dù sao, vợ chồng này vẫn vi phạm khai
báo y tế gian dối và không nghiêm túc giữ quy tắc 5 K[17]
khiến chuỗi lây nhiễm từ vợ chồng này là lớn.
Nhiều người vi phạm khai báo y tế gian dối cũng đã bị xử lý
hành chính hoặc hình sự nhưng cho đến nay vẫn có nhiều người bất chấp pháp luật,
ngay cả ông Giám đốc Hacinco, được coi là người trí thức, có trình độ hiểu biết.
Thật ra cũng có thể hiểu phần nào tâm trạng của những người này: sợ bị cách ly,
sợ cuộc sống những ngày bị cách ly sẽ rất bất tiện, sợ gián đoạn công việc đang
dang dở... Tuy nhiên, các lý do này không đủ biện minh cho hành vi xem thường sức
khỏe, ngay cả tính mạng của bản thân mình và người khác. Chính quyền đã xử lý
nghiêm minh những người này bằng các chế tài của pháp luật để răn đe, phòng ngừa
chung cho xã hội.[18]
Giáo huấn GH dạy con người phải ngay thẳng trong cách hành động
và lời nói của mình. Đây là nhân đức chân thật (GLHTCG s. 2468). “Con người
không thể chung sống với nhau nếu không tin nhau”. Theo đức công bình, con người
phải thành thật biểu lộ sự thật cho người khác (s. 2469). Trong trận chiến đại
dịch COVID-19, sự thật về khai báo y tế cá nhân ảnh hưởng đến nguồn tài lực,
nhân lực của quốc gia, đến sức khỏe và cả tính mạng của hàng chục nghìn người
dân. Như thế, nói dối trong trường hợp này sẽ là một tội nghiêm trọng (s.
2484). Cần đức can đảm để giữ sự ngay thật. Tuy nhiên, khi xử lý những người vi
phạm quy định phòng chống dịch, cần phải luôn tôn trọng phẩm giá của họ, và
tránh lời nói quá đáng gây tổn thương. Công bình phải đi đôi với đức ái. ĐTC
Phanxicô dạy chúng ta cần “phục hồi niềm say mê cùng nhau kiến tạo một cộng đồng
với cảm thức thuộc về và liên đới với nhau” (FT s. 36).
Ý thức tự giác và sự
cộng tác của người dân, của cộng đồng giúp bảo vệ thành trì y tế
Các đợt bùng phát dịch trước hầu hết nguồn lây từ các ca nhập
cảnh, thế nên dễ quản lý hơn. Đợt dịch lần thứ tư này với các ổ dịch tại Bắc
Giang, Bắc Ninh, TP HCM... bùng phát nhanh từ các nguồn lây phát xuất từ cộng đồng.
TS BS Lê Minh Khôi, BV Đại Học Y Dược TP HCM nhận định đây là yếu tố nguy cơ
quan trọng vì bệnh có thể hiện diện khắp nơi. Điều nguy hiểm nhất là Cô Vy có
thể tấn công vào các BV, các cơ sở khám chữa bệnh - là thành trì cuối cùng của
hệ thống y tế và cũng là của sức khỏe cộng đồng. Khi Cô Vy tấn công các thành
trì y tế này sẽ gây nhiều hệ lụy, làm suy yếu hệ thống y tế đang lúc nhu cầu về
y tế ngày càng cấp thiết. Trong hai tuần qua, một số phòng khám và BV phải bị
phong tỏa tạm thời vì Cô Vy đột nhập. Thường là do bệnh nhân không khai báo y tế
thành thật nên BV “thủng lưới”. Vấn nạn đặt ra là làm sao chúng ta có thể bảo vệ
thành trì cuối cùng này của y tế? Trước hết và cơ bản là phải bắt đầu từ cộng đồng.
Mỗi cá nhân phải tự giác tuân thủ quy định 5 K, nhất là khai báo y tế một cách
trung thực, thực hiện giãn cách xã hội.[19]
Phần các BV thì trước hết, ý kiến của BS Khôi, cũng như BS Vĩnh Châu đã nói
trên, điều quan trọng là củng cố quy trình sàng lọc, sử dụng nghiêm túc PPE, cần
theo các hướng dẫn, quy trình mà Bộ Y tế đã ra văn bản yêu cầu.
5. Vừa bảo đảm sự riêng tư cá nhân của người bệnh vừa
bảo đảm tính rõ ràng chính xác của các nơi dịch tễ nguy cơ
Những ngày đầu tiên đại dịch bùng phát, CDC đã thực hiện
khoanh vùng dịch tễ bằng cách công bố công khai tên từng bệnh nhân với lịch
trình di chuyển, sinh hoạt chi tiết của họ. Ngày 20/5, Bộ Thông tin và Truyền
thông có văn bản gửi Bộ Y tế, nhận định việc công khai danh tính và lịch trình
di chuyển của các bệnh nhân COVID-19 gây nhiều bất cập. Vì thế, ngày 21/5, Bộ Y
tế yêu cầu các đơn vị, địa phương chỉ công bố, khuyến cáo những điểm đến có
nguy cơ về dịch tễ (nơi có người dương tính SARS-CoV-2), để người dân từng đến
đây thực hiện ngay biện pháp tự bảo vệ mình và những người xung quanh. Bộ Y tế
lưu ý các đơn vị cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, chính xác về diễn biến
dịch bệnh, để người dân không chủ quan, nhưng không gây hoang mang, nhất là khi
dịch bệnh bùng phát.[20]
GLHTCG nhìn nhận trong xã hội hiện đại, các phương tiện truyền
thông xã hội có một vai trò quan trọng trong việc thông tin (s. 2493). Việc
thông tin nhờ các phương tiện truyền thông nhằm phục vụ công ích. Công chúng có
quyền được biết những thông tin dựa trên sự thật, sự tự do, đức công bình và
tình liên đới. Ngoài ra, về cách thức, truyền thông phải lương thiện và thích hợp,
nghĩa là phải tuân giữ các quyền hợp pháp và phẩm giá con người, cả trong việc
săn tin lẫn việc loan tin (s. 2494). Thực tế, trong thời gian qua, việc công bố
lịch trình di chuyển, hoạt động của bệnh nhân COVID-19, chủ yếu dựa vào khai
báo của người bệnh, phục vụ cho việc khoanh vùng dịch tễ, truy vết, nhưng nhiều
khi là dịp cho dư luận bình luận, bàn tán, kỳ thị, xâm phạm đời tư, tác động xấu
đến uy tín, danh dự của người bệnh và cuộc sống, sinh hoạt của gia đình họ. Thế
nên quyết định mới này của Bộ Y tế là hữu lý.
6. Giữ quân bình giữa nhân đức “chăm lo bản thân” và
đức ái với tha nhân
Cần có kế hoạch làm
việc quân bình hơn cho các BS và NVYT đang tham gia chống dịch để bảo đảm sức
khỏe và mạng sống của họ trong cuộc chiến còn kéo dài
“Gần 18 tháng qua, các nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe
khắp thế giới đã đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết” - Tedros Adhanom
Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, nhận định và cho biết có tới 115.000 NVYT đã chết
do SARS-CoV-2.[21] Đáng buồn, BS Vivek Rai- một
trong những BS nội trú hàng đầu tại New Delhi - đã tự tử vì áp lực khi phải làm
việc trong đợt bùng phát COVID-19 dữ dội. Vivek Rai là một BS trẻ xuất sắc đến
từ Gorakhpur (Uttar Pradesh), anh đã giúp cứu sống hàng trăm người trong đại dịch.
Nhưng khi số người chết vì đại dịch ngày càng nhiều, Rai mắc chứng trầm cảm nặng.
