CÓ MỘT NỀN VĂN CHƯƠNG TÂM LINH?

Gia Kỳ

I. HỘI THẢO KHOA HỌC VĂN HỌC VÀ VĂN HOÁ TÂM LINH

Hội thảo khoa học về đề tài Văn học và văn hoá tâm linh diễn ra tại Viện Văn học (Hà Nội) ngày mùng 7 tháng Ba năm 2014. Cuộc hội thảo do Viện Văn học phối hợp với Khoa Văn học và Ngôn ngữ (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) đồng tổ chức, với mục đích: “Hướng tới việc nghiên cứu văn học trong không gian văn hóa tâm linh và thúc đẩy các hướng tiếp cận liên ngành trong khoa học văn học”

Như vậy, có lẽ đây là lần đầu tiên, trên một quy mô lớn, các vấn đề trước đây kiêng kị như: tâm linh, niềm tin tôn giáo, thế giới vô hình v.v. được các nhà nghiên cứu văn học và văn hóa đưa ra bàn luận tại một hội thảo khoa học.

Vậy, thế giới tâm linh là gì?

Trả lời câu hỏi này, PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, trong diễn văn khai mạc hội thảo, đã đưa ra cái nhìn khái quát, rút từ những tham luận được gửi về ban tổ chức: “Đó là một thế giới có nhiều bí ẩn mà khoa học đến nay vẫn chưa thể giải thích hết được. Nhưng về cơ bản, có thể khẳng định, đây là thế giới gắn liền với niềm tin về những giá trị cao cả, thiêng liêng. Hướng đến tâm linh, con người kỳ vọng hướng tới những giá trị chân thiện mỹ”.

Thế giới tâm linh hiện diện ra sao trong không gian văn hóa Việt Nam nói chung và văn học nói riêng?

Trả lời câu hỏi này, hơn tám mươi bản tham luận đã được các nhà nghiên cứu văn hóa và văn học gửi về ban tổ chức, nhằm đưa ra những kiến giải về khía cạnh lịch sử và lí luận. Ban tổ chức đã chọn 48 bản được trình bày tại cuộc hội thảo, chia thành hai nhóm nội dung: (1) Văn hóa tâm linh trong văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam, (2) Văn hóa tâm linh trong văn học hiện đại Việt Nam và văn học nước ngoài.

Về văn hóa tâm linh trong văn học dân gian, có những tham luận đáng chú ý như: “Đạo Trời” và tín ngưỡng dân gian qua ca dao (Nguyễn Thị Kim Ngân), Từ huyền thoại về lửa/ mặt trời đến xu hướng giải huyền thoại - Khảo sát trường hợp truyện kể về Cố Bợ ở Nghệ Tĩnh (Nguyễn Thị Thanh Trâm), Cõi Tục và cõi Thiêng - một hướng tiếp cận Then Tày (Trường hợp Then Hắt Khoăn, Bình Gia, Lạng Sơn) (Đặng Thế Anh)...

Một số tham luận khá đặc sắc về văn hóa tâm linh qua văn học trung đại Việt Nam như: Mối quan hệ giữa văn học và văn hóa tâm linh qua truyện Đinh Tiên Hoàng ký của Vũ Phương Đề (Phạm Tú Châu), Thiền Đạo và Nghệ thuật thơ ca thời Lý-Trần (Đoàn Thị Thu Vân), Mộng mị và ảo giác trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát (Nguyễn Ngọc Quận), Giá trị hiện thực của yếu tố tâm linh trong văn học trung đại (Lê Thu Yến), Yếu tố Phật giáo và tín ngưỡng dân gian trong truyện thơ Nôm có nguồn gốc bản địa Việt Nam (Nguyễn Văn Hoài), Chức năng lễ nghi tâm linh và giá trị văn học trong Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên (Vũ Thanh)...

Văn hóa tâm linh trong văn học hiện đại Việt Nam, có các tham luận: Cảm nhận về văn học tâm linh ngày nay (Đoàn Trọng Huy), Dấu ấn đạo Thiên Chúa trong Truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (Cao Thị Hảo), Thế giới tâm linh trong thơ Hàn Mặc Tử (Lê Tiến Dũng), Từ hành vi thực hành nghi lễ đến tư thế trữ tình trong thơ Hàn Mặc Tử (Nguyễn Thanh Tâm), Lối đi tâm linh trong thơ Hoàng Cầm (Lê Thị Thanh Tâm), Sự thức tỉnh của tâm linh từ góc nhìn văn hóa, qua một số tiểu thuyết xuất bản gần đây (Bùi Việt Thắng), Cảm quan tôn giáo trong văn xuôi Việt Nam đương đại (Lê Dục Tú), Không gian tâm linh trong tiểu thuyết về đề tài chiến tranh (Nguyễn Thanh Tú), Đời sống tâm linh của con người trong truyện Việt Nam sau 1975 (Nguyễn Văn Kha)...

