Hình: Mẹ Têrêsa Calcutta
CON NGƯỜI LÀ CHỦ THỂ, NỀN TẢNG VÀ MỤC TIÊU
(Nhân vị trong Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo)
Sr. M.Jos. Trần Thị Thanh Lương O.P.
Mục lục II. NỀN TẢNG THẦN HỌC -THÁNH KINH 2.
Con người: người trông giữ tạo vật và cộng tác trong công việc sáng tạo 4.
Hình ảnh Đức Kitô (Imago Christi) |
WHĐ (16.8.2021) - Nền tảng của Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo
(GHXHCG) không phải là xã hội, không phải là cộng đồng nhân loại, nhưng là nhân
vị. Nó là nền tảng, không phải một trong những nền tảng, không phải một trong
những lãnh vực trọng yếu, nhưng nhân vị là nền tảng duy nhất, riêng biệt của
GHXHCG. Con người luôn là chủ thể, nền tảng và mục tiêu của xã hội loài người.
Trong lịch sử hình thành GHXHCG, Giáo hội cho thấy các nguyên lý và nội dung của
giáo huấn về xã hội của Giáo hội đều dựa trên nguyên lý nền tảng là nhân vị.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2, trong thông điệp đầu tiên của
triều đại Giáo Hoàng: Đấng Cứu Chuộc Con
Người (Redemptor Hominis) đã xác định con đường đầu tiên và nền tảng của
Giáo hội, cả trong những vấn đề xã hội, là chính nhân vị cụ thể (xem số 14). Những
huấn dụ mang tính hiện thực chủ nghĩa nhân học (anthropological realism) của Đức
Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trong tông thư mới nhất về vấn đề xã hội của ngài: Bác Ái trong Chân Lý (Caritas in
Veritate) cũng đưa con người, là hữu thể duy nhất, toàn bộ và không thể phân
chia, như là yếu tố nền tảng của việc phát triển toàn bộ con người cũng như xã
hội. Phẩm giá của nhân vị không chỉ bao gồm trong hữu thể của mình (nền tảng
nhân học), nhưng trước hết, như là một tạo vật, nó mang ý nghĩa trong chính Đấng
Tạo Thành (nền tảng thần học). Trong quan điểm Kitô giáo, cũng cần phải nhấn mạnh
đến nền tảng Kitô học trong mạc khải về con người được thể hiện trong chính Đức
Kitô, con người hoàn hảo[1], qua mầu nhiệm nhập thể.
Vì vậy, GHXHCG, như đã phát họa trong cuốn Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo
(TLHTXHCG) (cách đặc biệt ở Chương Ba), trình bày cho chúng ta một phân tích rõ
ràng về nhân vị, không từ chối nói về những khiếm khuyết cũng như nhân đức, không
đưa ra một quan niệm trừu tượng, một kiểu mẫu làm cho chúng ta không nhận ra
con người cụ thể, không làm cho chúng ta đón nhận con người trong tính cách cá
nhân và duy nhất của nó, nhưng nhân vị được xác định trong con người cụ thể.
I. NGUYÊN TẮC NHÂN VỊ
Cuốn TLHTXHCG trước tiên muốn trình bày nguyên tắc nền tảng
thường bị quên lãng hay giải thích sai lệch: “Toàn bộ đời sống xã hội đều là sự
biểu hiện của người giữ vai trò chính không thể nhầm lẫn được , đó chính là con
người”[2]. Tất cả mọi cộng đồng của
con người, dù là gia đình, tổ chức tôn giáo, trường học, chính phủ, xí nghiệp lớn
hay nhỏ, những công ty đa quốc gia hay chính toàn bộ hệ thống kinh tế, không phải
để tự duy trì sự tồn tại cho chính mình, nhưng là để phục vụ nhu cầu và sự phát
triển đích thực của con người. Nói cách khác, nguyên tắc nhân vị của một cộng đồng
chính trị hay văn hoá có nghĩa là chấp nhận rằng nhân vị (nam hay nữ) với phẩm
giá siêu việt của họ là “tác giả, trung tâm và mục đích của đời sống kinh tế-xã
hội”[3].
Đức Giáo Hoàng Gioan 23, trong tông thư Hoà bình trên Trái đất, xác định: “Trong bất cứ hiệp hội nào của
con người theo quy chế và sinh hiệu quả đều phải chấp nhận nguyên tắc nền tảng
là mỗi con người là một nhân vị, tức là theo bản tính họ được phú bẩm sự hiểu
biết và ý chí tự do. Vì thế họ là chủ thể của những quyền lợi và nghĩa vụ xuất
phát ngay từ chính bản tính của mình; những quyền lợi và nghĩa vụ phổ quát, bất
khả xâm phạm, và không thể hủy bỏ”[4]. Nhưng điều này không có
nghĩa là một thứ cá nhân chủ nghĩa cứng nhắc, vì tự bản tính mỗi con người mang
tính xã hội, cũng không chối từ công ích. Nhưng nó nhấn mạnh rằng những quyền lợi
của cá nhân không thể bị hi sinh cho quyền lợi tập thể. Trong lãnh vực kinh tế
chẳng hạn, những quyết định về kinh tế không thể có thái độ tùy tiện đối với
nhu cầu của những con người đã tạo nên chúng.