Cái chết của BS Vivek Rai là hồi chuông cảnh báo cho vấn đề căng thẳng tinh thần
nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID-19. TS Ravi Wankhedkar, cựu
giám đốc Hiệp hội Y khoa Ấn Độ (IMA), nhận định do chính sự tắc trách của chính
phủ dẫn đến thiếu hụt cơ sở y tế cơ bản đã đẩy các BS Ấn Độ vào tình trạng căng
thẳng liên tục.[22]
Tại VN, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu
- những chiến sĩ áo trắng tình nguyện xa nhà chống dịch, xa cha mẹ già, vợ trẻ
con thơ, chống chọi với cái nóng hầm người, rát bỏng da, nóng đến mất nước
trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nhịn cả nhu cầu cấp thiết... Nhiều người kiệt sức
ngất xỉu, có người mệt nhoài ngã bên lề đường tranh thủ chợp mắt.[23]
Đức công bình đòi hỏi
chúng ta xem mỗi người là như nhau ; đức trung tín đòi hỏi chúng ta coi các bạn
bè và gia đình của chúng ta cách ưu tiên ; đức chăm lo bản thân đòi hỏi chúng
ta tự coi mình là độc nhất. Những đòi hỏi của ba nhân đức này có thể được
thực hiện cách đồng thời và dẫn đến nhân đức thứ tư: chính đức khôn ngoan tìm kiếm các nhấn mạnh cách thích hợp trong mỗi
hoàn cảnh. Đôi khi cần phải chọn lựa giữa sự công bình, lòng trung tín và
việc chăm lo bản thân. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay trên
toàn thế giới, nhiều BS đã chết vì phục vụ bệnh nhân đến kiệt sức và nhiễm bệnh.
Các vị này đã “yêu tha nhân HƠN chính bản thân mình”. Đó là bản chất và “tính
thánh thiêng” của nghề y. Bước vào ngưỡng cửa ngành y, các BS đã được huấn luyện
đức nhẫn nại, kiên cường, can đảm, vô vị lợi, đặt lợi ích bệnh nhân lên trên lợi
ích chính mình. Tuy nhiên, đức khôn ngoan đòi hỏi chính các BS, NVYT, trước hết
cũng phải được chăm sóc và bảo vệ thì những người này mới có thể cống hiến phục
vụ bệnh nhân và đất nước dài lâu. Quốc gia và nhân dân luôn cần và đang cần cấp
thiết những chiến sĩ áo trắng.
7. Tầm ảnh hưởng quyết định của việc tiêm chủng vaccine
và “Tình bằng hữu xã hội”
Vaccine tạo hai mảng
đối lập trong bức tranh COVID-19 toàn cầu
Trong khi Hoa Kỳ, Anh và một số nước phương Tây tràn đầy hy
vọng về tương lai hậu Covid-19, nhờ đủ tài lực để mở rộng tiêm chủng vaccine
cho đại đa số dân chúng để đạt được miễn dịch cộng đồng, thì những nơi khác
trên thế giới vẫn quay cuồng vì đại dịch và cơn khát vaccine.
Ngày 24/5, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Chris Fearne của
Malta, một thành viên của Liên minh châu Âu (EU), cho biết nước này đã tiêm vaccine
ngừa COVID-19 cho 70% dân số trưởng thành với ít nhất một liều, trở thành quốc
gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) đạt miễn dịch cộng đồng. Chris Fearne
nhìn nhận vaccine là vũ khí của Malta chống lại SARS-CoV-2.[24]
Anh đã vượt qua một cột mốc đáng tự hào ngày 12/4: tất cả
người trên 50 tuổi và 9 nhóm có nguy cơ cao đã được tiêm ít nhất một liều
vaccine ngừa COVID-19. Chiến thuật “bỏ trứng vào nhiều giỏ” góp phần đem lại
thành công này. Anh đã đặt tiền trước để mua 30 triệu liều vaccine của J&J,
đồng thời đặt mua trước 100 triệu liều của AstraZeneca. Hiện Anh đã cấp phép sử
dụng vaccine của AstraZeneca, Moderna và Pfizer. Anh có 157 triệu liều vaccine
- đủ cho toàn bộ dân chúng theo phác đồ tiêm hai mũi.[25]
Giáo sư Jeremy Brown - một cố vấn của Chính phủ Anh về vaccine - cảnh báo sẽ có
một sự “pha trộn” vaccine trong những năm tới. Ông nói: “Một người có thể được
tiêm 1 hoặc thậm chí 2 liều vaccine Moderna, Pfizer hay AstraZeneca. Nhưng
không có gì đảm bảo họ sẽ được tiêm cùng loại đó vào lần kế tiếp”. Do đó, giáo
sư Brown đề nghị cần phải tiến hành các nghiên cứu về mức độ tương thích giữa
các loại vaccine hiện có ngay từ bây giờ.
Hoa Kỳ tiến sát tới ngưỡng cửa thoát đại dịch, khi các loại
vaccine được ví như “phép màu” đang đẩy lui COVID-19. Các thành phố như hồi
sinh. Bức tranh đại dịch u tối của Hoa Kỳ với hàng trăm nghìn ca nhiễm và hàng
nghìn ca tử vong mỗi ngày đang dần trở nên tươi sáng hơn. Tất cả điều này được
cho nhờ vào các loại vaccine có hiệu quả đang được triển khai cho đa số dân tại
nước này, như Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson. Tình hình sức khỏe cộng
đồng được cải thiện đã giúp khôi phục nền kinh tế 90% so với thời điểm trước đại
dịch, theo Moody's Analytics.[26]
VN đang nỗ lực mở rộng việc tiêm chủng vaccine. Tuy nhiên tỷ
lệ người được tiêm chủng tại VN hiện ở mức gần 1% dân số, rất xa mức 50-70% mà
các chuyên gia cho là cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng.
Tình huynh đệ, tình bằng
hữu xã hội trong Thông điệp Fratelli
tutti (Tất cả anh em)
Thông điệp Fratelli
tutti (FT) của ĐTC Phanxicô được
ban hành ngày 3/10/2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19. ĐTC chia sẻ đây là điều
khiến ngài đau buồn trong khi soạn thảo tài liệu này. Nhưng cũng chính vì thế
mà Thông điệp ra đời thật đúng lúc, đáp ứng nhu cầu giúp đỡ lẫn nhau giữa các
quốc gia để cùng đưa nhân loại bước ra khỏi bóng tối của cơn đại dịch chết chóc
này.
Fratelli tutti - Với
hai từ này, thánh Phanxicô Assisi đã nói với các anh chị em mình và đã gợi cho
họ một lối sống mang bản sắc Tin Mừng. ĐTC chọn lời khuyên của Thánh Phanxicô,
trong đó ngài kêu gọi một tình yêu vượt quá những rào cản địa dư và khoảng
cách, và ngài tuyên bố phúc cho tất cả những ai yêu mến người anh em mình, “khi
người ấy ở xa cũng như khi ở gần”. Thánh Phanxicô đã diễn tả yếu tính của một sự
cởi mở huynh đệ cho phép chúng ta nhận ra, quý trọng, và yêu thương mỗi người,
bất kể sự khác biệt thể lý, bất kể nơi xuất phát của người ấy (s.1).
ĐTC nhấn mạnh: “Mọi con người đều có quyền sống với phẩm giá
và có quyền phát triển cách toàn vẹn; quyền căn bản này không thể bị chối bỏ bởi
bất cứ quốc gia nào. Người ta có quyền này ngay cả dù họ không có khả năng sản
xuất, hoặc họ có những giới hạn bẩm sinh hay do hoàn cảnh. Điều này không làm
giảm phẩm giá cao cả của họ trong tư cách là những nhân vị, một phẩm giá không
đặt nền trên những hoàn cảnh cuộc sống, nhưng trên giá trị nội tại của hữu thể
con người. Nếu không tôn trọng nguyên tắc này, sẽ không có tương lai cả cho
tình huynh đệ lẫn cho sự sống còn của nhân loại” (FT s. 107).
