CỘNG ĐOÀN VÀ COVID
Tác giả: Marcel Lejeune[1]
Chuyển ngữ: Nhóm dịch thuật Gioan XXIII
Từ: media.wordonfire.org [2]
WGPMT (3.8.2021) - Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta bằng cách
trở thành một người trong chúng ta. Nhiều người Công giáo đôi khi đánh bóng hoặc
chỉ xem sự thật này là một điều tốt hiển nhiên. Tuy nhiên, đây là một trong những
giáo lí cơ bản và quan trọng nhất của Kitô giáo. Thiên Chúa đã làm người. Thiên
Chúa đã mang lấy bản tính của chúng ta, và qua đó, Người đã giải thoát chúng
ta. Tuy nhiên, việc Nhập Thể không làm thay đổi Thiên Chúa, cả khi nó thay đổi
mọi thứ khác - trong đó có cả chúng ta. Trong thời gian dịch bệnh, cô lập, biến
động xã hội, căng thẳng kinh tế và bất ổn, việc Nhập thể có thể đưa chúng ta
quay lại với một trong những điều quan trọng nhất mà Chúa Giêsu đã mạc khải: đó
là Thiên Chúa sẽ làm mọi cách để đưa chúng ta lên thiên đàng, kể cả việc trở
thành một người trong chúng ta, chịu đau khổ cho chúng ta, và chết cho chúng
ta. Nhập Thể vẫn có sức mạnh tạo ra sự thay đổi, kể cả giữa dịch bệnh này.
Chúng ta nên hi vọng rằng COVID-19 sẽ biến đổi các giáo xứ hơn bất cứ sự gì
khác trong cuộc đời chúng ta. Nếu thích nghi được với thời kì này, chúng ta có
thể rút ra được một điều gì đó tốt đẹp từ dịch bệnh cho cả Hội Thánh và thế giới.
1. Chúa Giêsu - Bậc
thầy loan báo Tin Mừng
Gần đây, nhiều đôi bạn trẻ mà tôi biết đã kết hôn. Họ có nhiều
quyết định khó khăn về số lượng khách mời, việc có nên tổ chức tiệc cưới hay
không và làm sao giữ an toàn cho mọi người khi cố gắng cử hành khoảnh khắc vui
vẻ trong đời họ. Trong những hoàn cảnh như thế, chúng ta nhận ra nhu cầu mà
Thiên Chúa đã đặt trong chúng ta. Chúng ta được dựng nên để hiệp thông với
nhau. Chúng ta được dựng nên vì các tương quan. Chúng ta cần nhau. Chúng ta cần
gia đình, bạn bè, giáo xứ và nhiều người khác. Thiên Chúa dựng nên chúng ta
cũng để đáp ứng nhu cầu này cho người khác. Nếu có một điều mà dịch bệnh
COVID-19 đã phủ lên văn hóa của chúng ta, đó là sự thiếu vắng cộng đoàn và các
tương quan đích thật. Điều này không chỉ xảy ra bên ngoài Hội Thánh Công giáo
mà còn trong các giáo xứ, các tu đoàn tông đồ và các cộng đoàn Công giáo nữa.
Nhưng đó chưa phải là hết chuyện. Chẳng phải Thiên Chúa luôn biết Ngài sẽ làm
gì hay sao?
“Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, vừa nói chuyện vừa cho chúng
ta thấy hình ảnh của Người”[3] nghe không đúng và cũng
không nên nói thế. Chúa Giêsu là khuôn mẫu của tất cả những gì chúng ta phải
làm và phải là, và Người đã cho chúng ta thấy rằng chiều kích thể lí là một chiều
kích không thể thay thế được nhằm để quan tâm phục vụ lẫn nhau. Vì vậy, các
tương quan trực tuyến không thể thay thế các tương quan hiện thân thực sự. Các
bí tích không thể được ban nếu không có sự hiện diện của chúng ta. Các tương
quan thực sự được hình thành cách trực diện. Kinh nghiệm của chúng ta cho thấy
chân lí nhập thể này đã thể hiện khi chúng ta nhớ đến những lúc ở bên bạn bè,
gia đình, giáo dân trong xứ, và khi chúng ta khao khát các bí tích vì không thể
lãnh nhận. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về nhu cầu cần các tương quan khi chúng
ta nhìn vào Sách Thánh và suy gẫm cuộc đời Người. Trong các sách Phúc Âm, chúng
ta thấy cách Chúa Giêsu sống, phục vụ, yêu thương, chữa lành, nói chuyện, v.v.,
không được phản ánh trong một vài cách chúng ta đang sống ngày nay, đặc biệt
trong dịch bệnh này. Vai trò môn đệ của chúng ta cần được khởi động lại vì người
Công giáo có xu hướng làm những gì quen thuộc và thoải mái.