Cũng thế, xác quyết rằng “con người trước quốc gia” có nghĩa
là chấp nhận rằng trọng tâm của thể chế là nhân vị với những quyền lợi cũng như
bổn phận của nó, bắt đầu bằng quyền được sống, là nền tảng của tất cả các quyền
tự do căn bản: tự do tư duy và tự do lương tâm, tự do giáo dục và lập hội, bao
gồm quyền được có công ăn việc làm cũng như tất cả các quyền lợi dân sự khác.
Từ nguyên tắc đầu tiên này phát xuất ra tiêu chuẩn có giá trị
phổ quát để phán xử. Trước hết, nhà nước cũng như xã hội phải theo đuổi công
ích, luôn bị phụ thuộc vào sự thể hiện trọn vẹn của những cá vị. Vì thế, xã hội
cũng như nhà nước có thể quy định những hoạt động của cá vị nhằm đạt đến những
mục tiêu chung, nhưng không bao giờ có thể đặt định về chính bản vị con người,
cũng như về cuộc sống con người, đây là nền tảng của tất các quyền lợi khác. Những
giới hạn về luân lý hay pháp lý do việc tôn trọng đó mà ra không gây cản trở
hay làm chậm tiến độ của quyền lực công, của phát triển, hay tiến bộ của những
nghiên cứu khoa học, nhưng đơn giản là bảo đảm cho văn minh. Nhân vị có được
trong chính mình giá trị của mục tiêu và không bao giờ, và trong bất cứ trường
hợp nào, có thể bị xem như vật thí nghiệm.
Tuy nhiên, ưu tiên tuyệt đối của nhân vị không những không đặt
cá thể đối lập với xã hội, nhưng nhìn thấy trong cá thể nền tảng của chính xã hội.
Xã hội đến sau nhân vi và dựa trên nền tảng nhân vị.
II. NỀN TẢNG THẦN HỌC -THÁNH KINH
Bắt nguồn từ Thánh Kinh, Giáo hội chân nhận ra con người có
được một phẩm giá trổi vượt , không thể so sánh và không gì có thể thay thế được,
là một tạo vật theo hình ảnh của Thiên Chúa. Việc chân nhận quan trọng được diễn
tả trong xác quyết rằng con người “từ lâu bị xem là đối tượng và một yếu tố thụ
động của đời sống xã hội, thay vì là, phải là, và luôn là chủ thể, nền tảng và
mục tiêu”[5].
1. Con người là hình ảnh Thiên Chúa[6]
“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên
Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người
có nam có nữ”[7] . Thiên Chúa không những tạo
thành con người, nhưng còn đặt con người là trung tâm và là tột đỉnh của việc tạo
thành, ‘thổi hơi vào mũi’ để ban cho con người sự sống của chính Thiên Chúa[8] . “ Vì con người được dựng
nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên có phẩm giá là một nhân vị.
Không phải là một sự vật mà là một con người. Con người có khả năng tự biết
mình, tự làm chủ chính mình và tự do tự hiến và thông hiệp với những người
khác. Do ân sủng, mỗi người được mời để giao ước với Ðấng Sáng Tạo,
dâng lên Ngài một lời đáp trả tin yêu mà không ai có thể thay thế được”[9].
Qua đó chúng ta thấy con người là tạo vật được Thiên Chúa tạo
dựng như là một bản vị để tiếp thông với Ngài. Mối tiếp thông đó còn được thể
hiện nơi chiều kích xã hội trong bản tính con người. “ Nhưng Thiên Chúa đã
không dựng nên con người cô độc: bởi vì từ khởi thủy "Ngài đã tạo dựng có
nam và có nữ" (Stk 1,2-7). Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng
đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình,
con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những người
khác, con người sẽ không sống và phát triển tài năng mình.”[10]
Vì thế mỗi con người là hình ảnh của Thiên Chúa có được một phẩm giá trổi vượt
trên những tạo vật khác và cần phải sống trong mối tiếp thông với người khác.
2. Con người: người trông giữ tạo vật và cộng tác
trong công việc sáng tạo
“Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ:
"Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.
Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất”[11]. trước những tạo vật khác,
con người , nam và nữ, được một ơn gọi đặc biệt, để tận hưởng và quản trị. Từ ‘làm bá chủ’ trên thế giới không có nghĩa
là tự do lợi dụng cách ích kỷ nhưng là lãnh trách nhiệm gìn giữ tạo vật. Ở đây từ
rdh, theo nguyên ngữ Do Thái, thường
được dịch là ‘thống trị’, ‘làm bá chủ’,
nên được dịch theo nghĩa ‘hướng dẫn, thuần
hoá’. Con người được Thiên Chúa mời gọi cộng tác với Ngài trong tiến trình
tạo dựng qua việc thực thi trách vụ ‘làm
chủ’, không tuyệt đối nhưng mang tính cách cộng tác và thừa tác, tôn trọng
sự tốt lành nguyên khởi của tất cả mọi điều Chúa tạo thành[12].