Ngoài ra, nhằm góp phần soi sáng cho đề tài hội thảo khá mới mẻ đối với giới nghiên cứu VN, ban tổ chức đã đón nhận các tham luận về văn học nước ngoài: Hiện tượng “ma ám” (mononoke) trong Truyện Genji và nghệ thuật tự sự của Murasaki Shikibu (Nguyễn Thị Lam Anh), Thế giới tâm linh trong tiểu thuyết Phúc Lạc hội của Amy Tan (Trần Tịnh Vy), “Hành hương” và “Hành giả” trong văn hóa tâm linh Trung Hoa và trong Tây du ký (Trần Lê Hoa Tranh), Ảnh hưởng Shaman giáo trong thi học Hàn Quốc (Phan Thu Hiền) Thuyết tạo dựng Chúa và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa: trường hợp Maxim Gorky (Trần Thị Phương Phương), Môtip Kitô giáo trong tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov và Đoạn đầu đài của Ch. Aitmatov trong kỷ nguyênThượng đế đã chết' (Nguyễn Thị Tuyết), Tính chất thế tục hóa tôn giáo trong tiểu thuyết Cám dỗ cuối cùng của Chúa của Nikos Kazantzakis (Trần Huyền Sâm, Phạm Ngọc Lư), Cảm thức tâm linh và những huyền thoại tâm linh trong Văn học châu Mỹ Latinh hiện đại, qua trường hợp Văn học hiện thực huyền ảo (Lê Ngọc Phương), Tâm linh và huyền bí sắc dục trong văn chương (Phan Nhật Chiêu)...

Tổng kết hội thảo, PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học, nêu lên những vấn đề về tâm linh-tôn giáo và văn học đã được các nhà khoa học đặt ra trong cuộc hội thảo:

- xác định các mối quan hệ thiên về mô hình lý thuyết tôn giáo và tâm linh, tôn giáo-tâm linh và văn học, vai trò tôn giáo-tâm linh trong sáng tạo văn học, các khả năng tác động, cải biến của văn học nghệ thuật đến đời sống tâm linh.

- lý giải mối quan hệ và tác động qua lại giữa đặc tính văn học và tâm linh, tâm linh và văn học, xác định phẩm chất tâm linh như một thành tố, một phương diện tinh thần, qua đó nhấn mạnh định tính văn học của mỗi tác phẩm, tác giả, giai đoạn và mỗi nền văn học dân tộc.

- minh chứng những yếu tố tâm linh và tôn giáo xuất hiện trong văn học với nhiều quy mô, mức độ tiếp nhận và ảnh hưởng khác nhau.

- lý giải mối quan hệ văn học và tâm linh thiên về tư duy nghệ thuật, tức là khảo sát các mối quan hệ từ điểm nhìn lý thuyết nhân học và liên ngành.

II. VIẾT VỀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH: MỘT THỰC TẾ HIỂN NHIÊN CỦA SÁNG TÁC VĂN HỌC?

Lê Thu Yến, nhà nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, khẳng định trong tham luận của mình: “Đi sâu vào khai thác chiếm lĩnh đời sống tâm linh cùng những trạng thái tâm lý tinh thần đầy bí ẩn của con người là điều mà văn học mọi thời đều quan tâm”.

Tất nhiên nhận định này dễ dàng được đón nhận tại một hội nghị đã được chuẩn bị công phu (trong một năm) với đề tài được công bố rộng rãi và không có ý kiến phản đối, ngăn cản. Có thể nói, việc thừa nhận “đời sống tâm linh cùng những trạng thái tâm lý tinh thần đầy bí ẩn của con người là điều mà văn học mọi thời đều quan tâm” đang và sẽ mở ra cho giới nghiên cứu hướng khảo sát và lí giải những sáng tác văn học viết về thế giới tâm linh của con người.

Quả thật, đã qua rồi cái thời coi “tôn giáo là thuốc phiện mê dân”, và cũng qua luôn cái thời coi sáng tác văn học chỉ đơn thuần là việc người cầm bút thực thi nghĩa vụ công dân. Thực thi bằng cách minh họa các chủ trương chính sách. Thực thi bằng ý thức văn học phải phục tùng chính trị. Một sự phục tùng triệt để đến mức đặt yêu cầu sáng tạo xuống hàng thứ yếu, đồng thời tuyệt đối hóa yêu cầu chính trị, đến mức lấy chính trị làm thước đo chất lượng tác phẩm.