Trong cuộc đời Chúa Giêsu, Người đã dành phần lớn ba năm hoạt
động công khai của mình ở với nhóm mười hai. Người đã dạy họ cách sống như một
Kitô hữu. Người đã đầu tư thời gian của Người cho họ. Người đã thử thách họ. Mô
hình truyền giáo và đào tạo môn đệ này không còn hiệu quả với tiêu chuẩn hiện đại.
Chúng ta nhắm đến các nhóm lớn và những con số lớn. Ngày nay mọi thứ đều được
thống kê. Nhưng Chúa Giêsu quan tâm đến các tên gọi hơn các con số. COVID-19 là
cơ hội để quay lại ưu tiên các tên gọi hơn những con số. Lặn sâu với một số ít
hơn là ở cạn với nhiều người là cách Chúa Giêsu đã làm trong công cuộc loan báo
Tin Mừng. Phương pháp thi hành sứ vụ của Chúa Giêsu là một phần của việc mặc khải
về tình yêu Chúa Cha dành cho chúng ta. Tại sao chúng ta nghĩ chúng ta có thể cải
thiện nó bằng cách làm một điều gì đó rất khác biệt? Hơn nữa, chúng ta cần áp dụng
những gì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta làm trong thời gian và địa điểm cụ thể.
Chúng ta cần dành chỗ để Thầy chỉ cho chúng ta thấy các giáo xứ, các tương
quan, gia đình và công việc của chúng ta cần phải như thế nào.
2. Áp dụng mầu nhiệm
Nhập Thể
Khi học đại học, vợ tôi và tôi đã được đào tạo trong một cộng
đoàn Công giáo tuyệt vời qua việc tham gia sinh hoạt Công giáo tại trường. Cả
hai chúng tôi đều cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng tôi qua những
giáo dân trong xứ một cách sâu sắc và chân thực. Khi vợ chồng tôi kết hôn sau
khi tốt nghiệp và chuyển đi, chúng tôi gia nhập một giáo xứ mới. Vào thời điểm
này, chúng tôi phải cố gắng đáng kể để kết bạn và tạo nên một cộng đoàn giữa những
người khác. Chúng tôi là những người trẻ nhiệt thành đến nỗi các giáo dân lớn
tuổi trong xứ không biết phải đối xử làm sao. Rất ít người chào đón chúng tôi
vào giáo xứ. Không ai chủ động liên hệ với chúng tôi. Các cặp vợ chồng trẻ khác
phớt lờ chúng tôi. Sau một năm chờ đợi người khác hướng dẫn, chúng tôi quyết định
tự mình khởi động.
Chúng tôi đã tìm đến những cặp vợ chồng trẻ khác và bắt đầu
xây dựng tương quan với họ. Đây là thời điểm chúng tôi bắt đầu hình thành các
tương quan bạn bè mới và học cách sống trong một cộng đoàn giáo xứ lớn hơn.
Chúng tôi không nhất thiết phải thích tất cả các cặp khác trong nhóm. Thật vậy,
chúng tôi đã cố gắng rất nhiều không chỉ để hòa nhập với một số người trong xứ
mà còn với cả cha sở nữa. Đồng thời, chúng tôi dần dần trở thành môn đệ bằng
cách chịu thử thách sống đức tin của mình cách đích thực. Việc nhập thể Tình
yêu Thiên Chúa sẽ như thế này: Các môn đệ Công giáo có thể không thể làm cho
người ta thấy hết nhưng khát khao nên thánh và chia sẻ tình yêu của Chúa Giêsu
cho người khác. Trong những lúc thể hiện cái nhìn đó trong cuộc sống của chính
mình, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về một cộng đoàn Công giáo thực sự và tình trạng
lộn xộn nó có thể có.
