CÓ THỂ CHỐNG LẠI MA QUỶ KHÔNG?
(Suy tư Chúa Nhật 12 Thường Niên, Năm B)
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
WHĐ (17.03.2021) – Chúng ta đang sống trong thời đại của văn minh mà rất nhiều điều
bí ẩn trước đây dần dần được giải thích một cách hợp lý và khoa học. Tuy nhiên,
trước câu hỏi: “Có ma quỷ không?” chắc rất nhiều người đồng thanh trả lời là:
có! Hoặc ít ra, ngoài thế giới vũ trụ vật chất có thể hiểu được, chúng ta còn
có thể cảm nhận một thế giới siêu nhiên khác mà không tài nào giải thích được.
Ma quỷ thuộc về thế giới siêu việt ấy.
Mỗi người, mỗi tôn giáo đều
giải thích hiện tượng mà chúng ta gọi là “hành động của ma quỷ” một cách khác
nhau. Theo Công giáo, ma quỷ là những thứ linh thiêng xảo trá, thường làm hại
con người. Đã từ lâu, người ta đã nhận thấy thế lực siêu nhiên này thường xuyên
quấy phá con người. Chẳng hạn theo quan niệm của người Do Thái thời Chúa Giêsu,
bệnh tật là do ma quỷ ám hại. Kinh Thánh thì gọi ma quỷ là tên sát nhân, kẻ dối
trá chống lại Thiên Chúa. Đó là một thiên thần sa ngã gọi là xa tan hay ma quỷ
(x.Ga 8,44; Kh 12,9). Tóm lại, chúng ta biết ma quỷ vẫn đang tìm mọi cách để
cám dỗ nhằm kéo con người xa rời Thiên Chúa.
Là người tín hữu, chúng ta
đang đứng ở giữa: một bên là ma quỷ, bên kia là Thiên Chúa. Đành rằng ma quỷ sợ
hãi thật, nhưng không ít người chạy theo chúng. Chẳng hạn từ thế kỷ thứ 5, Giáo
hội đã lên án thói vô đạo của những người chạy theo bóng tối của ma quỷ. Những
người tôn thờ ma quỷ cũng ra sức dụ dỗ người ta tin vào tà thần. Dĩ nhiên Giáo
hội đã lên án nhóm người này, để bảo vệ con cái mình khỏi trò mê muội (x.
Denzinger 288). Thờ ma quỷ là tội nặng.
Thời Trung cổ thế kỷ 16,
phong trào chạy theo ma quỷ cũng không thiếu. Chẳng hạn tác giả lịch sử Josef
Holzer viết về giai đoạn này: “Linh vật
tràn ngập. Thời Trung cổ là đỉnh cao của mê tín, mà tục thờ linh vật phản ảnh
phần nào. Ở đâu nhiều ánh sáng, ở đó cũng nhiều bóng tối.”[1]
Bởi đó, Giáo hội một lần nữa lên án các sách nói về bói toán, minh giải giấc
mơ, bói tay, chiêu hồn, bùa phép, điềm lành điềm gở. Những điều này dĩ nhiên vẫn
bị cấm cho đến ngày nay: cần nghiêm cấm mê tín dị đoan, tin bí truyền, tin ma
thuật, huyền bí, hành nghề xem bói, thông linh, gọi hồn, tiên tri (Youcat 355).
Vấn đề đặt ra là ma quỷ quấy
phá như thế, làm sao chúng ta chống trả lại được. Mỗi tôn giáo đều có câu trả lời
với những phương thế cụ thể. Là người Công giáo, chúng ta có Thiên Chúa, có
Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi dũng lực của ma quỷ. Thiên Chúa luôn làm mọi cách
để giúp con người thoát khỏi âm mưu của quỷ ma. Do đó thay vì bắt tay với ma quỷ,
chúng ta hãy bám vào tay Thiên Chúa. Khi đó, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng.
Bằng cách nào?
Bài Tin Mừng Chúa Nhật 12 thường
niên hôm nay kể về một sự kiện Đức Giêsu đã chiến thắng ma quỷ[2].