ĐTC nhận định bức tranh y tế toàn cầu chỉ ra rằng “không ai
sống sót một mình” và thời gian này thực sự là lúc “mơ về một nhân loại duy nhất”
nơi đó tất cả chúng ta là “anh em của nhau” (s.7-8). Một xã hội huynh đệ là một
xã hội phát triển nền giáo dục hướng đến đối thoại để loại bỏ “con virus của chủ
nghĩa cá nhân cực đoan” (s.105) và thúc đẩy mọi người cống hiến nhiều hơn.
ĐTC đề nghị hai phương thế để hiện thực hóa hình thức xã hội
này. Đó là: lòng tốt, nghĩa là ước muốn và làm điều tốt cho tha nhân (s.112);
và sự liên đới, hướng đến người đau khổ, người nghèo bị gạt ngoài lề xã hội, và
điều này được diễn tả qua việc phục vụ con người chứ không phải là các ý thức hệ
(s. 115). ĐTC khẳng định quyền được sống đúng với phẩm giá con người là tất yếu,
và bởi vì nhân quyền không có biên giới, không ai có thể bị loại trừ quyền được
cung cấp nhu cầu để sống, bất kể gốc gác người đó (s.121). Vì một cách nào đó,
tài nguyên của một quốc gia cũng là sở hữu của cả nhân loại, không thể bị từ chối
cho những ai đang cần đến dù người đó đến từ đất nước khác. Do vậy, tuy quyền
tư hữu tự nhiên đối với tài sản riêng là đúng đắn, nhưng vẫn thứ yếu so với
nguyên lý phổ quát là thụ tạo được ban tặng cho thế giới (s.120). Trong cái
nhìn này, ĐTC gợi mở suy tư về “một nền đạo đức cho các mối quan hệ quốc tế”
(s.126), xây dựng tình bằng hữu xã hội mang tính quốc tế.[27]
Giáo huấn xã hội của GH cũng luôn dạy của cải của công trình
tạo thành được dành cho toàn thể nhân loại. Quyền tư hữu của cải là hợp pháp, để
bảo đảm tự do và phẩm giá con người, để giúp mỗi người có thể chăm lo bản thân
đúng mực, và chăm lo cho gia đình họ. Sự tư hữu này phải thực hành trong tình
liên đới đồng bào và nhân loại (GLHTCG s. 2402). Tuy nhiên quyền tư hữu này
không hủy bỏ việc ban tặng trái đất cho toàn thể nhân loại ngay từ nguyên thủy
(s. 2403).
Khi SARS-CoV-2 vẫn hoành hành ác liệt ở phần còn lại của thế
giới, chính phủ Hoa Kỳ, cũng như các nước tiêm chủng tốt như Anh, Israel và nhiều
nước châu Âu, đối mặt với hai câu hỏi. Thứ nhất, họ có tôn trọng nghĩa vụ đối với
nhân loại và giúp đỡ các quốc gia đang chịu khủng hoảng bằng cách chia sẻ nguồn
cung vaccine? Thứ hai, liệu chiến dịch tiêm chủng của họ có đạt đến ngưỡng đảm
bảo an toàn, trước khi SARS-CoV-2 biến chủng và đe dọa nỗ lực tiêm chủng hiện tại?
Hoa Kỳ sẽ đối mặt nhiều hậu quả khó khăn lâu dài của đại dịch
trong nhiều lãnh vực, từ ảnh hưởng với nền giáo dục cho đến chính sách đối ngoại.
Cuộc tranh cãi về nguồn gốc COVID-19 mới đây có thể đóng băng thêm mối quan hệ
Mỹ - Trung. Các vụ xả súng hàng loạt và nạn thù ghét người gốc Á tăng mạnh thời
gian gần đây cũng là một lời nhắc nhở Hoa Kỳ.[28]
Hoa Kỳ tặng 80 triệu
liều vaccine
Ngày 3/6 Tổng thống Biden công bố kế hoạch chia sẻ 80 triệu
liều vaccine AstraZeneca đầu tiên cho toàn cầu, trong đó 75% sẽ được phân phối
thông qua chương trình chia sẻ vaccine Covax do WHO dẫn đầu, ưu tiên các nước
Đông Nam Á, Nam Á, Mỹ Latinh, Caribbean và châu Phi. Ngày càng có nhiều lời kêu
gọi ông Biden làm nhiều hơn để chấm dứt cái mà nhà hoạt động AIDS Asia Russell
gọi là “phân biệt chủng tộc về vaccine”. Vị tổng thống hứa hẹn: “Đất nước chúng
tôi sẽ trở thành kho vaccine cho phần còn lại của thế giới”. Ông đúng đắn khẳng
định lập trường: “Chúng tôi chia sẻ những liều vaccine này không phải để đổi lấy
đặc ân hay nhượng bộ... không để giành ủng hộ từ các nước khác... Chúng tôi chia
sẻ vaccine để cứu người và dẫn đầu thế giới trong nỗ lực chấm dứt đại dịch, bằng
sức mạnh nêu gương cũng như các giá trị của chúng tôi”.[29]
80 triệu liều là số lớn, nhưng so với nhu cầu mấy tỷ người ở
các nước đang phát triển thì vẫn chưa đáp ứng bao nhiêu. Trong những tuần gần
đây, Biden đã đối mặt nhiều áp lực kêu gọi chia sẻ vaccine nhiều hơn với thế giới
và xây dựng chiến lược để phân phối chúng tốt hơn, khi nguồn cung của Mỹ vượt cầu.
60% người trưởng thành và gần 50% dân số nói chung của Hoa Kỳ đã được tiêm ít
nhất một liều vaccine, trong khi tỷ lệ này ở châu Á chưa tới 5% và châu Phi khoảng
1%.[30]
Hoa Kỳ tự nguyện từ bỏ
quyền sở hữu trí tuệ về vaccine COVID-19
Trong nỗ lực đáp lại những lời kêu gọi từ thế giới, Biden gần
đây tuyên bố ủng hộ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ về vaccine COVID-19. Thế nhưng
các nhà hoạt động cho rằng động thái này là chưa đủ. Họ nói Biden cần phải tạo
điều kiện cho công ty dược phẩm chuyển giao tài sản trí tuệ cho các nhà sản xuất
vaccine ở nước ngoài. Đây là hành động phù hợp với những gì ĐTC Phanxicô kêu gọi
và các nước đang bị SARS-CoV-2 hoành hành mong chờ. Tuy nhiên, vấn đề từ bỏ sở
hữu trí tuệ và tiến trình thực hiện điều này cũng vấp phải nhiều khó khăn, vẫn
còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp.[31]
Hành động chia sẻ vaccine và ý muốn từ bỏ quyền sở hữu trí
tuệ trong việc sản xuất vaccine của Hoa Kỳ đã biểu lộ tình liên đới, tình thân
nghĩa xã hội, cũng là một nỗ lực cho một trật tự thế giới công bình hơn, trong
đó những căng thẳng có thể được giải quyết tốt hơn (GLHTCG s. 1939-1940)
Tấm gương mục tử của
ĐTC Phanxicô: Chiến dịch tiêm vaccine cho người nghèo ở Ý
ĐTC Phanxicô đã có sáng kiến thực hiện chiến dịch tiêm vaccine
của Vatican cho người nghèo, những người sống trên đường phố, trong các nhà trọ,
không có quyền được tiêm vaccine ở Ý. Tất cả 1.800 người được tiêm hai mũi
vaccine. ĐTC đã nhiều lần nói đến khả năng tiếp cận phổ cập với vaccine, lo ngại
sự khác biệt các liều tiêm chủng giữa các quốc gia giàu có hơn và phần còn lại
của thế giới. Chiến dịch tiếp theo của Toà Thánh là quyên góp hỗ trợ vaccine
cho các nước nghèo. Hiện nay, chỉ có chính phủ mới có thể mua vaccine, vì vậy Sở
Từ thiện của ĐTC đang chuyển qua các kênh ngoại giao để có thể giúp các quốc
gia nghèo đang rất cần vaccine, đặc biệt ở châu Phi và châu Á.[32]
Thật hạnh phúc khi được thấy Đức Giêsu Kitô mục tử nhân lành
đang sống, đang hiện diện nơi vị đứng đầu Hội Thánh Công giáo, thể lý yếu với
tuổi 85, nhưng tràn đầy sức sáng tạo, lòng thương cảm, nhạy bén với dấu chỉ thời
đại, tận hiến trọn con người cho Thiên Chúa, Giáo Hội và cả thế giới. Lạy Thiên
Chúa Ba Ngôi, chúng con xin ngợi khen và cảm tạ Ngài!