Đến nay, giới nghiên cứu văn học dân gian, trung đại và hiện đại đang từng bước khám phá và lí giải nội dung “thế giới tâm linh” trong văn học. Thế giới tâm linh rất phong phú và bí ẩn, như ông Trương Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học phát biểu trong diễn văn khai mạc hội thảo. Chính cái thế giới bí ẩn và vô hình này vẫn luôn tồn tại, hiện diện đồng thời tác động vào thế giới hữu hình, khả giác, và trở thành nguồn cảm hứng và đề tài sáng tác của người nghệ sĩ.

Vì thế, nhà nghiên cứu Lê Thu Yến, trong bài ‘Mộng-niềm tin tâm linh trong văn học trung đại' viết chung với Đàm Anh Thư, phân tích hiện tượng/hình tượng giấc mộng trong một số tác phẩm văn học trung đại (Truyện Kiều, Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh...), cho rằng:

“Những gì hiện ra trong giấc chiêm bao có thể là ảo, có thể là không thực nhưng bản thân giấc chiêm bao là thực. Văn học trung đại đã mang vào tác phẩm của mình những giấc chiêm bao, có chiêm bao thấy điều dữ nhưng cũng có chiêm bao thấy điều lành và quan trọng là những điều lành điều dữ ấy đều ứng vào cuộc đời thật của những nhân vật. Có lẽ cũng chính vì vậy mà người ta cầu mộng và mong muốn được ứng mộng. Việc cầu mộng, chờ ứng mộng được họ thực hiện một cách thành kính ở những đền, miếu linh thiêng. Đời vua Lý Anh Tông, trời đại hạn, vua đến đền Hai Bà Trưng “lập đàn cầu đảo” (Truyện hai bà Trinh Linh phu nhân họ Trưng - Lĩnh Nam chích quái) Đời vua Lý Nhân Tông, hai con sông Thần Phù và Tô Lịch chảy lấn vào góc thành, cho lấp nhiều lần nhưng không được, vua phải thắp hương cầu khấn và lệnh cho viên quan họ Tăng “nằm ở đàn tràng, chờ ứng mộng” (Truyện lấp sông Thần Phù và Tô Lịch - Lĩnh Nam chích quái). Không chỉ cầu mộng, chờ ứng mộng, với người xưa lời hứa trong mộng không thể làm trái, việc trong mộng cần được tra xét. Vị quan chủ khảo trong truyện Tháp báo ân phải lấy đỗ thêm bài của chàng nho sinh, nhà vua trong truyện Phương Hoa ra đề thi thử tài Cảnh Yên theo lời thần đã báo mộng: “Ba bài văn sách ra liền/ Thử xem tài cán của viên thế nào/ Kẻo mà có sứ thiên tào/ Đêm qua trẫm thấy chiêm bao nhỡn tiền”, chẳng phải họ đều vì cùng một nguyên nhân, một niềm tin đó sao?”.

Như vậy, theo hai tác giả, những giấc chiêm bao được trần thuật trong văn chương thể hiện niềm tin vào mối liên hệ giữa thế giới vô hình và hữu hình, tin rằng các vị thần linh, những đấng tiên hiền, tổ phụ... vẫn hiện diện và can thiệp vào việc và người đương thời. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một thí dụ khác. Lê Thu Yến và Đàm Anh Thư cho rằng câu chuyện Thúy Kiều trong cả hai lần tìm đến cái chết đều thấy Đạm Tiên hiện lên trong cơn mê. Lần thứ nhất Thuý Kiều đã bị Tú bà bắt phải tiếp khách. Nàng nhất quyết không chịu, đã dùng dao tự vẫn nhưng không chết. Ngất đi, Kiều đã thấy Đạm Tiên trong cơn mê:

“Nào hay chưa hết trần duyên,
Trong mê dường đã đứng bên một nàng.
Rỉ rằng: Nhân quả dở dang,
Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
Số còn nặng nợ má đào,
Người dầu muốn quyết trời nào đã cho.
Hãy xin hết kiếp liễu bồ,
Sông Tiền đường sẽ hẹn hò về sau”

(Truyện Kiều, 993-1000)

và lần thứ hai, bị Hồ Tôn Hiến gả bán cho viên thổ quan, trên đường đi, Kiều gieo mình xuống dòng Tiền Đường, được vãi Giác Duyên và ngư ông cứu, Kiều lại mộng thấy Đạm Tiên:

“Ngư ông kéo lưới vớt người,
Ngẫm lời Tam Hợp rõ mười chẳng ngoa!
Trên mui lướt mướt áo là,
Tuy dầm hơi nước chưa lòa bóng gương.
Giác Duyên nhận thật mặt nàng,
Nàng còn thiêm thiếp giấc vàng chưa phai.
Mơ màng phách quế hồn mai,
Đạm Tiên thoắt đã thấy người ngày xưa.
Rằng: Tôi đã có lòng chờ,
Mất công mười mấy năm thừa ở đây
Chị sao phận mỏng phúc dày,
Kiếp xưa đã vậy lòng này dễ ai!
Tâm thành đã thấu đến trời,
Bán mình là hiếu cứu người là nhân.
Một niềm vì nước vì dân,
Âm công cất một đồng cân đã già!
Đoạn trường sổ rút tên ra,
Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau.
Còn nhiều hưởng thụ về lâu,
Duyên xưa tròn trặn phúc sau dồi dào!”

(Truyện Kiều, 2705-2724)

Theo Lê Thu Yến và Đàm Anh Thư, Đạm Tiên xuất hiện trên đường số phận của Kiều như một tác động mang tính giải thoát. Hai nhà nghiên cứu đã gọi tác động này là “cứu lấy phần tâm” của Thúy Kiều (x. bài đã dẫn).

Như vậy, những giấc mộng được miêu tả trong văn chương nhằm thể hiện sự tồn tại của thế giới vô hình với những con người vô hình đang tác động vào thế giới hữu hình. Tác động bằng sự nâng đỡ, an ủi, khích lệ, tiên báo hậu vận của con người hữu hình. Nhờ sự tác động này, con người trong thế giới hữu hình được thêm sức lực tinh thần để gánh hết số phận đời mình: “Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi”. Bước sang văn học hiện đại, các nhà nghiên cứu cũng đã nhận ra, ngay cả nơi những sáng tác thời “xã hội chủ nghĩa”, vẫn có những áng văn chương hàm chứa tính tâm linh, cảm nghiệm thế giới linh thiêng, và biểu lộ một niềm tin vào thế giới vô hình, dù giác quan không đón nhận và lí trí chưa thể lí giải.

Nhà nghiên cứu Lê Thị Thanh Tâm, trong tham luận Lối đi tâm linh trong thơ Hoàng Cầm, đã đưa ra kiến giải về cảm hứng quê hương “Kinh Bắc” (tức Bắc Ninh) của Hoàng Cầm trong suốt một đời cầm bút. Bà viết:

“Điều làm người đọc phải suy tư nhiều chính là ở khả năng tâm linh hóa những biến cố tinh thần, tình cảm ở nhà thơ. Có phải vì khả năng ấy mà những câu chuyện tình dị thường, diễm lệ, buồn đau riêng của ông cũng trở thành “điển cố” cho chính ông, ở lại trong lòng người đọc một cách lâu bền bởi những ngôn từ “tha tâm thông” (thấu lòng người) một cách tự nhiên”.

Phát hiện của Lê Thị Thanh Tâm quả rất đáng kể. Đó là phát hiện về “khả năng tâm linh hóa những biến cố tinh thần, tình cảm” của Hoàng Cầm. Nghĩa là, theo nhà nghiên cứu này, cảm hứng quê hương Kinh Bắc, trong tâm hồn thi sĩ Hoàng Cầm, đã gần như trở thành một thứ tín ngưỡng. Tín ngưỡng Kinh Bắc. Một Kinh Bắc đã chi phối mọi rung cảm nghệ thuật. Và định hướng tâm hồn. Để sống. Để viết. Để ngẫm nghĩ, trầm tư, suy tưởng. Và xét mình.

Giá trị của tâm linh là vậy đó. Đó là giá trị của niềm tin và tình yêu. Nhờ những giá trị này, con người được mạnh mẽ và an nhiên giữa mọi bể dâu, được neo đậu vững vàng giữa giông bão cuộc đời. Và quan trọng nhất, được tiếp tục truyền đi sự sống đã lĩnh nhận từ quê hương, như một con “chuồn chuồn khiêng nắng sang sông” (bài thơ Đêm Thổ của Hoàng Cầm).