Thiên Chúa ủy thác cho con người gìn giữ có trách nhiệm các
tạo vật, không chỉ những các tạo vật không phải là con người, nhưng còn chính
con người nữa. “Bảo vệ và thăng tiến sự sống, tôn trọng và yêu mến sự sống, đó
là nhiệm vụ Thiên Chúa trao cho mọi người, khi kêu gọi họ, vốn là hình ảnh sống
động của Chúa, tham dự vào quyền làm chủ mà Ngài đang thực hiện trên thế giới…Việc
con người tham dự phần nào đó vào quyền Chủ Tể của Thiên Chúa cũng được biểu lộ
rõ ràng, do sự kiện họ được trao phó trách nhiệm đặc thù đối với sự sống con
người nói riêng”[13].
Dựa trên nền tảng đó, GHXHCG nhấn mạnh rằng mỗi người được
kêu gọi để chăm sóc cho cuộc sống mọi người, nhất là những người yếu đuối, khốn
khó; nhưng cũng cần phải được giúp đỡ để thực hiện với trách nhiệm quyền lợi mà
Thiên Chúa trao ban, mà không ai có thể cướp mất, đề cùng cộng tác với Ngài trong
tiến trình sáng tạo. Đây cũng là một ơn gọi lớn lao, được là người chung phần với
Thiên Chúa trong việc phát triển trật tự đã được tạo thành.
3. Tội lỗi và ơn cứu độ phổ quát
Dù là người cộng tác viên và chung phần với Thiên Chúa,
nhưng chính con người không là thần thánh. Dù hình ảnh là người chung phần vào
công việc tạo dựng thật là lý tưởng, nhưng đó không phải là tất cả câu chuyện.
Hình ảnh Thiên Chúa trong con người và lịch sử nhân loại đã bị hoen ố và nhơ
nhuốc bởi tội nguyên tổ. Do tội đó “con người đã phá vỡ giới hạn thụ tạo của
mình, thách thức Chúa, là Thiên Chúa duy nhất và là nguồn sự sống của mình.
Chính tội bất tùng phục ấy (x. Rm 5,19) đã tách con người ra khỏi Chúa”[14]. “Đó là một tội được truyền
lại bằng cách làm lan ra tới hết mọi người, nghĩa là được truyền lại một bản
tính đã mất đi sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ”[15].
“Hậu quả của tội, bao lâu nó còn là hành vi xa rời Chúa, chính là sự tha hoá, tức
là sự xa rời của con người không những với Chúa mà còn với chính mình, với người
khác và với thế giới chung quanh”[16]. Chính vì ý muốn ‘được trở
nên như Chúa’, con người từ chối tình trạng tạo vật. Và như thế, trong khi cố gắng
tự trở nên người có toàn quyền trên vũ trụ, con người đi vào sự xung khắc với
chính vũ trụ và với nhau. Nói cách khác, tội lỗi làm chúng ta mù loà với bản
tính nền tảng của chính mình là tương quan và xã hội, và đưa chúng ta đến việc
chỉ quan tâm đến những lợi ích của mình, không lưu tâm đến người khác, cũng như
tạo cho ảo tưởng rằng dù sao chúng ta cũng hoàn toàn tự túc.
Mầu nhiệm của tội là một “vết thương hai mặt”, như GHXHCG
nói đến. Nó luôn mang hệ quả nơi cá nhân nơi mối quan hệ với tha nhân và xã hội.
Cả hai sóng đôi và không thể tách rời cũng như không thể tách rời bản tính con
người trong chiều kích cá nhân và xã hội, trong mối tương quan với chính mình
và tha nhân. Tội lỗi len lỏi và phá hoại chính bản tính con người nên cũng phá
hoại chính mối tương quan liên đới và hỗ tương nền tảng này.
Vì thế, tội mang tính cách xã hội đặc biệt, với hậu quả là
mang lại cái nhìn nghèo nàn và bị thương tổn về bản tính con người, dẫn tới việc
lợi dụng và lèo lái người khác, và xâm hại trực tiếp đến người khác, khi quá nhấn
mạnh vào một yếu tố riêng biệt nào đó. Chủ nghĩa cá nhân cực đoan đưa đến cái
nhìn con người tự tạo chính mình và có thể tái tạo nó theo ý muốn. Tự do con
người tách biệt khỏi mọi hệ thống luân lý nền tảng, và ‘chọn lựa’ cá nhân là
giá trị tối thượng. Một cực đoan khác là những hình thức của chủ nghĩa tập thể
và chủ nghĩa định mệnh, trong đó bản tính con người bị cho là rất dễ bị uốn nắn,
thuần hoá, có thể và cần phải được kiểm soát bởi Nhà Nước, hay những ‘chuyên
gia’ hỗn hợp. Trong cả hai quan niệm, con người không được coi là cùng đích
trong chính nó, nhưng chỉ là phương tiện được dùng cho những mục tiêu khác. Con
người chỉ còn là một đối tượng cần được kiểm soát và điều khiển hay là một trở
ngại cần được khuất phục. Vì vậy, tội được gọi là 'xã hội' vì chống lại nhân
quyền, bắt đầu từ quyền sống, và tất cả mọi quyền lợi khác của con người để sống
trọn vẹn nhân phẩm. Nó chống lại những mối liên hệ theo như chương trình và kế
hoạch của Thiên Chúa.