Kế hoạch 50 tỷ USD phủ
rộng vaccine COVID-19 toàn cầu
Thế giới sẽ khó phục hồi sau đại dịch nếu không chấm dứt cuộc
khủng hoảng y tế. Tiêm chủng là giải pháp cho cả hai vấn đề này. Đó là nhận định
của lãnh đạo các tổ chức quốc tế, bao gồm Kristalina Georgieva, giám đốc điều
hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF); Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của
WHO; David Malpass, chủ tịch Ngân hàng Thế giới và Ngozi Okonjo-Iweala, tổng
giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tại Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn
cầu, ngày 21/5.[33]
Tiến trình triển khai vaccine đã có bước tiến đáng kể, với
những thành tựu lớn lao từ các nhà khoa học, cũng như nguồn tài trợ cho nghiên
cứu và phát triển, mở rộng quy mô sản xuất vaccine. Thế nhưng cho đến nay, các
quốc gia đang phát triển đã nhận được ít hơn 1% số vaccine toàn cầu. Sự kiện
này khiến số đông người dễ bị tổn thương, đồng thời tạo điều kiện cho các biến
thể SARS-CoV-2 nguy hiểm trỗi dậy và lây lan khắp thế giới. Khi đó, ngay cả những
nước có chương trình tiêm chủng tốt cũng phải áp dụng các biện pháp y tế nghiêm
ngặt và hạn chế đi lại. Đại dịch đang khoét sâu chênh lệch các nước giàu và nước
đang phát triển, kéo theo hệ lụy cho tất cả. Do đó, cần hợp tác chấm dứt đại dịch
trên thế giới để đem lại lợi ích của toàn nhân loại.
Tình hình có thể được cải thiện. Kế hoạch do IMF đề xuất hướng
tới mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 60% dân số thế giới vào cuối năm 2022, qua
đó phục hồi kinh tế toàn cầu. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 trong tháng 6, IMF sẽ
kêu gọi xây dựng chiến lược phối hợp với nguồn tài trợ mới để mang vaccine đến
khắp nơi. Kế hoạch dựa trên các dự án hiện tại của WHO, các đối tác của WHO
trong cơ chế ACT-A (Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19), Liên
minh Covax cũng như Ngân hàng Thế giới, WTO và nhiều đơn vị khác. Với nguồn tài
trợ ước tính khoảng 50 tỷ USD, kế hoạch sẽ giúp các nước thu nhập thấp và trung
bình khống chế dịch bệnh nhanh hơn, giảm lây nhiễm và thiệt hại về nhân lực,
thúc đẩy phục hồi kinh tế.[34]
Kế hoạch vaccine tại
Việt Nam
Gần 288.000 liều vaccine AstraZeneca đã được chuyển cho VN
theo hợp đồng đặt mua 30 triệu liều. Sắp tới, các lô vaccine dự kiến về thành
nhiều đợt sử dụng cho các vùng tâm dịch. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ngày
2/6 cũng cho biết Nga đã đồng ý cung ứng cho VN 20 triệu liều vaccine Sputnik V
trong năm nay. Tuy nhiên để đảm bảo nhu cầu vaccine trong những năm tiếp theo
trong bối cảnh dịch vẫn phức tạp khó lường, Bộ Y tế xác định việc cộng tác
trong sản xuất, chuyển giao công nghệ chế xuất là điều cần thiết nên vẫn cần
tích cực đàm phán với các đối tác. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đàm phán và tiếp cận với
các nguồn khác như Covax, Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson....[35] Thứ trưởng Bộ Y tế Trương
Quốc Cường ngày 3/6 ký phê duyệt có điều kiện vaccine COVID-19 (Vero Cell),
Inactivated, của Trung Quốc, phục vụ nhu cầu cấp bách phòng chống dịch tại VN.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đơn vị đề nghị phê duyệt. Đây là vaccine
COVID-19 thứ ba được VN phê duyệt khẩn cấp, sau AstraZeneca và Sputnik V.[36]
Đầu tháng 6, chính phủ VN đã quyết định thành lập Quỹ
Vaccine phòng COVID-19. Quỹ sẽ tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ,
các nguồn vốn để có thể mua, nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vaccine COVID-19.[37] Điều này phù hợp với tính hỗ
trợ, liên đới và đồng trách nhiệm giữa nhà nước và địa phương mà GLHTCG giảng dạy.
Dự kiến, VN cần mua 150 triệu liều vaccine để tiêm phòng cho 75 triệu người
dân, với tổng nhu cầu kinh phí 25.200 tỷ đồng. Chỉ trong vài ngày đầu tháng 6,
các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh
nghiệp đã ủng hộ hơn 2.300 tỷ đồng vào Quỹ mua vaccine. Bộ Y tế cũng đã tiếp nhận
vài trăm tỷ đồng từ các người dân và doanh nghiệp. Mọi sự đóng góp của doanh
nghiệp và người dân sẽ giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách và được trân trọng.[38] Đây là lúc mọi người dân đồng
lòng góp sức bảo vệ quốc gia và tất cả dân Việt khỏi kẻ địch COVID-19 hiểm ác.
8. “Tình yêu bắc cầu”: tấm gương của những người
Samari nhân hậu giữa đại dịch
Thông điệp Fratelli
Tutti phác họa Những bóng tối của một
thế giới khép kín với nhiều lệch lạc như việc chi phối và thay đổi các khái
niệm như dân chủ, tự do, công lý; việc đánh mất ý nghĩa của xã hội và lịch sử;
chủ nghĩa cá nhân ích kỷ và bàng quan với công ích; sự đề cao logíc của thương
trường dựa trên lợi nhuận và văn hóa thải bỏ; vấn nạn thất nghiệp, chủ nghĩa
phân biệt chủng tộc, sự nghèo đói, sự bất bình đẳng quyền lợi và những biến thể
của nó như sự nô lệ, buôn người, những phụ nữ bị lạm dụng và bị buộc phá thai,
vấn nạn buôn bán nội tạng (s.10-24). Đối lại với các lệch lạc này, Fratelli Tutti đưa ra một tấm gương sáng
ngời, khơi nguồn hy vọng, đó là mẫu gương của người Samari nhân hậu, được phân
tích trong chương thứ hai Một người lạ
trên đường. Trong đó, ĐTC nhấn mạnh rằng, trong một xã hội băng hoại đang
quay lưng lại với khổ đau và phớt lờ việc chăm lo cho người bệnh và dễ bị tổn
thương (s. 64-65), chúng ta được mời gọi - như người Samari nhân hậu - trở
thành người thân cận với tha nhân (s. 81), bằng việc vượt qua những thành kiến,
lợi ích riêng, những rào cản lịch sử và văn hoá.