Quả thật, đọc bài Đêm Thổ (trong tập Về Kinh Bắc) và nhiều bài khác của Hoàng Cầm, độc giả không những cảm nhận “khả năng tâm linh hóa những biến cố tinh thần, tình cảm” của nhà thơ mà còn được khơi gợi sự suy xét bản thân mình trong tương quan với sự sống trần thế, khơi dậy khả năng nâng mình lên khỏi những phàm hèn, để thanh thoát và sáng trong hơn:

“Đêm Thổ
Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc
Chiều xưa giẻ quạt voi lồng
Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc
Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông
Đê mười tám khúc
Văn Giang Chuông Bách môn đổ xô gò má
Mây thành thổi lửa
Nẻo Đông Triều khép mở gió kỳ lân
Chớp rạch dáng tiên vén xiêm xõa ngủ
Thoắt chìm
Gấu đẩy đá Thiên thai
Đi đâu
Tràng mày xếch vòng cung bắn nát chiều mai ráng đỏ
Châu chấu ma vờn cổ yếm xây
Không gặp người quen
hờ
ngõ cũ
Đêm xuống
làm lầu hoang
Trò chuyện gì ai đâu
Mồ tháng giêng mưa sũng
Đằm ca dao sáo diều chiều lịm tím lưng trâu
Bưởi Nga My sao Mẹ bắt đèo bòng”.

Lê Thị Tâm Anh tiếp tục những phát hiện của mình khi đọc Hoàng Cầm. Phát hiện về cảm hứng tâm linh. Phát hiện đặc điểm “cứu chuộc” của thế giới tâm linh đối với thế giới hữu hình, trần thế, phàm tục của con người:

“ Viết về Kinh Bắc mà thiếu tâm linh thì làm cách nào để người ta cảm nhận được Kinh Bắc? Khí chất tâm linh, khả năng “siêu cảm” là vốn trời cho ở Hoàng Cầm. Tâm linh ở đây không chỉ là câu chuyện của tôn giáo, tín ngưỡng. Tâm linh gắn với một nền tảng “vô thức tập thể” mà những nghệ sĩ lớn đời nào cũng tìm ra con đường để “hoạt hóa”. Hoàng Cầm được sinh ra và làm thơ để làm sống dậy hình hài Kinh Bắc trong tất cả những thăng trầm của nó. Cái dáng nằm “nghiêng nghiêng” của sông Đuống là kỳ quan tinh thần của nhà thơ để lại cho đời hơn là một phát hiện mang tính địa lý. Chiếc yếm bay không có mấy chiều sâu nếu nó không được khắc vào trong những câu thơ “nguồn sống tuôn thơm nhựa ứa đầy/ một chiều hoảng sợ mấy chiều say”; '“Hương ngát em lồng kín cõi - anh/ Yếm đào trút lại phía vô linh/ đung đưa gác lửng nghênh xuân ấy/ đôi núm hồng em nở hết mình” (Hội yếm bay).

Không khí tâm linh trong thơ Hoàng Cầm mang hơi hướng “cứu chuộc” những cái bị cho là thô xấu, tội lỗi. “Dâng hiến” và “cứu chuộc” là bản chất sâu xa của mọi niềm tin tôn giáo. Đó là những khái niệm không còn là khái niệm. Dâng hiến và yêu thương là một. Làm cho đẹp cũng là cứu chuộc. Hình ảnh nhục cảm mà gợi nên những sự đẹp đẽ thì chính nó đã cứu chuộc cho những ý nghĩ thấp tối về nó”.

Quả thật, “làm cho đẹp” thế giới này chính là một cách cứu chuộc thế giới và con người.

Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng, như đã nêu trong nhan đề bản tham luận của mình Sự thức tỉnh của tâm linh từ góc nhìn văn hóa, qua một số tiểu thuyết xuất bản gần đây, muốn đi sâu tìm hiểu cảm hứng tâm linh trong văn xuôi hiện đại.

Bản tham luận của Bùi Việt Thắng giúp độc giả tìm đọc một số tác phẩm mang cảm hứng tâm linh:

Tác giả Nguyễn Xuân Khánh với Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa. Nguyễn Huy Thiệp và một loạt truyện ngắn: Những ngọn gió Hua Tát, Muối của rừng, Chảy đi sông ơi, Tâm hồn mẹ, Con gái thủy thần, Chút thoáng Xuân Hương, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Thương nhớ đồng quê... Tiểu thuyết Cách trở âm dương của Vũ Huy Anh. Đoàn Minh Phượng và tiểu thuyết Và khi tro bụi. Nguyễn Một và tiểu thuyết. Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái. Họ vẫn chưa về, cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Thế Hùng. Nguyễn Đình Tú và Hoang tâm. Tiểu thuyết Chân trần của Thùy Dương...