Về điểm này, người ta nghĩ rằng tôi sẽ nói với bạn tất cả những
gợi ý và bước đi để tạo nên một cộng đoàn Công giáo tuyệt vời, nơi tất cả chúng
ta yêu thương nhau. Nhưng đó không phải là những gì đã xảy ra và thậm chí không
phải là những gì mà một cộng đoàn phải trở thành. Thật vậy, chúng ta cần ngừng
tìm kiếm những điều không tưởng - nó không tồn tại - và chấp nhận nhu cầu phức
tạp cần làm việc vất vả để tạo nên một sự hợp nhất các môn đệ có tính công giáo
đúng nghĩa. Một nơi chúng ta cùng chia sẻ cuộc sống, kể cả những chông gai.
Trong lúc chịu những hạn chế bởi dịch bệnh COVID-19, việc
đích thân quy tụ có thể bị giới hạn, thế nên hình thức cộng đoàn này càng gặp
khó khăn hơn, nhưng không phải là không thể. Chúng ta vẫn cần nhau. Khao khát sống
cộng đoàn mà bạn cảm nhận được thậm chí còn mạnh mẽ hơn nơi những người bị cô lập
nhiều hơn. Những người không biết đến tình yêu của Thiên Chúa. Những người
không có gia đình hay bạn bè. Những người cảm thấy không được yêu thương.
Điều này đưa chúng ta trở lại với sứ vụ của Hội Thánh - giúp
người khác lên thiên đàng. Sứ vụ của Hội Thánh không thể chờ đến thời điểm tốt
hơn, bởi vì Phúc Âm cần thiết lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện (xem
2Tm 4,2). Mặc dù khó lập kế hoạch cho một tương lai không chắc chắn (giữa một
khủng hoảng chúng ta không mong muốn), thì nó có lẽ vẫn tốt cho chúng ta. Tốt
cho chúng ta, bởi vì Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn đang điều khiển.
Thiên Chúa vẫn có kế hoạch và chăm sóc chúng ta.
Thiên Chúa có khả năng rút ra điều tốt từ cuộc khủng hoảng
này. Thiên Chúa tốt lành và muốn làm cho bạn và tôi thành những vị thánh và sau
đó đưa chúng ta (và những người khác) lên thiên đàng. Đôi khi cần một cuộc khủng
hoảng để giúp chúng ta xác định lại các ưu tiên và chú ý vào những điều thực sự
quan trọng. Đôi khi Thiên Chúa dùng một cơn khủng hoảng để thức tỉnh Hội Thánh
khỏi cơn mê muội. Đôi khi sự thoải mái, thờ ơ và thói quen của chúng ta có thể
là những thứ khiến chúng ta xao lãng những điều quan trọng nhất. Vì vậy, tôi
tin Thiên Chúa đang đánh thức những thành phần đang ngủ yên trong Hội Thánh bằng
cách lay động chúng ta và chuyển hướng nhìn của chúng ta về Ngài, về Hội Thánh
và về một thế giới đang rất cần Tin Mừng.
Tôi tin Thiên Chúa đang hoạt động và ra công làm việc để làm
cho chúng ta thành những vị thánh. Người muốn chúng ta nên thánh. Người muốn Hội
Thánh làm cho người ta thành môn đệ. Nếu cần một cuộc khủng hoảng để hoàn thành
những điều đó, Thiên Chúa sẽ làm - nếu chúng ta để Ngài làm.
3. Vấn đề hay cơ hội?
Dịch bệnh COVID-19 là một cơ hội hơn là một vấn đề nếu chúng
ta có khả năng nhìn bằng đôi mắt của Thiên Chúa trong một lúc. Đôi mắt nhân loại
của Chúa Giêsu, vốn đã thấy giá trị và nét đẹp của những người ở trước mặt Người
khi Người còn ở trần gian, giờ đây còn thấy chúng ta từ thiên đàng - rõ ràng
hơn bạn hay tôi có thể thấy. Điều Người thấy là một Hội Thánh tốt đẹp hơn khi
thời kì này kết thúc, một Hội Thánh đã lại dành ưu tiên cho tình thương và sứ vụ
của Người.