Thật vậy, chúng ta đều có trách nhiệm trong việc xây dựng một
xã hội biết đón nhận, hội nhập và nâng đỡ những ai quỵ ngã và đau khổ (s. 77).
ĐTC khẳng định rằng tình yêu nối những nhịp cầu và “chúng ta được sinh ra cho
tình yêu” (s. 88), ngài khuyến khích cách đặc biệt các tín hữu nhận ra Đức Kitô
nơi những ai bị loại trừ (s. 85). Nguyên lý về khả năng yêu thương ở “mức độ phổ
quát” (s. 83) được nhắc đến trong chương ba, Suy tư và xây dựng một thế giới rộng mở, trong đó, ĐTC Phanxicô mời
gọi chúng ta “ra khỏi chính mình” để thấy nơi tha nhân “sự tăng trưởng của hiện
hữu” (s. 88), học nơi tha nhân năng động bác ái hầu giúp chúng ta hướng đến “sự
hiệp thông phổ quát” (s. 95). Trên hết, Thông điệp nhắc nhớ rằng tầm vóc thiêng
liêng của đời sống con người được định nghĩa bởi tình yêu là điều “luôn ở vị
trí đầu tiên” và giúp chúng ta nỗ lực hơn vì lợi ích của tha nhân, giúp ta
tránh xa mọi hình thức của chủ nghĩa ích kỷ (s. 92-93).[39]
Câu chuyện về người Samari vẫn tiếp nối trong lịch sử nhân
loại.
Người Samari tại Ấn Độ:
Ấn Độ bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19, và đang thiếu hụt trầm trọng các
trang thiết bị y tế, trong khi nhu cầu về oxy toàn quốc tăng hơn 20% chỉ trong
vài ngày. Tại Delhi, các BV quay cuồng vì tình hình khan hiếm oxy trầm trọng.
Thừa cơ hội, các chợ đen bán oxy với giá “cắt cổ” đến 400 USD/ bình, vượt xa khả
năng chi trả của đa số dân chúng. Nhiều bệnh nhân phải chết vì không có oxy.
Manoj Gupta, một quản lý nhà máy thép không gỉ Rimjhin Ispat ở Uttar Pradesh,
cùng người chủ nhà máy là Yogesh Argarwak quyết định cung cấp oxy cho người dân
với giá chỉ một rupee (0,013 USD)/ bình. Giá đó là cho không, vì phải xuất hóa
đơn cho lượng oxy sản xuất ra, nên ông Gupta lấy một rupee/ bình. Cơ sở của ông
không cung cấp bình chứa, người dân mang bình của họ đến để bơm đầy. Nhà máy
cung cấp hơn 1.500 bình oxy/ ngày. Người dân từ nhiều nơi xa xôi đổ về đây để lấy
oxy. Nhà máy cũng chuyển oxy tới BV và người cần gấp. Họ chỉ cần xuất trình giấy
chứng nhận y tế là có ngay dưỡng khí.[40]
“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Từng nhiễm SARS- CoV-2,
rất hiểu nỗi sợ hãi mà các bệnh nhân đang phải đối mặt, ông Gupta càng thêm động
lực giúp đỡ mọi người. Hành động nhân ái của ông Manoj Gupta đã gây tiếng vang
lớn Ấn Độ. Manoj Gupta đã khơi lên niềm vui và hy vọng cho dân nghèo bệnh tật
giữa lúc nhiều người giàu lại quay lưng với họ.[41]
Manoj Gupta chính là mẫu gương của người Samari nhân hậu.
Những người Samari
nhân hậu tại VN: Tại tâm dịch Bắc Giang, sau một tuần, 21 siêu thị 0 đồng
đã mọc lên ở nhà văn hóa thôn, sân đình... của huyện Việt Yên và Yên Dũng, tiếp
tế cho hơn 10.000 công nhân bị phong tỏa. Nhờ đó, các công nhân này có thêm thực
phẩm trong ngày. Sau năm ngày mở cửa, siêu thị đã được các mạnh thường quân biết
đến nhiều hơn và hỗ trợ. Từ đó, ngoài thực phẩm, siêu thị có thêm một số mặt
hàng khác như bột giặt, xà bông, dầu gội, đồ dùng phụ nữ.[42]
Tỉnh Bắc Giang đón hai anh Nguyễn Hoàng Hà và anh Nguyễn
Đình Quảng, giáo dân giáo xứ Lâm Xuyên, giáo phận Nghệ An, tình nguyện lái xe cứu
thương vượt trăm cây số từ Nghệ An để cùng các y bác sĩ, chiến sĩ tuyến đầu chống
dịch. Hai anh hằng ngày giúp chuyển các mẫu bệnh phẩm từ các khu cách ly về CDC
tỉnh để xét nghiệm hoặc chuyển bệnh nhân. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, linh mục Giuse Nguyễn Xuân Phương, cha xứ của hai
anh Hà và Quảng, chia sẻ: “Nhiều người nghèo khi có bệnh, tai nạn cần cấp cứu
nhưng không có đủ tiền để trang trải 8-10 triệu/chuyến đi. Chiếc xe cứu thương
miễn phí của giáo xứ dù là xe cũ nhưng là tấm lòng của tôi và nhiều vị ân
nhân.”[43]
Còn nhiều câu chuyện cảm động khác nữa của những Samari nhân
hậu, nhưng không thể kể hết ra đây. Chúng ta đang thực hành lời dạy của Tổ
tiên: “Lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, “bầu ơi
thương lấy bí cùng, tuy là khác giống nhưng chung một giàn”, “tứ hải giai huynh
đệ”. Sự cống hiến của những người Samari nhân hậu sưởi ấm tâm hồn những người
dân đang gặp khó khăn, khơi lên niềm vui và thắp sáng hy vọng cho quê hương.
9. Đức tin phải đi đôi với khoa học
Tại Ấn Độ, sông Hằng- một trong những con sông lớn nhất thế
giới- được tín đồ Ấn giáo xem là nơi linh thiêng. Họ tin rằng tắm rửa ở sông Hằng
sẽ giúp tẩy rửa các tội lỗi của họ và họ sử dụng nước sông Hằng cho nhiều nghi
lễ tôn giáo. Các nhà chức trách thành phố Haridwar dự kiến có 2,5 triệu người
tham gia lễ hội Maha Shivratri - lễ hội Hindu được tổ chức hằng năm để tôn vinh
thần Shiva. Bất chấp số ca bệnh COVID-19 tăng vọt, nhiều tín đồ đạo Hindu tụ tập
rất đông bên bờ sông Hằng để tham gia lễ hội linh thiêng Kumbh Mela. Từ sáng
tinh mơ, đàn ông, đàn bà và trẻ em chen chúc nhau giành chỗ đứng dọc bờ sông.
