CỬ CHỈ CHÚC BÌNH AN TRONG
THÁNH LỄ
BẮT ĐẦU TỪ MỘT HÀNH ĐỘNG THA THỨ LONG TRỌNG
Tác giả: Philip Kosloski
Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng
Nguồn: aleteia.org (11.7.2021)
Trong khi nhiều người Công giáo rất quen với cử chỉ chúc bình an trong Thánh lễ
thì rất ít người biết đến nguồn gốc của hành động phụng vụ này.
Cử chỉ chúc bình an không được tạo ra như cuộc
trao đổi thông thường, nhưng là một lời cầu xin tha thứ sâu xa.
Thánh Cyrilô thành Giêrusalem giải thích ý
nghĩa thiêng liêng của hành động này trong bài Giáo lý của ngài.
Rồi sau đó thầy phó tế kêu lớn tiếng: “Anh
em hãy đón nhận nhau; và chúng ta hãy hôn nhau”. Đừng nghĩ rằng nụ hôn này
tương tự như các nụ hôn của những người bạn nơi công cộng. Không phải như vậy:
nụ hôn này hòa trộn linh hồn mỗi người lại với nhau và với mong muốn tha thứ
hoàn toàn cho nhau. Vì thế, nụ hôn là dấu chỉ cho thấy tâm hồn của chúng ta
đang được hòa lẫn vào nhau, và xua tan ký ức về những điều sai lỗi. Vì lý do
này, Chúa Kitô phán: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực
nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó
trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của
mình" (Mt 5, 23-24). Vì vậy, nụ hôn là sự hòa giải và cho nên, nó
thánh thiện; Như thánh Phaolô đã kêu lên rằng: “Anh em hãy chào nhau bằng
cái hôn thánh thiện” (1Cr 16,20); và thánh Phêrô: “Anh em hãy hôn chào
nhau trong tình yêu thương” (1Pr 5,14).
Các nền văn hóa cổ đại có phong tục “hôn bình an”, điều này có ý nghĩa hơn so
với cái bắt tay hoặc vẫy tay đơn giản, được thay thế trong Giáo hội hiện đại.
Hơn nữa, vì vào thời điểm đó các nhà thờ tương
đối nhỏ, nên tất cả mọi người đều biết nhau, làm cho “nụ hôn” này thêm ý nghĩa,
vì có khả năng bạn có ác cảm với những người mà bạn thường xuyên gặp gỡ.
Điều này khác nhiều so với các xứ đạo ngày nay, nơi mà cộng đoàn giáo dân
thường xuyên thay đổi và thậm chí bạn không hề biết người đứng cạnh mình là ai.
Tuy nhiên, ý nghĩa thiêng liêng đằng sau cử
chỉ chúc bình an vẫn còn, nó thúc giục tất cả chúng ta hòa giải với nhau trước
khi tiến gần bàn thờ.
Nguồn: gpquinhon.org