Để có thể có được cái nhìn như vậy phải bắt đầu với lòng
khiêm nhường và cầu nguyện. Lúc đó, chúng ta mới có thể thực sự phân định điều
mỗi người chúng ta cần để trở nên người môn đệ. Tất nhiên, chúng ta không thể
làm việc này nếu không có ân sủng. Thiên Chúa muốn thấy sự đổi mới trong tâm hồn
chúng ta và trong Hội Thánh để chúng ta có thể hoàn thành sứ vụ của Ngài cách tốt
hơn, nhưng Ngài trông chúng ta đáp xin
vâng với yêu cầu của Ngài. Vậy chúng ta còn chờ gì nữa?
Hội Thánh Công Giáo không hiện hữu cho riêng mình. Hội Thánh
không tồn tại chỉ để duy trì các cơ sở của mình (giáo xứ, giáo phận, trường học,
bệnh viện, v.v.). Hội Thánh không tồn tại chỉ dành cho những người đi Lễ. Thật
vậy, Hội Thánh Công Giáo tồn tại để đưa toàn thế giới trở lại với Chúa Giêsu
Kitô. Dịch bệnh này là một cơ hội lớn để nhắc chúng ta sự ấy.
Nhưng trước khi bước ra thế giới, chúng ta cần đảm bảo rằng
chúng ta có một nền tảng vững chắc, được xây dựng trên các tương quan môn đệ
đích thực. Các tương quan này như thế nào? Một đám tội nhân lộn xộn, với Chúa
Giêsu ở giữa.
Nhưng đó không phải là kết chuyện. Chúng ta không nên miễn
cưỡng chấp nhận sự rối loạn hay tội lỗi.
4. Các tương quan môn
đệ đích thực
Các tương quan môn đệ Công giáo không phải là việc luôn đồng
thuận hay hòa hợp với người khác. Nó không phải luôn luôn là tương quan bạn bè.
Đó là yêu thương và chăm sóc lẫn nhau, ngay cả với những người không thích bạn
(và/hoặc những người bạn không thích).
Điều này giống với cộng đoàn Hội Thánh sơ khai. Họ dành thời
gian với nhau - thật thế, họ đã dành rất nhiều thời gian với nhau. Chúng ta có
lẽ không thể dành nhiều thời gian với nhau, nhưng không có thời gian không có cộng
đoàn. Hãy xem cách các tín hữu quy tụ lại với nhau trong chương 2 sách Công vụ
Tông Đồ. Hãy đọc các thư Phaolô và hãy tưởng tượng ngần ấy thời gian ở với những
người mà bạn không muốn kết bạn khi cùng tham dự Thánh lễ. Thánh Phaolô và những
người đồng hành đã tranh cãi nhưng vẫn cùng nhau phục vụ. Đôi khi họ chia tay
nhau. Nhưng họ vẫn nâng đỡ sứ vụ của Hội Thánh. Họ sống trong một cộng đoàn nơi
họ gặp nhau đều đặn, cầu nguyện cùng nhau, phục vụ bên cạnh nhau, có trách nhiệm
với nhau và hiểu biết nhau. Mặc dù COVID-19 có thể đã cản trở các việc ấy đối với
nhiều người, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể duy trì các
tương quan thực sự với các môn đệ khác của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, cộng đoàn Hội Thánh sơ khai nhìn chung không giống
như nhiều giáo xứ hiện nay. Trên hết, một cộng đoàn Công giáo đích thực không
phải là một chiếc bong bóng. Nó có bổn phận phải mở rộng với người khác. Nó có
bổn phận phải thu hút người khác đến với các bí tích. Nó có bổn phận tạo lợi
ích cho thế giới, không chỉ lợi ích cho những người đi tham dự Thánh lễ.
Nó cũng cần chủ ý xây dựng lòng tin nhiều hơn, để chúng ta có thể chịu trách
nhiệm với nhau. Nói cho hết về cộng đoàn, điều này có thể khiến nhiều người sốc
- nhưng cộng đoàn KHÔNG phải là mục đích.
Chúa Giêsu là mục đích.
Thiên đàng là mục đích.
Sự thánh thiện là mục đích.
Nhưng chúng ta không thể hoàn toàn đạt được những mục đích
này nếu không có các tương quan môn đệ đích thực, bởi vì Kitô giáo không phải
là trò chơi một mình một cõi. Khi chúng ta tập trung cuộc sống của mình vào
Chúa Giêsu, thiên đàng và sự thánh thiện (hãy tìm những người cùng chí hướng),
thì cộng đoàn có thể đi theo. Hãy lưu ý, điều đó không nhất thiết xảy ra - vẫn
phải chủ động và có ý trong việc tạo dựng các tương quan này. Nhưng nó trở nên
khả thi; bàn họp được thiết lập để làm điều đó.