Một bản liệt kê khá ấn tượng về số lượng tác giả và tác phẩm hướng vào đề tài tâm linh.

Luận điểm chính trong bản tham luận của Bùi Việt Thắng có thể tìm thấy trong đoạn ông nhận định về tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái:

“Thế giới hiện thực đời sống, không chỉ là những gì hiện hữu, hữu hình mà còn là những gì ẩn khuất, vô hình”.

Và trong đoạn cuối bản tham luận, ông dựa vào một câu nói của nhà văn Pháp André Malraux: “Thế kỉ XXI là thế kỷ của tâm linh” để đưa ra kết luận:

“Đặc điểm của đời sống tinh thần giàu có tâm linh là ‘khoan dung', ‘an nhiên', ‘hài hòa', ‘cứu rỗi', ‘thông linh', ‘khai mở'... Năng lực tâm linh sẽ giúp con người biết lắng nghe tự nhiên, xã hội, con người; thậm chí có thể ‘nghe' được cả bước đi của lịch sử một cách tinh tế nhất như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết: ‘Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về' (Đất nước)”.

Như vậy, khi nghiên cứu văn xuôi hiện đại, Bùi Việt Thắng từ sự thừa nhận có đời sống tâm linh đã gián tiếp kêu gọi mở cửa, khích lệ và đón nhận những tác phẩm chia sẻ với độc giả về cảm nghiệm tâm linh, bởi “Năng lực tâm linh sẽ giúp con người biết lắng nghe tự nhiên, xã hội, con người; thậm chí có thể ‘nghe' được cả bước đi của lịch sử một cách tinh tế nhất”.

Lý giải cảm hứng tâm linh của người cầm bút, Bùi Việt Thắng cho rằng đó là do ảnh hưởng của tư tưởng tôn giáo tác động vào tư tưởng của nhà văn. Ông trích lời nhà văn Hồ Anh Thái trả lời báo chí, cho biết mình tiếp nhận các nguồn Kinh Thánh Kitô giáo và Triết học Phật giáo khi viết Cõi người rung chuông tận thế:

“Khúc cuối cùng trong Kinh Thánh Tân ước, Thánh Gioan báo trước cho đồ đệ về ngày phán xử cuối cùng, ngày cái Ác tràn lan sẽ bị trừng phạt, ngày tận thế của cái Ác. Nhiều năm gần đây, hình như không chỉ cõi người phẫn nộ với cái Ác mà cả trời đất cũng nổi giận, thiên tai khắp nơi như lời cảnh báo với con người đang hủy diệt môi trường, hủy hoại cuộc sống và tâm hồn nhau”.

và:

“Triết học Phật giáo không tin vào định mệnh: kẻ làm ác vẫn còn có cơ hội được giác ngộ, được đón nhận trở lại cõi người, chứ không phải bao giờ cũng bị trừng phạt”[2].

III. ĐƯỜNG ĐI ĐẾN THẾ GIỚI TÂM LINH CỦA VĂN CHƯƠNG

Đến đây, có thể thấy, trong thực tế sáng tạo nghệ thuật hiện nay, phải chăng các nghệ sĩ đang tự vượt qua chính mình, đến với những quan niệm đa dạng và phong phú về con người và cuộc sống. Có những quan niệm đã tồn tại hằng mấy ngàn năm. Có những quan niệm nhất thời, nhanh chóng bị đào thải. Có những quan niệm đến nay vẫn chi phối, tác động, ảnh hưởng, thấm thía. Có những quan niệm gây náo động, ầm vang, rồi mất hút trong cõi lặng im. Cõi nhân sinh, trong đó có người viết và người đọc -và cả những người không viết, không đọc- luôn điềm nhiên, không can thiệp (và cũng chẳng thể can thiệp) vào đời sống tư tưởng của con người. Con người mặc sức nghĩ. Con người mặc sức đọc. Và cả con người không muốn nghĩ ngợi và đọc. Cõi nhân gian này đón nhận tất cả. Nghĩa là rất tự do. Bởi tự do nên tư tưởng tha hồ sinh sôi. Cũng bởi tự do, nên con đường đào thải cũng đã được dành sẵn. Sinh sôi cái mới và thải hồi những cũ kỹ, chẳng còn sinh lực.

Các nhà văn đương đại đang sống vào thời buổi tha hồ học hỏi, sàng lọc và tiếp nhận những tư tưởng của loài người. Chỉ có điều, tiếp nhận là một chuyện, còn thẩm thấu, chuyển hóa thành tư tưởng và quan niệm thẩm mỹ lại là một chuyện khác.