Sau đó, họ dìm mình trong dòng nước, hát vang những bài thánh ca và rải hoa lên
dòng sông. Nghi thức sau đó là một nhóm Naga Sadhus - những “thánh nhân” tu tập
khổ hạnh theo đạo Hindu- cơ thể bôi tro, gần như không áo quần, và tắm dưới
dòng nước sông Hằng. “Đức tin là điều lớn lao nhất đối với chúng tôi. Chính vì
đức tin mãnh liệt đó mà rất nhiều người đã đến đây để ngâm mình” - Siddharth
Chakrapani, thành viên của một trong những ủy ban tổ chức lễ hội Kumbh Mela,
nói với Hãng tin AFP. Họ tin rằng Nữ thần sông Hằng sẽ cứu họ khỏi đại dịch.[44]
Làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 mới đang lan rộng với cấp số
nhân khắp Ấn Độ. Các chuyên gia đánh giá nguyên nhân quan trọng là do các sự kiện
tôn giáo lớn này, nơi mọi người phớt lờ đeo khẩu trang và chen lấn nhau hàng
trăm nghìn người không có khoảng cách, lại còn tắm chung một dòng sông - mà
chính dòng sông này đang bị ô nhiễm nặng vì các thi thể thối rữa trôi sông.[45]
Tín ngưỡng tôn giáo là một quyền chính đáng và nhu cầu cấp thiết
của con người. Tuy nhiên việc thực hành đức tin cần tuân thủ các biện pháp khoa
học để phòng chống dịch hiệu quả, để bảo vệ sức khỏe và mạng sống của số đông
dân chúng. Các nhà chức trách Ấn Độ cần có biện pháp cấp bách để giúp người dân
ý thức tuân thủ các biện pháp y khoa phòng dịch, bên cạnh việc họ thực hành niềm
tin tín ngưỡng của mình.
Đức tin và khoa học khác biệt nhưng không đối nghịch nhau,
mà còn bổ túc cho nhau, bởi vì hai loại hiểu biết ấy thuộc hai lãnh vực khác
nhau, nằm ở hai bình diện khác nhau. Hơn nữa, khoa học đóng vai trò thanh luyện
đức tin và làm cho đức tin mỗi ngày vững mạnh, sáng suốt hơn. Thánh Giáo hoàng
Gioan Phaolô II đã nói: “Khoa học thanh tẩy
tôn giáo khỏi mọi lầm lỗi và mê tín; tôn giáo tẩy sạch khoa học khỏi thờ ngẫu
tượng và sai lạc tuyệt đối. Cái này kéo cái kia vào một thế giới rộng hơn, một
thế giới mà trong đó cả hai đều được nuôi dưỡng”.[46]
Nhiều khoa học gia đồng thời là Kitô hữu thánh thiện. Louis
Pasteur là giám đốc viện nghiên cứu khoa học và cũng là người chăm chỉ lần hạt
Mân côi, ngay cả khi đi đường. Nhà bác học vĩ đại này đã nói: “Một sự hiểu biết khoa học nhỏ nhoi sẽ tách
rời chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Nhưng một sự hiểu biết khoa học tường tận sẽ
mang chúng ta tới gần Thiên Chúa hơn”. Bởi vì, nhà khoa học chân chính thì
khiêm hạ, nhận rõ là mình không thể hiểu biết hết mọi sự được. Thái độ khiêm
nhu ấy sẽ chuẩn bị giúp cho nhà khoa học biết mở lòng ra mà đón nhận đức tin.[47] TS Francis Collins, giám đốc
dự án giải mã gene người: “Khoa học và đức
tin cả hai đều đưa ra những cách thức khác nhau nhưng bổ sung cho nhau để trả lời
cho những câu hỏi lớn nhất của thế giới và cả hai có thể cùng tồn tại trong tâm
trí một người ham học hỏi tri thức sống trong thế kỷ XXI”.
10. Phân định nạn nhân hay “tội đồ”
Tại TP HCM, ổ dịch mới bùng phát mạnh, lây rất nhanh, xuất
phát từ cộng đồng sinh hoạt của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Theo CDC của
TP HCM (HCDC), chuỗi lây nhiễm này liên tiếp ghi nhận 202 ca trong 6 ngày, lan
ra 6 tỉnh thành. Có 22 quận huyện TP HCM xuất hiện ca nhiễm liên quan ổ dịch
này. Đây là ổ dịch lớn nhất TP HCM sau các đợt dịch.[48]
Qua điều tra dịch tễ, HCDC đánh giá cụm dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng
lây lan nhanh do nhiều người sinh hoạt trong phòng nhỏ, kín, lại không đeo khẩu
trang. Gần như toàn bộ người tham gia họp hội đều nhiễm SARS-CoV-2. BV Bệnh Nhiệt
đới TP HCM giải trình tự gene virus của năm bệnh nhân đầu tiên liên quan Hội
thánh Truyền giáo Phục Hưng, ghi nhận biến chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ. Loại biến
chủng Ấn Độ có khả năng lây nhiễm nhanh hơn 1,7 lần so các chủng nCoV khác, nhất
là trong
không khí ở môi trường kín.[49]
Ngành y tế truy vết gần 2.700 F1, 149.000 người thuộc diện F2, rất nhiều địa điểm
liên hệ các ca nhiễm bị phong tỏa. 700 công nhân một công ty ở Khu công nghiệp
Tân Bình phải cách ly tại công ty do liên quan đến bệnh nhân từng làm việc tại
căn tin.[50]
Dư luận trên mạng xã hội những ngày qua cũng có một số ý kiến
phê phán, thậm chí “mỉa mai” cộng đồng của Hội Thánh Truyền Giáo này. Công an
quận Gò Vấp, sáng 30/5, khởi tố vụ án, điều tra “tội” của Hội thánh truyền giáo
Phục Hưng với lý do hoạt động không chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh
COVID-19, làm lây lan dịch bệnh.
Thật sự, riêng tôi và một số người cảm thấy đau lòng và liên
đới với cộng đồng bị quy tội cho một sinh hoạt tôn giáo như là chịu trách nhiệm
trong việc lây lan SARS-CoV-2 cho người dân TP HCM và sáu tỉnh thành khác. Điều
đầu tiên đáng tiếc phải nhìn nhận là cộng đồng này có trách nhiệm khi không
tuân thủ nguyên tắc 5 K. Tuy nhiên, như Đức Tổng giám mục (TGM) Giuse Nguyễn
Năng một cách hữu lý nhận định rằng thật ra các anh chị em tín hữu này cũng chỉ
là nạn nhân của SARS-CoV-2 thôi. Trong cơn đại dịch, tất cả chúng ta đều liên đới
và cùng trách nhiệm. Khi việc lây lan bệnh được quy trách nhiệm cho một sinh hoạt
tôn giáo, phạm trù tôn giáo bao hàm cả Công giáo. Vì thế, TGM đúng đắn khi nhắn
nhủ các tín hữu Công giáo luôn sống đức công bình và đức ái, không dùng lời nói
hoặc có thái độ kết án, mà hãy thấu cảm chia sẻ và cùng cầu nguyện.[51]
KẾT
Hài chút cho vui
Cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy
Y tế phường chưa đến để giăng dây! (mạng xã hội)
Xin mượn Lời cầu nguyện
với Đấng Tạo Thành của Fratelli Tutti
để kết
Lạy Chúa là Cha của gia đình nhân loại chúng con, Chúa đã tạo
dựng mọi người chúng con với cùng một phẩm giá, xin tuôn đổ vào lòng chúng con
tinh thần huynh đệ và khơi dậy nơi chúng con ước mơ lại được gặp gỡ nhau, ước
mơ đối thoại với nhau, và ước mơ về công lý và hòa bình.
Xin thúc đẩy chúng con kiến tạo những xã hội lành mạnh hơn
và một thế giới có phẩm giá hơn, là thế giới không còn đói nghèo, bạo lực và
chiến tranh.
Xin cho trái tim chúng con rộng mở với mọi dân tộc và mọi quốc
gia trên địa cầu, để chúng con nhận biết sự thiện hảo và mỹ lệ Chúa đã gieo trồng
nơi mỗi người chúng con, từ đó chúng con thắt chặt những mối dây liên kết, xây
dựng những dự án chung, và chia sẻ những nỗi niềm hy vọng. Amen.[52]
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 125 (Tháng 7 & 8 năm 2021)
[1] X. G. Gennari, Signes des Temps, trong
Dictionaire de la Vie Spirituelle, sous la direction de Stefano De Fiores et
Tullo Goffi, (Les Éditions du Cerf, Paris 1987), tr. 1031, chú thích 7.