Các tội cá nhân và xã hội tiếp diễn trong lịch sử, cấu thành
một kinh nghiệm đau thương và bi quan về thân phận con người. Và tội lỗi đã
mang con người đến tình trạng phổ biến là đặt lợi nhuận và lợi ích cũng như quyền
lực của cá nhân hay của nhóm là giá trị cao nhất phải theo đuổi bất chấp bất cứ
thủ đoạn nào.
Nhưng niềm tin căn bản của Kitô giáo vào Mầu nhiệm Nhập Thể
của Chúa Kitô là công trình kỳ diệu đã chuyển đổi tất cả con người trong bản
tính cũng như trong mối tiếp thông với người khác, cá nhân và phổ quát. Chúng
ta tin rằng Chúa Giêsu Kitô, đã hoàn toàn lãnh nhận sự hiện hữu vật chất, làm
cho sự hiện hữu trong thân xác của chúng ta thành phương tiện để chúng ta có thể
tiếp thông với sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã cảm nghiệm vũ trụ chất
thể, cho dù những giới hạn của nó, nhưng tốt lành và được chúc phúc, cho dù nếu
chúng ta không thể nhận ra. Và chúng ta cũng được ban cho ơn sủng thông phần
vào việc tiếp tục công trình tạo dựng và cứu chuộc[17]
Qua niềm hi vọng vào sự phổ quát của ơn cứu độ trong Đức
Kitô, Adam mới chiếu toả và thành toàn hình ảnh của Thiên Chúa, con người không
còn bi quan về chính sự thất bại, bạc nhược, hay sai lầm do tội mang lại. Tất cả
tạo vật được giải thoát khỏi diệt vong nhờ lời hứa được tham phần vào cuộc sống
vĩnh cửu của Đấng Tạo Thành.
4. Hình ảnh Đức Kitô (Imago Christi)
Để hiểu được đầy đủ ý nghĩa con người là “hình ảnh Thiên
Chúa”, cần nên nhớ là trong Tân Ước, quan niệm này nói về Chúa Giêsu Kitô[18]. “Bởi vì chính Chúa Kitô mạc
khải cho con người trọn vẹn hữu thể của nó, trong bản tính nguyên khởi, trong
thành toàn chung kết, và trong thực tại hiện thời”[19].
“Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi
Lời nhập thể. Bởi vì Adam con người đầu tiên đã là hình bóng của Adam sẽ đến,
là Chúa Kitô. Chúa Kitô, Adam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của
Ngài, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức
rất cao cả của họ. Bởi vậy không lạ gì khi những chân lý đã nói ở trên đều tìm
thấy nguồn gốc của chúng và đạt tới tột điểm nơi Người”[20].
Nguồn gốc của con người được tìm thấy nơi Đức Kitô, ‘nhờ Người
và trong Người’ mà con người được tạo dựng[21].
Tình trạng hiện sinh của con người trong hiện tại cũng đạt được ý nghĩa trọn vẹn
trong Đức Kitô. Đức Kitô, qua mầu nhiệm Nhập Thể, cái chết và sự Phục Sinh của
người mang lại cho con người ‘hình ảnh Thiên Chúa’ nguyên tuyền. “Bởi vì nơi
Người bản tính nhân loại đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt, do đó chính
nơi chúng ta nữa bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt. Bởi
vì, chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi
người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người,
đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi
trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng
ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi”[22]. Qua việc chia sẻ mọi khía
cạnh của đời sống con người, cả những lao nhọc thể xác, đau khổ và cái chết,
Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta chính căn tính con người, được tạo dựng theo
hình ảnh Thiên Chúa và được ban cho một phẩm giá cao vời.Con người hướng về Nước
Thiên Chúa như một tương lai tối hậu, sự thành toàn của chính sự hiện hữu của
con người. “ Và như thế sự sống hằng ngày của con người được định nghĩa như là
một nỗ lực để tương hợp trọn vẹn hơn với hình ảnh Chúa Kitô và cống hiến cuộc đời
tăng trưởng để chiến đấu mang lại chiến thắng chung cuộc của Chúa Kitô trên trần
gian”[23]
III. NỀN TẢNG NHÂN HỌC
Trong các ý thức hệ xã hội, chúng ta thường thấy họ có những
quan điểm giảm thiểu về con người, chỉ chú trọng đến một khía cạnh và coi thường
hay bỏ qua những khía cạnh khác. Giáo huấn xã hội của Giáo hội xác định sự ưu
tiên của nhân vị không giống như những cái nhìn giảm thiểu của chủ nghĩa cá
nhân hay tập thể hoá, nhưng nhấn mạnh là “những cá thể không xuất hiện như những
hạt cát tách biệt nhau, nhưng được liên kết trong một cơ phân, liên hệ hài hoà
và hỗ tương”[24] và con người không chỉ đơn
giản là một tế bào của xã hội, chỉ được công nhận qua vai trò chức năng. GHXHCG
giới thiệu một cái nhìn về con người với tất cả những chiều kích trong toàn bộ
của nó, không giảm thiểu hay thiển cận.