Đây là lí do chúng ta có rất ít cộng đoàn trong các nhóm
Công giáo ngày nay. Chúng ta tập trung vào “tình bạn”, “cộng đoàn”, “các tương
quan”, “những nhóm nhỏ”, v.v. Chúng ta có các sự kiện và chương trình, nhưng ít
đầu tư. Thậm chí ít khi chúng ta có chủ kiến và chủ động trong các tương quan.
Sau đó, chúng ta mất cơ hội hưởng lợi từ một cộng đoàn thực sự (bởi vì chúng ta
có lẽ chưa bao giờ thực sự có kinh nghiệm thế nào là cộng đoàn) và chúng ta tập trung vào điều gì
đó thấp hơn mục đích thực sự của mình – là hiệp thông với Chúa Giêsu, bên cạnh
nhau.
Chúng ta không hoàn thiện nếu không có những người khác.
Chúng ta cần nhau. Chúng ta là một phần của Hội Thánh, mà thánh Phaolô gọi là
“Thân Mình Đức Kitô”.
5. Thủy triều thay đổi
Điều này xảy ra với mọi người. Giống như việc bị cuốn vào một
cơn thủy triều mà bạn không hay biết cho đến khi bạn nhận ra bạn đang ở rất xa
bờ, đời sống thiêng liêng, tình bạn, cầu nguyện, lối sống đạo đức, thói quen,
v.v., tất cả đều có thể thay đổi nơi chúng ta. Hãy nghĩ đến những thay đổi mà bạn
nhìn thấy nơi người khác khi bạn đi họp. Trong khi bạn đời của những người đó
có thể không nhìn thấy những thay đổi theo cùng một cách (vì họ nhìn thấy người
ấy hàng ngày), nhưng chúng ta chắc chắn sẽ thấy. Chúng ta thậm chí có thể không
nhận ra rằng một sự thay đổi tận căn đã xảy ra từ lâu.
Sự thay đổi từ từ cũng xảy ra trong nền văn hóa của chúng
ta. Chúng ta càng ngày càng mất đi cách hiểu của Kitô giáo về cộng đoàn, sự
thánh thiện, tính dục, bác ái, luân lí, v.v. Hơn nữa, các giáo xứ và các nhóm
Công giáo cũng không tránh khỏi sự thay đổi từ từ này. Chúng ta thấy các giáo xứ
và tổ chức của chúng ta đang trôi theo dòng chảy văn hóa, và đôi khi cần một tiếng
nói ngôn sứ để cho chúng ta thấy cách chúng ta đang sống không phải là điều
Thiên Chúa muốn cho chúng ta.
Những ước muốn, cảm xúc, tư tưởng và sự thoải mái của chúng
ta đôi khi được thay thế cho giáo huấn, sự thánh thiện và sứ vụ của Công Giáo.
Nếu nó khiến ta quá khó chịu, ta tránh xa nó. Tôi chắc chắn không miễn khỏi những
thứ như vậy. Vậy cộng đoàn Công giáo đích thực thì như thế nào? Đó là một mớ hỗn
độn khó khăn, được bọc trong ân sủng. Nó giống như một gia đình.
6. Gia đình
Phát triển một cộng đoàn giống như gia đình trong các giáo xứ
là không hề dễ dàng - cần nhiều việc khó khăn. Cần nhiều người để đầu tư cho một
chặng đường dài (hãy nghĩ đến hàng thập kỉ) và sẵn sàng đầu tư cho nhau. Cần những
người không vắng mặt trong buổi liên hoan của giáo xứ khi các việc tồi tệ, giống
như bạn không bỏ nhà vì vài cuộc tranh cãi. (Ghi chú: Tất nhiên, có những lí do
chính đáng để đổi giáo xứ mà tôi không đề cập ở đây). Cần những người sẽ tiếp cận
và chủ động phục vụ người khác. Cần những người sẵn sàng đầu tư hết sức vào một
số ít người và sau đó tạo ra nhiều ảnh hưởng hơn.