[2] Nguyễn Trọng Viễn OP, “Dấu Chỉ Thời Đại”,
<http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/MucVu/19DauChiThoiDai.htm>
[3] “Cập nhật dịch Covid-19 ngày 25/5: Kỷ lục
444 ca mắc trong nước, riêng Bắc Giang 375 ca”, < https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/cap-nhat-dich-covid-19-ngay-25-5-ky-luc-444-ca-mac-trong-nuoc-rieng-bac-giang-375-ca-647689/ >, (25/5/2021); “Đông Nam Á ngấp nghé bờ vực khủng hoảng
Covid-19”, < https://vnexpress.net/dong-nam-a-ngap-nghe-bo-vuc-khung-hoang-covid-19-4284640.html >, (27/5/2021); Thư Anh, “ Việt Nam xuất hiện biến chủng
nCoV lai hoàn toàn mới”, <https://vnexpress.net/viet-nam-xuat-hien-bien-chung-ncov-lai-hoan-toan-moi-4285841.html>, (29/5/2021).
[4] “Nữ công nhân 38 tuổi ở Bắc Giang nhiễm
SARS-CoV-2 tử vong”, <https:// nld.com.vn/suc-khoe/nu-cong-nhan-38-tuoi-o-bac-giang-tu-vong-do-sars-
cov-2-2021052412171402.htm>,
(24/5/2021); Lê Phương, “Bệnh nhân Covid 22 tuổi Long An ‘tiên lượng nguy kịch'”,
<https://vnexpress.net/benh-nhan-
covid-22-tuoi-long-an-tien-luong-nguy-kich-4287294.html>
(1/6/2021); Lê Nga, “Bệnh nhân Covid-19 trẻ tuổi liên tục
tăng nặng”, <https://
vnexpress.net/benh-nhan-covid-19-tre-tuoi-lien-tuc-tang-nang-4288456. html>, (3/6/2021).
[5] “Ấn Độ: khi sông Hằng linh thiêng thành
nơi thả xác nạn nhân Covid”, <https://
thanhnien.vn/video/the-gioi/an-do-khi-song-hang-linh-thieng-thanh-noi-tha-
xac-nan-nhan-covid-19-161406v.html> ,
(21/5/2021); “Ấn Độ xác nhận thi thể trên sông là nạn nhân Covid-19, mưa lớn
làm lộ nhiều xác chôn vội”, <https:// thanhnien.vn/video/the-gioi/an-do-xac-nhan-thi-the-tren-song-la-nan-nhan-
covid-19-mua-lon-lam-lo-nhieu-xac-chon-voi-161245v.html> , (16/5/2021).
[6] Phạm Sanh Châu, “Cuộc chiến không cân sức”,
<https://vnexpress.net/cuoc-
chien-khong-can-suc-4283931.html>,
(26/5/2021).
[7] Thùy Dương, “TP HCM: Dịch đã âm thầm lây
lan, có thể có ca COVID-19 không rõ nguồn gốc trong cộng đồng”, <https://tuoitre.vn/tp-hcm-dich-da-
am-tham-lay-lan-co-the-co-ca-covid-19-khong-ro-nguon-goc-trong-cong- dong-20210602192020861.htm>, (2/6/2021).
[8] Hà Thanh, “Đưa nhóm người Trung Quốc nhập
cảnh trái phép vào Việt Nam với tiền công 10 triệu đồng”, <https://tuoitre.vn/dua-nhom-nguoi-
trung-quoc-nhap-canh-trai-phep-vao-viet-nam-voi-tien-cong-10-trieu-
dong-20210516115312429.htm>,
(16/5/2021).
[9] Hồng Chiêu, “F1 cố thủ chống cách ly bị
phạt 10 triệu đồng”, <https://
vnexpress.net/f1-co-thu-chong-cach-ly-bi-phat-10-trieu-dong-4285436.html>, (28/5/2021).
[10] Hà Thanh, “Phát hiện 91 công nhân F1 từ Bắc
Giang, Bắc Ninh về Lào Cai”, <https://tuoitre.vn/phat-hien-91-cong-nhan-f1-tu-bac-giang-bac-ninh-ve-lao-
cai-20210530122156166.htm>,
(30/5/2021).
[11] Viết tắt của cụm từ tiếng
Anh “Personal Protective Equipment” nghĩa là trang thiết bị bảo hộ lao động cá
nhân.
[13] Viết Tuân, “Thứ trưởng Y tế nêu điều kiện
cách ly F1 tại nhà”, <https://
vnexpress.net/thu-truong-y-te-neu-dieu-kien-cach-ly-f1-tai-nha-4283353. html>, (25/5/2021).
[14] Phạm Tuấn, “35 F1 ở khu cách ly tập trung
thành F0 trong 1 ngày, chủ tịch Hà Nội đi kiểm tra gấp”, <https://tuoitre.vn/35-f1-o-khu-cach-ly-tap-trung-thanh-f0-trong-1-ngay-chu-tich-ha-noi-di-kiem-tra-gap-20210531123532749.htm> , (31/05/2021).
[15] Khánh Tâm, “Nghệ An: Khai báo y tế không trung thực, 1 trường hợp bị xử phạt
10 triệu đồng”, <https://suckhoedoisong.vn/nghe-an-khai-bao-y-te-
khong-trung-thuc-1-truong-hop-bi-xu-phat-10-trieu-dong-n192941.html>, (20/05/2021).
[16] Việt Dũng, “Vợ chồng Giám đốc Hacinco vi
phạm phòng dịch: Có căn cứ khởi tố hình sự?” <https://laodong.vn/phap-luat/vo-chong-giam-doc-hacinco-
vi-pham-phong-dich-co-can-cu-khoi-to-hinh-su-908757.ldo>, (13/5/2021).
[18] Minh Nhân, “Toàn cảnh vụ vợ chồng cựu
Giám đốc Hacinco mắc Covid-19 và chùm ca nhiễm 16 người liên quan”, <https://kenh14.vn/toan-canh-vu-vo-
chong-cuu-giam-doc-hacinco-mac-covid-19-va-chum-ca-nhiem-16-nguoi- lien-quan-20210519144006114.chn>, (20/5/2021).
[20] “Không công bố chi tiết lịch trình bệnh
nhân Covid-19”, <https://vnexpress.
net/khong-cong-bo-chi-tiet-lich-trinh-benh-nhan-covid-19-4283319.html>, (24/5/2021).
[21] Bình An, “115.000 nhân viên y tế toàn cầu
chết, WHO kêu gọi chống COVID-19 như thời chiến”, <https://tuoitre.vn/115-000-nhan-vien-y-te-toan-
cau-chet-who-keu-goi-chong-covid-19-nhu-thoi-chien-20210524201616492. htm>, (24/5/2021).
[22] Trần Trang/VTC News, “Bác sĩ chống
Covid-19 ở Ấn Độ tự sát vì quá áp lực”, <https://vov.vn/the-gioi/bac-si-chong-covid-19-o-an-do-tu-sat-vi-qua-ap-
luc-854467.vov>(2/5/2021).
[23] Tuổi trẻ online, “Từ 14h ngày 1-6: Trực
tuyến với y bác sĩ từ ‘tâm dịch COVID-19' Bắc Giang”, <https://tuoitre.vn/tu-14h-ngay-1-6-truc-tuyen-voi-y-bac-si-tu-tam-
dich-covid-19-bac-giang-20210531142653658.htm>, (31/5/ 2021).
[24] Bình an, “Quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên
bố đạt miễn dịch cộng đồng”, <https://tuoitre.vn/quoc-gia-chau-au-dau-tien-tuyen-bo-dat-mien-dich-cong-
dong-20210525133311031.htm> ,
(25/5/2021).