Bởi chuyển hóa là cả một quá trình, đòi hỏi người nghệ sĩ phải xác tín và sống những điều xác tín. Đó không phải là sự thuộc lòng những tín điều, trưng dẫn uyên bác các khái niệm, nhưng là chứng nhân đầy hứng khởi và xác tín về những tư tưởng mình đã đón nhận. Bằng trọn vẹn hiện hữu của mình. Xác và hồn. Xúc cảm và lý trí. Ngôn và hành.

Nhiều thế hệ cầm bút Việt Nam đã thể hiện sự chuyển hóa đó. Một sự chuyển hóa lặng lẽ mà thấm sâu. Như ánh trăng và làn nước nên một trong đêm rằm trời quang mây tạnh. Như xác và hồn hiệp nhất thành sự sống.

Các thi sĩ Việt Nam thời Lý-Trần là một minh chứng cho sự dung nạp, chuyển hóa, điều kiện tiên quyết để văn chương đi đến thế giới tâm linh, sáng tạo nghệ thuật như một sự thực hành và thể hiện Đạo. Trường hợp của nhà thơ Tuệ Trung Thượng Sĩ là rất tiêu biểu. Ông tên thật là Trần Tung (hay Trần Quốc Tung 1230 - 1291), thuộc hoàng tộc nhà Trần, tước hiệu Hưng Ninh Vương, đồng thời là một thiền sư. Ông là người hướng dẫn vua Trần Nhân Tông vào cửa Thiền và có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của vị vua sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thi ca của ông là sự giãi bày tâm thế một con người tự do tuyệt đối, đã đạt tới cảnh giới giải thoát, siêu vượt mọi giới hạn. Nhưng phẩm chất Thiền nơi con người Tuệ Trung Thượng Sĩ lại cộng sinh với phẩm chất ẩn sĩ của Đạo gia và Nho gia, thể hiện một sự dung nạp ba nguồn tư tưởng Phật-Nho-Lão và chuyển hóa thành tư tưởng và cảm hứng thẩm mĩ độc đáo của riêng ông. Bài thơ Phóng cuồng ngâm cho thấy điều đó. Trích đoạn:

Thiên địa diếu vong hề hà mang mang
Trượng sách ưu du hề phương ngoại phương
Hoặc cao cao hề vân chi sơn,
Hoặc thâm thâm hề thủy chi dương
Cơ tắc xan hề hòa là phạn
Khốn tắc miên hề hà hữu hương
Hứng thời xuy hề vô khổng địch
Tĩnh xứ phần hề giải thoát hương
Quyện tiểu phại hề hoan hỉ địa
Khát bão xuyết hề tiêu dao thang (...)

dịch nghĩa:

Ngắm trông trời đất sao mà mênh mông
Chống gậy nhở nhơ ngoài thế gian
Hoặc đến chỗ núi mây cao cao
Hoặc đến chỗ nước biển sâu sâu
Đói thì ăn cơm hòa la
Mệt thì ngủ làng “không có làng”
Khi hứng thì thổi sáo không lỗ
Nơi yên tĩnh thì thắp hương giải thoát
Mệt thì nghỉ tạm ở đất hoan hỉ
Khát thì uống no thang tiêu dao (...)

Đoạn trích cho thấy một Tuệ Trung Thượng Sĩ tràn trề phong thái tự do tiêu dao, hành xử thuận theo tự nhiên. Không còn phân biệt núi cao rừng sâu, tất cả chỉ còn là tùy thời tùy tục, đói ăn mệt ngủ. Lẽ sống an nhiên của Đạo gia hợp nhất với tinh thần vô chấp của Phật giáo, thể hiện sự thẩm thấu và chuyển hóa nhẹ nhõm các nguồn tư tưởng khác nhau trở thành tư tưởng và cảm hứng thẩm mĩ của nhà thơ.

Một trường hợp khác: nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ông vừa là một nhà thơ siêu thực, vừa tràn trề cảm hứng tôn giáo. Nói đúng hơn, ông tìm ra phương thế sử dụng hình tượng nghệ thuật siêu thực để giãi bày những xúc cảm của mình về Đấng Siêu việt và Cõi Vô hình.