1. Tính thống nhất
Quan điểm nhân học của Giáo hội xác định rõ con người “được
tạo dựng thành một thể thống nhất xác và hồn”[25],
Sự thống nhất đó được bảo đảm do linh hồn thiêng liêng và bất tử nhờ đó con người
hiện hữu như một tổng thể. Điều đó xác định sự liên kết giữa các chức năng thiêng
liêng, tri thức và ước muốn, cũng như xác thể và cảm xúc. “Ngôi vị con người
bao gồm thân xác và được giao phó toàn bộ cho chính con người, chính trong sự
thống nhất hồn xác mà ngôi vị con người là chủ thể của những hành vi luân lý”[26] . Con người là một hữu thể
vật chất hoà nhập vào thế giới qua thân xác mình, cùng lúc cũng là một hữu thể
thiêng liêng, nhờ khả năng hiểu biết, có thể hướng về siêu việt và để khám phá
ra chân lý vượt quá vật chất. Tinh thần và vật chất trong con người không là
hai bản tính nối kết nhau, nhưng là sự hiệp nhất tạo thành một bản tính duy nhất.
Bởi vậy trong giáo huấn của Giáo Hội không có chủ trương duy linh, là chủ thuyết
hạ giá thực tại của thân xác, cũng không chủ trương duy vật, xem thường tinh thần,
xem nó đơn giản chỉ là một lối biểu lộ của vật chất. Con người luôn là một thể
thống nhất xác và hồn.
2. Hướng mở đến siêu việt
Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo xác định rằng con người tự bản
tính và do ơn gọi là một hữu thể tôn giáo, vì vậy 'có khả năng' hướng về Thiên
Chúa. “Vì con người phát xuất từ Thiên Chúa và đi về cùng Thiên Chúa nên không
sống một cuộc sống thuần nhân loại, nhưng sống trong mối tiếp thông với Thiên
Chúa cách tự do”[27] Con người hướng mở về Thiên
Chúa, nhưng cũng hướng mở về tất cả những tạo vật khác: về người khác, về thế
giới. Vượt ra khỏi chính mình, khỏi cái tôi ích kỷ chỉ lo cho bản thân mình,
con người bước vào mối liên hệ đối thoại và hiệp thông với người khác[28].
3. Độc nhất
Con người là một hữu thể độc nhất không thể sao chép, có khả
năng tự hiểu về mình, tự làm chủ chính mình và tự quyết. “Con người hiện hữu
trước hết như một thực thể làm chủ thể, như một trung tâm của ý thức và tự do
mà những kinh nghiệm sống của mỗi một người không thể so sánh với kinh nghiệm của
bất cứ ai. Điều này cũng nhấn mạnh đến việc không thể chấp nhận bất cứ toan
tính nào muốn giản lược thân phận con người bằng cách ép con người đi vào trong
các phạm trù đã được dự tính trước hay vào các hệ thống quyền lực đã có sẵn, dù
có thuộc ý thức hệ hay không”[29]. Vì vậy công quyền không
bao giờ dùng con người như một phương tiện để thực hiện những kế hoạch kinh tế,
xã hội hay chính trị. Nhưng phải cảnh giác để mỗi can thiệp của các định chế
khác nhau luôn nhằm tôn trọng phẩm giá con người. Bởi vì sự ưu việt của con người
vượt lên trên xã hội: “trật tự xã hội và tiến bộ của nó phải luôn luôn nhằm ích
lợi của các nhân vị, bởi vì trật tự của muôn vật phải lệ thuộc vào trật tự của
các nhân vị chứ không ngược lại”[30].
4. Tự do của con người
Sự tự do là dấu hiệu đặc biệt để nhận ra con người là tạo vật
được Thiên Chúa tạo nên giống hình ảnh và sự tự do của Ngài. “Tự do đích thực
là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên
Chúa đã muốn để con người tự định liệu, hầu con người tự mình đi tìm Ðấng Tạo Dựng
và nhờ kết hợp với Ngài con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc.
Vậy phẩm giá của con người đòi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự
do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ không
do bản năng mù quáng hay cưỡng chế hoàn toàn bên ngoài”[31].