[25] “Anh sắp đạt miễn dịch cộng đồng nhờ giỏi
mua vắc xin”, <https://tuoitre.vn/anh-
sap-dat-mien-dich-cong-dong-nho-gioi-mua-vac-xin-20210414045651009. htm>, (14/4/2021).
[26] Thanh Tâm (Theo CNN), “Vaccine - phép màu hồi sinh nước Mỹ”, <https://
vnexpress.net/vaccine-phep-mau-hoi-sinh-nuoc-my-4283674.html>, (25/5/2021).
[27] “Tóm tắt thông điệp ‘Fratelli tutti - Tất
cả anh em'”, <https://www.vaticannews.
va/vi/pope/news/2020-10/tom-tat-thong-diep-fratelli-tutti.html>, (4/10/2020).
[28] Thanh Tâm (Theo CNN), “Vaccine - phép màu
hồi sinh nước Mỹ”, <https://
vnexpress.net/vaccine-phep-mau-hoi-sinh-nuoc-my-4283674.html>, (25/5/2021)
[29] Huyền Lê (Theo AFP), “Mỹ ưu tiên tặng vaccine Covid-19 cho Đông Nam Á”, <https://vnexpress.net/my-uu-tien-tang-vaccine-covid-19-cho-dong-
nam-a-4288782.html> (3/6/2021).
[30] Thanh Tâm (Theo Washington Post, NY Times), “Tặng 80 triệu liều vaccine, Biden vẫn
chưa khiến thế giới hài lòng”, <https://vnexpress.net/tang-80-
trieu-lieu-vaccine-biden-van-chua-khien-the-gioi-hai-long-4279806.html>, (18/5/2021).
[31] Thanh Tâm (Theo Washington Post, NY Times), “Tặng 80 triệu liều vaccine, Biden vẫn
chưa khiến thế giới hài lòng”.
[32] Ngọc Yến - Vatican News, “Toà Thánh hoàn thành chiến dịch tiêm vắc-xin cho người
nghèo ở xung quanh Vatican”, <https://www.vaticannews.va/vi/vatican-
city/news/2021-05/toa-thanh-hoan-thanh-chien-dich-tiem-vacxin-ngheo. html>, (31/5/2021).
[33] Mai Dung (Theo Washington Post), “Kế hoạch 50 tỷ USD phủ rộng vaccine Covid-19
toàn cầu”, <https://vnexpress.net/ke-hoach-50-ty-usd-phu-rong-
vaccine-covid-19-toan-cau-4287701.html>,
(3/6/2021).
[35] Hoàng Phương, “Dịch vẫn nóng phía Nam, hạ
nhiệt ở miền Bắc”, <https://
vnexpress.net/dich-van-nong-phia-nam-ha-nhiet-o-mien-bac-4288135.html>, (3/6/2021).
[36] Lê
Nga, “Việt Nam phê duyệt vaccine Covid-19 của Sinopharm”, <https://
vnexpress.net/viet-nam-phe-duyet-vaccine-covid-19-cua-sinopharm-4288865. html>, (4/6/2021).
[37] Phương Linh, “Bộ Ngoại giao nói về tiêm
vaccine cho người Trung Quốc tại Việt Nam”, <https://laodong.vn/thoi-su/bo-ngoai-giao-noi-ve-tiem-vaccine-cho-nguoitrung-quoc-tai-viet-nam-913933.ldo>, ( 27/5/2021).
[38] Quỳnh Trang, “Quỹ vaccine Covid-19 nhận
hơn 100 tỷ đóng góp sau vài ngày” <https://vnexpress.net/quy-vaccine-covid-19-nhan-hon-100-ty-dong-gop-sau-
vai-ngay-4288772.html>, (4/6/2021).
[40] Mai Dung (Theo India Today), “Bình oxy giá một đồng rupee gây chấn động Ấn Độ”
<https://vnexpress.net/binh-oxy-gia-mot-dong-rupee-gay-chan-dong-
an-do-4269227.html> (27/4/2021).
[42] Phạm Nga, “Siêu thị 0 đồng ở tâm dịch”,
<https://vnexpress.net/sieu-thi-0-
dong-o-tam-dich-4284939.html>
(29/5/2021).
[43] Hà Quân, “Hai tài xế lái xe cứu thương từ
Nghệ An ra ‘chia lửa' với Bắc Giang”, <https://tuoitre.vn/hai-tai-xe-lai-xe-cuu-thuong-tu-nghe-an-ra-chia-lua-voi-
bac-giang-20210529155913584.htm>,
(29/5/2021).
[44]COVID-19”, <https://tuoitre.vn/hang-tram-ngan-nguoi-an-do-hanh-huong-ve-
song-hang-bat-chap-covid-19-20210311171623534.htm>, (11/3/2021).
[45] Minh Khôi, “Tham gia lễ hội ở sông Hằng,
hơn 1.000 người cùng thành phố mắc COVID-19”, <https://tuoitre.vn/tham-gia-le-hoi-o-song-hang-hon-1000-
nguoi-cung-thanh-pho-mac-covid-19-20210414181618379.htm>, (14/4/2021).
[47] Jean-Marie Moretti, S.J. “Science
et Foi” “Khoa học và đức tin”, Người dịch: Nguyễn Thế Minh, Hợp Tuyển Thần
học số 8, (1993), <http://www.
simonhoadalat.com/hochoi/giaoluat/tusachgiaolygp/42DucTinKhoaHoc.htm>.
[48] Thư Anh, “Gần 39.000 người TP HCM liên
quan cụm dịch hội truyền giáo”, <https://vnexpress.net/gan-39-000-nguoi-tp-hcm-lien-quan-cum-dich-hoi-
truyen-giao-4285731.html>, (29/5/2021);
Lê Phương, “Số ca Covid-19 liên quan hội truyền giáo lên 96, lan 3 tỉnh thành”,
<https://vnexpress.net/so-ca-
covid-19-lien-quan-hoi-truyen-giao-len-96-lan-3-tinh-thanh-4286069.html>, (29/5/2021); Mạnh Tùng, Hữu Công, “TP HCM giãn cách
xã hội trong 2 tuần”, <https://vnexpress.net/tp-hcm-gian-cach-xa-hoi-trong-2-tuan-4286220.html>, (30/5/2021).
[49] Lê Phương, “Lây nhiễm ở hội truyền giáo
do ‘phòng kín, không đeo khẩu trang'”, <https://vnexpress.net/lay-nhiem-o-hoi-truyen-giao-do-phong-kin-
khong-deo-khau-trang-4285356.html>,
(28/5/2021); Lê Phương, “Bệnh nhân cụm dịch hội truyền giáo nhiễm biến chủng Ấn
Độ”, <https://vnexpress.net/
benh-nhan-cum-dich-hoi-truyen-giao-nhiem-bien-chung-an-do-4285607. html>, (28/5/2021).
[50] Quốc Thắng, “Khởi tố vụ án ‘làm lây lan dịch
bệnh' từ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng”, <https://vnexpress.net/khoi-to-vu-an-lam-lay-lan-dich-benh-tu-
hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung-4286240.html>,
(30/5/2021); Thanh Nhàn - Tuấn Việt - Ngọc Thịnh, “Quy mô 5 ngày phát tán ổ dịch
hội thánh truyền giáo”, <https://video.vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/quy-mo-5-ngay-phat-tan-o-
dich-hoi-thanh-truyen-giao-4286974.html>,
(1/6/2021).
[51] TGM Giuse Nguyễn Năng, “Thư mục vụ trong
hoàn cảnh giãn cách ngày 31-5-2021”, <https://tgpsaigon.net/bai-viet/thu-muc-vu-trong-hoan-canh-gian-
cach-ngay-31-5-2021-63712>,
(31/5/2021).