Tuy nhiên, cộng đoàn không phải là tương quan bạn bè, cũng
như tương quan bạn bè không phải là cộng đoàn. Có một tác động qua lại giữa hai
điều này, nhưng chúng không như nhau. Cộng đoàn rộng lớn hơn; còn tình bạn nhỏ
hơn. Mặc dù bạn phải tạo nên tình bạn trong một cộng đoàn, nhưng không phải tất
cả mọi người trong cộng đoàn đều phải là bạn của bạn. Điều này giảm bớt gánh nặng
cho chúng ta. Mặc dù chúng ta được kêu gọi yêu thương và phục vụ tất cả mọi người
trong cộng đoàn, nhưng chúng ta không cần phải quá thân thiết với tất cả mọi
người. Bây giờ chúng ta có thể thấy rằng cộng đoàn không chỉ dành cho tôi và bạn
bè của tôi. Nó dành cho “chúng ta”. Chúng ta cần nhau. Chúng ta cần người quấy
rầy chúng ta. Chúng ta cần những người khó tính.
Tương tự như anh chị em ruột phải lớn lên trong cùng một nhà
- và như vậy thì tốt cho họ. Chúng ta cần những người khác thử thách chúng ta.
Chúng ta cần được thúc đẩy để thương những người khó thương. Đây là lí do chúng
ta cần một cộng đoàn lớn hơn thay vì chỉ có những người bạn.
Cũng như bạn không thể trở thành môn đệ của Chúa Giêsu khi bạn
sống tách biệt với Người, bạn không thể là một phần của cộng đoàn Kitô giáo mà
sống tách biệt với những người khác (hoặc với Chúa Giêsu). Chúng ta cần có cảm
nhận bức tranh lớn hơn. Một phần công việc giáo xứ cần làm là cố gắng nuôi dưỡng
cộng đoàn đích thực chứ không chỉ các sự kiện và chương trình. Những điều này
có thể giúp đặt nền cho cộng đoàn, nhưng nếu người lãnh đạo không chủ ý nhìn
xa, sẽ không có cộng đoàn đích thực.
Chúng ta không cần cái mới lạ. Chúng ta cần cái xác thực.
Người Công giáo hiểu nhu cầu cần người khác. Chúng ta dựa
vào các vị thánh và các nhà lãnh đạo Hội Thánh để giúp chúng ta hiểu về cầu
nguyện, thần học, Kinh Thánh, các bí tích, v.v. Cũng vậy, chúng ta cần khai
thác chiều sâu của những người Công giáo vĩ đại đã đi trước chúng ta về mặt cộng
đoàn. Họ đã sống, phục vụ và cầu nguyện cùng nhau như thế nào?
Chúng ta hãy cầu xin cho chúng ta có thể thực sự trưởng
thành trong cộng đoàn. Không phải là một vẻ ngoài dối trá mà là một cộng đoàn
nơi chúng ta có thể học cách trở thành những vị thánh, cùng với nhau. Nơi đó
chúng ta có thể yêu mến Chúa Giêsu, chịu thử thách để trưởng thành, cùng nhau cầu
nguyện, sống cạnh nhau, và phục vụ lẫn nhau. Đây là cộng đoàn. Nó lộn xộn và cần
thiết. COVID-19 chỉ đơn thuần là cơ hội tiếp theo Thiên Chúa ban cho để chúng
ta trở về với nền móng hay bắt đầu lại một lần nữa.
Nguồn: giaophanmytho.net
[1] Ông Marcel LeJeune
là Chủ tịch và Người sáng lập Catholic Missionary Disciples (Các Môn đệ Truyền
giáo Công giáo), một hiệp hội tông đồ giúp các nhà lãnh đạo Công giáo canh tân
Hội Thánh. Là một nhà truyền giáo Công giáo, một diễn giả quốc tế và một tác giả
từng đoạt giải thưởng, Marcel thích chia sẻ niềm đam mê lớn nhất của mình là
giúp người khác biết tình yêu của Chúa Giêsu và biết cách chia sẻ tình yêu đó với
người khác. Marcel đã kết hôn với Kristi và họ có 5 người con.
[2] Trích từ ebook Catholicism
after Coronavirus, A Post-COVID
Guide for Catholics and Parishes (Đạo
Công giáo sau thời Coronavirus, Hướng dẫn dành cho người Công giáo và
các giáo xứ thời hậu Covid) của Word on Fire, trang 108-123.
[3] Nguyên văn: “The Word was made flesh and video called us”.