Con người được ơn gọi dùng sự tự do của chính mình để tìm kiếm sự thiện cho
riêng mình và công ích. Qua sự tự do hướng về sự thiện chân thực, trật tự nội
tâm triển nở để có khả năng phát sinh trong chính con người cũng như xây dựng trật
tự xã hội. Tuy nhiên, khi con người sử dụng sự tự do để mưu tìm sự thiện, riêng
cũng như chung, cần phải tương hợp và đi theo những trật tự của luật luân lý tự
nhiên, phổ quát và phù hợp với bản tính con người, được ghi khắc trong tâm khảm
mỗi người. Trật tự luân lý đó hướng dẫn con người phục tùng sự thiện tối hậu là
chính Thiên Chúa và tôn trọng sự bình đẳng trong quyền lợi và phẩm giá của những
đồng loại khác. Để được như thế, cần phải loại trừ mọi bất công cản trở việc cổ
võ cho tự do và nhân phẩm, qua những thay đổi trong trật tự kinh tế, xã hội, luật
pháp, chính trị và văn hoá. Các định chế phải thực hành với cách thức liên đới
với những người bị cản trở cách bất công trong việc thể hiện sự tự do của họ, để
đặt họ vào vai trò chính yếu trong những quyết định thuộc về lãnh vực riêng của
họ.
Cho dù sự tự do của con người mang giá trị cao vượt, nhưng
không phải là vô hạn. Vì yêu mến sư thiện tối cao và tha nhân, con người chấp
nhận giới hạn tự do của mình theo luật luân lý tự nhiên của Thiên Chúa, qua đó
họ được giải thoát khỏi sự giam hãm của sự dữ. Và trong sự tự do tìm kiếm sự
thiện cho cá nhân và xã hội, luật luân lý tự nhiên mà họ tuân thủ cũng đòi buộc
sự hoán cải cá nhân trước khi thực hiện những thay đổi xã hội. Đức Kitô trong
khi đặt mình tuân thủ ý muốn của Thiên Chúa Cha đã giải phóng nhân loại khỏi xu
hướng ích kỷ, chỉ hướng về mình và loại trừ hay hạ thấp mối liên hệ với Thiên
Chúa và tha nhân, mang lại cho con người sự tự do đích thực theo ý muốn và
chương trình của Đấng Tạo Thành.
5. Bình Đẳng
Một chiều kích nền tảng quan trọng khác mà GHXHCG nhấn mạnh
đó là sự bình đẳng về phẩm giá của con người. Trước mặt Thiên Chúa mọi người đều
bình đẳng về phẩm giá, vì cùng được tạo dựng như nhau và giống hình ảnh Người.
Không có sự phân biệt chủng tộc, văn hoá, phái tính, giai cấp xã hội trong nhân
phẩm. Đây là một xác quyết do việc Tạo Dựng, nhưng xác quyết này còn mạnh mẽ
hơn trong mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa, trong đó: “ Không còn là Hy Lạp
hay Do Thái; tự do hay nô lệ; không còn là nam hay nữ, vì tất cả anh em đều là
một trong Chúa Giêsu Kitô”[32]. Dĩ nhiên trong con người
có sự khác biệt về giới tính, khả năng thể lý, trí thức hay tinh thần, “tuy
nhiên, phải vượt lên trên và loại bỏ mọi hình thức kỳ thị về những quyền lợi
căn bản của con người, hoặc trong phạm vi xã hội hoặc trong phạm vi văn hóa, kỳ
thị vì phái tính, chủng tộc, màu da, địa vị xã hội, ngôn ngữ hay tôn giáo, vì
như vậy là trái với ý định của Thiên Chúa”[33].
Phẩm giá của con người trước mặt Thiên Chúa là nền tảng của phẩm giá con người
trước mặt người khác, đây là yếu tố nền tảng của sự bình đẳng tự căn bản, và của
tình huynh đệ con người, không bị giới hạn bởi bất cứ sự khác biệt nào. GHXHCG
cũng nhấn mạnh sự bình đẳng giữa nam và nữ, tuy khác biệt nhưng vốn bổ sung cho
nhau, điều đó kêu gọi sự yêu thương và liên đới. Các người thiểu năng cũng cần
được đối xử bình đẳng. Các định chế không thể nhân danh các lý do kinh tế hay
xã hội mà tìm cách áp chế hay loại bỏ họ, nhưng tôn trọng và nâng đỡ họ với sự
kính trọng tối đa nhân phẩm của họ nhưng việc bảo vệ và công nhận việc mọi người
có nhân phẩm ngang nhau không thể là một nỗ lực cá nhân, nhưng cần sự hỗ trợ của
cộng đồng xã hội và định chế. Chỉ hành động hổ tương giữa các cá nhân, giữa các
quốc gia mới mong mang lại tình huynh đệ đại đồng và nhân phẩm con người được
tôn trọng, bằng không tình trạng chênh lệch và bất bình đẳng khiến cho ngôi nhà
thế giới, gia đình nhân loại càng nghèo đi.
