Có thật là phải chìa má này nếu bị vả
má kia? (Mt 5, 39)
“Còn Thầy, Thầy bảo
anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ
cả má bên trái ra nữa” Mt 5,39
Một số đông người
Kitô giáo lẫn ngoài Kitô giáo vẫn còn hiểu nhầm ý “chìa má khác” cho người
trong đoạn Tin Mừng Matthêô 5,39 này.
Sự thật là Chúa
Giêsu đang sử dụng một mánh giảng dạy thông thường của các thầy rabbi, lối nói
“thậm xưng” để nhấn mạnh một điểm quan trọng. Ngài không có ý muốn nói câu ấy
theo nghĩa đen, nghĩa mặt chữ. Thực tế, Chúa Giêsu cũng đã sử dụng lối nói này
trong suốt Bài giảng trên núi. Một vài ví dụ khác thuộc lối nói này ngay trong
Bài giảng trên núi:
1. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi … (Mt
5,29)
Bạn có thật sự nghĩ rằng Chúa Giêsu muốn chúng ta móc mắt ném đi không?
Không! Ngài nói quá đi một chút để nhấn mạnh rằng chúng ta phải loại bỏ tất cả
những chướng ngại để phục vụ Thiên Chúa.
2. … Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã,
thì hãy chặt mà ném đi … (Mt 5,30)
Có ai đi diễn
thuyết hô hào mà lại khuyên người ta chặt cả tay nhân danh Chúa Giêsu?
3. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả … Nhưng hễ
"có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói
"không”… (Mt 5,34-37)
Chính Chúa Giêsu
cũng tôn trọng lời buộc phải thề của vị Thượng Tế trong Mt 26,63: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi bắt ông
thề phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không”
(Trong sách Lêvi 5,1, chúng ta thấy có nói đến “lời thề tuyên thệ” mà vị Thượng
Tế có quyền bắt ai đó phải thề để làm chứng). Nếu Chúa Giêsu dạy lời thề là bất
hợp pháp và vô luân thì Ngài đã không trả lời, hoặc chống chế và nói rõ rằng
mình không đồng ý với quan niệm về lời thề.
Thật sự ý nghĩa mà
Chúa Giêsu muốn nói ở đây chính là lời thề không cần thiết đối với các tín hữu
bởi vì tín hữu là phải trung thực. Tuy nhiên, vì sự dữ vẫn còn hiện diện hiện
diện trong thế giới này nên lời thề vẫn còn cần thiết. Nhưng bạn không nên áp
dụng ý nghĩa này cho những lời trong Mt chương 5 này.
4. … Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của
anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài … (Mt 5,40)
5. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi (Mt
5,42).
Bạn có thực sự tin
rằng Chúa Giêsu có ý muốn nói chúng ta phải cho vay hay đưa tiền cho bất cứ ai
xin? Nếu thế thì mọi kitô hữu sẽ phải phá sản hết và không nuôi nổi gia đình!
Không! Ngài dùng lối nói thậm xưng để dạy rằng kitô hữu cần phải tỏ ra quảng
đại.
6. … Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để
việc anh bố thí được kín đáo… (Mt 6,3-4)
Chúa Giêsu có thật
sự muốn nói đừng để ai biết những gì mình đã cho?Thế tại sao Ngài lại khen bà
góa nghèo đã cho trong Mc 12,42-43? Hoặc tại sao trong sách Cv chương 5 các
tông đồ đã công khai số của cải dâng cúng khi Khanania và Saphira bị buộc tội
nói dối về những gì họ thật sự dâng cúng? Như vậy là phải nói cho người ta biết
những gì mình dâng cúng!
Thật sự ở đây Chúa
Giêsu muốn nhấn mạnh rằng chúng ta nên cho vì tình yêu Thiên Chúa và vì tha
nhân chứ không phải vì háo danh.
7. … Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng
cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo… (6:6)
Có thật Chúa Giêsu
kết án việc cầu nguyện nơi công cộng? Nếu thế thì Ngài tự kết án mình rồi! Ngài
đã từng cầu nguyện công khai ở vườn Giếtsêmani (Mc 14,32-42); Ngài cầu nguyện
công khai khi làm cho Lazarô sống lại từ cõi chết trong Ga 11,41-43. Các tông
đồ cũng thường cầu nguyện công khai (xem Cv 1,24; 4,31; 6,6; 20,36, etc.).
Chúa Giêsu dùng lối
nói thậm xưng ở đây có ý nhấn mạnh rằng việc cầu nguyện đừng bao giờ là một màn
trình diễn để cho người ta trông thấy.
8. Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm
hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho
tàng trên trời, … (Mt 6,19-20)
Chúa Giêsu kết án
nhà băng và các tài khoản nhà băng sao? Điều này thật khó phù hợp với “dụ ngôn
những yến bạc” của Chúa Giêsu trong Mt 25,27: “thì đáng lý anh phải gởi số bạc
của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!”
9. …đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì
mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc
sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho;
thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng
sao (Mt 6,25-26)?
10. Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng
mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà,
Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không
mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng
vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những
kẻ kém tin! (Mt 6,28-30)?
Nếu ta cứ lý luận
rằng câu “chìa má khác cho người” phải được hiểu theo nghĩa đen thì ta cũng
phải cho rằng Chúa Giêsu kết án việc nhà nông hoặc ngay cả việc gieo hạt trong
những câu này. Bọn chim chóc chúng nó chẳng làm gì cả mà Thiên Chúa chăm sóc
chúng hết kia mà!
Chúa Giêsu cũng đã
kết án việc may mặc. Thế chúng ta cứ trần truồng cả đi rồi Thiên Chúa sẽ mặc
cho chúng ta chắc?
Thật là nực cười!
Chúng ta đều biết rằng Thiên Chúa kết án việc lãng quên Thiên Chúa và sự Quan
Phòng của Ngài trong tất cả những công việc này. Nếu chúng ta cứ hiểu một vài
điều trong Bài giảng trên núi theo nghĩa đen thì tại sao không hiểu hết các
điều khác chứ?
Kết luận
Toàn bộ Bài giảng
trên núi có thể được tóm kết trong Mt 6,33: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn
tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” Ý tưởng chính ở đây là Thiên Chúa
phải ưu tiên trong mọi khía cạnh của đời sống chúng ta.
Khi chìa má khác
cho người, Chúa Giêsu không bảo chúng ta phải nhu nhược hay chủ hòa. Thực tế,
trong Lc 22,36-38, Ngài bảo các tông đồ hãy “tuốt gươm” để tự vệ. Thực sự
trong câu 50-51, Chúa Giêsu bảo Phêrô ném gươm đi thì cũng chỉ vì Phêrô manh
động và làm trái ý Ngài. Ngài từng nói với các môn đệ rằng ý Thiên Chúa muốn
Ngài phải đau khổ và phải chết (xem Lc 9,44; 18,32, etc.). Phêrô hành động trái
với ý muốn mà Ngài đã mạc khải. Nhưng những lời này không phủ nhận sự kiện là Chúa
Giêsu bảo Phêrô và các môn đệ hãy tuốt gươm để tự vệ.
Chúa Giêsu cũng ca
ngợi lòng tin của viên đại đội trưởng Roma trong Mt 8,8tt. Không bao giờ Ngài
nói rằng phục vụ trong quân đội là sai. Sự thật là với câu nói “hãy chìa má
khác” cho người, Chúa Giêsu dùng lối nói thậm xưng để dạy chúng ta nên là những
người kiến tạo hòa bình. Chúng ta luôn tìm kiếm hòa bình ngay cả khi có đôi lúc
sự tự vệ và chiến tranh là điều cần thiết (xem Gv 3,3.8: “một thời để giết
chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng”; “một
thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để
làm hoà”)
Tim Staples
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ từ catholic.com
Nguồn: gpquinhon.org