Câu chuyện cho thấy Đức Giêsu dẹp tan sóng gió. Số là các môn đệ và vài chiếc
thuyền khác đang ở giữa Biển hồ Galilê. Khi trời đã về đêm, cơn cuồng phong nổi
lên. Nhiều người trong các ông vốn rành nghề biển cả, nhưng cũng hoảng sợ. Thấy
Đức Giêsu đang ngủ, họ đánh thức thầy để tìm sự trợ giúp. “Người thức dậy, ngăm
đe gió, và truyền cho biển: Im đi! Câm đi! Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.”
Có thể bên ngoài chúng ta thấy
đó là một trận cuồng phong nguy hiểm, nhưng đối với ngôn ngữ Kinh Thánh, cuồng
phong, biển động tượng trưng cho những mãnh lực chống lại Thiên Chúa. Đó có thể
là các thần ô uế, hoặc ma quỷ. Đừng quên biển cả, theo nghĩa Kinh Thánh, là sào
huyệt của ma quỷ[3].
Lúc này có thầy Giêsu, thế lực ấy im hơi lặng tiếng. Tiếc rằng chúng luôn rình
chờ con người để ám hại, nếu chúng ta không cảnh giác. Do đó Đức Giêsu mời gọi
mỗi người hãy đặt niềm tin tưởng vào Ngài. Chúng ta biết rằng: với Ngài, trong
Ngài, con người không có quyền sợ hãi, mất lòng tin.
Nếu lật lại từng trang sách
Tin Mừng, chúng ta thấy rất nhiều lần Đức Giêsu chữa khỏi bệnh, Ngài trừ quỷ,
giải phóng con người khỏi vòng tù hãm của chúng[4].
Ngoài ra, Ngài luôn mời gọi con người hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Ngài.
Chỉ những ai có lòng tin, có tình yêu vào Thiên Chúa, người ấy mới tìm được
bình an hạnh phúc. Điều ấy có nghĩa là người ấy tránh được sự quấy phá của quỷ
ma.
Chắc chắn một điều: sức lực
con người không thể chiến thắng được ma quỷ. Chúng mạnh mẽ và mưu mẹo hơn con
người nhiều. Thật may vì ma quỷ cũng là loài thụ tạo dưới quyền năng của Thiên
Chúa. Trên Thập Giá và trong biến cố Phục sinh, Thiên Chúa đã thống trị muôn
loài. Nhờ Đức Giêsu con người cũng được giải thoát. Mọi nơi và mọi thời, chúng
ta vẫn không ngừng chiến đấu chống lại quyền thế của ma quỷ cho đến hơi thở cuối
cùng. Bởi đó thánh Phêrô chia sẻ với chúng ta rằng: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em,
như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1Pr 5,8).
Đây là sự thật: Đức Giêsu đã
toàn thắng ma quỷ. Ở đây và lúc này, Chúa tiếp tục trao cho con người những vũ
khí thiêng liêng để chống lại kẻ thù: các bí tích, cầu nguyện, việc lành phúc đức,
chay tịnh v.v. Sau cùng, thay vì chú tâm và hướng về ma quỷ, hãy cầu xin với
Thiên Chúa trợ giúp và đáp lại tình yêu vô ngần của Ngài.
Lạy
linh hồn Chúa Kitô, xin thánh hóa con.
Lạy xác thánh Chúa Kitô, xin
cứu độ con.
Lạy Máu Thánh Chúa Kitô, xin
làm cho con say mến.
Lạy nước bởi nương long Chúa
Kitô, xin tẩy rửa con.
Lạy sự thương khó Chúa Kitô,
xin thêm sức cho con.
Lạy Chúa Giêsu nhân ái, xin
nhận lời con.
Xin giấu ẩn con trong các vết
thương Chúa.
Xin cho con đừng bao giờ lìa
xa Chúa.
Xin gìn giữ con khỏi kẻ thù
tinh quái.
Đến giờ lâm tử, xin Chúa gọi
con, và cho con đến cùng Chúa,
để con được cùng các thánh ca
tụng Chúa muôn đời. Amen[5].