6. Xã hội tính
“Tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có
xã hội tính”[34] Con người được kêu gọi tự bản
tính để sống trong xã hội, “là tập thể những người sống liên kết với nhau cách
hữu cơ theo một nguyên lý hợp nhất, vượt lên trên từng cá nhân. Là một cộng đồng
vừa hữu hình, vừa thiêng liêng, xã hội tồn tại mãi: kế thừa quá khứ và chuẩn bị
tương lai”[35], và do đó con người khác biệt
với những tạo vật khác. Nhưng tội lỗi đã nhập vào thế gian. Xã hội tính của con
người, vì tính ích kỷ và kiêu căng do tội, không tự động đưa đến sự hiệp thông
giữa con người với nhau, nhưng tiếp tục với nguy cơ tách biệt nhau do mầm mống
của chủ nghĩa cá nhân và lạm quyền. Điều này nói lên sự cần thiết của liên đới
để xã hội họ đang sống là một môi trường thực sự phục vụ cho con người và công
ích. Con người được liên kết với nhau không những trong một bản tính chung mà
còn một định mệnh chung để xây dựng. Do vậy, trong tất cả các mối tương giao
trong tất cả mọi cộng đồng xã hội, con người cần đồng tâm nhất trí theo đuổi một
mục tiêu luân lý chung nhằm thăng tiến và phát huy nhân phẩm của mỗi người,
trong sự liên đới và đồng trách nhiệm với nhau. Nhưng xã hội tính của con người
không thể đơn điệu đồng dạng. Thực vậy, công ích, được xem như mục tiêu của đời
sống xã hội, “có được là tuỳ ở chỗ sự đa nguyên về xã hội có lành mạnh hay
không. Mọi thành phần khác nhau của xã hội đều được mời gọi xây dựng một tập thể
thống nhất và hoà hợp, trong đó mỗi thành phần đều có thể duy trì và phát triển
những đặc tính riêng và sự tự trị của mình. Một số thành phần – như gia đình, cộng
đồng dân sự và cộng đồng tôn giáo – đáp ứng trực tiếp hơn bản tính sâu xa của
con người, nhưng cũng có những thành phần khác xuất hiện dựa trên căn bản tự
nguyện nhiều hơn”[36].
7. Nhân Quyền
Nền tảng của nhân quyền phát xuất từ phẩm giá của mỗi con
người. Phẩm giá đó có khi có cuộc sống và bình đẳng cho mọi người; chúng ta có
thể hiểu và nhận thức được nó bằng lý trí. Qua cái nhìn của Mặc Khải, phẩm giá
con người sau khi được Thiên Chúa trao ban, đã bị thương tổn nặng nề do tội lỗi,
nhưng được cứu độ và phục hồi do Chúa Kitô, nhờ việc nhập thể, chết và sống lại
của Ngài.
Theo GHXHCG, những quyền lợi khác nhau của con người phản
ánh một sự duy nhất về cơ cấu của con người. Trong đó , ''những quyền lợi khách
quan về tinh thần” đóng vai trò quan trọng. Qua những giá trị thiêng liêng và mối
tương giao với Thiên Chúa, ý nghĩa của sự hiện hữu cá nhân hay xã hội, cũng như
những được định nghĩa. Đó là lý do quyền tự do tôn giáo được xem như nguồn và tổng
hợp của những quyền lợi khác. Quyền đó được xem như là nguồn, vì con người
trong hướng mở về Thiên Chúa và hiệp thông với ngài , đã thể hiện và tăng trưởng
sự tự do, trách nhiệm, cũng như phẩm giá của mình, là chính nền tảng của các
quyền con người. Mặc khác, nó tổng hợp các quyền khác của con người, vì con người
coi đó là ý nghĩa trọn vẹn và cuối cùng của tất cả cuộc sống, và luôn hướng về
nó.
GHXHCG cũng đưa ra những quyền khác được phân biệt dựa theo
tầm quan trọng của nó cho sự sống và tăng trưởng của mỗi con người. Trước hết
là quyền sống, từ khi được thụ thai cho đến cái chết tự nhiên, đây là quyền đầu
tiên cần được tôn trọng . Liên quan đến quyền này là quyền được toàn vẹn về thể
lý, quyền được có những phương tiện tối cần và đủ để có được cuộc sống tương xứng,
quyền được bảo đảm an toàn, tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo...
Trong quan điểm của GHXHCG, việc giải thích đúng đắn và bảo vệ
hữu hiệu các quyền lợi con người tùy thuộc vào một nhân học bao trùm toàn bộ
các chiều kích kiến tạo nên nhân vị. Trong cái nhìn đó, việc xem các quyền con
người chỉ là phương tiện để bảo vệ phạm vi tự trị của các cá nhân trước Nhà nước,
là một khuynh hướng sai lạc. Tuy nhiên, tập hợp các quyền con người phải tương
hợp với chính bản chất của nhân phẩm. Nó phải đưa đến việc thoả mãn những nhu cầu
thiết yếu, việc thực thi sự tự do, và mối tương quan với người khác và với
Thiên Chúa của con người.