Cảm hứng tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử vẫn được nhiều người phân tích và chứng minh qua việc chọn ra những ngôn từ nhà đạo, những khái niệm, hình ảnh đậm chất Kitô giáo (khiến nhiều người cho rằng chỉ như vậy, hoặc chỉ cần vậy, mới là thơ đạo!). Trong khi đó Hàn Mặc Tử đã chuyển hóa xác tín Kitô giáo thành sáng tạo nghệ thuật của mình. Ngôn ngữ và hình ảnh thi ca của ông không phải là sự minh họa thô sơ và vụng về những nội dung nhà đạo, trái lại đã mang dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ sáng tạo. Niềm tin tâm linh đã đồng nhất, nên một với tư duy và cảm hứng thẩm mĩ. Nghĩa là, niềm tin không bị giới hạn trong ngôn từ, khái niệm tôn giáo, mà trở thành linh hồn của ngôn ngữ và hình ảnh thi ca. Một sự hòa điệu và hợp nhất của thi ca và đức tin. Bài thơ Siêu thoát là một trong rất nhiều ví dụ:

Siêu thoát
Mới hay cõi siêu hình cao tột bực,
Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao.
Xa lắm rồi, xa lắm, hãi dường bao!...
Ai tới đó chẳng mê man thần trí,
Toà châu báu kết bằng hương kỳ dị
Của tình yêu rung động lớp hào quang.

Những cù lao trôi nổi xứ mênh mang, Sẽ quy tụ, thâu về trong một mối, Và tư tưởng không bao giờ chắp nối Là vì sao? Vì sợ kém thiêng liêng. Trí vô cùng lan nghĩ rộng vô biên Cắt nghĩa hết những anh hoa huyền bí.

Trời bát ngát không cần phô triết lý Tợ ánh lai chấp choá những hàng châu Ta hiểu chi áng gió nhiệm mầu Những hạt lệ của trích tiên đày đọa?

A ha ha! Say sưa chê chán đã
Ta là ta hay không phải là ta?
Có gì đâu, cả thế với cao xa,
Như cội rễ của trăm nguồn đạo hạnh
Hớp rượu mạnh, máu càng hăng sức mạnh
Ôi điên rồi! Khoái lạc đến ngất ngư
Thương là thương lòng mình giận chưa nư
Hồn vội thoát ra khỏi bờ trí tuệ.

Bài thơ diễn tả trải nghiệm tinh thần của tác giả về sự hiệp nhất giữa vô biên và hữu hạn, vô hình và hữu hình: Mới hay cõi siêu hình cao tột bực / Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao và niềm khát khao của mọi thụ tạo mong được giải thoát khỏi thân phận mong manh, rồi sẽ bị cái chết đẩy vào hư vô: “Những cù lao trôi nổi xứ mênh mang, / Sẽ quy tụ, thâu về trong một mối, / Và tư tưởng không bao giờ chắp nối / Là vì sao? Vì sợ kém thiêng liêng”. Hàn Mặc Tử không làm thơ giáo lý, nhưng nhờ giáo lý, ông nhìn thấu thân phận con người, trong đó có ông, một cuộc đời và một tập thơ mang tên “đau thương”.

* * *

Như vậy văn chương về thế giới tâm linh phải là tiếng nói của con người mà tinh thần và hành động sáng tạo đồng nhất với hành trình cuộc sống được tâm linh hóa, nghĩa là trải nghiệm thế giới vô hình ngay từ những thực tại hữu hình của đời sống. Một hành trình chuyển hóa niềm tin vào Đấng Siêu việt và những giá trị siêu việt thành hiện thực cuộc sống của bản thân người cầm bút. Đó là cuộc sống xác tín những giá trị siêu việt và diễn tả những giá trị đó bằng sự phấn đấu thực thi công bằng - bác ái qua những việc hữu hình, trong cõi nhân sinh.

Vậy đó, những cây bút hiện đại ở nước ta, qua những tác phẩm viết về tâm linh, dường như chưa bước vào cuộc chuyển hóa này. Văn chương của họ mới chỉ hiện ra phần xác của chữ nghĩa, khái niệm, còn phần hồn của xác tín “tâm linh”, “tôn giáo” thì còn mờ nhạt và có phần khiên cưỡng.

Tuy nhiên, cũng phải nhận ra đây là một tín hiệu đáng mừng cho một nền văn chương vốn bị kềm hãm quá lâu trong một không gian khép kín, nay đang mở ra đón những luồng gió mới.

Những luồng gió trong cõi nhân sinh. Những luồng gió đến từ trời cao.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 83 (Tháng 7 & 8 năm 2014)

WHĐ (29.6.2021)



[1] Thư mời tham gia Hội thảo

[2] Hồ Anh Thái - Trả lời phỏng vấn báo Lao động cuối tuần, ngày 12-10-2002