KẾT LUẬN
Hiển nhiên là quan điểm về con người và xã hội được mạc khải
Thánh Kinh đưa ra đã linh hứng cho giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Chúng ta có
thể nói nhiều hơn nữa. Trong giáo huấn của Thánh Kinh, đức tin không đối nghịch
hay xa lạ với lý trí. Chúng ta không cùng quan điểm với ý thức hệ duy lý không
chấp nhận đức tin như là một nguồn của hiểu biết, kiến thức. Đức tin đưa ra những
chất liệu để lý trí hoạt động trên đó. Nguyên tắc nền tảng của phẩm giá của
nhân vị và sự liên đới tự nhiên của nhân loại là một thách thức cho lý trí,
nhưng không có gì là vô lý. Chúng ta nói rằng trật tự tự nhiên của thế giới trở
nên hoàn toàn có thể hiểu được chỉ qua sự linh hứng nhận được từ mạc khải của
Thiên Chúa và trật tự của ân sủng. Chúng ta phải công nhận rằng Giáo Hội đã đưa
ra một học thuyết xã hội theo luật tự nhiên. Chúng ta giải thích những nguyên tắc
của chúng trong những phạm trù phải nhờ đến quan điểm của Thánh Kinh về con người
và xã hội. Lối giải thích của chúng ta xung đột hay mâu thuẫn với những lối giải
thích khác từ những nến triết học hay nhân học khác. Lối hiểu đạo đức xã hội của
người công giáo không được lối hiểu hậu-tân-thời thừa nhận như được biểu lộ qua
các khuynh hướng triết học, công luận và hệ thống luật pháp quốc gia hay quốc tế.
Thoạt nhìn đó là vấn đề chú giải. Cả hai phía đều dùng những từ ngữ như nhau
nhưng giải thích ý nghĩa khác nhau. Chúng ta cũng dễ dàng nhận tra những nguyên
tắc nhân học tạo ra sự khác biệt. Khi chúng ta nói nhân vị, họ thường quy về cá
nhân. Chúng ta nói con người tự bản tính mang tính xã hội; họ cho là các cá
nhân hoàn toàn tự lập và tự quyết. Chúng ta nói có luật tự nhiên, là quy luật
luân lý đâm rễ sâu trong bản tính nhân loại của con người. Họ nói luật lệ là những
gì được thảo luận và được xác lập do bỏ phiếu. Họ nói không có phạm vi siêu việt
cho những luật lệ ứng xử. Chúng ta coi đạo đức xã hội đặt nền trên những giá trị
đòi buộc mọi người. Họ cho là mọi sự đều có thể thương thảo. Vì thế vấn đề giải
thích là vấn đề trọng tâm của đạo đức xã hội. Giáo huấn xã hội của Giáo hội cố
gắng làm cho rõ rằng việc giải thích không thể tùy tiện, theo ý muốn của những
người có quyền hơn, nhưng phải đưa chính nhân tính của con người làm đối tượng
nghiên cứu[37].
Như chúng ta đã đề cập đến, nền tảng của mọi hoàn cảnh xã hội
là chính nhân vị . Xã hội được tạo lập cho con người chứ không phải ngược lại.
Nguyên tắc này là chìa khoá cho cả cấu trúc. Có con người là trung tâm điểm, xã
hội có một phạm vi để phục vụ: là những gì chúng ta gọi là công ích. Các cấu
trúc quyện vào nhau của xã hội ở mức độ gia đình, thành phố, cộng đồng lao động,
nhà nước, cộng đồng các quốc gia là nhằm mang lại công ích. Để đạt tới công ích
cần phải thực hiện một số điều kiện căn bản: tự do, sự thật, công lý, và liên đới.
Ở đâu những giá trị này được tôn trọng, ở đó xã hội phục vụ cho việc nhân bản
hoá, đó là mục tiêu cao nhất.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 75 (Tháng 3 &
4 năm 2013)
[1] Xem Công Đồng Vatican 2, Hiến chế
Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes), số 22.
[2] Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo
(TLHTXHCG), 2004, số 106.
[6] Xin xem Sách
Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo
(GLHTCG), số 355-379; Gaudium et Spes,
12-18; tài liệu “Hiệp Thông và Phục Vụ,
Con người được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa” (Communion
and Stewardship: Human Persons Created in the Image of God), của Ủy Ban
(Giáo Hoàng) Thần Học Quốc tế (2004).
[19] Ủy Ban (Giáo Hoàng) Thần Học Quốc tế, “Hiệp Thông và Phục Vụ, Con người được tạo
thành theo hình ảnh Thiên Chúa” (Communion and
Stewardship: Human Persons Created in the Image of God), 2004, số 52
[37] Theo Roland Minnerath, Fundamental Principles of Social doctrine, the Issue of their interpretation, bài tham luận tại Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa Học Xã Hội, 2008, tại https://www.ordosocialis.de/pdf/minnerath/FundPrincofSocDoc08.pdf